T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

THÉRÈSE DESQUEYROUX – CHƯƠNG MƯỜI MỘT

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Đêm hôm đó, Bernard và Thérèse trở về lại căn nhà của gia đình Desqueyroux ở Argelouse, vốn đã nhiều năm không có người cư ngụ. Ống thông khói bám đầy mụi than tích lũy lâu ngày; các cánh cửa sổ hở trước hở sau; gió bên ngoài tha hồ thốc vào nhà theo những lỗ hổng chung quanh nhà do lũ chuột gặm phá. Nhưng năm đó, mùa thu quá quyến rũ khiến Thérèse không để ý nhiều đến những bất tiện của căn nhà cũ kỹ. Bernard mải mê đi săn cho đến tối mịt mới về nhà. Và khi vừa bước vào bếp là anh ta vội ngồi xuống bàn ăn tối với vợ chồng người quản gia Balion; Thérèse có thể nghe được tiếng nĩa muỗng chạm nhau và giọng nói đơn điệu của họ. Ngày tháng Mười đi qua rất nhanh, chớp mắt đã thấy màn đêm buông xuống. Mấy quyển sách mang theo từ căn nhà cũ nàng đã đọc hết. Bernard không buồn đáp lại khi nàng yêu cầu anh ta đặt mua thêm sách từ một nhà sách ở Bordeaux. Anh ta chỉ bằng lòng cung cấp thuốc lá cho nàng, không bao giờ để thiếu. Nàng muốn bỏ thêm than vào lò sưởi, nhưng khói có mùi nhựa thông thổi ngược lại khiến cổ nàng – vốn đã bị sưng tấy vì khói thuốc -, ngứa ngáy. Sau khi bữa ăn rất nhanh chóng của nàng được Balion dọn đi, Thérèse tắt đèn và lên giường nằm. Mỗi đêm, nàng phải chờ hàng nhiều tiếng đồng hồ cho giấc ngủ tìm đến. Sự tĩnh lặng của Argelouse đã khiến nàng không thể ngủ được. Nàng thích những đêm trời gió hơn – âm thanh mơ hồ nghe như tiếng van vỉ từ trên những chóp cây dường như có ẩn giấu trong đó một chút gì dịu dàng của tình người. Chúng đã giúp nàng đi vào giấc ngủ nhanh chóng hơn. Và cứ như thế, thời tiết bất thường của những đêm thu phân đã là người bạn đồng minh của nàng giữa bóng tối dằng dặc của rừng thông.

Ôi những đêm dài vô tận của người phụ nữ bất hạnh. Dù vậy, mỗi chiều nàng phải vội vã về nhà trước khi trời tối, chỉ để thấy một người mẹ – vừa nhác thấy bóng mình – đã vội giật tay đứa con trai đẩy nó vào trong; hay lời chào hỏi nàng gởi đến một cậu bé chăn cừu quen biết, đã không hề nhận được một lời đáp lại.

Ôi thật tuyệt vời làm sao khi có thể tự mình chìm nghỉm mất tăm trong dòng người vô tận của đường phố đông đúc. Ở Argelouse, không một mục đồng nào không biết đến những lời truyền tụng về nàng (ngay đến cái chết của bà cô Clara cũng được cho là chính nàng gây ra). Chưa một lần nàng dám đi ngang qua trước cửa nhà một ai; ra khỏi nhà bằng cửa hông để tránh không cho các nhà khác nhìn thấy; một tiếng xe đi trên đường từ xa cũng đã đủ khiến nàng phải mau chóng tìm một lối đi khác. Lúc nào nàng cũng bước vội vã, như thể một con thú đang bị săn đuổi; và những lùm cây rậm rạp luôn là chỗ ẩn náu của nó.

Vào những chủ nhật, khi dự lễ ở nhà thờ Saint-Clair, nàng cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút. Thái độ của mọi người nơi đây có vẻ nghiêng cảm tình về nàng nhiều hơn. Thérèse không biết rằng, cha nàng và cả gia đình de la Traves đã vẽ nên một hình ảnh khác về nàng trong tâm trí dân tình thành phố. Rằng nàng là một nạn nhân vô tội của những lời đồn đại vô cớ về nàng: “Chúng tôi e là cô gái tội nghiệp ấy khó lòng hồi phục được. Cô ấy không muốn gặp gỡ bất cứ ai. Các bác sĩ bảo rằng hãy để cho cô ấy yên. Bernard chăm sóc vợ rất tử tế nhưng cô ấy đã bị thương tổn cả về thể xác lẫn tâm hồn . . .”

Vào buổi tối cuối cùng của tháng Mười, một trận gió dữ dội thổi vào từ vùng biển Đại Tây Dương làm ngã rạp cả rừng cây; khi ấy, Thérèse vẫn còn nửa thức nửa ngủ, nằm lắng nghe tiếng gầm rú của đại dương. Nàng trở dậy, kéo hé tấm mành cửa sổ, nhưng căn phòng vẫn tối mịt: những hạt mưa mỏng nhỏ từng giọt trên cái nền lót gạch bên ngoài và trên những tán lá dầy đặc của mấy cây sồi già. Hôm nay, Bernard không đi ra ngoài. Thérèse rít hơi thuốc cuối, vất tàn qua một bên, đi ra ngoài hành lang, lắng nghe tiếng bước chân chồng đi qua đi lại ở tầng dưới đất. Một mùi thơm của tẩu thuốc bay vào phòng, át hẳn cả mùi thuốc lá Thérèse vừa hút. Nàng chợt nhớ lại cái mùi khó quên của một cuộc đời cũ đã qua. Ngày đầu tiên của mùa màng ẩm ướt . . . Làm sao nàng có thể sống qua được những ngày tháng ảm đạm sắp tới, trong căn phòng cũ kỹ, với cái lò sắp tàn lửa? Chung quanh các góc nhà, những bức tường giấy dán sắp sửa bung ra vì độ ẩm thấp. Đây đó, dấu vết những bức hình gia đình cũ – mà Bernard đã gỡ ra đem về trang trí trong căn phòng của mình ở Saint-Clair – vẫn còn đó, cùng với những cây đinh rỉ sét giờ trơ trọi chìa ra xấu xí. Trên mặt lò sưởi, một cái khung lớn làm bằng đồi mồi giả có gắn 3 bức hình gia đình; nước hình đã mờ nhạt, như thể những người hiện diện trên đó đang hấp hối một lần thứ hai: cha của Bernard, bà nội của anh ta, và một bức hình của cậu bé Bernard tóc cắt theo kiểu ông hoàng Edward đệ Ngũ (16).

Một ngày trước mặt sẽ phải sống qua, rồi những tuần, rồi những tháng  . . .

Khi đêm xuống, không thể chịu đựng hơn được nữa, Thérèse lặng lẽ mở cửa đi xuống bếp. Nàng thấy Bernard đang ngồi trên chiếc ghế thấp cạnh lò sưởi. Thấy nàng, anh ta bật dậy, vẻ ngạc nhiên. Balion ngừng tay lau khẩu súng săn; vợ hắn ta, Balionte, để rơi cuộn len đan. Tất cả nhìn Thérèse với một vẻ khiến nàng phải hỏi:

“Tôi làm mấy người sợ lắm phải không?”

“Cô không được phép vào trong bếp. Bộ cô không biết điều đó à?”

Thérèse không trả lời, quay lưng đi về phía cửa. Bernard gọi giật lại.

“Nhân tiện cô ở đây – tôi muốn thông báo cho cô biết rằng sự hiện diện của tôi ở nhà này không còn cần thiết nữa. Chúng tôi đã tạo được một không khí thuận lợi ở Saint-Clair rồi. Người ở đó nghĩ là, hoặc giả vờ nghĩ là, cô mắc chứng suy nhược thần kinh. Ai cũng hiểu, cô thích sống một mình. Tôi sẽ ghé đây thăm cô thường hơn. Và kể từ nay, chúng ta không cần thiết phải đi lễ ngày chủ nhật nữa.”

Thérèse lắp bắp nói rằng nàng không thấy có gì khó chịu khi đi lễ ngày chủ nhật cả. Anh ta bảo không ai bận tâm đến việc làm cho nàng cảm thấy vui vẻ thoải mái hay không. Mục đích của việc đó bây giờ đã đạt được rồi.

“Vả lại, với cô, việc lễ lậy chẳng có một ý nghĩa gì đáng kể . . .”

Nàng mấp máy môi, định nói điều gì, nhưng lại im lặng. Anh ta nhắc lại rằng không một lời nói hay việc làm nào của nàng được phép làm ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch đã được thực hiện đến ngày hôm nay; cũng như rất may mắn thời gian qua mọi việc đã tiến triển rất nhanh và không xẩy ra một bất ngờ nào. Nàng hỏi thăm về bé Marie. Anh ta cho biết cô bé rất khỏe mạnh; ngày mai, bé sẽ đi Beaulieu với Anne và Madame de la Trave. Riêng anh ta, cũng sẽ đến đó ở một vài tuần, có thể hai tháng không chừng. Rồi anh ta mở cửa bếp, đứng né sang một bên, chờ cho nàng bước ra.

Sáng hôm sau, trong lúc trời còn tối, Thérèse nghe tiếng Balion buộc dây ngựa. Rồi đến tiếng của Bernard, âm thanh móng ngựa gõ trên mặt đường, tiếng bánh xe lăn rào rạo trên nền đất. Rồi sau đó là tiếng những giọt mưa, rơi trên nền lót gạch, trên những cửa sổ mờ căm, trên những cánh đồng lúa mạch hoang vắng, trên hàng trăm ki lô mét vuông những bình nguyên, những đầm lầy, trên những đụn cát vàng, trên mặt đại dương mênh mông.

Thérèse châm một điếu thuốc mới từ đầu mẩu cũ còn đang cháy. Khoảng 4 giờ sáng, nàng khoác áo và bước ra đi bộ trong mưa. Tuy vậy, vì vốn sợ bóng đêm, nàng vội quay trở về phòng. Lửa ở lò sưởi đã tắt ngúm từ lâu. Run rẩy vì lạnh, nàng leo lên giường. Khoảng 7 giờ sáng, Balionte mang vào bữa ăn sáng gồm trứng chiên và mấy miếng giăm bông, nhưng nàng thoái thác không ăn. Vị mỡ khô làm nàng muốn buồn mửa. Lúc nào cũng vậy, chỉ có gan bầm hoặc giăm bông. Balionta cho biết nhà không có gì ngon hơn hai thứ đó; ngoài ra, Monsieur Bernard cấm không cho giết gia cầm. Mụ ta luôn than phiền rằng Thérèse bắt mình cứ phải đi lên đi xuống cầu thang mà không có lý do gì chính đáng (mụ mắc bệnh tim và bị sưng chân); rằng Thérèse đã khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn cho mụ; và rằng mụ phục vụ như vậy là đủ làm hài lòng Monsieur Bernard.

Đêm đó, Thérèse lên cơn sốt. Và trong cái đầu sáng suốt một cách lạ lùng, nàng dựng nên  cuộc sống của mình ở Paris. Nàng vào lại nhà hàng ở khu rừng mà nàng đã từng bước chân đến, nhưng lần này là với Jean Azevedo và vài phụ nữ trẻ chứ không phải Bernard.  Thérèse để hộp đựng thuốc bằng đồi mồi của mình lên bàn và đốt một điếu Abdullah. Nàng say sưa phát biểu trong lúc ban nhạc chơi nhè nhẹ. Đám cử tọa chung quanh nàng nghe nàng nói với vẻ mặt chăm chú nhưng không có ai tỏ vẻ ngạc nhiên. Một phụ nữ nói: “Giống như tôi… Tôi cảm thấy hệt như thế.” Một nhà văn nói riêng với nàng: “Bà nên viết xuống tất cả những gì ở trong đời sống nội tâm của bà. Chúng tôi muốn xuất bản một tập nhật ký ghi chép tâm tư của người phụ nữ hôm nay trong tạp chí của chúng tôi.” Một thanh niên trẻ đang say đắm nàng dẫn nàng ra xe của hắn. Họ nhắm hướng khu rừng đi tới. Nàng không cảm thấy bị quấy rầy chút nào mà, trái lại, còn tỏ ra thích thú với thân xác nóng bỏng vì lửa yêu của chàng trai. Nhưng nàng bảo anh ta: “Không, tối nay thì không được. Em bận ăn tối với một người bạn gái.” “Vậy thì tối mai nhé?” “cũng không thể!” “Không có tối nào em rảnh rỗi sao?” “Hầu như vậy – anh có thể nói không bao giờ nhé!”

Có một người nào đó hiện hữu trong cuộc đời của nàng. Người ấy khiến cho tất cả mọi người khác trở nên vô ý nghĩa. Một người mà những người quanh nàng không ai được biết tới, một người rất khiêm tốn, hèn mọn, thậm chí vô danh tiểu tốt. Nhưng toàn bộ sự tồn tại của Thérèse xoay chung quanh vầng mặt trời này chỉ có thể nhìn thấy bởi nàng và chỉ sưởi ấm thân xác nàng mà thôi. Paris đang thì thầm, âm thanh nghe như tiếng gió thổi trên đầu các ngọn thông. Cơ thể người đàn ông đời nàng đang xiết chặt lấy cơ thể nàng, thật nhẹ, thật dịu dàng, như lấy đi của nàng hơi thở. (Thérèse ra điệu bộ như đang ôm lấy chàng, bàn tay phải của nàng bíu chặt vai trái – và những chiếc móng tay nhọn hoắt của bàn tay trái như muốn cào nát bờ vai phải của nàng.)

Nàng nhổm dậy, đi chân không ra mở cánh cửa sổ: Bóng tối không lạnh lẽo lắm, nhưng liệu nàng có thể tưởng tượng một ngày nào đó trời sẽ ngưng mưa? Không, trời sẽ mưa cho đến ngày tận cùng của thế giới. Nếu có tiền, nàng có thể sống được ở Paris; Nàng sẽ đến gặp mặt Jean Azevedo, thú thật hết mọi chuyện với cậu ta và nhờ cậu ta tìm hộ một việc làm.

Trở thành một phụ nữ độc thân ở Paris, tự mình kiếm sống lấy, không lệ thuộc một ai . . . Trở thành kẻ vô gia đình! Để mặc cho con tim mình giao du với những người do chính mình lựa chọn – không phải vì có quan hệ máu mủ mà vì tính cách con người, mà vì chính thân xác của những người ấy nữa; và khám phá ra những người gọi là bà con họ hàng thực sự, dù họ không nhiều và sống tản mác đó đây.

Cuối cùng, nàng ngủ thiếp đi. Cánh cửa sổ vẫn mở. Ánh sáng bình minh đầy giá lạnh ẩm ướt đã đánh thức nàng dậy. Răng đập vào nhau vì run rẩy, nàng thậm chí không thể đứng dậy được để đóng lại cửa sổ. Và hai cánh tay nàng tê dại, không duỗi ra được để kéo tấm chăn đắp lên người.

Ngày hôm đó, Thérèse không ra khỏi giường, cũng không gội đầu hay chải tóc. Nàng cố nuốt vài miếng gan heo bằm và nhấp mấy ngụm cà phê để có thể hút thuốc (nàng không thể hút khi bụng trống rỗng). Nàng cố tìm cách diễn lại cuộc sống tưởng tượng đêm hôm trước; ngày lặng lẽ trôi qua, không một âm thanh nào nghe được trong căn nhà; tuy mới buổi trưa, mà bóng tối cũng không kém phần đặc sệt như đêm. Suốt những ngày ngắn nhất trong năm, những cơn mưa lớn cứ nối tiếp nhau làm khó phân biệt được thời gian, thế nên có vẻ như chỉ có đêm tối thay nhau trong sự tĩnh lặng rợn người.

Thérèse không cảm thấy muốn ngủ chút nào. Những tưởng tượng huyễn hoặc của nàng ngày càng trở nên đặc thù hơn. Từng bước một, nàng lục tìm trong qúa khứ những khuôn mặt đã bị lãng quên từ lâu, những nụ cười dễ ưa nàng chỉ thấy từ xa, những thân xác mơ hồ của những gặp gỡ ngẫu nhiên, – những gặp gỡ ngẫu nhiên chỉ xẩy ra trong mơ khi nàng còn là con gái thể xác ngây thơ trong trắng chưa một vết lấm của bụi đời. Từ những mảnh vụn vỡ ấy, nàng sắp xếp chúng lại theo ý mình để tạo nên một thứ hạnh phúc rất riêng, niềm vui rất riêng, đến độ chúng không thể nào có thật trong đời thường.

Ngay sau khi thời kỳ hỗn loạn này của nàng, Balionte ỉ ôi với chồng:

“Bà ấy không ra khỏi giường một bước nữa rồi. Bả cũng không thèm đụng đến thức ăn em mang đến. Nhưng em hứa với anh là bả không chê rượu. Anh đem vào chai nào là bả uống cạn chai đó. Bả còn để rơi tàn thuốc lá xuống cả chăn mền. Có ngày bả sẽ thiêu rụi cả căn nhà này thôi. Hút thuốc gì mà kinh khiếp, mấy đầu ngón tay và móng tay của bả vàng ệch như là nhúng tay vào sơn vậy đó. Thiệt hết sức kinh khủng – Cũng may ở nhà này mình dệt được chăn mền. Không biết rồi em phải thay bao nhiêu lần chăn mền nữa.”

Mụ ta còn giải thích thêm rằng mụ cũng muốn vào dọn phòng, thay chăn mền giường chiếu cho Thérèse lắm chứ. Nhưng cái bà chết tiệt ấy không chịu ra khỏi giường. Vì thế, với đôi chân sưng vù của mình, mụ ta bận chườm chúng bằng nước nóng mỗi tối nên cũng không còn thì giờ đâu mà lo việc đó cho bà ấy. Sở dĩ mụ biết được những điều này là vì, mỗi buổi tối, mụ thấy những thứ thức ăn mình mang đến trong ngày cho Thérèse đều còn y nguyên ngoài cửa phòng; nàng không hề đụng tay vào.

Những ý tưởng trong đầu Thérèse đã bắt đầu tách rời ra khỏi cái thân xác nàng tạo ra để phục vụ cho niềm hạnh phúc tưởng tượng của mình; nàng cảm thấy đã được thỏa mãn, hay đúng hơn là chán chê cái lạc thú không có thật – vì thế, nàng nghĩ ra một trò chơi mới. Có ai đó đang quỳ bên giường nàng. Một đứa trẻ ở Argelouse (cái đứa bé đã chạy trốn khi thấy bóng dáng nàng) được người ta mang đến phòng nàng trong tình trạng hấp hối. Nàng chìa bàn tay bám đầy chất nicotin vàng ệch sờ vào người nó. Thằng bé đứng dậy, hoàn toàn khỏe mạnh vì đã được chữa khỏi. Nàng còn sáng chế ra thêm nhiều trò khác, nhưng ít huyễn hoặc hơn: nàng tưởng tượng ra mình đang trang trí một căn nhà ở cạnh bờ biển; nhà có khu vườn, có ban công nhìn ra biển, và có nhiều phòng ốc cần được sắp xếp làm sao cho phù hợp với các đồ đạc nàng lấy từ căn nhà ở Saint-Clair về đây, thậm chí nàng còn tự tranh cãi với mình về loại vải nào dùng làm màn che cửa sổ. Rồi bỗng nhiên toàn cảnh ngôi nhà rời ra thành từng mảnh, không còn mang một hình thù gì, cho đến khi chỉ còn là một lùm cây trên đỉnh ngọn đồi nhìn ra mặt biển. Thérèse thấy mình ngồi dậy, tựa cằm vào vai người đàn ông; bỗng nàng nghe tiếng đồng báo đã đến giờ ăn tối, bèn đến ngồi dưới bóng che của lùm cây; có ai đó đi bên cạnh nàng, đột nhiên vòng tay ôm lấy nàng và kéo nàng sát vào người ấy. Nàng nghĩ một nụ hôn hẳn sẽ làm thời gian ngưng lại; và trong tình yêu, chỉ một giây thôi cũng đã là vĩnh cửu. Nàng chỉ tưởng tượng như thế, nhưng nàng sẽ không bao giờ được biết tới. Nàng nhìn thấy căn nhà, vẫn căn nhà màu trắng, và bên cạnh là cái giếng nước cọt kẹt âm thanh tiếng máy bơm cùng với hương thơm toát ra từ bụi hoa gần đó làm ngào ngạt một góc sân. Bữa ăn tối sẽ là thời gian tạm trì hoãn chờ cho hạnh phúc của buổi chiều chiếm ngự; và khi bóng đêm đến, nó vĩ đại quá nên không thể nào nàng trực diện nhìn thẳng vào đêm như ý nàng muốn được; và tất nhiên, điều ấy vượt quá xa sức mạnh của con tim mà nàng chiếm hữu. Đó là thứ tình yêu mà Thérèse mong đợi; nó đã hành hạ nàng đau đớn hơn bất cứ một sinh vật nào; nó chiếm hữu nàng, thâm nhập vào từng thớ thịt mạch máu của nàng. Nàng không thể nào nghe được tiếng càu nhàu của Balionte. Mụ quản gia già ấy rống lên cái gì vậy? mụ ấy nói Monsieur Bernard có thể trở về bất cứ lúc nào mà không báo trước: “Ổng sẽ nói gì khi nhìn thấy căn phòng như thế này? Nó giống như cái chuồng bò! Madame phải ngồi dậy, ra khỏi giường; nếu không sẽ phải lôi bả dậy.”

Ngồi trên giường, Thérèse nhìn một cách sững sờ đôi chân gầy nhom và hai bàn chân sưng tấy lên trông to lớn một cách dị thường. Balionte lấy một chiếc áo ngủ choàng lên người Thérèse và đẩy nàng ngồi vào ghế bành. Nàng quờ tay tìm thuốc lá, nhưng chỉ cảm thấy một khoảng trống chung quanh. Ánh nắng mặt trời lạnh lẽ xuyên qua cửa sổ. Trong khi đó, mụ quản gia tay cầm chổi, miệng thở không ra hơi, vẫn cứ tiếp tục nhặng xị ầm ĩ về sự vất vả của mình, – gia đình vẫn thường khen Balionte, mụ là một người tốt bụng; chẳng thế mà vào dịp Giáng Sinh, mụ đã khóc khi người ta đem làm thịt con lợn chính tay mụ ta nuôi dưỡng. Mụ không muốn Thérèse đáp lại bất cứ điều gì mụ nói; mụ cho rằng làm như thế tức là mụ sỉ nhục nàng, khinh bỉ nàng.

Nhưng đâu phải Thérèse là người có quyết định nói hay không nói. Khi nàng ngửi thấy mùi thơm của tấm chăn mới giặt phủ lên người, nàng tưởng mình đã thốt được hai chữ cám ơn, nhưng thực ra không có một âm thanh nào thoát khỏi môi nàng. Trước khi ra khỏi phòng, Balionte còn quay lại xỉa xói: “Bà đừng có làm cháy chăn mền nữa nhé!”. Thérèse sợ mụ ta dọn sạch cả thuốc lá, nên vội chồm người tìm kiếm: không còn điếu nào sót lại. Làm sao nàng có thể sống thiếu thuốc lá đây? Những ngón tay nàng đã quá ghiền cảm giác chạm vào cái vật nhỏ xíu khô khốc đến nóng bỏng ; mũi nàng cần phải được ngửi mùi khói thuốc; căn phòng cần phải được chìm đắm trong lớp sương mù để nàng có thể hít đầy lồng ngực rồi khoan khoái thở ra bằng miệng nàng. Phải đến chiều, mụ ta mới quay trở lại – có nghĩa là suốt buổi trưa nay nàng sẽ không có thuốc lá! Thérèse nhắm mắt lại thở dài, mấy ngón tay vàng khè làm động tác quen thuộc như thể đang cầm điếu thuốc lá.

Lúc 7 giờ tối, Balionte vào phòng, một tay cầm đèn, một tay cầm một cái khay, trên đó có: sữa, cà phê, một mẩu bánh mì. “Nào, bà không cần gì khác nữa phải không?” Mụ nói với đầy ác ý, nghĩ rằng nàng sẽ bảo cần thuốc lá; nhưng Thérèse vẫn giữ nguyên vị trí nằm quay mặt vào tường.

Hôm đó, Balionte quên không đóng chặt cửa sổ nên một luồng gió mạnh đã thổi bật tung cánh cửa. Không khí ban đêm lạnh lẽo đã tràn ngập căn phòng. Thérèse lại không thể tự mình tung chăn ngồi dậy, đi chân không ra đóng cánh cửa sổ đang mở toang. Dưới tấm chăn đắp chỉ chừa đôi mắt, thân thể nàng co rúm lại, bất động, và cảm giác trán mình cùng với hai mi mắt đang bị đóng băng.

Âm thanh rì rào trên những rặng thông bao trùm Argelouse, nhưng dù cho có tiếng ầm ào mạnh mẽ như sóng biển ngự trị, vẫn hiện hữu một sự tĩnh lặng rất Argelouse muôn thuở. Thérèse chợt nghĩ, nếu nàng là người chỉ tìm thấy niềm vui trong sự đau khổ, thì cũng chẳng nên đắp chăn thật kín mít như thế này. Nàng thử đẩy bớt tấm chăn ra một chút nhưng chỉ vài giây thôi nàng biết mình không thể chịu đựng được cái lạnh khủng khiếp. Sau đó, nàng thử một lần nữa, và thấy mình có thể chịu đựng thêm vài giây lâu hơn. Giống như một trò chơi đánh đố.

Không một chủ ý tính toán hay vô thức tự nguyện, giờ đây nỗi buồn của đời nàng đã trở thành như một thứ căn nghiệp – và biết đâu đấy? – là một lý do chính đáng cho sự tồn tại của nàng trong thế giới này.

(Còn Tiếp)

CHÚ THÍCH:

16.Kiểu tóc cắt theo “ông hoàng Edward đệ Ngũ” (Prince Edward V) là một kiểu tóc thời trang cho con trai ở cuối thế kỷ 19, dựa theo sự mô tả nổi tiếng về ông hoàng Edward V của Paul Delaroche (1836) trước khi ông này bị hành hình.

Bài Mới Nhất
Search