T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Hạnh phúc ở đâu?

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

 

Ngày … tháng … năm

Hình như mình ở trong cái xó tối này lâu lắm thì phải? Cái xó tối nhỏ bé mà thường ngày mình rất sợ khi phải vào tìm cái gì trong ấy bỗng trở thành một chỗ ẩn náu an toàn cho mình. Cái tay áo ướt đẫm nước mắt của mình đã bắt đầu khô và cơn đau chừng như lắng xuống. Vừa ló đầu ra ngoài thì có tiếng mở cửa, mình rút sát vào trong, nhưng không kịp nữa. Chiếc đèn bật sáng. Mình ngước lên, lo lắng. Mẹ nhìn xuống, bàng hoàng. Qua phút bối rối mẹ trở lại chanh chua như đã từng chua như chanh. Con kia, mày ở đây từ lúc nào? Mình im lặng nhìn mẹ. Cái nhìn chỉ đơn thuần là một ánh mắt. Vậy thôi. Rất bình thường. Vậy mà … đồ mất dạy, tại sao không trả lời mà trơ mắt bò ra thế? Cái vẻ hùng hổ để che lấp lỗi lầm của mẹ làm mình phì cười. Nụ cười chưa tắt thì … một cái bốp vào mặt làm mình choáng váng, chúi nhủi. Mình chống tay vào tường, gượng lại cho đừng ngã. Nỗi sợ hãi ban đầu qua nhanh. Mình hất mặt cho những sợi tóc đang rủ xuống trán đổ về phía sau, cười nửa miệng để trả lời câu hỏi của mẹ, mày cười gì hở con kia? Con cười vì nhớ lại câu nói của bố hồi trưa này. Đồ mất dạy, mẹ mày dạy mày ăn nói thế hả?

Mình bước ra ngoài với tay lấy chiếc backbag đeo lên vai. Trước khi đi không quên quay lại nói với mẹ, con có bố, có mẹ mà như không có, thì mất dạy là phải, vì có ai dạy dỗ con đâu. Mẹ kéo tóc mình thật mạnh. Ai dạy mày nói thế đồ mất dạy? Ừ! đã mang tiếng mất dạy thì cũng phải mất dạy cho đến nơi đến chốn. Mình cảm thấy nhẹ nhàng với ý nghĩ đó nên cho hai tay vào túi quần jean, hai vai rút cao, giọng ngổ ngáo. Con nhớ con đâu có nói câu nào hỗn láo với mẹ, chỉ là nhắc lại lời của bố thôi mà sao mẹ lại nổi giận với con. Hay là mẹ giận vì nghĩ rằng con đã nghe hết, thấy hết những gì xảy ra giữa mẹ và anh bồ nhí của mẹ ….

Chiếc bình hoa bằng thủy tinh từ tay mẹ bay vù vào tường vỡ toang, mình chạy biến ra ngoài xe.

Ngày.. tháng … năm

Mình vừa gác điện thoại xuống ,Như Sương đã chồm tới hỏi bằng giọng ngạc nhiên, sao bồ phải đi làm? Đưa tay bóp cái vai mỏi nhừ mình nhăn mặt đáp, không đi làm thì lấy tiền đâu trả tiền share phòng, tiền insurance xe, tiền ăn? Đôi mắt Như Sương trợn tròn, to gần bằng cái tô. Uả! bố mẹ bồ không cho tiền sao, bồ còn phải đi học mà? Mình cúi đầu, mím môi một hồi lâu rồi trả lời trong tiếng thở dài. Mình phải tự đi làm để kiếm tiền. Bố mẹ mình ly dị rồi, chẳng còn ai quan tâm đến mình nữa. Như Sương ôm vai mình rối rít xin lỗi. Mình cười khẽ mà nước mắt chực ứa ra. Muốn nói với Sương, Sương ơi! dù bạn không chạm vào nỗi đau của mình thì nó vẫn nằm ngay giữa trái tim này, nó lẫn trong từng mạch máu, nó cứa vào từng thớ thịt, nó sắt se cả tâm hồn mình. Mới ngày nào đây mình còn là một đứa con gái hạnh phúc được bố mẹ cưng chìu, muốn gì được nấy. Bố nâng niu gửi từng nụ hôn lên đôi má có hai lúm đồng tiền xinh xắn giống mẹ. Mẹ hoài nghiêng đầu ngắm nghía đôi chân của mình, xuýt xoa khen ngợi, con gái giống bố điểm này mai sau thế nào cũng trở thành người mẫu chân dài. Ngôi nhà nhỏ với khu vườn trồng đầy hoa hồng, tràn trề hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười bỗng phút chốc trở thành một chiến trường sôi sục, đẩy hai kẻ đã từng yêu nhau ra hai đầu chiến tuyến, gầm gừ, xâu xé nhau mà người hứng trọn nỗi thiệt thòi bất hạnh là mình -đứa con gái tội nghiệp mới mười chín tuổi đầu.

Hình như bố mẹ đã quên mình là đứa con mà nhiều lần bố mẹ bảo rằng đó là một kết tinh của mối tình tuyệt vời. Bây giờ đối với bố mẹ mình chỉ là một công cụ mà bố mẹ dùng để hành hạ đối phương cho thỏa lòng căm ghét. Mỗi khi mình đến gần bố rụt rè, bố ơi! con cần tiền mua sách thì mặt bố đanh lại, về mà đòi mẹ mày, tao không có tiền. Về gặp mẹ, chưa nói hết câu đã bị hét vào mặt, sao không tìm thằng bố mày đòi mà cứ réo tao, tao làm gì có tiền mà xin xỏ. Đúng là nợ đời!

Mình nuốt nước mắt ngược vào tim khi cảm nhận ra một điều, cái gọi là kết tinh của tình yêu tuyệt vời ngày nào nay đã trở thành một món nợ ngàn cân trên vai bố mẹ. Một món nợ thừa thải mà không ai muốn nhận. Không thừa thải sao được khi bố đã có một gia đình khác. Còn mẹ, mẹ cũng cần những giờ phút riêng tư với người tình trẻ, không muốn bị ai quấy rầy.

Mình vào phòng tắm, nhìn khuôn mặt đứa con gái nhạt nhòe nước mắt trong gương mà bỗng nghe thương mình quá đỗi.

Ngày … tháng … năm

Vừa bước ra khỏi Bar đã gặp Toàn ngay cửa. Làm sao Toàn biết mình đến đây? Và anh đã đợi mình bao lâu rồi? Mình bối rối khi nhìn nét mặt lạnh lùng của Toàn. Anh nắm tay lôi mình đi xềnh xệch. Khánh chạy theo gọi hối hả. Julie! Julie! Mình dằn tay ra khỏi tay Toàn. Buông em ra. Được! anh buông, nhưng em phải về với anh? Khánh gay gắt. Anh là ai mà ra lệnh cho Julie? Toàn quay sang nhìn Khánh đôi mắt toé lửa. Mình cảm thấy sợ nên đi nhanh về phía xe của Toàn sau khi nói với Khánh. Em phải về. Chiếc xe gầm gừ rời khỏi parking trong cơn giận dữ của Toàn.

Khi về đến phòng trọ của mình thì khuôn mặt Toàn đã dịu xuống. Toàn tắt máy xe, giọng khẽ khàng. Anh xin lỗi… anh biết anh không đúng … Nhưng Julie… em đã sai rồi. Em biết anh chàng đó là ai mà sao em lại làm như thế? Mình hất mặt vẻ bất cần đời. Tại vì biết anh ta là ai nên em mới làm như thế? Em điên rồi Julie. Mình cúi đầu, mái tóc dài che khuất nửa khuôn mặt. Em không cần biết là em đúng hay sai, điên hay tỉnh, điều em muốn là em chứng minh cho mẹ thấy em là đứa con mất dạy như mẹ đã hàng trăm lần chửi em như thế. Em muốn bố mẹ phải cười đau, khóc hận vì con gái mình đã làm một điều xấu xa để thiên hạ chê cười vào mặt bố mẹ. Ha Ha!!! tưởng tượng đến nét mặt đau khổ của mẹ, xấu hổ của bố em thấy hả hê vô cùng. Toàn choàng tay ôm chặt lấy mình. Julie, anh xin em. Anh không biết bố mẹ em có đau khổ, có xấu hổ hay không, nhưng anh chắc rằng em sẽ là người gánh lấy thiệt thòi. Em không thể đem cuộc đời của chính em ra để đùa giỡn. Mình gằn giọng. Em không đùa giỡn mà em đang trả thù. Một ngày nào đó mẹ sẽ thấy thằng bồ nhí của mẹ đi bên cạnh em để biết rằng, nó chỉ là một thằng sở khanh lợi dụng chứ chẳng thương yêu gì mẹ, người đàn bà lớn hơn nó năm bảy tuổi. Đó là tiếng nói của mình mà sao nghe chừng như xa lạ quá. Có phải mình đã tiêm nhiễm phim ảnh như Toàn vừa nói.

Ngày… tháng … năm

Mình theo Như Sương vào Fry, vô tình lại sắp hàng sau lưng bố nơi quầy tính tiền. Như Sương bấm nhẹ tay mình, kê tai nói nhỏ, ông già mua máy Game cho bồ hả? Mình lắc đầu ra hiệu Sương im lặng. Tiếng người thâu ngân viên vang lên như xoáy vào tim mình “three hundred seventy two”. Mới hồi sáng này mình đến xin bố tiền để thay hai vỏ xe trước đã bị mòn lòi cả dây kẽm, bố trả lời, bố không có tiền, về xin mẹ đi. Mình cố nài nỉ, bố không cho thì con mượn vậy. Con bị lay off từ tháng trước, chừng nào tìm được việc làm có tiền con sẽ trả lại. Bố dùng dằng, mẹ mày có khối tiền để cho bồ nhí sao không về lấy bớt mà xài, bố còn phải lo cho “gia đình của bố” làm gì có tiền dư.

Mình nhìn bố, cố tìm trong đôi mắt, trong giọng nói của bố một chút yêu thương còn sót lại. Nhưng hình như trước mắt mình, bố không còn là bố của ngày xưa nữa. Sự hững hờ, nhạt nhẽo của bố làm mình lạnh cả người. Bố ơi! con là con của bố mà … sao bố không thử bước ra phía trước, xem thử cái vỏ xe của con mòn đến độ nào để lường được sự nguy hiểm sẽ xảy đến cho con nếu như con đang lái xe trên xa lộ mà bị nổ lốp. Nhưng thôi, bố không có tiền thì con đành chịu vậy. Xin Đức Mẹ giữ gìn con để bố khỏi phải mất công đi nhặt xác con.

Bây giờ thì sao? Một trăm đồng để thay hai cái vỏ xe -dính liền sinh mạng của mình trên đó- bố không có, nhưng bố có hơn ba trăm năm mươi đồng để mua game cho con riêng của bố. Tàn nhẫn. Vô nhân đạo. Mình không muốn khóc mà sao nước mắt cứ tuôn.

Ngày … tháng … năm

Cơn Flu quật mình tơi tả. Thân xác rã rời, đầu nặng như búa bổ mà vẫn phải đi làm. Phải cố lên. Cố lên chứ không thể mất việc. Không thể làm ăn mày ngửa tay xin tiền bố mẹ để bị đùn qua, đẩy lại một cách tủi nhục. Mười chín tuổi đã đủ lớn để tự lập chưa? Sao Như Sương vẫn còn được bố mẹ chăm sóc như đứa bé lên mười. Xe này ba mua cho Sương. Áo này má sắm cho Sương. Julie ơi! con bé Sương này hư lắm, già đầu rồi mà còn nhõng nhẽo như trẻ con. Julie có như vậy không? Mình lắc đầu nói thầm, Bác ơi! con đâu có được cái diễm phúc đó, con giờ như đứa con mồ côi vắng cha, thiếu mẹ. Mẹ Như Sương vẫn vô tình trong câu nói. Nói vậy chứ Sương nó đi đâu bác cũng lo ngai ngái chỉ an tâm khi nó về đến nhà, ở cạnh bác. Cha mẹ nào cũng vậy con à! tụi con phải hiểu điều đó mà đừng có cằn nhằn sao cha mẹ khó quá cứ canh giữ các con như canh tù.

Cha mẹ nào cũng vậy? Chắc bác sẽ không tin khi con nói rằng bố mẹ con ở vào trường hợp ngoại lệ phải không bác? Biết đâu chừng bác còn mắng con là đồ bất hiếu đi nói xấu bố mẹ!!!

Ngày… tháng … năm

Buổi trưa, tranh thủ giờ ăn mình chạy ra chợ Kroger mua thuốc và gặp mẹ Toàn ở đó. Bà vuốt má mình. Sao con xanh quá vậy, bệnh à? Dạ! Bà nhìn mình một lúc rồi vuốt tóc dặn dò, ráng uống thuốc cho mau khỏi bệnh, phải giữ ấm đừng để lạnh ho nhiều không tốt đâu con! Con cám ơn … Mình nghẹn ngào không nói hết câu. Hình như lâu lắm rồi mình không được nghe những lời dặn dò đầy yêu thương như thế này nữa. Có đau, có bệnh cũng một mình trùm chăn khóc lén. Mình không muốn ai nhìn thấy sự yếu đuối của mình, nên bố mẹ cứ mắng mình là thứ cứng đầu, cứng cổ. Nhưng bố mẹ đâu biết sau bộ mặt lạnh lùng, lấc cấc là những giọt nước mắt, những nỗi tủi buồn chảy ngược vào trong.

Buổi chiều mình về phòng trọ, người mệt lã, bước xuống xe mà chân như không nhấc lên nổi. Toàn đã đợi sẵn tự bao giờ. Anh nói, mẹ bảo anh mang thức ăn đến cho em. Sao em bệnh mà không cho anh hay? Sao em bệnh mà không xin nghỉ? Sao em làm việc quá sức mình như thế? Toàn ơi! sao mà hỏi nhiều “sao” thế? Mình ngã người nằm dài trên sofa. Giữa cơn mê chập chùng mình nghe tiếng Toàn vang lên. Bác ơi! Julie bệnh nhiều lắm, Bác đến đón Julie về nhà đi, bệnh thế này mà ở một mình nguy hiểm lắm! Mình như tỉnh giấc, chụp lấy chiếc điện thoại trên tay Toàn gấp lại thật nhanh. Đừng gọi bố mẹ em, đừng để em phải nghe những lời nói phũ phàng. Toàn xoa nhẹ vai mình như một an ủi ân cần. Anh gọi bố phải không? thế bố có bảo anh gọi mẹ em không? Toàn cắn môi cúi đầu thật thấp. Mình cười ra nước mắt. Thấy chưa, em nói có sai đâu. Có phải em là đứa con bất hạnh nhất trên thế gian này không anh? Mình đưa tay quệt ngang hai hàng nước mắt đang chảy ròng ròng trên má.

Toàn nhìn mình, cái nhìn đầy xót xa, thương cảm. Em về nhà anh đi. Anh không an lòng chút nào nếu em ở đây một mình. Mình lắc đầu. Toàn nài nỉ. Em đừng ngại, mẹ anh thương em lắm. Em biết, em cám ơn bác, cám ơn Toàn, nhưng em không muốn phiền bác. Toàn hiểu em mà đừng ép buộc em. Em muốn ở một mình.

Toàn chờ mình ăn hết phần súp mới chịu ra về. Toàn đi rồi mình buông mình xuống giường khóc như chưa từng được khóc bao giờ. Bố mẹ ơi! nếu sinh con ra để rồi bỏ bê con như một đứa trẻ mồ côi sao bố mẹ không vứt con vào sọt rác ngay từ khi con mới lọt lòng……

Ngày … tháng … năm

Toàn bỏ mình xuống xe rồi lái vụt đi mặc cho mình khan tiếng gọi. Toàn ơi! anh đã ôm chặt lấy em, đưa lưng đỡ những cú đập thù hằn của mẹ em lên lưng anh bất chấp đau đớn, nhưng sao anh không đủ độ lượng để thông cảm cho em. Anh biết mà, em có yêu thương gì Khánh đâu. Đây chỉ là một sự tính toán mà chủ yếu là em chỉ muốn lấy lại những số tiền đáng lẽ là của em mà mẹ đã dành để cung phụng cho hắn. Đơn giản vậy thôi …

À! không, còn một điều nữa là em muốn thấy sự đau khổ của mẹ và cuối cùng thì …. mẹ đã bắt gặp em đi với hắn. Ha! ha!! chưa bao giờ em vui như phút giây chạm mặt phũ phàng đó. Da mặt mẹ màu xanh, mắt mẹ màu đỏ, môi mẹ màu tím. Nỗi đau khổ đã biến đổi khuôn mặt mẹ có đủ màu sắc. Ôi! những màu sắc tuyệt vời làm em hả hê như kẻ thắng cuộc. Nhưng sự hả hê đó không còn nữa khi em một mình trở lại căn phòng vắng lặng, bốn bề trắng toát màu vôi lạnh lẽo.

Hai mươi năm qua em chưa hưởng được trọn vẹn niềm hạnh phúc ước mơ. Trong lòng em vẫn còn niềm khao khát cháy bỏng về một mái ấm gia đình có bố, có mẹ với tình yêu thương tràn trề. Sao bố mẹ em không mãi là thần tượng của em như thời em còn bé bỏng. Sao em phải tận mắt chứng kiến và hứng chịu những ích kỷ, những nhỏ nhen của bố mẹ. Hình như cả hai người thân yêu nhất đời em không biết đến hai chữ hy sinh như bà ngoại đã nói với mẹ “ngày ba mày chết tao một mình nuôi bốn đứa con. Bữa cháo bữa rau, đói thì đói, khổ thì khổ má không rời bỏ đứa nào. Mày bây giờ nhà cao cửa rộng, tiền bạc không thiếu, có một đứa con không lo nổi hay sao mà cứ đùn qua đẩy lại cho khổ thân con nhỏ. Tụi bây không thể vì con mà mỗi đứa hy sinh một chút sao? Tội nghiệp nó có một thằng cha không ra gì, con mẹ cũng chẳng đáng làm mẹ.”

Đau. Đau quá Toàn ơi! Đau như khi Toàn mắng sa sả vào mặt em “em có biết là em đang làm một chuyện điên rồ, là tự em giết chết đời em không? Hả! em còn có cuộc đời của em sao Toàn? Không, cuộc đời em đã chấm dứt kể từ khi bố mẹ hạ bút ký tên vào tờ giấy ly hôn rồi Toàn ạ!

Toàn nghe không…. Cuộc đời em đã hết. Hết rồi. Hết rồi Toàn ơi!

*

Giờ đây thì thân xác đứa con gái mang tên Julie đang được đặt xuống lòng đất lạnh. Những cánh hoa tươi được ném đầy trên nắp quan tài giữa tiếng khóc rưng rức của bạn bè và bà ngoại già, bàn tay run rẩy trên chiếc gậy màu đen tuyền buồn bã. Bà vuốt mãi khung ảnh đứa bé gái có nụ cười tươi tắn với đôi má lúm đồng tiền. Đó là cô bé Julie tuổi mười lăm chứ không phải Julie của tuổi hai mươi với đôi mắt đượm sầu theo như ước nguyện cuối cùng trong bức thư Julie đã để lại cho bà ngoại “Ngoại ơi! hãy để trước quan tài tấm ảnh này, tấm ảnh ngày con tròn 15 tuổi. Tấm ảnh mà bố mẹ, mỗi người một tay cùng nhau cầm lấy nó, hét vang lên trong ngày sinh nhật của con -con gái của bố mẹ xinh đẹp nhất thế giới và sẽ là người hạnh phúc nhất thế giới…. Thế nhưng hạnh phúc dường như còn ở xa lắm, nên xin chào ngoại để con đi tìm hạnh phúc. Ngoại đừng buồn, đừng khóc nha ngoại…”

Bên cạnh hình ảnh bà ngoại già vật vã khóc than đứa cháu gái thân yêu khiến người tham dự tang lễ không dằn được xúc động là hai khuôn mặt vô cảm, không một giọt nước mắt. Cũng như tôi, những người xung quanh nhìn nhau không biết phải nói gì trước khi cất bước rời khỏi nơi này. Nói lời chia buồn ư? hình như không có một chút buồn đau nào dù thật nhỏ nhoi hiện trên nét mặt lạnh lẽo của họ- những người được gọi là bố mẹ của Julie. Tôi bắt gặp thỉnh thoảng họ lại nhìn nhau như muốn nói một điều gì. Không lẽ .. con của ông đó, ông khóc đi …. Bà đẻ nó ra sao bà không khóc mà lại bảo tôi… Không lẽ họ tiếc cả với con gái mình một giọt nước mắt như đã tiếc với nó từng đồng bạc nhỏ nhoi, để đứa con gái vừa bước qua tuổi hai mươi, nét ngây thơ còn đọng trên khuôn mặt xinh xắn phải tất tả vừa đi học để tìm kiếm tương lai, vừa đi làm để tự nuôi thân mình trong khi bố mẹ tiền bạc dư dả.

Tôi quay quanh tìm kiếm .. và nhận ra Toàn -đứa con trai duy nhất của tôi- đang quỳ cạnh bên huyệt mộ. Tôi biết Toàn còn nhiều điều muốn nói với Julie, người yêu đầu đời của nó. Tôi nhớ khuôn mặt xanh mướt và hai mắt đỏ hoe ràn rụa nước mắt của Toàn khi chạy về báo tin cho tôi hay Julie đã tự tử bằng hơi gas trong căn phòng đóng kín. Toàn đấm ngực tự trách mình sao ích kỷ, sao tàn nhẫn, đã vì chút hờn ghen mà bỏ lại Julie một mình trong cơn đau cùng cực.

Quyển nhật ký của Julie – đứa con gái tôi đã từng nghĩ rằng sẽ là con dâu của tôi trong tương lai- được viết bằng hai ngôn ngữ Mỹ- Việt xen lẫn nhau mà tối hôm qua Toàn đã đọc cho tôi nghe vẫn nằm im trong tay Toàn. Tôi cúi đầu kê sát tai Toàn hỏi nhỏ:

-Con có định đưa quyển nhật ký này cho bố mẹ của Julie không?

Toàn buồn bã hỏi lại tôi :

-Mẹ nghĩ con có nên đưa không?

Tôi nhìn lại một lần nữa hai đôi mắt ráo hoảnh trên hai khuôn mặt lạnh lùng vô cảm mà cảm thấy bất nhẫn trong lòng:

-Có lẽ… thôi đi con ạ!!!

Ngân Bình

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search