T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: LỮ QUỲNH, NGƯỜI SOI TÌM MỘT NỬA ĐÃ MẤT…

clip_image002

Tay với trời cao không thấu nổi

Tuổi già mất bạn cũng mồ côi

(LQ)

Rất có thể Lữ Quỳnh đã làm những câu thơ đầu tiên trước khi viết những trang văn. Nhưng rồi, văn của ông được ấn hành trước những tập thơ. Đối với Lữ Quỳnh, cái trước và cái sau, hình như không phải là dấu mốc để văn chương của ông khởi đi. Bởi văn ông viết, có rất nhiều trang, nhiều đoạn như thơ. Đó là nét đặc thù của một Lữ Quỳnh, chàng nghệ sĩ luôn tìm kiếm một nửa đã mất trong ông. Cái nửa ấy là người tình, người bạn, là góc phố, là cơn mưa, là tuyết trắng…là những gì ông đã đến với, và rồi chúng đã “bỏ rơi ông”, một mình, cô độc.

Và, có lẽ vì vậy, trong thơ ông luôn nảy bật những cảm xúc là những “hồi ức buồn”, gom lại và sáng rực lên trong suốt cuộc lữ để rong chơi với văn chương:

Sinh nhật tôi

Một ngày tháng chạp

Những ngọn nến thắp

Là hồi ức buồn

Bốn câu thơ như một con đường phủ đầy tuyết trắng, dẫn người đọc đến một khu rừng mùa đông với chút lạnh se sắt vừa ngọt ngào đủ để chúng ta cong gập cùng tác giả hoài nhớ về khoảng cách thời gian, đã trôi qua; nó rất xa mà cũng thật gần, bám chặt vào tâm trí ông, rong rêu hoài nhớ, u uẩn những vết cào xước trên tấm phông màu lổn nhổn quá khứ, bình thản trôi qua cuộc đời ông đến tê lòng.

Bởi thế, yếu tính trong thơ Lữ Quỳnh luôn là sự trộn lẫn giữa cái đang có và cái đã qua, là những dấu hỏi, những ray rức về một đời người hiện hữu trong cõi ta bà, về một thế giới bập bềnh nghiêng ngửa, về vận nước nổi trôi.

clip_image004

Hai tập thơ: Sinh nhật của một người không còn trẻ (1) và Những giấc mơ tôi (2) là sự song trùng về những dằn vặt nội tâm, những giằng xé không ngừng trước cuộc đời ông đã chứng kiến, đã trải qua và cảm thấu, như một khải thị về sự đau khổ, luôn đè nặng lên đôi vai của người lữ hành cô độc.

Thơ ông không ẩn dụ, chẳng mật ngôn, chỉ loang loáng những vệt trắng buồn như những cơn mưa mùa đông xứ Huế mà ông đã sống qua, thời niên thiếu. Những cơn mưa vật vã trắng đục, vật vã lạnh buốt đâm thấu vào cõi tiêu điều trần gian, sụt sùi mộng tưởng đến tan nát mảnh đời trầy trượt, tan nát lòng chưa kịp ấm. Ông luôn đeo mang những vật vã ấy, đeo mang những sùi sụt đến tận miền đất khách xa xôi như một “chiếc xe buýt chạy vòng không bến đỗ”. Chiếc xe chạy qua nghĩa địa đìu hiu, qua những ngả tư không đèn tín hiệu, không cả bóng người, chí thấp thoáng bong bóng mưa xao… Hình ảnh này, phải chăng cũng là một phần đời trong ông? Và cũng khốn khổ thay, tôi nghĩ, cảnh giới bên ngoài bong bóng mưa xao, là những thấp thoáng bóng dáng ông xiêu ngã, chếnh choáng men khổ lụy, ẩn nấp xa xôi hình ảnh mờ ảo, nhòa nhạt của những Rimbaud, Verlaine một thời xiêu xiêu trên góc phố Montparnasse với những ly rượu rỗng không soi tận đáy đêm sâu. Ông cũng vậy, khi cầm ly rượu đỏ trên tay tràn nỗi nhớnhìn khói thuốc lang thang khói cũng ngập ngừng, là tâm trạng hụt hẫng, lẻ loi trước vòng tròn im lặng của thời gian. Ông đang tìm điều mà M. Proust đã tìm. Ông đến tận cùng nơi chốn đã mất. Và chẳng còn gì! Tất cả đều hiện lên như một ảo giác, trước mặt ông , và trong tâm trí ông. Khoảnh khắc lãng đãng khói sương khiến ông mang cái khổ đau tạo thành cái đẹp, và ngược lại. Nó thoáng qua, mộng mị, không thật; lộng lẫy đến hiu hắt:

Quán hoa giấy chiều nay lãng đãng

Uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không

Những ly rượu không rượu, tưởng tượng một chút men cay, cũng là một cái cớ để nhớ về người bạn thiết của ông, cả đời tìm kiếm cái đẹp để dâng hiến cho cuộc đời:

Hai chiếc ly thủy tinh

Lóng lánh rượu vàng

Giữa sương khói – khói hương.

Những cái bóng của đam mê, đau khổ, lãng mạn với chút lửa chiều đông. Ông cũng vậy, mang cõi hiu quạnh vào thơ và thong thả bùi ngùi cất lên giọng hót của con chim lạc đàn

nghĩa địa mùa này trơ mộ chí

và lòng ta cũng mộ chí gập ghềnh.

Đó chẳng phải là những hụt hẫng nối tiếp nhau giữa cõi đời lởm chởm gai góc, lăn lóc những xương xẩu rũ mục? Đến cả những điều mà ông hớn hở gọi là hạnh phúc vào một ngày mùa đông, bên cây thông giáng sinh, khi hồi tưởng về chốn cũ, vẫn là những ray rức không cùng, rồi lý giải rằng sự bình yên là lúc nỗi cô đơn dịu dàng. Cảm giác có thật như một bất chợt hiện về trong tâm trí, đến nỗi cô đơn dẫy tràn trong thơ ông và trở thành thuộc tính của thơ ông.

Những hồi ức của Lữ Quỳnh là chuỗi dài những cô đơn với tâm trạng rã rời bởi những mất mát, khổ lụy cõi trần, không ai cởi được dây trói, không ai có thể làm cuộc hồi sinh những gì đã vĩnh viễn thoát ra khỏi chốn trần gian triền phược. Ông cũng vậy, một mình, cô đơn đến tận cùng, như hoàng tử bé con từ một tinh cầu lạ, lạc vào sa mạc cát mênh mông của Saint Exupéry:

Thèm rượu mà ta không uống được

Bạn thì xa tri kỷ cũng đi rồi

Tay với trời cao không thấu nổi

Tuổi già mất bạn cũng mồ côi

Và rồi, những giấc mơ cùng đến, lộn xộn không hình hài bởi trước đó những hình hài kia đã vội vã ra đi không hẹn trước. Vì vậy cuộc đời còn lại là một sân khấu thênh thang và rực rỡ bóng tối, u nhòa rong rêu bám dính trên từng ô cửa. Hơi thở nhẹ tựa màn sương. Tiếng động mỏng tang như lớp khói chiều ngày cuối năm ngóng đợi. Hiu quạnh đến trống không âm thanh, trống không sắc màu:

Có tiếng vỗ tay râm ran

Trên từng hàng ghế trống

Lạnh lẽo gió thiên đường

Để lúc tỉnh ra

Ngồi một mình trong bóng tối

Quạnh hiu.

Cùng với giọng nghẹn ngào, thổn thức đó, những bài thơ viết trước năm 75 là tâm trạng chung của cả một thế hệ, nói như Lữ Kiều lịch sử chọn chúng ta chứ chúng ta không có quyền chọn lịch sử! Trắng ra là những âm mưu và quyền lực đã nghiền nát tuổi trẻ Việt Nam thời nội chiến. Tang thương, kinh hoàng… và hàng chục tính từ không viết hết trên trang giấy với Huế Mậu Thân, đã được gọi lên với hàng trăm ngôn ngữ khác nhau về một thảm cảnh, chỉ khác nhau giữa lò hơi ngạt và những viên đạn trực diện với những người, một thời là bằng hữu. Cảnh tượng đó, đối với những trái tim mẫn cảm trước nỗi đau đồng loại, không thể không run rẩy, nức nở. Bài thơ Mùa xuân ở Huế ông viết năm 1968 lạnh băng như tuyết giá nhưng cồn cào nỗi đau đến vô tận:

Bây giờ thành phố đó

Đạn rền khắp ngoại ô

Bạn bè anh ngã xuống

Chết đi như tình cờ

Mùa xuân không pháo nổ

Chỉ súng dội quanh ngày

Với một trái tim như vậy, ông còn nghẹn nấc với một Hoàng Sa, với một Trường Sa, Fukushima!

Quê hương không khước bỏ, đoạn lìa một ai. Và cũng không một ai đủ gan dạ đoạn lìa xứ sở. Họ là những kẻ bị đẩy ra khỏi mảnh đất, quê hương như bầy người Do Thái hàng ngàn năm trước!

Lữ Quỳnh cũng lang thang bởi những hình nhân không tim không óc, để cuối cùng ở tận phương trời xa lắc, ông bật nấc lên:

Tôi không còn trẻ để cầm tay em nữa

Nhưng lòng luôn sẵn lửa cho em.

Câu thơ không ám chỉ, không định hướng nhưng đọng lại, ngoài những điều ông gọi “hồi ức buồn” là cả một trái tim rực cháy, luôn hướng về phía trước.

Lữ Quỳnh là vậy, ông luôn tìm ghép lại một nửa đã mất trong ông.

NGUYỄN LỆ UYÊN

Tuy Hòa, 2- 2014

____________________

(1) Sinh nhật của một người không còn trẻ, Văn Mới, HK 2009

(2) Những giấc mơ tôi, Văn Mới, HK 2013

©T.Vấn 2014

 

Đọc vài bài thơ của Lữ Quỳnh :

Người lính buồn

Nhớ Ngô Kha, 1966

Trước mỗi ngọn nến hồng
Sau ngày thua trận
Im lặng sâu hơn
Vì chờ tiếng nói
Mưa rả rích ngoài trời
Vẫn không một lời
Giã từ nhau lặng lẽ.

Chiếc cầu sắt đen
Những thanh tà vẹt rỉ
Tàu qua mỗi buổi chiều
Để lại tiếng còi hoàng hôn
Người lính tóc râu phủ mặt
Bước lạnh lùng trên những thanh ray
Buổi chiều ở Cầu Hai
Mang trái tim Che[1]
Người lính tưởng mình ở rừng già nam Mỹ
Cùng giấc mơ giải phóng về.

Cuộc chiến đầy ảo vọng
Rồi cũng lụi tàn nhanh
Dưới mưa phùn giá lạnh
Đoàn hàng binh về thành
Người lính buồn ở lại.

Đã nhiều năm trôi qua
Người lính buồn ở lại
Người lính buồn nằm xuống
Giấc ngủ ruộng đồng
Mênh mông mây trắng
Tiếng vỗ cánh
Hư không.

San Jose, 1/2011

Chú thích

  1. Ernesto “Che” Guevara (1928-1967)  ^

Mùa đông, những ngày bình yên

Bắt đầu những ngày bình yên
Ngắm mùa đông
Ấm áp trong tóc em
Trong ánh mắt reo vui
Bữa cơm chiều.

Lần đầu tiên ở xứ người
Hiểu thế nào hạnh phúc
Khi cỗ máy ầm ào hằng đêm
Cùng ánh đèn cao áp
Không còn giành giựt với trái tim
Nhịp đập.

Mùa đông
Cây thông Giáng sinh
Lấp lánh quả cầu giấy bạc
Nhớ quê nhà những chiều mưa
Trên sân gạch nở đầy
Bong bóng nước
Em mặc áo len vàng
Tung tăng cánh đồng ký ức
Cánh đồng mùa xuân
Hoa cúc vàng nở rực.

Mùa đông này
Trời trong veo và rất lạnh
Hai bàn tay buốt cóng
Cầm nỗi nhớ nhà
Đi lang thang
Qua Tự Do, Lê Lợi
Ngừng Givral
Nhìn bạn bè đứa còn đứa mất
Rượu tràn ly
Nói cười
Chuyện thiên đường địa ngục.

Lần đầu tiên
Hiểu thế nào bình yên
Là lúc
Nỗi cô đơn dịu dàng
Cùng mùa đông
Bắt đầu thắp
Những ngọn nến hồng
Trên mặt đất.

Lời xin lỗi trước mùa xuân

Xin thêm một lần tha lỗi cho anh
Hỡi em hỡi em – chỉ thêm một lần
Anh sẽ đốt cháy rừng
Sẽ bắn vào chiến tranh
Như mặt trời buổi trưa
Lòng anh bừng bừng lửa táp
Ôi nỗi buồn cao như cổ tháp
Anh sẽ bằng tay bằng óc bằng súng bằng dao
Đập cho tan hoang con quỷ ám trong đầu
Con quỷ giết người bằng đạn đồng chông sắt
Con quỷ làm em mỗi ngày cúi mặt
Nhớ anh Bà Gi thấp cao đồi đỏ
Lo anh từng đêm giấc ngủ nghẹn ngào
Em bây giờ vàng như ánh hỏa châu
Mùa xuân tới chờ anh về soi mặt
Anh sẽ cố đem theo những ngày-dài-không-xa-cách
Cùng thoáng môi thơm cả mấy tháng hương rừng.

Ước gì ký ức như tấm bảng đầu xuân
Cho anh được xóa một lần
Quên đôi mắt mồ côi của bé
Quên khuôn mặt bạn bè vĩnh biệt anh em
Quên những ngày những đêm
Quên cò súng lưỡi lê
Quên mìn chông đạn lửa
Ước gì chỉ một lần
Anh được quên tất cả.

Bây giờ em ở đó
Trời buồn như mắt dân Chiêm
Tháng này gió nhiều tha hồ lá đổ
Em ru con bằng tiếng xạc xào
Ôi nỗi buồn hun hút dâng cao
Anh biết mùa xuân sắp về
Nhưng lòng còn bình yên để đợi?
Em ở đó một mình
Hằng đêm nằm nghe cỏ mọc
Lòng nặng tiếng à ơi
Làm sao không khóc!

Xin tha lỗi anh thêm một lần
Hỡi em hỡi em – chỉ thêm một lần
Vì đầu chiến tranh chưa vỡ
Vì súng này chưa biến thành cành khô
Để anh gửi em tặng đám học trò
Chiều tất niên đốt làm lửa trại
Hy vọng xanh rờn cho tay em hái
Sẽ không bao giờ còn một mình
Nằm nghe gió quái đầu hiên
Cùng nỗi nhớ anh chập chập chờn nước mắt.

Quy Nhơn, 1969

Bài Mới Nhất
Search