T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

THÉRÈSE DESQUEYROUX – CHƯƠNG MƯỜI BA (Hết)

CHƯƠNG MƯỜI BA

Một buổi sáng tháng ba lạnh lẽo, mới vào khoảng 10 giờ, một dòng người đã ùn ùn đổ về quãng đường phía trước hành lang tiệm Café de la Paix, nơi Thérèse và Bernard đang ngồi. Nàng ném mẩu thuốc xuống đất, và như người dân vùng Landes có thói quen hay làm: cẩn thận lấy chân di cho nát.

“Cô sợ mình làm cháy vỉa hè này à?”

Bernard cười hết sức hả hê. Anh ta đang tự trách mình sao lại phí công đi theo Thérèse đến tận Paris. Tất nhiên, anh ta phải ở bên cạnh vợ vào hôm lễ cưới của Anne để trấn áp dư luận – nhưng sau đó, có lẽ là do anh ta đã tuân phục ý muốn của Thérèse nhiều hơn. Bernard đã luôn tin rằng vợ mình có biệt tài bẩm sinh là tạo nên những tình huống thậm vô lý; thế nên, bao lâu cô nàng còn lảng vảng trong cuộc đời mình, anh ta sẽ vẫn còn vướng phải những quyết định chẳng hợp lý chút nào như sự có mặt ở Paris hôm nay. Dù cho là một người luôn biết kiểm soát mình, biết đứng vững trên đôi chân của mình như Bernard, người phụ nữ bất thường này vẫn có thể làm anh ta chao đảo.

Vậy mà, giờ đây, trong giây phút sắp chia tay với người phụ nữ ấy, anh ta lại không thể dứt bỏ được một cảm giác buồn bã mà từ trước tới nay, anh ta chưa bao giờ cảm thấy. Không có gì xa lạ với anh ta hơn cảm thức này, cảm thức bị áp đặt bởi một người khác (và chắc chắn không bao giờ là bởi Thérèse – đó là một điều không thể tưởng tượng nổi). Bernard nôn nóng muốn được giải thoát khỏi tình cảnh khá bất ngờ này. Anh ta chỉ có thể thở ra được nhẹ nhõm một khi ngồi trên xe lửa quay về lại phương Nam. Một chiếc xe đang chờ anh ta ở Langon. Ra khỏi nhà ga, sẽ là con đường quen thuộc Villandraut, và những rặng thông xuất hiện.

Anh ta chăm chú nhìn khuôn mặt Thérèse, dõi theo hướng nhìn của nàng mỗi khi nàng chăm chú một khuôn mặt nào đó trong đám đông đi ngang qua cho đến khi bóng người đó khuất hẳn.

Và bỗng nhiên:

“Thérèse . . . tôi muốn hỏi cô . . .”

Bernard nhìn ra chỗ khác – anh ta không thể nào chịu đựng được ánh nhìn của một người phụ nữ – nói nhanh:

“Tôi muốn được biết . . .Có phải cô thù ghét tôi? Bởi vì cô kinh tởm tôi?”

Anh ta nghe những lời mình nói với sự sững sờ và bực bội. Thérèse mỉm cười, rồi buồn bã nhìn anh ta. Cuối cùng, Bernard đã hỏi nàng câu hỏi mà nếu nàng ở địa vị của anh ta, nàng sẽ nôn nóng hỏi nó ngay từ đầu. Tất cả những lời thú tội mà nàng đã nhọc công chuẩn bị trong thời gian ngồi trên xe ngựa, dọc theo con đường Nizan, rồi trên xe lửa suốt đoạn đường đến nhà ga Saint-Clair, kiên nhẫn tự tra vấn mình, cố gắng hết sức tìm nguyên nhân đầu mối cho việc mình đã làm – cuộc hành trình về lại sâu thẳm lòng mình đã làm nàng kiệt sức – có lẽ, giờ đây, nàng nghĩ cũng có thể giúp được nàng trả lời câu hỏi của Bernard. Một cách vô tình, nàng đã khiến Bernard bị thương tổn, khiến anh ta lẫn lộn, bối rối. Để rồi, lúc này đây, anh ta cật vấn nàng, như một người không thể nhìn rõ, một người hay lưỡng lự, thiếu cả quyết. Anh ta trở nên đơn giản hơn – và do đó, ít kiên định hơn. Nàng nhìn anh ta bằng một ánh mắt thương cảm của một người mẹ. Nhưng câu trả lời của nàng gần như mai mỉa:

“Bộ anh không tin rằng đó là vì những khu rừng thông mà anh sở hữu? Đúng thế! Tất cả chỉ vì tôi muốn chạm tay mình vào những cây thông của anh.”

Bernard nhún vai.

“Tôi không còn nghĩ như vậy nữa, nếu như tôi đã từng cho là vậy. Tại sao cô lại hành động như thế? Giờ cô hãy nói cho tôi biết đi.”

Thérèse chiếu ánh mắt vào khoảng không trước mặt. Ngay giờ đây, trên vỉa hè này, bên bờ một dòng sông đầm lầy người người chen chúc nhau, lúc mà nàng sắp sửa tự thả mình vào trong đó và sẽ vùng vẫy để được trồi lên hay bằng lòng chấp nhận bị chết đuối – dường như nàng đã nhận ra được một thứ ánh sáng, thứ ánh sáng của buổi bình minh, và nàng hình dung đến một cuộc trở về lại miền quê hương buồn sầu, kín kẽ: tưởng tượng nàng sẽ dành trọn đời trầm tư mặc tưởng để hoàn thiện chính mình giữa sự tĩnh lặng của Argelouse, và một cuộc hành trình nội tâm đi tìm Thượng Đế . . .

Một người Moroccan bán thảm và những sợi dây đeo cổ bằng hột thủy tinh tưởng nàng mỉm cười với anh ta  nên có vẻ như muốn bước về phía họ.

Cũng vẫn bằng một giọng mai mỉa, Thérèse nói với Bernard:

“Tôi cũng vừa định nói với anh rằng Tôi không biết tại sao tôi lại làm thế; Nhưng giờ thì tôi nghĩ, có lẽ, tôi biết tại sao – anh thử tưởng tượng xem! Có thể là do tôi muốn được nhìn thấy sự bất an, sự hiếu kỳ trong đôi mắt của anh – nói chung, một cái gì bất ổn, không bình thường. Tôi cũng chỉ vừa mới khám phá ra như vậy, ngay lúc này mà thôi.”

Bernard gầm gừ, cái âm thanh nàng không thể quên trong chuyến đi hưởng tuần trăng mật.

“Cô luôn đùa cợt cho đến cả giây phút cuối cùng. Nghiêm chỉnh đi nào: Tại sao?”

Nàng không cười nữa, hỏi ngược lại:

“Một người như anh, Bernard, lúc nào cũng biết lý do cho những hành động của mình. Đúng không?”

“Đúng vậy! – tất nhiên rồi. Ít nhất là tôi nghĩ vậy!”

“Tôi thành thực ước muốn rằng mình không dấu diếm một điều gì với anh. Nếu anh biết tôi đã bị tra tấn như thế nào khi cố gắng chiếu rọi mọi ngóc ngách để nhìn cho ra lẽ mọi việc . . . Nhưng tất cả những lý do tôi có thể nói với anh, và ngay cả lý do tôi vừa nói lúc nãy, với tôi tất cả đều chỉ là những lời dối trá . . .”

Bernard trở nên nóng nẩy.

“Nhưng phải có cái ngày, cái giây phút mà cô đi đến quyết định – quyết định làm như cô đã làm?”

“Đúng thế. Đó là cái hôm có đám cháy lớn ở Mano.”

Hai người ngồi sát lại nhau, lặng lẽ đối thoại. Ngay giữa ngã tư đông đúc của Paris, dưới ánh nắng sáng mong manh, một ngọn gió lạnh thổi qua mang theo mùi khó thuốc làm lung lay tấm bạt che hai màu vàng đỏ; Thérèse cảm thấy lạ lùng khi ngồi hồi tưởng lại buổi trưa ngột ngạt hôm đó – khói mù mịt khắp nơi, bầu trời trong xanh bị ô nhiễm vì những cột khói đen, mùi nồng nặc của những cây non bị đốt cháy như một rừng đuốc – và trong trái tim đang ngủ yên của nàng, một tội ác đang từ từ thành hình.

“Câu chuyện như thế này: Mình đang ngồi trong phòng ăn; như mọi khi, buổi trưa nhưng trời tối như bưng. Anh đang mải nói chuyện, mắt hướng về Balion, và anh quên không đếm những giọt thuốc anh đang nhỏ vào ly nước.”

Thérèse, cố gắng để không sót một chi tiết quan trọng nào, không nhìn thẳng vào mặt Bernard nhưng nàng nghe tiếng anh ta cười lớn, nên quay lại: Đúng, anh ta đang cười cái cười ngốc nghếch. Bernard nói: “không thể! Cô tưởng tôi là người thế nào hử?” Anh ta không tin câu chuyện này có thật. Vậy thì, toàn bộ câu chuyện nàng kể có đáng tin hay không? Bernard chặc lưỡi. Thérèse nhận ra ngay anh chàng Bernard cố hữu, anh chàng quá tự tin ở mình, không chịu để cho ai lấy vải thưa mà che mắt thánh. Anh ta đã, một lần nữa, kiểm soát được tình hình. Nàng cảm thấy mình bất lực. Anh ta nói, như thể câu chuyện vừa nghe chỉ là một trò đùa:

“Vậy là, cái ý tưởng ấy đến với cô như thế, tất cả cùng một lúc, như ý của chúa Thánh Thần?”

Anh ta tự ghét mình vì đã hỏi Thérèse những câu hỏi. Anh ta đã tự mình đánh mất đi lợi thế được quyền tỏ sự khinh bỉ đối với người phụ nữ điên khùng này. Anh ta đã để cho cô ta đạt được thắng lợi. Lạy Chúa tôi! Tại sao anh ta lại bằng lòng để cho cái ý muốn tìm hiểu này chi phối mình? Làm gì có thể có những điều cần tìm hiểu ở những kẻ điên như thế này cơ chứ? Anh ta muốn tự nổ tung để che đi sự bực bội. Anh ta đã quá vội vã, không chịu từ từ suy xét . . .

“Nghe đây, Bernard, tôi không kể cho anh nghe câu chuyện này để chứng minh rằng tôi vô tội – không hề như vậy chút nào.”

Nàng cảm thấy một sự thúc đẩy kỳ lạ tự buộc tội chính mình. Nàng nói, không thể chối cãi được rằng nàng đã nuôi dưỡng ý tưởng phạm tội trong lòng mình từ nhiều tháng trước, dẫn đến hành động của nàng ngày hôm đó, như một người bị bệnh mộng du. Vậy là, màn một đã hoàn thành, những bước tiếp theo đã quá rõ ràng. Chỉ việc kiên quyết thi hành thôi!

“Tôi chỉ cảm thấy mình độc ác khi chính tôi do dự trong lúc hành động. Tôi không muốn nhìn thấy bất cứ thứ gì cản trở sự đau đớn của anh. Tôi phải làm cho xong mọi việc cần làm, một cách nhanh chóng! Tôi cho đó là một thứ bổn phận đáng ghê tởm – Phải, nó chính là vậy, một thứ bổn phận.”

Bernard ngắt lời:

“Luôn luôn là những điều nghịch lý, tự mâu thuẫn! Hãy chỉ một lần này thôi, cô nói cho tôi biết cô muốn gì! Tôi thách cô dám nói ra đấy!”

“Tôi muốn gì à? Có lẽ sẽ dễ dàng hơn để tôi nói ra điều tôi không muốn. Tôi không muốn tiếp tục thủ một vai trò, tiếp tục nói những điều trong khuôn phép, từ chối chính tôi những phút giây tôi thực sự là tôi, là Thérèse, người mà . . . Mà này Bernard: Tôi chỉ cố gắng nói thật hết – vậy tại sao tất cả những điều tôi nói với anh lại có vẻ giả dối thế?”

“Nói nhỏ thôi; người ngồi đằng sau mình đang ra vẻ chăm chú nghe.”

Điều duy nhất mà Bernard muốn bây giờ là kết thúc cho xong mọi việc. Nhưng anh ta biết quá rõ kẻ điên khùng này: cô ta không có niềm vui nào lớn hơn là ngồi đó hàng giờ bứt tóc bứt tai. Và Thérèse cũng đã biết quá rõ gã đàn ông này. Mới chỉ vài phút trước đây gã đến với nàng với sự thành thực, nhưng bây giờ gã đã lui về lại ẩn mình trong cái khoảng cách thật mênh mông. Nhưng nàng không nản chí, cố viện dẫn đến nụ cười xinh đẹp nhất và bằng cái giọng khàn khàn mà Bernard thích nghe nhất:

“Nhưng giờ thì, Bernard à, tôi biết đến một Thérèse đã từng dẵm nát đầu thuốc lá với sự kỹ lưỡng là vì chỉ cần một mồi lửa nhỏ nhất cũng đủ làm cháy rụi cả khu rừng – một Thérèse đã từng say mê ngồi tính toán từng chi tiết trong tài khoản mua bán rễ thông để làm sao đem về lợi tức cao nhất – một Thérèse đã từng hãnh diện vì lấy được một Desqueyroux, được bước vào trong một trong những gia đình danh giá nhất vùng, sung sướng được cột dây đời mình, như cái cách người ta hay nói – Tôi biết đến một Thérèse có thật và bình thường như bao người khác, sống một cuộc sống như bao người khác. Không, không – Hy sinh Thérèse ấy cho một Thérèse khác là điều không đúng chút nào hết!”

“Một Thérèse khác?”

Nàng không biết nói sao để trả lời; Còn Bernard nhìn đồng hồ. Thérèse nói:

“Tất nhiên, tôi sẽ thỉnh thoảng trở về nhà, để xem lại các việc làm ăn của tôi – và để thăm Marie.”

“Việc làm ăn nào? Tôi là người quản lý chung tài sản của chúng ta. Chúng ta sẽ không thay đổi gì hết về kế hoạch chúng ta đã đồng ý. Đúng không? Cô sẽ có chỗ của mình trong các dịp hội hè lễ lậy của gia đình, những dịp cần thiết phải được mọi người thấy chúng ta ở bên nhau, vì danh dự gia đình và vì quyền lợi của Marie. Với một gia đình lớn như của chúng ta, sẽ không thiếu những dịp cưới hỏi, và, tạ ơn Chúa, những dịp ma chay. Gần nhất, để khởi đầu, tôi sẽ ngạc nhiên nếu Chú Martin sống qua được mùa thu này; đó sẽ là dịp cho cô trở về; và tất nhiên, rất nhiều những dịp khác nữa . . .”

Một viên cảnh sát cỡi ngựa đi tới; chiếc còi ngậm giữa hai môi; một cách thần bí, ông ta mở những chiếc khóa vô hình: một đoàn bộ hành vội vã băng ngang mặt đường đen đúa, rồi sau đó nó lại bị phủ kín một lần nữa bởi những chiếc xe taxi.

“Lẽ ra, ta nên ra đi vào ban đêm, lẻn mình vào thảo nguyên hoang vắng, như tên tội phạm Daguerre. Lẽ ra, ta cứ nên tiếp tục bước, qua những hàng thông khẳng khiu của mảnh đất độc ác ấy – bước cho đến khi ngã quỵ. Ta hẳn sẽ không đủ sức mạnh để tự dìm đầu mình dưới làn nước ở cửa sông đủ lâu (như một gã chăn cừu ở Argelouse đã làm vì đứa con dâu không cho gã ăn nữa). Nhưng ta vẫn có thể nằm trơ trên mặt cát, nhắm mắt lại . . .để mặc cho lũ quạ, lũ kiến chúng sẽ không đủ kiên nhẫn chờ cho đến khi ta . . .”

 Thérèse chăm chú nhìn biển người, cái đám đông sinh động sắp sửa mở ra để nuốt chửng lấy nàng, kéo lê thân xác nàng cùng chuyển động với nó. Không còn gì cần phải nói hay làm nữa.

Bernard lấy đồng hồ ra xem lần nữa.

“Mười giờ bốn lăm: đến giờ phải quay lại khách sạn.”

“Chuyến đi này không quá nóng đối với anh.”

“Không – tối nay, ngồi trong xe, tôi sẽ phải mang theo cái mền.”

Nàng nhìn thấy trong trí mình con đường anh ta sẽ đi để về nhà, tưởng tượng ra cơn gió lạnh sẽ làm buốt mặt anh ta, những ngọn gió mang theo mùi bùn, mùi nhựa thông, mùi cỏ cháy, mùi bạc hà, và cả mùi của sương mù. Nàng nhìn Bernard với nụ cười mà, trước đây, phụ nữ quanh vùng kháo nhau: “không thể bảo là cô ta đẹp, nhưng nhìn cô ta thật duyên dáng, quyến rũ!” Gỉa sử như Bernard bảo nàng: “Anh tha thứ hết cho em, đứng dậy đi, mình về nhà thôi!; Hẳn nàng sẽ vâng lời và đi theo ngay. Nhưng Bernard, một phút trước đây có vẻ như xiêu lòng, giờ thì anh ta không cảm thấy gì ngoài nỗi hoảng sợ cho những cử chỉ khác với bình thường, những lời nói không nằm trong mớ từ vựng trao đổi mỗi ngày. Bernard đã trở lại “đúng đường”, như những chiếc xe của anh ta đã được sản xuất. Anh ta cần phải tìm cho ra những vết rãnh có sẵn trên mặt đường. Và tối nay, khi được nhìn lại những vết rãnh quen thuộc ấy, trở về phòng ăn ở Saint-Clair, cuối cùng anh ta sẽ cảm thấy một cảm thức bình an, yên lành bao trùm.

“Bernard, tôi muốn được nói lời xin lỗi với anh một lần cuối cùng!”

Nàng nói câu này bằng một vẻ quá long trọng và không một chút hy vọng gì với cố gắng mở lại cuộc đối thoại. Nhưng Bernard phản đối: “Thôi đừng nhắc lại chuyện đó nữa.”

“Anh sẽ cảm thấy rất trống trải ở đó. Dù cho tôi đã rời khỏi rồi, nhưng vẫn còn chỗ của tôi. Có lẽ tốt nhất cho anh là tôi nên chết đi.”

Bernard khẽ nhún vai và vui vẻ bảo nàng xin “hãy vì tôi”, chớ có làm thế.

“Mỗi một thế hệ Desqueyroux đều có một ‘gã trai già’; tôi nghĩ mình là một trong số đó. Tôi có đầy đủ phẩm chất cần thiết mà (cô là người duy nhất sẽ không đồng ý với tôi). Tôi chỉ tiếc mình chỉ có một đứa con gái, bởi vì tên tôi rồi sẽ biến mất. Nhưng dù cho tôi và cô có sống chung với nhau, mình cũng không muốn có thêm đứa con nào. Thế nhé! Cuối cùng, mọi thứ đều tốt đẹp… Đừng đứng dậy, ngồi yên đấy!”

Bernard vẫy tay gọi một chiếc taxi, nhưng trước khi bước vào xe, anh ta đã vội vã quay lại nhắc Thérèse rằng anh ta đã thanh toán tiền nước xong rồi.

Thérèse chăm chú nhìn rất lâu vào giọt rượu còn sót lại trong chiếc ly của Bernard, rồi bắt đầu ngó mông quan sát các khuôn mặt khách bộ hành đi ngang qua. Có người như đang chờ một ai đó, bước một vòng rồi lại quay trở lại. Một phụ nữ đi qua hai bận và mỉm cười với Thérèse (cô ta là nhân viên một cửa hàng đâu đây hay chỉ trang phục giống như thế?). Lúc ấy là giờ các tiệm bán quần áo đóng cửa để cho nhân viên đi ăn trưa. Thérèse không nghĩ đến việc rời quán Café. Nàng không cảm thấy chút gì buồn chán. Nàng quyết định không gặp Jean Azevedo ngay trưa nay – và thở ra nhẹ nhõm với quyết định này, vì thực sự, nàng không cảm thấy muốn gặp cậu ta chút nào. Thêm nữa, lại phải nói chuyện, phải tìm cách cư xử ăn nói cho đúng với không khí chung quanh. Nàng biết Jean Azevedo, nhưng những người mà nàng muốn gặp lại là những người nàng chưa quen biết. Nàng chỉ biết họ là những người không đòi hỏi nàng phải nhiều lời. Thérèse không còn cảm thấy hãi sợ sự cô đơn nữa. Chỉ ở đây, nằm im bất động, đã là quá đủ. Như nàng đã từng tưởng tượng duỗi mình nằm dài trên bãi biển Midi, mặc cho kiến và chó vờn quanh; ở đây, nàng cảm thấy có một sự xao xuyến mơ hồ, một cảm giác nhộn nhạo nhẹ nhàng bò quanh cơ thể. Nàng bỗng cảm thấy đói bụng; nàng đứng dậy và nhìn thấy qua sự phản chiếu của cửa sổ kính tiệm Old England, bóng người phụ nữ trẻ. Cô ta vẫn còn đứng đó. Bộ quần áo được lựa chọn kỹ lưỡng để đi đường xa của Thérèse rất phù hợp với cơ thể nàng. Nhưng tuy vậy, vài thứ thừa thãi, dấu vết của những ngày buồn thảm ở Argelouse vẫn còn – hai gò má quá cao, cái mũi hếch. Nàng nghĩ: “Mình cũng chưa đến nỗi già lắm.” Nàng ăn trưa ở nhà hàng Rue Royal (nơi nàng thường đến trong những giấc mơ). Tại sao lại phải trở về khách sạn khi nàng không cảm thấy muốn về đó? Nhờ nửa chai rượu Pouilly, nàng thấy dâng lên trong người một cảm giác ấm áp dễ chịu. Nàng gọi thuốc lá. Một thanh niên ngồi ở bàn kế bên bật lửa châm thuốc cho nàng; nàng mỉm cười cám ơn. Con đường Villandraut đầy gió trải dài những ngọn thông hiểm ác – nghĩ đến chỉ mới một tiếng đồng hồ trước đây thôi, nàng đã có ý tưởng quay về lại đó ẩn mình, cùng với Bernard! Có gì khác nhau đâu, khi mình yêu phần đất này hay phần đất kia của đất nước, yêu cây thông hay yêu cây gỗ thích, yêu biển cả hay yêu đồng bằng? Với nàng bây giờ, chẳng có gì làm nàng quan tâm hơn chính sự sống, những con người bằng xương bằng thịt trước mặt. “Chẳng phải vì thành phố này được dựng lên từ những viên đá làm nàng yêu mến, cũng chẳng phải vì những bài giảng và các viện bảo tàng, mà là sự sống, sự dũng mãnh của niềm đam mê mạnh hơn bất cứ trận bão táp khủng khiếp nào. Tiếng thở than của những cây thông ở Argelouse sở dĩ làm ta xúc động là vì âm thanh của chúng nghe như tiếng thở của người.”

Thérèse đã khá say và hút thuốc hơi nhiều. Nàng mỉm cười với chính mình, giống hệt như một người đàn bà hạnh phúc vẫn làm. Nàng chăm chú tô lại đôi môi, dặm lại đôi má phấn; Nàng xuống đường, bước những bước đi vô định giữa hè phố Paris.

HẾT

Cảnh trong phim Thérèse của đạo diễn Claude Miller (2011) với nữ diễn viên Audrey Tautou

GHI CHÚ THÊM CỦA BẢN VIỆT NGỮ

Trong Ấn bản  Anh ngữ xuất bản năm 2005, có kèm theo ở cuối sách phần Phụ Lục. Đó là nội dung bản phác thảo đầu tiên của tác phẩm. Bản thảo mang tên: “Conscience, instinct divine” (Ý thức, một trực giác bản năng).

Bản Việt ngữ quyết định bỏ phần Phụ Lục nói trên, vì tin rằng không cần thiết cho một độc giả bình thường đến với tác phẩm chỉ với một mục đích duy nhất ĐỌC tác phẩm.

Nếu có độc giả nào muốn biết thêm về phần Phụ Lục này, xin đọc lại bài GIỚI THIỆU tác phẩm ở đầu sách của dịch giả bản Anh ngữ Raymond N. MacKenzie.

Tủ Sách điện tử T.Vấn & Bạn Hữu sẽ cho phát hành ấn bản điện tử của tác phẩm THÉRÈSE DESQUEYROUX vào đầu tháng 12 năm 2022.

Xin cám ơn quý độc giả đã theo dõi.

T.Vấn (bản Việt ngữ)

CHÚ THÍCH (III)

1.Lời Đề Từ trích từ bài thơ “Mademoiselle Bistouri” của Baudelaire trong tập “Paris Spleen” (Cơn phiền muộn Paris) (1869). Cô gái trẻ có tên được dùng làm nhan đề bài thơ, tìm cách mồi chài nhà thơ giữa đêm khuya Paris. Ngay lúc đó, nhà thơ biết cô gái bị mắc chứng điên khùng; cô ta có một mối ảm ảnh kỳ lạ với các bác sĩ; [tên cô gái: BISTOURI có nghĩa là dụng cụ y khoa – ghi chú của bản tiếng Việt]. Kết luận bài thơ, Baudelaire đã cầu nguyện cho cô được Thiên chúa chấp nhận, vì xét cho cùng, cô cũng là một tạo vật do Thiên chúa dựng nên.

2.Locusta  của thành Gaul, là một người sử dụng độc chất nổi tiếng dưới thời cai trị của hoàng đế Nero ở La Mã. Chính nàng đã đứng ra giám sát vụ đầu độc Claudius khiến ông này tử vong và dọn đường cho Nero lên ngôi. Mauriac so sánh Thérèse với Locusta, nhưng ông ao ước mình có thể biến nhân vật Thérèse thành bà thánh Locusta.

3.Peyrecave là tên của viên luật sư ở Bordeaux trong vụ án xét xử Madame Canaby.

[Câu chuyện về nhân vật Thérèse có gốc rễ sâu xa trong chính cuộc đời của Mauriac. Vào những năm 1905-1906, ở Bordeaux, báo chí hàng ngày ra rả về vụ tai tiếng liên quan đến Madame Henriette-Blanche Canaby. này bị kết tội là đã mưu toan đầu độc chồng và giả mạo các toa thuốc kê khai những chất độc hại – Aconite (phụ tử), digitalis (mao địa hoàng), và Chloroform (chất gây mê). Chồng bà vốn đang được điều trị bằng một loại thuốc được bác sĩ kê toa hợp lệ, gọi là phương pháp điều trị Fowler – một loại thuốc nước tổng hợp, trong đó có một lượng nhỏ chất thạch tín (arsenic). Đột nhiên, ông chồng trở bệnh nặng hơn. Dần dà, các bác sĩ chẩn quyết là ông ta bị đầu độc bằng  chất thạch tín. Nhưng bệnh nhân từ chối khẩu cung buộc tội vợ mình. Mặt khác, người ta không tìm thấy những loại chất độc khác trong cơ thể bệnh nhân. Tất nhiên, toàn bộ những tình tiết này được Mauriac sử dụng trong câu chuyện nói về vụ đầu độc Bernard của tiểu thuyết Thérèse Desqueyroux. Madame Canaby được tha bổng tội danh âm mưu đầu độc chồng, nhưng bị án tù 15 tháng vì tội giả mạo công chứng thư. 20 năm sau, khi Mauriac sáng tác quyển tiểu thuyết của mình, rất nhiều những chi tiết – ngoại trừ việc bà Canaby bị phạt tù – đã tìm được cách có mặt trong quyển sách của Mauriac.].

4.Hippolytus là một anh thợ săn trẻ trong tác phẩm Phaedra của Jean Racine (1677), một câu truyện thần thoại cổ Hy Lạp được cách tân và Phaedra được coi như một tác phẩm bậc thầy vĩ đại nhất của văn học Pháp. Hippolytus là con trai của Theseus và là con chồng của Phaedra. Trong lúc Theseus vắng nhà, Phaedra đã đem lòng say mê cuồng nhiệt đứa con của chồng. Sau đó, cả hai đều bị giết. Racine đã tạo vài biến thể quan trọng so với nguyên gốc câu truyện: Chàng trai trẻ của Racine phải lòng công chúa Aricia. Biết được việc này, Phaedra nổi cơn ghen tuông dữ dội. Trong thần thoại Hy Lạp, viết bởi Euripides, không có nhân vật Aricia. Hippolytus là người hâm mộ Artemis, vị nữ thần của sự trinh bạch và chàng ta chỉ có thú say mê săn bắn.

5.Paul De Kock (1794-1871) là một tiểu thuyết gia tác giả của rất nhiều tác phẩm. Tiểu thuyết của ông phần nhiều thiên về hài hước, thông tục, ít nhận được sự kính trọng của các nhà phê bình.

Causeries de lundi là những bài báo đăng nhiều kỳ rất được ưa chuộng, chủ yếu có tính cách phẩm bình và tiểu sử cá nhân, tác giả là Charles-Augustin Sainte-Beuve (1804-1869).

The history of the Consulat (một thời kỳ dưới triều đại trị vì của Napoleon), tác giả là Adolphe Thiers (1797-1877);

Các tác phẩm nhắc đến ở đây đều có một lượng độc giả rất lớn. Mục đích của việc liệt kê ra ở đoạn này tên các quyển sách mà Thérèse đọc nhằm cho thấy tính cách pha tạp của kiến thức mà nàng có được từ sách vở – và có lẽ, cũng là một hình thức thủ tục: liệt ra cho có.

6.Đám cưới của Gamache, hoặc Camacho, là một đoạn trong phần hai của tác phẩm Don Quixote của Cervantes mà sau này nhiều vở kịch múa Ballet đã dựa vào đó để thực hiện. Gamache là một điền chủ giàu có; đám cưới của anh ta thể hiện sự giàu có đó, với nhiều cảnh múa hát và hóa trang. Do đó, trong đoạn văn này, sự bóng gió của Thérèse hàm ý mỉa mai. Mỉa mai hơn nữa là ở đám cưới của Gamache, cô dâu – cũng xanh xao tội nghiệp như Thérèse  – đã bỏ chú rể đi theo một chàng trai khác, người yêu thực sự của mình, nhưng rất nghèo; ở đây, sự tương phản với tình cảnh của Thérèse đã được nhấn mạnh.

7.Quyển sách hướng dẫn du lịch của nhà buôn sách người Đức Karl Baedeker (1801-1859), cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn được nhiều người sử dụng. Vì thế, tên của Baedeker đã được hiểu như những gì liên quan đến sự hướng dẫn đi du lịch.

8.The Book of Good Stories là một loại sách giáo khoa Mauriac đọc khi còn là một cậu bé, mặc dù sách dành cho con gái đọc. Một trong những tác giả chính của quyển sách là Zénaide Fleuriot (1829-1890); những câu chuyện dành cho đàn ông của Fleuriot đã làm cho Mauriac bối rối mỗi khi nhắc đến.

9.Pierre-Jean de Béranger (1780-1857) là một nhà thơ có tư tưởng chống đối giáo hội, chống đối chế độ quân chủ; tác phẩm của ông rất được ưa chuộng trong thế kỷ 19. Sự thô tục trong những bài nhạc ông viết đã đem đến cho ông số người nghe rất lớn.

10.Charles de Foucauld (1858-1916) là một tu sĩ thuộc dòng tu khắc khổ Luyện Tâm (Trappist); ông sống ở Algeria như một ẩn sĩ, và sau đó tuẫn đạo.Một quyển sách tiểu sử về Foucauld được René Bazin xuất bản năm 1921.

11. Cách điều trị này được đặt theo tên của người phát minh ra nó, viên bác sĩ người Anh Thomas Fowler (1736-1801). Ông là người đầu tiên chủ xướng việc pha trộn một số lượng nhỏ thạch tín dùng trong việc chữa bệnh tim.

12.Tên của cặp vợ chồng người quản gia giúp việc trong nhà, lẽ ra có thể gọi là Madame Balion để ám chỉ người vợ. Nhưng để phân biệt với người chồng, người ta thêm tiếp vĩ ngữ giống cái: Balionte.

13.Vụ việc Dreyfus: Alfred Dreyfus, một viên đại úy người Do thái trong quân đội Pháp. Năm 1894, ông bị kết tội là đã tiết lộ những bí mật quân sự cho người Đức. Đa số công chúng tin rằng Dreyfus vô tội. Và sau đó, người ta phát giác ra kẻ phạm tội là thiếu tá Esterhazy. Ông này được tòa án quân sự tha bổng. Vụ việc gây nên một tranh cãi xoáy quanh lòng yêu nước (rằng liệu người ta có phải ủng hộ quân đội và quan điểm của giới này) cho dù có ngược lại với sự thực. Khi ấy, gốc gác Do Thái của Dreyfus đã bị đem ra mổ xẻ. Cuộc tranh cãi đã khiến nước Pháp bị chia rẽ trầm trọng và kéo dài. Trong tiểu thuyết của Mauriac, bà cô Clara có tinh thần cấp tiến hiển nhiên đứng về phe cương quyết cho là Drefus vô tội, trong khi đó phe bảo thủ – và bài Do Thái – tức gia đình Desqueyroux,  luôn nói ngược lại.

14.Câu nói này được dựa theo một đoạn văn nổi tiếng trong tiểu luận của Michel de Montaigne: “Về tình bằng hữu” ra đời trong khoảng thời gian giữa 1572 và 1580. Montaigne cố gắng dài dòng phân tích tại làm sao ông cảm thấy có tình bạn bè với Etienne de la Boétic và cuối cùng kết luận rằng, cơ hội cho một tình bạn như thế chiếm một vai trò quyết định: Họ quý mến nhau, đơn giản là  ‘bởi vì đó là anh ấy, bởi vì đó là tôi’. Bài tiểu luận đã được Thérèse học trong trường.

15.Đây là một trong những chỗ cho thấy, hồi ức của Thérèse thực ra là hồi ức của Mauriac. Ở đoạn này, Mauriac nhớ lại một chương nói về kẻ sát nhân bị săn đuổi Daguerre trong tác phẩm Nouveaux mémoire intérieuxs (Paris: Flammarion, 1965, p. 59). Ông cũng nhớ lại chi tiết một trong những con chó của gia đình Mauriac đã phát hiện ra Daguerre.

16.Kiểu tóc cắt theo “ông hoàng Edward đệ Ngũ” (Prince Edward V) là một kiểu tóc thời trang cho con trai ở cuối thế kỷ 19, dựa theo sự mô tả nổi tiếng về ông hoàng Edward V của Paul Delaroche (1836) trước khi ông này bị hành hình.

17.The Prisoner of Poitiers, ám chỉ một chuyện có thật đã làm cả nước Pháp kinh hoàng vào năm 1901: Cảnh sát phát hiện ra một phụ nữ 52 tuổi tên là Mélanie Bastian đã bị gia đình giam giữ trong phòng ngủ của mình suốt 25 năm. Hình chụp và bản vẽ cho thấy hình ảnh một người đàn bà gầy gò, hốc hác, tiều tụy đến đáng sợ (và tất nhiên, đến lúc này bà không còn tỉnh táo nữa) phủ đầy các trang báo ngày. André Gide có viết một bản nghiên cứu về trường hợp này, nhan đề: La séquestrée de Poitiers; Bản nghiên cứu này đã được in lại (Paris: Gallimard, 1998) kể cả những hình ảnh liên quan nên hẳn Bernard đã được xem. Quyển sách của Gide mới đây cũng đã được dịch (sang tiếng Anh) bởi Benjamin Ivry và được gộp chung một tuyển tập, nhan đề: Judge Not (Champaign: university of Illinois Press, 2003).

Bài Mới Nhất
Search