T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Bích Huyền: Mùa Xuân Xanh hay Mùa Xuân Chín


(Bấm vào đây để nghe phần âm thanh)

Cảm nghĩ khi đọc hai bài thơ nói về mùa xuân của hai nhà thơ thời tiền chiến: Mùa Xuân Xanh của Nguyễn Bính và Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử.

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
đồng nàng và lúa ở đồng anh

Đó là những câu thơ trong bài Mùa Xuân Xanh của Nguyễn Bính.
Mùa Xuân Xanh đẹp như một bức tranh óng ả mềm mại ghi lại những nét xuân tươi vùng đồng bằng quê hương miền Bắc chúng ta.
Bằng nghệ thuật diễn tả qua ánh mắt, qua cảm xúc, Nguyễn Bính đã gợi ra màu xanh của mùa xuân với màu trời biêng biếc, màu lá non tươi, màu lúa nõn nà… “Mùa xuân là cả một mùa xanh” và với cả tình yêu đôi lứa ngọt ngào, quyến luyến.
Sau khi đã phác họa trên khung lụa bức tranh xuân với những màu xanh tươi mát của làng quê, sức sống muôn đời của vùng châu thổ miền Bắc, Nguyễn Bính bước ra khỏi “luỹ tre làng” với không gian rất êm, rất tĩnh đó…

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là chiếc thắt lưng xanh

Ôi, chiếc thắt lưng xanh mềm mại ôm sát vòng eo thon thả. Cho dù không gian và thời gian có biến đổi đến đâu, tình yêu nào dường như cũng bắt đầu bằng một hình bóng giai nhân. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, vẫn luôn luôn có hai người yêu nhau dệt bao mộng ước.
Nếu Mùa Xuân Xanh của Nguyễn Bính là bức tranh xuân của thôn quê miền Bắc thì Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử là bức tranh về mùa xuân của vùng thôn quê miền Trung…

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang

Khi khói mơ tan, chúng ta cảm nhận được mùa xuân đang độ chín.
Hình ảnh “làn nắng ửng, khói mơ tan” đã mở ra cả một trời xuân. Trong khoảnh khắc giao thời giữa cái “ửng lên” và cái “tan đi ”, sự chín tới của mùa xuân đã “lấm tấm” không gian như một trái chín ngọt lành.
“Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng” sao mà đẹp quá!

Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử không những được vẽ ra bằng cảm xúc và màu sắc mà còn bằng âm thanh nữa. Ôi, ước gì chúng ta được nghe cái tiếng sột soạt của màu áo biếc ấy! Có như vậy mới thưởng thức được hết vẻ đẹp khi nhìn thấy “bóng xuân sang”.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây

Tất cả cùng tạo nên một cảm giác chất ngất men say, một cảm giác “chín” dần dần. Cỏ thì hát tới tận cùng bát ngát của màu xanh. Và các thôn nữ thì củng hát tới tận cùng của tuổi xuân phơi phới. Lúc này, hội họa đã nhường chỗ cho âm nhạc cất lên. Mùa xuân đang chín từ trong tâm hồn. Âm nhạc và con người đã đạt đến cung bậc hòa quyện lẫn vào âm nhạc của thiên nhiên.
“Hổn hển như lời của nước mây” thì hồn nhiên nhưng lại cũng mãnh liệt vô cùng…
Thế nhưng trong bức tranh tươi sáng mùa xuân ấy lại thấp thoáng một nét nghi vấn bâng khuâng…

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang

Cái “sực nhớ” ở đây đã vẽ ra một không gian chói chang trong ánh sáng của kỷ niệm. Hình ảnh một người con gái gánh nặng cái tuổi “mùa xuân chín” của mình đi dọc dòng đời thăng trầm xoay chuyển. Liệu cô có chịu đựng nổi gánh nặng số phận đổ xuống đời mình hay không?
Cũng chính trong nỗi buồn đó lại ẩn giấu một ước mong.
Dù thế sự thăng trầm, con người vẫn vượt qua, vươn lên cùng đời sống…
Lối liên kết cảm giác, ý ẩn dụ, cách suy nghĩ từ thực tế đến ước mơ của Hàn Mặc Tử với bố cục chặt chẽ , và ý, tình cùng từ ngữ quyện vào nhau tạo cho bài thơ  không thiếu không khí Đường Thi…

Khép lại bài thơ, không biết quý vị và các bạn có cùng một cảm giác với người thực hiện chương trình: cứ bâng khuâng mãi về một hình bóng, cứ vương vấn mãi về một câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp:

Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Tiếng Hát Lênh Đênh của Tử Phác và Lương Ngọc Châu.
Với giọng hát điêu luyện của nam danh ca Anh Ngọc trong một ca khúc rất xưa nhưng không cũ bao giờ:
Hoa rung rinh chập chờn gió lướt bâng khuâng
Cho mềm cánh bướm phân vân
Bài hát và tiếng hát lênh đênh ấy khiến ta nghe lòng chùng xuống, mềm mại như một sợi dây đàn, và bâng khuâng như một cánh bướm phân vân.

Bích Huyền

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search