T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thanh Sơn: Những Kẻ Thua Cuộc.

Viên Đạn Cũ – Tranh: Thanh Châu

1

Cơn đau răng hành hạ, nhức buốt đỉnh đầu. Suốt ngày không suy nghĩ gì, không làm được việc gì ngoài chứng đau răng. Cơn đau răng chỉ dừng lại bởi cái dịu dàng ấm nóng  của bàn tay cô nha sỹ.

Tôi bị tai nạn giao thông trên chuyến xe đi vào thành phố, trên chuyến xe định mệnh ấy, cả đại gia đình anh em con cháu tôi du lịch Sài Gòn. Lạy trời phật, đến bây giờ tôi không dám nghĩ tiếp chuyện gì sẽ xảy ra, nếu chiếc xe không chỉ nằm vắt vẻo nửa thân trên mõm cầu! Đôi chân tôi bị gãy làm bốn khúc, lúc lấy thân tôi ra khỏi xe, chân nó tòng teng như chân gà bị bẻ khớp (ấy là tôi nghe kể lại của con tôi, chứ lúc đó tôi có lòng dạ nào mà ngắm nghía nó ra làm sao!) trong cái xui vẫn còn cái hên vì bởi mọi cái rủi đều dồn hết về phần tôi. Âu cũng là cái mệnh vậy. Mấy tháng trời đi hầu kiện, công an, tòa án, rồi thi hành án huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi trả lại mọi hồ sơ vì lý do là kẻ gây tai nạn không có tiền chi trả. Trả lại hồ sơ cho kẻ bị hại là thi hành án huyện Tư Nghĩa hết trách nhiệm!  Đến bây giờ tôi cũng chỉ là kẻ thua cuộc! Lẽ phải thuộc về kẻ có tiền và thói vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Có bạn nào biết công lý ở đâu xin chỉ dùm tôi với!

Tôi lại bặm môi ngăn chặn cơn đau rưng rức, cơn đau răng chừng như tăng lên gấp bội, đau nửa đỉnh đầu. Ối trời ơi! Chưa có nỗi khổ nào bằng chứng đau răng. Bạn ái ngại nhìn tôi, có thể nào chia sẻ nỗi đau?

“ Nhổ đi, cái răng đau là kẻ thua cuộc!”

“Không nên, giữ lại nó mà cố chữa cho lành, vóc của con người sao lại nhổ đi. Con người ta đôi lúc sung sướng vì cái đau hành hạ. Bạn nghĩ coi, khi cái đau thuyên giảm, ta mới thầm cái khoái khi lành. Có đau khổ, buồn lo, thất bại mới quý những ngày hạnh phúc ”

 

2

Làng tôi, nơi đất lành chim đậu, nơi có lắm công ty trương biển trên mọi nẻo đường khắp ba thôn, nơi điển hình biết làm ăn nhất của xã. Nào công ty cổ phần, nào TNHH phục vụ cho nghề đánh bắt thủy sản ăn nên làm ra.

Chuyện làm ăn,  giàu có hay thất bát nói lên sự phát triển của xã hội, nhưng mặt trái của nó có nhiều điều đáng nói. Dòng sông quê tôi như là cái hủ chứa cho mọi thứ, thượng vàng hạ cám. Có một công ty nọ, chuyên chế biến thủy sản, họ chọn nơi gần sông rạch để tiện bề xả thải.

Mỗi mùa hè về, ngọn gió nồm nam thổi lại từ con sông quê, gió hiu hiu mang cái thum thủm đến cho mọi nhà ven sông, vào mỗi bữa cơm chiều và mỗi buổi tối. Năm này qua năm khác, người làng tôi đành chấp nhận sống với cái mùi thum thủm đó và làm những kẻ thua cuộc. Mùi thải ra của công ty càng tợn, nó không còn thum thủm mà lại thối. Ối trời ơi! Chi mà thối quá rứa hề, thối từ làng trên đến xóm dưới, từ ngõ trước ra bãi sau, nó không thối ở mùa hè mà mùa đông nó vẫn thối, thối từ bữa cơm chiều đến nhấm nháp ly cà phê buổi sáng, đàn ông đàn bà đến con nít đều bịt khẩu trang để mà ngủ! Đến mức này thì hết chịu nổi, không thể làm kẻ thua cuộc mãi, bà con vận động thanh niên trai tráng trong làng vùng lên, xông vào công ty mà đập. Từ lần đó đến nay thì mùi thối không còn nhưng mùi thum thủm thì cứ hạ hồi phân giải!

 

3

Buổi sáng hôm ấy, một ngày của 30/4/1975. Mặt trời vẫn như mọi ngày của ngày hè nắng cháy. Khu nhà chồ (Kiểu nhà sàn của người vùng cao) ở xóm Cồn thanh phố Nha Trang hoa lệ. Cái chồ của mỗi căn nhà trở thành căn hầm trú ẩn tạm bợ để chờ đợi một điều gì đó sắp sửa xảy ra. Thành phố bỏ ngõ, để trống, đường phố đầy những rác rưởi và những kẻ hôi của, không gian cho kẻ trộm cướp, kẻ đục nước béo cò và kẻ trốn chạy. Anh tôi là một trong những kẻ trốn chạy. Trên bến Cầu Đá Nha Trang trong tâm trạng rối bời, một chiếc lá đang xoay tròn trong cơn lốc của dòng lịch sử sang trang mới, sự giằng co giữa đi và ở. Đi, phía trước là đại dương mênh mông, một thế giới có thể đến được, có thể không một cõi đi về, trong cuộc trốn chạy lành ít dữ nhiều. Và có nhiều lý do tìm miền đất ấm, đến một nơi naò đó tìm cuộc sống dễ chịu hơn, tìm cách thoát khỏi bi kịch cá nhân như Fey lìa bỏ xứ Ethiopia, Kan Merry ở Jerusalem chạy trốn khỏi hận thù Trung Đông, Nafifa thoát khỏi Afghanistan dưới móng vuốt Taliban, Casanova với cây đàn ghita ở hầm ngầm Pari. Những con người hoàn cảnh, con người hoang tưởng, đổi đất buôn không gian. Còn có những kẻ ngần ngừ, bất quyết đã bước xuống tàu lại lên bờ với tâm trạng bồn chồn lo lắng cho những ngày sắp tới, những cuộc trả thù, thanh trừng đẫm máu?

Cuộc kháng chiến thắng lợi này là của toàn dân, không của riêng một ai, tất cả đều chiến thắng. Tổng thống Dương Văn Minh cuối cùng của một triều đại tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lịch sử chuyển sang trang trong bối cảnh nhẹ nhàng, những kẻ thua cuộc được phán xét sau đó, anh tôi được tiếp nhận như là công chức nghiệp vụ thì chế độ nào cũng cần .

Bốn mươi bốn năm ngày “giải phóng”

Cách ngần ấy năm anh tôi mới vừa hai mươi tuổi

Ngoảnh lại như vừa mới hôm qua.

Ơi tuổi hai mươi

Tràn sức sống

Tươi mới sinh khí

Roi rói từ cái nhìn, cách nghĩ và mơ mộng

Tuổi hai mươi

Như mạch nước ngầm chảy vào sông lớn

Như chồi non mới nhú

Chỏi len trời thăm thẳm màu xanh

Như chú gà con háu đá

Đôi cựa ngứa ngáy, ngọ nguậy không ngơi

Lúc nào cũng tìm nơi để mài dũa

Ý chí tuổi hai mươi

Có sức mạnh vô bờ

Như con sóng thần

Vượt cao nghìn thước ngược

Tuổi hai mươi

Như đoàn tàu vừa mới rời ga

Dần vừa bôi trơn

Máy còn bóng coóng

Tất cả sẳn sàng, con đường thẳng phăng phăng ta tiến..

Sự đời những tưởng suôn sẻ . Nếu như…

Hơn mười năm dài dưới thời bao cấp, thời xây dựng xã hội chủ nghĩa vượt qua giai đoạn phát triển tư bản, anh tôi như là công cụ truyền nghề cho tầng lớp cán bộ, công chức mới. Những con người suốt cả thời trận mạc, họ chưa có điều kiện tu dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Do vậy, sau thời gian, anh bị loạt khỏi cuộc chơi, nơi không để dành cho những người ở chế độ cũ. Tựa như bài bút ký sau đây.

“Một người nói được sau hai mươi năm im lặng!” Trong chuyên mục những cuộc sống quanh ta của đài Tiếng  Nói Việt Nam. Một chiến sỹ trở về cuộc sống bình thường sau thời hậu chiến. Anh bị thương phải im hơi lặng tiếng suốt hai mươi năm. Rồi bỗng nhiên, một ngày mát trời, ngày 30/4. Trong hội trường ca vang những bài hát thời chiến, cái miệng của anh nhấp nháy (trong bút ký ghi tên Ngạn) theo lời bài hát. Và từ đó anh nói được.

Ngụ ý của tác giả ai cũng hiểu được rằng những bài hát rong rỏng thường ngày đó không có tác dụng gì chữa bệnh câm. Nhưng trong ngày này, ngày 30/4 mọi thứ trở nên thần diệu!

Có bao số phận, bao giọt nước mắt nhỏ xuống cho ngày 30/4. Giọt nước mắt hội ngộ, trùng phùng, giọt nước mắt sung sướng sau bao năm dài bắc nam chia cắt, dòng sông Bến Hải nối liền bến bắc bờ nam. Và cũng có những giọt nước mắt nhỏ xuống ở đại dương xa xăm, cuộc hành trình bất tận của nỗi đau lịch sử, số phận của cả dân tộc.

Dòng lịch sử sang trang mới, thời đại sản sinh con người mới thông minh, giàu tâm huyết sẽ đánh giá đúng giá trị bản thân, xã hội mình đang sống. Và anh tôi, những con người cũ kỹ. Bây giờ anh làm gì, kẻ vô gia cư, vô nghề nghiệp, vợ buồn quá lên núi lập chùa để tu, còn anh bơm quẹt ga, làm que diêm bé nhỏ sưởi những tâm hồn băng giá, vá ép xe đạp. Cầu cho thân chủ mình mạnh chân khỏe tay bon bon trên con đường cái quan vạn dặm.

Mỗi buổi sáng, tôi thường ngồi quán cà phê tán gẫu cùng bạn bè, chuyện vô thưởng vô phạt ngắm nhìn dòng thiên hạ trôi qua lại. Câu chuyện dừng lại tí chút, một ông lão đạp xích lô tự tử hồi đêm. Chết bởi cái nghèo đeo đẳng suốt sáu mươi năm ròng. Tôi chạnh nghĩ đến cảnh nhà mà rầu thúi ruột!

Tôi thả tuổi thơ tôi suốt chiều dài đất nước

Bốn mươi bốn năm

Đất nước có dăm ba con đường đầy bụi bặm

Bốn bốn năm

Bế tắc

Cùng quẩn với nhưng câu thơ mê sảng

Đất nước

Như tôi lão già lọm khọm

Chân tay lỏng chỏng

Cặc dái xụi lơ

Nhìn đâu cũng thấy chán.

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search