T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

THÉRÈSE DESQUEYROUX – CHƯƠNG MƯỜI

CHƯƠNG MƯỜI

Phía tầng dưới của căn nhà, Thérèse vẫn ngồi yên giữa bóng tối. Dưới lớp tro của đám lửa đã tàn trong lò sưởi, vẫn còn lấp lóe vài mẩu than cháy dở. Từ dưới tận cùng những hồi ức, một vài mảnh vụn trong một chuỗi những lời thú tội Thérèse chuẩn bị trong suốt cuộc hành trình chập chờn trước mắt nàng, nhưng giờ thì đã quá muộn. Nhưng sao lại tự trách mình đã không thổ lộ những lời tha thiết ấy? Vấn đề là câu chuyện được xây dựng rất tình tiết trước sau ấy đã không có một chút gì liên quan đến thực tại. Tầm quan trọng của câu chuyện mà nàng quan tâm đến lại chỉ nằm ở những lời thốt ra từ cửa miệng của cậu trai Jean Azevedo. Thật là ngu ngốc cho nàng! Nàng làm như đó mới là thứ người ta chú ý đến. Không, nào phải như vậy. Thực ra, nàng chỉ tuân theo một thứ quy luật bắt rễ rất sâu, không thể lay chuyển được. Thế nên, nàng không hề hủy hoại gia đình, mà ngược lại, nàng là người đã bị hủy hoại. Họ đã đúng khi xem nàng là một con quái vật, nhưng nàng cũng có quyền nhìn họ như là những con quái vật nữa. Nếu không có điều gì xẩy ra để ngăn chặn, nàng sẽ bị họ nghiền nát một cách từ từ và tuần tự từng bước một.

“Kể từ ngày hôm nay trở đi, cỗ máy gia đình đầy quyền lực sẽ nghiền nát ta – vì ta không tìm ra được cách nào làm chậm lại bánh xe đang lăn hoặc đã không kịp nhảy ra ngoài đúng lúc. Thật vô ích nếu đi tìm một lý do nào khác cho việc này, ngoài lý do ‘Họ là họ mà ta là ta . . .’ (14). Tự che mặt mình lại, tự trốn chạy, đánh lừa họ – Ta đã cố làm những điều đó gần hai năm trời. Ta hình dung ra những kẻ khác, cũng ở trong trường hợp giống ta, kiên trì nhẫn nại ẩn náu trong đó cho tới chết, họ tập làm quen với hoàn cảnh, bị những thói quen làm cho mê muội, rồi dần dà ngủ quên trên bầu ngực bụ bẫm, đầy quyền lực của gia đình. Nhưng, với ta – với ta . . .”

Nàng nhỏm dậy, với tay mở cửa sổ, hơi lạnh buổi sáng ùa vào. “Sao lại không bỏ trốn nhỉ? Chỉ cần leo qua thành cửa sổ này . . . Họ sẽ đuổi theo bắt ta lại? Họ sẽ đưa ta ra tòa một lần nữa? Nhưng ta phải chấp nhận cái nguy cơ có thể xẩy ra đó. Sự gì xẩy ra cũng đều tốt hơn triển vọng phải ở đây chịu đựng đau khổ suốt đời.”

Thérèse kéo một chiếc ghế lại gần cửa sổ. Nhưng nàng không có một đồng dính túi. Hàng chục ngàn cây thông có thuộc về nàng cũng vô ích. Nếu Bernard không can thiệp, nàng chẳng thể nào bỏ túi dù một xu. Tốt nhất là nàng nên ẩn náu giữa chốn đồng quê, giống như tên sát nhân bị truy đuổi Daguerre mà thuở nhỏ Thérèse đã từng tội nghiệp cho hắn (15). Nàng còn nhớ Balionte đã đem rượu vang ra thết đãi mấy viên cảnh sát trong khu bếp căn nhà ở Argelouse. Và cũng nhờ một trong những con chó săn của gia đình Desqueyroux mà họ lần ra dấu vết tên tội phạm. Hắn đã bị lôi ra khỏi chỗ ẩn trốn trong tình trạng ốm đói gần chết. Nàng còn nhớ hình ảnh tên tội phạm bị trói trên guồng cỏ khô. Sau đó, nghe nói hắn đã chết trên tàu trước khi tới Cayenne. Chiếc tàu – trại tù khổ sai . . . Liệu họ có thể cho bắt giữ nàng, như lời Bernard đã nói. Cái chứng cớ mà anh ta nhắc đến, có lẽ chỉ là sự bịa đặt; trừ khi, anh ta đã tìm thấy trong túi chiếc áo choàng cũ của nàng, một gói thuốc độc. . .

Thérèse đã quyết định; nàng cần phải biết rõ sự thật. Nàng bước lên cầu thang bằng các đầu ngón chân. Càng đi lên cao, nàng càng nhìn chung quanh rõ hơn. Trên đây, bình minh đã chiếu qua các cửa sổ. Ở một góc trên mái thượng, cây treo quần áo vẫn còn nguyên ở chỗ cũ. Những chiếc áo choàng cũ được giữ ở đây để dùng khi đi săn bắn. Chiếc áo choàng nàng đã mặc có một cái túi rất sâu. Bà cô Clara cũng đã từng sử dụng cái áo cũ này, vì cái túi sâu có thể chứa được các thứ dụng cụ thêu thùa mà bà mang theo để đan mỗi khi ngồi chờ chim rừng chui đầu vào bẫy. Thérèse thò tay vào trong túi, lôi ra một cái gói vẫn còn được niêm kín:

Chloroform (chất gây mê): 30 grams

Aconite grains (hạt phụ tử): 20

Digitalis (lá mao địa hoàng): 20 grams.

Nàng đọc lại các tên thuốc và các con số. Để chết. Nàng vẫn thường hoảng sợ mỗi khi nghĩ đến cái chết. Nhưng nàng tự trấn an mình: đừng nhìn thẳng vào cái chết; hãy chỉ nghĩ đến những động tác cần thiết phải làm: rót nước vào ly, cho thuốc vào rồi quậy lên, uống ực một lần, lên giường nằm xuống, và nhắm mắt lại. Cố đừng nghĩ xa hơn về những gì sẽ xẩy ra sau đó. Sao lại phải sợ cái giấc ngủ này hơn những giấc ngủ khác? Ta đang run rẩy ư? Đó là tại vì khí lạnh buổi sáng đang ùa vào. Nàng bước xuống cầu thang, ngừng lại trước căn phòng bé Marie đang nằm ngủ. Tiếng ngáy của người vú em nghe như tiếng một con thú gầm gừ. Thérèse đẩy cửa bước vào. Mấy tấm mành cửa sổ lọc bớt ánh nắng buổi sớm. Trong cái bóng nhập nhòa, nàng nhìn thấy chiếc giường sắt trắng nhỏ bé. Hai bàn tay tí hon thò ra trên tấm chăn phủ giường. Khuôn mặt nhỏ lọt thỏm giữa gối. Nàng nhận ra cái tai lớn quá khổ: tai của nàng. Người ta nhận xét đúng: đứa bé là một rập khuôn của nàng, nằm đó, say sưa trong giấc ngủ. “Ta sẽ ra đi – nhưng phần máu thịt này của ta sẽ ở lại, và sống trọn số phận của nó cho đến hơi thở cuối cùng. Không thiếu một phân tử nào, dù nhỏ nhất.” Khuynh hướng, ý thích, máu mủ, những quy luật ngàn đời. Thérèse từng đọc đâu đó thấy có người quá tuyệt vọng mang theo cả con cái mình vào cái chết; những người tỉnh táo đọc báo, thấy tin như vậy bèn kêu lên: “Làm sao mà có thể có những con người như vậy?” Bởi vì Thérèse là một con ác quỷ, nên nàng cảm nhận một cách sâu sắc rằng điều ấy có thể xẩy ra được, mà không vì bất cứ một lý do nào hết . . . Nàng quỳ xuống, dùng môi chạm nhẹ bàn tay nhỏ bé. Nàng kinh ngạc khi cảm thấy có một cái gì trào lên từ dưới đáy sâu thẳm bên trong nàng, từ từ dâng lên mắt, làm đôi má bỏng rát: ôi những giọt lệ tội nghiệp. Đã có bao giờ nàng biết khóc là gì đâu.

Thérèse đứng dậy, nhìn đứa bé một lần nữa, cuối cùng nàng lên lầu, về phòng. Nàng rót đầy ly nước, mở gói thuốc vừa lấy trên gác thượng, phân vân chưa biết sẽ chọn loại độc dược nào trong số 3 loại ở trong gói.

Cửa sổ đã mở; tiếng gà gáy sáng như xuyên qua lớp sương mù làm cho nó tan ra từng mảnh nhỏ; một số đọng lại trên đỉnh chóp những cây thông. Khung cảnh đồng quê như được phủ một lớp vàng mỏng. Làm sao nàng có thể cưỡng lại được cái chói lọi ấy của ánh sáng? Chết là gì? Không một ai biết chết là gì. Thérèse không thể quả quyết cái chết là một cái gì rỗng không. Nàng tự ghét mình vì cái nỗi hoảng sợ cũ rích không duyên cớ này. Nàng đã không ngần ngại đẩy kẻ khác vào đối diện với nó, nay chính nàng lại không đủ can đảm để vượt qua ranh giới giữa sống và chết. Nàng đã tự sỉ nhục mình bằng sự hèn nhát ngu xuẩn ấy. Nếu Đấng tối cao thực sự hiện hữu (trong buổi rước kiệu nhân ngày lễ Corpus Christi, nàng đã nhìn thấy con người cô độc bị xiết chặt trong chiếc áo lễ màu vàng, cái vật kỳ lạ ông ta cầm bằng hai tay, và môi mấp máy giữa không khí âm u buồn thảm) – vậy xin Ngài hãy ngăn chặn bàn tay tội phạm của con trước khi quá trễ. Và nếu như ý của Ngài muốn rằng những linh hồn tội nghiệp cần phải đi qua đoạn đường thánh giá này, thì xin Ngài cũng mở rộng cửa đón thêm kẻ man rợ này, một tạo phẩm của Ngài, với lòng yêu thương. Thérèse đổ gói thuốc mê Chloroform vào ly nước. Ngay cái tên quen thuộc của nó mang hình ảnh một giấc ngủ sâu nên có phần ít đáng sợ hơn. Nhưng nàng phải vội vã lên mới kịp. Cả nhà đang chuẩn bị thức dậy: Balionte đã bước vào phòng bà cô Clara kéo các cánh chớp cửa sổ. Mụ ta đang la hét cái gì với bà cụ già nghễnh ngãng vậy? Bình thường, người đầy tớ ấy biết rằng mụ ta chỉ cần mấp máy môi của mình là bà cụ hiểu ngay. Tiếng cửa mở và tiếng chân bước vội vã. Thérèse chỉ kịp ném cái khăn choàng của mình lên che mấy gói thuốc độc trên bàn. Không một tiếng gõ cửa, Balionte xộc vào:

“Mam’selle chết rồi. Tôi phát hiện ra bà nằm chết trên giường, quần áo vẫn còn nguyên. Người bà ấy đã lạnh cứng rồi.”

Mặc dù bà cô Clara chưa bao giờ là người ngoan đạo, một chuỗi tràng hạt cũng đã được treo vào các ngón tay của bà và trên ngực là một cây thánh giá. Một vài người tá điền đã ghé qua quỳ xuống viếng xác bà, nhưng trước khi ra về cũng không quên chăm chú quan sát Thérèse, đang đứng ở dưới chân giường người quá cố. (Ai có thể quả quyết rằng cô ta không phải là người đã gây ra cái chết của bà cụ?). Bernard đã đi Saint-Clair thông báo tin cho gia đình và lo liệu các thủ tục ma chay cần thiết. Chắc anh ta đã vui mừng vì sự việc xẩy ra rất đúng lúc và giúp đánh lạc hướng dư luận một cách hết sức hữu hiệu. Thérèse nhìn thi hài bà cụ nằm đó – một con người già nua nhưng đầy lòng trung thành, đã tự mình lăn vào con đường nàng phải đi qua; để rồi đã ngăn chặn được nàng tìm kiếm cái chết vào đúng thời điểm quan trọng nhất. Chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Có người nói đó là một ý chỉ đầy ý nghĩa đặc biệt, nàng chỉ nhún vai không đáp lại.

Người ta bàn tán với nhau, “Thấy chưa, cô ta thậm chí không thèm giả vờ đau buồn nữa.”

Dù vậy, từ trong tim, Thérèse nói với người khuất mặt: “Cô ơi, con sẽ tiếp tục sống, nhưng như một cái xác trong tay những kẻ thù ghét con. Con sẽ không cố nhìn xa hơn nữa, cô ạ!”

Hôm tang lễ, Thérèse đã giữ đúng vai trò của mình. Ngày chủ nhật kế tiếp, nàng đến nhà thờ cùng với Bernard. Anh chàng này, thay vì đi vào lối đi bên hông như mọi khi, hôm nay anh ta nghênh ngang vào nhà thờ bằng lối đi chính giữa. Thérèse vẫn giữ chiếc khăn nhiễu phủ mặt cho đến khi nàng ngồi xuống giữa mẹ chồng và chồng. Một cây cột đã ngăn cách chỗ ngồi của nàng với cộng đoàn nhà thờ. Trước mặt, chỉ có ca đoàn. Nàng bị bao phủ tứ phía; phía sau là đám đông, bên phải là Bernard, bên trái là Madame de la Trave. Phía trước nàng là chỗ duy nhất có khỏang trống, giống như chỗ dành riêng cho con bò tót bước vào đấu trường. Ở đó, có một người ăn mặc khá lịch sự, đứng giữa hai đứa trẻ, hai tay khuỳnh rộng, miệng mấp máy như đang thì thầm điều gì.

(Còn Tiếp)

CHÚ THÍCH:

14.Câu nói này được dựa theo một đoạn văn nổi tiếng trong tiểu luận của Michel de Montaigne: “Về tình bằng hữu” ra đời trong khoảng thời gian giữa 1572 và 1580. Montaigne cố gắng dài dòng phân tích tại làm sao ông cảm thấy có tình bạn bè với Etienne de la Boétic và cuối cùng kết luận rằng, cơ hội cho một tình bạn như thế chiếm một vai trò quyết định: Họ quý mến nhau, đơn giản là  ‘bởi vì đó là anh ấy, bởi vì đó là tôi’. Bài tiểu luận đã được Thérèse học trong trường.

15.Đây là một trong những chỗ cho thấy, hồi ức của Thérèse thực ra là hồi ức của Mauriac. Ở đoạn này, Mauriac nhớ lại một chương nói về kẻ sát nhân bị săn đuổi Daguerre trong tác phẩm Nouveaux mémoire intérieuxs (Paris: Flammarion, 1965, p. 59). Ông cũng nhớ lại chi tiết một trong những con chó của gia đình Mauriac đã phát hiện ra Daguerre.

Bài Mới Nhất
Search