T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TV&BH: Ngày này 40 năm trước – 29 tháng 3 năm 1973

Giới thiệu: “40 năm vẫn chưa làm phai nhạt được những hồi ức về chiến tranh Việt Nam”, đó là tiêu đề một bài báo của hai ký giả Jay Reeves và David Dishneau của hãng thông tấn AP nhân kỷ niệm 40 năm ngày người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Chúng tôi lược dịch, gởi đến bạn đọc TV&BH, để cùng nhau nhìn lại một sự kiện lịch sử có liên quan niềm vui nỗi buồn của rất nhiều người Việt Nam chúng ta (TV&BH).

Ngày này 40 năm trước, 29 tháng 3 năm 1973, những chiến binh Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Đó là một sự kiện vẫn còn ghi dấu ấn đậm nét nơi những người (Mỹ) đã từng tham chiến, đã từng có những họat động phản chiến và kể cả những người (Mỹ) đơn giản chỉ quan sát những gì liên quan đến cuộc chiến ấy xẩy ra.

Dù mãi hai năm sau, cuộc chiến Việt Nam mới được coi là chấm dứt khi Sài Gòn sụp đổ nhưng với nhiều người, ngày 29 tháng 3 năm 1973 vẫn được coi là ngày họ chấm dứt mọi dính líu đến cuộc chiến tranh ấy và đó cũng là điểm mốc làm thay đổi cuộc sống của họ.

Các chiến binh Mỹ rời bỏ mảnh đất đầy súng đạn với tâm trạng lo âu phải đối đầu với làn sóng người phản chiến hung hăng giận dữ đang chờ đợi mình ở quê nhà. Bộ đội cộng sản miền Bắc hân hoan nghe tin kẻ thù cuối cùng đã phải ra đi. Và người miền Nam Việt Nam có những quan hệ chặt chẽ với người Mỹ thì ưu tư cho tương lai của mình.

Ngày nay, cựu chiến binh Mỹ đã chứng kiến những thay đổi rất đáng khích lệ. Chính sách quân dịch dựa trên tình nguyện, chứ không phải cưỡng bức như hồi đó. Các chiến binh làm tròn nhiệm vu trở về được tiếp đón nồng hậu, chứ không hề bị nhạo báng, chế diễu như trước đây. Người ta đã biết thế nào là hội chứng chấn thương của tinh thần nơi những người lính xông pha trận mạc nên họ mong muốn chính phủ phải chăm sóc các cựu chiến binh một cách tương xứng, bất kể họ đã chiến đấu ở đâu, Việt Nam, Iraq hay Afghanistan.

Dưới đây là trích đọan những cuộc phỏng vấn với những người ít nhiều liên hệ đến cuộc chiến tranh Việt Nam.

Lòng yêu nước cần phải được xiển dương

Jan Scruggs – phục vụ ở Việt Nam hai năm 1969 và 1970 – cho rằng đài Tưởng Niệm các cựu chiến binh Việt Nam là dành cho những chiến binh đã tham chiến trong cuộc chiến tranh ấy, chứ không phải cho chính cuộc chiến tranh.

Hiện nay, Scruggs dành mọi nỗ lực cá nhân để bảo đảm rằng các cựu binh của cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan sẽ không bị quên lãng. Ông  đang vận động gây quỹ thành lập một trung tâm giáo dục ở khu vực bức tường đá đen, nơi sẽ lưu trữ và trưng bày kỷ vật, hình ảnh của 58,282 tử sĩ có tên khắc trên bức tường cũng như những hình ảnh của các tử sĩ của hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, Scruggs cho rằng tất cả những biểu thị của lòng yêu nước cần phải được xiển dương. “Cũng như với cuộc chiến Việt Nam, chúng ta cần phải phân biệt cuộc chiến tự nó với các cựu chiến binh. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, người ta đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh phục vụ đất nước của những người tham chiến. Người lính trên đường trở về sau khi đã can đảm đem tính mạng thi hành nhiệm vụ của tổ quốc đã được bảo hãy thay bộ quân phục bằng quần áo thường phục để tránh sự đối đầu với những nhóm người phản chiến. Họ đã quên rằng không một ai trong chúng tôi, những người tham dự cuộc chiến ở Việt Nam, có liên quan gì đến việc phát động chiến tranh ở đó. Chúng tôi chỉ đơn giản nghe theo mệnh lệnh của tổ quốc. Và chúng tôi đã hòan thành xuất sắc nhiệm vụ.”.

Quan tâm đến việc trở về

Dave Simmons là một viên hạ sĩ của quân đội Mỹ, phục vụ ở Việt Nam và hồi hương mùa hè 1970. Ông không còn nhớ gì nhiều đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến vì đó là những thứ Simmons muốn bỏ hết lại sau lưng.

Simmons cho biết, hồi ấy “chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến sự trở về, hòa nhập lại trong đời sống cộng đồng, kiếm việc làm và lấy vợ”.

Ông hãnh diện được phục vụ đất nước và sẵn sàng phục vụ lần nữa nếu được yêu cầu. Nhưng ngày ấy, thay vì trân trọng tinh thần phục vụ của ông, quân đội đã yêu cầu ông và các bạn đồng ngũ nên tránh đối đầu với những người phản chiến. “Khi máy bay hạ cánh, họ bảo chúng tôi nên thay thường phục. Nhưng vì không có sẵn thường phục, chúng tôi phải tìm mua ở những tiệm bán hàng kỷ niệm bên trong phi trường”.

Ngày nay, những chiến binh trở về từ Iraq, Afghanistan đã được dân chúng tiếp đón nồng hậu. Simmons vui mừng khi nhìn thấy như thế.

Với nhiệm vụ chủ tịch chi nhánh hội các cựu binh Việt Nam của tiểu bang West Virginia, Simmons đang ráo riết chuẩn bị ngày lễ tuyên dương các cựu binh của cuộc chiến Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày thứ Bảy 30 tháng 3 năm 2013 ở thành phố Charleston. Ông nói “Sẽ không bao giờ các thế hệ cựu chiến binh Hoa Kỳ chúng tôi quên lãng lẫn nhau. Chúng tôi ra phi trường tiễn những người lính trẻ lên đường. Chúng tôi có mặt khi họ ra đi. Chúng tôi cũng có mặt tiếp đón khi họ trở về. Ở nhà, chúng tôi quan tâm chăm sóc đến gia đình của họ. Tôi không bảo rằng thế hệ chúng tôi đã không được hưởng những sự chăm sóc ấy, nhưng thực tế, nếu có cũng chẳng được bao nhiêu”.

Nỗi hỏang hốt cứ dâng trào

Năm ấy, khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, Tony Lâm 36 tuổi, là một người chồng, người cha trẻ tuổi, và quan trọng hơn, Lâm là một thương gia có những họat động kinh doanh liên quan đến người Mỹ. Ông là nhà thầu ký hợp đồng với quân đội Mỹ cung cấp gạo sấy cho quân đội miền Nam. Ông còn điều khiển một nhà máy đóng cá hộp và xuất khẩu tôm đông lạnh.

Hồi tưởng lại, Lâm còn nhớ đến tâm trạng hỏang hốt của mình khi nhìn những người lính Mỹ rời khỏi đất nước. Ai cũng biết ông có quan hệ làm ăn chặt chẽ với người Mỹ, vì thế ông cần phải ra đi. Gia đình ông cũng vậy. Nếu không, ông có thể phải vào tù một khi cộng sản chiến thắng và bị kết tội làm gián điệp.

Hiện nay đã 76 tuổi, Lâm nói trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở Westminster, tiểu bang California “Chúng tôi không có cơ hội sống còn với người cộng sản, cho nên chúng tôi lo lắng cho sự an nguy của mình và của gia đình và của những người chung quanh”.

Nhưng Lâm vẫn không rời bỏ đất nước khi người Mỹ ra đi, vì lòng yêu tổ quốc và sự tin tưởng rằng rồi thì Việt Nam sẽ phục hồi lại sau chiến tranh. Cuối cùng, Lâm và gia đình cũng phải ra đi vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến trên một chiếc máy bay vận tải C-130.

Hiện Lâm sinh sống ở một khu vực có đông đảo những người đồng hương với ông, miền Nam tiểu bang California.

Năm 1992, Lâm trở thành người Mỹ gốc Việt Nam đầu tiên được bầu vào một chức vụ dân cử và phục vụ trong hội đồng thành phố Westminster suốt thời gian 10 năm

Nhìn lại 40 năm đã trôi qua, ông không thấy có gì phải hối tiếc khi bị buộc phải bỏ quê hương ra đi năm ấy để bắt đầu cuộc sống mới ở nước Mỹ. “Đang là một kỹ nghệ gia, tôi trở thành người làm công trong một trạm xăng”. Bây giờ, Lâm làm công việc tư vấn và là chủ một chi nhánh trong hệ thống quán bán cà phê và bánh ngọt Lee’s Sandwich rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt.

Những cơn ác mộng lại trở về

Những cơn ác mộng của Wayne Reynold trở nên tệ hại hơn khi gần đến ngày kỷ niệm quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Reynold, năm nay 66 tuổi, trong cuộc chiến Việt Nam đã phục vụ khỏang thời gian từ năm 1968 đến 1969 trong vai trò y tá tản thương trên trực thăng. Vào những ngày khốc liệt nhất, trực thăng của Reynold có khi phải thực hiện 4 hay năm cuộc đổ bộ xuống chiến trường để bốc những thương binh đem về bịnh viện.

Những hình ảnh khủng khiếp của những cuộc tải thương ấy trở về ám ảnh Reynold hàng đêm. Chúng trở nên không thể chịu đựng nổi mỗi khi có dịp khiến ông phải nghĩ ngợi về những ngày tháng ấy. Ông đã từng nhìn thấy rất nhiều người chết

Hiện nay, Reynold giữ nhiệm vụ chủ tịch chi nhánh hội cựu chiến binh Việt Nam tiểu bang Alabama 13 năm liên tiếp, và đồng thời cũng là thủ quỹ của hội cấp liên bang.

Như những bạn đồng ngũ của mình, Reynold hồi hương với tâm trạng của kẻ may mắn sống sót trong khi hàng ngàn chiến hữu khác của mình đã không được cái may mắn ấy. Đối phó với làn sóng người phản chiến sau khi được giải ngũ khiến cố gắng tự điều chỉnh mình trở lại cuộc sống dân sự của những người như Reynold càng làm mọi sự trở nên khó khăn hơn.

Ông kể “tôi thực sự đã bị tát tai khi bước chân xuống phi trường Chicago. Chẳng có ai đứng ra binh vực tôi cả”.

Chính vì mặc cảm tội lỗi (của kẻ sống sót) và sự đối xử tệ bạc ấy của công chúng mà Reynold đã lăn xả vào mọi họat động nhằm giúp các cựu chiến binh nhận được các chăm sóc y tế cần thiết. Ông cũng là một người hăng hái trong các chủ trương liên quan đến cựu chiến binh, và qua vai trò đó, ông sẽ xuất hiện trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày quân đội Mỹ rời khỏi Việt nam sẽ được tổ chức ở thành phố Huntsville, tiểu bang Alabama trong tuần này.

Phải mất một thời gian dài trước khi Reynold thực sự nhìn nhận quá khứ của mình. Nhiều năm sau khi hồi hương, Reynold không bao gồm thời gian phục vụ ở Việt nam trong các bản tiểu sử ghi đơn xin việc của mình và cũng không hề thảo luận với ai về đề tài này. Ông tìm mọi cách né tránh nó, quên lãng nó.

Không còn gì để thù hận nữa

Là một cựu chiến binh của bộ đội cộng sản miền Bắc, Hồ Văn Minh biết được tin quân Mỹ rút khỏi Việt Nam trong một cuộc họp với các cấp chỉ huy của mình tại một khu vực chiến trường ở miền Nam Việt Nam.

Cái tin vui ấy đã thổi một luồng sinh khí mới cho hy vọng chiến thắng của bộ đội cộng sản, nhưng với Minh, điều tệ hại nhất của cuộc chiến vẫn còn chờ đợi ông ở tương lai: viên cựu binh 77 tuổi này bị cụt chân phải vì đạp trúng mìn trong lúc hành quân tiến về Sài Gòn, chỉ một tháng trước khi thành phố bị gục ngã .

Hôm qua thứ năm 28 tháng 3 năm 2013, từ một viện bảo tàng quân sự ở thủ đô Hà Nội, Minh trả lời phỏng vấn “cái tin Mỹ rút quân làm cho chúng tôi tăng thêm sức mạnh. Người Mỹ bỏ lại sau lưng họ một quân đội miền Nam yếu kém. Tinh thần anh em chúng tôi lên rất cao và chúng tôi tin rằng ngày thành phố Sài Gòn được giải phóng đã cận kề”.

Minh còn nói thêm, với những người lính Mỹ ,ông không còn thấy có cảm giác gì gọi là thù hận dù cuộc chiến vừa qua để lại một nước Việt Nam bị tàn phá dữ dội với ước lượng khỏang hơn 3 triệu người đã chết.

Nếu được gặp một cựu chiến binh Mỹ, “tôi sẽ không cảm thấy gận dữ; thay vào đó, tôi sẽ bắt tay tỏ sự thông cảm, bởi vì họ bị bắt buộc phải chiến đấu ở Việt Nam”.

Về phần mình, Minh không thấy có gì phải hối tiếc: “nếu có kẻ nào đến đốt nhà mình, tất nhiên minh phải đứng lên đánh đuổi thôi”.

Hồi tưởng của một cựu tù binh

Hai tuần lễ trước khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, viên đại úy TQLC Mỹ James Warner được Bắc Việt phóng thích sau gần 5 năm rưỡi bị cầm tù. Với Warner, những năm tháng lao động khổ sai trong trại tù, cộng thêm với những cuộc tra khảo, càng củng cố niềm tin của ông, rằng nước Mỹ đã làm đúng khi tìm mọi cách ngăn cản sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản.

40 năm qua đã chứng minh rằng chìa khóa đi đến sự thịnh vượng chính là tự do cạnh tranh. Trả lời phỏng vấn từ một quán cà phê nhỏ ở thành phố Rohrersville, tiểu bang Madison, Warner nói rằng cuối cùng thì những điều mà ông gọi là lý tưởng đã chiến thắng, dù rằng phương pháp để đi đến sự chiến thắng lẽ ra có thể hữu hiệu hơn.

“Trung quốc đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội và dần dần cải tiến được nền kinh tế của họ. Việt Nam cũng hành động tương tự. Bức tường Bá Linh đã sụp đổ. Về thực chất, chúng ta đã chiến thắng. Lẽ ra chúng ta có thể chiến thắng nhanh hơn nữa nếu chúng ta biết cách kiên quyết hơn trong việc xiển dương chính nghĩa thay vì chỉ chiến đấu trên chiến trường”.

Warner, năm nay 72 tuổi, trước đây là sĩ quan cơ khí điện tử trong phi đội tấn công của TQLC Mỹ ở Việt Nam, bị bắt khi chiếc máy bay của ông bị bắn rơi trong vùng phi quân sự tháng 10 năm 1967. Trong thời gian là tù binh, ông đã có cơ hội so sánh hàng hóa sản xuất bởi các nước cộng sản như xẻng cuốc, dao cạo, những thứ ông được cấp phát, thua xa phẩm chất những món hàng được sản xuất từ Mỹ. Chính điều đó khiến ông càng củng cố niềm tin của mình.

“Cuộc chiến này rất đáng để chiến đấu”. Ông tin như vậy.

Nhà họat động phản chiến

John Sinclair bảo rằng ông cảm thấy “thật nhẹ nhõm” khi được tin quân đội Mỹ rút ra khỏi Việt Nam. Chống chiến tranh là nỗi đam mê của Sinclair, một người có những họat động văn hóa phản kháng xã hội, và là nguồn cảm hứng của John Lennon khi sáng tác bản nhạc “John Sinclair”.

“Ngay từ đầu đã chẳng có một chút sự thật nào về chiến tranh Việt Nam cả. Hồi đó, chúng tôi coi mình là những nhà cách mạng. Chúng tôi muốn sự thịnh vượng phải được chia đều. Chúng tôi không muốn chỉ 1 phần trăm dân số là những kẻ giàu có điều khiển mọi việc. Tất nhiên, chúng tôi đã thua”. Từ thành phố New Orleans, John Sinclair, người đồng sáng lập đảng Báo Trắng, một nhà thơ, một nghệ sĩ trình diễn, và hiện đang điều khiển một đài phát thanh phát trên mạng có căn cứ ở thành phố Amsterdam, Hòa Lan, đã nói như thế.

Cuộc chiến tranh Việt Nam còn góp phần tạo nên một khuôn mặt họat động phản chiến khác, thương gia hồi hưu John Snell, 64 tuổi, từ cách nhìn cuộc chiến ở Việt nam, đã tự đặt cho mình một nhiệm vụ là chống đối hết thẩy các cuộc chiến tranh. Hiện nay, ông là một người thường xuyên hiện diện trong các cuộc biểu tình phản chiến vốn bắt đầu từ rất lâu, trước cả khi hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan bắt đầu.

Sinh trưởng ở tiểu bang Michigan, Snelly tốt nghiệp trung học năm 1966 và sau đó được miễn dịch với lý do cá nhân. Thực ra, Snelly không phải thi hành một nghĩa vụ nào vì một dị tật ở chân khiến ông được miễn.

“Những năm tháng ấy đã góp phần hình thành nên cuộc sống của chúng tôi và chúng tôi đã nhìn thấy một thế giới bị hủy họai. Đó cũng là lần đầu tiên chiến tranh được diễn ra thực sự trên màn ảnh. Tôi nhớ mình mở báo ra xem hàng tuần, đọc được những cái tên quen thuộc từng học chung với nhau nay đã chết hoặc bị thương . Mọi việc đều trở nên điên đảo. Tôi cũng còn nhớ mình ngồi trong dãy phòng có khỏang 200 sinh viên, nhìn lên truyền hình đang diễn ra cuộc rút thăm xem ai phải nhập ngũ và cảm thấy chán nản mệt mỏi khi nghe những con số được đọc lên. Chắc chắn là cũng có những người tình nguyện nhập ngũ với tinh thần yêu nước sôi sục nhưng vào những năm 67 và 68 thì cũng có rất nhiều người không hề muốn dính líu chút xíu nào đến cuộc chiến tranh ấy.”

Jay Reeves and David Dishneau – Associated Press

( TV lược dịch)

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search