T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

THÉRÈSE DESQUEYROUX – CHƯƠNG CHÍN

CHƯƠNG CHÍN

Cuối cùng, rồi cũng tới Saint-Clair. Không ai nhận ra Thérèse khi nàng bước xuống xe lửa. Trong lúc Balion lo trả vé, nàng đi vòng quanh nhà ga, bước ngang mấy súc gỗ nằm ngang lối đi, ra tới chỗ đậu chiếc xe ngựa bỏ đó từ hôm trước.

Chiếc xe độc mã giờ là chỗ cho Thérèse trú ẩn; trên con đường dằn xóc trước mặt, nàng không sợ sẽ phải gặp bất cứ ai. Nhưng, toàn bộ câu chuyện mà nàng đã nhọc công tái dựng trên suốt đoạn đường về nhà đã bị sụp đổ, kể cả những lời thú tội thành khẩn tha thiết cũng chẳng có mảnh vụn nào còn sót lại. Không – không thể có lời nào biện hộ được cho nàng, thậm chí cả cái lý do để nghĩ rằng có thể hiện diện đâu đó mà nàng không nghĩ đến. Thôi thì cứ đơn giản giữ im lặng, hoặc chỉ mở miệng để trả lời những câu hỏi. Vả chăng, nàng có gì phải sợ hãi? Như bao đêm khác, đêm nay rồi cũng sẽ qua đi, và ngày mai trời lại sáng. Nàng tin mình sẽ sống sót được, dù cho có xẩy ra bất cứ điều gì. Và cho dù có điều gì đó xẩy ra, chắc chắn sẽ chẳng thể nào tệ hại hơn như hiện nay, bị tách rời khỏi hết thảy mọi người chung quanh, với chính mình và bị bủa vây bởi một màn đêm lạnh lẽo, thờ ơ. Đó là một cái chết ngay giữa sự sống; cũng giống như đã từng nếm được mùi vị của sự sống, giờ đây nàng đang nếm được mùi vị của cái chết.

Mắt Thérèse đang quen dần với bóng tối; nàng có thể nhận ra được một trang trại ở chỗ rẽ của con đường có hình thù giống như những con thú đang nằm ngủ. Cũng ở chỗ này, một hôm nào đó, cô bé Anne khi đang đạp xe trên đường đã hoảng sợ khi thấy một con chó cứ bang bang đâm vào mình. Xa hơn nữa, bóng một cây sồi to lớn che khuất đi khoảnh đất lún sâu phía sau. Dưới tàn cây này, vào những ngày nóng bức nhất, hai người bạn gái đã từng ngồi nghỉ để đón luồng gió mát thổi qua khuôn mặt đẫm mồ hôi của mình. Một đứa bé cỡi xe đạp ngang qua, hàm răng lấp lánh dưới chiếc mũ rộng vành che nắng, cùng với tiếng chuông xe đạp reo vang, một giọng nói cất lên: “Coi nè! Buông tay ra hết đó!”. Hình ảnh đó đang hiện ra trước mắt Thérèse, thứ hình ảnh duy nhất còn sót lại từ những ngày hoa niên xa xưa ấy, đem lại cho cõi lòng mệt mỏi của nàng một chút nghỉ ngơi quý báu.

Như chiếc máy hát cũ, nàng nhẩm theo trong đầu những câu chữ theo nhịp móng ngựa gõ trên mặt đường: Cuộc sống vô dụng của ta – cuộc sống rỗng tuếch của ta – cô đơn không biết đến ranh giới – cuộc sống khô khan cằn cỗi của ta.

Nàng nghĩ đến một hình ảnh duy nhất có thể xẩy ra – nhưng lại tin Bernard sẽ không làm như nàng nghĩ. Nhưng nếu giả như chàng mở rộng vòng tay mà không hề đặt một câu hỏi nào. Nếu như nàng có thể dựa đầu mình trên một bờ ngực ấm áp, nếu như nàng có thể ôm chặt một thân người mà khóc cho cạn nước mắt!

Nàng nhận ra cánh đồng nghiêng dốc nơi một ngày nóng nực, Jean Azevedo đã ngồi đó. Nàng đang tưởng tượng ra một thế giới, ở bất cứ nơi nào đó trên mặt đất này, nơi nàng có thể được chứng tỏ mình, được mọi người hiểu mình, và có lẽ ngưỡng mộ mình, yêu quý mình! Nhưng sự cô đơn đã là một phần của thế giới nàng sống, như vết loét trên thân thể người cùi.

“Không ai có thể làm gì được cho ta; Cũng không ai có thể làm được điều gì khiến ta bị thương tổn.”

“Monsieur Bernard và Mademoiselle Clara đây rồi.”

Balion kéo ghì dây ngựa. Hai cái bóng bước tới. Dù vẫn còn yếu sau cơn bệnh, nhưng Bernard vẫn tiến nhanh về phía trước, nôn nóng muốn được biết cho chắc. Thérèse nhổm người lên nói to với chồng: “Không đủ chứng cứ.” Bernard không đáp lại gì hơn, “Vậy ư!” rồi đưa tay đỡ bà cô Clara lên xe, sau đó cầm lấy cương ngựa. Balion phải đi bộ. Bà cô Clara ngồi giữa cặp vợ chồng. Thérèse phải nói lớn vào tai bà rằng mọi chuyện đều ổn thỏa hết (dù sao, bà già chỉ hiểu một cách hết sức lẫn lộn về câu chuyện). Như thường lệ, bà bắt đầu huyên thuyên với âm thanh lớn nhất có thể. Bà than phiền  bọn họ lúc nào cũng chỉ dùng một phương cách đối phó, và rằng cũng lại cái vụ Dreyfus tái đi tái lại (13): “Phải tới luôn, chứ đâu có thể để như thế được. Luôn có một cái gì đó cần giải quyết. Bọn chúng hung hăng mạnh mẽ lắm, mấy người Cộng Hòa đã lầm khi tỏ ra lơ là coi thường chúng. Chỉ cần lỏng tay trong một phút, những con thú hôi hám ấy sẽ quay đầu lại và tấn công mình tới tấp . . .” Cái ngớ ngẩn của bà già đã giúp cho hai người không phải trao đổi với nhau một lời nào.

Bà cô Clara, thở không ra hơi, chân va phải bậc thang dẫn lên lầu, trên tay cầm một cây đèn cầy.

“Hai cháu không đi ngủ sao? Thérèse hẳn phải mệt lắm. Trong phòng đã có sẵn ly nước súp và mấy miếng thịt gà nguội.” Nhưng cặp vợ chồng vẫn đứng nguyên ở giữa lối đi. Sau đó, bà già nhìn thấy Bernard mở cửa phòng khách, tránh lối cho Thérèse, rồi theo nàng bước vào. Nếu không bị điếc, chắc bà sẽ áp sát tai vào cửa nghe ngóng . . . Dù sống cũng như đã chết rồi, nhưng không ai phải ngờ vực bà điều gì. Bà để cây đèn xuống, kiễng chân nhẹ nhàng tiến đến cửa phòng khách, dán mắt vào lỗ chìa khóa. Bernard đang di chuyển một cây đèn; ánh sáng soi rõ khuôn mặt, vẻ vừa nghiêm trang vừa đáng sợ. Thérèse ngồi ở ghế, bà chỉ có thể nhìn thấy lưng của nàng. Nàng đã cởi áo khoác ngoài và mũ, để chúng trên thành ghế; lò sưởi làm đôi giầy ẩm ướt của nàng bốc khói. Nàng quay mặt qua nhìn chồng. Bà gìa vui mừng khi thấy trên khuôn mặt nàng xuất hiện một nụ cười.

Thérèse đang mỉm cười. Sánh bước với Bernard trong khoảng cách ngắn ngủi từ chuồng ngựa vào trong nhà, nàng đột nhiên nhận ra, hay tin rằng mình đã nhận ra, đó là điều mình phải làm đêm nay. Trực diện với chồng lúc này đây, Thérèse ý thức được rằng cái hy vọng được có cơ hội giải thích, thổ lộ lòng mình với chồng đã hoàn toàn tan biến. Dù với một người thân mà mình biết rất rõ, nhưng khi ở cách xa họ mình vẫn có thể nhìn về họ một cách hoàn toàn khác hẳn. Trong suốt cuộc hành trình của mình, trong vô thức, nàng đã tạo ra một Bernard có khả năng cảm thông chia sẻ, hay ít ra cố gắng để có thể biết cảm thông chia sẻ. Nhưng giây phút Thérèse gặp lại chồng, nàng nhận ra ngay lập tức con người này vẫn là con người như hồi nào tới giờ; một con người không bao giờ – dù chỉ một lần trong đời – cố tự đặt mình vào vị trí người khác; một con người không bao giờ bận tâm tìm cách ra khỏi chính mình và nhìn sự việc bằng con mắt của một người có cách nhìn khác mình. Vậy thì, liệu Bernard thực sự có thể lắng nghe nàng không? Trong căn phòng với trần thấp tè, ẩm ướt hơi nước, anh ta đi qua đi lại, khiến những tấm ván lót nền cũ kỹ dưới chân kêu cọt kẹt. Anh ta không buồn ngước mắt nhìn vợ; rõ ràng là anh ta đang nhẩm lại trong đầu bài diễn văn đã được chuẩn bị rất kỹ.

Thérèse cũng đã biết mình sẽ phải nói gì. Giải pháp đơn giản nhất cho một tình huống luôn luôn là giải pháp mà người ta không hề nghĩ tới. Nàng định bụng sẽ nói, “Anh ạ, em sẽ biến khỏi nơi đây. Anh không phải lo lắng gì cho em cả. Ngay lúc này đây, nếu anh muốn, em sẽ lẩn vào trong bóng đêm. Em chẳng sợ rừng rậm, cũng không sợ bóng tối. Mấy thứ đó chúng biết em; chúng em biết nhau quá rõ mà. Em đã được tạo ra theo hình ảnh của một xứ sở khô cằn, nơi đó không có gì sống sót nổi, chỉ có những con chim bay qua vội vã và những con heo rừng đi lang thang. Em bằng lòng bị trục xuất; hãy đốt hết những hình ảnh liên quan đến em, cũng đừng để cho con gái em biết đến tên của em. Dưới con mắt gia đình, hãy cứ xem như em chưa bao giờ hiện hữu.”

Nhưng, nàng mở miệng và chỉ nói:

“Hãy để em biến khỏi nơi đây, Bernard!”

Nghe âm thanh tiếng nói của Thérèse, Bernard quay qua nhìn nàng. Từ một bên của căn phòng, anh ta bước nhanh về phía vợ, miệng lắp bắp, trên mặt hằn những vằn xanh:

“Cái gì? Cô muốn đưa ra một đề nghị à? Muốn hứa hẹn à? Đủ rồi. Tôi không muốn nghe một lời nào từ cô nữa. Cô chỉ được phép lắng nghe, và tuân theo lệnh của tôi – và phải chấp nhận bất cứ một điều gì tôi quyết định, không bàn cãi lôi thôi.”

Lúc này, Bernard đã hết lắp bắp. Những lời nói của anh ta đã kết hợp hoàn hảo với nhau theo một trật tự mà anh ta đã sắp xếp kỹ lưỡng. Đứng dựa lưng vào thành ống khói, anh ta lấy từ trong túi ra một tờ giấy, liếc mắt nhìn rồi nói một cách trang trọng. Thérèse cảm thấy không còn sợ hãi; nàng thấy anh ta thật hết sức tức cười, thậm chí kệch cỡm. Bất kể anh ta nói điều gì bằng cái giọng quê kệch ấy, cái giọng nói khiến người sống ngoài Saint-Clair mỗi khi nghe đến đều cảm thấy buồn cười, – nàng sẽ ra khỏi nơi đây. Sao lại phải khổ sở đến như thế này cơ chứ? Có gì là quan trọng khi cái con người ngu đần khờ dại này biến mất khỏi tầm mắt mọi người? Nàng nhìn thấy những móng tay dơ bẩn của anh ta run rẩy trên mảnh giấy và để ý anh ta không mặc cổ tay. Anh ta quả đúng là một trong những anh chàng nhà quê mà, ngay lúc ló đầu ra khỏi cái hốc nhà, đã cho mọi người thấy sự ngớ ngẩn của một cuộc sống không hề biết đến một lý tưởng để theo đuổi, một ý tưởng hay một con người nào khác để quan tâm. Chỉ là một thói quen khi người ta nói về những giá trị vĩnh cửu của sự hiện hữu nhân loại. Robespierre đã đúng, và Napoleon, và Lenin cũng vậy . . . Anh ta thấy nàng mỉm cười; nụ cười khiến anh ta thêm bực tức, gằn giọng nói to hơn, để nàng phải nghe:

“Tôi sở hữu cô: cô hiểu chứ? Cô phải tuân theo mọi quyết định mà gia đình đã đồng ý, nếu không thì…?”

“Nếu không thì sao?”

Nàng không còn giả vờ giữ thái độ thờ ơ lãnh đạm nữa; nàng nói với vẻ bạo dạn, nhạo báng, căm ghét:

“Quá muộn rồi! Anh đã cung khai nhằm biện hộ cho tôi; giờ thì anh không thể nói ngược lại. Làm như vậy, anh sẽ bị kết tội lừa dối tòa. . .”

“Nhưng một chứng cứ mới luôn luôn có thể tìm thấy. Và tôi đã có nó trong tay, cái bằng chứng mới này. May quá, không có cái gọi là giới hạn thời gian khởi tố!”

Nàng chột dạ, giật mình: “Anh muốn gì ở tôi nào?”

Bernard xem lại tờ giấy trên tay. Trong khoảng thời gian vài giây đó, Thérèse ngồi chăm chú nghe sự im lặng thật mênh mông của Argelouse. Tiếng gà gáy sáng vẫn còn lâu mới tới. Trong cái sa mạc thăm thẳm ấy, không có tiếng nước bị khuấy động; thậm chí không một tiếng gió thổi qua vô số những tàng cây cao.

“Tôi không đem vào đây mối quan hệ cá nhân giữa tôi và cô. Tôi không là gì của cô nữa. Ở đây, chỉ có gia đình là quan trọng. Quyền lợi gia đình đã hướng dẫn tôi trong mọi quyết định về cô.Vì danh dự gia đình, tôi đã cản trở việc thi hành công lý trong xứ sở tôi. Chúa sẽ phán xét tôi.”

Lối nói rỗng tuếch này khiến Thérèse muốn buồn nôn. Nàng muốn van anh ta hãy nói một cách đơn giản hơn.

“Vì quyền lợi và danh dự gia đình, mọi người phải tin rằng chúng ta đã tái hợp và tôi không hề một lần nghi ngờ sự vô tội của cô. Mặt khác, tôi cũng cần phải bảo vệ mình trong trường hợp xấu nhất . . .”

“Bernard, tôi làm anh hoảng sợ phải không?”

“Hoảng sợ? không đời nào. Kinh tởm? Có!” Anh ta ngưng một chút, rồi tiếp tục.

“Chúng ta hãy tiếp tục giải quyết mọi việc cho rõ ràng chỉ một lần cho xong hết hẳn.

Ngày mai, chúng ta sẽ rời khỏi căn nhà này, và dọn vào căn kế bên, vào nhà của gia đình Desqueyroux. Tôi không muốn bà cô của cô ở trong căn nhà của tôi. Cô sẽ ăn uống trong phòng riêng của cô và Balionte sẽ chăm sóc việc đó. Cô không được phép bén mảng đến các căn phòng khác trong nhà này, nhưng tôi sẽ không ngăn cấm cô đi dạo trong rừng. Vào những ngày Chủ nhật, chúng ta sẽ cùng đi lễ ở nhà thờ Saint-Clair. Mọi người sẽ phải nhìn thấy tôi đi với cô vai khoác vai. Vào ngày thứ Năm đầu tiên của mỗi tháng, chúng ta sẽ đi chợ ở Bazas, bằng xe không mui, sau đó ghé thăm cha của cô; hệt như trước đây chúng ta đã làm.”

“Còn bé Marie?”

“Marie và vú em sẽ rời đây vào ngày mai để đi Saint-Clair; sau đó, mẹ tôi sẽ đưa nó đến Midi. Chúng tôi sẽ tìm vài lý do về sức khỏe để làm việc đó. Chắc cô không nghĩ là chúng tôi sẽ để nó lại cho cô chăm sóc? Chúng tôi cũng phải bảo vệ nó nữa chứ! Khi tôi chết đi, nó sẽ là người thừa hưởng tài sản vào năm nó 21 tuổi. Sau chồng, là con gái – tại sao lại không được nhỉ?”

Thérèse chồm người lên, kêu lớn, “thì ra đó là điều anh nghĩ – rằng tôi làm việc này để lấy của anh rừng thông . . .”

Trong số hàng ngàn những lý do bí mật thúc đẩy cho việc làm của Thérèse, gã khờ ngốc này không tìm ra được dù một lý do; thay vào đó, anh ta đẻ ra một lý do, mà lại là lý do hèn hạ đểu cáng nhất nữa.

“vì những khu rừng thông, hiển nhiên rồi – ngoài lý do đó còn có cái gì khác nữa? Muốn thừa hưởng thì phải loại trừ; tôi thách cô có thể trưng ra với tôi một lý do nào khác. Dù sao thì vấn đề đã xong và tôi cũng chẳng quan tâm đến làm gì. Tôi không cần hỏi cô thêm câu hỏi nào nữa. Bây giờ cô không còn là gì hết. Nhưng chẳng may, vẫn còn một thứ hiện hữu, đó là cái tên mà cô đang mang. Trong vài tháng nữa, khi mọi người không ai thắc mắc gì về cuộc hôn nhân hạnh phúc của chúng ta và sau khi Anne đã kết hôn xong với thằng con trai nhà Deguilhem – cô có biết gia đình Deguilhem đã đề nghị hoãn lại đám cưới để họ có thì giờ suy nghĩ  thêm không? – Đến lúc ấy, tôi sẽ có thể dọn về ở Saint-Clair; còn cô, cô vẫn ở lại đây. Cô đang mắc một chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh, hay một chứng gì đó tương tự . . .”

“Mất trí, chẳng hạn?”

“Không, nếu thế sẽ ảnh hưởng đến Marie. Chúng ta sẽ tìm ra lý do thỏa đáng mà. Tất cả chỉ vậy đó.”

Thérèse lẩm bẩm, “Ở Argelouse cho đến ngày chết…” Nàng bước ra mở cửa sổ.

Chỉ ở giây phút này, Bernard mới biết thế nào là một niềm vui đích thực: Người đàn bà đứng trước mặt anh ta, từ trước tới giờ luôn nhìn xuống, coi thường anh ta – vậy mà đêm nay anh ta đã thống trị được nàng. Chắc cô ta đang cảm thấy sức nặng ngàn cân của sự khinh bỉ mà anh ta đổ lên người cô. Anh ta cảm thấy tự hào về khả năng tiết chế của mình. Madame de la Trave đã chẳng luôn luôn nói anh ta là một vị thánh đấy thôi; cả gia đình nữa! họ đã không tiếc lời tuyên dương sự vĩ đại của con người anh ta; thế nên, đêm nay anh ta đã cảm nhận được trọn vẹn sự vĩ đại ấy. Khi còn ở trong bệnh viện, anh ta đã được người nhà dè dặt cho biết về ý đồ hãm hại mình của Thérèse. Vốn được cả gia đình khen ngợi về sự điềm tĩnh, nên khi nghe tin ấy, anh ta không phải khó nhọc lắm để giữ cho được sự bình thản. Xét cho cùng, chẳng có gì đáng bận tâm lắm với một người không có khả năng yêu thương; và bởi vì là một loại người như thế, nên Bernard không thể cảm nhận được gì hơn ngoài niềm vui biết mình đã thoát được một thảm họa chết người sau khi nhận ra mình đã nhiều năm sống gần gủi thân mật với một người điên vô cùng nguy hiểm.

Đêm nay, Bernard nhận ra sức mạnh của chính mình. Anh ta cảm thấy mình đã làm chủ được vận mệnh của mình. Một con người suy nghĩ đúng đắn, thẳng thắn luôn đứng vững trong mọi hoàn cảnh. Ngay sau khi vật vã vì những cơn ói mửa, anh ta vẫn còn đoan quyết rằng không có gì gọi là xui xẻo ngoại trừ chính mình đã lầm lỗi gây nên cho mình. Và giờ đây, đối diện với tình trạng tệ hại nhất, anh ta đã làm chủ được mọi chuyện – như thể đó chỉ là những chuyện cỏn con vô hại. Bên ngoài sẽ chẳng hề hay biết điều gì đã thực sự xẩy ra; gia đình sẽ vẫn giữ được thể diện và không ai phải nhỏ lời thương hại cho anh chồng tội nghiệp; cả đời mình anh ta ta không cần đến lòng thương xót của bất cứ ai. Làm sao có thể gọi là bẽ mặt cho được, khi một người, tuy kết hôn lầm phải một con ác phụ, nhưng lại là người đang ra những quyết định cuối cùng? Cuộc sống của anh ta vẫn chưa đến nỗi nào; tai nạn hút chết vừa rồi chỉ củng cố thêm, làm đậm đà thêm những đam mê của một gã đàn ông: tài sản, săn bắn, xe hơi, đồ ăn thức uống – nói ngắn gọn: SỰ SỐNG.

Thérèse vẫn còn đứng trước cửa sổ; nàng vừa nhìn thấy một khoảnh vườn phủ đầy sỏi trắng và ngửi được mùi thơm thoang thoảng của mấy cây hoa cúc được bao phủ bằng một lớp lưới kẽm để tránh bị lũ cừu đạp dập. Phía xa xa, những rặng thông tuy bị che phủ bởi một hàng sồi đen đúa, nhưng mùi nhựa thông vẫn ngập tràn màn đêm – như một đội quân kẻ thù, vô hình nhưng đang lẩn khuất chung quanh, đã sẵn sàng bao vây căn nhà. Đâu đây trong gió, Thérèse nghe như có tiếng chắc lưỡi thương hại của những tên cai tù, chúng sẽ chứng kiến nàng tàn tạ mỏi mòn qua những mùa đông dài thăm thẳm, hổn hển từng hơi thở trong những ngày hè chảy mỡ; và nàng sẽ chết ngạt giữa những ánh mắt vô tình thản nhiên ấy. Thérèse đưa tay đóng cánh cửa sổ, quay qua Bernard.

“Anh tin rằng có thể dùng sức mạnh để giữ chân tôi ở đây?”

“Tùy cô nghĩ cách nào cũng được . . . nhưng hãy nhớ: cách duy nhất cô có thể rời khỏi đây là hai tay bị còng.”

“Đừng cường điệu như thế chứ! Tôi biết anh quá rõ mà; đứng ra vẻ làm cho mình tệ hại hơn  con người thật của mình. Anh sẽ không để cho gia đình phải chịu đựng nỗi sỉ nhục đó. Tôi sẽ không lo lắng về chuyện  này.”

Với điệu bộ của một người đã cân nhắc thiệt hơn mọi khía cạnh của tình hình trước mặt, Bernard giải thích rằng, nếu nàng rời bỏ nơi đây, tức là nàng mặc nhiên công nhận mình là kẻ có tội. Trong trường hợp đó, cách duy nhất gia đình phải đối phó là thẳng tay cắt bỏ phần thân thể đã bị hư rữa, từ bỏ nó, tách lìa nó hoàn toàn trước mắt mọi người.

“Và đó là giải pháp mà mẹ tôi muốn thi hành ngay từ bây giờ, cô thử tưởng tượng xem! Hãy để công lý làm tròn chức năng như nó phải làm . . . nếu chúng tôi không nghĩ đến Marie và Anne . . . nhưng đã khuya quá rồi. Cô không vội cho chúng tôi câu trả lời. Tôi để cô suy nghĩ đến ngày mai.”

Thérèse lặng lẽ nói, “Tôi còn có cha tôi.”

“Cha của cô ư? Chúng tôi đã hoàn toàn đồng ý với nhau về các việc phải làm. Ông ấy còn có sự nghiệp riêng, còn có đảng của ông ấy và những lý tưởng mà ông ấy theo đuổi. Ông chỉ muốn tránh tai tiếng bằng mọi giá. Cô có biết ông ấy đã làm những gì cho cô không? Vụ án xử cô không đi đến đâu hết, là nhờ có ông ấy nhúng tay vào đấy. Chắc là cha cô có nói cho cô biết ông ấy muốn gì ở cô rồi chứ? . . . không à?”

Bernard hạ thấp giọng, và hầu như trở nên lịch sự hơn. Không phải vì anh ta cảm thấy lòng thương xót trỗi dậy, dù là chỉ một chút. Nhưng người đàn bà này, trông như đang không còn một chút sự sống, cuối cùng đã phủ phục dưới chân mình. Cô ta đã tìm được chỗ xứng đáng dành cho mình. Mọi chuyện đã quay trở lại trật tự như cũ. Không có người đàn ông nào có thể tìm được niềm vui sướng như của Bernard bây giờ. Anh ta tự hào mình đã đảo ngược được tình hình. Ai cũng có lần lầm lỗi; Ai cũng đã có lần lầm lỗi, như Thérèse đã lầm lỗi – thậm chí, bà mẹ của anh ta, người luôn có những phán đoán quá vội vã. Tất cả chỉ là vì ngày nay, người ta đã không còn tôn trọng những nguyên tắc căn bản; Trong nền giáo dục tương tự như nền giáo dục mà Thérèse đã thu nạp, người ta không còn tin tưởng vào ngày phán xử cuối cùng nữa. Quả đúng cô ta là một con quái vật. Tuy vậy, phải thêm vào một chi tiết nữa: phải chi cô ta tin vào Đấng Cứu Thế. . . Biết Sợ, là khởi điểm của mọi khôn ngoan. Bernard đã nhìn sự việc bằng con mắt như thế. Anh ta cũng tự tưởng tượng ra sự thất vọng của người dân chung quanh; họ nôn nóng muốn được ngửi mùi vị nỗi nhục nhã mà gia đình anh ta sẽ phải nhận chịu; nhưng mỗi chủ nhật họ sẽ chứng kiến một gia đình đoàn tụ trong hạnh phúc! Và anh ta cũng nôn nóng mong cho đến ngày Chủ nhật, để được nhìn thấy vẻ tiu nghỉu trên gương mặt người đời. Dù thế nào, công lý cũng sẽ phải được thực thi. Bernard cầm lấy chiếc đèn, soi vào gáy Thérèse:

“Cô không định đứng dậy sao?”

Có vẻ như nàng không nghe tiếng của Bernard. Anh ta bước ra khỏi phòng, để mặc nàng trong bóng tối.

 Bà cô Clara đang ngồi xổm trên bậc thứ nhất của cầu thang. Khi bà chăm chú nhìn Bernard, anh ta cố gượng một nụ cười, đưa tay đỡ lấy cánh tay bà để giúp bà đứng lên. Nhưng bà từ chối, như con chó già đau đớn nằm bên giường bệnh của chủ nhân với lòng  trung thành, tận tụy. Bernard để cây đèn trên nền nhà, hét vào tai bà già nghễnh ngãng rằng Thérèse đã cảm thấy khỏe hơn nhiều rồi, cô ấy chỉ muốn ngồi đó vài phút nữa thôi rồi sẽ đi ngủ.

“Cô biết mà, đó chỉ là một trong những trò quậy của cô ấy thôi!”

Phải, bà biết mà; Bà luôn may mắn, mỗi lần bước vào phòng của Thérèse là y như rằng, lần nào nàng cũng đang trong tâm trạng muốn được ở một mình. Đúng hơn, khi chỉ mới vừa mở cửa phòng là bà đã hiểu ngay ra điều đó.

Khó khăn lắm bà mới đứng dậy được. Dựa người vào cánh tay Bernard, bà về phòng mình ở ngay trên đầu phòng khách. Bước sau lưng Clara, Bernard châm cây đèn trên bàn ngủ, hôn lên trán Clara rồi đi ra. Bà cô vẫn chăm chú nhìn theo cháu rể. Bà có khả năng giải mã từ cơ thể một người để đoán ra những điều mà bà không nghe được bằng tai từ miệng người ấy nói. Bà chờ cho đủ thời gian mà bà tin rằng Bernard đã vào trong phòng riêng của mình, khẽ khàng ngồi dậy ra mở cửa – nhưng Bernard vẫn còn đứng đó ngay trên lối đi, tựa vào lan can, tay đang vấn thuốc lá. Bà vội vã đóng cửa, quay lại giường, hai chân run rẩy, cảm thấy khó thở đến độ bà không thể nào thay quần áo được. Rồi bà cứ nằm vật ra đó, hai mắt mở thao láo.

(Còn Tiếp)

CHÚ THÍCH:

13.Vụ việc Dreyfus: Alfred Dreyfus, một viên đại úy người Do thái trong quân đội Pháp. Năm 1894, ông bị kết tội là đã tiết lộ những bí mật quân sự cho người Đức. Đa số công chúng tin rằng Dreyfus vô tội. Và sau đó, người ta phát giác ra kẻ phạm tội là thiếu tá Esterhazy. Ông này được tòa án quân sự tha bổng. Vụ việc gây nên một tranh cãi xoáy quanh lòng yêu nước (rằng liệu người ta có phải ủng hộ quân đội và quan điểm của giới này) cho dù có ngược lại với sự thực. Khi ấy, gốc gác Do Thái của Dreyfus đã bị đem ra mổ xẻ. Cuộc tranh cãi đã khiến nước Pháp bị chia rẽ trầm trọng và kéo dài. Trong tiểu thuyết của Mauriac, bà cô Clara có tinh thần cấp tiến hiển nhiên đứng về phe cương quyết cho là Drefus vô tội, trong khi đó phe bảo thủ – và bài Do Thái – tức gia đình Desqueyroux,  luôn nói ngược lại.

Bài Mới Nhất
Search