T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: LẰNG NHẰNG CÁI CHUYỆN CHÚC ANH ĐÀI

Năm ngoái hậu trường trang nhà T. Vấn & Bạn Hữu có một cuộc cười nho nhỏ. Đó là lý lịch của người viết Lưu Na.

Trang chủ T.Vấn rất thiệt thà, chỉ gọi “bạn trẻ” và không thắc mắc “nó” là gái hay trai. Trả lời một bạn văn trong nước, trang chủ cho biết “bạn trẻ” LN còn trẻ (hơn trang chủ và nhà văn ấy) cũng như không phải dân “kẹp tóc.” Một đại trượng phu của Cali nắng ấm hỏi thẳng “nó là gái hay trai?” kèm thêm một câu nhận định “chắc mới bị giật bóp,” trang chủ khẳng định đây là một “thằng” em tôi xin bác nhẹ tay.

“Thằng” em đó, “nó,” dẫu không muốn ai biết mình là ai, dẫu không gian dối, nhưng không nói thật và như vậy khó có thể xưng anh em với trang chủ. Bèn cãi cối cãi chày “don’t ask don’t tell.” Anh em cười rộ hóa ra “nó” là Chúc Anh Đài, trang chủ gõ nhẹ: don’t ask don’t tell quả là khẩu khí đàn bà.

Cái chuyện Chúc Anh Đài thành một cuộc cười nho nhỏ ở hậu trường của trang nhà rồi qua đi, nhưng cái chuyện don’t ask don’t tell không chìm xuồng và có lẽ còn lâu mới có kết cuộc.

Nước Mỹ, một mặt vẫn còn nghiên cứu xem “đồng tính” là số phận (do hoạt động sinh hóa trong quá trình sinh, thành) hay chọn lựa (một ý thích), một mặt tìm cách giải quyết vấn đề.

Nhu cầu được chấp nhận, được có tiếng nói, được bình thường hóa quan hệ ngoại giao (!) không nguôi thôi thúc, vấn đề hội nhập_chấp nhận người đồng tính trong chúng ta, người Mỹ cũng như Việt thực ra không phải là chấp nhận hay không mà là chấp nhận thế nào và mức độ nào.

Vì chữ chấp nhận khi đặt vào môi trường thực tế thử thách niềm tin của mình. Thí dụ như tại sở làm. Phillip đã trả lời, ừa_chớ còn gì nữa, khi nghe tôi nói Phillip trông đẹp trai nhưng hơi õng ẹo. Tôi thương bạn ấy hơn, quý bạn thêm vì sự thành thật. Nhưng cả bọn chới với khi xếp lớn lùa vào phòng họp để thông báo chính thức: từ nay Michael sẽ là Sarah, và sẽ dùng chung women’s lockerroom cũng như women’s restroom. Nhân viên nữ la làng, cái thằng cha đó (vì họ không thể xóa cái chuyện hắn là đàn ông) sẽ đứng bên cạnh mình trong chỗ riêng tư nhất. Phái nam không từ chối một phụ nữ trong chỗ riêng tư (lại chấm than), nhưng, với Sarah thì lại khác, không được đâu là không được đâu. Kết luận: Sarah phải dùng single restroom. Dù đã được chấp nhận, Sarah vẫn bị kỳ thị vì quá khứ từng là nam nhân. Cái kết quả đó buộc tôi tự hỏi, mình chấp nhận vấn đề đó tới bao nhiêu?

Giả như Sarah đến một nơi không ai biết mình thì có bị kỳ thị? Có. Khi tôi chuyển qua một chi nhánh khác, nơi không ai biết hay từng nghe đến chuyện Sarah thì vài tháng sau do nhu cầu Sarah cũng được phái đến vài ngày. Tóc dài, son phấn, quần áo là lượt, và giọng đã thanh tao hơn một chút sau nhiều năm được bác sĩ cho dùng hormone, người chung quanh vẫn nhận ra đây là hắn, và dĩ nhiên, lùi lại một chút. Làm sao được? Dẫu chọn lựa hay số phận thì cái việc đổi giới tính tự nó là một đối nghịch mà người chuyển giới mang theo mình suốt cuộc đời. Họ có thanh thỏa với chính mình không, phải để chính họ lên tiếng.

Nhưng còn những người khác, những người không có nhu cầu chuyển giới nhưng có nhu cầu sống với người đồng giới?

Đi ngược về trước, Kinh Thánh nhắc việc Chúa đổ lửa diêm xuống thành Sô Đôm vì tội ác của dân thành đó, bao gồm ý muốn xâm phạm hai nam thiên thần Chúa gửi xuống. Cộng đồng Việt Nam có người nhắc, trong sử Việt danh tướng Lý thường Kiệt là một hoạn quan được trọng dụng, và Lê văn Duyệt là một người ái nam ái nữ mà ngày nay chúng ta vẫn tới Lăng Ông để cầu bái. Đây là link ( http://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%E1%BA%A1n_quan) nói về những người hoạn quan hay người “bị khuyết tật,” cùng những quy chế cư xử với họ trong đời Lý, Lê-Trịnh, và Nguyễn.

Như vậy, vấn đề đồng tính dẫu chấp nhận hay không cũng đã thành hiển nhiên khi tồn tại trong các loại sử liệu và một số quy chế thành văn. Điều dễ thấy, là những quy chế đó có tính cách ban một số đặc quyền trong giới hạn cho những người yêm hoạn (castrate) hoặc “có khuyết tật,” nghĩa là chấp nhận với sự kỳ thị.

Trong Đường Xưa Mây Trắng do Thích Nhất Hạnh biên soạn cũng có phần nói đến việc Phật đã “kỳ thị” ra sao với phái nữ !!! Pháp chế Bát Kính (Thích Nhất Hạnh, Đường Xưa Mây Trắng. Lá Bối. Chương 45, trang 287-292) là một pháp chế kỳ thị người nữ, nhưng thực sự chính là cánh cửa phương tiện mở ra cho phép phụ nữ được xuất gia, được vào tăng đoàn, nghĩa là “giải giới” xã hội, dù chỉ một phần.

Đến thời buổi này và trên đất Mỹ này, có lẽ quy chế kỳ thị để chấp nhận hay chấp nhận với sự kỳ thị cần phải được cải biến/bổ sung để thích hợp với đòi hỏi mỗi cá nhân phải được tôn trọng trọn vẹn vô điều kiện với những quyền cơ bản của một con người. Xin nhấn mạnh nhóm chữ trọn vẹn vô điều kiện. Với tôi, điều đó mang lại ít nhiều đe dọa (tôi không nói rằng không chấp nhận được). Thử nhìn bức hình diễu hành của hội đồng tính trên San Francisco năm 2012

clip_image004

http://www.vuontinhnhan.net/forum/showthread.php?93875-L%E1%BB%85-Di%E1%BB%85u-H%C3%A0nh-Ni%E1%BB%81m-T%E1%BB%B1-H%C3%A0o-c%E1%BB%A7a-LGBT-%E1%BB%9F-San-Francisco

Dĩ nhiên đây chỉ là một hình ảnh một sự kiện cá biệt, nhưng nếu hội Lesbian, Gay, Bisexual, và Transgender (LGBT) cũng diễu hành như vậy trong ngày Tết truyền thống 2013 dưới Bôn Sa thì chúng ta nghĩ sao? Xin nói ngay, LGBT hay không thì Chúc Anh Đài cũng chết liền, dẫu mang tiếng hẹp hòi !!! Ngày Tết truyền thống, ngày văn hóa, chúng ta dù muốn đóng góp cho văn hóa của người Việt theo cách riêng cũng đâu cần đẩy nó đến chỗ “thách thức,” nhất là thách thức một việc (cái tôi và truyền thống) mà bàn cho tới nơi thì bên nào cũng thua? Giả sử ban tổ chức gồm những người giỏi về tổ chức chắc hẳn đã có những luật lệ hành xử chung cho mọi thành phần tham dự, dễ dàng cho LGBT được tham dự chung mà ban tổ chức sẽ không “hú hồn.”

Cái chuyện mà Trịnh Hội cho là chuyện riêng tư, chuyện bên trong phòng ngủ (Trịnh Hội, Bên Thua Cuộc. VOA blog. Feb 21, 2013. http://www.voatiengviet.com/content/ben-thua-cuoc/1608268.html), thực ra là vấn đề công, vấn đề ngoài xã hội, nhất là xã hội “In God We Trust,” vì nó đẩy đến chuyện nhỏ là phải chấp nhận những phô diễn nhức đầu như ở bức hình trên, cũng như chuyện lớn là tính cách pháp lý cho người đồng tính. Hợp thức hóa hôn nhân đồng tính thì dễ, nhưng định nghĩa chữ husband & wife phải được cải biến bổ túc? Và chúng ta có những chính sách gì cho việc giáo dục, phúc lợi, cũng như thông tin công cộng?

Công chúng thực ra đã có cách giải quyết hữu hiệu rồi. Đó là tương nhượng_ tôi không chống đối nếu anh không đòi sát nhập hàng ngũ, cứ làm thành phần thứ ba (!!!), cũng như tận dụng chữ nghĩa: các hãng bảo hiểm tư cũng như bảo hiểm nơi làm việc đều có phần cho phe ta kê khai trên giấy tờ về người partner, chính thức hay không không cần biết, để cùng được chi trả cho những dịch vụ y tế và để xác nhận quyền thừa hưởng, quyền quyết định những vấn đề pháp lý liên quan đến sức khỏe, tài sản, và con cái. Trong giao tiếp ta cũng đã quen và dùng chữ significant other trong những tình huống tế nhị hoặc không rõ ràng.

Cái tồn tại, là chúng ta không biết phải nghĩ sao và cư xử sao với truyền thống cũng như những nguyên tắc đã có, để căn theo đó mà giáo dục con em. Bỏ hẳn nó đi thì không xong; thay đổi thì chưa biết sao cho hợp lý (nếu không sẽ tựa như hình ảnh các cô gái mặc yếm màu mè rực rỡ, trang điểm um xùm, và mang guốc cao gót để gói bánh chưng); mà thêm hình ảnh đồng tính vào (những nguyên tắc và truyền thống) không chắc mang lại “chung sống hòa bình.” Hồi xưa Chúc Anh Đài đi học thì không đến nỗi loạn trường (không làm con trai mà đeo lông mi giả khóc lóc bù lu bù loa), Hoa Mộc Lan đi lính không đến nỗi loạn binh (không vừa múa thương vừa soi gương), chứ bây giờ trong tiểu đội có 2 chàng gay ngủ chung lều hay ôm nhau trước mặt anh em thì những chiến sĩ còn lại không biết sẽ đánh đấm ra sao nơi chiến trường.

Dù đã lỗi thời (bây giờ các chiến sĩ có quyền xưng mình là ai dù ai muốn biết hay không), giải pháp don’t ask don’t tell hàm ý một sự tương nhượng và có vẻ hữu hiệu cho mọi người trong xã hội chứ không chỉ là chuyện đùa vui, vì nguyên tắc tương nhượng (nghĩa là cả 2 bên đều phải nhường) cũng là một trong những nguyên tắc cần thiết cho việc chung sống hòa bình. Trong sự tương nhượng thì dù chưa thực thích nhau người ta vẫn phải kính trọng nhau, tôn trọng quyền lợi của nhau, cũng như mỗi cá nhân đều phải tự chế để tránh cảnh lỡ khóc lỡ cười.

Hết lằng nhằng cái chuyện Chúc Anh Đài don’t ask don’t tell, nghĩa là khẩu khí đàn bà đấy, bây giờ tôi lại ước chuyện trẻ con vớ vẩn. Phải chi Elizabeth Coastworth còn sống, biết đâu mình sẽ có một cuốn truyện từa tựa như The Cat Who Went To Heaven, Tổng thống Obama sẽ thôi khắc khoải (về nhân duyên của his “brothers and sisters”), và người Việt sẽ thôi cãi nhau.

Lưu Na

03/11/2013

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search