T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (3)

Hoa Dại – Tranh: Mai Tâm

 

BÀN VỀ HAI CHỮ MIÊN TRƯỜNG

Để hiểu rõ cụm chữ “miên trường”, hãy thử xét câu thơ sau đây:

“Miên trường trở giấc hồn cô quạnh” – XYZ

Như đã biết: Chữ Hán Việt là chữ Hán viết theo chữ Việt. Thí dụ câu: 君 在  湘  江  頭 (thuần Hán) – Quân tại Tương giang đầu (Hán Việt) – Chàng ở đầu sông Tương (thuần Việt).

Trong các bài trước tôi đã phân tích: Tiếng Hán Việt cũng giống tiếng Anh: Tính từ đứng trước danh từ, khác với tiếng Việt.

Thí dụ: Bạch mã (H) White horse (A) Ngựa trắng (V)

Theo nghĩa:

– Trường là dài

– Miên có nghĩa:

  1. Dài. Lâu dài.
  2. Nối tiếp không dứt, kéo dài

Trong Chinh Phụ Ngâm có câu:

“Đưa chàng lòng dặc dặc buồn”

Nguyên tác thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn:

“Tống quân hề tâm MIÊN MIÊN”

Vậy tập hợp “Miên trường” nghĩa là dài dài, dài rất dài, dằng dặc

— Thí dụ:

-Tiếp tục lâu dài.

Tây du kí:”Phổ dụ thế nhân vi thiện, quản giáo nhĩ hậu đại miên trường” (Đệ thập nhất hồi).

Tạm dịch:

Khuyên nhủ người đời làm điều thiện, dạy dỗ đời sau của mình lâu dài. (Tây du ký hồi 11)

– Xa, dằng dặc.

– Lưu Tri Cơ: “Cương vũ tu khoát, đạo lộ miên trường” (Sử thông – Tự truyện ).

(Từ điển Nguyễn Quốc Hùng)

Có thể nói MIÊN TRƯỜNG và MIÊN VIỄN là từ ngữ không hề xa lạ. MIÊN TRƯỜNG, MIÊN VIỄN được hiểu là LÂU DÀI, trường cửu, bất diệt và chỉ xuất hiện trong văn học bác học, xuất hiện trong bình chú kinh Phật như bài “Mùa Xuân Miên Viễn” của Hòa Thượng Thường Chiếu hay bài “10 Thọ Giới Là Làm Cho Phật Pháp Miên Trường Giữa Thế Gian” của Thượng Tọa Thích Thiện Siêu… , nên người đọc có thể cảm nhận ngay từ ngữ này là từ Hán Việt

Bùi Giáng là thiên tài trong thi ca và có ngôn ngữ sáng tạo. Khi phong trào kiếm hiệp của Kim Dung phát triển, Bùi Giáng nằm tại Vạn Hạnh, tự học chữ Hoa trong 6 tháng, ông ta trực tiếp đọc sách Kim Dung bằng Hoa Ngữ. Ông đã viết một số bài bình về Kim Dung chẳng hạn như “Tại sao Tiêu Phong chết”

Bùi Giáng nhắc tới Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung với chi tiết: Khi Trương Tam Phong dạy Thái Cực Kiếm cho Trương Vô Kỵ, ông nói lên tinh hoa của kiếm thuật là:

“Thần tại kiếm tiên, MIÊN MIÊN bất tuyệt”

(Cái “thần” trước hết ở nơi kiếm, kéo dài không dứt).

Nếu kết hợp MIÊN với TRƯỜNG (dài), với VIỄN (xa) thành MIÊN TRƯỜNG hoặc MIÊN VIỄN cùng có nghĩa chung là “dài lâu, trường cửu, bất diệt” mà các thiền sư hay dùng để chú giải phật học.

Bùi Giáng từng dạy học Đại Học Vạn Hạnh, ông đọc nhiều bình chú thiền học, nhiều chú giải kinh kệ, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên những từ ngữ như MIÊN TRƯỜNG, MIÊN VIỄN được ông sử dụng linh hoạt, sáng tạo trong thi ca. [Sưu tầm trên Net]

Câu thơ trên “Miên trường trở giấc hồn cô quạnh” – XYZ muốn nói gì? Nếu muốn nói đang ngủ rồi trở giấc, ta phải nói “Trường miên”, vì Trường là dài, Miên là ngủ; Trường miên là giấc ngủ/ giấc mộng dài. Do đó câu thơ trên phải được viết: “Trường miên trở giấc hồn cô quạnh”.

Ta biết rõ tác giả câu thơ trên đã “mượn” 2 chữ “Miên Trường” trong bài thơ “Chào Nguyên Xuân” của cụ Bùi Giáng. Thứ bàn về câu thơ này xem sao:

– Trong bài thơ Chào Nguyên Xuân, theo tôi hiểu cụ Bùi Giáng ̣đùa với 2 chữ Miên Trường trong câu thơ “Mùa xuân phía trước miên trường phía sau“. Miên Trường như giải thích trên là dài dài, dằng dặc. Ghép vào câu thơ nó có nghĩa tếu: “Mùa xuân phía trước dài dài phía sau”: Phía trước mùa xuân vui thì phía sau cũng dài dài … mùa xuân vui. Phải cụ đùa không?

– Vâng, cụ đùa nhưng cười ra nước mắt. Đó là cái tuyệt vời của Bùi Giáng: Câu thơ vui, nhưng thường ẩn trong đó là sự não lòng. Phía sau “dài dài” cũng có thể mùa thu hay mùa đông , mùa sầu mùa nhớ…

Tôi thích nghĩ câu này theo cảm quan riêng tôi: “Mùa xuân phía trước … dằng dặc (đoạn trường) phía sau“.

Tại sao nói cụ Bùi Giáng đùa , nhưng não lòng?

– Mời đọc:

Yêu đời uống rượu sáng nay

Vừa nâng ly đã chớm say ngà ngà

Chớm chừng đã chợt bỏ ra

Đừng say mút chỉ rầy rà tít mây

Chơi mà mút chỉ đứt dây

Còn chi mà nói thang mây phiêu bồng…

(Uống rượu yêu đời – Như sương)

Phải tếu, đùa không?

– Giờ ta hãy đọc lại bài thơ Chào Nguyên Xuân của cụ Bùi Giáng và chú ý 2 câu này:

 “Hỏi rằng: người ở quê đâu

Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà”

Và:

Bây giờ riêng đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con (Mắt buồn)

Bốn câu thơ trên các bạn nghĩ sao?

Hai cặp thơ này “tếu” nhưng “não lòng” như đã nói trên, phải không? Cái tuyệt vời của Bùi Giáng là ở đây.

Xin nói rõ, đây chỉ là cảm nghĩ chủ quan của tôi.

Ta nên chú ý là câu thơ “Mùa xuân phía trước miên trường phía sau“. có sự đối tỷ, sự so sánh trước và sau: Trước là mùa xuân thì sau phải mùa xuân hay mùa nào đó. Trước là cảm xúc- mùa xuân vui – thì sau phải cũng là cảm xúc – mùa vui hay buồn nào đó – chứ không thể là giấc ngủ/ giấc mộng – nếu hiểu miên trường là giấc ngủ dài. Chỉ có cụm chữ “trường miên” mới có nghĩa là giấc ngủ dài.

Người “hậu bối” làm thơ sao không suy nghĩ cho thông nghĩa, lại vội vàng “mượn”, rồi cố tình “nhét càn” vào các câu thơ của mình, không cần biết nó có hợp nghĩa hay không. Như vậy là vô tình “hại” cụ Bùi, phải không?

 

BÀN VỀ TÀ HUY VÀ ĐOÀI

Sau đây là lời của nhà bình luận Nguyễn Xuân Dương mà nhà thơ Đỗ Anh Tuyến đã phát tán rộng khắp trong nhóm “chọn lọc”, nhóm “đại bàng văn học hiện đại” của các ông để chê tôi “con sâu, cái kiến” “không biết gì”.

“Theo ông Nguyễn Khôi thì trong bốn bài gọi là thơ đăng trong THƠ BẠN THƠ 9 thì có ba bài ông sử dụng cụm từ BÓNG TÀ HUY, TÀ HUY, TÀ HUY BAY cụm từ này độc nhất chỉ có thi sỹ Bùi Giáng sử dụng trước đây. Tôi tin một cách chắc chắn rằng ông Nguyễn Lạc không biết nghĩa của cụm từ BÓNG TÀ HUY BAY, ông thấy lạ thì ông ăn cắp thôi ạ. Còn vào trang ông ấy đọc những cái gọi là thơ của ông ấy thì càng chứng minh ông rất ngô nghê và thơ thuộc loại thiểu năng trí tuệ khi ông đưa ra từ PHƯƠNG ĐOÀI rồi ông chú thích “Phương đoài là phương tây, nhìn từ nước Mỹ”. Nghe cứ cười đến vỡ bụng mất thôi”. – Lời của Nguyễn Xuân Dương.

Tôi sẽ cố vận dụng cái đầu “thuộc loại thiểu năng trí tuệ” để xét cụm chữ Tà huy và chữ Đoài mà ông Nguyễn Xuân Dương đã chê tôi “không biết nghĩa” xem sao. Xin được dùng phản hồi này để minh họa cái ý tôi muốn đề cập trong bài viết.

  1. Tà huy

Tà huy: The setting sun, sun set, sun down – Tiếng Anh

Xin ghi lại lời “chắc chắn” của ông Nguyễn Xuân Dương:

“Tôi tin một cách chắc chắn rằng ông Nguyễn Lạc không biết nghĩa của cụm từ BÓNG TÀ HUY BAY, ông thấy lạ thì ông ăn cắp thôi” – Lời NXD

Tôi sẽ phân tích cụm chữ “Tà Huy” để trả lời đến các “nhà thông thái” Nguyễn Xuân Dương và Đỗ Anh Tuyến:

Kết hợp Tà huy có thể hiểu trên cơ sở ghép nghĩa của các thành tố tạo nên nó:

Tà huy do ghép 2 chữ: Tà và Huy

-Tà 斜 : lệch, vẹo, nghiêng, xiên, chéo, dốc

– Huy 暉 :Ánh sáng (mặt trời), nắng, ánh nắng

Nghĩa của cả kết hợp Tà huy giống như Tà dương

– Ánh mặt trời chiều ngả về tây -Từ điển trích dẫn

– Ánh nắng nghiêng của buổi chiều.- Từ điển Nguyễn Quốc Hùng

            Tà dương

Dương 昜 :

– mặt trời

– dương: Trong âm dương – Lưỡng nghi (NL)

Tà dương là mặt trời xế về tây – Từ điển Nguyễn Quốc Hùng

          Về “Bóng tà huy bay”

Trước hết xin ghi nhận điều này: – Bóng do ánh sáng chiếu rọi vào vật cản in trên NỀN như: Bóng cây, bóng nhà… vân vân. Riêng về BÓNG NẮNG: Vì nắng trong suốt nên không thể là vật cản, lại nữa nó không thể tự chiếu nó để tạo ra bóng. Ta chỉ biết bóng của nắng thông qua bóng cây, bóng lá, bóng nhà. v.v…

– Tà huy, ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào cây cối, nhà cửa, núi đồi vân vân… tạo ra những bóng nghiêng. Do mặt trời chiều từ từ lặn, các bóng từ từ nghiêng thêm, nếu có thế nói là chạy dần trên mặt đất; làm sao gọi là bay được mà viết là “bóng tà huy bay”? Viết “Bóng tà huy nghiêng” thì có thể chấp nhận được.

Hai ông nói:”chắc chắn rằng ông Nguyễn Lạc không biết nghĩa” vậy nhờ giải thích giùm làm sao “bóng tà huy” BAY?

– Sử dụng cụm chữ TÀ HUY BAY – không có chữ BÓNG – như cụ Bùi giáng thì tuyệt:

Em về giũ áo mùa sa

Trút quần phong nhụy cho TÀ HUY BAY – Bùi Giáng

– Xin được thưa thêm, nếu câu thơ nào đó được viết như thế này thì “đắc địa”: “Áo tà huy bay“: Áo em màu nắng chiều đang bay không đẹp sao? Cũng như thi sĩ Nguyên Sa đã từng viết tương tự:

“Là áo sương mù hay áo em?”

Tà huy, tà dương cũng gợi ý đến tuổi cuối đời, tuổi xế chiều …

              2.Đoài

Xin ghi lại của ông Nguyễn Xuân Dương:

“Còn vào trang ông ấy đọc những cái gọi là thơ của ông ấy thì càng chứng minh ông rất ngô nghê và thơ thuộc loại thiểu năng trí tuệ khi ông đưa ra từ PHƯƠNG ĐOÀI rồi ông chú thích “Phương đoài là phương tây, nhìn từ nước Mỹ”. Nghe cứ cười đến vỡ bụng mất thôi”- Nguyễn Xuân Dương

Tôi đã hỏi lại hai ông tại sao “cười đến vỡ bụng”? Sai chỗ nào xin giải thích? Tôi xin “rửa tai” chờ nghe các ông dạy; nhưng không thấy trả lời. Thôi thằng tôi “thiểu năng trí tuệ” này phải tự giải thích xem sao:

– Tại sao phương Tây gọi là phương ĐOÀI?

Vì trong Hậu Thiên Bát Quái của Dịch: Quẻ Đoài nằm ở hướng Tây, ngược với nó là quẻ Chấn nằm ớ hướng Đông. Chính vì điều này người ta mới gọi phương/ hướng Tây là phương/ hướng Đoài.

– Khi tôi chú thích 2 chữ “phương đoài” trong bài thơ, trên tay tôi có quả cầu vẽ hình thế giới: Mỹ tôi đang sống cách VN qua biển Thái Bình Dương- Pacific Ocean, VN gọi là Biển Đông; VN ở phuơng tây, phương mặt trời lặn nếu nhìn từ Mỹ.

– Do những điều nhận xét trên, tôi mới chú thích trong bài thơ tôi:

“Phương đoài (Phương tây): Danh từ địa lý và ước lệ: nói lên sự thương nhớ, hoài niệm nhớ về. VN ở phuơng tây nhìn từ Mỹ” (Bài thơ Góc Quê Hương Sau Nhà)

Xin ghi thêm:

-Trong các câu thơ của tôi, Đoài ngoài nghĩa địa lý là phương/ hướng tây; nó còn hàm ý là phương thương nhớ, vùng ký ức… và còn là cõi về củangười : “về cõi Tây phương” = chết.

– Đoài cũng có nghĩa đoài đoạn – “thương nhớ đoài đoạn”:

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

(Đôi mắt người Sơn Tây – Quang Dũng)

 

LỜI KẾT

– Thơ phải tự nhiên như hơi thở. Đừng cố tìm những từ thật kêu, những cấu trúc thật lạ nhưng không chút cảm xúc, trống rỗng, vô hồn. Thơ bật ra từ cảm xúc, từ tâm thức chứ không phải từ cái đầu, từ lý trí.

– Đừng nên “mượn” người trước, người khác những chữ mà mình không hiểu rõ nghĩa, không biết cách sử dụng; cố tình gán ghép càn vào thơ mình để “tạo dáng”, mà không biết rằng câu thơ có khi trở thành sáo rỗng, vô nghĩa.

Nguyên Lạc

………………

[*] Vài Ý Về Chữ Dùng  Trong Thơ 1 – Nguyên Lạc

https://t-van.net/?p=41283

Vài Ý Về Chữ Dùng  Trong Thơ 2 – Nguyên Lạc

https://t-van.net/?p=41449

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search