T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thanh Sơn: Sợ

Tiếng Chó Sủa Đêm – Tranh: Thanh Châu

Vượt qua nỗi sợ hãi cũng là thách thức đối với tôi. Nỗi sợ bâng quơ, không duyên cớ, nó kết thành chuổi, nó sống động uyên nguyên như có thể sờ mó được, không trừu tượng mà là vật cụ thể, rõ ràng, kích thước lớn nhỏ tùy theo từng thời điểm, trong không gian yên ắng của đêm hoặc trong mọi tiếng ồn ào của ngày.
Vào mùa hè, về với biển thì thật là thú vị. Biển như đang ngủ nghỉ, những con sóng vỗ bờ chừng như uể oải , lười nhác. Đâu đó chỉ là tiếng vỗ bì bõm, những bọt sóng trắng nhanh chóng vỡ tan. Tôi thường tắm biển vào mỗi buổi sáng. Vẻ tươi mới của biển lúc này thật là dễ chịu, bãi cát âm ẩm ướt với lớp sương muối lấm lướt trên bề mặt khi cái nóng của tia nắng còn yếu ớt nên chưa chịu tan ra.Tôi nằm soải trên bãi cát, nhìn lên bầu trời, những đám mây xếp thành từng lọn như vảy cá, một thoáng sau mây lại thay hình đổi dạng, đùn đẩy nhau xếp thành  cụm lớn trông như hòn non bộ và những đám mây nho nhỏ trông như những chú cá bơi lội nhởn nhơ.

Dòng nước trong xanh, se lạnh. Tôi sải tay bơi, bơi một đoạn khá xa bờ. Một con sóng nhỏ vỗ bập bõm vào mặt, tôi chưa kịp ngậm miệng, nước trôi nhanh vào cuống họng, sặc sụa, chới với trong dòng nước trong xanh. Nỗi sợ hãi lúc đó bất chợt bùng dậy trong tôi rõ ràng, cụ thể. Tôi cuốn trôi trong dòng nước xanh, cảm giác lạnh lẽo chạy dài khắp sống lưng. Dưới bàn chân chừng như có hàng vạn con mực vồ lấy, cuốn hút và lôi kéo xuống tận dòng nước sâu.

Nỗi sợ trong tôi một lần là có thật..

*******

Bà nằm trên chiếc giường tre, cơ thể gầy guộc như bộ xương khô, đôi mắt sâu hoắm, tóc bạc lơ phơ vài sợi, hàm răng vẫu ra, lồng ngực đôi lúc nhấp nhô như cố giữ gìn sự sống mỏng manh như ngọn đèn sắp cạn dầu.
Cứ năm ba phút tôi  mớm cho bà vài giọt nước sâm, thứ nước thần tiên có thể cứu sống mạng người thêm vài giờ hoặc vài ngày, thân nhân người bệnh chọn ngày lành, giờ lành bà đi cho an lành, để lại phúc cho người sau. Bình thường tôi rất sợ người hấp hối, thường chỉ đứng xa nhìn bởi tính tò mò và tỏ một chút thương tiếc mơ hồ. Nhưng với bà, như một mảnh đời của tôi nằm đó, bất động. Một tiếng ho khẽ khàng của bà cũng làm cho tôi tức nghẹn ở lồng ngực, giật mình thảng thốt.
Sinh thời, bà không biết sợ là gì. Trời không sợ, đất không sợ. Trời ở quá xa, tới chín tầng mây lận. Có một lần, bà trèo lên tận nóc nhà, trên tầng cao thấy đất trời luôn rộng mở, bà muốn được bay cao hơn, xa hơn. Lên đó, theo bà là được gần với Phật. Và đất, nó ngay dưới chân bà, luôn nâng đỡ bà từng bước chân lửng chửng như thời còn tấm bé.
Sinh thời, Bà là người bảo vệ môi trường tích cực, xách bao đi lượm ve chai, gặp cái gì trên đường chướng mắt thì bà lượm. Bà lý giải rằng vật đó bán không được thì, sạch làng tốt ruộng. Một vỏ bia bán được hai trăm, lượm mười có được hai ngàn. Thế nhưng, mấy đứa nhỏ, nó không hiểu hết bà. Bà đi đâu nó đi theo đó, chúng nó sợ bà đi lạc hoặc nghĩ vẩn vơ là, nói vô phúc, bà đâm đầu vô những chiếc xe gắn máy của lũ choai choai cứ hết mùa trăng, đoàn thuyền về bến, chúng uống bia rượu say mềm rồi quậy, phóng xe bạt mạng. Hay những nhà mới nổi, mua xe ô tô tập lái. Biết đâu chừng. Vì vậy, chúng nó chăn bà như chăn vịt, bà đi đâu chúng đi theo đó, luôn mồm hù dọa:” Ối kìa, công an, công an !”… Lúc đầu, bà đếch biết công an là thằng cha căng chú kiết nào, ông thiên lôi hay thần thánh, bà phớt tỉnh. Nhưng lâu dần, nghe chúng nó dọa miết bà bắt đầu nhập tâm, bà sợ. Bà suy nghĩ, bà tưởng tượng có thể cái đó còn cao hơn quỷ dữ, hiểm hơn bức tượng thần ác, vị thần mà bà thường thấy thờ ở góc chùa bên phải, góc trái thờ vị thần thiện.. Vị thần ác trên đầu có ba sừng, lưỡi lè xuống gần rốn, đỏ lòm lom. Nhưng vị thần đó thì đâu có gì đáng sợ, cái tượng thần đó, khi bà còn ở tuổi trung niên, thời CM mới thành công, chùa chiền, thánh thất bị phá dở. Có nơi là trụ sở HTX, có nơi thành trường học dạy mấy đứa nhỏ thò lò mũi xanh. Còn cái đại hồng chung, tiếng chuông kêu kính koong kính koong dội qua bên kia sông khi mỗi đêm về, tháo dỡ nấu lấy đồng. Còn tượng phật thì nằm ngơ ngác bên góc hiên chùa, dưới gốc đa, nơi mà mỗi buổi trưa các bà các cô quanh xóm để trú nắng, có bà gối đầu lên tượng thần ác mà ngủ..

Thế thì bà sợ cái gì. Nỗi sợ mơ hồ, sợ mông lung, sợ vô căn cứ. Nỗi sợ cứ truyền miệng từng ngày. Những năm 80 của thế kỷ trước, ngày mới “giải phóng”, cả làng, cả xã ăn độn củ mỳ, độn bo bo, nhà mình ăn bữa ngon cũng sợ, ăn lén ăn lút vì sợ ánh mắt của người hàng xóm nhìn vào. Nói cũng sợ, nói thầm thì, nói sợ bị hớ, tai vách mạch rừng, sợ đụng chạm vào thế giới siêu nhiên, cao hơn thánh thần , siêu hơn phật. Nỗi sợ hãi thật kinh khủng, nó len lỏi vào tận ngóc ngách tế bào. Nỗi sợ trở thành máu thịt.
Bây giờ tinh thần bà vào cõi vĩnh hằng, vân vi cùng với mây trời gió nước, thân xác về với đất mẹ. Nỗi sợ hãi có còn đeo đẳng? Nhưng dù thế nào thì hẳn bà đã để lại nỗi sợ hãi ở chốn trần gian. Bây giờ, chùa chiền miếu mạo họ xây bự quá. Ở quê, xã Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định, một xã nghèo nhất huyện, có ngôi chùa đang xây bự quá. Dường như nhân gian muốn gửi nỗi sợ hãi vào cửa Phật.

Phát động nhân dân treo cờ tổ quốc những nhà ở dọc hai bên đường, đón chào quan chức cấp tỉnh về dự lễ. Mới sáng tinh mơ, trưởng thôn đến từng nhà nhắc chừng bà con. Ngày 21/2 lễ gì, hổng biết.. Thế nhưng dân vẫn phải treo, các cấp chính quyền bảo sao nghe vậy. Họ sợ cũng phải, bởi chốn công quyền, hàng ngày họ thường tiếp xúc, không nhờ việc này thì cũng cậy việc kia. Dân đã vậy, còn các quan chức cấp cao thì sao? Tại sao họ phải dời lư hương, nơi có tượng  Đức Thánh Trần, hàng ngày người dân thành phố đến thắp hương kính viếng ngài đến chỗ khác.

Họ sợ điều gì?

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search