T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (10) -Ole Guapa (Mộng Vàng), MALANDO – Blue Tango (Tango Xanh), ANDERSON

clip_image001

Antonio Malando

(1908-1980)

Trong bài kỳ trước, chúng tôi đã viết về xuất xứ của thể điệu Tango và giới thiệu hai ca khúc Tango Á-căn-đình được ưa chuộng nhất là La Cumparsita (Vũ nữ thân gầy), và El Choclo (Tình yêu như mũi tên), kỳ này tiếp tục giới thiệu những ca khúc Tango nổi tiếng, chúng tôi sẽ lần lượt gửi tới quý độc giả hai bản Ole Guapa (Mộng Vàng) và Blue Tango (Tango Xanh).

Trước hết, viết về bản Ole Guapa , nếu chỉ đọc cái tựa cái bằng tiếng Tây-ban-nha và tên tác giả Antonio Malando (cũng tiếng Tây-ban-nha), có lẽ đa số độc giả sẽ cho đây là một bản Tango Á-căn-đình của một tác giả gốc Á-căn-đình – một quốc gia Nam Mỹ nói tiếng Tây-ban-nha.

Thế nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược: Ole Guapa là một bản Tango của Hòa Lan, và cái tên “Antonio Malando” chẳng qua chỉ là “nghệ danh” công dân Hòa Lan Arie Massland. Sự say mê cũng như tài nghệ của Arie Massland và hậu duệ của ông trong lĩnh vực sáng tác và trình diễn Tango Á-căn-đình, cho tới nay vẫn còn là một điều thú vị đối với giới thưởng ngoạn.

Arie Massland sinh năm 1908 tại Rotterdam, Hòa Lan, trong một gia đình lao động. Sau khi tốt nghiệp trung học, Arie theo học ngành họa viên kiến trúc, nhưng chẳng bao lâu sau đó, chàng bỏ dở để chọn âm nhạc.

Thực ra, Arie Massland đã tỏ ra có năng khiếu và theo học nhạc từ nhỏ, song song với học chữ. Năm mới lên 6, cậu được thu nhận vào trường nhạc của danh sư January Kriek, học dương cầm trong thời gian 6 năm. Ngay khi còn ở bậc trung học, Arie Massland đã thành lập một “ban nhạc bỏ túi” để cùng các bạn thực tập.

Sau khi rời trường kiến trúc, năm 1933, Arie Massland thành lập một ban nhạc 6 người (sextet) lấy tên là The Jumping Jacks, trong đó chàng nhạc sĩ 25 tuổi chơi đàn accordéon và bộ gõ (percussion).

Vừa chơi nhạc, Arie Massland vừa sáng tác, vừa kiêm cả chức ông bầu, qua đó chàng nhận thấy người yêu nhạc ngày càng có khuynh hướng ưa chuộng thể điệu Tango, thể điệu mà cho tới lúc ấy ở Âu châu vẫn còn bị mang ít nhiều tiếng xấu. Nhưng sau chuyến lưu diễn Âu châu, trong đó có Hòa-lan, của dàn nhạc Tango Á-căn-đình của nhạc trưởng Eduardo Bianco, Tango đã được mọi thành phần xã hội ưa thích nhất so với tất cả mọi thể điệu. Thế là Arie Massland quyết định biến The Jumping Jacks thành một ban nhạc chuyên trình diễn Tango, và tự sáng tác các bản Tango cho ban nhạc của mình.

Chịu ảnh hưởng của nhạc trưởng Eduardo Bianco lẫn giai điệu của Tango Á-căn-đình, Arie Massland cố gắng rập khuôn thể điệu này, thế nhưng các bản Tango của ông vẫn có sắc thái riêng biệt, mà sau sau này giới nhạc sử gia gọi là “a continental style” (phong cách lục địa Âu châu). Một cách ngắn gọn, Tango Á-căn-đình của Arie Massland đơn giản hơn nhưng giai điệu lại dễ thu hút quần chúng hơn. Dường như nghe Tango của Arie Massland, ai cũng muốn ra sàn nhảy. Bản Tango đầu tay của Arie Massland là Annie viết năm 1935 – trên có ghi đồng tác giả là người vợ mới cưới của ông: Johanna Cornelia van der Star.

Hai năm sau, ông viết bản thứ tư, và cũng bản để đời của mình: Ole Guapa, tiếng Tây-ban-nha có nghĩa là “Xin chào Mỹ nhân” (Hello Beauty).

Vào thời gian này (1937), Arie Massland còn là một nhạc sĩ vô danh tiểu tốt, và cũng chẳng có mấy người biết tới ban nhạc The Jumping Jacks của ông, cho nên ông tới gõ cửa nhà xuất bản nào cũng bị từ chối. Cuối cùng, Arie Massland đánh liều vay mượn vốn liếng để tự xuất bản, nếu không thành công coi như phá sản!

Nhưng Ole Guapa (lúc đó chưa có lời hát) đã mau chóng nổi tiếng quốc tế và được xem như một hiện tượng lạ, bởi vì tác giả là một nhạc sĩ vô danh, của một ban nhạc mà “không một đài phát thanh hay hãng đĩa nào cho bén mảng tới”. Càng lạ lùng hơn nữa khi tác giả của bản Tango Á-căn-đình này lại chưa từng đặt chân tới Á-căn-đình và cũng không hề học nhạc với một vị thầy Á-căn-đình nào cả!

Theo lời nhạc sư Weersma Melle, người sống cùng thời với Arie Massland, thì chỉ cần một thời gian 2 năm, Ole Guapa đã trở thành tác phẩm do một công dân Hòa Lan sáng tác nổi tiếng nhất xưa nay trên trường quốc tế.

Phụ lục (1): Ole Guapa, Frank Pourcel Orchestra

01-OleGuapa-FranckPourcel

Cùng với thành công quốc tế của bản Ole Guapa, giữa năm 1939, Arie Massland lấy một cái tên nghệ sĩ “Tây-ban-nha đặc” là Antonio Malando và thành lập dàn hòa tấu quy mô Malando, tưng bừng ra mắt tại vũ trường Spoorzicht vào ngày 1 tháng 7 năm ấy. (Từ đoạn này, chúng tôi sử dụng nghệ danh Antonio Malando của ông)

Từ đó, Malando mới có cơ hội giới thiệu những sáng tác trước đây chưa được phổ biến của mình, trong đó có bản Tango nổi tiếng Nina Bonita (1938) viết cho cô con gái 4 tháng tuổi Lia. Song song, Malando còn sáng tác nhiều bản theo thể điệu Rumba của Cuba, và một số bản theo để điệu Paso Doble của Tây-ban-nha để chương trình trình diễn của ban nhạc thêm phần phong phú.

Nhưng rồi Đệ nhị Thế chiến xảy ra, Hòa Lan bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Năm 1944, Malando và hai thành viên khác trong Dàn nhạc Malando bị bắt đưa tới trại tập trung Amersfoort, nhưng cả ba đã cùng nhau đào thoát trên đường đi.

Sau khi Thế chiến chấm dứt, Dàn nhạc Malando được tái hợp, tăng cường thêm một tay đàn accordéon, và tới năm 1947, bắt đầu nổi tiếng quốc tế với danh xưng “Malando và dàn nhạc Tango-Rumba”.

Một trong những điểm độc đáo, và cũng là khác biệt chính giữa Dàn nhạc Malando và các dàn nhạc Tango Á-căn-đình của Nam Mỹ, là tiếng đàn bandonéon đã được thay bằng tiếng accordéon quen thuộc của Âu châu.

Trong hai thập niên 1950, 1960, Dàn nhạc Malando đã lưu diễn khắp Âu châu, sang quần đảo West Indies, rồi xuống Nam Dương (một cựu thuộc địa của Hòa Lan)… Năm 1959, khi tới trình diễn tại thành Pavia, nước Ý, Antonio Malando đã đoạt giải “Nhạc sĩ đàn Accordéon hay nhất thế giới”.

Thế nhưng, chính quần đảo Phù Tang mới là nơi Dàn nhạc Malando được ái mộ nhất và đạt thành công rực rỡ nhất: sau chuyến trình diễn đầu tiên vào năm 1964, Dàn nhạc Malando đã được mời trở lại rất nhiều lần. Riêng số đĩa nhựa (LP) của Malando được phát hành tại Nhật thì không một ai có thể tưởng tượng nổi: trên 100 đĩa!

Các sáng tác của Antonio Malando cũng rất được ưa chuộng tại các quốc gia Mỹ la-tinh. Nhưng phải đợi tới năm 1968, vào tuổi lục tuần, Malando mới “dám” đưa dàn nhạc của mình tới trình diễn tại Buenos Aires, thủ đô Á-căn-đình, quê hương của Tango – thể điệu đã giúp ông nổi tiếng suốt gần 30 năm qua.

Năm 1979, vào tuổi 71, Antonio Malando giải nghệ và qua đời vào năm sau đó, để lại cho đời trên 150 tác phẩm, gồm ca khúc, nhạc khúc, và một số tổ khúc (suites) cho ban đại hòa tấu.

Đa số ca khúc, nhạc khúc của ông đều mang nặng âm hưởng Mỹ la-tinh, được viết theo các thể điệu Tango, Rumba, và Paso Doble.

Tuy nhiên, bên cạnh các sáng tác, theo các nhà phê bình, phân nửa sự ái mộ mà người yêu nhạc dành cho Antonio Malando là do phong cách trình diễn của dàn nhạc của ông. Chính Antonio Mandalo đã cho biết:

“Nhạc của chúng tôi sở dĩ đi thẳng vào trái tim người nghe nhạc, thuộc đủ mọi thế hệ, là vì mọi thành viên trong dàn nhạc của chúng tôi đều say mê âm nhạc. Họ trình diễn với tất cả đam mê và cảm xúc như thể đó là cuộc đời của họ… Không cần biết đã trình diễn bản ấy bao nhiêu lần, lần nào chúng tôi cũng cảm thấy thích thú… Đó chính là sức mạnh của âm nhạc”.

clip_image003

Danny Malando

Cha truyền con nối, hiện nay dàn nhạc hòa tấu Mandalo đã được trao cho thế hệ thứ ba: Danny Malando, và vẫn tiếp tục được ái mộ, được ca tụng là một trong những dàn nhạc chuyên về Tango hay nhất thế giới. (Video clip: Danny Malando Ole Guapa – YouTube, trình diễn tại Bắc Kinh năm 2010).

Trở lại với bản Ole Guada, tới năm 1942 đã được Jacques van Tol, người đặt lời hát nổi tiếng bậc nhất của Hòa Lan, đặt lời hát với tựa dịch sang tiếng Anh là Tango for Two, và từ đó tới nay đã được đặt lời bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là dưới hình thức hòa tấu. Vào thời điểm Antonio Malando qua đời (năm 1980) đã có trên 200 dàn nhạc trên thế giới thu đĩa bản Ole Guada. Riêng tại Tây-ban-nha, bản Tango phổ biến nhất chính là Ole Guada chứ không phải La Cumparsita.

Phụ lục (2): Ole Guapa, Andre Rieu

02 – andre rieu – ole guapa argentine tango

(video clip: Olé Guapa – André Rieu & The Johann Strauss Orchestra, YouTube)

Tại Việt Nam,, trước năm 1975, Ole Guada đã được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Mộng Vàng.

Phụ lục (3): Mộng Vàng, Lệ Thu

03 – Mong Vang

* * *

Tới đây nói về bản Blue Tango (Tango Xanh) của tác giả Mỹ Leroy Andreson, thường được xem là bản Tango quốc tế, tức Tango hiện đại (không phải Tango Á-căn-đình) phổ biến nhất, hay nhất thế giới; đã được lấy để đặt tên cho một loài hoa mới: Aechmea “Blue Tango”!

clip_image005

Hoa Aechmea “Blue Tango”!

Tuy nhiên trước khi viết về bản Blue Tango của Mỹ, thiết tưởng cũng nên có đôi hàng về thể điệu Tango Mỹ.

Trong bài kỳ trước, viết về bản Tango Á-căn-đình La Cumparsita, khi nhắc tới các thể điệu khiêu vũ Tango phổ biến, chúng tôi đã chỉ nói về Tango Á-căn-đình (Argentine Tango) và Tango quốc tế (Ballroom Tango, hoặc International Tango), còn Tango Mỹ (American Tango) chúng tôi cố tình đợi tới kỳ này, để giới thiệu cùng lúc với bản Blue Tango .

[Chú thích: Như đã viết trong kỳ trước “Tango quốc tế” chính là Tango Anh (English Tango) đã được chuẩn hoá vào đầu thập niên 1920, và được Liên đoàn Khiêu vũ Quốc tế chính thức nhìn nhận trong một hội nghị ở Luân Đôn. Tuy nhiên cho tới nay, không ít người Mỹ vẫn tiếp tục gọi “Tango quốc tế” là “Tango Anh” để phân biệt với “Tango Mỹ”]

Như chúng tôi đã trình bày trước đây: khác biệt căn bản giữa Tango Á-căn-đình và Tango quốc tế là khi nhảy Tango Á-căn-đình, phần trên thân thể của đôi nam nữ ghì sát vào nhau, trong khi phần dưới thì lại cách rời, Tango quốc tế ngược lại, phần trên thân thể cách rời nhưng phần dưới lại quyện vào nhau.

Tango Mỹ giống Tango quốc tế ở điểm nói trên, trong khi bước nhảy (steps) thì lại chịu ảnh hưởng của Tango Á-căn-đình, nhưng đơn giản hơn, theo một nhịp điệu chậm hơn, với mục đích để ai cũng có thể nhảy.

Khi nhảy Tango Á-căn-đình và Tango quốc tế, cần phải có tài nghệ tương xứng và sự phối hợp chặt chẽ giữa hai người, từ đó kho tàng tiếng Anh mới nảy sinh thành ngữ “It takes two to tango” khi nói về những âm mưu, hành động cần phải có kẻ tung người hứng. Còn Tango Mỹ thì một người chủ động, một người bước theo, mà tự điển khiêu vũ gọi là “the art of leading and following”.

clip_image007

Rudolph Valentino và Alice Terry

Như những độc giả cao niên yêu phim ảnh có thể còn nhớ, cảnh nhảy Tango nổi tiếng đầu tiên trên màn bạc (chỉ tính các cuốn phim Mỹ) là của thần tượng điện ảnh thời phim câm Rudolph Valentino và Alice Terry trong phim The Four Horsemen of the Apocalypse (1921).

Gần đây thì có cặp Arnold Schwarzenegger (sau trở thành Thống đốc California) và Jamie Lee Curtis trong phim True Lies (1994).

Nhưng cảnh nhảy Tango để đời phải là trong cuốn phim bất hủ Scent of a Woman (Mùi hương mỹ nhân) đoạt giải thưởng Oscar năm 1992, trong đó nam diễn viên Al Pacino thủ vai một vị đại tá về hưu bị mù, nhưng vẫn còn khả năng (và can đảm) dìu một cô gái trẻ (Gabrielle Anwar) theo điệu Tango. Qua thưởng thức cảnh này, khán giả sẽ thấy rõ ảnh hưởng của Tango Á-căn-đình đối với Tango Mỹ (video clip: The Tango – Scent of a Woman – YouTube).

clip_image009

Al PacinoGabrielle Anwar

Cũng cần viết thêm, mặc dù hiện nay, tại các cuộc thi quốc tế được World Dance Council nhìn nhận, Tango phải là Ballroom Tango (International Tango), nhưng riêng tại Hoa Kỳ, các cuộc thi Tango Mỹ, chuyên nghiệp cũng như tài tử, vẫn được người Mỹ gọi là “Ballroom American Tango”.

* * *

Tới đây, nói về Leroy Anderson và bản Blue Tango bất hủ của ông. Leroy Anderson sinh cùng năm với Antonio Malando (1908) và mất năm 1975.

Nhạc trưởng kiêm nhà soạn nhạc kiêm danh thủ dương cầm John Williams của Mỹ đã xưng tụng Leroy Anderson là “một trong những nhà soạn nhạc cho dàn nhạc nhẹ (light orchestral music) vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20”.

Ra chào đời tại Cambridge, tiểu bang Massachusetts, cha mẹ là di dân gốc Thụy-điển; ngay từ lúc bắt đầu có trí khôn, Leroy Anderson đã được bà mẹ, vốn là người đàn đại phong cầm trong nhà thờ, chỉ dạy dương cầm.

clip_image011

Leroy Anderson (1908-1975)

Năm 21 tuổi, Leroy Anderson tốt nghiệp Cử nhân Âm nhạc tại đại học Harvard, và qua năm sau lấy bằng Master. Sau đó, vừa tiếp tục học tại Harvard để lấy bằng Tiến sĩ Ngôn ngữ (tiếng Đức và các ngôn ngữ vùng Scandinavia), Leroy Anderson vừa điều khiển dàn hòa tấu của trường, vừa sáng tác, với tác phẩm đầu tay là bản Jazz Legatto, về sau được giới chơi nhạc jazz xem là tác phẩm “cầu chứng” của ông.

Trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, Leroy Anderson phục vụ trong Quân Đội Hoa Kỳ với tư cách thông dịch viên ở Băng đảo (Iceland).

Thế chiến chấm dứt, năm 1945 Leroy Anderson được triệu về Ngũ Giác Đài, giữ chức Trưởng Phòng Quân Báo đặc trách vùng Scandinavia (Phần-lan, Na-uy, Đan-mạch, Thụy-điển). Với tư cách một sĩ quan trừ bị, trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), ông đã được đưa sang phục vụ tại bán đảo này hai lần.

Nhưng nghiệp vụ của một sĩ quan quân báo ra vẻ đã không ảnh hưởng gì tới cảm hứng sáng tác của Leroy Anderson; năm 1948, ông viết bản Sleigh Ride, và qua năm 1949 được dàn nhạc Boston Pops Orchestra thu đĩa, trở thành bản nhạc không lời đầu tiên được đứng hạng nhất trên bảng xếp hạng Billboard Pop Music. Bản này về sau được tác giả Mitchell Parish đặt lời hát và đã trở thành một ca khúc quen thuộc trong mùa Giáng Sinh.

Phụ lục (4): Sleigh Ride – Ella Fitzgerald

04-ella

Năm 1951, Leroy Anderson viết tác phẩm nổi tiếng nhất của mình: Blue Tango.

Sau khi được thu đĩa vào cuối năm 1951, Blue Tango đã đem lại cho Leroy Anderson một Đĩa Vàng (bán trên 1 triệu đĩa), được ghi nhận là đĩa hòa tấu đầu tiên trong lịch sử âm nhạc đạt được số bán này. Đồng thời, Blue Tango cũng đứng hạng nhất trên bảng xếp hạng toàn quốc cho tất cả mọi thể loại (Billboard) suốt 38 tuần lễ liên tục.

Tại các quốc gia khác như Anh quốc, Gia-nã-đại, Úc-đại-lợi…, Blue Tango cũng đứng hạng nhất trong nhiều tuần lễ.

Phụ lục (5): Blue Tango , Enoch Light Orchestra

05 – Enoch Light – Blue Tango

Cùng thời gian, Blue Tango được Mitchell Parish đặt lời hát (Mitchell Parish cũng là người trước đây đã đặt lời cho bản Sleigh Ride của Leroy Anderson), được nữ danh ca Mỹ gốc Gia-nã-đại Gisele MacKenzie (1927-2003) thu đĩa, và trở thành một trong những ca khúc “cầu chứng” của cô (video clip: Blue TangoGisele MacKenzie)

Here am I with you in a world of blue,
And we’re dancing to the tango we loved when first we met.
While the music plays, we recall the days
When our love was a tune that we couldn’t soon forget.
*
As I kiss your cheek, we don’t have to speak,
The violins like a choir, expressing the desire we used to know not long ago.
So just hold me tight in your arms tonight,
And this blue tango will be our thrilling memory of love.

* * *

clip_image013

Gisele MacKenzie (1927-2003)

Năm 1975, khi đang ở trong khoảng thời gian sáng tác mạnh nhất, Leroy Anderson bị phát ung thư qua đời vào tuổi 67 tại Woodbury, Massachusetts.

Trong hàng trăm tác phẩm ông để lại cho đời, ngoài những nhạc khúc/ca khúc phổ biến như Sleigh Ride, Blue Tango, A Trumpeter’s Lullaby, The Syncoplated Clock…, còn có nhiều công trình nổi tiếng, như vở nhạc kịch (musical) Goldilocks cho sân khấu Broadway, tổ khúc (suite) Irish Suite, và bản hòa tấu cung Đô trưởng cho dương cầm và dàn hòa tấu (Concerto in C Major for Piano and Orchestra).

Khi còn sống, Leroy Anderson đã được vinh danh với một ngôi sao ghi tên ông trên Lối đi Danh vọng (Walk of Fame) ở Hồ-ly-vọng. Sau khi qua đời, năm 1988, ông được truy phong vào Danh vọng sảnh dành cho những người sáng tác ca khúc (Songwriters Hall of Fame). Tới năm 1995, trụ sở mới xây của Dàn nhạc Đại học Harvard (Harvard University Band) đã được đặt tên Anderson Band Center để vinh danh và ghi nhớ công lao của ông.

Trở lại với bản Blue Tango, sau khi được dàn nhạc Hugo Winterhalter Orchestra thu đĩa lần đầu vào cuối năm 1951 và những đạt thành tích nói trên, trong hơn nửa thế kỷ qua, đã được rất nhiều dàn nhạc khác thu đĩa lại và cũng đạt thành công rực rỡ.

Phụ lục (6): Blue Tango, Mantovani Orchestra

06-BlueTango-Mantovani

Riêng tại Việt Nam, Blue Tango cũng là bản hòa tấu phổ biến nhất của thể điệu Tango, và đã được ít nhất hai nhạc sĩ đặt lời Việt: Phạm Duy với tựa Tango Xanh Ngọc Bích với tựa Mộng Ngày Xanh.

Phụ lục (7): Blue Tango, Guitar – Vô Thường

07-BlueTango-VoThuong

Tango Xanh – Phạm Duy

Bằng một vòng cánh tay
Bằng một kề sát vai
Bằng một nhịp bước vui
Dìu dắt nhau về cõi mê say suốt đời.
Bằng điệu nhạc ngất ngây
Bằng kỷ niệm khó phai
Bằng cuộc tình đêm phơi phới
Chúng ta ghi trong cõi tim này.
Bằng một nghìn cái hôn
Vào một làn tóc thơm
Lắng nghe tiếng đàn réo tình hoan
Đàn như nói cho ta
Lời nói yêu đương
Trầm bổng du dương
Thì đừng rời cánh tay
Thì ghì chặt lấy vai
Sẽ xin tiếng đàn đến nghìn nơi
Ngàn năm khắc sâu tình ta đẹp ngời

Phụ lục (8): Tango Xanh – Elvis Phương

08-TangoXanhTango-ElvisPhuong_

Mộng Ngày Xanh – Ngọc Bích

Nhìn dòng đời lướt trôi
Tìm hoài một nét môi
Chờ người từ kiếp nào
Về với cung đàn hết ngân lên nét sầu.
Đời lạnh lùng vẫn qua
Thuyền chờ một bến xa
Ngày lại ngày nhưng nào thấy
Giấc mơ tan theo kiếp gian hồ.
Rồi một chiều ước mơ
Người đẹp hằng ngóng trông
Thiết tha theo về tiếng đàn tôi
Nhạc ơi! Hết u sầu lòng nát hương yêu
Chờ một ngày mơ.
Lời hẹn này thấu chăng
Nhạc lòng sầu vấn vương
Tiếng ai vô tình hát thờ ơ
Dù bao đắng cay lòng vẫn mong chờ.

Phụ Lục (9): Mộng Ngày Xanh – Mai Hương

09-Mongngayxanh (TangoBlue) – NgocBich_MaiHuong

Hòai Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search