T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

THÉRÈSE DESQUEYROUX – CHƯƠNG BỐN

CHƯƠNG BỐN

Hôn lễ của hai người đã được cử hành trong ngôi thánh đường Saint-Clair nhỏ bé và ngột ngạt. Âm thanh khò khè của chiếc phong cầm chen lẫn với tiếng các bà khúc khích nói cười. Và hơi người thì lấn át hẳn mùi trầm hương đốt trên bàn thờ. Ngày hôn lễ hôm nay cũng là ngày Thérèse nhận ra là mình đã lầm lẫn. Như kẻ mộng du, nàng tự bước vào chiếc lồng đã mở sẵn. Nghe tiếng rên rỉ của chiếc cửa nặng nề đang từ từ khép lại, đứa trẻ tội nghiệp bên trong người nàng giật mình thức giấc. Hầu như chẳng có gì thay đổi trong cuộc sống của nàng, nhưng nàng mang một cảm giác kể từ hôm nay, nàng không bao giờ có thể được tự do cô độc một mình được nữa. Giữa vòng vây khép kín của gia đình, nàng sẽ âm ỉ bốc cháy, như ngọn lửa ngầm bén vào cành cây, thắp sáng một cây thông, rồi thêm một cây thông nữa, và cứ thế lan ra khắp rừng thông, biến khu rừng thành những bó đuốc khổng lồ. Trong đám đông đang nhộn nhịp nói cười, nàng không thể dừng lại được ở một người nào ngoại trừ khuôn mặt cô bé Anne, nhưng niềm vui rất trẻ con của cô lại càng đẩy cô xa Thérèse thêm nữa. Làm như cô bé không biết rằng kể từ đêm nay, cô và Thérèse sẽ là hai thế giới tách biệt, không chỉ bằng khoảng cách không gian – nhưng còn là một thứ cách biệt khác, thứ mà Thérèse sắp sửa trải qua – thứ mà sau đêm nay, sự ngây thơ của thân xác con gái sẽ phải chịu phục tùng và sẽ không bao giờ có thể lấy lại được. Anne vẫn tiếp tục được an toàn trên bờ vực; còn Thérèse sẽ gia nhập đội ngũ những kẻ đã một lần hiến dâng. Nàng nhớ lại lúc ở trong phòng thay quần áo lễ, khi cúi xuống để hôn khuôn mặt nhỏ bé đang tươi cười ngước lên đón nhận, nàng bỗng nhận ra một khoảng hư không trống rỗng, mà cũng từ khoảng không ấy nàng đã từng tạo ra cho mình những niềm vui mơ hồ, những nỗi buồn mơ hồ; trong khoảnh khắc ngắn ngủi của vài giây đồng hồ, nàng khám phá sự bất cân xứng vĩnh cửu giữa sức mạnh ma quái ngự trị trong tim nàng và khuôn mặt xinh xắn trát đầy phấn của cô bé Anne.

Rất lâu sau ngày lễ cưới, ở Saint-Clair cũng như ở Bazas, mỗi khi người ta bàn tán về đám tiệc lớn có một không hai kiểu Gamache (6) này (nơi hàng trăm tá điền và chủ nông trại đã cùng nhau yến tiệc say sưa dưới các gốc sồi), họ đều không quên nhắc đến cô dâu “người không thể bảo là đẹp nhưng có nét duyên dáng rất quyến rũ”; nhưng vào cái ngày hôn lễ của chính cô ấy, trông cô ta vừa có vẻ xấu xí, vừa đáng sợ khác thường: “Trông cô ta không phải là Thérèse nữa, mà là một ai khác.” Người ta chỉ nhìn thấy vẻ ngoài khác lạ của Thérèse; họ cho rằng đó là do bởi khuôn mặt cô trét nhiều phấn trắng quá; có người bảo tại trời nóng bức nên trông cô như vậy. Nhưng không một ai nhận ra được khuôn mặt đích thực của Thérèse ẩn giấu phía sau những biến dạng như họ đã thấy.

Vào buổi chiều của đám cưới nửa quê nửa tỉnh, một nhóm khách dự tiệc xúm lại chung quanh chiếc xe chở cô dâu chú rể, khiến xe phải đi chậm lại. Trong đám đông, những chiếc áo đầm của các cô gái chập chờn tung bay. Trên mặt đường rải đầy hoa, chiếc xe đã phải lượn trái lượn phải nhiều lần để tránh mấy chiếc xe kéo chạy ngoằn ngoèo vì chủ nhân của chúng đã hơi quá chén.

Nghĩ đến buổi động phòng đêm ấy, Thérèse lẩm bẩm: “khủng khiếp quá!”; rồi nàng tự sửa chính mình: “Không, không đến nỗi khủng khiếp vậy đâu”. Trong chuyến đi hưởng tuần trăng mật sau đó ở một vùng biển hồ bên Ý, nàng có phải chịu đựng đau đớn lắm không? Không – nàng biết cách thuận xuôi theo tình huống. Thôi nào, đứng giả vờ nữa nào! Là hôn phu, có thể dễ dàng tưởng lầm, nhưng là một người chồng thì lại khác. Nói dối bằng lời lẽ là một chuyện, nhưng nói dối bằng thân xác là một kỹ năng không phải ai cũng làm được. Giả vờ thèm khát dục vọng, giả vờ sướng khoái, rồi sau đó giả vờ mình đã mệt lử vì lạc thú thì không dễ dàng chút nào. Thérèse cũng đã biết cách để cho thân xác mình trôi xuôi theo trò chơi vợ chồng, và nàng cảm thấy thích thú một cách cay đắng vì mình đã đóng trọn vai trò. Người đàn ông đã đẩy nàng bước chân vào thế giới lạ lẫm của những lạc thú thân xác đầy cảm tính – và trí tưởng tượng phong phú của nàng giúp nàng cảm nhận được rằng, ở thế giới này, cũng có niềm lạc thú thực sự của riêng nàng, một thứ có thể gọi được là hạnh phúc – nhưng hạnh phúc nào? Cũng giống như khi ta nhìn một cánh đồng quê chìm dưới cơn mưa, ta tưởng tượng ra cũng cánh đồng ấy đang ngập tràn ánh nắng – Đó là cái cách mà Thérèse chọn để hưởng lạc thú trần gian.

Bernard, gã đàn ông có đôi con mắt lơ đãng, luôn cảm thấy khó chịu khi thấy những phong cảnh, nơi anh ta ghé lại, không giống như quyển sách hướng dẫn du lịch Baedeker (7) mô tả và sẽ vô cùng thích thú nếu anh ta có thể xem được nhiều nơi nhất trong một khoảng thời gian ngắn nhất – tính cách ấy chứng tỏ anh ta là một tay dễ bị đánh lừa. Anh ta chìm trong lạc thú giống như những con lợn, mà người ta nhìn thấy sau lớp rào ngăn, vùi đầu trong các máng thức ăn, vừa ăn vừa kêu rên sung sướng (“và ta chính là cái máng đựng đồ ăn”, Thérèse thầm nghĩ). Anh ta có cái phong thái bận bịu, tập trung, không biết bỡn cợt của một con lợn. Nói cách khác, Bernard ngăn nắp, trật tự. Có lần Thérèse liều lĩnh hỏi một cách ngu xuẩn: “Anh có thực sự nghĩ đó là cách khôn ngoan để sống ở đời?” Anh ta cười. Và trấn an nàng. Anh ta học được những thứ này ở đâu? khả năng phân loại những gì liên quan đến xác thịt, khả năng phân biệt giữa cái ve vuốt đoan chính của người tử tế với cái ham muốn thô bạo của những gã bệnh hoạn? Không hề có một giây lưỡng lự. Một đêm nào ở Paris – nơi họ dừng chân trên đường quay về sau một chuyến du lịch – Anh ta làm một cú thật ngoạn mục khi đột nhiên đứng dậy bỏ đi giữa lúc hộp đêm đang diễn ra một màn trình diễn thật hấp dẫn: “Hãy tưởng tượng khách ngoại quốc xem được những cảnh này! Thật hết sức xấu hổ! Họ sẽ đánh giá mình như thế nào…” Thérèse lấy làm lạ sao mà cũng cái anh đàn ông ra vẻ đoan chính này, chỉ chừng một giờ đồng hồ sau thôi, đã buộc nàng phải phục tùng những sáng kiến tỉ mỉ của anh ta trong bóng tối.

“Tội nghiệp Bernard! Chàng đâu có gì tệ hại hơn những người khác đâu. Dục vọng luôn biến một người tử tế thành con quái vật, thành một sinh thể khác với lúc thường. Mỗi khi chàng lên cơn cuồng nhiệt, ta thấy mình khác với chàng biết bao! Ta đã  nhiều lần chứng kiến chàng  ngập ngụa trong lạc thú – còn ta, thụ động trơ trơ như chết, như sợ rằng chỉ một cử động nhỏ nhất cũng có thể khiến cho anh chàng động kinh rồ dại này bóp cổ ta cho đến chết”.

Thường thì, mỗi khi chàng lên được tới đỉnh, cũng là lúc chàng đột nhiên nhận ra chỉ trơ trọi một mình. Cuộc leo núi đẫm ướt mồ hôi của chàng đành bị ngắt quãng. Chàng sẽ quay qua, tìm kiếm nửa kia của cuộc vui chồng vợ. “Nhưng ta đã như một kẻ bị chết đuối, sóng tạt lên bờ, nằm đó run rẩy đến độ hai hàm răng đánh vào nhau lập cập vì lạnh”.

Thérèse chỉ nhận được độc nhất một bức thư của Anne – cô bé này vốn không thích viết thư – nhưng mỗi dòng trong bức thư ấy đều làm nàng hài lòng. Lá thư không tỏ lộ nhiều lắm những cảm xúc thực của một người mà người đọc, nếu nhận ra được điều đó thì sẽ rất vui khi được đọc nó. Anne than phiền kể từ khi cậu con trai nhà Azevedo dọn về ở Vilmeja, cô không thể đến đó được nữa; một lần cô nhìn thấy cái ghế nằm ngoài vườn của cậu ta cạnh bụi dương xỉ. Tội nghiệp, cô bé sợ mấy người mắc bệnh ho lao còn hơn sợ hủi.

Thérèse đọc đi đọc lại mấy trang thư đó, không để tâm gì đến những lá thư khác. Thế nên, nàng có vẻ ngạc nhiên khi thấy bóng dáng người đưa thư xuất hiện (vào buổi sáng sau hôm có vụ việc xẩy ra hộp đêm). Nàng nhận ra nét chữ viết tay của Anne trên 3 bức thư. Chúng được chuyển tiếp đến Paris sau khi đã qua nhiều trạm trung chuyển vì họ đã di chuyển liên tục – như Bernard bảo: “nhanh nhanh lên để mình còn quay lại tổ ấm”; nhưng sự thật là chỉ vì họ không thể nào chịu đựng được tình trạng ở bên cạnh nhau mà cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Bernard buồn chán đến chết được, anh ta nhớ khẩu súng, nhớ mấy con chó săn thuần thục, nhớ quán nước có món rượu pha cam hòa với lựu mà vị của nó khiến anh ta bị ghiền. Trong khi đó, bên cạnh lại là một người đàn bà nhạt nhẽo, khinh khỉnh chẳng hứng thú với bất cứ sự gì, chẳng tha thiết bất cứ trò vui nào, cũng không màng chuyện trò, bàn luận về bất cứ chuyện gì. Còn với Thérèse, nàng nôn nóng được trở về lại Saint-Clair bằng tâm trạng của một kẻ tội phạm bị kết án chung thân lưu đầy, quá nhàm chán với phòng giam nhỏ hẹp, muốn được mau chóng đặt chân đến hòn đảo mà mình sẽ phải sống ở đấy cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Thérèse cẩn thận xem xét ngày tháng trên những dấu tem bưu điện của 3 bức thư. Ngay khi nàng vừa định mở bức thư có dấu tem ghi ngày cũ nhất, thì Bernard bỗng kêu váng lên những âm thanh mà nàng không hiểu ý nghĩa của chúng, vì cũng vừa lúc đó có tiếng xe buýt sang số ầm ĩ để vượt qua ngã tư và cửa sổ phòng lại mở toang. Anh ta đang cạo râu thì ngừng tay đọc bức thư của bà mẹ gửi cho. Một lần nữa, Thérèse nhìn thấy nửa thân anh ta trong chiếc áo thun không tay, hai cánh tay cuồn cuộn bắp thịt, làn da trắng xanh và những khoảng da đỏ ửng dưới cổ và trên mặt. Buổi sáng tháng 7, cái nóng đã tích tụ lại rồi tỏa ra tứ phía; ánh nắng xám xịt như khói ngoài kia chỉ khiến cho mặt tiền của tòa nhà thêm phần ảm đạm tối tăm. Bernard bước tới trước mặt Thérèse, kêu lên: “Thế này thì quá quắt lắm rồi! Này em, cô bạn nhỏ Anne của em tiến bộ nhanh vượt bực thật đấy! Ai mà có ngờ con em gái bé tí xíu của anh…”

Thérèse nhìn anh ta, tỏ vẻ không hiểu.

“Em có tin được không, nó lại đi mê đắm thằng con trai nhà Azevedo. Quả là tuyệt hảo – cái thằng bé ho lao mà họ sửa sang căn nhà ở Vilmeja lại cho nó đó. Không phải chuyện đùa đâu. Con bé bảo nó đã đủ trưởng thành rồi. Mẹ thì cho là con này điên khùng thực sự. Miễn là nhà Deguilhems không biết gì về chuyện này, nếu không, thằng bé nhà họ sẽ chạy làng con Anne đấy. Em có nhận được thư của Anne phải không? Tốt lắm. Mình sẽ biết chuyện gì đã xẩy ra. Mở thư ngay đi!”

“Em muốn đọc theo thứ tự thời gian thư được gửi đi. Vả lại, em không muốn anh đọc thư gởi riêng cho em.”

Bernard nhận ra ngay lập tức tính cách điển hình của Thérèse. Cô ta luôn muốn làm rối rắm mọi việc. Bỏ mặc mấy thứ này qua một bên, điều quan trọng bây giờ là cô ta phải làm sao cho con bé Anne thức tỉnh lại.

“Bố mẹ anh trông cậy việc này ở em; họ tin là con bé sẽ nghe lời em về mọi chuyện, nếu như . . . họ thực sự trông chờ ở em một vị cứu tinh.”

Trong lúc Thérèse thay quần áo, Bernard chạy đi đánh một bức điện về nhà và mua vé xe lửa trên chuyến tàu tốc hành Southern Express. Nàng có thể bắt đầu thu xếp đồ đạc là vừa.

“Khi nào thì em sẽ đọc thư của con bé Anne? Em chờ cái gì vậy?”

“Chờ cho anh đi khỏi nơi đây.”

Khi Bernard đi khỏi, Thérèse vẫn còn nằm trên giường một lúc lâu. Nàng hút thuốc, mắt không rời hàng chữ màu vàng to ngất ngưởng gắn trên ban công một tòa nhà phía bên kia đường. Rồi nàng mở phong thư thứ nhất. Ôi! tác giả bức thư này không có gì giống với cô bạn bé nhỏ của mình; cô bé trường dòng không thể nào viết được những dòng chữ cháy bỏng như thế này. Cô bé vốn rất khô khan mà, Thérèse biết rõ điều đó hơn bất cứ ai. Trái tim khô khan ấy không cách gì thổ lộ lòng mình bằng những câu văn ngọt ngào như một bài hát, những ước vọng thầm kín chất chứa trong lòng bấy lâu của một người đàn bà, của một thân xác chết lịm vì phấn khích ngay từ những dòng đầu tiên của bức thư:

“Khi em vừa mới gặp anh ấy lần đầu: em không thể tin được rằng đó chính là người đàn ông mình hằng mong đợi bấy lâu: Anh ấy chạy bộ trên đường cùng với con chó của anh ấy, vừa chạy vừa gọi chó như thể đang trò chuyện. Làm sao tin được đây là một con người bệnh hoạn – Thực sự, anh ấy không bị bệnh gì hết. Gia đình anh ấy chỉ cảnh giác đề phòng vì trước đó trong nhà đã có một trường hợp xẩy ra. Trông anh ấy không có vẻ gì bạc nhược, yếu đuối cả – chỉ có hơi gầy một chút – chẳng là, trong nhà, anh ấy được mọi người cưng chiều mà. Chị sẽ không bao giờ nghĩ rằng em là người đã chạy đi lấy áo ấm cho anh ấy khi trời bắt đầu trở lạnh. . .

Giả như Bernard có quay trở về phòng vào lúc này, anh ta chắc chẳng thể nào nhận ra người phụ nữ đang nằm trên giường chính là vợ mình. Đó phải là một sinh vật nào khác, không tên không tuổi và xa lạ vô cùng với anh ta. Nàng đã ném đi mẩu thuốc lá và bắt đầu mở phong bì thứ hai:

Em sẵn sàng chờ đợi, bao lâu cũng được; em chẳng sợ bất cứ điều gì họ làm, bất cứ chướng ngại nào họ đem ra để cản trở em đến với anh ấy; tình yêu của em nào có quan tâm gì đến những thứ đó. Người ta đang tìm cách đưa em trở về lại Saint-Clair, nhưng khoảng cách từ đó đến Argelouse đủ gần để em và Jean dễ dàng gặp nhau. Chị còn nhớ căn lều ở chỗ đi săn không? Chính chị, Thérèse ạ, đã là người chọn nó làm nơi nghỉ chân. Cũng tại nơi đó, em đã đến để biết thế nào là sự sung sướng. Mà không, chị đừng lo vội. Bọn em không làm điều gì sai trái ở đây cả. Anh ấy hết sức tế nhị! Chị có lẽ không hình dung ra được một chàng trai còn trẻ mà chững chạc như thế. Anh ấy chăm chỉ học hành và đọc sách rất nhiều, như chị vậy. Em nghĩ con trai phải như vậy, và không hề có ý định chọc ghẹo anh ấy về việc này. Thực sự, em chưa muốn cho đi là nghe theo lời khuyên khôn ngoan của chị. Cảm giác sung sướng ấy là như thế nào hả Thérèse, cảm giác mà chị đã từng trải qua và có thể vẫn chưa biết hết, cảm giác như đã được hứa hẹn là tuyệt đỉnh trần gian?Lúc bọn em ở trong lều – nơi chị luôn nhắc mình nhớ mang theo mấy đồ ăn chơi – em ngồi sát bên anh ấy và cảm thấy bên trong em một niềm vui dào dạt và có thực đến độ em có thể lấy ra và sờ mó được. Em tự bảo mình rằng vẫn còn có một niềm vui lớn hơn cả niềm vui đang hiện diện. Và cả sau khi Jean đã ra về, một cảm giác mơ hồ còn đọng lại, gợi nhớ những ve vuốt ngọt ngào bọn em cho nhau, cùng với nỗi mong đợi lần gặp gỡ ở ngày hôm sau khiến em giả điếc với tất cả những lời than phiền, năn nỉ, thậm chí nhục mạ của những kẻ chẳng hề biết đến cảm giác tuyệt vời này của yêu đươngvà chắc họ sẽ chẳng bao giờ biết được. Ồ, xin lỗi Thérèse, em nói với chị về một sự sung sướng như thể chị chưa từng chính mình được biết đến. Dù sao, em vẫn chỉ là kẻ non nớt nếu so sánh với chị. Và em tin chắc rằng, chị sẽ là người đứng về phía bọn em để đối phó với những kẻ đang tìm cách chia rẽ em và Jean…”

Thérèse mở phong thư thứ ba – chỉ có vài hàng nguệch ngoạc:

“Thérèse thân mến, hãy quay trở lại đây đi: Họ đã ngăn trở không cho bọn em gặp nhau. Họ nghĩ rằng chị sẽ đồng tình với họ. Em trả lời rằng, bất kể chị muốn như thế nào, em sẽ nghe theo lời khuyên của chị. Em sẽ giải thích cặn kẽ cho chị biết: anh ấy không có bệnh hoạn gì hết cả Em đang sung sướng và em cũng đang đau khổ. Em sung sướng được đau khổ vì anh ấy và em yêu nỗi buồn mà anh ấy đang chịu đựng như là một chứng tích của tình yêu mà anh ấy dành cho em . . .

Thérèse không muốn đọc thêm nữa. Khi bỏ lá thư trở lại vào phong bì, Thérèse nhìn thấy một bức hình mà lúc mở thư nàng không để ý. Tựa người vào cửa sổ, nàng ngắm nghía khuôn mặt trên bức hình. Cái đầu cậu ta trông có vẻ vẻ quá khổ, có lẽ vì mái tóc rậm rạp. Thérèse nhận ra phong cảnh phía sau: ngọn đồi nơi Jean Azevedo đứng, khiến cậu ta trông giống như bức tượng David (phía sau là bầy cừu đang ăn cỏ). Trên tay, treo hờ hững một chiếc áo khoác và chiếc áo mở vài hàng cúc phía trên. Thérèse ngước mắt lên và nàng bỗng ngạc nhiên với điều nàng nhìn thấy trong tấm gương trước mặt. Nàng phải cố gắng để không cắn chặt hàm răng và nuốt nước bọt đang trào ra trong miệng. Nàng thoa một ít nước thơm lên trán và hai thái dương. “Con bé đã biết đến thế nào là sung sướngcòn mình thì sao? Sao mình không được như cô bé?” Bức hình nằm trơ trọi trên bàn. Bên cạnh, là một cây kim ghim giấy lấp lánh.

‘Ta đã làm điều đó. Chính ta là người đã làm điều đó chứ không phải ai khác . . .’ Chiếc xe lửa xóc lên xóc xuống khi tốc độ tăng lên vì đang đổ dốc. Thérèse tự nhắc lại: ‘đó là khoảng thời gian của hai năm trước, trong căn phòng một khách sạn, ta đã dùng cây kim mà găm cậu ta ở ngay chỗ trái tim – không một chút giận dữ, trái lại, rất điềm tĩnh an nhiên, như thể đó là một điều hoàn toàn bình thường để làm; sau đó, ta ném bức hình có cây ghim còn cắm trên đó vào cầu tiêu; và mạnh tay giật nước.

Khi Bernard trở lại, anh ta hài lòng với vẻ mặt nghiêm nghị của Thérèse, xem đó như là một dấu chỉ cho thấy nàng đã xem xét sự việc kỹ lưỡng và cũng đã sẵn sàng vạch ra một kế hoạch những việc cần phải làm. Nhưng có lẽ cô ta không nên hút thuốc nhiều như vậy. Cô ta đang tự đầu độc chính mình. Thérèse bảo anh ta rằng đừng nên quan trọng quá đáng những sở thích bốc đồng của các cô gái trẻ. Rồi thì cô bé sẽ tự mình giải quyết mọi việc ổn thỏa. Bernard cần đến sự trấn an của Thérèse, cùng với cảm giác vui thích vì đã có được vé xe lửa về nhà trong túi . Anh ta còn cảm thấy hãnh diện vì gia đình mình cuối cùng đã phải nhờ cậy đến nàng. Vì thế, anh ta bảo vợ, dù có mắc mỏ thế nào thì vợ chồng cũng nên ghé vào một nhà hàng ở Bois de Boulogne để cùng nhau ăn bữa ăn tối cuối cùng của chuyến đi. Trên xe taxi, anh ta hào hứng nói về chương trình săn bắn của mình và rất nôn nóng muốn thử con chó săn mới mà Balion vừa huấn luyện xong. Bà mẹ anh ta, trong thư gửi cho con, cho biết con ngựa đã hết đi khập khiễng nhờ nó được chữa trị và chăm sóc kỹ lưỡng. Nhà hàng vắng vẻ, không có một thực khách nào khác trong quán, nhưng số lượng các người hầu bàn phục vụ khiến cả hai cảm thấy ngỡ ngàng. Thérèse còn nhớ cái mùi đặc biệt: hương phong lữ thảo và mùi mặn mặn của nước muối. Bernard chưa bao được thử rượu vang Rhenish, một loại vang của Đức được chế biến vùng lưu vực sông Rhine: “Ở vùng mình khó mà tìm được thứ rượu này. Nhưng đâu phải ngày nào cũng là ngày lễ. Đôi vai rộng của Bernard che khuất tầm mắt Thérèse. Phía bên ngoài các cửa sổ rộng của nhà hàng, những chiếc xe lặng lẽ đậu lại. Qua tai của Bernard, nàng biết các bắp thịt ở thái dương anh ta bắt đầu chuyển động. Ngay từ ngụm rượu đầu tiên, mặt anh ta đã bắt đầu ửng đỏ – anh chàng vạm vỡ  tỉnh lẻ này đã ba tuần lễ nay không được vùng vẫy giữa trời xanh để đốt cháy bớt thức ăn và chất cồn trong cơ thể. Nàng chẳng ghét bỏ gì chồng mình, nhưng nàng khao khát biết bao được ngồi một mình, gậm nhấm nỗi đau riêng và lục tìm xem chỗ nào là chỗ nàng cảm thấy bị tổn thương nhất. Ước gì không có anh ta ngồi trước mặt. Ước gì nàng không phải buộc mình ăn uống, nói cười. Ước gì nàng không phải giữ vẻ mặt bình thường để tránh những cái nhìn chăm chú từ chồng. Ước gì nàng có thể dồn hết tâm trí vào cảm giác tuyệt vọng đang đốt cháy lòng nàng một cách khó hiểu. Một người tìm cách trốn thoát khỏi hoang đảo quạnh quẽ, nơi mình tưởng người ấy sẽ sống với mình cho đến trọn đời; nàng đã nhẩy qua được những vực thẳm ngăn chia mình với những người khác để đến với họ – hoặc để đến một hành tinh khác – nhưng, mà không, đã có ai đặt chân đến được một hành tinh nào khác không? Cô bé Anne vốn thuộc về chủng loại người mà cuộc sống của họ vô cùng đơn giản. Hình bóng cô bé Anne mà nàng nhìn thấy vào những mùa hè lặng lẽ năm xưa ấy, đầu gục xuống giữa hai đùi và thiếp ngủ, chỉ là một bóng ma. Nàng chưa bao giờ được thấy cô bé Anne de la Trave đích thực, cái cô bé đã đến gặp Jean Azevedo trong một căn lều bỏ hoang nằm giữa Saint-Clair và Argelouse.

“Sao vậy em? Em không ăn gì hết à? Mình không nên bỏ mứa thức ăn ở đây, đắt tiền lắm! Không nên em à! Tại trời nóng phải không? Đừng có té xỉu nghe em! Có thể là do em đã . . . nhanh vậy à!”

Nàng mỉm cười; đúng hơn, môi nàng mỉm cười. Nàng bảo chồng rằng nàng đang nghĩ đến việc sẽ phải nói gì với Anne (nàng phải nói về Anne). Bernard tuyên bố anh ta hoàn toàn tin tưởng việc này đã được giải quyết xong rồi vì nàng đã hứa sẽ đích thân nói chuyện với Anne. Thérèse hỏi chồng tại sao bố mẹ Anne lại tỏ ra ghét bỏ cặp Anne-Jean như vậy. Anh ta tưởng nàng chọc ghẹo mình nên van nàng đừng tìm cách đánh đố anh ta nữa:

“Trước hết, như em biết quá rõ, họ gốc gác là dân Do Thái. Mẹ anh biết ông cố nhà Azevedo mà, ông ta không chịu rửa tội theo đạo.”

Nhưng Thérèse cãi lại, cho rằng những gia đình lâu đời nhất và danh giá nhất ở Bordeaux đều là Do Thái gốc Bồ Đào Nha:

“Nhà Azevedo ngạo nghễ dạo bước trên các con đường tráng lệ của thành phố trong lúc tổ tiên mình vẫn còn rên rỉ với những cơn sốt giữa các vùng đầm lầy.”

“Thôi nào, Thérèse! Đừng tranh cãi với lý do chỉ để tranh cãi. Tất cả cái bọn Do thái ấy, gom lại cũng chỉ đáng…Vả lại, đó là một dòng họ đã xuống cấp, sa sút, ho lao đến tận xương tủy. Ai ở đây cũng đều biết thế cả!”

Nàng châm một điếu thuốc với cung cách khiến Bernard lộn ruột.

“Nhắc lại cho em nhớ coi, ông nội của anh đã qua đời như thế nào? Cả ông cố của anh nữa? Khi lấy em, anh tò mò muốn biết mẹ em chết vì bệnh gì? Anh không nghĩ rằng mình có thể tìm được đủ số người chết vì các chứng ho lao, phong tình trong dòng họ của mình, đủ để có thể làm nhiễm độc cả hành tinh này à?”

“Cho phép anh nói nhé, Thérèse! Em đã đi quá xa đấy! Dù cho là em muốn nói đùa đi nữa, và để lấn áp được anh, em cũng chớ nên đem gia đình ra mà chế nhạo như vậy.”

Bernard có vẻ khó chịu, thở ra một cách nặng nhọc. Anh ta vừa muốn chứng tỏ mình là người trên, vừa không muốn tạo thêm lý do cho Thérèse diễu cợt. Nhưng nàng vẫn chưa chịu buông tha:

“Tính bảo thủ, thận trọng quá đáng như con chuột chũi của gia đình mình làm cho em tức cười. Một mặt, ghê tởm một khiếm khuyết có tính cách di truyền; mặt khác lãnh đạm, thờ ơ, thậm chí không quan tâm đến vô số những khiếm khuyết khác mà không biết rằng chúng cũng đáng ghê tởm không kém. Ngay chính anh, anh đã dùng một cách gọi là “những chứng bệnh kỳ bí”, đúng không? Thế nhưng, những căn bệnh có thể de dọa hủy diệt một chủng tộc, ngay từ định nghĩa, chúng đã mang tính cách kỳ bí, phải vậy không? Gia đình chúng ta không bao giờ nghĩ đến điều này, họ chỉ lo và đã làm rất tốt việc che đậy giấu diếm. Nếu như không có cái gọi là người ăn kẻ làm trong gia đình thì chúng ta chẳng bao giờ biết được điều gì đã xẩy ra. Rất may mắn, vẫn còn có người ăn kẻ làm trong gia đình.”

“Anh sẽ không tranh cãi với em nữa đâu. Một khi em đã bắt đầu dở chứng vặn vẹo, thì cách tốt nhất là hãy để em nói cho trót. Anh chỉ bực mình em có một nửa, vì biết rằng em làm thế cũng chỉ để tự thỏa mãn chính mình. Nhưng em phải nhớ, khi chúng ta về đến nhà, phải chấm dứt ngay lối bình phẩm, diễu cợt như thế này. Gia đình chúng ta không phải là đầu đề cho mình đem ra đùa bỡn, diễu cợt.”.

Gia đình chúng ta! Thérèse dập tắt điếu thuốc. Mắt nàng nhìn chằm chằm một chỗ. Có vẻ như nàng đã nhìn thấy nhà tù giam hãm mình và hằng hà sa số các tay cai ngục đang sẵn sàng chào đón cùng với những tai, những mắt mọc đầy tường phòng giam; nơi đây, nàng sẽ lặng lẽ chờ đón cái chết – một hình người bất động, cúi gằm mặt, cằm gác trên đầu gối, hai tay vòng quanh xiết chặt đôi chân, – đang hiển hiện trước mắt Thérèse.

“Thôi nào, Thérèse! Đừng mang vẻ mặt như vậy. Nếu em có thể nhìn thấy chính mình lúc này…”

Nàng mỉm cười, rồi khoác trở lại khuôn mặt giả dối.

“Em đùa ấy mà! Sao anh ngốc nghếch thế, hả cưng!”

Nhưng khi ngồi trong xe taxi, khi Bernard cố xích lại gần, nàng đã lấy tay đẩy anh ta ra.

Đêm cuối cùng trong khách sạn, họ lên giường vào lúc 9 giờ. Thérèse uống một viên thuốc ngủ, và vì nàng quá nôn nóng mong cho giấc ngủ mau đến, nên nó đã không đến. Giữa lúc nàng đang chập chờn thì Bernard lẩm bẩm điều gì không rõ, rồi lăn qua phía nàng; nàng cảm thấy một thân hình to lớn, nóng bỏng sát ngay bên cạnh. Nàng đẩy chồng trở lại, và để tránh cái hơi nóng của một thân thể cường tráng, nàng nhích dần về phía mép giường. Nhưng chỉ vài phút sau, Bernard lại lăn gần đến phía nàng, như thể cái thân xác ngủ say như chết của anh ta tuy thiếu đi mất phần tỉnh thức, vẫn có thể tìm ra được dấu vết con mồi quen thuộc của mình. Nàng đẩy anh ta ra thật mạnh, Bernard vẫn không tỏ vẻ gì là hay biết. Nàng ước gì có thể đẩy anh ta ra khỏi giường, ra khỏi đời mình, tan biến trong bóng đêm dày dặc, một lần và mãi mãi.

Ngoài kia, một Paris về đêm nhộn nhịp tiếng còi xe inh ỏi đối đáp với nhau giống như những đêm trăng sáng ở Argelouse, tiếng chó sủa trăng trộn lẫn với tiếng gà gáy vì chúng tưởng trời đã sáng. Dưới đường, không một ngọn gió mát thổi qua. Thérèse bật ngọn đèn ngủ, ngồi lên tì tay vào gối, ngắm nhìn thân thể bất động của người đàn ông nằm bên cạnh nàng – một gã thanh niên 27 tuổi. Anh ta đã hất tung tấm chăn đắp. Hơi thở nhẹ đến độ không thể nghe được. Mái tóc rối bù che phủ vầng trán thanh xuân, hai bên thái dương thẳng mướt không một nếp nhăn. Anh ta ngủ say sưa, một Adam trần truồng bất lực, như thể đang đắm chìm trong một miên trường vĩnh cửu. Người vợ, với tay lấy tấm chăn đắp lại cho chồng, rồi ra khỏi giường tìm bức thư – đang đọc dở dang thì bị chồng ngắt quãng – quay trở lại bên ngọn đèn ở bàn ngủ.

Nếu anh ấy bảo em hãy đi theo anh ấy, thì em sẽ sẵn sàng đi theo mà không một lần ngoảnh lại. Bọn em đã ngừng lại ở ranh giới cuối cùng của những ve vuốt thầm kín nhất. Không vượt qua lằn ranh cuối cùng ấy, không phải vì em đủ tỉnh táo để phản kháng, mà là do sức mạnh ý chí của anh ấy. Hay nói đúng hơn, chính anh ấy đã từ chối em, trong khi em là kẻ muốn được thám hiểm đến tận cùng những nơi chốn mà, theo lời anh ấy, chỉ đến gần thôi cũng đã hưởng được niềm lạc thú tuyệt đỉnh; anh ấy bảo bọn mình nên ngừng lại ở bên này bờ lạc thú. Anh ấy hãnh diện vì đã biết kềm chế mình đúng lúc, trước khi lao xuống ngọn dốc; bởi vì một khi mình bắt đầu tuột xuống thì tất cả mọi thứ khác rồi cũng sẽ lăn theo với mình

Thérèse mở toang cửa sổ phòng, xé bức thư ra từng mảnh nhỏ, cúi mình nhìn xuống vực thẳm mênh mông phía dưới đường. Một chiếc xe thồ đơn độc những âm thanh lọc cọc trong cái im ắng của trời vừa tờ mờ sáng. Những mảnh thư nhỏ bay vờn trong khoảng không, một số rơi xuống các dẫy ban công bên dưới. Mùi cây cỏ mà nàng ngửi được –từ những vùng quê xa xôi nào bay đến đây, vùng đất chỉ có những mặt đường đổ bằng bê tông này? Nàng tưởng tượng ra dấu vết khủng khiếp mà thân xác nàng sẽ tạo ra trên mặt đường dưới kia, và những viên chức thẩm quyền, và người qua đường hiếu kỳ đứng lại chung quanh chỉ trỏ ngắm nhìn…

Ôi sinh động làm sao cho cái đầu óc tưởng tượng ra một cuộc tự tử, hỡi Thérèse! Thực ra, nàng không muốn chết. Nàng cảm tưởng như nghe được một tiếng thúc giục phải thi hành một nhiệm vụ hết sức khẩn cấp nào đó, chứ không phải là tìm cách báo thù hay oán hận một ai – Thế nhưng, cái con bé điên khùng ở Saint-Clair, đã tin rằng hạnh phúc là một khả thể, và nó cần phải biết – như Thérèse đã biết – điều ấy là sai, hạnh phúc không bao giờ có thật.

Nếu Thérèse và Anne chưa từng có điều gì gọi là chung cho hai người, thì đây là điều họ sẽ đồng ý: chẳng hề có cái gọi là nhiệm vụ cao cả, cái nào cũng đều bất khả hết, ngoại trừ những công việc dung tục đơn điệu hàng ngày; và một cảm giác cô đơn hết sức tuyệt vọng.

Ánh mặt trời đã rọi trên những mái nhà. Nàng quay lại giường với chồng. Nhưng ngay khi nàng vừa nằm xuống, anh ta đã lăn về phía nàng.

Bỗng nhiên, nàng cảm thấy tỉnh như sáo, đầu óc minh mẫn lạ thường: Sao nàng lại nhìn vấn đề một cách gai góc như thế? Gia đình cần đến sự giúp đỡ của nàng, vậy nên nàng cứ làm chính xác như gia đình mong muốn; nói cách khác, nàng không thể đem ý riêng của mình vào trong vụ này. Thérèse chẳng đã từng đồng ý với Bernard rằng sẽ là một tai họa giả như Anne không kết hôn với gã con trai nhà Deguilhem, mặc dù dòng họ nhà Deguilhem không môn đăng hộ đối lắm. Đời ông nội của họ đã từng làm nghề chăn cừu… Đúng thế, nhưng hiện họ sở hữu một khu rừng thông được liệt vào hạng  nhất trong vùng. Còn Anne, dẫu sao cũng không được giàu có lắm. Cô bé sẽ chẳng thừa hưởng được gì từ phía gia đình cha mình ngoại trừ vài vườn nho gần Langon, mà nơi đây cứ hai năm lại có một trận lụt. Anne không thể không kết hôn với đứa con trai nhà Deguilhem. Mùi chocolate nóng trong phòng làm Thérèse muốn nôn ọe. Dấu hiệu khó ở nho nhỏ này chỉ xác nhận thêm với những triệu chứng khác, rằng nàng đã có thai. Nhanh qúa nhỉ! Bernard bảo: “Tốt nhất là nên có con liên tiếp nhau cùng một thời gian. Sau đó, mình sẽ chẳng phải lo lắng nghĩ ngợi gì nữa!”

Anh ta ngắm nghía với thái độ tôn trọng người đàn bà đang mang trong cơ thể mình vị chủ nhân tương lai của bạt ngàn những rừng thông xanh ngát.

(Còn Tiếp)

CHÚ THÍCH:

6.Đám cưới của Gamache, hoặc Camacho, là một đoạn trong phần hai của tác phẩm Don Quixote của Cervantes mà sau này nhiều vở kịch múa Ballet đã dựa vào đó để thực hiện. Gamache là một điền chủ giàu có; đám cưới của anh ta thể hiện sự giàu có đó, với nhiều cảnh múa hát và hóa trang. Do đó, trong đoạn văn này, sự bóng gió của Thérèse hàm ý mỉa mai. Mỉa mai hơn nữa là ở đám cưới của Gamache, cô dâu – cũng xanh xao tội nghiệp như Thérèse  – đã bỏ chú rể đi theo một chàng trai khác, người yêu thực sự của mình, nhưng rất nghèo; ở đây, sự tương phản với tình cảnh của Thérèse đã được nhấn mạnh.

7.Quyển sách hướng dẫn du lịch của nhà buôn sách người Đức Karl Baedeker (1801-1859), cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn được nhiều người sử dụng. Vì thế, tên của Baedeker đã được hiểu như những gì liên quan đến sự hướng dẫn đi du lịch.

Bài Mới Nhất
Search