T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thanh Sơn: Ký ức thường là những nỗi buồn khó quên

  

  Nhớ Nhà – Tranh: Mai Tâm

  Tôi đọc bài viết trên thanhnien.online. Nhan đề: Ký ức những ngày chen lấn nhau xem TV xóm, những cái TV đen trắng. Cái tựa rất gợi. Gợi cho tôi ký ức đau buồn của những ngày xưa, những ngày giáp tết.

Xem cái tựa, dù chưa đọc  tên tác giả ghi bên dưới, tôi đã không thể lướt qua (tôi rất chọn lọc bài để đọc, bởi trên báo thời nay thường có những bài viết rất ‘lá cải’. Nội dung là cảnh đâm chém, ca sỹ thời thượng thích mua danh, những tỉ phú chơi trội yêu con gáí bằng tuổi cháu mình, làm giàu không bằng tài năng mà bằng cái móc nối với quan chức, bằng cướp tài nguyên, bằng cái thứ không đáng để ngưỡng vọng, học tập… Những đề tài này thường không đáng đưa lên báo. Thế mà nó vẫn có, vẫn nhan nhản như là để lấp đầy khoảng trống trên giấy. Hay câu chuyện ở vườn rau Lộc Hưng thành phố HCM còn mới rợi, cảnh đập phá nhà cửa, vườn tược của người dân trong ngày giáp tết, những ngày thiêng liêng mà dân tộc ta luôn coi trọng. Dù gì thì gì, có đúng sai thì hãy để ra giêng, tháng rộng ngày dài rồi đập phá, cưỡng chế. Thế nhưng báo vẫn chưa có dòng nào về tình cảnh này).

Thế nên, nhìn tựa bài viết trên, tôi đọc ngay tắp lự, đọc để tìm lại những ký ức của thời xa xưa, đọc để sống lại một thời trai trẻ, thời con nít cởi truồng tồng ngồng tắm dưới cơn mưa mùa hạ, thời bắt con chuồn chuồn cắn rốn để được biết bơi, thời của những ngày bắn bi, chơi vụ, đánh nẻ chơi chuyền.  Những trò chơi mà những  đứa trẻ cùng trang lứa ngày nay cho là tầm phào, nhạt nhẽo, buồn tẻ và buồn cười… Âu cũng là sự tiến bộ xã hội, nền văn minh của thời đại công nghệ. Những cái TV đen trắng,  cũng là những công nghệ cao cấp của thời ấy. Không riêng gì lũ nhỏ, ngay cả người lớn cũng rất say mê. Ba tôi, người không được may mắn sống trong thời đại công nghệ ngày nay, nhưng ông có cái nhìn xa, trông rộng. Ông nói, cứ đà này, tương lai TV không còn đen trắng mà là có màu, màn ảnh rộng, lại có thể ngửi được mùi hương từ xa nữa kia (!). Tôi còn nhớ, một chuyến đi buôn về, ông mua cái đài thu thanh hiệu Panasonic của Nhực Bổn bốn băng trông rất oách. Tối hôm sau, ông bắt được làn sóng phát thanh Hà Nội, buổi ngâm thơ  của nghệ sỹ Châu Loan. Chung quanh nhà tôi, là bác năm, bác bảy, cô ba … ngồi chật cả phòng. Cả không gian im lặng ngoài tiếng sáo và giọng ngâm trong trẻo, cao vút,  thấm đẩm vào lòng người nghe. Suốt buổi, tôi không nghe tiếng người nào nói, ngoài tiếng rít thuốc rê, tiếng nhổ bã trầu toèn toẹt của mấy bà hàng xóm. Xong buổi ngâm thơ, mọi người lũ lượt ra về mang theo nỗi niềm của chuỗi ngày cách núi ngăn sông, người bên này hay phía bên kia chiến tuyến.  Sáng hôm sau, anh em tôi phải dọn dẹp những tàn dư của đêm qua. Thế mà vui. Cần nói thêm là, giai đoạn lịch sử của những năm 6o-70 thế kỷ trước, cụ thể là năm 63, làng tôi là vùng trắng. Ban ngày lính Nghĩa Quân, Địa Phương Quân trấn đóng. Đêm về, các anh Du Kích tắt cạch đùng xè về làm chủ xị. Những năm sau, chiến tranh ác liệt,  gia đình tôi tản cư đến thôn Thạch By, Phổ Thạch (nay là Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi). Dưới chân núi Đá Heo, nơi đồn lính trấn đóng, có Núi Cấm, Đá Bia. Nắng lên Đá Bia, nắng về Núi Cấm. Có hạt lúa Đồng Trong hạt lúa Đồng Ngoài. Thơm như mùi muối Tân Diêm mằn mặn. Địa danh trong bài thơ  bạn tôi đã viết của ngày xưa yêu dấu.

Lại cái TV đen trắng trong lúc đêm về dưới chân núi Đá Heo, là niềm vui cho cả xóm. Những ký ức ùa về trong tôi như bài báo  đã viết. Cứ mỗi buổi tối, cỡ sáu giờ, máy bay cất cánh từ sân bay Qui Nhơn, mang theo công cụ phát sóng truyền hình, thế là xóm tôi được  những niềm vui. Vui nhất là những tối thứ bảy hàng tuần, những chương trình cải lương do các đoàn cải lương nổi tiếng của miền nam biểu diễn,  những danh ca thời đó như Út Trà Ôn, Thanh Nga, Hữu Phước…thủ vai, nghe hay chi lạ. Những đêm đó, bao giờ chúng tôi cũng được coi rất khuya.

Cái TV đen trắng năm nảo năm nào là những ký ức đáng nhớ và cũng nên quên. Quên để khỏi có cái cảm giác nhọc nhằn. Tụ tập trước màn hình của nhà hàng xóm, coi cải lương tối thứ bảy, bị pháo kích chết ngần ấy người. Ngần ấy nhân mạng trong những ngày giáp tết, dưới chân núi Đá Heo, có đồn lính trấn đóng. Bạn bắn bi, đánh đáo của tôi đã chết trong đêm ấy. Từ “pháo kích” hẳn thế hệ 9x hổng biết nó ra làm sao, nhưng những người lớn tuổi, sống thời trước năm 75 hẳn sẽ nhớ như in về nó. Như khủng bố thời bây giờ, ôm bom tự sát, nhưng có khác là các anh phía bên ta cứ thản nhiên bắn bằng những vũ khí tự tạo, bom đạn cứ muốn bay đâu thì bay, không có điều khiển từ xa, đếch cần tọa độ. Người dân và địch, nếu trúng, cứ thản nhiên mà chết.

Những ngày giáp tết , sự kiện ở Vườn Rau Lộc Hưng rồi cũng lùi về quá khứ.

Nhưng Ký ức thường là những nỗi buồn, khó quên…

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

Bài Mới Nhất
Search