T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hồ Hòang Hạ: SÀI GÒN, ĐÊM CUỐI CÙNG, Ở LẠI

 

 

Dường như có tiếng quẫy đuôi của vài ba chú cá nào đó liên tục chạm vào mạn tàu, ngay phía dưới ca-bin tối lù mù, chỗ tôi vừa ngã lưng cho qua cơn mệt mỏi và buồn ngủ tích lũy từ suốt mấy ngày qua. Trong đêm thanh vắng, mịt mùng âm u, tiếng nước bị xé bì bõm bởi loài thủy ngư nghe cứ rõ mồn một bên tai, từng chập từng chập, một cách hối hả bức bách như có ý kêu gọi, cầu cứu. Hay là mấy con cá tội nghiệp nào đó cũng muốn xin được lên …tàu để di tản ?!…Dù người ngợm rệu rã, đầu óc nặng chình chịch những âu lo diệu vợi, tôi vẫn suýt cười thầm ra nước mắt về cái ý nghĩ bi quan tếu vừa thoáng qua đầu. Mấy con cá khốn khổ chết bằm này, vốn có thừa khả năng, sao không theo giòng sông bơi thẳng ra cửa biển  để tránh cái cảnh tranh tối tranh sáng, lưới chài bủa chụp khắp nơi sắp diễn ra, lại quấy rầy chi giấc ngủ chập chờn của dân di tản vì biết chắc rằng không thể nào sống được trong nước ao tù, trong sóng cuồn thác lũ theo cách…chịu trôi theo giòng nước như chúng bây! Hay là lũ cá dưới nước linh cảm sắp có một cuộc bể dâu đổi dời, đất trời đảo ngược, không còn chốn sông nước để chúng dung thân sao đó, nên mới hốt hoảng rối rít tìm cách tháo thân cho kịp trong đêm nay, cũng nên. Nếu thế, có khác chi tình huống của hằng trăm ngàn con dân trong thành phố này, cuống quýt bồng bế, kéo nhau lên phi trường, chạy ra bến tàu, thậm chí xô đạp lên nhau ở trước cổng tòa đại sứ Mỹ, nơi có những chiếc trực thăng đáp trên nóc tòa nhà để bốc người di tản mà chính mắt tôi chứng kiến lúc ban chiều…

Mãi miên man với những ý tưởng nặng nề chen chúc trong óc, tôi không tài nào chợp mắt được dù chỉ vài phút. Nhắm mắt là chỉ để nhắm mà thôi! Và trong cơn thiêm thiếp ngủ chẳng ra ngủ, thức không ra thức này, cơ thể tôi như bềnh bồng nhấp nhô trôi trên những giòng hoài niệm , lúc thì từ gần đến xa, khi lại từ xa đến gần, liên tiếp không dứt.

Thời cuộc, tình thế đưa đẩy đến lạ lùng, buộc tôi phải có một quyết định cấp thời để được việc, ngoài sự mong muốn tự thâm tâm. Tôi vốn không thích chốn sông nước ngay từ thuở nhỏ, không hiểu tại sao, nếu chưa muốn nói là kỵ. Do đó mà cả đời không hề có dịp lên ghe thuyền hay đáp tàu  sang sông, ra biển. Thực ra, thời thơ ấu, cũng có đôi ba lần tôi được theo ông anh thứ ba, từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long để thăm anh hai tôi, lúc đó là lính thủy, tàu neo thường xuyên ở đó. Tất nhiên phải đáp phà ở bắc Mỹ Thuận hai lượt, đi và về. Nhìn giòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy như muốn chực nuốt gọn con phà, bàn tay tôi cứ víu chặc cánh tay ông anh cho đến khi tới bờ, chẳng một giây dám rời. Thú thật, tôi chẳng thich sông thích suối chút nào kể từ thuở ấy, dù chưa hẳn đã ý thức được thế nào là sự hiểm nghèo của lội  suối, qua sông. Sau này, khi lớn lên, đọc và nghe được nhiều, tôi nghiệm ra rằng, con người ta vốn sợ lửa hơn sợ nước; chính vì vậy con số nạn nhân bỏ mạng vì nước dường như thập phần hơn hẵn số người chầu trời vì…bà hỏa! Bởi thế, tôi càng kiêng dè…nước nhiều hơn. Vậy mà, chỉ chưa đầy một tháng trước đây thôi, cùng với đám đệ tử trong trung đội tâm lý chiến và vài cô chính huấn từ đơn vị ở Qui Nhơn, theo đường bộ một lèo về tới Bình Tuy, rồi ở đó tôi phải đành chịu lên tàu tại bãi Tầm Dương để về Vũng Tàu. Chẳng còn cách nào khác. Ngả ba Bình Tuy đi vào Long Khánh, theo quốc lộ một, bị rào chặn ngang bởi một dãy thùng phuy đầy cát. Tất cả xe cộ di tản từ  miền Trung vào, bắt buộc phải quẹo trái để vào Bình Tuy. Mọi người đều hiểu rằng, nếu tiếp tục theo quốc lộ một về Sài Gòn có nghĩa là tự sát, là tình nguyện làm bia hứng đạn Việt cộng ở khúc Rừng lá. Chẳng sao tránh khỏi!

Chiếc tàu mà tôi trèo lên ở ngoài khơi biển Bình Tuy, sau khi cũng trèo lên một thứ phuơng tiện thủy vận nhỏ hơn, loại dành cho thủy quân lục chiến đổ bộ hay gì gì đó tôi không rành, nó to khủng khiếp. Tôi nhớ đó là chiếc 500 hay 504 gì đó. Là dương vận hạm, ngó thật vững chãi và an toàn như một pháo đài hay chiến lũy trên biển chứ chẳng phải thứ tàu chạy trên sông, cùng lắm là bám theo ven biển, mà anh hai tôi là thuyền trưởng, nơi tôi đang ngả lưng đêm nay. Có một điều, chẳng hiểu tại sao không hề nghe ai trong giới hải quân gọi cấp chỉ huy cao nhất trên một chiếc tàu vừa vừa là…tàu trưởng? Tàu to như mấy chiếc năm trăm dương vận hay mấy chiếc Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng… chuyên tuần dương chẳng hạn, thủy thủ gọi xếp lớn đại bàng là hạm trưởng. Nhưng tàu nhỏ, cũng là tàu, chuyên chạy trên sông, cùng lắm là theo rìa biển, thì chỉ huy lại chỉ được gọi là…thuyền trưởng  mà thôi. Như anh hai tôi chẳng hạn. Trong ý nghĩ, tôi cho rằng thuyền thì phải nhỏ, đại loại như…ghe là cùng. Nhưng anh hai tôi là thuyền trưởng của một chiếc tàu thuộc loại…há mồm được. Trông cũng bề thế lắm!…

Sụp tối đêm nay, khi cùng với mấy anh em trong gia đình đặt chân lên sàn tàu ông anh, tôi cảm thấy an tâm vô cùng. Chắc chằn nó không thể nào…chìm  nỗi! Nó dư sức chạy một mạch ra khơi, quẹo sang ngả Thái Lan hay trực chỉ phía Phi Luật Tân để có thể được rước bởi rất nhiều tàu thuộc Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ đang án ngữ ngoài khơi. Anh hai tôi cam đoan như vậy. Nhưng trước tiên, vẫn là để tránh cái cảnh tranh tối tranh sáng nếu quân cộng sản tràn vào được Sài Gòn. Có gì chắc chắn tránh khỏi một vụ trả thù, tàn sát quân dân thành phố theo kiểu cách Tết Mậu Thân ở Huế năm nào mà Việt cộng đã thực hiện. Anh em tôi không ai quá bi quan nghĩ tới điều này. Nhưng mấy ngày cuối cùng của Tháng tư, khi xem và nghe tình hình thời sự trên truyền hình, thấy căng thẳng và có thể nguy ngập cho Sài Gòn, song thân tôi giục tất cả đến nhà anh hai tôi trong cư xá Cửu Long để ẩn trú; lỡ có bề gì thì xuống tàu được nhanh, lấy lý do anh em tôi đếu là lính tráng. Hơn nữa, xóm nhà tôi ở là khu bình dân lao động, nằm vùng Việt cộng chắc chắn có. Bởi lẽ, thỉnh thoảng vẫn có truyền đơn xách động của chúng lén rải đầy trong đêm. Nghe song thân bàn, anh em tôi cũng chột dạ. Từ chiều 28 đã rủ nhau kéo hết đến nhà ông anh hai, người nào trang phục binh chủng của người đó. Trừ một trong những thằng em tôi là dân Nhảy dù, còn ở lại với đơn vị của nó ở miệt Trảng Bàng Củ Chi hay Đức Hòa Đức Huệ gì đó. Dân nhảy dù thì luôn dũng cảm bám trận địa, chiến đấu phải biết!…

Vào ở trong trại Cửu Long cũng thuận tiện cho tất cả anh em tôi. Trừ anh hai, anh ba tôi là dân tài xế lái xe cho mấy xếp lớn tùng sự ở Nha Quân Pháp tại Bến Bạch Đằng. Một ông anh họ là thiếu tá quân chủng hải quân nhưng chỉ làm việc trên bờ. Còn ông anh rễ cũng là sĩ quan hải quân trung úy, làm việc trên tạm trú hạm xéo xéo Bộ tư lệnh Hải quân. Thêm một thằng em khác của tôi, cũng dân hải quân, trung sĩ nhất với nghề hoa tiêu lái tàu. Riêng tôi, là dân Chiến tranh Chính trị, đơn vị di tản từ ngoài Trung về, được tái bố trí và tạm đóng trong vòng thành Cục Tâm lý chiến, bên hông sở thú. Như vậy, tất cả, nếu cần tới đơn vị mình hằng ngày, sẽ được gần hơn so với chỗ ở của gia đình, tận bên  khu Hàng Keo Gia Định.

Từ lúc đơn vị tôi, Tiểu đoàn 20 CTCT. về tạm đóng nơi doanh trại cũ của Tiểu đoàn 50 CTCT., trước đó vừa giải thể, hằng ngày tôi vẫn  phải đến hiện diện nghe ngóng, chờ lệnh. Cho đến xế chiều 29 Tháng Tư, khi hằng đoàn trực thăng bốc người di tản vần vũ trên không phận Sài Gòn với câu mật lệnh phát qua luồng sóng nào không rõ, nhưng nghe được từ chiếc radio nhỏ tôi luôn mang theo người kể từ lúc chạy từ ngoài Trung về hồi đầu tháng. Mật lệnh mà lúc ấy, khi nghe được tôi cũng chỉ tưởng là luồng sóng phát thanh bị trục trặc hay bị phá gì đó. Đại khái câu mật lệnh đó đề cập đến một mùa Giáng sinh trắng êm đềm đã đến (?)…Nội dung câu trên được lặp đi lặp lại liên tục, nghe đến bực mình vì không hiểu gì hết! Tôi lôi chiếc máy ra khỏi túi áo treilli đổi ngay băng tần đang phát. Nhưng chỉ nghe toàn âm thanh lè rè, không bắt được một luồng sóng đài nào khác…

Lúc đó tôi bực mình cũng phải. Nguyên là, lúc xế chiều, tôi mượn chiếc xe đạp, loại xe đua, của con ông anh hai để đi tới đơn vị. Lúc quẹo phải, từ sân sau Cục TLC để sang phía đơn vị, nơi có chiếc cổng sắt khép hờ thì bất ngờ có một chiếc Honda của một quân nhân nào đó từ bên kia cổng vọt nhanh sang. Tôi bẻ lái tránh kịp nhưng do thắng không ăn, chiếc xe đạp đâm thẳng vào trụ xi măng của chiếc cổng! Hậu quả: xe gẫy đôi nơi phần cổ dưới tay cầm. Tôi ngã chỏng gọng, nhưng may mắn không trầy sướt gì. Doanh trại lúc đó vắng teo, tôi không nhìn thấy ai ở ngoài ngoại trừ tay lái Honda. Hắn ngoái cổ nhìn tôi bằng một nụ cười cầu tài, không thiện cảm nỗi, rồi vọt xe chạy thẳng…

Sau giây phút hú vía vì tai nạn bất ngờ, nhìn quanh không thấy một bóng áo phe ta, tôi đâm rét, lật đật lôi hai phần gẫy lìa của chiếc xe, lếch thếch kéo về. Mệt ứ hơi mà dọc đường chẳng thấy có một tay sửa xe đạp lề đường nào như mọi ngày trước. Trực thăng thì cứ lạch tà lạch tạch trên đầu. Chẳng biết sắp diễn biến thêm chuyện gì ngoài chuyện biết chắc rằng cộng quân đã áp sát Sài Gòn, tạo áp lực nặng ở nhiều nơi cửa ngỏ thành phố. Chẳng thế mà chiều qua và sáng nay, đã có một vài quả pháo của cộng quân rót vào một vài khu cư dân đông đúc bên Bà Chiểu, ở Khánh Hội, trên Tân Bình, phía Gò Vấp, miệt Phú Lâm…Ngay như khu vực Thị Nghè, sát trại Cửu Long, cũng lãnh hai ba trái cối 82 ly. Như vậy, rõ ràng tình hình đã dầu sôi lửa bỏng đến nơi!…

Khi tôi về đến nhà, không ai quan tâm hỏi han gì đến chiếc xe đạp tại sao cớ sự, lại đề nghị nên về gặp ông bà già lần chót, nhân tiện tiếp tế lương thực. Chả là, đêm qua tối 28, lao xao nhốn nháo cả khu trại Cửu Long lẫn cư dân bên ngoài, kéo nhau đi lấy thực phẩm.Cả một dãy nhà kho chứa lương thực, nằm dọc nhánh sông Sài Gòn, bên trong chân cầu khoảng vài trăm mét, không hiểu ai đã mở banh cửa sẵn. Vậy là bà con, dân có lính có, già trẻ lớn bé, hằng đoàn lũ lượt, ùn ùn kéo đến khu nhà kho lấy “đồ ăn” tự do. Những nhà kho chứa lương thực và hằm bà lằng thứ này, do Mỹ dựng lên theo kiểu nhà tiền chế lắp ghép, mỗi cái nó rộng dễ gì cũng cỡ bằng gần nửa cái sân đá banh. Còn lương thảo chứa bên trong thôi thì, không biết cơ man nào mà kể. Trong bao, trong bịch, trong hộp, trong chai, trong thùng gỗ, thùng nhựa, thùng cạc-tông…đầy ăm ắp, san sát nhau, chồng lên nhau.. Có chỗ chất cao lên gần đỉnh nóc. Nhưng tất cả đều là thực phẩm Mỹ. Có lẽ chẳng thiếu món gì!?…Người “hôi” đông như kiến cỏ. Mà núi kho thì tràn trề. Từ chập tối đến sáng mà các kho chẳng vơi đi bao nhiêu. Nhóm anh em tôi, tất nhiên không tránh khỏi không có mặt. Thấy người ta đi “đông vui” thì mình cũng hào hứng đi. Vả lại, nhờ thế thần kinh đỡ căng thẳng hơn là nằm trong nhà trằn trọc chờ đợi tình hình diễn biến bên ngoài. Chứ có ngủ nghê gì được khi đại bác chốc chốc lại vọng về, càng lúc càng gần. Một ông anh và thằng em cùng đứa cháu đi “lấy” mệt nhoài mới thôi. Còn tôi, do ốm yếu, chỉ đứng ngoài giữ hàng lấy được. Tuy nhiên, chỉ sau hai tiếng đồng hồ, căn nhà anh hai tôi đã trở thành một…nhà kho nhỏ. Mà dường như mấy nhà xung quanh tôi nhìn thấy được, cũng vậy!

Sau khi mang một mớ lương thực…Mỹ cho về nhà ông bà già, anh ba tôi, với chiếc vespa cà tàng, chở tôi đi một vòng thành phố xem tình hình. Trời sắp nhá nhem, thành phố đã lên đèn, nhưng toàn cảnh chung, có một vẻ gì u ám thê lương và nháo nhác hối hả đến hãi hùng. Một chiếc trực hăng đang chao lượn trên nóc tòa Đại sứ Mỹ nơi góc đường Thống Nhất và Mạc Đỉnh Chi. Bên dưới, nơi mặt tiền tòa nhà này, đông nghịt người xô đẩy, leo trèo, la hét. Chiếc cổng thì lúc khép lúc hé mở để quân cảnh và TQLC Mỹ nai nịch, trang bị súng ống tận răng, soát giấy tờ, nhận diện cho người vào. Tôi còn nghe được cả tiếng khóc và chửi bới của những người dân thường bị xô lấn, thẳng tay gạt ra hay bị chèn đạp. Bức tranh thật khốn khổ, cùng cực. Chỉ vì không ai muốn mình phải sa cơ, ở lại với Cộng sản, ngộ lỡ khi Sài Gòn thất thủ. Ra đến bến Bạch Đằng, khung cảnh cũng chỉ là “toàn dân thành phố bỏ chạy”. Tôi thấy có mấy chiếc tàu còn neo ngoài xa, chưa di chuyển. Có cả chiếc tàu lớn hôm chở tôi từ Bình Tuy về Vũng Tàu. Tôi ngó thấy hầu hết trên các tàu đã đông nghẹt người. Nhà binh cùng thường dân lẫn lộn. Không hiểu bằng cách nào họ đã lên được vì lúc đó tôi không thấy có ghe thuyền nào vào rước người đưa ra. Mà trên bờ thì còn cả hằng ngàn người chen lấn, thét gào một cách vô vọng.

Anh ba tôi buột miệng:”Mình quay về giục anh hai đi thôi. Không còn kịp nữa đâu!”.

…Lúc về đến nơi, cả nhà cũng đã sẵn sàng. Anh hai tôi còn rầy rà sao chúng tôi đi đâu lâu quá làm cả nhà phải chờ. Trời tối hẵn lúc anh em tôi xuống tàu ông anh, neo tận cùng trong doanh trại Cửu Long, nơi có thể nhìn rõ mồn một toàn cảnh bến Bạch Đằng. Có cả bà chị dâu kế của tôi và một đứa con trai. Còn một đứa lớn nữa đang học tại trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, chưa về kịp. Chắc kẹt.

Lúc xuống tàu tôi thấy trên tàu đã có lố nhố thủy thủ, lính của ông anh. Có cả gia đình một ông thiếu tá hải quân gồm vợ và ba bốn đứa con đến xin anh tôi, chỉ mới là thiếu úy già, cho xuống tàu. Anh tôi đồng ý nhưng yêu cầu ông ta tự cởi lon cất. Ông ta răn rắc làm theo. Có lẽ vị thiếu tá này hiểu, phải làm vậy để anh tôi dễ chỉ huy.

Sau khi cho tập họp thủy thủ ban lệnh lạc gì đó xong, ông anh kéo mấy anh em tôi đi chỉ chỗ nằm ngủ, ngay phía dưới, gần chỗ buồng lái, dặn dò một vài điều. Anh còn kín đáo đưa tôi một khẩu P 38, loại súng cá nhân của các pilot thường xử dụng, không rõ anh xoay từ trước ở đâu, và dặn:”Em cất tự vệ. Tình thế hỗn quân hỗn quan, em là sĩ quan, phải đề phòng!”. Tôi nhận và giấu gọn khẩu súng trong túi áo field jacket sau khi nhìn chốt an toàn ở vị thế khóa, mặc dù bản tính chúa ghét súng ống tuy đã hơn sáu năm lính. Chỉ có tôi và thằng em ngả lưng nằm, còn mấy ông anh kéo nhau lên trên phòng lái. Tôi nhìn chiếc đồng hồ dạ quang trên tay, chỉ mới hơn 8 giờ tối. Mới một lần trở người, ngó sang chiếc giường đối diện, loại giường sắt với một cạnh được tháp vào vách, còn cạnh kia có hai chân chống xuống, khi cần có thể giỡ lên, lật xếp vào vách để lối đi được rộng hơn, thấy thằng em đã ngái khò khò. Dân hải quân, quen đi tàu nên dễ ngủ. Mặc dù không khí trên tàu có một mùi là lạ khác trên đất liền, hít vào không phải dễ chịu. Chắc là mùi sắt, mùi dầu, mùi ẩm mốc lâu ngày của máy móc vật dụng không thường xuyên được làm vệ sinh, trộn lẫn vào nhau cũng nên.

Tôi nằm yên, cố dỗ giấc ngủ cho quên mọi việc, khá lâu mà chẳng được. Trên đầu giường, nơi hốc kẹt vách, thỉnh thoảng âm thanh tắc lưỡi khô khốc của một con thạch sùng vang lên nghe thật thảng thốt. Dường như con vật cũng đang muốn than vản giùm về cảnh ngộ hiện tại của những con người đang hiện diện quanh nó, mà gần nhất là tôi. Chuyện gì sẽ xảy đến cho thành phố trong đêm nay, cho mọi cư dân khắp nơi, trong đó có khu xóm nghèo với mái nhà song thân tôi, nếu như giặc thật sự tràn vào. Nam Vang đã lọt vào tay Khờ Me đỏ hung hãn khát máu từ giữa tháng tư. Điều này tôi biết nhờ các chương trình tin tức phát từ các đài nước ngoài. Đài trong nước chỉ nói thoáng qua, không mỗ xẻ phân tích gì nhiều. Và ám ảnh về một cố đô Huế hồi năm Mậu Thân với những thảm cảnh tàn sát đồng bào một cách man rợ do bàn tay CS gây ra chỉ trong vài tuần chiếm đóng, đã làm tôi liên tục rùng mình, lạnh sóng lưng. Chắc chắn không phải vì không gian lạnh lẽo lúc đó. Trái lại, tôi chỉ cảm nhận được từ không khí quanh mình một nồng độ nóng sốt, bức bách đến khó thở chứ không thấy chút gì lạnh lùng từ hiện trạng. Cảm giác này tự nhiên thôi. Vì cả thành phố với tất cả mọi nhịp tim và hơi thở đều đang bị đặt trước đầu ngọn bão táp lửa đạn chiến tranh đang áp sát, chực chờ giáng xuống. Tôi chợt nghĩ đến khẩu súng trong mình. Có thể nào đã sắp đến lúc tôi phải xử dụng đến nó và chừa lại viên cuối cùng cho mình nếu như giặc chặn đường tàu thoát bằng hỏa lực áp đảo. Tôi không quên, chính trên chiếc tàu này trong nhiều năm trước nơi đài chỉ huy, viên thuyền phó cũ đã ngã gục tại chỗ, còn anh tôi bị thương nặng vì một quả B40 trong một vụ phục kích bất ngờ của cộng quân tại một khúc hẹp nào đó trên sông Lòng Tàu. Vì tình cảm cưu mang, bà vợ đèo bòng thêm của anh hai tôi, cùng hai đứa con riêng nữa, chính là người vợ của tay thuyền phó đã bỏ mạng trong vụ bị phục kích đó. Còn căn nhà trong trại Cửu Long, cũng  chính là tổ ấm cũ của gia đình bà vợ hai này.

Trăn trở mãi vẫn không tài nào ngủ được, xem đồng hồ đã quá nửa đêm. Tôi lò dò chồm dậy mò lên phòng lái. Mấy ông anh cùng tay thuyền phó mới, kẻ đứng người ngồi, chùm nhum trong đó với những điếu thuốc đang cháy đỏ dỡ dang trong tay. Không nghe ai chuyện trò gì. Riêng anh tôi đang liên lạc về Bộ Tư lệnh qua chiếc máy điện đàm lắpghép bên cạnh tay lái cùng một vài đồng hồ máy móc vận hành khác. Những âm thanh rè rè liên tục phát ra mà tất cả đều nghe được. Anh tôi không liên lạc được ai. Mãi lâu lắm mới có tiếng người ò è vọng ra, nghe tiếng được tiếng mất. Nội dung bảo rằng anh ta không có thẩm quyền ban lệnh. Nếu vì cần thiết, anh tôi cứ giữ liên lạc. Bằng không, là tùy quyền…Anh tôi còn cố hỏi thêm danh tính cùng trách nhiệm của người đang điện đàm với mình, nhưng máy đột nhiên cúp ngay lúc đó!…

Anh ba tôi nóng ruột, là người duy nhất lên tiếng:”Mình đi đi, anh!”. Tôi nhớ anh hai tôi buông ngay một câu cộc lốc trước khi rời buồng lái đi xuống, hướng về phòng nơi có bà vợ đang nằm, bỏ lại tất cả ngẩn ngơ, trong số có cả tay thuyền phó: “Mày để anh hai chỉ huy!”…

Trong giây phút mọi người bất động, tôi đảo mắt một vòng trên sông. Xa xa, tôi nhận thấy rõ ràng một vài tàu đã di chuyển, dù chậm rãi. Riêng con tàu lớn nhất có con số đầu là 5, cũng thấy đã nhúc nhích với đông nghịt người bên trên. Trong khoảnh khắc này tôi cảm thấy hết sức sốt ruột lẫn nôn nao trong lòng mà không biết làm sao. Con tàu mà tôi đang đứng cùng với mấy khuôn mặt hụt hẩng lo lắng bên cạnh, dù tạm có chút an toàn bảo đảm hơn trên đất liền, trăm lần hơn trong trại Cửu Long, ngàn lần hơn nơi xóm lao động bình dân của gia đình tôi. Nhưng máy móc nó vẫn còn im ắng, tàu chưa rẽ nước tiến lên được lấy một thước nào, thử hỏi làm sao cả thảy an tâm? Mà không ai trong chúng tôi có thẩm quyền  hành khiển gì con tàu lúc đó trừ ông thuyền trường, là anh hai tôi, đã bỏ đi!…

Tôi là người đầu tiên tiếp nối theo bước chân anh hai, trở về chỗ nằm cũ với tâm trạng: thôi thì cầm bằng cho con nước (hay vận nước?) mang đi…

Tờ mờ sáng, ông anh ba vào chỗ nằm lôi thằng em và tôi dậy. Trong cơn mệt mề tôi vẫn nghe rõ tiếng anh lầu bầu:”Lên bờ mấy đứa. Không đi nữa!”. Tôi chưng hửng:”Sao vậy?”. Tiếng anh ba tôi bực dọc, tức giận:” Ảnh cũng lên luôn. Không đi đâu hết!”…

…Cái giá mà anh em tôi phải trả về chuyện đã lên tàu, mà là tàu nhà binh với ông anh lúc đó như là chủ nhân, có toàn quyên cho nhổ neo hay không, lại bỏ tàu  leo xuống, khá là đắt và nghiệt ngã!  Ngoài tôi, với tròn 7 năm tù cải tạo, trong đó có hơn nửa thời gian bị lưu đày ra các miền rừng núi thượng du Bắc Việt; còn anh hai tôi, chỉ ba năm thôi. Dù đủ điều kiện đi diện HO., nhưng do thần trí không còn bình thường lúc mới được phóng thích, toàn bộ giấy tờ tùy thân trong đó quan trọng nhất là giấy ra trại, đã quẳng mất ở xó xỉnh nào không tìm ra được, nên không thể làm hồ sơ. Nhưng đau đớn hơn là cái chết của hai người thân thiết trong gia đình: Ông thiếu tá hải quân anh họ, sau năm năm tù cải tạo về, bị liệt một cánh tay và hóa điên hóa khùng; cuối cùng đi lang thang rồi chết bụi chết bờ, xác bó trong chiếu. Cũng còn may, công an xác minh được danh tính, địa chỉ nên cho gọi người nhà đến nhận xác về chôn. Đến thằng em trai hải quân lái tàu: do bực tức anh hai, nôn nóng vượt biên thiếu tính toán, nhưng cũng do xui xẻo, trong cơn say đã ngã xuống nước chết chìm tại bến Hàm Tử chỉ vài giờ trước khi ghe xuất phát vào năm 77.

Và cùng cực đau đớn hơn! Thân phụ tôi, do lớp xót thương con chết, lớp buồn đau các con đi cải tạo không về, lại còn bị tấn ép đi kinh tề mới, nhà cửa phải bán hết, gia đình ly tán; lại thêm tuổi già chồng chất…Ông đã bỏ về quê cũ thời thơ ấu của mình là Long Điền Bà Rịa, sau đó tiếp tục lang thang rồi thất tung! Không biết ông nằm xuống ở chốn nào. Hằng năm, anh em tôi chọn ngày cuối cùng của tháng bảy Ta để làm giỗ cha già.

Còn về hai người anh lớn của tôi, sau này, họ hay cùng ngồi với nhau uống rượu. Mỗi lần rượu vào một ít là anh ba chửi rủa anh hai tôi tơi tả. Cho rằng ảnh là thủ phạm chính của mọi cớ sự xảy tới cho gia đình. Mỗi lần như vậy, anh hai tôi chỉ biết ực từng ngụm rượu và im thin thít, chẳng tự biện hộ điều gì. Có lẽ ảnh chịu nhận phần lỗi về quyết định thiếu sáng suốt của mình trong đêm cuối cùng u tối, trước ngày Sài Gòn mất: bỏ tàu, ở lại với thành phố! …

Nhưng. Không phải anh hai tôi không có lý do của riêng mình. Ảnh và bà vợ, có ý nấn ná ở lại cốt để chờ  thằng con trai, vì quá thương nó, một thiếu sinh quân học ở Vũng Tàu, đang cùng những đồng đội thiếu niên của nó, dũng cảm chiến đấu bảo vệ ngôi trường đó, nên chưa về kịp với gia đình…

…Và mệnh lệnh của ngài Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội sáng 30 Tháng Tư đã biến quyết định của anh tôi trở thành sai lầm, dại dột…Còn hơn thế nữa, ngu xuẩn!

Nên riêng tôi, mãi đến bây giờ, từ thâm tâm, tôi vẫn không hề có khi nào oán trách anh hai mình…

Hồ Hoàng Hạ

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search