T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan- Hương vị quê nhà

clip_image002

Tranh – Trần Thanh Châu

Thời tiết năm nay khắc nghiệt, mùa lạnh kéo dài và nhiệt độ xuống thấp hơn mấy năm gần đây. Đã tháng ba mà sáng nay trời còn đổ tuyết, (vì nhiệt độ bên ngoài chỉ 23 độ F- tức âm 5 độ C). Đúng hơn là một cơn mưa xuân, mưa bụi, nhưng vì thời tiết quá lạnh nên đã đông-rơi như nước đá bào. Tôi nghĩ nghịch ngợm khi nhớ tới ly nước đá bào chế xi-rô thuở còn túm năm tụm ba đi trường làng. Mà tuổi đó thì mấy khi có tiền để tận hưởng một mình một ly nước đá bào nhận xi-rô cho đã! Nhiều khi mấy đứa hùn tiền mới mua được một ly – để nổ ra trận cãi vả long trời lở đất, vì trong bạn bè thể nào chả có đứa tham ăn, làm những đứa khác bị thiệt thòi; làm cho cái tình bạn có thể chết vì cứu nhau trên sông trưa trốn lớp, bãi mìn trốn trường khi cùng nhau đi nhặt đạn về chơi. Nhưng đụng tới sự ngọt lịm, thơm tho của xi-rô trong ly nước đá bào tuổi nhỏ thì tình thù rực nắng…

Những ý nghĩ nghịch ngợm ấy đã xô đẩy tôi ra sân sau nhà với cái ly nhựa, nhằm xúc một ly nước đá bào vào nhà mà tìm lại hương vị tuổi thơ; vì đâu đó trong tủ đồ khô của gia đình, tôi nhớ có thấy chai xi-rô màu xanh lá cây đậm, tức mùi bạc hà…

Nhưng ra đến sân sau trong cái rét buốt của thời tiết, thì tôi không còn trẻ thơ với ký ức mà ý tưởng già đi khi nhìn cây hoa gạo bên hàng xóm quằn xuống với tuyết đá, cái lạnh tàn đông níu tháng ba/ oải cành hoa gạo đã ra hoa/ mùa xuân ma đuổi không kịp bắp/ quỷ quái mùa đông tuổi đã già…

Chắc nhà văn T.Vấn dùng từ “xồng xộc” để diễn tả sự già đến với đời người thô bạo như thế cũng không phải là nói quá! Vì anh ấy vẫn dùng cụm từ “anh bạn trẻ” khi gởi email hay nói điện thoại với tôi – dù tôi không còn trẻ để chịu nổi cái lạnh sang xuân của xứ người, nên bỏ ngang ý định làm một ly xi-rô coi chơi – chứ cho tiền chắc cũng không ăn! Nhưng cành hoa gạo mệt mỏi với giá buốt thời tiết, sức nặng tuyết đá bên nhà hàng xóm vẫn vươn tới mùa xuân phía trước mà bất chấp miên trường phía sau. Tâm cảnh của người giữa đoạn đường là chào cây hoa gạo… trước khi cành nó gãy bất cứ lúc nào!

Chút hương vị tuổi thơ nghèo nàn kể ra cũng không dễ tìm lại được trong đời hư hao; nhưng hương vị quê nhà đang nẩy mầm ngoài garage, tôi đi phun nước cho mớ hạt giống đã ươm từ tuần trước. Nào là hạt mướp, mồng tơi, khổ qua, bầu, bí, ớt, đậu bắp, dưa leo, thì là, cà tím, cà chua… hạt giống từ mùa trước phải chọn lựa quả nẩy nở, phổng phao, hứa hẹn tương lai không đồng tính thì mới phơi khô, ra hạt, lại gói giấy napkin để chống ẩm, rồi bỏ bao ny-lon có zipper… phải ghi chú cẩn thận để khỏi gieo mắt hí mà ra mắt xanh. Kể ra biết bao công phu khi ươm từng hạt mầm vào mỗi chiếc ly giấy, để sau khi vỡ đất, xới vườn, xé cái ly-đặt nguyên ổ rễ non xuống đất thì cây con không bị động rễ mà chết yểu hay chậm lớn như con nít sống lâu năm…

Từ đó mỗi ngày đi làm về phải ra nhổ cỏ dại, vun thêm đất phân, rồi tưới; mỗi sáng xăm xoi từng gốc rau mùi, tới dây bói quả, cây bói nụ… ly cà phê đầu ngày nhiều hôm không kịp uống đã tới giờ đi làm. Hôm trễ làm vì thu hoạch đem cho bạn bè nữa chứ!

Tiền đầu tư và công sức bỏ ra cho vườn rau gia đình bao giờ cũng lớn hơn gấp mấy lần giá trị thu hoạch. Nhưng hầu như gia đình người Việt nào cũng có một vườn rau – hương vị quê nhà.

Có lẽ do nhớ rau đắng sau hè mà ông Tư, bác Ba đã bỏ ra mấy trăm đô la để xây cái hồ nho nhỏ ở góc vườn mà trồng (thả) loài rau dân dã chỉ mua mấy đồng ngoài chợ thì về ăn cả nhà. Ông Tư, bác Ba có thể hà tiện tiền bạc ít ỏi, khó kiếm khi mua sắm xe hơi, tủ lạnh. Nhưng không tiếc rẻ với hương vị quê nhà khi ngồi ngắm vỉa rau đắng mà nhớ từng người thân như bà ngoại, má, dì, đã thành thiên cổ. Nhớ cội nguồn của dân tộc, Đói ăn rau, đau uống thuốc. Nhớ bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến mà bạn bè trường làng nay đâu?

Đã mấy lâu nay bác tới nhà,

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu, sóng cả khôn chài cá.

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà

Cải chửa ra cây, cà mới nụ.

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Đầu trò tiếp khách, trà không có.

Bác đến chơi nhà, ta với ta.

(Nguyễn Khuyến)

Phong thổ quê nhà làm nên hương vị từng loài rau, củ, quả mà ai đi xa cũng thắc thỏm thương thầm. Người Việt lại cầu kỳ trong cách thức chế biến thức ăn nên vườn rau gia đình phải đa dạng để thích hợp với sự cầu kỳ trở thành dân tộc tính qua ca dao,

Con gà cục tác lá chanh,

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.

Con chó khóc đứng, khóc ngồi,

Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng giềng

Với người Việt muôn phương, hương vị quê nhà ngoài tính cầu kỳ trong ẩm thực. Dường như còn mang sắc thái văn hoá của người Việt hải ngoại. Trồng là để ăn; nhưng trồng cũng không có nghĩa là để ăn – mà chỉ để thấy lại hình ảnh quê nhà trong tâm thức lưu vong. Tháng Tư không hẹn mà đến nên không ít người Việt đã không đợi đi muôn phương; xa nhà không chỉ là xa nơi chôn nhau cắt rốn, người thân, xóm làng, mà xa cả không gian sống trong thời gian chết ở hải ngoại. Đã bốn mươi năm rồi nhưng từng gia đình người Việt ở hải ngoại khi đã ổn địng được đời sống, (cụ thể là mua nhà) thì dường như chắc chắn đâu đó quanh nhà có khoảnh đất trồng rau. Sự tự nhiên tạo lại không gian sống không hề có ý thức về thời gian chết của biệt xứ. Đó là thâm tình của người Việt với những món rau dân dã ở quê nhà; Hay hương vị quê nhà không thiếu được trong lòng người xa quê vì chiều chiều ra đứng ngõ sau/ trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. -Có khóm rau đay, dây mướp đắng chia chung buồn tủi cũng đỡ lòng thương thân. Tuy cũng mua rau, trái của người bản xứ, nhưng hương vị đích thực của ngũ giác với cọng rau, củ giềng quê nhà vẫn làm ấm lòng dạt trôi hơn bó hành lá cũng có tem để scan qua máy tính tiền. Người Việt không mua bó hành mơn mởn mà chỉ mấy chục xu đó; người Việt tốn công, tiền nước tưới đến mấy đồng để được tự tay cắt cọng hành ngoài vườn – thậm chí là cọng hành được giấu giống từ quê nhà đem sang cho đúng… hành hương.

Tôi vẫn ngồi với mảnh thùng cat-tông lót mớ ly giấy ươm cây ngoài garage đã lạnh ngắt ly trà. Thầm nhớ giậu mồng tơi nhà mẹ là nơi tôi đã không để mắt suốt thời thơ ấu. Nhưng những đọt mồng tơi xanh rờn, ngọt lịm ấy đã tan vào máu thịt để nỗi nhớ khôn nguôi nồi canh bốc khói trong chiều mưa mùa xứ nhiệt. Cái lạnh bủa vây từng ngón tay tê không tìm được nữa hơi ấm của ly trà nơi viễn xứ, nhưng ngọt lừ ngọn rau dân dã trong tâm làm cho mồng tơi đã nẩy mầm. Tôi trồng rau ăn hay trồng nỗi nhớ…

Dường như tôi đã nhớ lại cố thi sĩ Nguyên Nhi, một lần anh ngồi nhậu với tôi và nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp tại nhà anh. Anh Nguyên Nhi nói, “Tôi không hiểu sao hầu như các dân tộc trên thế giới, khi nhớ về quê hương. Họ thường nhớ đến những thành tựu vĩ đại của xứ sở họ. Trong khi người Việt mình xa quê lại thường nhớ đến sự nghèo nàn như cây cầu khỉ, mục đồng chăn trâu, khói lam chiều trên túp lều tranh xiêu vẹo…”

Thực ra tôi không biết trả lời anh Nguyên Nhi hôm đó, nhưng suy nghĩ của anh đeo đẳng tôi đến năm ngoái, tôi qua Cali, tình cờ nhìn ra được một nét đặc biệt của người Việt Cali, là tới nhà ai, gia chủ sau khi chào hỏi, mời dùng trà hay dùng bữa… không còn quan trọng trong đời sống dư ăn dư mặc của người Việt Cali. Nhưng gia chủ Cali nào cũng mời khách ra xem vườn nhà.

Mảnh vườn của người Việt Cali cũng đầy những loại rau, trái quê nhà; cũng không phải là một cách thế để sống nơi đất chật người đông. Đất Cali mà trồng chuối, mận đỏ, trái trứng gà,… ngoài những loại rau mùi, rau xanh, thì làm sao nói là làm kinh tế được với hiệu quả kinh tế của những loại rau, trái không mắc mỏ gì ngoài chợ. Nhưng tâm sự của gia chủ nào về mảnh vườn nhà cũng là bầu trời quê hương… như thơ Hải Phong bên Canada từng viết,

Chắt chiu một mảnh vườn sau

Quê hương ta đó qua màu lá xanh…

Tiếc là anh Nguyên Nhi không còn nữa để tôi nói với anh: Không gian sống là bụi tre, khóm trúc, dòng sông uốn quanh bản làng… và hương vị quê nhà qua lá răm, lá quế làm nên con người Việt nam khác với các dân tộc khác trên thế giới trong tiềm thức lưu vong.

Chắc ông anh thơ hay sẽ viết được nhiều bài thơ hay hơn nữa với hương vị quê nhà…

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search