T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

THÉRÈSE DESQUEYROUX – CHƯƠNG MỘT

Hỡi Ngài, xin thương xót, xin đoái lòng thương xót đến những kẻ điên loạn khật khùng! Hỡi Đấng Cứu Thế! Xin cho đôi mắt Đấng Quyền Năng nhìn thấy những con quái vật đáng sợ kia, hiểu được lý do chúng hiện hữu, thấu suốt được cách chúng tự làm biến dạng chính mình và nguồn cơn nào khiến chúng không thể làm khác đi được với định mệnh mà chúng phải mang cho hết đời mình. (1)

Charles Baudelaire

Này hỡi Thérèse, rất nhiều người bảo rằng em chưa từng bao giờ hiện hữu. Nhưng tôi, kẻ tin rằng em có thật ở cõi đời này, đã có cơ may được nhìn thấy em nhiều lần. Tôi, kẻ đã thường hay buộc em dừng lại mỗi khi em dạo bước ngang qua. Và chính tôi hôm nay, sẽ là kẻ tháo gỡ từng lớp mây mù che phủ khuôn mặt em kỳ bí.

Thuở mới trưởng thành, tôi còn nhớ mình đã từng được nhìn thấy khuôn mặt em – giữa căn phòng xử án ngột ngạt, vây quanh bởi những gã luật sư có khuôn mặt còn đỡ tàn ác hơn là những khuôn mặt các mệnh phụ già khốc nhăn nheo đang chăm chú quan sát phiên tòa –một khuôn mặt nhỏ bé, xanh xao, đôi môi mỏng mím chặt.

Rồi sau đó, trong căn phòng khách một ngôi nhà thôn quê, em lại hiện hữu trong hình dáng một cô vợ trẻ phờ phạc lo âu, đầy vẻ bứt rứt khó chịu vì sự quan tâm quá khách sáo của những ông già bà lão trong gia đình và của cả anh chồng ngây thơ tội nghiệp. Họ bảo nhau “Con bé có vẻ thế nào ấy. Mình đối xử với nó đâu có tệ bạc gì!”.

Và cũng từ khi ấy, tôi thường băn khoăn nhìn vầng trán em đẹp đẽ, lúc nào cũng ngẩng cao kiêu hãnh, và nhất là đôi tay lớn dường như quá khổ của em. Và cũng rất thường khi, tôi nhìn thấy em vùng vẫy trong chiếc lồng gia đình ấy, bước chân gầm gừ như một con chó sói, và đôi mắt em buồn bã nhìn tôi chằm chằm với sự oán ghét không che đậy.

Rất nhiều người hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi có thể tưởng tượng ra được một sinh vật chứa chất trong lòng nhiều oán hận hơn tất cả những nhân vật tôi đã từng tạo dựng trong các quyển tiểu thuyết của mình. Họ sẽ ngạc nhiên tại sao tôi lại không sáng tạo ra được một nhân vật có đầy đủ những đức tính đáng được người đời ngưỡng mộ và tấm lòng quảng đại hiển hiện đến độ ai cũng có thể nhận ra được. Nhưng những con người như vậy lại không có gì để nói đến ngoài sự tốt đẹp của con người họ. Những thứ ấy không đủ để trở thành một chuyện kể. Ngược lại, những kẻ có trái tim ẩn giấu bên trong, một trái tim không thể nào thoát ra khỏi được sự nhầy nhụa của xác thịt –lại là những người mà tôi biết rất rõ sẽ là những nhân vật trong các câu chuyện của mình.

Này hỡi Thérèse, tôi hằng mong mỏi rằng cơn phiền muộn của em sẽ đưa em đến gần Chúa; như từ lâu tôi hằng cầu nguyện cho em được sống xứng đáng với tên thánh Locusta (2). Hẳn rằng sẽ có khối kẻ kêu lên rằng tôi đã báng bổ thần thánh nếu như tôi đã dựng lên em theo một hình tượng như thế, kể cả những kẻ tin rằng là con người không ai không sa ngã và rằng sự cứu rỗi sẽ đến với những trái tim bị đọa đày.

Nhưng, em biết không, ít nhất thì tôi vẫn luôn nuôi giữ niềm hy vọng rằng, trên vỉa hè một con phố ngày nào tôi đã bỏ em bước xuống một mình, em sẽ không phải mãi mãi chịu cảnh cô đơn như số phận em nguyền rủa.

CHƯƠNG MỘT

Gã luật sư mở rộng cánh cửa. Đứng giữa dãy hành lang tối tăm của tòa án, Thérèse Desqueyroux cảm thấy sương mù như bám đầy mặt. Nàng hít vào thật sâu. Nàng ngần ngại chưa vội bước ra, vì không biết ai là người đang chờ đợi mình bên ngoài. Vừa lúc, dưới bóng cây tiêu huyền xuất hiện một người đàn ông với cổ áo bẻ cao. Nàng nhận ra đó là cha mình. Gã luật sư nói to: “Không đủ chứng cớ”, rồi quay qua bảo Thérèse:

“Bà ra được rồi đấy. Chẳng có ai ngoài đây cả.”

Nàng bước xuống những bậc thang ẩm ướt. Đúng vậy! Khu công viên tòa án nhỏ nhắn không một bóng người. Cha nàng không bước đến đón con, thậm chí cũng không buồn nhìn mặt nàng. Ông ta đang bận hỏi han Duros, gã luật sư. Người này trả lời các câu hỏi bằng một giọng thấp nhỏ, như sợ có người nào đó đang rình rập nghe ngóng. Nàng loáng thoáng nghe, câu còn câu mất.

“Ngày mai tôi sẽ nhận được giấy miễn nghị chính thức từ tòa án.”

“Sẽ không có những bất ngờ giờ chót chứ?”

“Chắc chắn không. Như họ nói, mọi chuyện đã kết thúc.”

“Sau lời khai trước tòa từ anh con rể của tôi, vụ việc thế là ổn thỏa.”

“Ồn thỏa ư? Liệu chúng ta có quả quyết được thế không?”

“Anh ta chẳng đã công khai thú nhận rằng mình đã không để ý đếm số giọt thuốc…”

“Này Monsieur Larroque ơi, trong những vụ việc đại loại như thế này, lời khai của nạn nhân…”

Thérèse cất giọng ngắt lời: “Chẳng có nạn nhân nào ở đây cả.”

“Thưa bà, ý tôi muốn nói là nạn nhân của sự thiếu thận trọng của chính mình.”

Đến lúc này, hai người đàn ông mới quay nhìn người phụ nữ trẻ, khuôn mặt xanh xao không biểu lộ chút cảm giác nào đang đứng bất động, thu mình trong chiếc áo khoác ngoài kín mít. Nàng hỏi cha xe ngựa ở đâu; ông ta trả lời đã bảo người xà ích đánh xe ra ngoài phố, đứng chờ họ trên đường Budos, để tránh những cặp mắt tò mò.

Họ rảo bước qua khu công viên. Những chiếc lá cây tiêu huyền đọng nước vướng vít đầy cành. May mắn thay, ban ngày giờ đã trở nên ngắn hơn. Và để đến đường Budos, họ có thể sử dụng những quãng phố vắng vẻ nhất của thị trấn. Thérèse đi giữa hai người đàn ông, và họ đã quay trở lại câu chuyện đang trao đổi dở dang, làm như không hề có mặt nàng bên cạnh. Đã vậy, có vẻ như sự có mặt của nàng khiến họ cảm thấy kém thoải mái, thỉnh thoảng họ dùng khuỷu tay đẩy nhẹ nàng. Vì vậy, Thérèse chủ ý bước chậm lại để tạo khoảng cách nhỏ phía sau hai người. Nàng còn tháo bỏ chiếc găng bên trái, dùng bàn tay không ve vuốt lớp rêu mỏng dọc theo những bờ tường cũ kỹ bên đường khi nàng bước qua. Thỉnh thoảng, mấy người thợ về muộn trên chiếc xe đạp hay xe đẩy hàng đi ngang qua, bùn nước đọng trên đường văng tung tóe khiến nàng phải bước sát bờ tường hơn để tránh. Bóng tối đã che giấu Thérèse, khiến không ai có thể nhận ra người đi trên đường là ai. Những mùi thơm quen thuộc, tỏa ra từ các cửa tiệm bán bánh hay từ lớp sương mù đặc quánh vây quanh, không đơn giản chỉ là mùi thơm buổi chiều của một thành phố tỉnh lẻ, mà với Thérèse, còn là mùi của sự sống: một sự sống vừa mới được trả lại cho nàng. Nàng nhắm mắt, hít đầy ngực mùi đất ngái ngủ, mùi cỏ ấm ướt. Nhờ vậy, nàng tránh được phải chú ý đến lời của người đàn ông chân ngắn trước mặt đang mở miệng nói điều gì mà không hề bận tâm liếc mắt nhìn con gái mình dù chỉ một lần. Nàng có thể bị vấp chân ngã xuống một cái hố; và Duros, hay chính cả ông ta, có thể chẳng hề hay biết. Thế nên, giờ đây họ không còn ngại ngùng cất cao giọng.

“Lời khai của Monsieur Desqueyroux rất thuyết phục, đúng vậy! Nhưng anh ta lại nói đến cái toa thuốc. Nói một cách ngắn gọn, đó là vấn đề về một sự giả mạo. Và cũng chính do bởi bác sĩ Pedemay đã nêu lên khiếu nại của mình trước tòa…”

“Ông ta đã rút lại rồi mà!”

“Tuy vậy, sự giải thích mà ông ta trình bày – một con người vô danh nào đó đã đưa cho ông ta toa thuốc này…”

Thérèse, có lẽ ít vì lý do mỏi chân hơn là tránh khỏi phải nghe những điều mà tai nàng đã nghe đến nhàm chán từ nhiều tuần lễ nay, chậm bước lui lại đằng sau thêm một khoảng cách nữa. Nhưng vô ích, nàng không thể không nghe cái giọng the thé của cha nàng cất lên:

“Tôi đã bảo nó hơn một lần, hơn nhiều lần, rằng: con gái khốn khổ ơi, phải cố lên thêm một chút nữa, cố hơn thế nữa con ạ!”

Quả đúng là ông ta đã hơn nhiều lần nhắc nhở con, và ông ta đã không sai chút nào trong những việc ông làm. Vậy tại sao ông ta vẫn cảm thấy bực bội? Cái mà người ta gọi là danh dự gia đình đã được bảo vệ an toàn; từ nay cho đến kỳ bầu cử kế tiếp, sẽ chẳng còn ai nhớ đến chuyện này. Đó là Thérèse nghĩ vậy, với mong ước nàng không phải bị cuốn vào câu chuyện giữa hai người một lần nữa. Nhưng giữa lúc cuộc tranh luận đã đến hồi hào hứng, họ ngừng lại ngay giữa đường đối mặt với nhau.

“Monsieur Larroque ạ, nghe tôi nói đây. Ông nên phản công ngay lập tức trên tờ Gleaner số ra ngày chủ nhật – hay ông bạn muốn tôi làm việc đó thay cho ông? Chúng ta cần một cái đầu đề thật kêu, chẳng hạn như ‘Cái tin đồn thật hổ thẹn.’

“Ồ không, không nên ông bạn ạ! Chúng ta phản công lại cái gì mới được chứ? Hoàn toàn rõ ràng là vụ việc đã được giải quyết một cách rốt ráo. Thậm chí họ còn không cần đến chuyên viên giảo nghiệm chữ viết trên tờ toa thuốc. Không, chúng ta sẽ giữ im lặng triệt để, sẽ giấu kín triệt để – đó là phản ứng tối ưu. Tôi sẽ làm điều tôi phải làm, với bất cứ giá nào. Nhưng với gia đình, chúng ta phải tuyệt đối giữ kín, giấu hết tất cả những gì cần phải giấu…”

Thérèse không nghe câu trả lời của Duros, lúc ấy họ bước khá xa phía trước. Nàng hít thật mạnh không khí của đêm mưa ẩm ướt, như thể nàng đang sắp bị nghẹt thở. Hốt nhiên, Thérèse tưởng tượng ra khuôn mặt của Julie Ballade, một khuôn mặt nàng chưa từng bao giờ được gặp của một người bà nàng chưa từng được biết tới. Nàng đã hoài công tìm kiếm khắp nơi, cả ở nhà bố mẹ mình lẫn nhà bên chồng, một tấm hình chụp trên giấy hoặc trên đĩa bạc như thời xưa người ta hay làm, hoặc một bức họa chân dung nào đó của người đàn bà kỳ bí này; Nhưng nàng không biết được một điều gì thêm ngoại trừ chi tiết bà đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi. Rồi nàng lại liên tưởng đến chính mình, một ngày kia cũng sẽ bị xóa sạch khỏi tâm tưởng mọi người, bị hủy diệt không thương tiếc. Và đến con gái của nàng, bé Marie, rồi cũng sẽ không thể nào tìm được chút hình ảnh ghi lại khuôn mặt người đàn bà đã đưa nó vào đời. Ngay lúc này đây, chắc con bé đã ngủ say sưa trong căn nhà ở Argelouse, nơi nàng sẽ về nghỉ tạm đêm nay. Nàng sẽ đứng lặng lẽ trong bóng đêm, lắng nghe tiếng thở nhẹ nhàng của con gái; rồi nàng cúi mình xuống hôn vào sự sống đang đắm mình trong giấc ngủ ấy, như thể nàng đang khát và cần đến ngụm nước trong lành.

Bên cạnh rãnh nước, một chiếc xe ngựa với những chiếc đèn lồng treo trên nóc xe soi rõ hình dạng hai con ngựa gầy ốm. Phía xa xa, khu rừng ảm đạm đứng như như một bức tường chạy từ trái qua phải. Từ hai đầu rừng, những hàng cây tiêu huyền có chõm cao cúi đầu đan vào nhau làm thành một hình vòng cung, phía dưới là con đường quanh co uốn lượn một cách kỳ bí. Trên đầu nàng, bầu trời khi ẩn khi hiện qua những tàn cây đan vào nhau chằng chịt. Người đánh xe chằm chằm nhìn nàng với một vẻ tò mò hau háu. Nàng hỏi anh ta liệu có thể đến được nhà ga Nizan kịp cho chuyến xe lửa cuối cùng rời khỏi đó hay không, gã đoan quyết rằng sẽ kịp. Tuy nhiên, tốt nhất là phải lên đường ngay từ bây giờ.

“Hôm nay là lần cuối cùng tôi nhờ anh giúp tôi việc đưa rước này, Gardere ạ!”

“Thế bà không còn việc gì phải quay trở lại đây nữa à?”

Nàng lắc đầu, trong khi ấy gã đánh xe vẫn tiếp tục nhìn nàng bằng ánh mắt soi mói. Nàng sẽ mãi mãi bị mọi người nhìn bằng ánh mắt như thế này suốt quãng đời còn lại của mình hay sao?

“Vậy là, mọi thứ với con ổn chứ?” Cuối cùng, cha nàng cũng nhận ra con gái mình đang ở bên cạnh. Thérèse liếc nhìn thật nhanh khuôn mặt cau có, râu ria lởm chởm, những sợi trắng trông thành vàng ệch dưới ánh đèn lồng của chiếc xe ngựa. Nàng lặng lẽ nói với cha: “Con đã chịu đau khổ quá nhiều…giờ thì con cảm thấy không còn chịu đựng được nữa…” Đột nhiên, nàng tự mình ngưng lại: nói ra để làm gì cơ chứ? Cha mình không muốn nghe. Thậm chí ông còn không muốn gặp mình nữa. Vậy chẳng có lý do gì để ông quan tâm đến nỗi khổ của con gái. Điều duy nhất ông bận tâm bây giờ là bước thăng tiến hoạn lộ, con đường dẫn đến Thượng viện, có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi đứa con gái này (những đứa con gái thường điên khùng những khi chúng không ngu ngốc). Sung sướng thay, nó không còn mang họ Larroque nữa. Họ của nó bây giờ là Desqueyroux. Tai tiếng của vụ án đã được ngăn chặn, giờ thì ông có thể thở phào nhẹ nhõm. Và phải tìm mọi cách ngăn không cho đối thủ của mình lợi dụng cơ hội thừa gió bẻ măng. Ngày mai, ông phải đến gặp lão đầu quận. Cám ơn Chúa, lão ta nắm được đầu tay tổng biên tập tờ Conservator: câu chuyện về những cô gái . . .

Larroque nắm lấy cánh tay con gái.

“Lên xe thôi. Đã đến giờ rồi.”

Gã luật sư, không rõ vì ác tâm muốn mai mỉa hay vì chẳng thể để tiểu thư Larroque đi mà không có một lời nào với nàng, gã hỏi tối nay nàng có định gặp lại Monsieur Bernard Desqueyroux không. Nàng trả lời gã: “Tất nhiên rồi, chồng tôi hiện đang chờ tôi về!”. Khi nói ra câu ấy, đồng thời cũng là lần đầu tiên, sau khi gặp viên thẩm phán chỉ vài giờ trước đó, nàng hình dung ra giây phút mình sẽ bước qua ngưỡng cửa căn phòng chồng nàng nằm dưỡng bệnh – và hiện vẫn còn nằm bệnh – và một chuỗi vô định những ngày những đêm sẽ mở ra trước mặt, và nàng sẽ phải trải qua những ngày tháng ấy bên cạnh người đàn ông mà nàng gọi là chồng.

Thực ra, ngay từ khi bắt đầu xẩy ra vụ việc, nàng trở về sống với cha mình trong một khu ngoại ô thành phố. Từ đó, nàng đã có những chuyến đi giống hệt như chuyến đi đêm nay. Những khi ấy, nàng chẳng có gì để suy nghĩ nhiều ngoại trừ những điều nàng sẽ phải nói với chồng khi gặp lại. Trước khi bước chân lên xe, nàng phải lắng nghe gã luật sư Duros hướng dẫn cặn kẽ những gì cần nói với Monsieur Desqueyroux để anh ta trả lời sao cho ăn khớp với lần hỏi cung kế tiếp. Trong những ngày ấy, Thérèse không cảm thấy lo lắng điều gì, cũng không cảm thấy sự ngượng ngùng khi phải đối mặt với người bệnh. Vấn đề giữa họ với nhau lúc ấy chỉ là ai nên khai điều gì và không nên khai điều gì, chứ không phải là chính sự việc đã xẩy ra giữa họ. Vợ chồng họ chưa bao giờ kết hợp với nhau hoàn hảo như họ đã kết hợp trong suốt thời gian chuẩn bị cho vụ án. Họ đã hòa quyện với nhau trong một thân xác, thân xác nhỏ bé của đứa con gái Marie. Để làm vừa lòng viên thẩm phán, họ đã bịa đặt ra một câu chuyện đơn giản nhưng tình tiết phối hợp chặt chẽ, thỏa mãn được những đầu óc đầy lý lẽ soi mói nhất. Những ngày ấy, Thérèse cũng đã leo lên cùng một chiếc xe ngựa – nhưng với sự nôn nóng mong cho chuyến đi sớm về đến nhà. Còn đêm nay, nàng lại mong cho chiếc xe cứ chạy nhưng không bao giờ tới được nơi cần tới. Nàng nhớ lại, mỗi khi vừa bước chân lên xe, nàng đã mong cho tới ngay căn phòng ở Argelouse để ngồi rà soát lại những gì cần nói với Bernard Desqueyroux, rằng Bernard không nên sợ hãi gì khi khẳng định trước tòa rằng chính nàng, trong một buổi tối, đã kể cho chồng nghe về một con người vô danh nào đó chạy đến nhờ nàng đem toa đi mua thuốc, vì lẽ anh ta còn nợ tiền ở tiệm thuốc tây nên không thể tự mình làm lấy được…Nhưng gã luật sư Duros không tin rằng Bernard dám đi quá xa như giả vờ đã khuyến khích vợ mình làm một công việc vô cùng khinh xuất như vậy.

Giờ thì cơn ác mộng đã qua đi, Bernard và Thérèse sẽ nói gì với nhau đêm nay? Nàng hình dung ra ngôi nhà quạnh quẽ nơi chồng nàng đang chờ nàng trở về. Và chiếc giường lạnh lẽo ở giữa căn phòng lót những viên gạch vuông, cây đèn ngủ thấp bé nằm gọn trên bàn đêm, cạnh đó ngổn ngang những tờ báo, những lọ thuốc uống dang dở. Mấy con chó giữ nhà, bị đánh thức bởi người xà ích, sẽ chồm lên sủa vài tiếng, rồi cũng sẽ ngoan ngoãn ngủ lại. Một sự im lặng nặng nề sẽ lại bao phủ như bao đêm trước đây nàng thức giấc nhìn Bernard vật vã với những cơn ói mửa thốc tháo. Nàng buộc mình phải cố tưởng tượng ra những ánh mắt đầu tiên họ phải trao đổi với nhau. Sau đó là đêm, là ngày, rồi những ngày và đêm kế tiếp, những tuần kế tiếp, trong căn nhà quen thuộc ở Argelouse, khi mà họ không còn phải bàn bạc với nhau về một câu chuyện thấm đẫm bi kịch mà họ vừa phải trải qua. Sẽ chẳng còn gì nữa hiện hữu giữa họ, ngoại trừ cái điều thực sự đã xẩy ra….cái điều thực sự tồn tại…Bị nỗi hoảng sợ đột nhiên xâm chiếm, Thérèse quay qua  gã luật sư miệng lắp bắp, nhưng chủ tâm là nàng muốn nói với cha mình:

“Tôi định sẽ ở đó với Monsieur Desqueyroux vài ngày. Rồi sau đó, nếu không có gì trở ngại nữa, tôi sẽ về lại nhà cha tôi.”

“Ồ không! Không nên làm vậy đâu con!”

Và khi Gardere – người xà ích – nhấp nhổm trên ghế trước, Monsieur Larroque nhỏ giọng lại:

“Con có điên không đấy? Rời nhà chồng trong những lúc như thế này? Các con phải giống như hai ngón tay trên cùng một bàn tay – hai ngón tay trên cùng một bàn tay, con có hiểu không? Cho đến khi cái chết…”

“Cha nói đúng! Con cũng chẳng biết tại sao mình lại nghĩ như vậy nữa. Nhưng rồi, cha có ghé qua Argelouse thăm con không?”

“Không, Thérèse à! Cha mong sẽ gặp con ngòai phố vào mỗi thứ năm, như thường lệ. Con sẽ phải giữ cho mọi việc giống như trước đây con vẫn làm.”

Thật là khó tin được rằng Thérèse đã không thể nào nhìn ra cái tai hại chết người của việc nàng không tuân thủ thói quen trước khi xẩy ra vụ việc, dù là một lệch lạch nhỏ nhất. Giờ thì nàng đã hiểu rõ chưa? Liệu cha nàng có thể trông cậy điều đó ở nàng? Nàng đã gây cho ra gia đình mình quá nhiều khốn khổ . . .

“Con phải làm tất cả những điều chồng con bảo con làm. Cha nghĩ rằng đó là lời khuyên tốt nhất ở cha.”

Rồi ông ta đẩy nàng lên xe.

Thérèse nhìn thấy gã luật sư chìa tay về phía nàng, bàn tay thô ráp với những cái móng đầy đất. “Cái gì tốt sẽ có kết thúc tốt.”. Ông ta nói điều đó với trọn vẹn lòng thành của mình, bởi vì nếu như vụ việc phải đưa ra xử trước tòa, ông ta sẽ không nhận được một đồng lệ phí nào: khi ấy, gia đình nàng sẽ phải nhờ cậy đến Peyrecave (3), tay luật sư ở Bordeaux.

“Đúng vậy, mọi việc thật hết sức tốt đẹp…”

(Còn Tiếp)

CHÚ THÍCH:

1. Lời Đề Từ trích từ bài thơ “Mademoiselle Bistouri” của Baudelaire trong tập “Paris Spleen” (Cơn phiền muộn Paris) (1869). Cô gái trẻ có tên được dùng làm nhan đề bài thơ, tìm cách mồi chài nhà thơ giữa đêm khuya Paris. Ngay lúc đó, nhà thơ biết cô gái bị mắc chứng điên khùng; cô ta có một mối ảm ảnh kỳ lạ với các bác sĩ; [tên cô gái: BISTOURI có nghĩa là dụng cụ y khoa – ghi chú của bản tiếng Việt]. Kết luận bài thơ, Baudelaire đã cầu nguyện cho cô được Thiên chúa chấp nhận, vì xét cho cùng, cô cũng là một tạo vật do Thiên chúa dựng nên.

2.Locusta  của thành Gaul, là một người sử dụng độc chất nổi tiếng dưới thời cai trị của hoàng đế Nero ở La Mã. Chính nàng đã đứng ra giám sát vụ đầu độc Claudius khiến ông này tử vong và dọn đường cho Nero lên ngôi. Mauriac so sánh Thérèse với Locusta, nhưng ông ao ước mình có thể biến nhân vật Thérèse thành bà thánh Locusta.

3.Peyrecave là tên của viên luật sư ở Bordeaux trong vụ án xét xử Madame Canaby.

[Câu chuyện về nhân vật Thérèse có gốc rễ sâu xa trong chính cuộc đời của Mauriac. Vào những năm 1905-1906, ở Bordeaux, báo chí hàng ngày ra rả về vụ tai tiếng liên quan đến Madame Henriette-Blanche Canaby. này bị kết tội là đã mưu toan đầu độc chồng và giả mạo các toa thuốc kê khai những chất độc hại – Aconite (phụ tử), digitalis (mao địa hoàng), và Chloroform (chất gây mê). Chồng bà vốn đang được điều trị bằng một loại thuốc được bác sĩ kê toa hợp lệ, gọi là phương pháp điều trị Fowler – một loại thuốc nước tổng hợp, trong đó có một lượng nhỏ chất thạch tín (arsenic). Đột nhiên, ông chồng trở bệnh nặng hơn. Dần dà, các bác sĩ chẩn quyết là ông ta bị đầu độc bằng  chất thạch tín. Nhưng bệnh nhân từ chối khẩu cung buộc tội vợ mình. Mặt khác, người ta không tìm thấy những loại chất độc khác trong cơ thể bệnh nhân. Tất nhiên, toàn bộ những tình tiết này được Mauriac sử dụng trong câu chuyện nói về vụ đầu độc Bernard của tiểu thuyết Thérèse Desqueyroux. Madame Canaby được tha bổng tội danh âm mưu đầu độc chồng, nhưng bị án tù 15 tháng vì tội giả mạo công chứng thư. 20 năm sau, khi Mauriac sáng tác quyển tiểu thuyết của mình, rất nhiều những chi tiết – ngoại trừ việc bà Canaby bị phạt tù – đã tìm được cách có mặt trong quyển sách của Mauriac.].

Bài Mới Nhất
Search