T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam :NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT-(39)- DELILAH (Giết người yêu dấu), Barry Mason & Les Reed

clip_image001

Trong “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” (British Invasion) vào nền nhạc phổ thông Hoa Kỳ, nếu chỉ tính các ca sĩ hát solo chứ không kể các ban nhạc, tên tuổi lớn nhất thuộc phái nữ phải là Dusty Springfield mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài 37, còn về phái nam, không ai khác hơn là “Sir” Tom Jones, vốn được xem là một trong những nam ca sĩ được ái mộ nhất trong thập niên 1960, với số đĩa bán ra vượt quá con số 100 triệu.

Nguyên nhân chính khiến Tom Jones ăn khách tới mức đó là cùng với một giọng nam trung mạnh mẽ và cách hát tận lực (full-throated, robust baritone), Tom Jones còn có khả năng hát hầu như tất cả mọi thể loại trong nền nhạc phổ thông (popular music): pop, rock, R&B, country, dance, soul, gospel…

Phụ lục (1): I’ll Never Fall In Love Again, Tom Jones

Video:

TOM JONES – I’ll Never Fall In Love Again (1967)

Phụ lục (2): Detroit City, Tom Jones

Trong sự nghiệp của mình, Tom Jones đã có 36 ca khúc lọt vào Top 40 ở Anh, 19 ở Hoa Kỳ, trong số đó có hai bản được đặt lời Việt là Delilah (Giết người yêu dấu) và I (Who Have Nothing) (Tôi muốn cô đơn – Không có gì trao em).

clip_image003Tom Jones, Priscilla và Elvis Presley

Tom Jones đã đoạt rất nhiều giải thưởng ca nhạc, như hai giải Grammy cho nghệ sĩ mới nổi trong năm (1966), MTV Video Music Award (1989) của Hoa Kỳ, hai giải Brit Award của Anh quốc cho ca sĩ hay nhất (2000) và cho sự nghiệp phi thường (2003)…

Năm 1999, Tom Jones được Hoàng gia Anh ân thưởng huân chương cao quý OBE (Order of the British Empire) cùng một lượt với Dusty Springfield, và tới năm 2006, đã được Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị phong tước “hiệp sĩ” (knighthood) vì những công lao trong lĩnh vực ca nhạc.

[Đôi hàng về huân chương OBE và tước “hiệp sĩ”: Trước tên họ của một số người, chúng ta thấy có chữ “Sir” hoặc Dame”, và/hoặc phía sau tên họ, có những chữ viết tắt như KBE, OBE… Chữ “Sir” hoặc “Dame” ấy cho biết người này đã được vua/nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ (knighted), còn những chữ viết tắt như KBE, OBE… cho biết người này đã được Hoàng gia Anh ân thưởng huân chương của “Đế quốc Anh“ (Order of the British Empire).

Order of the British Empire có tất cả năm hạng, từ cao xuống thấp lần lượt là:

1- Knight Grand Cross (Dame Grand Cross cho phái nữ) of the Order of the British Empire, viết tắt là GBE

2- Knight Commander (Dame Commander cho phái nữ) of the Order of the British Empire, viết tắc là KBE, hoặc DBE (cho phái nữ)

3- Commander of the Order of the British Empire, cho cả hai phái, viết tắt là CBE

4- Officer of the Order of the British Empire, cho cả hai phái, viết tắt là OBE

5- Member of the Most Order of the British Empire, cho cả hai phái, viết tắt là MBE

Người nào được ân thưởng huân chương hai cấp cao nhất (GBE, KBE hoặc DBE) sẽ đương nhiên kèm theo tước “hiệp sĩ” (knighthood, damehood), như trong trường hợp hai nữ minh tinh Liz Taylor, Joan Collins và nữ danh ca Shirley Bassey, tên của ba người được viết như sau: Dame Elizabeth Taylor, DBE; Dame Joan Collins, DBE; Dame Shirley Bassey, DBE.

Người nào được ân thưởng ba cấp huân chương còn lại (CBE, OBE, MBE), trong tương lai cũng có thể sẽ được phong hiệp sĩ, như trường hợp của nam diễn viên Anthony Hopkins, nam ca sĩ Tom Jones .

Trong một số trường hợp hiếm hoi, các huân chương của “Đế quốc Anh“ (Order of the British Empire) cũng được trao tặng cho người ngoại quốc (không phải thần dân của Nữ hoàng Anh), chẳng hạn nhà hài kịch nổi tiếng Bob Hope, đạo diễn thiên tài Steven Spielberg, tỷ phú Bill Gates của Hoa Kỳ, nam ca sĩ tenor Placido Domingo của Tây-ban-nha, đều được tặng huân chương hạng nhì KBE, nhưng trước tên của những người này không có chữ “Sir”, bởi tước “Sir” và “Dame” chỉ dành cho công dân Anh và các quốc gia trong khối Liên Hiệp Anh (Commonwealth); riêng nữ minh tinh Elizabeth Taylor của Mỹ sở dĩ được mang tước “Dame” là vì bà là người gốc Anh, ra chào đời tại Anh, và mang hai quốc tịch.

* * *

Tom Jones, tên đầy đủ là Thomas Jones Woodward, ra chào đời ngày 7 tháng 6 năm 1940 tại xứ Wales, Vương quốc Anh, trong một gia đình lao động, ông nội là tài xế xe truck, ông bố là phu mỏ than.

Ngay từ nhỏ, Thomas đã cho thấy cậu có khiếu ca hát, và thường hát trong các buổi họp mặt mang tính cách gia đình, trong ca đoàn của trường học, và cả trong các đám cưới.

Thomas có một giọng hát thiên phú và chịu ảnh hưởng của các ca sĩ hát nhạc “blues” và R&B của Hoa Kỳ, rất thích hợp với nhạc “soul” của người Mỹ gốc Phi châu. Tại trường học, Thomas không được “sáng dạ” cho lắm và cũng chẳng thích các môn thể thao, cho nên cậu đã dồn hết nỗ lực vào việc luyện tập ca hát để tạo cho mình một sự tự tin.

Năm 12 tuổi, Thomas bị lao phổi nặng và phải mất 2 năm mới hoàn toàn bình phục. Trong thời gian bị “cấm cung”, cậu chỉ có hai thú tiêu khiển là nghe nhạc và vẽ.

Năm 16 tuổi, cô bạn gái của Thomas là Melinda Trenchard, cũng 16, có bầu. Hai người làm đám cưới vào tháng 3 năm 1957, chỉ một tháng trước ngày Melinda cho ra chào đời cậu con trai Mark. Thế là Thomas phải bỏ học để kiếm việc làm nuôi sống gia đình; tiếp theo một số công việc linh tinh, Thomas trở thành công nhân xây cất.

Vừa đi làm, Thomas vừa ca hát giúp vui trong các quán rượu, và tới năm 1963, trở thành ca sĩ chính trong một ban nhạc địa phương có tên là “Tommy Scott and the Senators”.

Với tiếng hát của Thomas, ban Tommy Scott and the Senators trở nên nổi tiếng, rất được ái mộ tại vùng South Wales, nhưng dẫu sao cũng vẫn chỉ là một ban nhạc “địa phương”, trình diễn tại các khiêu vũ sảnh (dance hall) và quán rượu của dân lao động.

Chính tại một trong những quán rượu ấy, vào năm 1964 Thomas Jones Woodward đã lọt vào mắt xanh của Gordon Mills, người sau này trở thành ông bầu của chàng.

Gordon Mills là một nhà viết ca khúc kiêm ông bầu nổi tiếng của Anh, sinh năm 1935 tại Madras, Ấn-độ (cùng nơi với Engelbert Humperdinck), lớn lên ở South Wales, sau đó tới hành nghề tại thủ đô Luân-đôn.

Sau khi đưa Thomas Jones Woodward về London, việc đầu tiên của Gordon Mills là tìm cho chàng ca sĩ một nghệ danh dễ gây sự chú ý. Thời gian này, cuốn phim hài kịch phiêu lưu “Tom Jones” (1963, đoạt 4 giải thưởng Oscar) đang làm mưa gió trên màn bạc, và Gordon Mills đã nảy sáng kiến rút ngắn tên “Thomas Jones” thành “Tom Jones”. (Một năm sau đó, cũng chính Gordon Mills đã chọn nghệ danh “Engelbert Humperdinck” cho anh bạn Arnold Dorsey).

Ngay trong năm 1964, Gordon Mills đã giúp Tom Jones ký hợp đồng với hãng đĩa Decca, và thu đĩa hát single đầu tiên – “Chills and Fever” – vào cuối năm đó, tuy nhiên không gây được sự chú ý. Nhưng đĩa thứ hai của Tom Jones, bản “It’s Not Unsusual”, một sáng tác của Les Reed và Gordon Mills, đã thành công vượt bực, do công giới thiệu của “đài phát thanh lậu” Caroline Radio.

[Đài phát thanh lậu: tạm dịch từ chữ “pirate radio”, còn được gọi là “free radio” hoặc “clandestine station”, được dịnh nghĩa là những đài phát thanh bất hợp pháp hoặc bất hợp lệ, được thành lập với mục đích giải trí hoặc chính trị. Cũng có những trường hợp “pirate radio” được xem là hợp pháp ở nơi phát sóng, nhưng lại bị xem là bất hợp pháp ở nơi nhận sóng, thí dụ các đài phát thanh ở ngoại quốc có đối tượng thính giả ở trong các quốc gia độc tài, cộng sản. Riêng những “pirate radio” có mục đích giải trí ở Âu châu, thường được phát sóng từ những chiếc tàu đậu ngoài hải phận quốc tế, cho nên còn được gọi là “offshore radio”, như trường hợp của Caroline Radio của người Anh.

Caroline Radio được thiết lập năm 1964, với mục đích chống lại “độc quyền về ca nhạc” của các hãng đĩa và đài BBC; tới thập niên 1980, đài phát thanh lậu này đã lớn mạnh với 5 chiếc tàu phát sóng tới thính giả ở hầu hết các quốc gia ở Tây Âu, Bắc Âu]

Sau khi được Caroline Radio phát đi, tới đầu năm 1965, bản “It’s Not Unsusual” của Tom Jones đã lên No.1 tại Anh Quốc và lọt vào Top 10 tại Hoa Kỳ (tới năm 1968, Tom Jones đã được mời trình diễn ca khúc này trên The Ed Sullivan Show nổi tiếng của hãng CBS).

Video:

Tom Jones It’s Not Unusual

Thừa thắng xông lên, Gordon Mills liên tiếp ký nhiều hợp đồng với các nhà soạn nhạc phim để cho Tom Jones hát các ca khúc chủ đề, và đạt thành công rực rỡ với hai bản What’s New Pussycat? (trong phim What’s New Pussycat?, 1965) và Thunderball (trong phim 007 James Bond “Thunderball”, 1965).

Nhờ hai ca khúc này, Tom Jones đã một sớm một chiều nổi tiếng khắp thế giới, và qua năm 1966, được trao giải Grammy, giải thưởng âm nhạc cao quý nhất của Hoa Kỳ, cho Nghệ sĩ mới nổi (Grammy Award for Best New Artist).

Cũng trong năm 1966, Tom Jones đã chinh phục thính giả yêu nhạc country qua một ca khúc country của chính người Mỹ, bản Green Green Grass of Home.

Green Green Grass of Home là một trong những ca khúc country phổ biến nhất trong thập niên 1960, nội dung kể chuyện một thanh niên ở trong tù nằm mơ trở về quê nhà có thảm cỏ xanh, được cha mẹ và người yêu mừng đón…

Trước năm 1966, Green Green Grass of Home đã được nhiều ca sĩ country của Mỹ thu đĩa và lên “top”, nhưng phải đợi tới khi Tom Jones hát, ca khúc này mới đứng No.1, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn nhiều nơi khác trên thế giới. Bao thập niên đã trôi qua, với hàng triệu khán thính giả, Green Green Grass of Home qua tiếng hát của Tom Jones lúc nào cũng vẫn là một ca khúc country ấm lòng…

Video:

Tom Jones – Green Green Grass Of Home (with lyrics)

Năm 1967, Tom Jones trình diễn lần đầu tiên tại Las Vegas ở khách sạn – sòng bài Flamingo, và tiếp theo là Caesars Palace. Giọng hát, cách trình diễn và phục sức của chàng ca sĩ xứ Wales (áo sơ-mi không cài nút ngực, quần bó sát) lập tức gây sóng gió: các nữ khán giả ái mộ đua nhau cởi quần lót ném lên bục hát (knicker-hurling) để tỏ lòng ái mộ, một số bà cô khác thì ném chìa khóa phòng khách sạn của mình lên để… mời gọi.

Tom Jones ăn khách đến nỗi các chủ nhân khách sạn – sòng bài ở Las Vegas đã ký hợp đồng dài hạn, qua đó chàng phải trình diễn tối thiểu mỗi tuần một buổi tại thành phố này; và công việc ấy đã kéo dài mãi cho tới năm 2011 (44 năm)!

Sau khi nổi tiếng (và hốt bạc) tại Las Vegas, qua năm 1969, Tom Jones đã chủ xướng một chương trình tạp lục (variety show) trên truyền hình lấy tên là This Is Tom Jones, do hãng truyền hình Anh-Mỹ ATV thực hiện từ năm 1969 tới năm 1971; nhờ show này, Tom Jones đã được xướng danh giải Trái Cầu Vàng (Golden Globe) năm 1969 cho… nam diễn viên xuất sắc!

clip_image005

Khoảng thời gian này, do quá bận rộn với công việc trình diễn “live”, Tom Jones rất lười thu đĩa. Tuy nhiên, ít nhất chàng cũng có được ba đĩa single lên Top, đó là các bản Delilah (1968), I (Who Have Nothing) (1970), và She’s a Lady (1971).

Delilah I (Who Have Nothing) chúng tôi sẽ đề cập tới ở cuối bài, ở đây xin viết về She’s a Lady.

She’s a Lady là một sáng tác của Paul Anka, chàng ca nhạc sĩ kiêm nhà viết ca khúc gốc Gia-nã-đại nổi tiếng nhất mà chúng tôi đã từng nhắc trong bài mở đầu của nền nhạc phổ thông. Ngoài những sáng tác nổi tiếng do chính mình thu đĩa như Diana, Lonely Boy, Put Your Head on My Shoulder, Papa…, Paul Anka còn viết một số ca khúc cho riêng từng ca sĩ nổi tiếng. Nói là “cho riêng” bởi lời hát đã được Paul Anka viết sao cho thích hợp với giọng hát, cách hát đặc thù của danh ca ấy. Hai thành công điển hình nhất của Paul Anka là bản My Way viết cho Frank Sinatra, và She’s a Lady viết cho Tom Jones.

Paul Anka trao bản She’s a Lady cho Tom Jones vào cuối năm 1970, nhưng vì Tom Jones cho rằng lời hát quá “tả chân”, hai người đã cùng nhau sửa lại cho nhẹ bớt trước khi Tom thu đĩa, và phát hành vào đầu năm 1971.

Vừa được tung ra, She’s a Lady đã làm mưa gió trên các bảng xếp hạng tại Hoa Kỳ: No.1 trên tạp chí ca nhạc Cash Box, No.2 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100, và hạng 25 của cả năm 1971. She’s a Lady cũng đứng No.1 trên bảng xếp hạng toàn quốc “RPM 100” ở Gia-nã-đại.

Phụ lục (3): She’s a Lady, Tom Jones

Video:

Tom Jones ~ She’s a Lady

Năm 1989, tên tuổi của Tom Jones đã trở thành bất tử với ngôi sao

mang tên chàng trên Lối đi Danh vọng (Hollywood Walk of Fame) , nằm ở số 6608 Hollywood Boulevard. Không hiểu vì vô tình hay do chủ ý của ban quản trị Hollywood Walk of Fame, ngôi sao khắc tên Tom Jones nằm ngay trước cửa tiệm Frederick’s of Hollywood, vốn là cửa tiệm bán đồ lót phụ nữ nổi tiếng nhất ở Mỹ.

Tom Jones cũng là nghệ sĩ ngoại quốc hiếm hoi được khắc tên trên một (trong số hơn 60) ngôi sao ở Hè phố Minh tinh (Sidewalk of Stars) trước rạp hát Orpheum Theatre nổi tiếng ở thành phố Memphis, tiểu bang Tennessee, quê hương của dân ca Hoa Kỳ.

Cuối năm 1999, Tom Jones được Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton mời hát trong buổi đón thiên niên kỷ mới (2000) tại thủ đô Hoa-thịnh-đốn.

Năm 2009, Tom Jones quyết định ngưng nhuộm mái tóc bạc của mình, tuy nhiên “chàng ca sĩ” 69 tuổi vẫn được độc giả tạp chí Periodika của Hung-gia-lợi bình bầu là “Người đàn ông quyến rũ nhất thế giới’ (Sexiest Man In The World).

Năm 2010, số đĩa hát của Tom Jones bán ra đã vượt quá con số 100 triệu.

Năm 2012, cùng với việc tung ra một album mới, Tom Jones đã trình diễn tại đại nhạc hội Diamond Jubilee Concert trước Điện Buckingham, đánh dấu 60 ngày đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị.

Lần trình diễn gần đây nhất của Tom Jones được ghi nhận là trong phần văn nghệ trước trận chung kết bóng bầu dục Úc AFL (Australian Football League) Grand Final, vào cuối tháng 9 năm 2014.

* * *

clip_image007Barry Mason

clip_image008Les Reed

Tới đây, chúng tôi viết về bản Delilah, một sáng tác của hai nhà viết ca khúc Barry Mason Les Reed của Anh, cũng là tác giả của bản The Last Waltz mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước.

Cùng được viết theo thể điệu waltz (valse) nhưng trong khi The Last Waltz là một bản luân vũ êm đềm thì Delilah lại bị gọi là một “sát nhân tình khúc” (murder-ballad).

Với những độc giả thích đọc truyện tích trong bộ Cựu Ước (Old Testament) của Kinh thánh Thiên chúa giáo (Christian Bible), tựa đề “Delilah” đã đủ để cho biết đây là ca khúc nói về sự phản bội của người đàn bà trong tình yêu vì lợi lộc.

Delilah là tình nhân của Samson, lãnh tụ dân Do-thái vào thời các Quan án (Judges) cai trị, trước khi có các vua. Samson có sức mạnh vô địch, từng tay không xé xác một con sư tử. Bí mật về sức mạnh của Samson là mái tóc dài; vì thế, trước khi Samson ra chào đời, thiên sứ đã nói bà mẹ không bao giờ được cắt tóc con trai.

Vì sức mạnh của Samson, quân Philistines, kẻ thù không đội trời chung của dân Do-thái, luôn luôn bị thảm bại. Cuối cùng, địch quân đã mua chuộc được Delilah với lời hứa “1.100 miếng bạc” ( eleven hundred pieces of silver, nguyên văn trong Cựu Ước )để tìm hiểu bí mật. Sau ba lần từ chối, cuối cùng Samson đã tiết lộ với Delilah. Thế rồi lợi dụng lúc Samson ngủ say sau khi ân ái, Delilah đã cắt cụt mái tóc dài của người tình…

Chuyện tích Samson & Delilah đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng chục họa sĩ nổi tiếng, trong số đó có Peter Rubens (Bỉ) và Guercino (Ý) của thời kỳ Phực hưng (Renaissance), trở thành đề tài cho nhiều vở opera, phim ảnh, nhưng đây là lần đầu tiên, “Delilah” được sử dụng làm tựa đề cho một ca khúc.

Tuy nhiên, ngược lại với chuyện tích trong Kinh Thánh, trong ca khúc này, nàng Delilah phản bội đã bị người yêu cũ dùng dao đâm chết.

Samson_and_Delilah_Guercino-1

Delilah (thế kỷ 16) của Rubens

Delilah

I saw the light on the night that I passed by her window
I saw the flickering shadow of love on her blind
She was my woman
As she deceived me I watched and went out of my mind

My my my Delilah
Why why why Delilah
I could see, that girl was no good for me
But I was lost like a slave that no man could free

At break of day when that man drove away I was waiting
I crossed the street to her house and she opened the door
She stood there laughing
I felt the knife in my hand and she laughed no more

My my my Delilah
Why why why Delilah
So before they come to break down the door
Forgive me Delilah I just couldn’t take any more

She stood there laughing
I felt the knife in my hand and she laughed no more

My my my Delilah
Why why why Delilah
So before they come to break down the door
Forgive me Delilah I just couldn’t take any more

Forgive me Delilah I just couldn’t take any more

Phụ lục (4): Delilah, Tom Jones

Video:

Tom Jones – Delilah

Với bản Delilah, Barry Mason và Les Reed đã đoại giải “Ivor Novello” của Hiệp hội các nhà sáng tác ca khúc của Anh quốc năm 1968 cho cả phần nhạc lẫn lời hát (Best Song Musically and Lyrically).

Riêng đĩa single của Tom Jones đã đứng No.1 tại Ái-nhĩ-lan, Đức, Thụy-sĩ, Phần-lan, No.2 tại Anh, Na-uy, No.3 tại Áo, No.5 tại Gia-nã-đại, và No.15 tại Hoa Kỳ.

clip_image010

Từ đó tới nay, bản Delilah của Tom Jones đã được sử dụng làm nhạc nền trong nhiều cuốn phim điện ảnh, gần đây nhất là cuốn phim nổi tiếng American Huslte (2013), và nhiều show truyền hình; thậm chí cả đến nhân vật Homer Simpson cũng hát bản này trong một tập của The Simpsons!

Riêng tại xứ Wales, nơi chôn nhau cắt rốn của Tom Jones, từ thập niên 1970, Delilah – với lời hát được thay đổi – đã trở thành nhạc thiều (anthem) bán chính thức của đội tuyển bóng bầu dục (rugby) xứ Wales. Đặc biệt, năm 1999 tại vận động trường quốc gia Wembley Stadium ở thủ đô Luân-đôn, Tom Jones đã hát “live” ca khúc này trong phần văn nghệ phụ diễn trước trận chung kết giữa đội xứ Wales và đội Anh-cát-lợi. Kết quả, lần đầu tiên trong lịch sử, đội xứ Wales đã thắng đội Anh để đoạt chức vô địch Vương quốc Anh (United Kingdom).

* * *

Tại miền nam Việt Nam trước năm 1975, ca khúc Delilah cũng làm mưa gió ngay sau khi được du nhập vào Hòn ngọc Viễn đông – mưa gió trên các sàn nhảy (điệu valse), mưa gió trên sân khấu trình diễn.

Trong số những ca sĩ người Việt hát bản Delilah nói riêng, các ca khúc của Tom Jones nói chung, chúng tôi tin rằng không ai có thể qua mặt Paolo.

Paolo ở đây không ai khác hơn là “Thanh Tuấn”, ca sĩ của ban The Black Caps trước kia và là một trong những ca sĩ tiên phong của nền nhạc trẻ Việt Nam vào giữa thập niên 1960, rất được ái mộ qua những ca khúc Pháp thịnh hành. Tới cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, anh bước sang lĩnh vực ca nhạc phòng trà, hát solo với nghệ danh mới Paolo, rất thành công với những ca khúc lời Anh, đặc biệt là những bản của Tom Jones. Trong phong trào Việt hóa nhạc trẻ, Paolo cũng là một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất, với những ca khúc ngoại quốc được đặt lời Việt như Giết người yêu dấu (Delilah), Tôi muốn cô đơn – Không có gì trao em (I Who Have Nothing), Biển mộng mơ (La Plage aux Romantiques)…

Giết người yêu dấu (Delilah)

– lời Việt: Vũ Xuân Hùng

Đêm qua lang thang ai xui ta đăm đăm trông lên trên căn phòng
Em đang say mê trong tay ai điên mê sao tâm hoan hồng
Hỡi em yêu muôn đời !
Sao em hay dối gian cho tim ta thêm đau xót vô cùng
Em của ta, em ấu yêu
Sao giả trá cho xót xa
Giờ ta biết trong tim em không vương ân tình
Nhưng sao ta ngốc ngu yêu em nên ta không thảnh thơi lòng
Ban mai lung linh ta băn khoăn trông theo xe ai kia xa dần
Ta băng qua bên hiên khi em đang tung tăng bước ra ngoài
Đứng trên cao em cười, u mê dâng theo lưỡi dao vung lên,
Em bỗng ngưng cười. Em của ta, em ấu yêu
Sao giả trá cho xót xa
Đời ta nát âm u trôi trong nơi lao tù
Mong em câu thứ tha u mê ta đưa em lên nghìn thu buồn
Đứng trên cao em cười, u mê dâng theo lưỡi dao vung lên,
Em bỗng ngưng cười.
Em của ta, em ấu yêu
Sao giả trá cho xót xa
Đời ta nát âm u trôi trong nơi lao tù
Mong em câu thứ tha u mê ta đưa em lên nghìn thu buồn
Ôi em yêu xin dung tha, xin dung tha cho ta lần sau chót.

clip_image012

Paolo

Phụ lục (5): Giết người yêu dấu (Delilah), Paolo

Sau này tại hải ngoại, nam ca sĩ Tuấn Ngọc đã thu đĩa một phiên bản lời Việt được ghi là của Phạm Duy, tựa đề “Tình Hận”, có khi lại ghi là “Tình Điên”. Tuy nhiên trong danh sách 255 ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt của Phạm Duy tính cho tới cuối thập niên 1990, chúng tôi không thấy có bản này; suy ra, nếu Tình Hận (Tình Điên) là của Phạm Duy, ông đã viết trong những năm về sau.

Tình hận (Delilah)

– lời Việt: Phạm Duy

Có những số kiếp đã chót đắm đuối chất ngất say trong men tình.
Phút cuối mất hết mới biết có muốn sống chết với chữ yêu.
Dẫu yêu thương nồng nàn nhưng yêu thương vẫn luôn cho ta những đớn đau phũ phàng.
Yêu là nát tan trái tim, yêu là chết ở trong lòng.
Dù thời gian qua mau mang theo bao muộn phiền nhưng khi con tim trót si mê có biết chi ngày mai.
Lang thang trong đêm ta nghe cô đơn dâng lên bao nỗi u sầu.
Như đang trong mơ tôi lê đôi chân bơ vơ suốt canh thâu.
Thấy em trong tay người, em đem gian dối lấp tin yêu cho ta khổ một đời.
Khi tình đã xa lánh tôi, khi người đã phụ tôi rồi, thì cho tôi quên đi bao yêu thương xa xưa, giết bóng dáng ấy đã trong tay hay trong cơn mộng thôi.

Phụ lục (6): Tình Hận (Delilah), Tuấn Ngọc

Gần đây, còn có thêm một phiên bản lời Việt khác với tựa “Giết tình gian dối”, được nam ca sĩ Nguyễn Hưng trình bày trong một video ca nhạc của Trung tâm Thúy Nga, nhưng không ghi tên tác giả.

* * *

Sau đây, chúng tôi viết về bản I (Who Have Nothing), đôi khi còn được viết là “I Who Have Nothing”, một ca khúc chỉ lên tới No.11 (qua tiếng hát của Tom Jones), nhưng lại là một trong những ca khúc lời Anh được nhiều ca sĩ thu đĩa nhất (trên 30, chỉ tính ở Hoa Kỳ và Anh quốc), thường được trình bày dưới hình thức jazz hoặc soul.

Phần nhạc của I (Who Have Nothing) được lấy từ một ca khúc của Ý tựa đề “Uno Dei Tanti” (One of Many) được nam danh ca Joe Sentieri thu đĩa năm 1961. Tới năm 1963, hai tác giả Mỹ Jerry Leiber Mike Stoller (nổi tiếng với những ca khúc viết cho Elvis Presley) đặt lời Anh với tựa I (Who Have Nothing) cho nam ca sĩ Mỹ gốc Phi châu Ben E. King thu đĩa, đứng hạng 29 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Các ca sĩ khác thu đĩa bản này sau đó cũng chỉ lên với hạng 40 là cao nhất.

Tom Jones thu đĩa I (Who Have Nothing) vào năm 1970 và đã lên tới hạng 14 của Billboard Hot 100, và hạng 11 của tạp chí Cash Box.

I (Who Have Nothing)

I, I who have nothing, I, I who have no one
Adore you and love you so
I’m just a no one with nothing to give you, but love
I love you

 
He, he buys you diamonds, bright sparkling diamonds
But believe me, hear what I say
He can buy you the world but he’ll never love the way
I love you

 
He can take you any place he wants
To fancy clubs and restaurants
While I can only watch you with
My nose pressed up against the window pane

 
I, I who have nothing, I, I who have no one
Must watch you go dancing by
Wrapped in the arms of somebody else when darling, it’s I
Who loves you, who loves you
Who loves you

Phụ lục (7): I (Who Have Nothing), Tom Jones

clip_image014

Video:

Tom Jones I Who Have Nothing

Trong những cuộc thi tuyển ca sĩ gần đây ở Việt Nam, I (Who Have Nothing) đã được một số thí sinh có căn bản nhạc lý chọn để trình bày, và đều gây được ấn tượng nơi khán giả.

Riêng phiên bản lời Việt Tôi muốn cô đơn – Không có gì trao em cùng với nguyên tác I (Who Have Nothing) đã được Paolo trình bày trong một băng nhạc Tình Ca Nhạc Trẻ vào năm 1974. Rất tiếc, chúng tôi không nhớ tên tác giả, và hiện nay trên các trang mạng ca nhạc, cũng không thấy ai ghi ra.

Phụ lục (8): Tôi muốn cô đơn – Không có gì trao em, Paolo

Hòai Nam

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search