T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(29) – GREEN SLEEVES (Vai Áo Màu Xanh) – Ca khúc truyền thống Anh quốc

clip_image002

Trong một bài trước, nhân giới thiệu ban tứ ca Brothers Four và những ca khúc ngoại quốc nổi tiếng trong nền nhạc phổ thông do ban này thu đĩa, chúng tôi chợt nhận ra một thiếu sót trong phần viết về những ca khúc dân gian truyền thống điển hình. Đó là bản Green Sleeves, một trong những ca khúc “ăn khách” nhất của Brothers Four, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Vai áo màu xanh, mà chúng tôi xin được bổ túc qua bài kỳ này.

So với bản Scarborough Fair (Giàn thiên lý đã xa), một ca khúc dân gian truyền thống khác của Anh quốc mà chúng tôi đã giới thiệu, hiện nay bản Green Sleeves có thể không phổ biến cho bằng, nhưng trước đó – tức là trước khi Scarborough Fair được đôi song ca Simon & Garfunkel của Mỹ soạn hòa âm và thu đĩa vào năm 1966 – Green Sleeves được nhiều người biết tới, và được trân trọng hơn.

Trước năm 1975, lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức Green Sleeves là do dàn nhạc Mantovani hòa tấu, có tựa đề là Vaughan Williams – Fantasia on Greensleeves. Ngày ấy, vì không có phương tiện, cơ hội tìm hiểu nguồn gốc bản Green Sleeves, chúng tôi cứ ngỡ đây là một nhạc khúc bán cổ điển của nhà soạn nhạc Anh Ralph Vaughan Williams (1872–1958); sau này mới được biết ông chỉ là người có công sưu tầm, cải biến bản dân ca này cho dàn nhạc hòa tấu.

Phụ lục (1): Vaughan Williams – Fantasia on Greensleeves – English Chamber Orchestra

01-FantasiaOnGreensleeves

Video:

Greensleeves – best version www.youtube.com/watch?v=bSjfkwvOOAM‎

Căn cứ vào ấn bản đầu tiên được đăng ký, Green Sleeves xuất hiện trước Scarborough Fair trên một thế kỷ.

Đầu tiên, vào năm 1560, một bản “ballad” theo thể “romanesca” được đăng ký với London Stationer’s Company, công ty độc quyền xuất bản nhạc của Anh quốc thời đó, dưới tên “A New Northern Dittye of the Lady Green Sleeves” (Một đoản khúc mới của miền Bắc về Công nương Vai áo màu xanh), nội dung là lời một người đàn ông van xin tình yêu nơi một cô gái có biệt hiệu “Lady Green Sleeves”.

Tới năm 1584, ca khúc này đã được ghi lại trong tập nhạc A Handful of Pleasant Delights với tựa “A New Courtly Sonnet of the Lady Green Sleeves”.

CHÚ THÍCH: “Romanesca” là thể loại ca khúc phổ thông xuất hiện sớm nhất (giữa thế kỷ 16, thời kỳ Baroque) tại Ý và Tây-ban-nha. “Ballad”: nghĩa nguyên thủy là những ca khúc với lời hát có vần điệu, thường dưới hình thức kể truyện. Trong nền nhạc phổ thông hiện đại, “ballad” có nghĩa là một “tình khúc đầy rung động” (emotional love song).

Tương tự trường hợp bản Scarborough Fair, bản Lady Green Sleeves, thường được gọi tắt là Green Sleeves, cũng chỉ được ghi là “ca khúc dân gian truyền thống” (traditional folk song) chứ không có tên tác giả. Tuy nhiên, nếu nói về những huyền thoại liên quan tới Green Sleeves, đã có không ít nguồn kể lại rằng đây là một “sáng tác” của vua nước Anh Henry đệ Bát trước sự cự tuyệt của Công nương Anne Boleyn, người sau này trở thành đời vợ thứ hai của ông.

clip_image003

Henry-Anne

Mặc dù không ai phủ nhận Henry đệ Bát là một ông vua tài hoa bậc nhất (thơ nhạc) nhưng các nhạc sử gia đã dứt khoát bác bỏ huyền thoại này, với lý do rất đơn giản: Green Sleeves là một ca khúc soạn theo thể “romanesca” , một thể loại chỉ được du nhập vào Anh quốc sau khi Henry đệ Bát đã qua đời. Ngày nay, giới nhạc sử gia đã liệt Green Sleeves vào danh sách ca khúc truyền thống dưới thời Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhất (Elizabethan era song), con gái của vua Henry với Anne Boleyn.

Thế nhưng, theo tâm lý chuộng những gì được thêu dệt về các danh nhân, các tác phẩm nổi tiếng, huyền thoại cho rằng Green Sleeves được vua Henry viết cho Công nương Anne Boleyn ngày nay vẫn tiếp tục phổ biến; thậm chí còn được một số tác giả kể lại như một truyện tích có thật chứ không phải huyền thoại thêu dệt!

Sở dĩ hậu thế cứ nhất quyết “áp đặt” cho vua Henry đệ Bát vinh dự này là vì chuyện tình của ông với Anne Boleyn là một chuyện tình ly kỳ (và rùng rợn!) không chỉ dẫn đưa tới việc tách rời Giáo hội Công giáo Anh ra khỏi Giáo hội La-mã mà còn thay đổi cả cục diện chính trị ở Âu châu; tự cổ chí kim, có lẽ chỉ có chuyện tình Cleopatra – Julius Ceasar – Mark Anthony của thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên mới có thể so sánh.

Qua sách báo, phim ảnh, có lẽ độc giả đều đã ít nhiều biết về cuộc tình của “ông vua 6 đời vợ” với Anne Boleyn, cho nên trong bài này chúng tôi chỉ xin sơ lược:

Vào khoảng năm 1522, vua Henry đệ Bát, vị vua thứ hai của hoàng tộc Tudor, đang trị vì Anh quốc, trong một chuyến đi săn, khi tới lãnh địa của Bá tước Thomas Boleyn, đã bị nhan sắc và sức hấp dẫn của Mary, con gái của vị bá tước, khi ấy mới lấy chồng, thu hút. Thế là bất chấp quy định người hầu cận (maid of honour) của các vị hoàng hậu, công chúa phải là con gái chưa chồng, Mary Boleyn đã được đưa vào hoàng cung làm hầu cận của Hoàng hậu Catherine of Aragon kiêm… nhân tình của nhà vua. Nhiều người còn tin rằng hai đứa con Mary sinh ra trong thời gian này là con vua Henry chứ không phải con của chồng nàng!

Hơn 2 năm sau khi Mary được đưa vào hoàng cung, Anne, cô em gái, sau thời gian du học tại Pháp và Hòa-lan, trở về Anh để chuẩn bị kết hôn với một người anh em họ của mình là Bá tước James Butler. Nhưng không hiểu vì một nguyên nhân nào đó, cuộc hôn nhân bất thành, và Anne lọt vào mắt xanh của vua Henry, nối gót chị vào triều làm người hầu cận Hoàng hậu. Tuy nhiên, trước sự theo đuổi, ve vãn của nhà vua, Anne Boleyn đã dứt khoát từ chối.

Ông vua đa tình không chịu bỏ cuộc, và dần dần ông đã hiểu ra rằng Anne chỉ cự tuyệt làm nhân tình chứ không cự tuyệt làm… hoàng hậu! Nói cách khác, Anne đòi được “độc quyền” !

Thế là vua Henry một mặt cho cô chị Mary “về vườn”, một mặt tìm cách xin Giáo hội “hủy bỏ” (annul) cuộc hôn nhân của mình với Hoàng hậu Catherine để có thể cưới Anne Boleyn. (Trong cuốn phim mới nhất về những cuộc tình của vua Henry, The Other Boleyn Girl, 2008, do nam diễn viên Úc Eric Bana và hai nữ diễn viên Mỹ Scarlett Johansson, Natalie Portman thủ vai chính, Anne trở thành “chị” của Mary; điều này, theo hậu duệ của hai chị em Boleyn cũng như đa số sử gia, là sai hoàn toàn).

[CHÚ THÍCH về “hủy bỏ hôn phối” (annulment): ngày ấy, trong Giáo hội Công giáo chưa hề có ý niệm về “ly dị”, bởi vì “sự gì Thiên chúa kết hợp, loài người không được phân ly” là chân lý tuyệt đối. Trong một số trường hợp hiếm hoi, giáo hội đã du di giải quyết bằng cách hủy bỏ hôn phối, nghĩa là viện vào một nguyên nhân nào đó, phán quyết cuộc hôn nhân ấy “đã không thành” (không có hiệu lực) ngay từ lúc đầu. Mà hôn nhân đã không thành, thì cả hai người được quyền lấy người khác]

Nguyên nhân vua Henry đưa ra để xin hủy hôn phối là trong khi ông cần một người con trai để nối ngôi thì Catherine of Aragon chỉ có một đứa con gái. Viết một cách chính xác, Catherine mang thai cả thảy 6 lần, sanh con 5 lần nhưng chỉ nuôi được một người con gái duy nhất (sau này trở thành Nữ hoàng Mary đệ Nhất).

Sau khi bị Giáo hoàng Clement đệ Thất từ chối, vua Henry cùng với Tổng giám mục Canterbury Thomas Cranmer, một người có đầu óc cải cách, xúc tiến việc tách rời Giáo hội Công giáo Anh ra khỏi Giáo hội La-mã.

Ngày 25 tháng 1 năm 1553, vua Henry và Anne Boleyn kết hôn. Tới tháng 5 năm ấy, Tổng giám mục Thomas Cranmer tuyên bố cuộc hôn nhân giữa nhà vua và Catherine of Aragon đã bị hủy bỏ, và cuộc hôn nhân thứ hai của ông với Anne Boleyn là hợp lệ. Ngày 1/6/1533, Anne Boleyn được tấn phong hoàng hậu.

Giáo hoàng Clement liền ban sắc lệnh “rút phép thông công” (ex-communication) vua Henry và Tổng giám mục Thomas Cranmer. Chỉ đợi có thế, Giáo hội Công giáo Anh liền tách rời khỏi Giáo hội Công giáo La-mã, trở thành một giáo hội độc lập gọi là Church of England do chính vị quân vương đang trị vì làm người lãnh đạo tối cao (Supreme Head of the Church of England).

Những diễn tiến sau đó, như việc Anne Boleyn cũng không có con trai, rồi bị lên đoạn đầu đài về ba tội danh (bịa đặt) ngoại tình, loạn luân và phản nghịch, việc vua Henry lấy thêm 4 đời vợ khác (trong đó người vợ thứ 5 cũng bị chặt đầu), việc con gái của Hoàng hậu Catherine of Aragon trở thành Nữ hoàng Mary đệ Nhất khét tiếng với các vụ thiêu sống những kẻ “lạc đạo”, rồi con gái của Anne Boleyn trở thành Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhất lừng danh…, độc giả có thể tìm hiểu thêm qua sách vở hoặc lài liệu trên Internet.

clip_image005

Trở lại với Lady Green Sleeves, từ ngày xuất hiện trong nền nhạc dân gian Anh quốc tới nay, lời hát của ca khúc này trong mỗi thời kỳ, ở mỗi địa phương có thể có những biến đổi nho nhỏ, nhưng về ý nghĩa thì không có gì khác nhau. Lady Green Sleeves là một ca khúc khá dài, gồm 8 phiên khúc và 1 điệp khúc:

1
Alas, my love, you do me wrong,
To cast me off discourteously.
For I have loved you well and long,
Delighting in your company.
Chorus:
Greensleeves was all my joy
Greensleeves was my delight,
Greensleeves was my heart of gold,
And who but my lady greensleeves.

2
Your vows you’ve broken, like my heart,
Oh, why did you so enrapture me?
Now I remain in a world apart
But my heart remains in captivity.
3

I have been ready at your hand,
To grant whatever you would crave,
I have both wagered life and land,
Your love and good-will for to have.

4
If you intend thus to disdain,
It does the more enrapture me,
And even so, I still remain
A lover in captivity.

5
My men were clothed all in green,
And they did ever wait on thee;
All this was gallant to be seen,
And yet thou wouldst not love me.

6
Thou couldst desire no earthly thing,
but still thou hadst it readily.
Thy music still to play and sing;
And yet thou wouldst not love me.

7

Well, I will pray to God on high,
that thou my constancy mayst see,
And that yet once before I die,
Thou wilt vouchsafe to love me.
8

Ah, Greensleeves, now farewell, adieu,
To God I pray to prosper thee,
For I am still thy lover true,
Come once again and love me.

Trong số những đĩa hát lời Anh mà chúng tôi được biết, không có ban nhạc hay ca sĩ nào hát đủ 8 phiên khúc. Chẳng hạn ban Brothers Four, chỉ hát phiên khúc đầu và phiên khúc cuối, còn nữ danh ca gốc Úc Olivia Newton-John (trình bày theo thể dân ca) hát ba phiên khúc 1-4-8, trong khi ban nữ ca Celtic Ladies chỉ hát hai phiên khúc 1 và 2.

clip_image007

 

[Olivia Newton-John nổi tiếng đầu thập niên 1980 với cuốn phim ca nhạc Grease]

Phụ lục (2): Lady Greensleeves, The Brothers Four

02-green sleeves – brothers four

Phụ lục (3): Lady Green Sleeves, Olivia Newton-John

03-Olivia Newton John – Greensleeves

Video:

Greensleeves – Celtic Ladies ‎

Cùng với việc các nhạc sử gia bác bỏ huyền thoại Green Sleeves là một “sáng tác” của vua Henry viết cho Anne Boleyn, một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã cho rằng nữ nhân vật trong bản Lady Green Sleeves là một phụ nữ yêu đương thác loạn, hoặc một cô gái giang hồ. Bởi vì vào thời đó, màu xanh (green) là biểu tượng của sự giao hoan, đặc biệt cụm từ “a green gown” nghĩa đen là dấu tích cỏ xanh trên áo sau cuộc truy hoan ở ngoài đồng, nghĩa bóng là một phụ nữ “thành tích đầy mình”!

Trong số những người phản bác lập luận trên có tác giả Nevill Coghill, người đã diễn dịch cuốn The Canterbury Tales, nói rằng màu xanh tượng trưng cho sự tỏa sáng của tình yêu (the lightness of love); hơn nữa, lời hát cho thấy nữ nhân vật đã thẳng thừng từ chối lời tỏ tình của người đàn ông thì không thể nói rằng nàng là một người lẳng lơ, hay một cô gái giang hồ.

Thế nhưng, hình như xuất xứ mù mờ và những diễn dịch trái ngược về ý nghĩa lời hát càng khiến Lady Green Sleeves trở nên phổ biến trong dân gian cũng như trong văn học, nghệ thuật. Trong vở kịch Những bà vợ yêu đời trong dòng họ Windsor (Merry Wives of Windsor) viết năm 1602, thi hào Shakespeare đã hai lần nhắc tới giai điệu của Lady Green Sleeves.

Năm 1865, William Chatterton Dix (1837–1898) một vị bác sĩ kiêm văn sĩ người Anh, đồng thời cũng là tác giả lời hát của nhiều bản nhạc đạo, đã đặt lời mới cho Green Sleeves với tựa đề What Child Is This?, một trong những ca khúc Giáng Sinh  phổ biến nhất từ trước tới nay.

clip_image008

What Child Is This?

What child is this, who, laid to rest
On Mary’s lap, is sleeping?
Whom angels greet with voices sweet,
While shepherds watch are keeping?
This, this is Christ the King,
Whom shepherds guard and angels sing:
Haste, haste to bring him praise,
The Babe, the Son of Mary!

So bring Him incense, gold, and myrrh,
Come peasant king to praise Him,
The King of kings of glory brings,
Let loving hearts enthrone Him.
Raise, raise the song on high,
Let singing fill the earth and sky,
Joy, joy, for Christ is born,
The Babe, the Son of Mary!

What child is this, who, laid to rest
On Mary’s lap, is sleeping?
Whom angels greet with voices sweet,
While shepherds watch are keeping?
This, this is Christ the King,
Whom shepherds watch and angels sing:
Haste, haste to bring him praise,
The Babe, the Son of Mary!

Phụ lục (4): What Child Is This? – Charlotte Church

04-WhatChildIsThis-CharlotteChurch

Video:

Greensleeves (What Child Is This) – Official Christmas Music Video

Riêng những vị độc giả yêu chuộng bộ môn điện ảnh, hẳn chưa quên cuốn phim vĩ đại How the West Was Won (1962), ngày ấy chiếu tại Sài Gòn dưới tựa tiếng Pháp La Conquête de l’Ouest, kể về công cuộc chinh phục miền Viễn Tây của Hoa Kỳ, trải qua ba thế hệ. Vai nữ nhân vật chính trong phim do nữ ca sĩ kiêm diễn viên Debbie Reynolds đảm trách, và hát ca khúc có tựa đề Home in the Meadow (Mái ấm trong thảo nguyên).

clip_image010

Cùng với cuốn phim do trên 20 nam nữ diễn viên nổi tiếng thủ các vai, ca khúc Home in the Meadow rất được người Mỹ ưa chuộng, và không ít người đã lầm tưởng đây là một ca khúc được viết riêng cho phim How the West Was Won, chứ không hề biết đây là bản dân ca Anh Green Sleeves được tác giả Mỹ Sammy Cahn (1913-1993) đặt lời hát mới.

Away, away, come away with me
where the grass grows wild and the winds blow free
Away, away, come away with me
and I’ll build you a home in the meadow…

Video:

Debbie Reynolds – a home in the meadow – how the west was…

Tới năm 1968, Green Sleeves lại được một nhóm tác giả Mỹ soạn lời hát mới với tựa Stay Away để Elvis Presley hát trong cuốn phim cao-bồi thời đại Stay Away, Joe do chàng thủ vai chính:

Ten thousand miles even though I roam
I can hear the call of the hills of home
The canyons high and the valleys low
Echo, how can you stay away…

Video:

Elvis Presley – Stay Away

Ngoài ra, trong số các tác giả ngoại quốc đặt lời hát cho Green Sleeves có cả Jaques Brel của Pháp – người mà chúng tôi sẽ đề cập tới khi viết về ca khúc để đời Ne Me Quitte Pas, tức If You Go Away. Green Sleeves được Jaques Brel đặt lời và trình bày bằng tiếng Pháp với tựa Amtersdam.

Giai điệu của Green Sleeves đã trở nên quen thuộc đến nỗi ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Anh quốc, Úc-đại-lợi, Tân-tây-lan, các xe bán kem lưu động đã sử dụng làm nhạc hiệu để thu hút khách hàng.

Cuối cùng, chúng tôi cũng xin đề cập tới một phiên bản của Greensleeves soạn cho ghi-ta cổ điển, mà trên YouTube một số người ghi tác giả là Mozart. Sinh thời, ngoài những bản giao hưởng, concerto, sonata, serenade, lễ nhạc…, Mozart cũng có một vài “variation of…”, tức là soạn lại một nhạc khúc nào đó, thường là các bản dân ca phổ biến, và soạn cho dương cầm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nhiều tài liệu về sáng tác của Mozart, chúng tôi không hề thấy nói tới việc thiên tài âm nhạc này soạn lại bản Green Sleeves cho ghi-ta.

Vì thế, bản Green Sleeves được ghi là của Mozart trên YouTube chúng tôi gửi tới độc giả dưới đây, tạm thời xem là của một tác giả khuyết danh. So với bản Green Sleeves qua tiếng đàn sắc sảo của danh cầm gốc Úc John Williams, Green Sleeves “của Mozart” êm đềm hơn, nhưng với một số người thưởng ngoạn, cũng có thể vì thế mà thiếu phần ấn tượng hơn chăng?!

Video:

Mozart – Greensleeves

Phụ lục (5): Green Sleeves, John Williams

05-Green Sleeves – John Williams

clip_image011

Ca sĩ Thái Hiền

Tại Việt Nam, vào khoảng năm 1973, Green Sleeves được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Vai Áo Mầu Xanh, tuy không phổ biến trong mọi tầng lớp nghe nhạc, nhưng riêng chúng tôi, sau khi được nghe Thái Hiền hát sau năm 1975, cho đây là một tuyệt tác.

Vai Áo Mầu Xanh

Tình tôi tan nát
Than ôi yêu người ôi yêu mãi
Nhưng sao mà như mất em rồi
Tình tôi say đắm đã lâu
Hỡi người tôi yêu dấu
Đã cho được gần nhau

Chiếc áo đó có đôi vai
Xanh màu xanh ân ái
Xanh như một hạnh phúc lâu dài
Hỡi hỡi chiếc áo xanh tươi
Ai người sẽ tới
Nghe tôi kể chuyện xa xôi

Người ơi không nhớ đến tôi
Tôi càng như thương nhớ
Thương yêu hình bóng cũ xa vời
Người ơi như đã thoát ly tôi
Tôi càng như trói
Thân tôi vào người mà thôi.

Phụ lục (6): Vai Áo Mầu Xanh, Thái Hiền

06- Vai ao mau xanh-Thai Hien

Phụ lục (7): Green Sleeves (flute), khuyết danh

07-Greens-piano_bgem

Phụ lục (8): Green Sleeves (piano) Richard Clayderman

08-Green Sleeves – Richard Clayderman

Hoài Nam

 

PHỤ LỤC:

Phụ lục (1): Vaughan Williams -Fantasia on Greensleeves –English Chamher Orchestra

Phụ lục (1): Vaughan Williams -Fantasia on Greensleeves –English Chamher Orchestra

Phụ lục (2): Lady Greensleeves, The Brothers Four

Phụ lục (2): Lady Greensleeves, The Brothers Four

Phụ lục (3): Lady Green Sleeves, Olivia Newton-John

Phụ lục (3): Lady Green Sleeves, Olivia Newton-John

Phụ lục (4): What Child Is This? – Charlotte Church

Phụ lục (4): What Child Is This? – Charlotte Church

Phụ lục (5): Green Sleeves, John Williams

Phụ lục (5): Green Sleeves, John Williams

Phụ lục (6): Vai Áo Mầu Xanh, Thái Hiền

Phụ lục (6): Vai Áo Mầu Xanh, Thái Hiền

Phụ lục (7): Green Sleeves (flute), khuyết danh

Phụ lục (7): Green Sleeves (flute), khuyết danh

Phụ lục (8): Green Sleeves (piano) Richard Clayderman

Phụ lục (8): Green Sleeves (piano) Richard Clayderman

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search