T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Sài Gòn và Hoàng Ngọc Tuấn

clip_image002

Gởi người bạn trẻ N. ở Sài Gòn

● Mai ta chết dưới cội đào

Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu

(Đưa em tìm Động Hoa Vàng – Phạm Thiên Thư)

Gần đúng 1 năm sau ngày nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn qua đời (ngày giỗ 4/6 âm lịch), NXB Trẻ vừa tái bản tập truyện ngắn Hình như là tình yêu của anh (trước đó NXB Trẻ đã từng tái bản tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn vào những năm 1989, 1996, 2000…).

Hình như là tình yêu là tuyển truyện tập hợp những truyện ngắn hay nhất của Hoàng Ngọc Tuấn viết trước 1975: Hình như là tình yêu, Sinh nhật, Cô bé treo mùng, Tiếng hát hoang đường, Mai Khôi, Thiên đường nhỏ dại, Khi thương màu lá, buổi chiều Hạ Lan, Tiểu muội… Dù được viết từ hơn 30 năm trước nhưng những truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn vẫn đầy sức cuốn hút với thế hệ trẻ hôm nay bởi một giọng văn trong sáng và giàu tình cảm lồng trong những chuyện tình hết sức lãng mạn, đầy chất thơ. Sinh thời, Hoàng Ngọc Tuấn sống lặng lẽ, đơn độc…; hiện tượng sách của anh trở thành “best seller” âu cũng đền đáp lại một chút gì đó cho người đã khuất!

Mảnh tin nhỏ trên báo lại làm tôi bâng khuâng, bèn lục lại bài viết về ông năm ngóai, trong lúc còn ở Việt Nam, như một nén hương thắp nhớ đến ông nhân ngày giỗ đầu của một nhà văn thần tượng của tuổi trẻ Việt nam trong suốt nửa cuối thập kỷ 1960 cho đến nửa đầu thập kỷ 1970.

Một lần nữa, tôi xin hẹn gặp ông “ở một nơi ai cũng quen nhau”.

T.Vấn

______________________________________

Như vậy là nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đã qua đời ở tuổi xấp xỉ 60 trong những ngày tôi có mặt ở Sài Gòn. Nói cách khác, nếu tôi biết được tin đó, chắc chắn là tôi sẽ dò hỏi để tìm đến nhà ông, đốt cho ông một nén hương. Nén hương của một người ông không hề quen biết, một độc giả mỗi lần nhớ đến những kỷ niệm thời trai trẻ của mình là lại nhớ đến những truyện ngắn tuyệt vời của ông, những nhân vật của ông và cái tên: Hoàng Ngọc Tuấn.

Một buổi sáng nhàn nhã trong mấy tuần lễ đưa các con tôi về Việt Nam thăm gia đình, tôi mượn thằng em chiếc xe “A Còng” len lỏi giữa rừng xe hối hả hỗn loạn như người Sài Gòn chính tông để đến một trong những quán cà phê quen thuộc với tôi từ những ngày tôi còn lang thang vất vưởng ở thành phố này mười mấy năm về trước. Vẫn thói quen cũ tưởng chừng như không hề có quãng thời gian gián đoạn bao nhiêu năm, tôi dừng lại bên lề đường, mua mấy tờ báo phát hành trong ngày, rồi đủng đỉnh gởi xe, vào quán, kéo ghế ngồi xuống, gọi một ly cà phê đá (em làm ơn pha nhạt nhạt cho tôi nhé! – khác hẳn với ngày xưa là lời yêu cầu cà phê phải pha thật đậm.), vất cái chìa khóa xe lên bàn (không có gói thuốc lá và chiếc hộp quẹt Gas kèm theo), rồi mở báo ra đọc.

Hàng chữ in đậm “Hình Như Là Tình Yêu ” đập vào mắt tôi.

clip_image004

Tập truyện ngắn Hình Như Là Tình Yêu của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn vừa được nhà xuất bản Trẻ in lại, như một nén tâm hương gửi đến tác giả vừa mất tròn mươi ngày.

Tôi biết tin ông chết trong hoàn cảnh như vậy. Hệt như gần 40 năm về trước, tôi biết đến và say mê những truyện ngắn của ông cũng ở những quán cà phê cả vỉa hè lẫn ghế mây, vừa đọc vừa trầm tư những hình bóng cô gái trong mơ qua làn khói thuốc đen, vừa ngó bâng quơ ra “đường phố nhảy múa với màu áo và hình người qua lại. Khi ngọn đèn ở ngã tư đường bật sang màu xanh, đoàn xe cộ hối hả hướng về phía trước chen chúc nhau trong tiếng còi ồn ào. Con đường của thành phố bao giờ cũng quay cuồng trong tiếng động náo nhiệt . . .” (Hình như là tình yêu – Hoàng Ngọc Tuấn).

Hơn 40 năm qua đi, sau khi đã trải nhiều những cuộc gặp gỡ vừa “hình như là tình yêu*” vừa “thực sự là tình yêu “, sau khi đã nhiều phen chết lên chết xuống vì cái gọi là tình yêu, sau khi đã được ma đưa lối, bị quỷ đưa đường, lần mò đến căn “nhà có hoa Mimosa vàng*“, cầm được tay “cô bé treo mùng*”, để rồi “cuối cùng như em muốn*”, tôi ngu si ngỏ “lời cầu hôn* , và rồi điều phải đến đã đến, một “hôn lễ*” đã được cử hành trong đó có tôi là nhân vật chính, và cũng sau bao nhiêu những thăng và trầm của đời sống, tôi đã đi xa và đã trở về, tóc đổi màu, mắt nặng nề cặp kính lão, ngồi cô đơn bên lề thành phố cũ, đọc được tin về cái chết của một người mà cả tuổi trẻ Sài Gòn những năm 70s không ai là không biết tới.

Tôi ngước nhìn đường phố quen thuộc. Vẫn cái ồn ào hỗn độn của 40 năm về trước. Vẫn “quay cuồng trong tiếng động náo nhiệt ” như trong một đoạn văn của Hoàng Ngọc Tuấn. Và những con người trẻ tuổi đang hăm hở góp phần của mình trong dòng sống bất tận ngoài kia, phải chăng họ là kết quả của những mối tình có mầm mống từ những trang viết về tình yêu nóng bỏng, ướt đẫm một thời, những tập truyện ngắn, mà, có một thời (để yêu), những người trẻ Sài Gòn nhịn ăn lấy tiền mua sách tặng nhau, như cố tìm trong ấy cái ẩn dụ về hai kẻ hình như . . . đã yêu nhau, cái ẩn dụ về một thành phố (Sài Gòn), nơi ấy, ai cũng . . . quen nhau, cái ẩn dụ về một cuộc chiến dai dẳng khiến cho có những người chưa kịp có một thời để yêu đã vội bước chân vào nơi (gió cát), ở đó, họ- những người trẻ Sài Gòn 40 năm về trước – chỉ có một thời để chết và một thời để nhớ mãi khôn nguôi

clip_image001

Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn

Tờ báo đưa cái tin ông mất đề ngày 22 tháng 7 năm 2005, với câu văn ngắn ngủi đến phát bực “vừa mất tròn mươi ngày”**. Tôi trả tiền cà phê, hỏi cô chủ quán trông chưa già lắm, vừa hỏi vừa đưa tờ báo có in hình tập truyện ngắn “Hình như là tình yêu” dầy 500 trang vừa được nhà xuất bản Trẻ ở Sài Gòn tái bản lại, em có biết cái ông già viết quyển sách này chết hồi nào không? Cô chủ quán nheo nheo mắt nhìn, rồi ngượng nghịu lắc đầu: dạ, cháu không biết! mà cháu cũng chả biết ông này là ai!

Tôi cám ơn cô gái, bước vội qua bên kia đường, len lỏi giữa những dòng xe dầy kìn kịt, bước vào một nhà sách khá lớn, đầy ắp những cậu thanh niên, những cô thiếu nữ ra dáng dấp sinh viên. Tôi thấy ai cũng chăm chú đọc một quyển sách nào đó. Thì ra họ đang đọc cọp, vì sinh viên làm sao có tiền mua đủ những quyển sách mà mình thích. Tôi tìm đến kệ sách truyện, với tay cầm quyển Hình Như Là Tình Yêu còn thơm mùi mực mới, tiện thể hỏi bâng quơ một cậu trai xớ rớ gần đó, Này em, em có bao giờ đọc tác giả này không? ông ấy viết về tuổi trẻ hay lắm! Cậu bé mặt đầy những mụn dậy thì, ngơ ngác nhìn tôi rồi nhìn quyển sách, dạ không! Cháu chỉ thích Nguyễn Nhật Ánh thôi! Tôi vẫn chưa chịu thua. Mà hình như ông ấy vừa mới chết thì phải? em có đọc báo Tuổi Trẻ thường không? Mặt cậu bé cởi mở hơn. Ngày nào cháu cũng đọc đủ loại báo hết chú. Tôi vớt vát lần cuối. Vậy em có để ý đến cái tin báo đăng ông ấy chết không? Cậu bé cười hồn nhiên. Ai mà để ý đến chuyện sống hay chết của mấy ông viết truyện hả chú? Mà mấy ông nhà báo cũng không huởn mà đăng đâu chú ơi! Tôi trả cậu bé lại với những quyển sách đọc cọp dở dang, bỏ tập truyện ngắn của Hòang Ngọc Tuấn vào kệ, mắt bắt gặp một loạt những quyển truyện của Nguyễn Nhật Ánh được in thật đẹp, thật “sang trọng”, nằm kiêu sa bên quyển sách cô độc của Hoàng Ngọc Tuấn (nhưng ít nhất, sách của Hoàng Ngọc Tuấn đã được tái bản).

Vậy là thời của những kẻ như tôi đã hết. Tuổi trẻ Sài Gòn bây giờ đã có những thần tượng mới. Những người trẻ yêu nhau bây giờ đã có những cách tỏ tình mới. Buồn bã vì những ý tưởng đó, tôi bỏ dự định nhờ một người bạn học cũ sống ở Sài Gòn hỏi lại toà soạn tờ báo về ngày qua đời của Hoàng Ngọc Tuấn.

Thực ra, không phải đợi đến những ngày giáp mặt lại với cái thành phố đầy ắp những kỷ niệm một thuở ấu thời tôi mới nhận ra rằng Hoàng Ngọc Tuấn của tôi đã chết từ tháng 4 năm 1975 rồi. Trước đó, một cách tình cờ, tôi đọc được bài viết của một người bạn của ông hiện còn sống ở Việt Nam. Bài viết kể lại, sau 1975, ông vẫn sống ở Sài Gòn, một cuộc sống hết sức thiếu thốn và vất vả. Ông không còn viết được bất cứ một truyện ngắn nào nữa cả. Những năm 1980s, cuộc sống của ông có phần khấm khá nhờ được tờ báo lớn nhất thành phố đặt hàng cho ông viết đủ loại bài: Tin tức điện ảnh, người mẫu, bóng đá, quyền anh, các loại tiểu phẩm có xuất xứ từ những tờ báo ngoại quốc nhập chui v..v… Dạo sau này, với sự phát triển của mạng lưới Internet, cuộc mưu sinh bằng lối viết bài như của Hoàng ngọc Tuấn không còn ăn khách nữa, ông quay sang đắp đổi qua ngày bằng những bài kể chuyện cổ tích, những mẩu chuyện vui cười, gửi cho các tờ báo thiếu nhi, khi được đăng, khi không với đồng nhuận bút khá khiêm tốn . Những năm cuối đời ông tiều tụy vì chứng bệnh nan y, và vẫn còn độc thân. Một trong những người viết chuyện về tình yêu hay nhất của thời đại đã sống độc thân cho đến lúc nhắm mắt lìa đời. Trong khi đó, những kẻ say mê văn ông thì đã – dù đôi lúc con tim có bùi ngùi – nên vợ nên chồng, có con có cái thành đạt, trưởng thành, và chúng cũng đã từng thích thú với những tập truyện ngắn của ông được đặt trang trọng trên những giá sách ở nhà cha mẹ (như trên kệ sách của kẻ viết bài này. Cũng chẳng lạ gì khi nhà thơ tình tuyệt vời nhất thế kỷ Phạm Thiên Thư lại là một nhà sư. Những ngày ở Sài Gòn, tôi vẫn không thu xếp nổi lấy một buổi để đến quán cà phê Phạm Thiên Thư, dù một người bạn mới quen đã có nhã ý đưa tôi đến gặp ông để nhận trực tiếp từ tay ông một tập thơ mới nhất (?), nghe nói, nhà thơ tình thần tượng của tôi nay đã có gia đình riêng như mọi người. Tôi nghĩ, có như thế mới hợp với lẽ đời – và cả lẽ đạo nữa).

Thôi thì, dù sao tôi cũng đang có mặt tại thành phố của ông và của tôi, thành phố mà chúng ta đã có những năm tháng không thể quên. Từ thành phố này, ông đã viết nên những tác phẩm để đời, để đời cho tên tuổi ông và cho cả tuổi trẻ của chúng tôi. Chúng tôi mang ơn ông, và tôi tin rằng, ở một nghĩa nào đó ông cũng mang ơn chúng tôi, bằng cớ, sau khi chúng tôi không còn ở thành phố này nữa (đi tù, vượt biên, xuất ngoại v..v.. ), ông đã thôi không viết (ít nhất là những truyện về tình yêu). Bây giờ, thân xác bọt bèo của ông đã thực sự tan biến vào hư không. Nhưng tên của ông và những điều ông viết, vẫn còn đó, vừa trên giá sách vừa trong tâm tưởng người đọc. Với chúng tôi, những kẻ cùng thời với ông, ông và tác phẩm của ông vẫn chiếm một chỗ trang trọng. Với tuổi trẻ Sài Gòn hôm nay, họ không biết ông nhiều mà chỉ biết có Nguyễn Nhật Ánh, nhưng một người bạn của ông bám trụ Sài Gòn từ dạo ấy, chẳng nói rằng, Nguyễn Nhật Ánh phần nào có hơi hướng của Hoàng Ngọc Tuấn đó sao.

Vậy xin ông hãy thanh thản ra đi. Hay đúng hơn, xin ông hãy thanh thản trở về nơi mà từ đó, gần 6o năm xưa ông bước chân ra đi đem theo hạnh phúc đến cho đời này, nơi đó, như tên một tác phẩm của ông, là “một nơi ai cũng quen nhau.”

Thưa nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, sớm muộn gì tôi cũng sẽ đi gặp ông và chúng ta sẽ làm quen với nhau nơi đó, phải không?

T. Vấn

Sài Gòn, Việt Nam – Wichita, Hoa Kỳ

* Những chữ trong ngoặc kép và in nghiêng là tên những truyện ngắn nổi tiếng của Hoàng Ngọc Tuấn.

** Mãi cho đến khi bài này được hoàn tất, người viết – trong lúc lang thang vào trang Diễn Đàn Đặc Trưng ở trên mạng, tình cờ đọc được mẩu tin của chị Bích Huyền nói về cái chết của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn – mới biết đích xác là ông qua đời vì ung thư thực quản vào lúc 15 giờ ngày 9 tháng 7 năm 2005 tại Sài Gòn. Linh cửu nhà văn đã được đưa về quàn ở chùa Long Hoa, Quận 10 và dự tính sẽ hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Bức hình chân dung nhà văn cũng được lấy từ bài viết của chị Bích Huyền trên trang mạng Đặc Trưng. Xin lỗi chị Bích Huyền đã không xin phép trước. (T. Vấn).

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search