T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Annie Ernaux: CHỈ LÀ NỖI ĐAM MÊ (Kỳ 2)

4

Một buổi trưa, sau cuộc làm tình, lúc chàng vẫn chưa ra về, tôi đã làm cháy tấm thảm phòng khách đến lòi cả lớp độn ra ngoài vì sơ ý để bình cà phê vừa nấu xong lên đó. Tôi cũng chẳng quan tâm. Mà phải nói ngược lại. Mỗi lần nhìn thấy vết cháy trên mặt thảm là tôi lại vui sướng nhớ đến cái buổi trưa hôm đó với chàng.

Tôi không bị ảnh hưởng chút nào bởi những bất tiện xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày. Tôi chẳng mảy may quan tâm đến cuộc đình công kéo dài hai tháng trời của các nhân viên Bưu Điện, bởi vì A có viết thư cho tôi bao giờ đâu (cũng không có gì ngạc nhiên với sự cẩn thận ấy của các ông có vợ). Tôi có thể ngồi thản nhiên chờ cho đến khi quãng đường tắc nghẽn trước mặt từ từ khai thông; kiên nhẫn đứng xếp hàng ở nhà băng mặc kệ cho thái độ cáu kỉnh của cô gái ngồi quầy. Không có gì đủ sức làm tôi nổi nóng, mất bình tĩnh. Tôi cảm được nỗi đau của người khác, thông cảm với họ và thương xót họ. Tôi hiểu thấu nỗi lòng của những cô cậu bỏ học đang nằm dài trên các băng ghế công cộng, những khách hàng tội nghiệp của các cô gái đứng đường, hoặc một người đàn bà nào đó say sưa đọc những quyển tiểu thuyết diễm tình của nhà xuất bản Mills & Boon * (dù tôi không thể giải thích được tại sao tôi lại nghĩ mình giống họ).

Một hôm, trong lúc trần nồng nỗng ra mở tủ lạnh lấy chai bia, tôi bỗng nghĩ đến những người phụ nữ, – có gia đình rồi hay vẫn còn độc thân, hoặc là bà mẹ của những đứa con, ở trong khu nhà cũ của tôi hồi trước – họ thường kín đáo dắt trai vào nhà ngay giữa trưa. (lời đồn đãi cứ “tám” tràn lan: rất khó mà nói rằng những phụ nữ này bị chê trách vì hành động thiếu đúng đắn của họ hay là chỉ vì họ đã chọn cái giờ giấc đáng lẽ dành cho các công việc lau chùi nhà cửa thì lại lôi nhau ra mà làm cái việc của ban đêm ấy. Tôi nghĩ những người phụ nữ này chắc hẳn phải đạt được sự thỏa mãn đến cực cùng.)

Trong quãng thời gian này, tôi tin rằng mình đã sống trọn vẹn nỗi đam mê của mình như là một nhân vật của tiểu thuyết, nhưng giờ đây, tôi không biết mình nên chọn lối viết nào khi kể lại câu chuyện đời mình: bằng cách ghi lại những lời thú nhận chân thực, giông giống như kiểu “gửi chút niềm riêng” hay “tâm sự của nàng”  thường thấy trong các tạp chí dành riêng cho phụ nữ, hay mạnh mẽ hơn như một bản tuyên ngôn (nữ quyền); hoặc với một thái độ đánh giá nghiêm chỉnh.

Tôi không có ý định nói đó là một mối quan hệ nam nữ bất chính, tôi cũng không nghĩ mình sẽ kể lại một câu chuyện (một nửa của nó không thuộc quyền sở hữu của tôi) dựa trên những ngày tháng chính xác khi nó xẩy ra – chàng đến vào ngày 11 tháng 11 hay cũng quanh quẩn khoảng thời gian đó, chênh lệch trước sau đôi chút. Trong chừng mực mà tôi quan tâm đến, thì ý niệm thời gian không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ giữa hai người. Tôi chỉ có thể nắm bắt được ý niệm vắng mặt hoặc có mặt. Đơn giản, tôi chỉ liệt kê những biểu lộ của đam mê, nhập nhằng giữa “một ngày” và “mỗi ngày”, như thể một danh sách những biểu lộ như thế sẽ giúp tôi hiểu được thực tại của nỗi đam mê. Một cách tự nhiên, trong việc liệt kê và mô tả những gì đã xẩy ra, không có chỗ cho ẩn ý mỉa mai hay chế nhạo; vì đấy là cách người ta kể lại – cho người khác nghe hay cho chính mình – câu chuyện sau khi nó xẩy ra; chứ còn trong lúc chuyện đang xẩy ra thì chắc không thể nào có ẩn ý đó được.

Còn về nguồn gốc của nỗi đam mê thì tôi không hề muốn lục tìm chúng trong quãng đời thơ ấu – để làm việc này, người ta cần đến sự giúp đỡ của nhà phân tâm học – hoặc nhìn lại những đoạn đời gần đây nhất; hoặc, nhờ ánh sáng chiếu rọi của những chuẩn mực văn hóa dùng để kềm chế những xúc cảm một con người, xem coi điều gì đã ảnh hưởng đến tôi từ khi còn cắp sách đến trường (Cuốn theo chiều gió, Phèdre, hoặc những bài hát của Edith Piaf cũng có những dấu ấn có tính cách quyết định như mặc cảm Oedipus **.)

Nói cách khác, tôi không muốn gỉai thích cái đam mê của mình – làm như vậy sẽ hàm ý đó là một sai lầm hoặc một tình trạng bất thường nào đó mà tôi phải biện minh -. Đơn giản, tôi chỉ muốn mô tả nó.

Có thể, tiêu chuẩn duy nhất mà tôi chọn sử dụng sẽ là thứ tự của những gì đã xẩy ra: thời gian và sự tự do mà tôi sở hữu trong suốt chiều dài của câu chuyện.

5

Chàng thích mặc vét nhãn hiệu Yves Saint-Laurent, đeo cà vạt Cerruti và xe hơi phân khối lớn. Chàng – một người đến từ Đông Âu, khá kiệm lời– chớp chớp đèn xe là phóng vút đi, như thể được chắp cánh bởi niềm phấn khởi của tự do, của ăn mặc đẹp đẽ và của vị thế thẩm quyền trên những xa lộ của nước Pháp. Chàng thích nghe người ta bảo chàng trông giống Alain Delon ***. Tôi có cảm tưởng rằng  – trong chừng mực sự hiểu biết của mình về một người ngoại quốc – tuy chàng tôn trọng văn hóa của nước Pháp, nhưng lại không mặn mà lắm với các vấn đề về nghệ thuật, tri thức. Về truyền hình, chàng thích các chương trình “đố vui để học”, và đặc biệt chương trình truyền hình nhiều tập của Mỹ Santa Barbara ***. Mặc dù vậy, tôi chẳng mảy may quan tâm. Hiển nhiên là vì tôi luôn cho rằng khẩu vị của chàng – tức là của một người ngoại quốc – xét cho cùng, khó đánh giá vì tính khác biệt về văn hóa; trong khi đó, nếu khẩu vị ấy ở một người Pháp, tôi sẽ cho đó là sự khác biệt về tầng lớp xã hội. Phần khác, có thể tôi muốn nhìn thấy trong con người chàng cái phần “hãnh tiến” (parvenu, upstart)****của con người tôi: khi còn là một thiếu nữ mới lớn, tôi luôn thèm khát quần áo đẹp, dĩa nhạc, những chuyến du lịch khắp nơi trên thế giới nhưng khi ấy tôi tin rằng mình đã bị những đứa bạn cùng trang lứa con nhà giàu tước đoạt đi mất – cũng giống như A bây giờ – chàng “tước đoạt” từ một đất nước nghèo khó của chàng những ước muốn sở hữu quần áo đắt tiền, máy móc sang trọng trưng bày trong các cửa hàng Tây phương (3).

Như bất cứ một người Đông Âu nào, chàng uống rượu rất nhiều. Điều đó làm tôi lo lắng vì khả năng xẩy ra tai nạn rất cao một khi chàng lái xe trở về trên những xa lộ đông đúc, nhưng tôi không khinh ghét chàng vì điều đó. Mặc dù, cũng có khi chàng bước đi lọang choạng hoặc ợ hơi khi đang hôn tôi. Ngược lại, tôi vui thích được gần gủi chàng trong những khoảnh khắc mà người ta gọi là hạ tiện này.

Ngay từ hồi đó, tôi đã không biết rõ làm sao mà chúng tôi lại bị cuốn hút vào nhau trong một mối quan hệ như vậy. Lúc đầu, căn cứ vào một vài cử chỉ bên ngoài, tôi đồ rằng chàng cũng có những đam mê như tôi – với vẻ mặt chợt rạng rỡ rồi ngay sau đó trầm ngâm lại, chàng bảo: “anh lái xe như một thằng điên đến đây”. Chàng kể tôi nghe về thời thơ ấu của mình. Với thời gian, sự tin tưởng ban đầu của tôi không còn được như trước nữa. Chàng như mỗi ngày thêm xa cách, ít cởi mở; đôi khi chàng nói về người cha của mình, về năm 12 tuổi chàng phải vào rừng hái dâu. Chàng kể những câu chuyện như vậy chỉ với mục đích khiến tôi lánh xa chàng. Chàng không còn mua quà cho tôi nữa. Những khi nhận được hoa hay sách vở do bạn bè gởi tặng, tôi đều nghĩ đến chàng bây giờ đâu có còn quan tâm nhiều đến mình như ngày xưa. Nhưng, ngay sau đó tôi lại bào chữa cho A: “nhưng chàng đã cho ta sự thèm khát của chàng”. Tôi sẽ uống vào lòng từng giọt chữ mà tôi cho rằng chàng đã sơ hở để lộ ra sự ghen tuông, bằng chứng duy nhất của tình yêu chàng dành cho tôi. Mãi đến một thời gian sau tôi mới nhận ra câu hỏi “em có định đi đâu kỳ nghỉ Giáng Sinh này không?” chỉ là một câu hỏi vừa đơn giản, vừa thực tế để xem coi có nên hẹn gặp tôi hay không; chứ chắc chẳng phải một lối nói vòng vòng để tìm hiểu xem tôi có hẹn đi chơi trượt tuyết với một anh đàn ông nào khác không (có thể chính chàng cũng muốn tôi đi chơi với ai đó để chàng được dịp gặp gỡ một phụ nữ khác). Tôi thường tự hỏi mình, những buổi trưa hẹn hò ân ái như thế này có ý nghĩa gì đặc biệt với chàng không. Có lẽ chẳng có ý nghĩa gì khác hơn là làm tình. Tôi không thấy có dấu hiệu gì để mất thì giờ tìm hiểu những lý do nào khác. Tôi chỉ có thể quả quyết được duy nhất một điều: chàng có thèm khát tôi hay không. Một sự thực không thể chối cãi cho điều này luôn hiện ra trên bộ phận sinh dục của chàng: cứ nhìn nó thì biết ngay câu trả lời.

Sự kiện chàng là một người ngoại quốc khiến cho tôi khó mà hiểu được cung cách cư xử của chàng. Vả chăng, những hiểu biết của tôi về văn hóa con người xứ sở chàng chỉ là mớ kiến thức đóng khung trong những khuôn mẫu, những  truyền tụng dành cho du khách. Hồi đầu, tôi khá thất vọng với những giới hạn khó tránh khỏi trong giao tiếp. Tuy chàng nói một thứ tiếng Pháp không tệ, nhưng tôi lại không thể tự biểu lộ mình qua ngôn ngữ của chàng. Sau này, tôi nhận ra nhờ vậy mà tôi không mang ảo tưởng rằng chúng tôi đã hình thành nên một mối quan hệ tuyệt hảo, hoặc thậm chí tin rằng cả hai đã trở nên một. Bởi vì tiếng Pháp của chàng đôi khi không hoàn toàn đúng với chuẩn mực sử dụng của một người Pháp chính tông, và bởi vì thỉnh thoảng tôi cũng có đôi chút nghi ngờ về ý nghĩa những từ chàng gắn cho chúng nên tôi biết giới hạn những ý nghĩa đến từ các cuộc đối thoại giữa chúng tôi. Ngay từ lúc khởi đầu, rồi xuyên suốt thời gian của cuộc tình, tôi đã có được cái đặc quyền được biết một điều mà cả hai chúng tôi cùng nhận ra khi không còn là gì của nhau nữa: cái người mà chúng tôi yêu đắm là một kẻ hoàn toàn xa lạ.

  Tình trạng khó khăn gây ra bởi chàng là một người đã có gia đình – không thể gọi điện thoại, viết thư, hay gởi quà cáp cho chàng và mọi cuộc gặp gỡ đều bị lệ thuộc vào thời khóa biểu của chàng – thực sự không làm cho tôi khó chịu. Những bức thư tôi viết cho chàng sẽ được trao lúc chàng rời khỏi sau mỗi cuộc gặp. Tôi ngờ rằng sau khi đọc xong, chàng sẽ xé bỏ chúng trên đường lái xe; nhưng điều này cũng không làm cho tôi ngừng viết. Tôi cũng cẩn thận không để bất cứ một dấu vết nào của tôi trên quần áo của chàng hay trên cơ thể chàng. Lẽ dĩ nhiên, tôi không muốn chàng phải đối đầu với vợ chàng vì những chuyện này; nhưng tôi sợ rằng nếu mình không để ý, sẽ khiến chàng bực bội và quyết định không gặp tôi nữa. Vì chính lý do này mà tôi luôn tránh gặp chàng ở những nơi có vợ chàng đi theo. Tôi sợ rằng, trước mặt chàng, tôi không kềm được mình có những cử chỉ quen thuộc với chàng – ve vuốt cổ chàng, sửa lại chiếc áo chàng đang mặc, vân vân… (Mặt khác, tôi không muốn mình phải chịu tra tấn một cách không cần thiết với sự tưởng tượng chàng đang làm tình với bà vợ, vì mỗi lần nhìn thấy bà ấy là tôi không thể không nghĩ đến cảnh này. Dù cho tôi có nhận xét bà ấy “trông nhàn nhạt thế nào ấy”, rằng chàng làm việc đó vì chẳng qua “bà ấy nằm ngay bên cạnh”, cũng chẳng giúp cho sự tra tấn này nhẹ bớt đi phần nào.)

6

Cũng rất lạ, tình trạng khó chịu này lại là nguồn nuôi dưỡng cho sự chờ đợi nung nấu, cho thèm khát tích lũy. Chàng luôn luôn gọi tôi từ những trạm điện thoại công cộng; và vì thế, rất nhiều khi tôi bốc máy trả lời mà không có người nào ở phía đầu dây bên kia. Phải mất một thời gian sau tôi mới nhận ra những cú gọi “giả” này đi trước, rồi sau đó sẽ là những cú gọi “thật”, có khi lâu tới 15 phút để chàng tìm ra một trạm điện thoại kế tiếp còn sử dụng được. Nói cách khác, cú gọi không lời lần thứ nhất là khúc dạo đầu cho giọng nói của chàng, một hứa hẹn (hiếm hoi) của hạnh phúc, và khoảng lặng trống xen giữa lần gọi thứ hai – lần mà chàng sẽ nói tên tôi và câu “mình gặp nhau được không em?” – đó là khoảnh khắc tràn ngập của niềm vui và cảm xúc.

Mỗi tối, ngồi trước màn hình TV, tôi hay tự hỏi không biết chàng có xem cùng một băng tần, một cuốn phim đang chiếu với tôi không; nhất là khi chủ đề của cuốn phim là về tình yêu, về sex hoặc là nội dung của cuốn phim na ná như chuyện tình của chúng tôi. Tôi tưởng tượng chàng đang xem cuốn phim la femme d’à côté (người đàn bà hàng xóm) và thay thế các nhân vật trong phim bằng chính chúng tôi. Nếu chàng bảo cũng đã xem phim ấy thì tôi bèn nghĩ chàng chọn phim ấy là vì chúng tôi và rằng, nếu so sánh câu chuyện trong phim và chuyện của hai chúng tôi thì chuyện của chúng tôi ly kỳ hơn và có vẻ dễ chấp nhận hơn (Nhưng tôi vội bỏ ngay ý tưởng cho rằng mối quan hệ của chúng tôi có thể gây phiền phức cho chàng – trong phim ảnh, tất cả những đam mê ở bên ngoài hôn nhân đều không thể tránh khỏi có một kết thúc đầy thảm họa.) (4)

Cũng có khi tôi tự hành hạ mình với ý nghĩ, trong một ngày chàng có thể sẽ chẳng có giây phút nào nghĩ đến tôi. Hãy hình dung chàng đứng dậy, đi lấy cà phê uống, rồi nói, rồi cười, như thể mình chưa bao giờ hiện hữu. Đem ra so sánh với những ám ảnh nặng nề của tôi, một thái độ dửng dưng như thế làm cho tôi cứ thừ ra suy nghĩ. Sao có thể như vậy được cơ chứ? Chính chàng sẽ phải ngạc nhiên nếu biết tôi lúc nào cũng nghĩ đến chàng từ sáng sớm cho đến tối mịt mỗi ngày. Không có một điều gì để có thể nói rằng nỗi ám ảnh của chàng đối với tôi có vẻ hợp lý hơn. Dù sao, tôi vẫn may mắn hơn chàng.

Khi đi dạo vòng quanh phố phường  Paris, tôi nhìn thấy những chiếc xe hơi bóng lộn trên đường, ngồi bên tay lái là những nhân vật trông bệ vệ quyền chức giống nhau, tôi nhận ra rằng A cũng chẳng khác gì họ, cũng lo lắng trước hết cho sự nghiệp của mình, rồi đến những thú vui dâm dục và có lẽ cũng sẽ thay tình độ hai hay ba năm một lần. Sự khám phá này xuất hiện như một cách giải thoát cho tôi. Có lẽ tôi sẽ quyết định thôi không gặp chàng nữa. Tôi tin chắc rồi chàng cũng sẽ trở nên vô danh và vô nghĩa với tôi cũng giống như những chàng trai trẻ ngồi trong những chiếc BMWs và Renault 25 kia. Nhưng trong lúc dạo bước, tôi lại ngắm nghía những chiếc áo, những loại đồ lót khiêu gợi như thể đang chuẩn bị cho lần gặp tới của tôi với chàng.

Những khoảnh khắc ngắn ngủi của sự tỉnh táo này xuất hiện là do những yếu tố ở bên ngoài: tôi không muốn chúng xẩy ra. Trái lại, tôi còn tìm cách tránh né mọi cơ hội kéo tôi rời xa khỏi những ám ảnh của mình – sách báo, giao lưu xã hội, và những họat động khác trước đây tôi thường ưa thích. Tôi mong đợi được rảnh rỗi hoàn toàn, không vướng bận gì. Đã có lần tôi giận dữ từ chối thẳng thừng đề nghị làm thêm việc của sếp, gần như muốn xúc phạm đến ông ta qua điện thoại. Tôi tin rằng mình có quyền không chấp nhận bất cứ điều gì ngăn cản không cho tôi được thụ hưởng những cảm giác sung sướng và bay bổng của trí tưởng tượng nhằm thỏa mãn những đam mê của riêng mình.

Trên sân nhà ga xe lửa, ở trạm xe điện ngầm, trong phòng đợi, ở bất cứ nơi đâu người ta không được phép làm bất cứ điều gì, ngay khi vừa ngồi xuống là tôi lập tức mơ mộng nghĩ ngợi về A. Một cơn rùng mình sung sướng có thể chiếm ngự được tôi ngay khoảnh khắc tôi bước vào trạng thái mê đắm ấy. Tôi có cảm tưởng mình đã đầu hàng mọi nhục cảm, như thể trí óc tôi do đã trải qua nhiều hình ảnh, nhiều sự kiện lập đi lập lại khiến cho nó cũng có thể đạt được khoái cảm tột đỉnh như những bộ phận tính dục khác trên cơ thể.

7

Một sự thật hiển nhiên là, tôi không cảm thấy xấu hổ chút nào khi viết xuống những điều này vì khoảng cách thời gian giữa lúc những điều này được viết – lúc ấy chỉ có mình tôi đọc được – cho đến khi chúng được đọc bởi những người khác, với tôi, có vẻ như giây phút ấy sẽ không bao giờ đến. Cho đến lúc ấy, có thể tôi đã chết vì một tai nạn; hoặc một cuộc chiến tranh, một cuộc cách mạng có thể bùng nổ. Ý tưởng về một sự trì hoãn này giúp tôi ngồi viết được những điều này ở hôm nay; cũng giống như tôi đã từng nằm dưới ánh nắng chói chang suốt ngày trời thuở mới mười sáu tuổi,  hoặc làm tình mà không có dụng cụ ngừa thai năm tôi hai mươi tuổi: không nghĩ ngợi chút nào hết về những hậu quả có thể xẩy ra.

Cho đến mùa xuân năm đó thì sự chờ đợi của tôi đã trở nên hầu như vô tận. Từ những ngày đầu tiên của tháng 5, một đợt nóng sớm đã tràn về. Những chiếc áo đầm mùa hè đã xuất hiện trên đường phố. Các tiệm cà phê vỉa hè chật ních người. Khắp cả phố người ta bàn tán về một loại nhạc khiêu vũ gợi nhục cảm, lại được rỉ rả bên tai bằng một giọng nữ khè khè, đó là nhạc điệu Lambada. Có vẻ như chỗ nào cũng gợi lên một màu sắc lạc thú mới mà tôi tin chắc chàng thể nào mà không tìm cách hưởng thụ và chẳng màng gì đến sự có mặt của tôi. Địa vị và những trách nhiệm nghề nghiệp của chàng ở Pháp trông rất bề thế qua cái nhìn của tôi và chắc chắn phải thu hút được sự ngưỡng mộ của phụ nữ Paris. Ngược lại, tôi tự hạ thấp mình, không tìm ra được lý do nào thuộc về mình để có thể giữ chân chàng. Mỗi khi ở Paris, tôi đều nghĩ sẽ nhìn thấy chàng lái xe đi ngang với một người phụ nữ khác ở bên cạnh. Nếu cuộc gặp gỡ ấy thực sự xẩy ra, tôi sẽ bước thẳng, và cố khoác cho mình một vẻ lãnh đạm đầy kiêu hãnh. Trong thực tế, rất dễ hiểu, cuộc gặp gỡ này chẳng bao giờ xẩy ra. Kết quả là tôi ở trong trạng thái thất vọng, bực bội: cứ sải bước đi tới đi lui khu phố người Ý, người đầm đìa mồ hôi, trong ánh mắt nhìn mà tôi tưởng tượng của chàng; trong khi, thực ra chàng đang ở một nơi nào đó, không thể biết để đến được. Cái cảnh tượng chàng lái xe hướng về khu thượng lưu Sceaux hoặc vùng rừng núi Vincennes, kính xe hạ xuống và máy nhạc mở hết ga, luôn ám ảnh tôi.

Một hôm, đọc trên tờ tuần san truyền hình, có bài báo nói về một nhóm những vũ công người Cuba đang lưu diễn ở Paris. Tác giả bài báo nhấn mạnh đến sự gợi cảm và nhất là tính cách buông thả của phụ nữ Cuba. Trong bài, có bức hình người nữ vũ công được phỏng vấn, cao ráo, tóc đen huyền, phô bày cặp chân dài. Đọc đến đâu, trực giác của tôi nổi lên mạnh mẽ đến đấy. Cho đến khi đọc xong bài báo thì tôi tin chắc rằng A, người đã từng đến Cuba, có quen biết với cô gái trong bức hình. Tôi tưởng tượng họ ở trong khách sạn với nhau. Đến lúc này, không một điều gì có thể thuyết phục tôi tin rằng đã lấy gì làm chắc việc ấy có xẩy ra. Trái lại, ngay cái ý tưởng cho rằng việc ấy chưa chắc đã xẩy ra trở nên thậm vô lý với tôi, vô lý đến độ không thể nào tin được.

(Còn tiếp nhiều kỳ)

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search