T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trương Huyền Trường: TUI IU TIẾNG NƯỚC TUI (1)

(Bài Một)

Ai mà chẳng yêu tiếng nước mình. Nói ra lảng xẹt. Nhưng cái sự “iu” của tui nó hơi mất bình thường, nên xin đuợc nói ra đây để quý vị hải ngoại chư quân tử nghe “láo” chơi. Cái sự bất bình thường ấy là tui không như cụ Phạm Quỳnh đấm ngực cái bốp kêu “ truyện Kiều còn, tiếng ta còn”. Nghĩa là tui không chỉ yêu cái hay cái đẹp cái thánh thót du dương mà còn yêu cái cục mịch thô lậu quê mùa, cũng như dân BĐ, PY yêu cái tiếng “nẫu” của họ vậy.

Trước hết hãy nói về tui, một ông già. Ai trông thấy tui cũng bảo là già quéo, già khọm bởi vì tui chẳng làm được gì ráo ngoài hai bữa cơm chỉ ngồi nhìn thiên hạ lại qua phơ phất. Khác hẳn với một ông nọ dù trời nóng hay trời lạnh, dù mưa hay nắng sáng nào cũng cởi trần vác một chiếc chiếu và một cây gậy đi tập dưỡng sinh. Người ta bảo ông ấy già mà còn gân, hay gọi tắt là già gân. Lại có một ông nữa còn gân hơn, đi tập dưỡng sinh lúc hai giờ sáng tại nhà một bà góa. Tuy bị người ta gán cho hai tiếng già dê, già dịch, nhưng tôi rất bái phục. (Điều mình không làm được mà người khác làm được thì phải bái phục chứ sao). Bởi như tui tập dưỡng sinh kiểu đó thì chẳng mấy chốc trở thành già cúp bình thiết như chơi! Tui cứ nghĩ mãi mà không hiểu ở đâu ra mấy tiếng cúp bình thiết rất ấn tượng nọ. Chắc là từ mấy ông thợ thiết ở chợ Dinh phịa ra. Số là có một dạo người ta coi cái tẹt mốt là món đồ quý giá nhất, sang trọng nhất, y như chiếc radô lúc nào cũng lủng lẳng bên hông. Cứ khách tới, việc đầu tiên là lấy tẹt mốt rót nước pha trà ngay trước mặt khách. (ý khoe ta đây văn minh, lịch sự lắm đó). Lâu ngày cái vỏ ngoài rỉ sét mục rã. Lúc ấy người ta bèn nhờ thợ thiết gò cho một cái vỏ để giữ cái ruột thủy tinh. Có phải vì cái sự vụ nọ mà lòi ra mấy tiếng cúp bình thiết nghe méo mó ngộ nghĩnh còn hơn là già si cốc đế?

Trên vừa nói tới già gân, tui quên mất có một người đã đi vào lịch sử. Đó là cụ già gân Trần Văn Hương. Cụ gân vì đi làm bằng xe đạp chứ không thèm đi ô tô dù cụ làm ở dinh thủ tướng. Cụ nổi tiếng bởi câu nói bất hủ: “ chống tham nhũng thì lấy ai mà làm việc “ và câu thơ “ ngồi buồn gãi háng dái tăn tăn “(xin lỗi quý vị nữ lưu nếu lỡ tò mò đọc tới chỗ này).

Ngoài những tiếng già quéo, già khọm, già gân, già xi cốc đế, già cúp bình thiết còn có ba tiếng già mà ham nghe cũng “đã” tai lắm. Mấy tiếng này chắc là để dành cho quý bà đay nghiến đức ông chồng trong những đêm thanh vắng!

Già thì đủ thứ khổ. Mà cái khổ nhất là sự nghèo. Cụ Trần Tế Xương đã có lúc nói tướng:

Người ta hơn tớ cái phong lưu

Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo!

Cụ tươi tỉnh được, cười cợt được, ấy là nhờ có cụ bà “lặn lội thân cò khi quãng vắng” để “ nuôi đủ năm con với một chồng”. Cụ không đến nỗi nghèo rớt mồng tơi! Chao ôi, mồng tơi là cái gì mà phải rớt vì nghèo? Đâu có phải mồng tơi chín đỏ, con thỏ nhảy qua, bà già ứ hự ! Vậy chắc là mồng gà. Nhưng nói nghèo rớt mồng gà nghe có vẻ tục tĩu không thanh cao bằng nghèo rớt mồng tơi.

Cái bất hạnh của con người quả là nhiều. Mà cái bất hạnh thầm kín nhất, đau đớn nhất, ấy là cái sự xấu. Trái với đẹp như tiên, đẹp như mơ là xấu như ma lem, xấu như Chung Vô Diệm. So sánh như thế thì cháy ruột cháy gan, nhưng nghe cũng còn được đi. Chứ xấu đen xấu đỏ thì xấu ra làm sao? Ở đâu mà ra cái tiếng lạ lùng thế? Hai cái màu đen và đỏ mà đi với xấu sao nghe nó tàn mạt cùng cực, muốn chết quách cho rồi!

Kính thưa hải ngoại chư quân tử, nghe cách iu của tui, chắc là quý vị rủa thầm: đồ cà chớn! Đúng vậy, vì tui cứ cà rỡn, cà tửng. Cũng may là tui không nói cà lăm và không đi cà nhắc. Cũng có thể quý vị bảo tui là đồ cà tàng, nói gì thì nói mẹ cho rồi, chứ cứ cà rịch cà tang phát sốt ruột! Thực ra thì tui đang hầu quý vị. Chẳng lẽ nãy giờ quý vị không cười được một tiếng sao, cho dù quý vị cười ruồi, cười mỉm chi, cười khẩy hay cười ha ha. Như thế tức là mua vui cũng được một vài chai bia. Nếu không uống bia được thì uống thuốc bổ (một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ).

Tui vừa nói tới cái tiếng đồ. Theo tui, đó là cái tiếng kỳ lạ nhất trong tiếng Việt của mình. Vì sao? Vì nó đi tới đâu, đứng đâu, ngồi đâu là gây ra tai hoạ, xấu xa, nhục nhã tới đó. Ngoài câu đối bất hủ chửi thẳng vào mặt quan: Miệng nhà quan có gang có thép. Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm! Còn có biêt bao nhiêu tiếng đồ toàn là để mắng chửi, trút giận. Chẳng hạn đồ chó chết, đồ con heo, đồ mấy dạy, đồ ba que xỏ lá, đồ mắc dịch, đồ toi đâm, đồ đá cá lăn dưa, đồ ngụy quân tử, đồ đạo đức giả, đồ bán nước, đồ Việt gian, đồ đứng đường, đồ đĩ thõa, đồ cờ gian bạc lận…

Thôi tạm dừng, kẻo quý vị lại mắng đồ nói dai như đỉa!

(Còn tiếp)

Trương Huyền Trường

( Một ngày như mọi ngày)

 

 Bài hai  Bài Ba   Bài Bốn

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search