T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(44) – WOMAN IN LOVE (Khi Nàng Yêu), Barry & Robin Gibb

clip_image002

Ca khúc cuối cùng chúng tôi gửi tới độc giả trong phần giới thiệu những ca khúc phổ thông điển hình được đặt lời Việt là bản Woman in Love, một sáng tác của hai anh em Barry và Robin Gibb do Barbra Streisand thu đĩa, được Anh Bằng (?) đặt lời Việt với tựa Khi nàng yêu, và Phạm Duy với tựa Đi tìm tình yêu.

Được tung ra vào năm 1980, Woman in Love đã đứng No.1 tại Hoa Kỳ, Anh Quốc, Ái-nhĩ-lan, Gia-nã-đại, Úc-đại-lợi, Ý-đại-lợi, Tây-ban-nha, Pháp, Đức, Áo, Thụy-điển, Thụy-sĩ, Hòa-lan, Na-uy… Cho tới nay, Woman in Love vẫn được ghi nhận là đĩa single bán chạy nhất trong sự nghiệp của Barbra Streisand.

Trước hết, xin được viết về tác giả: Barry và Robin Gibb, hai thành viên trong ban nhạc Bee Gees của Anh quốc – ban nhạc pop & rock chỉ đứng sau ban Beatles, về số đĩa bán ra cũng như mức độ phổ biến của các khúc do họ sáng tác.

clip_image003

Bee Gees (hình chụp năm 1960)

Bee Gees gồm ba anh em ruột: Barry (sinh năm 1946) và cặp song sinh Robin, Maurice (sinh năm 1949). Ra chào đời tại đảo Isle of Man, lớn lên ở Manchester trong một gia đình nghệ sĩ: ông bố Hugh Gibb là tay trống kiêm trưởng ban nhạc khiêu vũ Hugh Gibb Band, bà mẹ Barbara xuất thân là một vũ công kiêm ca sĩ.

Năm 1955, tức là khi mới 9 tuổi và đang học tiểu học, Barry Gibb đã cùng với hai người bạn Paul Frost và Kenny Horrocks, thành lập ban nhạc rock The Rattlesnakes, trong đó Barry đàn guitar và hát, Robin và Maurice hát, Paul Frost chơi trống, Kenny Horrocks đàn bass.

Tháng 5/1958, Paul Frost và Kenny Horrocks bỏ đi để thành lập một ban khác. Cuối năm đó, ba anh em cùng người chị Lesley, cậu út Andy mới sanh được cha mẹ đưa sang Úc lập nghiệp tại vùng Redcliffe, gần thủ phủ Brisbane của tiểu bang Queensland. Tại đây, ba anh em vừa đi học tại trường tiểu học Humpybong State School vừa ca hát (vẫn với danh xưng The Rattlesnakes) để kiếm tiền tiêu vặt.

Năm 1960, The Rattlesnakes được Bill Goode, một nhà tổ chức các cuộc đua xe cho trình diễn xen giữa các cuộc đua tại trường đua xe hơi Redcliffe Speedway, sân khấu là cái sàn phía sau của một chiếc xe truck chạy vòng vòng, và thù lao là tiền khán giả ném xuống.

Thời gian này, The Rattlesnakes được Bill Goode đổi tên thành “The BG”. Hai mẫu tự BG là viết tắt tên Barry Gibb, về sau “The BG” đổi thành “The Bee Gees”.

[Theo lời truyền tụng trong dân gian, “BG” là viết tắt của “Brothers Gibb”, nhưng tiểu sử chính thức của The Bee Gees đã khẳng định “BG” là viết tắt tên người anh cả Barry Gibb]

Cũng trong năm 1960, Bee Gees được trình diễn lần đầu tiên trên truyền hình, sau đó được mướn trình diễn thường trực tại các trung tâm nghỉ mát ở vùng biển Queensland. Thời gian này, Barry Gibb bắt đầu sáng tác, và tới năm 1963, được nam ca nhạc sĩ Col Joyce nổi tiếng của Úc giới thiệu với hãng đĩa Festival Records.

Năm 1965, Bee Gees tung ra album đầu tiên có tựa “The Bee Gees Sing and Play 14 Barry Gibb Songs”, nhưng không gây được tiếng vang.

Qua năm 1966, ông bố Hugh Gibb khuyên các con trở về Anh quốc bởi “Miệt Dưới” (Downunder, nước Úc) không phải nơi khởi nghiệp lý tưởng cho các mầm non. Trước khi các con lên đường, Hugh Gibb đã gửi một số băng thu (demos) các ca khúc của Bee Gees cho Brian Epstein (1934-1967), người đã có công tạo tên tuổi cho ban Beatles; nhưng vì quá bận rộn, Brian Epstein đã trao những cuộn băng này cho anh bạn Robert Stigwood.

Có thể nói đây là sự sắp đặt của định mệnh, bởi qua năm 1967, Brian Epstein bất thần qua đời vào tuổi 32, nếu trước đó ông không trao “demos” của Bee Gees cho Robert Stigwood, không hiểu ba anh em nhà Gibb sẽ có cơ hội được giới thiệu tới khán thính giả Anh quốc hay không?!

Robert Stigwood, sinh năm 1934 tại Úc nhưng từ năm 1954 đã sang Anh lập nghiệp. Ông được xem là một ông bầu ca nhạc và nhà sản xuất thành công nhất trong những năm cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, với hai ban Cream và Bee Gees, với hai vở ca nhạc kịch “hippy” bất hủ Hair Jesus Christ Superstar, với cuốn phim Saturday Night Fever ăn khách nhất của thời disco…

Chỉ sau một lần nghe Bee Gees hát thử (audition) vào tháng 2/1967, Robert Stigwood đã cho họ ký hợp đồng 5 năm với hãng đĩa Polydor Records của Anh mà ông phụ trách việc sản xuất đĩa nhạc. Sau này Robert Stigwood hồi tưởng: ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, ông đã tiên đoán rồi đây Bee Gees sẽ trở thành ban nhạc pop & rock tạo ảnh hưởng không thua gì ban Beatles.

Sau khi cho tăng cường thêm hai nghệ sĩ Úc – tay trống Colin Petersen và tay guitar Vince Melouney – để có một ban nhạc 5 người, Robert Stigwood bắt tay ngay vào việc thực hiện album đầu tiên của Bee Gees (ở Anh quốc): Bee Gees 1st.

Giữa tháng 4/1967, Robert Stigwood tung ra đĩa single đầu tiên trích trong album này: New York Mining Disaster 1941. Vì Bee Gees chưa có một chút tên tuổi, Robert Stigwood đã nảy sáng kiến chỉ ghi tên ca khúc trên nhãn đĩa chứ không ghi tác giả cũng như ca sĩ, rồi gửi cho các đài phát thanh. Kết quả, một số người phụ trách chọn nhạc (DJ) đã cho rằng đây là một ca khúc mới của ban Beatles, và cho phát đi phát lại trên làn sóng điện, khiến New York Mining Disaster 1941 được lọt vào Top 20 ở cả Anh quốc lẫn Hoa Kỳ.

Đĩa single thứ hai của Bee Gees, To Love Somebody, không cần phải “ngụy trang” nữa, và lần đầu tiên, tên tuổi của Bee Gees đã xuất hiện trên Top 10 ở Gia-nã-đại, Úc, Hòa-lan, Bỉ; riêng tại Hoa Kỳ, To Love Somebody lên tới hạng 17 trong Billboard Hot 100.

Bản kế tiếp là bản Holiday, lên tới hạng 16 tại Hoa Kỳ. Cùng thời gian, album Bee Gees 1st được phát hành, đứng hạng 7 tại Hoa Kỳ và hạng 8 tại Anh quốc.

Giữa năm 1967, Bee Gees sang New York trình diễn – chuyến lưu diễn đã để lại một sáng tác để đời: bản Massachusetts.

Nguyên nhân đưa tới việc ba anh em Barry, Robin, Maurice Gibb viết bản Massachusetts chính là thành công của bản San Francisco (Be Sure to Wear Flowers in Your Hair).

Như chúng tôi đã viết trong một bài trước đây, San Francisco (Be Sure to Wear Flowers in Your Hair) do John Phillips của ban Mamas & the Papas sáng tác, Scott McKenzie thu đĩa, tung ra vào tháng 5/1967 để quảng cáo cho đại hội nhạc trẻ ngoài trời Montery International Pop Music Festival tổ chức một tháng sau đó, và đã trở thành “nhạc thiều” bán chính thức của phong trào phản kháng văn hóa trong thập niên 1960 (the counterculture movement of the 1960s).

Chính sự kiện các hippies trên khắp nước Mỹ kéo nhau về San Francisco (miền Tây) đã gợi ý cho ba anh em Barry, Robin, Maurice sáng tác bản Massachusetts trong lúc ngoạn cảnh New York City bằng tàu thủy. Nội dung ca khúc là lời kể của một chàng hippy ở Massachusetts (miền Đông) hăm hở tới San Francisco, nhưng tới nơi lại nhớ nhà – nơi mà “đèn điện tắt hết” vì mọi người đã bỏ sang San Francisco; cho nên trong ấn bản phát hành tại Anh quốc, bản Massachusetts được mang một cái tựa dài hơn: Massachusetts (The Lights Went Out in).

Một điều lý thú là khi đặt bút viết bản Massachusetts , anh em Bee Gees mới chân ướt chân ráo tới New York City, thành phố duy nhất mà họ trình diễn trong chuyến lưu diễn đầu tiên tại Hoa Kỳ; tức là họ chưa hề đặt chân tới Massachusetts. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Barry Gibb cho biết sở dĩ họ chọn Massachusetts thay vì chọn một tiểu bang miền Đông khác chỉ vì “chữ Massachusetts nghe hay hay, là lạ”.

clip_image005

Robin, Maurice và Bary Gibb

Bản Massachusetts do Robin Gibb hát giọng chính, phát hành năm 1968 trong album thứ hai của Bee Gees. Robin Gibb có một giọng hát trong và rung (vibrato) rất độc đáo, thường đảm trách vai trò ca sĩ chính trong thời gian đầu – những năm cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970. Bary hát giọng phụ và đàn guitar, Maurice hát giọng phụ và đảm trách piano, organ, bộ gõ, guitar…

Phụ lục (1): Massachusetts, The Bee Gees

Video:

Bee Gees – Massachusetts (1967) 

Massachusetts đứng No.1 ở Anh, Úc, hạng 11 ở Hoa Kỳ, bán được tổng cộng trên 5 triệu đĩa, trở thành một trong những đĩa single (45rpm) bán chạy nhất của Bee Gees.

Tuy nhiên, với người yêu nhạc trẻ ngoại quốc ở miền Nam VN trước năm 1975, ca khúc đầu tiên của Bee Gees được biết tới và yêu chuộng là bản I Started a Joke, một ca khúc trong album thứ ba của họ, phát hành cuối năm 1968, cũng do Robin Gibb hát giọng chính, ngày ấy được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Mùa đông em đi.

Phụ lục (2): I Started a Joke, Bee Gees

Phụ lục (3): Mùa đông em đi, Duy Quang (trước 1975)

Barry Gibb, người anh cả, thì có một giọng “R&B falcetto” độc đáo (R&B: giọng diễn tả; falcetto: giọng the thé, cao hơn giọng bình thường một bát độ – octave), thích hợp với những ca khúc mang âm hưởng R&B hoặc disco trong thập niên 1970, 1980.

Phụ lục (4): Stayin’ Alive , Bee Gees

Năm 2003, Maurice Gibb qua đời đột ngột vào tuổi 53 trong lúc giải phẫu tim; năm 2012, tới lượt Robin Gibb từ giã cõi đời sau một thời gian chống trả ung thư; cậu út Andy Gibb – một ca sĩ hát solo khá thành công – thì đã chết vì ma túy năm 1988 khi mới 30 tuổi. “Tứ quý nhà Gibb” chỉ còn lại một mình người anh cả Barry Gibb.

Tính tới năm 1997, năm Bee Gees được ghi tên vào Danh dự sảnh Rock and Roll (Rock and Roll Hall of Fame, Hoa Kỳ), họ đã bán được trên 220 triệu đĩa hát, chỉ đứng sau Elvis Presley, The Beatles, Michael Jackson, và (nam ca sĩ dân ca Mỹ) Garth Brooks.

[Bee Gees là một ban nhạc gốc Anh nhưng lại không được liệt vào danh sách nghệ sĩ trong Cuộc xâm lăng của Anh quốc (The British Invasion) vào nền nhạc phổ thông Hoa Kỳ, theo suy luận của chúng tôi, vì hai nguyên nhân sau đây: (1) khi Bee Gees nổi tiếng, cuộc xâm lược ấy đã sắp chấm dứt, (2) thành công bước đầu của Bee Gees đạt được ở cả Anh quốc lẫn Hoa Kỳ, sau này họ lại định cư tại Hiệp chúng quốc, được ái mộ và đóng góp vào kỹ nghệ ca nhạc ở Mỹ nhiều hơn là ở Anh, cho nên có thể gọi Bee Gees là một “ban nhạc Anh – Mỹ”]

* * *

Thế nhưng, tổng số đĩa hát bán ra mới chỉ là một nửa thành công trong sự nghiệp của Bee Gees; nửa còn lại chính là những sáng tác của họ.

Về tất cả các mặt khác, Bee Gees phải đứng sau Beatles, nhưng về mặt sáng tác, ít nhất họ cũng hơn “Tứ Quái” ở một điểm: tất cả mọi ca khúc lên top của họ đều là sáng tác của chính họ, trong khi thành công của Beatles có khi là sáng tác của người khác, chẳng hạn các bản Twist and Shout, What’d I Say, A Taste of Honey…

Tính tới năm 1994, năm Bee Gees được ghi tên vào Danh dự sảnh các nhà viết ca khúc (Songwriters Hall of Fame), đã có trên 2.500 nghệ sĩ thu đĩa các ca khúc do ba anh em sáng tác, trong số này phổ biến nhất phải là bản How Deep Is Your Love (1977), đã được ít nhất 400 nghệ sĩ quốc tế đã thu đĩa.

[Các ca khúc được ghi là sáng tác của Bee Gees có khi do ba anh em viết chung, có khi là của Barry và Robin, có khi của Barry và Maurice; thành công nhất là những bản của Barry và Robin.

Riêng Barry, qua những sáng tác viết chung với Robin hoặc Maurice Robin, đã tạo kỷ lục đồng hạng với John Lennon & Paul McCartney (ban Beatles) với 6 ca khúc liên tiếp nằm trong Top 10 của Billboard Hot 100; và được sách kỷ lục thế giới Guinness Book of World Records xếp hạng nhì sau Paul McCartney) về tổng số sáng tác được lên Top]

Phụ lục (5): How Deep Is Your Love, The Bee Gees

Video:

Bee Gees – How Deep Is Your Love (1977)

How Deep Is Your Love được sử dụng làm tình khúc chính trong phim Saturday Night Fever (1977), cuốn phim ca nhạc bất hủ của thời disco, gồm những ca khúc do Bee Gees sáng tác, và cũng là cuốn phim đã giới thiệu chàng kép trẻ John Travolta tới khán giả.

Rất nhiều ca khúc của Bee Gees viết riêng cho các ca sĩ nổi tiếng khác đã được lên Top, điển hình là:

Woman in Love (1980), viết cho Barbra Streisand, đứng No.1 trên cả hai bảng xếp hạng Adult Contemporary (Easy Listening) lẫn Billboard Hot 100 ở Mỹ, và hàng chục quốc gia khác trên thế giới.

Heatbreaker (1982), viết cho Dionne Warwick, đứng No.1 trên bảng xếp hạng Adult Contemporary ở Mỹ và No.2 ở Anh quốc. Album có cùng tựa của Dionne Warwick với đa số ca khúc do Bee Gees sáng tác đã lên tới No.3 ở Anh, và đoạt đĩa vàng ở Mỹ.

Islands in the Stream (1983) viết cho cặp nam nữ ca sĩ nhạc country Kenny Rogers & Dolly Parton, đứng No.1 trên cả ba bảng xếp hạng Billboard Hot 100, Adult Contemporary, và Country ở Mỹ.

Chain Reaction (1985) viết cho Diana Ross, trích trong album Eaten Alive gồm những sáng tác của Bee Gees, đứng No.1 tại Anh và Úc.

Phụ lục (6): Islands in the Stream, Kenny Rogers & Dolly Parton

Tới đây, xin có đôi dòng về Barbra Streisand, người hát bản Woman in Love.

Sinh năm 1942, cho tới nay Barbra Streisand vẫn được xem là nữ nghệ sĩ thành công nhất trong cả hai lĩnh vực ca nhạc và điện ảnh. Barbra Streisand là một trong số hiếm hoi nghệ sĩ đoạt cả 4 đại giải của Hoa Kỳ: Oscar (điện ảnh), Grammy (âm nhạc), Emmy (truyền hình), và Tony (kịch nghệ).

Người nào yêu cả ca nhạc lẫn nghệ thuật thứ bảy không thể không biết tới những cuốn phim để đời của Barbra Streisand, như Funny Girl (1968), The Way We Were (1973), A Star Is Born (1976), Gentl (1983)…

Riêng trong lĩnh vực ca nhạc, tính cho tới nay Barbra Streisand đã đoạt tổng cộng 8 giải Grammy, bán ra tổng cộng 245 triệu đĩa hát (72.5 triệu tại Hoa Kỳ), tức là đã qua mặt Bee Gees, được ghi nhận là nữ ca sĩ có số đĩa bán cao nhất, và là nữ ca sĩ duy nhất nằm trong Top 10, được xưng tụng là Mother of All Contemprary Pop Divas, hoặc ngắn gọn hơn, Queen of The Divas.

Ba nguyên nhân chính khiến Barbra Streisand thành công tới mức ấy là: giọng hát độc đáo – nghệ thuật diễn tả – và hát được nhiều thể loại: bán cổ điển, ca kịch, jazz, pop, thậm chí cả disco!

Trước đây chúng tôi đã có lần giới thiệu bản The Shadow of Your Smile, một ca khúc bất hủ thuộc thể loại jazz qua tiếng hát Barbra Streisand, sau đây xin giới thiệu bản Memory, ca khúc chính trong vở ca nhạc kịch Cats của Andrew Lloyd Webber, sau khi được Barbra Streisand thu đĩa (1981) đã trở thành một trong những ca khúc có gốc sân khấu (theatrical songs) được ưa chộng nhất xưa nay.

Phụ lục (7): Memory, Barbra Streisand

Đầu năm 1980, Barbra Streisand nhờ Barry Gibb giúp mình thực hiện một album mới, kết quả là album có tựa đề “Guilty”, gồm 9 ca khúc trong đó có 4 bản do ba anh em Bee Gees viết chung, 5 bản còn lại do Barry viết với Robin, trong đó có Woman in Love.

Album “Guilty” đứng No.1 ở cả Hoa Kỳ lẫn Anh quốc, riêng bản Woman in Love đã trở thành đĩa single bán chạy nhất trong sự nghiệp ca hát của Barbra Streisand, đứng No.1 tại Hoa Kỳ (3 tuần liên tiếp trong Billboard Hot 100, 5 tuần liền trong Adult Contemporary Chart), Anh quốc, Gia-nã-đại, Ái-nhĩ-lan, Úc, Pháp (No.1 của cả năm), Tây-ban-nha, Tây Đức, Hòa-lan, Thụy-điển, Thụy-sĩ.

Với thính giả lớn tuổi, quen nghe những ca khúc thuộc thể loại bán cổ điển, jazz, blues, Woman in Love có thể không mang giá trị nghệ thuật cao cho bằng 5 ca khúc khác của Barbra Streisand cũng lên No.1.

clip_image007

Chính Barbra Streisand đã gián tiếp xác nhận điều đó, và để chứng tỏ mình không chiều theo thị hiếu của khán giả, trong suốt hơn 30 năm trời, Barbra Streisand chưa bao giờ hát “live” bản này trên sân khấu. Mãi tới gần đây, trong chuyến lưu diễn Âu châu năm 2013, Barbra Streisand mới hát Woman in Love một vài lần theo lời yêu cầu của khán giả.

Thế nhưng, đa số người ái mộ Barbra Streisand đều thuộc lớp tuổi “baby boomers” trở về sau, và với những thế hệ này, Woman in Love phải được xem là một trong những ca khúc ăn khách nhất của thời đại, một sự phối hợp tuyệt vời giữa tiếng hát đầy ma lực của Barbra Streisand và sức thu hút của nét nhạc Bee Gees, những nét nhạc độc đáo không thể lẫn lộn với bất cứ nhạc của một ai khác.

Woman in Love

Life is a moment in space
When the dream is gone, it’s a lonelier place
I kiss the morning goodbye
But down inside, you know we never know why

The road is narrow and long
When eyes meet eyes and the feeling is strong
I turn away from the wall
I stumble and fall, but I give you it all

I am a woman in love
And I’d do anything to get you into my world and hold you within
It’s a right, I defend, over and over again
What do I do?

With you eternally mine
In love there is no measure of time
We planned it all at the start
That you and I live in each other’s heart

We may be oceans away
You feel my love, I hear what you say
No truth is ever a lie
I stumble and fall, but I give you it all

I am a woman in love
And I’d do anything to get you into my world and hold you within
It’s a right, I defend, over and over again
What do I do?

Ohh, I am a woman in love and I’m talking to you
I know how you feel, what a woman can do
It’s a right, I defend, over and over again

I am a woman in love
And I’d do anything to get you into my world and hold you within
It’s a right, I defend, over and over again

Tới đây, cũng xin đề cập tới một giai thoại thiếu chính xác về bản Woman in Love do Barbra Streisand thu đĩa: khoảng giữa bài hát, khi lập lại câu “I stumble and fall – But I give you it all”, Barbra đã ngân chữ “all’’ dài tới 10 giây đồng hồ; và được các DJ (disc jokey – người phụ trách chọn nhạc trên đài phát thanh) ghi nhận là “đoạn ngân dài nhất trong một ca khúc đứng No.1” tính cho tới lúc đó; và phải đợi 12 năm sau, mới bị bản I Will Always Love You do Whitney Houston hát trong phim The Bodyguard (1992) qua mặt.

Nhưng trên thực tế, trước đó, đã có tới 3 ca khúc đứng No.1 có đoạn ngân dài hơn Woman in Love, đó là các bản Lovely Day của Bill Withers, All Out Of Love của ban Air Supply, và Dim All The Lights của Donna Summer.

Tuy nhiên, theo nhận xét của chúng tôi, và có lẽ của nhiều người khác, cho dù không dài nhất, tiếng ngân, và nghệ thuật ngân của Barbra Streisand trong bản Woman in Love phải được xem là phân nửa cái hay trong ca khúc để đời này.

Phụ lục (7b): Woman in Love, Barbra Streisand

Năm 1980, ngay sau khi Woman in Love do Barbra Streisand thu đĩa làm mưa gió khắp nơi trên thế giới, ca khúc này đã được đặt lời bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó sớm nhất là tiếng Pháp, Đức, Ba-lan, Hy-lạp. Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới phiên bản tiếng Pháp tựa đề Une Femme amoureuse do Eddy Marnay đặt lời, Mireille Mathieu thu đĩa.

Tên tuổi của Eddy Marnay và Mireille Mathieu từng được chúng tôi giới thiệu trong loạt bài này, ở đây chỉ xin nhắc sơ lại.

clip_image009

Eddy Marnay (1920-2003)

Eddy Marnay (1920-2003) là một nhà viết ca khúc nổi tiếng bậc nhất của Pháp; trong số hơn 4000 ca khúc của ông (viết trọn vẹn hoặc chỉ đặt lời) có hai bản nhạc ngoại quốc lời Pháp rất nổi tiếng là Je N’ai Rien Appris (nguyên tác: Both Sides Now), Une Femme amoureuse (nguyên tác: Woman in Love).

Tới thập niên 1980, Eddy Marnay đã viết nhiều ca khúc giúp lăng-xê mầm non Céline Dion của Gia-nã-đại, trong đó có bản La Voix du Bon Dieu, ca khúc đã giúp Céline được hãng đĩa CBS Records ký hợp đồng.

Còn Mireille Mathieu, sinh năm 1946, là một nữ ca sĩ huyền thoại của Pháp, thành công với cả những ca khúc bán cổ điển lẫn phổ thông, thường được xưng tụng là “Édith Piaf thứ hai của Pháp”. Tính cho tới nay, Mireille Mathieu đã thu đĩa trên 1.200 ca khúc bằng 11 ngôn ngữ khác nhau, và bán được 122 triệu đĩa. Tương tự bản La Dernière Valse (nguyên tác: The Last Watz) năm 1967, bản Une Femme amoureuse (Woman in Love) do Mireille Mathieu thu đĩa năm 1980 đã được ưa chuộng không chỉ tại các quốc gia nói tiếng Pháp mà còn ở nhiều nơi nói tiếng Anh.

Une Femme Amoureuse

Le temps qui court comme un fou

Aujourd’hui voilà qu’il s’arrête sur nous
Tu me regardes et qui sait si tu me vois
Mais moi je ne vois que toi
Je n’ai plus qu’une question
Tes yeux, mes yeux
Et je chante ton nom
Si quelqu’un d’autre venait
Je l’éloignerais et je me défendrais
Je suis une femme amoureuse
Et je brûle d’envie de dresser autour de toi
Les murs de ma vie
C’est mon droit de t’aimer
Et de vouloir te garder
Par dessus tout
Hier, aujourd’hui, demain
Font un seul jour quand tu prends ma main
C’est comme un plan fabuleux tracé là-haut
Pour l’amour de nous deux

Qu’on soit ensemble longtemps
Ou séparés par des océans
Si un danger survenait
Je l’éloignerais et je me défendrais

Je suis une femme amoureuse
Et je brûle d’envie de dresser autour de toi
Les murs de ma vie
C’est mon droit de t’aimer
Et de vouloir te garder
Par dessus tout
Je suis une femme amoureuse
Et je te parle clair, et tu dois savoir
Ce qu’une femme peut faire
C’est mon droit de t’aimer
Et de vouloir te garder
Je suis une femme amoureuse
Et je brûle d’envie de dresser autour de toi
Les murs de ma vie
C’est mon droit de t’aimer
Et de vouloir te garder
Et de vouloir te garder

clip_image011

 

Phụ lục (8): Une Femme amoureuse, Mireille Mathieu

Video:

Mireille Mathieu – Une Femme amoureuse – YouTube

Tại Việt Nam, sau khi văn nghệ được “cởi trói” phần nào vào những năm cuối thập niên 1980, Woman in Love đã trở thành một trong những ca khúc ngoại quốc phổ biến và được yêu chuộng nhất. Riêng tại hải ngoại, theo sự hiểu biết của chúng tôi, đã ít nhất hai phiên bản lời Việt của Woman in Love : Khi nàng yêu (cuối thập niên 1980) Đi tìm tình yêu (cuối thập niên 1990).

Tác giả của Khi nàng yêu được ghi tên Internet có khi là Lê Minh Bằng, có lúc lại là Anh Bằng. Như chúng ta đều biết, “Lê Minh Bằng” là bút hiệu của bộ ba nhạc sĩ Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng. Sau tháng Tư năm 1975, Minh Kỳ, nguyên là một đại úy cảnh sát của Việt Nam Cộng Hòa, bị chế độ mới bắt đi học tập cải tạo và đã thiệt mạng trong trại vì lựu đạn nổ ngày 31 tháng 8 năm đó.

clip_image012

nhạc sĩ Anh Bằng

Ra hải ngoại, nhạc sĩ Lê Dinh sống ở Gia-nã-đại, chúng tôi đã được đọc nhiều hồi ức về nền tân nhạc Việt Nam của ông, nhưng không nghe nói ông có những sáng tác mới, trong khi nhạc sĩ Anh Bằng định cư tại Hoa Kỳ, tiếp tục sáng tác, thường là phổ nhạc các bài thơ hoặc đặt lời Việt cho các ca khúc ngoại quốc nổi tiếng. Vì thế, chúng tôi cho rằng ghi tên tác giả của Khi nàng yêu là “Anh Bằng” có lẽ hợp lý hơn “Lê Minh Bằng”.

Còn phiên bản lời Việt “Đi tìm tình yêu” chắc chắn là của Phạm Duy. Điều này đã được chính ông xác nhận trong hồi ký “Ngàn Lời Ca”của mình.

Năm 1989, Khi nàng yêu đã được Ngọc Hương trình bày trong CD Dạ Vũ 004 (1989) của Trung Tâm ASIA cùng với lời hát trong nguyên tác (Woman in Love).

Ít lâu sau, Ngọc Lan cũng thu đĩa Khi nàng yêu cùng với lời hát tiếng Pháp (Une Femme amoureuse).

Riêng phiên bản lời Việt Đi tìm tình yêu của Phạm Duy thì được Khánh Hà thu đĩa cùng với lời hát tiếng Anh.

Khi nàng yêu

Kiếp sống sẽ cô đơn muôn vàn,

Trái đất kia hoang tàn,

nếu những mơ ước không còn

Đôi khi em mong muốn xa vời, người mình yêu,

nhưng đau thêm khi cố quên người.

Thế giới vắng không gian u buồn

Nếu hai tâm hồn, nước mắt ân ái soi mòn

Em cho anh như anh khát khao, Tình yêu anh thấm sâu,

Còn gì cho thêm nữa đâu ?

Em như trăm ngàn thân cô gái

Sẽ sống muôn cách trên đời

Sao cho anh và em chung lối,

Đi về ta có đôi, Người yêu hỡi, em còn đây,

Mắt môi và trái tim còn đây. Buồn như lá thu.

Với những phút yêu anh vô cùng

Vẫn ghi trong lòng thấm như đóa hoa hồng

Ngờ rằng tình nồng thắm ban đầu,

Mình gần nhau nên yêu thương khó phai màu.

Nhớ tiếng nói năm xưa anh thề,

“Có nhau trong đời, phút giây cũng không rời,”

Nhưng con tim kia anh đã thay,

Tình yêu kia khói mây, Và lời anh theo gió bay.

Ôi bao nhiêu lần em muốn nói

Nói với anh những giấc mộng,

Ngày nào mình ngập tràn hạnh phúc

Sao bây giờ ta mất nhau..

Đành chôn kín mối tình em,

Nhớ thương hình bóng anh ngàn năm.

Còn gì nữa đâu?…

Phụ lục (9): Khi nàng yêu (Woman in Love), Ngọc Hương

Phụ lục (10): Khi nàng yêu (Une Femme amoureuse), Ngọc Lan

Phụ lục (11): Woman in Love (Đi tìm tình yêu), Khánh Hà

Hoài Nam

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search