T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòai Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(76) – NHẠC ĐÔNG PHƯƠNG: Ánh trăng nói hộ lòng tôi (Ánh trăng lẻ loi), Ông Thanh Khê & Tôn Nghi

Dang Le quan - thanh sac song toan

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc Đông Phương nổi tiếng được đặt lời Việt, bắt đầu từ kỳ này, chúng tôi viết về một số thành công điển hình của “Nữ hoàng ca nhạc Á châu” Đặng Lệ Quân, trong đó có Ánh trăng nói hộ lòng tôi, được đặt lời Việt với tựa Ánh trăng lẻ loi, Thiên ngôn vạn ngữ (Mùa thu lá bay), Tsugunai (Tình chỉ là giấc mơ).

Thực ra, với đa số khán thính giả người Việt từng yêu tiếng hát Đặng Lệ Quân và những ca khúc nổi tiếng của cô từ hơn bốn thập niên qua, công việc của chúng tôi có lẽ hơi thừa thãi, bởi đã có khá nhiều tác giả viết về đề tài này. Tuy nhiên, vì loạt bài “Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt” thực hiện cho trang T.Vấn & Bạn Hữu ít nhiều mang tính cách tài liệu lưu giữ (archive), thiết nghĩ chúng tôi không thể không đề cập tới người nữ danh ca bạc mệnh ấy và những ca khúc để đời của cô.

Đặng Lệ Quân (Deng Li-yun) – tên tiếng Anh là Teresa Teng, còn được viết là Teresa Deng, Teresa Tang – ra chào đời vào ngày 29-1-1953 tại thôn Điền Dương, huyện Vân Lâm, Đài Loan, trong một gia đình gốc Hoa Lục, cha người tỉnh Hà Bắc, mẹ người tỉnh Sơn Đông.

Thân phụ của cô nguyên là một quân nhân trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc của Thống chế Tưởng Giới Thạch, sau khi bị phe cộng sản của Mao Trạch Đông đánh bại vào năm 1949, đã theo chủ soái chạy ra đảo Đài Loan.

Tên gọi “Lệ Quân” là do thân phụ cô đặt theo tên nữ nhân vật Mạnh Lệ Quân trong truyện “Tái Sinh Duyên” lấy bối cảnh thời nhà Tống chống quân Nguyên (Mông Cổ) trong lịch sử Trung Hoa.

Là người con thứ tư và là con gái độc nhất trong gia đình năm người con, năm lên ba, Đặng Lệ Quân đã được cho học vũ ba-lê; tuy nhiên càng về sau, cô càng tỏ lộ năng khiếu ca hát.

Năm 11 tuổi (1964), Đặng Lệ Quân tham dự cuộc thi hát “Hoàng Mai Hí” do Đài truyền hình Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) tổ chức và đoạt giải nhất với ca khúc “Phỏng Anh Đài” (Đi thăm Anh Đài), trích từ cuốn phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài đang làm mưa gió trên màn bạc.

Dang Le quan nam 11 tuoi

Đặng Lệ Quân năm 11 tuổi

 VIẾT THÊM:

Hoàng Mai Hí (Huangmeixi) là một thể điệu ca múa dân gian Trung Hoa rất phổ biến tại các tỉnh An Huy, Hồ Bắc, Giang Tây và Giang Tô. Nguồn gốc là những bài hát của các cô gái hái trà ở huyện Hoàng Mai, hạt Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc. Tới thời nhà Thanh, thể điệu ca múa này được du nhập vào tỉnh An Huy, phối hợp với dân ca và thổ ngữ địa phương, được đưa lên sân khấu trở thành thể loại nhạc kịch Hoàng Mai (Huangmei opera).

Tới hậu bán thế kỷ 20, “Huangmei opera” được xem là thể loại nhạc kịch dân tộc mang nhiều tính cách nghệ thuật nhất trong năm thể loại nhạc kịch chính của Trung Hoa; bốn thể loại kia gồm Beijing opera, Yue opera, Pin opera, và Yu opera.

Tại Hương Cảng, từ cuối thập niên 1950 tới cuối thập niên 1960, thể loại nhạc kịch Hoàng Mai đã được hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ (Shaw Brothers) đưa lên màn bạc và đạt nhiều thành công rực rỡ, trong đó có cuốn phim bất hủ Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài  (tựa tiếng Anh là Love Eterne – Tình yêu Vĩnh cửu), thực hiện năm 1963.

Chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài  thường được so sánh với chuyện tình Romeo & Juliet, và được người Tây phương gọi là Butterfly Lovers (Hồ Điệp Tình Nhân), do việc Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài hóa thân thành đôi bướm.

Trong một bài trước đây viết về ca khúc Meigui Meigui Wo Ai Ni (Rose Rose I Love You- Cánh Hồng Trung Quốc) của tác giả Chen Gexin, chúng tôi có nhắc tới hợp tấu khúc dành cho vĩ cầm có tựa đề “Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc”, tựa đề tiếng Anh Butterfly Lovers’ Violin Concerto, của trưởng nam Chen Gang (Trần Cương) – nhạc khúc cổ điển mà cho tới nay vẫn được xưng tụng là tác phẩm tiêu biểu nhất trong nền nhạc giao hưởng của Trung Hoa.

Trong cuốn phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài  thực hiện năm 1963, Lăng Ba thủ vai Lương Sơn Bá, Lạc Đế thủ vai Chúc Anh Đài. Lạc Đế lúc đó đã thành danh nhưng Lăng Ba còn là một nữ diễn viên chưa có tên tuổi, sở dĩ được chọn thủ vai (gái giả trai ) Lương Sơn Bá là nhờ cô biết hát thể loại Hoàng Mai Hí, và sau đó vụt nổi tiếng.

Về sau, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài  được thực hiện lại nhiều lần dưới hình thức phim điện ảnh và phim tập truyền hình, tuy nhiên không cuốn phim nào có thể so sánh với Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài  của năm 1963. Với người Hoa, cuốn phim này là một tác phẩm bất hủ, tương tự Cuốn theo chiều gió (1939), Titanic (1997) của điện ảnh tây phương. Riêng tại Hòn ngọc Viễn đông ngày ấy, chúng tôi còn nhớ Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài  đã trở thành một hiện tượng, được chiếu liên tục cả tháng trời, và đi tới đâu cũng nghe văng vẳng điệu hát Hoàng Mai…

VIDEO:

 梁山伯與祝英台 (1963) 十八相送 1

Trở lại với Đặng Lệ Quân, năm 1966, cô tham dự cuộc thi ca nhạc của công ty Kim Mã Tưởng và đoạt giải nhất.

Qua năm 1967, cô ra đĩa hát đầu tay và được ưa chuộng ngay; và tới năm 1968, cô thực sự nổi tiếng toàn quốc sau khi được mời trình diễn trên một chương trình ca nhạc truyền hình rất phổ biến ở Đài Loan.

Năm 1969, vào tuổi 16, được phép thân phụ, Đặng Lệ Quân bỏ dở việc học để theo đuổi nghiệp cầm ca toàn thời, ký hợp đồng với hãng đĩa Life Records.

Cũng trong năm 1969, Đặng Lệ Quân được mời sang Hương Cảng để đóng cuốn phim đầu tiên; trở về cô được mời chủ trì tiết mục “Mỗi ngày một ngôi sao” trên truyền hình, trở thành một MC rất nổi tiếng trên đài phát thanh, đài truyền hình, được mời hát trong bộ phim truyền hình đầu tiên của Đài Loan, đồng thời được phu nhân của Tổng thống Tân-gia-ba mời sang đảo quốc Sư Tử tham gia một chương trình gây quỹ từ thiện.

Năm 1970, Đặng Lệ Quân được tặng danh hiệu “Nữ hoàng từ thiện”, và sang Hương Cảng đóng cuốn phim thứ hai có tựa đề “Tiểu thư mê nhạc “.

Qua đầu năm 1971, Đặng Lệ Quân bắt đầu chuyến lưu diễn vòng quanh Đông Nam Á, gồm Hương Cảng, Tân-gia-ba, Mã-lai, Nam Dương, Phi-luật-tân, Thái-lan, và Việt Nam Cộng Hòa, kéo dài từ tháng 2 tới tháng 8/1971.

dang_le_quan-saigon

Đặng Lệ Quân tại Sài Gòn (1971)

Đặng Lệ Quân tới Sài Gòn ngày 24 tháng 7 năm 1971, ngụ tại khách sạn Bát Đạt một tháng trời, để trình diễn tại rạp Lệ Thanh, tham gia các cuộc họp báo, gặp gỡ người ái mộ, du lịch và chụp hình lưu niệm trên sông Cửu Long…

Cô từ giã Hòn ngọc Viễn đông mang theo ca khúc “Không”, tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, mà cô đã xin phép được đặt lời Hoa.

Năm 1972, phiên bản tiếng Hoa của “Không” có tựa đề Nị (Anh) được Đặng Lệ Quân thu đĩa; hiện nay ca khúc này đang đứng hạng 11 trong số 13 ca khúc điển hình của Đặng Lệ Quân.

VIDEO:

 邓丽君 Teresa Teng – Khong 你 Ni (Original Music Audio)

Sau đó, Đặng Lệ Quân thu đĩa phiên bản tiếng Nhật với tựa đề “Nii/Anata”, cũng rất được ưa chuộng.

Năm 1973, sau khi mãn hợp đồng với hãng đĩa Life Records, Đặng Lệ Quân đầu quân cho hãng đĩa Polydor Japan với mục đích chinh phục khán thính giả ở quần đảo Phù Tang (Polydor là một thương hiệu của đại công ty Universal Music Group, Hoa Kỳ, có chi nhánh tại nhiều quốc gia trong đó có Nhật Bản).

Tới cuối năm, với tư cách một ca sĩ của Polydor Japan, Đặng Lệ Quân tham dự cuộc thi ca hát thường niên “Kohaku Uta Gassen” (Year-end Song Festival), là cuộc tranh tài giữa những ca sĩ đã có tên tuổi, do đại công ty truyền thông NHK tổ chức vào tối giao thừa dương lịch. Kết quả, Đặng Lệ Quân đã đoạt giải “Ngôi sao ca hát mới nổi xuất sắc nhất” (Best New Singing Star) với bản Kuko (The Airport).

Ca khúc này do Kosho Inomata soạn nhạc, Michio Yamagami đặt lời, về sau, vào giữa thập niên 1980, đã được đệ nhất danh ca kiêm nữ diễn viên Nhật Akina Nakamori (sinh năm 1965) thu đĩa lại, nhưng với thính giả Nhật nói chung, nhắc tới ca khúc Kuko, họ nhớ ngay tới Đặng Lệ quân.

[“Kuko” là cách viết trong nguyên tác, nhưng không hiểu tại sao hiện nay nhiều trang mạng lại viết thành “Koukou”, hoặc “Kuukou”]

Nội dung Kuko là lời một người con gái trong một cuộc tình tay ba, được người yêu tiễn ra phi trường, trước khi chàng quay về với bóng hồng kia.

Lời hát của Kuko được trang mạng lyricstranslate.com dịch sang tiếng Anh như sau:

Airport

 Knowing nothing of my decision, you told me

“Going off on your own, alone, would be good for a change.”

Standing on the observation deck of the airport in the rain.

You wave at me, and soon you are out of sight

Please return to her side

I’m going away all by myself

 

Always, quietly waiting for your return

There’s a sweet lady awaiting

From the window of the jet misted up by the rain

Restraining my tears, I say good-bye

Please return to her side

I am leaving for a faraway town

 

Though no one loves you more than I do

Breaking up is for the good of both of us

Please return to her side

I’m going away all by myself

VIDEO:

 Koukou (Airport) – Teresa Teng

Hai năm sau, Đặng Lệ Quân thu đĩa phiên bản tiếng Hoa (Quan thoại), rất được ưa chuộng tại các quốc gia Đông Nam Á.

VIDEO:

 空港 Phi trường 情人的关怀 Đặng Lệ Quân Teresa

Sau này tại hải ngoại, Kuko được nhạc sĩ Nhật Ngân đặt lời Việt với tựa Xin thời gian ngừng trôi.

Xin thời gian ngừng trôi

 Rượu nồng cạn chén bên người
Tình ái ấm nồng chứa chan
Mong thời gian thôi,ngừng không trôi nữa,
Mãi đêm nay ta bên người.

Sao thời gian cứ trôi mau
Sao rượu nồng bổng chua cay
Sao tình còn đang ngất ngây say
Mà chợt nghe sầu ngăn cách.

Anh ơi! uống đi anh
Giọt đắng thắm tràn khoé môi
Lệ nào chớ rơi
Đường khuya vắng
Âm thầm đi về…

Phụ lục 1: Xin thời gian ngừng trôi, Ngọc Lan

Đồng thời Kuko cũng được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Sao đành quên nhau, tuy nhiên không ít trang mạng, bìa đĩa nhạc lại ghi là Sao đành xa nhau. Xét nội dung lời hát (Sao đành xa vắng nỡ quên nhau?), chúng tôi cho rằng “quên” đầy đủ ý nghĩa hơn, chính xác hơn, bởi có nhiều khi người ta “xa” nhau nhưng vẫn không… quên nhau!

Sao đành quên nhau

Mặt trời còn soi trên đường về
Ðường hồng chưa phai dấu người bước đi
Mây còn bao la rừng xanh thơm lá
Chim vẫn vui ca chan hoà…

Sao đành xa vắng nỡ quên nhau?
Sao đành bỏ nhau dứt tay nhau?
Sao đành chia ly, nỡ ra đi?
Sao ta nỡ chia lià nhau thế???

Gặp rồi say sưa nồng nàn
Vừa cầm tay nhau cõi lòng chứa chan
Rồi quay bước chân
Nên dĩ vãng phai tàn lỡ làng…

Ðèn hồng còn soi nơi giường nằm
Và phòng the chưa hết mùi ái ân
Da thịt dư hương bàn tay êm ấm
Ve vuốt trong đêm vẫn còn…

Sao đành xa vắng nỡ quên nhau?
Sao đành bỏ nhau, dứt tay nhau?
Sao đành chia ly, nỡ ra đi?
Sao ta nỡ chia lià nhau thế???

Tình nồng một đêm chẳng dài
Rồi lìa xa nhau rất là dễ thôi
Người xa vắng ta
Cho ta khóc!!! Khóc duyên tình lỡ làng…

Phụ lục 2: Sao đành quên nhau, Như Mai

VIDEO:

 SAO ĐÀNH QUÊN NHAU – Tiếng hát LƯU HỒNG

 Sau khi đoạt giải “Ngôi sao ca hát mới nổi xuất sắc nhất” (Best New Singing Star) với bản Kuko, Đặng Lệ Quân đã thu đĩa thêm nhiều ca khúc khác của Nhật để cho ra mắt album tiếng Nhật đầu tay của mình, trong số đó có bản Goodbye My Love, một ca khúc lời Nhật có tựa đề tiếng Anh.

Qua năm 1975, phiên bản lời Hoa của Goodbye My Love được Đặng Lệ Quân thu đĩa đã trở thành một trong những ca khúc “cầu chứng” của người nữ danh ca Đài Loan này (đứng No.5 trong danh sách Top 5 của cô).

Rất có thể vì phiên bản lời Hoa của Goodbye My Love quá phổ biến, hiện nay, hầu hết các trang mạng, các cơ sở thương mại ca nhạc Hoa, Việt đều ghi đây là một ca khúc nguyên tác tiếng Hoa. Chỉ trừ trang facebook “CongdongVietNhat” khẳng định Goodbye My Love nguyên là một ca khúc của Nhật, được một nhạc sĩ Nhật sáng tác cho nữ ca sĩ Nhật lai Mỹ Ann Lewis thu đĩa năm 1974, nhưng không đạt thành công đáng kể. Chỉ tới khi được Đặng Lệ Quân thu đĩa, Goodbye My Love mới được nhiều người Nhật biết tới và ưa chuộng.

Đây cũng là ca khúc mà hầu như lần nào Đặng Lệ Quân hát, mắt cô cũng đẫm lệ.

VIDEO:

 Teresa Teng – Goodbye My Love – Japan Version (Lyrics) – Bunda Nafeeza.flv

Phụ lục 3: Goodbye My Love (lời Hoa), Đặng Lệ Quân

Phiên bản lời Việt của Goodbye My Love do Ngọc Lan thu đĩa cũng được ghi nhận là một thành công lớn trong sự nghiệp ca hát của cô. Một số người viết rằng Ngọc Lan chính là tác giả phiên bản lời Việt này, tuy nhiên vì không thể kiểm chứng, chúng tôi chỉ xin ghi lại với sự dè dặt thường lệ.

Phụ lục 4: Goodbye My Love, Ngọc Lan

Tới đây, xin có đôi dòng về “tiếng hát Đặng Lệ Quân”. Xét về chất giọng (voice), Đặng Lệ Quân có một giọng “mezzo-soprano”, tiếng Ý có nghĩa là “half soprano”. Đa số tác giả người Việt gọi “mezzo-soprano” là giọng “nữ trung”, một số nhỏ gọi là giọng “nữ kim hạ”.

Trong nền nhạc cổ điển, “mezzo-soprano” được phân định là giọng nữ nằm giữa giọng “soprano” (giọng nữ kim) và giọng “contralto” (giọng nữ trầm).

Vì những yêu cầu của ca, kịch cổ điển, các vai nữ nhân vật chính bắt buộc phải có giọng “soprano”. Tuy nhiên trong nền nhạc hiện đại – country, pop, jazz, heavy metal, và nhạc kịch (musical theatre) – đa số nữ ca sĩ nổi tiếng đều là người có giọng mezzo-soprano, điển hình là (theo thứ tự ABC trong tên họ): Adele, Beyoncé, Susan Boyle, Ella Fitzgerald, Connie Francis, Aretha Franklin, Patricia Kass, Dusty Springfield, Barbara Streisand, Tammy Wynette…

Giọng mezzo-soprano của Đặng Lệ Quân là một giọng thiên phú, được thể hiện bằng cách phối hợp phong cách hiện đại tây phương với dân ca truyền thống đông phương.

Giọng hát của cô nổi bật nhờ sự đơn sơ mộc mạc và chân thành. Giáo sư Yeh Yueh-Yu, giảng dạy môn Lý thuyết Văn hóa tại Đại học Nam California, nhận xét:

“Giọng hát của cô như thể đang khóc lóc, van xin, nhưng lại có sức mạnh, có khả năng thu hút, thôi miên đối tượng”.

Riêng nhà viết ca khúc Tsuo Hung-yun của Đài Loan, một trong những người thầy của Đặng Lệ Quân, đã nhận xét bằng một câu để đời:

“Giọng hát của Đặng Lệ Quân gồm bảy phần ngọt ngào, ba phần nước mắt”.

* * *

The Moon Represents My Heart

Tới đây, chúng tôi viết về ca khúc Ánh trăng nói hộ lòng tôi  do Đặng Lệ Quân thu đĩa, được đặt lời Việt với tựa Ánh trăng lẻ loi.

 “Ánh trăng nói hộ lòng tôi” thực ra chỉ là tựa đề đã được Việt hóa, còn tựa đề tiếng Hán nguyên thủy của ca khúc là “Yue liang dai biao wo de xin”, phiên âm Hán Việt thành “Nguyệt lượng đại biểu ngã đích tâm”, dịch sang tiếng Anh là The Moon Represents My Heart.

 Ánh trăng nói hộ lòng tôi  không phải là một ca khúc mới, được viết riêng cho Đặng Lệ Quân, mà là một sáng tác của Ông Thanh Khê vào năm 1973, đã được nữ ca sĩ Trần Phần Lan của Đài Loan thu đĩa nhưng không tạo được tiếng vang. Phải đợi tới năm 1977, sau khi được Đặng Lệ Quân thu đĩa, Ánh trăng nói hộ lòng tôi  mới được nhiều người ưa chuộng, để rồi trở thành “ca khúc tiếng Hoa nổi tiếng nhất thế giới”, như nhiều người hiện đang xưng tụng.

Weng Ching Hsi (+ng Thanh KhO)

Ông Thanh Khê (Weng Ching-hsi, 1936-2012)

Ông Thanh Khê (Weng Ching-hsi, 1936-2012) là nhà soạn nhạc, nhà viết ca khúc nổi tiếng bậc nhất của Đài Loan. Trong số trên 1000 ca khúc của ông có nhiều bản được Đặng Lệ Quân thu đĩa, và hai bản sau đây đã được nằm trong Top 5 của cô: Ánh trăng nói hộ lòng tôi, No.1, và Câu chuyện thành phố nhỏ (Tiểu thành cố sự – The Story of a Small Town), No.5.

Ánh trăng nói hộ lòng tôi  do Tôn Nghi đặt lời hát, được trang mạng LyricsReg.com dịch sang Anh ngữ như sau:

The Moon Represents My Heart

 1:

You asked me how deep my love is for you
I love you to the utmost.
My feeling is also true,
My love is also true:
The moon represents my heart.

2:
you asked me how deep my love is for you
I love you to the utmost.
My feelings will not waver,
My love will never change:
The moon represents my heart.

Chorus:
A gentle kiss
Would already move my heart.
A period of deep love,
Makes me long for it till now.

3:
You asked me how deep my love is for you
I love you to the utmost.
Why don’t you think about it,
Why don’t you take a look at it:
The moon represents my heart.

Chorus:
A gentle kiss

Would already move my heart.
A period of deep love,
Makes me long for it till now.

(repeat verse 3)
Phụ lục 5: Ánh trăng nói hộ lòng tôi, Đặng Lệ Quân

 VIDEO:

Yue Liang Dai Biao Wo de Xin (The Moon Represents My Heart …

Theo trang mạng Wikipedia, hầu hết người Hoa trên thế giới đều thuộc lòng ca khúc Ánh trăng nói hộ lòng tôi. Trong số những danh ca gốc Hoa hát lại bản này có Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương (hát trong đêm tưởng niệm Đặng Lệ Quân), Lưu Đức Hoa, Triệu Vy, Trịnh Tú Văn & Ngôn Thừa Húc (ban nhạc F4); thậm chí còn được ca nhạc sĩ David Tao soạn lại dưới hình thức nhạc “rap”.

Đặc biệt, ngoài việc được nhiều ca sĩ ngoại quốc trình bày phiên bản lời Anh, Ý, Tây-ban-nha, Đại Hàn, Phi-luật-tân (Tagalog), Ánh trăng nói hộ lòng tôi  còn được một số danh ca quốc tế hát lại bằng nguyên tác tiếng Hoa (Quan thoại), trong số đó có Bon Jovi và hai nữ ca sĩ “classical crossover” nổi tiếng Katherine Jenkins (Anh quốc), Haley Dee Westerna (Tân-tây-lan) – hát chung với nam ca sĩ Rex Wee tại Hí viện Quốc gia Đài Loan vào ngày 3 tháng 10 năm 2009, cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Thành phố Đài Bắc.

 VIDEO:

Katherine Jenkins (月亮代表我的心) – YouTube

月亮代表我的心The Moon Represents My Heart – 海莉Hayley …

Ngoài ra, Ánh trăng nói hộ lòng tôi  còn được soạn lại cho dương cầm, vĩ cầm, dương cầm & đàn nhị hồ, saxophone, v.v…, trong số này chúng tôi chọn phiên bản saxophone để gửi tới giới mộ điệu qua tiếng kèn của Kenny G.

Phụ lục 6: The Moon Represents My Heart, Kenny G

Về phiên bản lời Việt của Ánh trăng nói hộ lòng tôi, chúng tôi không đủ phương tiện tìm hiểu xem đã có nhạc sĩ tên tuổi nào tại hải ngoại đặt lời Việt cho ca khúc này, chỉ biết phiên bản duy nhất (mà chúng tôi được nghe) có tựa đề Ánh trăng lẻ loi – với nội dung hoàn toàn khác nguyên tác – đã được một trang mạng ghi tác giả là “Kỳ Anh”. Qua tìm hiểu các trang mạng của người trong nước cũng như hải ngoại, chúng tôi chỉ thấy nói tới một “nhạc sĩ Kỳ Anh” duy nhất, sinh năm 1966 tại Sài Gòn, hiện đang sinh hoạt âm nhạc ở trong nước, nên tạm thời ghi nhận “nhạc sĩ Kỳ Anh” này cũng chính là tác giả phiên bản lời Việt Ánh trăng lẻ loi.

Ánh trăng lẻ loi

 Này người yêu hỡi xin đừng quay bước
Vì em đã trót yêu anh
Tiếng yêu đầu ngại ngùng dẫu ân tình ngàn trùng
Muôn bể dâu, em nào biết đâu

Này người yêu hỡi, ân tình em đó
Ngàn năm như ánh trăng tan
Vẫn muôn đời dịu dàng, vẫn muôn đời nồng nàn
Tha thiết yêu dù tình yêu trái ngang

Ái ân như bọt sóng trào
Tan vỡ mau bước chân sỏi đá
Trái tim em bờ cát mềm
Bàn chân ai vội vàng in dấu quên

Thuyền tình xa bến mê đời hoang phế
Chờ theo muôn ánh trăng tan
Những đêm về lạnh lùng, gió mưa nào ngại ngùng
Hoen mắt em đường khuya trăng lẻ loi.

Phụ lục 7: Ánh trăng lẻ loi, Loan Châu

Phụ lục 8: Ánh trăng lẻ loi, Tâm Đoan

VIDEO:

 Ánh trăng lẻ loi – Vy Oanh – YouTube

HOÀI NAM

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

Bài Mới Nhất
Search