T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Lê Việt: Tình Ca (CD Nhạc)

” . . . Nhạc Trần Lê Việt theo sự hiểu biết của tôi, như mang âm sắc của loại tình ca sáng tác theo lối nửa như mang nét tiền chiến của những thập niên trước ’60, nửa như pha trộn kiểu thính phòng theo phong cách ’70, vì vậy tôi tin rằng những người nghe nhạc thuộc thế hệ tuổi tôi dễ có sự đồng cảm khi thưởng thức những bài hát có âm điệu trầm, ấm, ray rứt, có lời hát tựa như thơ hay chính là thơ gợi nhớ người nghe về một thời đã chìm vào dĩ vãng của mấy thập niên. Tôi cố dùng ngôn ngữ của riêng tôi để khỏi ám ảnh về lối viết quá trân trọng của T.Vấn khi giới thiệu về những dòng nhạc của bạn mình, một lối viết vì yêu bạn nên mới thể hiện bằng những từ ngữ trên tầm lối hành văn thường ngày để nhờ sức nặng của con chữ chuyên chở những cảm xúc, nhận thức khách quan nhưng đúng mức về sáng tác của Lê Việt. Đối với tôi, dù chỉ hai đĩa nhạc gồm 15 bài nhưng Việt đã gói ghém trọn tâm tư mình như một hoài niệm trân trọng quá khứ, có cái như vĩnh viễn qua đi, có cái như vật vờ ở lại, có cảnh cũ in bóng hình xưa, có kỷ vật như dấu chân lưu niệm, tất cả hội tụ lại khắc họa trong tâm thức Lê Việt niềm khắc khỏai ray rứt lắng đọng, nỗi dằn vặt trăn trở khôn nguôi qua những mảnh vỡ hiện thực của cuộc đời mà chỉ người trong cuộc với khoảnh khắc thời gian và không gian của riêng mình mới cảm nhận hết tầm sâu kín của nó. . . (Đỗ Xuân Tê)

1. Xuân Muộn – thơ Nguyễn Nhật Ánh

XUÂN  MUỘN

Thơ  NGUYỄN NHẬT ÁNH

Có một dòng sông

Nhủ rằng biển rộng

Tôi như bèo giạt

Nhủ rằng hư không

Ai xui chim én

Về bay ngang đầu

Ngày ba mươi tuổi

Không hiểu vì đâu

Tiếc rằng gặp gỡ

Mùa xuân muộn màng

Đành như sỏi đá

Suốt đời lang thang

Chia tay em nhé

Chiều xuống một nình

Tình như sương khói

Đi về mong manh

Ngày em quay lại

Mùa xuân đã già

Tôi như cỏ mọc

Cuối trời mưa xa


2. Bài Tống Biệt – thơ Ngọc Phi

BÀI  TỐNG  BIỆT

Thơ  PHẠM NGỌC PHI

Nhớ mùa xuân nào em đi

Hoa cúc hoa đào ngơ ngác

Chiều nghiêng tà áo vu quy

Mắt đời xôn xao luyến tiếc

Có chàng mặc áo tình si

Hát hòai câu ca tống biệt

Ôi em, mùa xuân sang sông

Lệ chảy hai hàng xanh biếc

Thương chàng một kiếp long đong

Bàn tay lạnh đầy sương tuyết

Nhớ câu thơ buồn mênh mông

Câu thơ đong đầy bóng nguyệt

Ôi em, mùa xuân sang sông

Như chim bay xa biền biệt

Áo chàng nay đã sương phong

Cung đàn rưng rưng mộ huyệt

Hư vô hai bàn tay không

Thiên thu một bài tống biệt


3. Đêm cuối cùng với biển – Nhạc Mỹ

ĐÊM  CUỐI  CÙNG  VỚI  BIỂN

Nhạc  MỸ

Biển yêu, mình xa cách rồi

Từ đây đành ra khỏi đời

Đường vắng một bóng đơn côi

Đời anh một tên lang bạt

Gặp em tưởng như bến đậu

Ngờ đâu đôi đứa đôi ngả đường

Còn nhau đêm nay thôi

Ôm nhau trong tay, gửi nhau ngàn mắt biếc môi ngon

Đừng nuối tiếc dĩ vảng

Bao nhiêu êm đềm, xin xem như ngọn gió thỏang qua

Dù đây là đêm cuối cùng

Đừng nói lên câu giã từ

Ngày mai chợt vướng thương đau

Còn anh đợi em suốt đời

Này em, niềm ưu ái ngàn năm


4. Ngừời về – thơ Ngọc Phi

NGƯỜI  VỀ

Thơ  PHẠM NGỌC PHI

Em yêu ơi, trong đêm có bước ai đi về âm thầm

Nghe xôn xao hay chăng tiếng gió khuya xào xạc lòng ai

Người chốn xa ngàn, em lá úa tàn

Nhớ đến nhau qua cơn mơ suốt đêm dài một bóng

Em nghe chăng, theo con nước hắt hiu thăng trầm ngựa về

Mang trong tim cơn mơ lắng sâu khua vang động hồn đau

Ngựa đã quay về, đêm tối não nề

Có biết chăng nơi xa vời gió mang lời thề xưa

Chờ đợi hòai nhau trong mơ chưa nguôi tiếc nhớ

Thuyền trần gian còn vương vấn không quên bờ bến

Nhớ mãi cung trầm, tiếng hát Dạ cầm

Câu hòai mong còn đó

Em nghe chăng, trong ta vẫn chưa quên tháng ngày phong trần

Bao gian lao không phai chí nam nhi tung hòanh trường sa

Trời sắp sang mùa, xuân tưoi đến rồi

Nước mắt ai chia đôi dòng cho vơi niềm chờ mong


5. Hoa Vu Lan – thơ Ngọc Phi

HOA  VU  LAN

Thơ  PHẠM NGỌC PHI

Anh tặng em một cành hoa trắng, rưng rưng mùa Vu Lan

Làm sao anh có thể quên dáng Mẹ hiền yêu dấu

Mắt Mẹ cười trong nắng và tiếng võng đong đưa…à ợi

Em tặng anh một cành hoa trắng, bao nhiêu mùa Vu Lan

Màu bông hoa trắng tâm tư

Mẹ đã bỏ ta đi

Về cõi Phật vô ưu, về đến cõi  thiên thu vĩnh hằng

Ôi thương sao tuổi năm mươi, còn mơ nằm trong vòng tay Mẹ

Với giấc ngủ êm đềm trên vạt áo nâu, thơm thơm mùi trầu cau

Ôi hương thơm trọn đời con, mùi hương không tháng ngày

Như những vui buồn của Mẹ, thầm lặng hy sinh cho xót xa đời con

Ta tặng nhau một cành hoa trắng, tạ ơn mùa Vu Lan

Để em cùng nghe với anh tiếng hát ru êm đềm của Mẹ

Và cùng ôm với anh, bông hồng trên ngực áo…trong mơ


6. Cứ ngỡ – thơ Lê Trần

CỨ  NGỠ

Thơ  LÊ TRẦN

Cứ ngỡ áo em bay thành gió

Gió núi hòai mơn man đồng cỏ

Em bây giờ đâu đó xa xôi

Cứ ngỡ bước chân em thành phấn quyện hương đưa

Hương phấn thơm dọc đường cuối ngõ

Trái tim anh như vành khuyên chép mỏ

Em bây giờ đâu đó xa xôi

Tóc em hong thành suối chảy mây trôi

Mây vẫn lội qua dòng suối nhỏ

Suối vẫn tuôn vào sông phù sa đỏ

Anh bây giờ như vẫn có em

Cứ ngỡ mắt em đen thành đêm

Gió núi vi vu bên ngòai cửa sổ

Phấn hương vào từ vùng hoa đang trổ

Đêm ru anh giấc ngủ bình yên


7. Căn Nhà Gỗ –  Ý Nguyễn văn Phương

CĂN  NHÀ  GỖ

Ý văn  NGUYỄN VĂN PHƯƠNG

Trên chuyến xe chiều lên Đà Lạt

Tôi ngồi buồn đếm những căn nhà gỗ chơ vơ

Và nhớ đến căn nhà xưa, nằm cheo leo bên bờ kinh Nhiêu Lộc

Một thời gia đình tôi, một đời tôi thơ ấu

Tôi nhớ tiếng rao đêm của Mẹ

Gánh hàng đầy đổi lấy bao hạnh phúc cho con

Và nhớ dáng Cha ngày xưa, còng lưng trên những vòng xe cơ cực

Vòng nào cho niềm tin, vòng nào cho ước mơ

Căn nhà gỗ của tôi, đã bao năm chôn chân trong bùn đen

Nhưng tâm hồn tràn đầy ý thơ, từng cơn gió hồn nhiên ra vào

Ngày nắng căn nhà nóng nung, hoa nắng rơi rụng khắp nhà

Ngày mưa vách gỗ sụt sùi, như rơi nước mắt, thương kiếp nghèo triền miên

Tôi nhớ những đêm khuya bên đèn

Tôi miệt mài sách vở cho mộng ước tương lai

Nhìn bóng ánh trăng vừa lên, nằm chênh vênh trên bờ kinh Nhiêu Lộc

Và thời gian dần trôi, đợi ngày tôi lớn khôn


8. Sài Gòn ngày trở lại

SÀI GÒN  NGÀY  TRỞ  LẠI

Khi ta về nhìn Sàigòn thật quen

Ngày đêm nào ta chẳng thấy trong mơ

Sàigòn ơi sao nhìn ta xa lạ

Bao năm rồi đâu phải mới hôm qua

“Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông “ *

Sàigòn nay không còn áo lụa

Cho ta nghe xót bỏng trong lòng

Có mấy ngã đường dẫn vào thành phố

Khi bước chân về bối rối bơ vơ

Biết  lối đường nào về vùng kỷ niệm

Tìm lại dùm ta dáng nhỏ quen xưa

Xin một lần nhìn lại người để nhớ

Rồi ngày mai rừng núi bọc đời ta

Chuyện tình xưa như mây chiều lang bạt

Mây xa xôi nên quá đổi vô tình

*thơ Nguyên Sa


9. Chợt nghe khúc nhạc xưa

CHỢT  NGHE  KHÚC  NHẠC  XƯA

Chợt nghe khúc nhạc xưa

Nhớ một trời quá khứ

Trên chiếc võng đong đưa

Trong vườn cây mát dịu

Buổi trưa hè hiu hiu

Nắng vàng qua khe lá

Chợt nghe khú nhạc xưa

Nhớ một thời chinh chiến

Dưới hào sâu chiến tuyến

Ôm súng gõ nhịp ca

Cùng bạn bè đồng đội

Chia nhau nỗi nhớ nhà

Khúc nhạc xưa nghe giữa chiều hoang vắng

Hồn tái tê nhớ một lần tuổi trẻ

Bao ước mơ vụt bay, ngày quê hương ly lọan

Tuổi trẻ úa tàn theo, giữa địa ngục hoang tàn

Điệu ca vẫn còn đây

Người xưa chừ đâu thấy

Thời gian cứ dần trôi

Cuộc đời thu ngắn lại

Điệu ca như điệu kinh

Còn vang mãi trọn đời

Trần Lê Việt: Tình Ca (CD Nhạc)

Đọc Thêm:

  Từ Kẻ lạ đến Tình ca

                                         (Hai Album của Trần Lê Việt)

Bẵng đi mấy chục năm tôi mới ‘gặp’ lại hai người bạn tôi quen, cặp bài trùng Lưu Bình –Dương Lễ của thời xã hội nhiễu nhương, đó là Trần Lê Việt và T.Vấn. Chúng tôi quen nhau trong tù sau một thời cùng màu áo lính, tuy tuổi đời tôi đáng vai anh. Từ chỗ quen thành thân, vương vấn nhiều kỷ niệm trong một môi trường cay nghiệt của những năm tháng ‘lưu đầy trên chính quê hương mình’ tại một trại tù vùng trung du gần Tam đảo. Chúng tôi hiểu nhau, đồng cảm và cùng chia xẻ những kỷ niệm còn sót lại của một thời về những người thân, người yêu, về thời trai trẻ, về một thành phố không thể nào quên. Bản thân tôi còn mắc nợ từ hai người bạn trẻ này về tư cách của họ, về sức chịu đựng, về tư thế không bị khuất phục có thể một phần do họ trẻ hơn tôi. Điều đáng nói là trong hai con người này, do có lúc làm chung một công tác tạm gọi là ‘văn nghệ trong tù’, tôi phát hiện tài năng tiềm ẩn trong họ, chưa biết sẽ phát lộ theo hướng nào, nhưng lại buồn vì chẳng còn dịp nào để thể hiện vốn quý này trong phần đời còn lại của họ.

Nhưng rồi vật đổi sao dời, chúng tôi may mắn là những kẻ sống sót. Đến nay thì T.Vấn đã thành danh, trở thành cây viết tạp ghi văn chương, chính luận có uy tín ở hải ngoại, có trang web riêng và được nhiều nơi, nhiều diễn đàn mời mọc góp bài. Trong khi người bạn chí cốt của anh là Trần Lê Việt đã có một số album nhạc tình ca, do chính anh sáng tác hoặc phổ nhạc từ thơ của bạn bè kể cả những bài thơ của chính anh. Tôi biết ơn tình cảm của hai người dành cho tôi và từ khi ‘gặp’ lại (chữ gặp cứ thêm dấu ngoặc chỉ vì ‘thân tuy chưa gặp, hồn đà thấy nhau), tôi đã có dịp đọc các bài viết của T.Vấn và nay lại có dịp nghe nhạc của T.L.Việt. Nếu tôi đã có dịp trao đổi trực tiếp với Vấn qua e-mail hoặc phone vì hai anh em có mẫu số chung trong lãnh vưc viết, thì nhạc của Việt đòi hỏi thời gian lắng lòng mình để cảm nhận được những lời phẩm bình của T.Vấn về quá trình sáng tác của Trần Lê Việt. Khen hay góp ý theo kiểu tán tụng nhau không phải là lối ứng xử của anh em chúng tôi, vì bản thân hai người bạn trẻ này họ rất ’khí khái’(khí khái cả trong miếng ăn miếng uống quà cáp trong tù), nhưng trong chừng mực nào đó tôi có quyền biểu lộ xúc cảm của  mình sau khi được nghe hai đĩa nhạc Kẻ lạ  và Tình ca mà Việt gởi cho tôi.

Tôi vốn là người thích nghe nhạc, dù không có năng khiếu về lãnh vực này, nhưng nếu nói về trình độ thưởng thức tôi dám tự nhận là người thính giả ‘biết nghe’, nhất là nhạc của Việt lại ‘kén’ người nghe. Nhạc Trần Lê Việt theo sự hiểu biết của tôi, như mang âm sắc của loại tình ca sáng tác theo lối nửa như mang nét tiền chiến của những thập niên trước ’60, nửa như pha trộn kiểu thính phòng theo phong cách ’70, vì vậy tôi tin rằng những người nghe nhạc thuộc thế hệ tuổi tôi dễ có sự đồng cảm khi thưởng thức những bài hát có âm điệu trầm, ấm, ray rứt, có lời hát tựa như thơ hay chính là thơ gợi nhớ người nghe về một thời đã chìm vào dĩ vãng của mấy thập niên.

Tôi cố dùng ngôn ngữ của riêng tôi để khỏi ám ảnh về lối viết quá trân trọng của T.Vấn khi giới thiệu về những dòng nhạc của bạn mình, một lối viết vì yêu bạn nên mới thể hiện bằng những từ ngữ trên tầm lối hành văn thường ngày để nhờ sức nặng của con chữ chuyên chở những cảm xúc, nhận thức khách quan nhưng đúng mức về sáng tác của Lê Việt. Đối với tôi, dù chỉ hai đĩa nhạc gồm 15 bài nhưng Việt đã gói ghém trọn tâm tư mình như một hoài niệm trân trọng quá khứ, có cái như vĩnh viễn qua đi, có cái như vật vờ ở lại, có cảnh cũ in bóng hình xưa, có kỷ vật như dấu chân lưu niệm, tất cả hội tụ lại khắc họa trong tâm thức Lê Việt niềm khắc khỏai ray rứt lắng đọng, nỗi dằn vặt trăn trở khôn nguôi qua những mảnh vỡ hiện thực của cuộc đời mà chỉ người trong cuộc với khoảnh khắc thời gian và không gian của riêng mình mới cảm nhận hết tầm sâu kín của nó. Cũng có thể, Trần Lê Việt chỉ muốn sáng tác cho riêng mình, một hình thức nhằm ghi lại những ý niệm đã được thai nghén từ lâu, những dòng  nhạc ngẫu hứng viết ra rồi bỏ túi, những lời nhạc nhẩm vội rồi tự quên, trong hoàn cảnh lao tù chưa có dịp thể hiện cụ thể. Nay thì nó là con đẻ của công sức nghệ thuật, dù tầm vóc của sáng tác tùy sự thẩm định đánh giá của người nghe, nhưng hẳn nhiên nó không còn là chốn riêng tư của  tác giả mà còn cần được chia xẻ xa hơn trong chỗ bạn bè, vì trong một ý nghĩa nào đó nhạc của Việt đã âm thầm ‘nói hộ’ nhiều điều mà chính những người cùng cảnh ngộ (trong đó có cả tôi) không thể nói ra hoặc không đủ khả năng thể hiện. Không ít những người trong số họ cũng có mẹ, người yêu, người thân, một nơi chốn sanh ra và lớn lên, rồi cũng có thời thơ ấu khó khăn, một thời nằm dưới chiến hào, một thời lưu đầy trên đất Bắc, cùng sống vật vờ những tháng ngày như kẻ lạ trên chính quê hương mình…

Nói về thi văn âm nhạc thì nó vô cùng, nhưng khái quát một cảm xúc thưởng thức bằng những tựa đề bài hát bài thơ ưng ý trong một chuỗi chủ đề tình ca xuyên suốt của tác giả trong hai album này thì phần nào chưa được trọn vẹn.Tuy nhiên khởi đi từ Thành Phố Lá Me Xanh cho đến Sàigon Ngày Trở Lại, mỗi bài hát mang một tâm sự riêng như một lời âm thầm nhắn gởi, một gợi nhớ xa xăm, một hoài vọng tiếc nuối, tuyệt nhiên ta không thấy một lời trách móc, một tiếng than van, tuy có lúc như kể lể, như tạ từ, như ‘cứ ngỡ’, nhưng tác giả luôn để dòng nhạc tự nó  diễn đạt niềm ray rứt, nỗi man mác, tâm trạng khắc khoải, cô đơn. Điều đặc biệt là khi nhớ về thành phố anh tha thiết đến độ được một lần quay lại dù phải ‘thở hơi cuối cùng’, cảm xúc yêu mẹ đến nỗi ‘tuổi năm mươi còn xin nằm trong vòng tay mẹ’, nhớ người yêu mà chỉ mong nàng là bóng đêm với gió ngoài cửa khung tù để ‘đưa hồn mình vào giấc ngủ bình yên’ thì những ý niệm quả là độc đáo ít thấy ở những lời thơ tiếng hát cùng một phạm trù thương nhớ! Mỗi nguời có một cách nhớ, mỗi cá nhân có nỗi hoài niệm riêng khi lần về vùng ký ức của một thời son trẻ, nhất là một thời mà chỉ qua đi chứ không trở lại, một đời mà chỉ mất chứ chẳng hề thua, cho nên nhạc của Việt phải được đáng giá đúng mức và cần được sự trân trọng khuyến khích từ các bạn bè để người bạn tâm đắc của mình có những tác phẩm hay, đẹp hơn cho đời, vì quá trình sáng tác là một sự miệt mài, và nếu để ý về mặt nghệ thuật có đôi chút khác biệt từ Kẻ lạ đến Tình ca. Cũng cần nói hai bản nhạc thể điệu Tango khép lại cho mỗi album là loại thể điệu khó viết, ít nhạc sĩ thành công trong sáng tác loại này, nhưng Lê Việt có đủ bản lĩnh và thính giả có quyền kỳ vọng. Tôi cũng xin chuyển lời trân trọng đến các nhà thơ có bài hoặc ý mà tác giả chọn lọc đã làm tăng giá trị của dòng nhạc mà Ngọc Phi, một thành viên trong bộ ba “xe pháo mã” như là gạch nối giữa nhạc và văn của V&V.

Đêm đã khuya, trời Cali hôm nay còn mát, nhưng trong tôi một cảm giác xao xuyến khó tả, hình  như tôi khóc do hệ qủa của tuổi già, qua điệp khúc của hai giọng nữ nhắc nhớ tôi về vùng ký ức khi cũng trở về thành phố của Việt cách đây hai mươi năm:

Có mấy con đường dẫn vào thành phố/khi bước chân về bối rối bơ vơ…

 

Viết tặng Trần Lê Việt

“thay cho lời cám ơn”

Đỗ xuân Thảo, Cali ngày đầu thu ‘08

 

©T.Vấn 2008

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search