T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

THÉRÈSE DESQUEYROUX – CHƯƠNG SÁU

CHƯƠNG SÁU

Thérèse cảm thấy lạ lùng sao mà nàng chỉ có thể nhớ đến khoảng thời gian sau khi Anne và bố mẹ cô bé rời nhà cho chuyến đi nghỉ hè như là một thời kỳ mà nàng trở nên buồn chán uể oải hơn bao giờ hết. Ở Argelouse, việc của nàng phải làm là tìm cách tiếp xúc với Azevedo và thuyết phục cậu ta hãy quên đi cô gái Anne tội nghiệp, vậy mà nàng lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ, không muốn động tay vào một việc gì. Bernard đã đồng ý không ở cùng với Thérèse mà chọn qua bên nhà vợ, tiện nghi hơn, thoải mái hơn và nhất là bà cô Clara chắc chắn sẽ không làm khó dễ gì đứa cháu rể. Với Thérèse, nàng đâu có quan tâm gì đến vấn đề những người khác nghĩ sao về mình. Việc ai người nấy lo mà. Trạng thái nửa mê nửa tỉnh làm nàng cứ muốn được như thế này mãi. Cứ thế cho đến khi đứa bé chào đời thì quá tốt với nàng. Mỗi sáng, lời nhắc nhở của Bernard bảo nàng đi gặp Jean Azevedo khiến nàng khó chịu. Nàng bầy tỏ sự bực bội ấy ra mặt và cảm thấy mình bắt đầu không thể chịu đựng hơn được nữa với anh ta. Bernard thì cho rằng ở trong tình trạng thai nghén như vợ mình thì sự cáu kỉnh ấy là bình thường. Về phần mình, Bernard bắt đầu cảm giác lờ mờ những dấu hiệu của nỗi ám ảnh về cái chết, tuy khá bình thường với đám đàn ông con nhà giàu, nhưng cũng khá hiếm ở một người chưa bước qua tuổi 30 và cũng khá là bất ngờ cho một thanh niên khỏe mạnh, cường tráng như anh ta. Nhưng làm sao có thể lý giải được với một người mà khi ta nói ra điều đó, anh ta đáp lại ngay: “Làm sao ông/bà biết được cái gì đang diễn ra trong người tôi?” Nhưng cái vẻ ngoài của những anh đàn ông to xác,  ăn no, ngồi rồi thường mang một vóc dáng hết sức bệ vệ. Một cây thông được gieo xuống mảnh đất màu mỡ, phân nước đầy đủ sẽ lớn nhanh như thổi; nhưng có thể tận bên trong cái lõi của cây đã bị thui chột, cần phải được chặt bỏ, đôi khi ngay vào lúc nó đang trổ mã nhất. Mấy người láng giềng bảo Bernard “Gớm, chỉ là thần hồn nát thần tính, vẽ chuyện!”, nhưng Bernard thì vẫn tin rằng, phía dưới cái vẻ ngoài sắt thép đã ẩn dấu một vết nứt đầy tai họa. Và rồi, điều không thể tưởng tượng được đã xẩy ra: anh chàng bỗng biếng ăn vì không còn cảm thấy ngon miệng nữa. “Sao anh không đi khám bác sĩ xem sao?” Anh chàng nhún vai, tỏ vẻ thờ ơ, nhưng tận thâm tâm, anh ta sợ sẽ phải nghe bản án tử về một cái chết đang sắp sửa xẩy ra cho mình từ cửa miệng viên bác sĩ. Một đêm, tiếng rên đau đớn của Bernard đã đánh thức Thérèse dậy. Anh ta cầm tay Thérèse đặt vào phía bên trái ngực để nàng có thể đếm được nhịp tim anh ta đang đập. Thérèse thắp đèn lên, rồi đi lấy một ít rễ cây nữ lang hòa vào với nước cho anh ta uống. Nàng nghĩ cũng chỉ để cầu may, biết đâu nhờ uống nó mà chồng hết bịnh, chớ cũng chẳng hại gì. Chẳng có gì thực sự là an bình, chẳng có gì thực sự gọi là ngơi nghỉ ngoại trừ giấc ngủ ngàn thu. Tại sao con người này lại đi sợ hãi một thứ mà chính nó sẽ đem lại cho anh một sự bình an đời đời? Thế rồi, anh ta chìm trở lại vào giấc ngủ trước cả nàng. Làm sao nàng có thể ngủ được, khi biết cái thân xác to lớn nằm bên cạnh mình có thể , – hiện giờ thì hơi thở chỉ khò khè, – tiếng khò khè ấy trở thành tiếng rên rỉ của một cơn đau khác ập đến? Tạ ơn Chúa, anh ta không còn xán lại gần vợ nữa – làm tình bây giờ sẽ là một việc tự sát vì nó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tim. Lúc hừng sáng, tiếng những con gà trống gáy vang đã đánh thức những tá điền dậy. Từ phía đông ngân nga tiếng chuông nhà thờ Đức bà ở Saint-Clair. Cuối cùng, Thérèse cũng nhắm được mắt. Vừa lúc, cơ thể người đàn ông bên cạnh bắt đầu cựa quậy: anh ta trở dậy, vội vã mặc quần áo, vội vã rửa mặt bằng nước lạnh, rồi bắt đầu lục lọi chung quanh bếp như một con chó, tìm thức ăn còn thừa lại từ hôm trước để trong chạn. Anh ta cứ thế bốc ăn chẳng buồn để vào dĩa: miếng thịt vịt luộc nguội tanh nguội ngắt, chùm nho, hoặc mẩu bánh mì trộn tỏi – bữa sáng là bữa ăn ngon nhất trong ngày của Bernard. Ăn xong, Bernard ném những mẩu vụn cho hai con chó Flambeau và Diana, tiếng chúng ăn nghe rõ trong buổi sáng tĩnh lặng. Màn sương mù bên ngoài đã mang theo hơi hướm của mùa thu. Đây là lúc anh ta thấy mình khỏe khoắn nhất, một lần nữa cảm được cái sức trẻ cường tráng trong người. Chẳng còn bao lâu nữa sẽ hết mùa săn chim. Anh ta cần phải chuẩn bị những con chim mồi làm bẫy. Đến 11 giờ, Bernard vẫn thấy Thérèse còn nằm trên giường.

“Cái vụ Azevedo đến đâu rồi? Em biết là mẹ ở Biarritz đang mong tin mình gởi qua các hộp thư lưu trữ?”

“Tim của anh thế nào?”

“Đừng nhắc đến tim anh nữa. Em vừa nói đến nó, là anh lại cảm thấy ngay chút gì trục trặc. Anh nghĩ điều đó chứng tỏ chỉ là thần thồn nát thần tính. Em cũng nghĩ như vậy chứ?”

Nàng không bao giờ trả lời theo như ý anh ta muốn.

“Không thể đoán mò được; anh là người duy nhất cảm biết được thân xác mình. Ba của anh chết vì viêm họng chẳng thành vấn đề lắm, vì lúc ấy ông không ở độ tuổi của anh. Có vẻ như bệnh tim là trí huyệt của dòng họ Desqueyroux. Anh cũng tức cười thật, Bernard; anh sợ chết ư? Bộ anh không nhận ra được, như em đã nhận ra, chúng ta đã bất lực như thế nào ư? Không à? Bộ anh không nghĩ rằng, những con người như chúng ta ngay từ lúc sinh ra đã mang trong mình cái chết không thể tránh khỏi ư?”

Anh ta nhún vai: cái thứ triết lý vụn của nàng làm anh ta muốn buồn ngủ. Cái lối nói chuyện như thế chẳng cần đến sự thông minh của một ai hết. Cứ đem ra một luận điểm hợp lý rồi tìm cách bẻ ngược nó lại. Nhưng cô ta lầm khi muốn áp đặt điều đó với Bernard: tốt nhất là cô ta nên dành những điều nghịch lý đó để đi nói chuyện với thằng con trai nhà Azevedo.

“Em có biết là nó sẽ rời Vilmeja vào khoảng trung tuần tháng mười không?”

Tại Villandraut, trạm cuối cùng trước khi tới Saint-Clair, Thérèse tự cật vấn mình: “Làm sao ta có thể thuyết phục Bernard tin rằng ta không hề có tình ý gì với cậu con trai ấy? Chắc chắn là chàng sẽ cho rằng ta say mê cậu ta. Như tất cả những kẻ không bao giờ biết tình yêu đích thực là gì, chàng tin rằng cái tội ác mà ta bị buộc cho ấy chỉ xuất phát từ lòng đam mê đắm đuối một ai đó.” Bernard sẽ phải hiểu được rằng, lúc ấy, nàng không hề ghét bỏ gì chàng; mặc dù, đôi lúc sự có mặt của chàng làm nàng khó chịu; nhưng nàng không bao giờ tưởng tượng đến việc sự có mặt của một người đàn ông khác có thể giúp nàng được điều gì. Dù sao, xét cho đến tận cùng, Bernard không phải là người xấu. Nàng ghét cay ghét đắng những quyển tiểu thuyết đôi khi đã mô tả những mẫu người khác thường không bao giờ có thật trong đời.

Con người siêu việt duy nhất nàng biết – đó sẽ phải là người cha của mình. Nàng từng cố gắng để có thể nhận ra tính cách vĩ đại của một con người cực đoan bướng bỉnh, sẵn sàng đối phó với mọi thách thức trong mọi tình huống, mọi vai trò mà ông đã đóng. Ông là chủ doanh nghiệp (ngoài sở hữu chủ một nhà máy cưa ở Bazas, ông còn tự chế biến lấy nhựa thông của rừng nhà lẫn của bà con họ hàng tại một xưởng lọc ở Saint-Clair). Và trên hết, ông là một chính trị gia. Nhiều người không ưa ông vì tính cộc cằn, thô lỗ nhưng ông là một người có ảnh hưởng rất lớn trong suốt các nhiệm kỳ quận trưởng của mình. Và sự coi thường phụ nữ của ông – kể cả với Thérèse, đứa con gái mà ai cũng khen ngợi trí thông minh của nàng. Và giờ đây, sau vụ việc bi thảm này, cái nhìn của ông về phụ nữ chỉ có thể được khẳng định thêm: “Đàn bà là một thứ giống cái nếu không ngu dốt thì cũng điên khùng”, câu nói mà ông đã từng lập lại với gã luật sư. Ông là người không theo tín ngưỡng nào, không tin ở giáo hội, nhưng lại là người khá kín đáo và giữ cho cuộc sống riêng không một chút tai tiếng nào. Dù cho thỉnh thoảng người ta nghe thấy ông âm ư trong miệng một khúc nhạc của Béranger (9), nhưng ông lại không bao giờ thích nghe những câu chuyện bâng quơ về một ai đó; những khi ấy, mặt ông đỏ bừng như một thiếu niên lần đầu nghe chuyện gái trai. Bernard có lần nghe được Monsieur de la Trave nói rằng Larroque mãi đến lúc lấy vợ vẫn còn là trai tân: “Từ ngày trở thành góa bụa, không ai từng nghe nói ông có nhân tình nhân ngãi. Quả là một con người đầy nghị lực, cha của em đấy!” Quả đúng thế, cha của Thérèse là một con người đầy nghị lực. Những khi không ở bên cạnh cha, nàng thường tô điểm thêm thắt cho hình ảnh của cha, nhưng khi ở gần, nàng lại chỉ nhìn thấy những khía cạnh thô nhám đời thường bộc lộ rõ từ ông. Ông ít khi ghé Saint-Clair, mặc dù ông đến Argelouse thường hơn, chỉ vì ông không thích gặp vợ chồng ông bà de la Trave. Những khi có mặt họ, đề tài chính trị thường không được nhắc đến, thế nên các câu chuyện sau bữa cơm tối trở nên chẳng có ý nghĩa gì với ông; những lúc ấy, ông ta bắt đầu tỏ ra chua chát, khó chịu. Còn Thérèse xấu hổ không muốn tham dự vào câu chuyện, giữ sự im lặng của mình một cách kiêu hãnh, ngoại trừ khi đề tài câu chuyện chuyển qua vấn đề tín ngưỡng. Khi bàn đến đề tài này thì các bên tham dự bắt đầu cao giọng, kể cả bà già Clara cũng sẵn sàng lao vào tranh luận, bung ra hết những quan niệm cực đoan bằng cái giọng đáng sợ của một bà già nghễnh ngãng: “Ai mà biết được những thứ gì đã xẩy ra trong cái nhà tu kín ấy?” Dù vậy, Thérèse vẫn cho rằng bà cô của mình có vẻ tín ngưỡng hơn cha mẹ chồng; bà tham dự công khai vào cuộc chiến với Đấng Vĩnh Cửu cũng chỉ vì theo bà, Đấng Vĩnh Cửu bắt bà phải mang một số phận hẩm hiu vừa điếc vừa xấu, và bà sẽ chấm dứt cuộc đời mình mà chưa hề được yêu, chưa một lần được chiếm hữu. Sau cái hôm bà de la Trave giận dữ đứng dậy rời khỏi bàn ăn, mọi người đều đồng ý sẽ không bao giờ bàn luận đến các vấn đề siêu hình nữa. Còn đề tài chính trị thì luôn có đủ sức mạnh khiến người ta gầm gừ với nhau – những người mà dù theo tả hay theo hữu, đều trung thành với một nguyên tắc cơ bản: Đất đai là thứ tài sản duy nhất trong thế giới này, và một cuộc sống không xứng đáng để gọi là cuộc sống nếu như người ta không sở hữu đất đai. Nhưng liệu có nên giới hạn quyền tư hữu ấy và nếu giới hạn, thì sẽ đến mức độ nào? Thérèse, người vốn “mang đất đai trong máu”, sẽ rất lấy làm thích thú được đem vấn đề ra bàn cãi, vì nàng vốn ghét thói đạo đức giả mà cả cha nàng lần bố mẹ Bernard đã đem ra để che đậy tính tham lam của mình. Khi ông Larroque tuyên bố với con gái “tinh thần tận tụy phục vụ dân chủ một cách bền bỉ”, thì nàng ngắt lời cha, “Đừng phí sức một cách vô ích; không ai tin tưởng vào dân chủ ngoại trừ chúng ta,”. Nàng bảo tính cao thượng trong chính trị làm nàng muốn buồn mửa. Bi kịch về đấu tranh giai cấp không hề có mặt nơi vùng đất nàng sinh sống; ở đó, một người nghèo nhất cũng sở hữu một vài mảnh đất và họ không hề ham muốn gì hơn nữa. Ở đây, tinh thần ham muốn đất đai, thú đam mê săn bắn, những buổi ăn uống tiệc tùng đã tạo nên một cộng đồng khắng khít nhau, không phân biệt nông dân hay tiểu tư sản. Nhưng Bernard khác hẳn những người đó. Anh ta có giáo dục; người ta bảo Bernard đã tự vươn mình lên cao hơn xã hội đã sản sinh ra mình. Thậm chí, Thérèse đã từng tự chúc mừng mình đã tìm được một người đàn ông mà nàng có thể nói chuyện với: “Nói chung, chàng hơn hẳn những người cùng vị thế với mình.

Đó là hình ảnh của Berrnard ở trong đầu nàng, cho đến khi Thérèse gặp được Jean Azevedo.

Thời tiết đã vào mùa khi khí mát trong đêm bắt đầu kéo dài đến tận buổi sáng. Sau giờ cơm trưa, tuy mặt trời vẫn tỏa hơi nóng, nhưng những đám sương mù nho nhỏ đã báo hiệu cho biết bóng tối rồi sẽ sớm ập đến. Lứa chim đầu mùa săn bắn đã bay ngang. Và Bernard mãi đến tối mịt mới quay về nhà. Cũng hôm đó, sau một đêm không ổn, anh ta vội vã đi Bordeaux để được bác sĩ chẩn bệnh cho mình.

Trong khi đó, Thérèse tiếp tục với dòng suy tưởng của mình:

“Ta không có một nỗi thèm khát nào nhất định. Ta đi dạo bên ngoài, có lúc phải bước đi trên mặt đường. Người ta bảo phụ nữ mang bầu nên đi bộ mỗi ngày một chút. Ta cố tránh những khúc đường cây cối rậm rạp nơi mấy người thợ săn đặt bẫy chim; mỗi lần đi ngang qua phải liên tục ngừng lại, huýt sáo ra dấu cho người thợ săn, rồi chờ cho họ bảo mình lúc nào có thể đi được. Đôi khi, ta nghe tiếng huýt sáo dài đáp lại. Có nghĩa là một đàn chim vừa xuất hiện trong khu rừng sồi. Ta phải cúi rạp người xuống, ngồi im không nhúc nhích, để tránh không làm hoảng sợ bầy chim. Sau đó, ta quay về nhà; có khi ta ngồi ngủ gà ngủ gật trước lò sưởi. Bà cô Clara lo cho ta tất cả những gì ta cần. Giống như một thượng đế, không đếm xỉa gì đến kẻ hầu hạ phục vụ mình – cứ thế, ta sống qua ngày tháng với bà già nghễnh ngãng, giả vờ thích thú với đủ mọi câu chuyện của bà về bếp núc, nông trang. Bà cứ nói liên tục, chỉ để không phải bị nghe. Bà kể những câu chuyện rất khủng khiếp, không biết có thật hay không, về những người nông dân mà bà đã chăm  sóc với sự tận tụy, nhưng lại không phải vì lòng thương xót đến họ: Những người già cả thiếu ăn đến chết hay phải làm việc cật lực cho đến phút cuối cùng, những kẻ bệnh hoạn bị bỏ rơi hay phụ nữ bị bắt làm nô lệ khổ sai suốt đời. Với một giọng điệu hào hứng, bà kể những câu chuyện tàn ác ấy bằng một thổ âm tự nhiên đến độ vô tội. Sự thực là, bà chỉ yêu có một mình ta. Và ta cũng là người duy nhất không bao giờ để ý đến cảnh bà quỳ xuống trước mặt, tháo dây giầy cho ta, cởi vớ cho ta và xoa bóp chân ta bằng hai bàn tay già nua của mình.”

“Ngày mai, Balion sẽ đến đây để được dặn dò trước khi anh ta đi Saint-Clair.” Bà cô Clara đọc lại một danh sách những việc phải làm mà bà đã chuẩn bị cho Balion, rồi thêm vào đó toa thuốc cho người bệnh ở Argelouse. ‘Đầu tiên là phải đến nhà thuốc tây; Darquey sẽ không cần quá nhiều thì giờ để pha chế thuốc. . .’

“Cuộc gặp gỡ đầu tiên của ta với Jean…Chắc ta phải nhớ đến từng chi tiết một. Ta đã đến chỗ cái lều bỏ hoang trong khu săn bắn, nơi ấy ta và Anne từng ngồi với nhau và biết rõ Anne cũng đã hẹn hò với Jean ở đó. Không, chắc chắn đây không  phải là cuộc hành hương về nguồn đối với ta. Những cây thông mọc bên ngoài lều đã quá rậm rạp khiến không thể từ đó đứng quan sát lũ chim rừng; do vậy, cũng sẽ không có nguy hiểm bị bắt gặp bởi những người thợ săn nào tình cờ ghé lại. Căn lều cũng không còn có thể dùng để đi săn được nữa, vì những bụi cây to lớn cành lá xum xuê đã che khuất vùng chân trời chung quanh. Cả ở trên đầu, nơi trước đây có thể nhìn thấy bầu trời rộng mở và đàn chim rừng bay ngang, nay cũng đã bị che khuất. Hãy nhớ: tháng Mười, trời vẫn còn nóng bức hừng hực; ta khó khăn lắm mới vượt qua được con đường trải cát, chung quanh là ruồi nhặng vo ve. Cái thai đã trở nên quá nặng nề. Ta cần được ngồi nghỉ trên chiếc băng ẩm mốc trong lều. Khi ta mở cánh cửa, cũng vừa lúc một thanh niên bước ra, đầu không đội mũ. Ngay lập tức, ta nhận ra cậu ta chính là Jean Azevedo. Mới đầu, ta tưởng mình đang phá bĩnh một cuộc hẹn hò, vì trông cậu ta có vẻ ngượng ngùng, bối rối. Nhưng cũng vô ích nếu như ta muốn bước ra trở lại. Ta cảm thấy là lạ khi cậu ta, ngay lập tức, đề nghị ta ngồi lại: ‘Thưa bà, xin mời bà vào đây. Tôi đoan chắc với bà là bà không hề quấy rầy tôi chút nào hết.’

“Vì cậu ta cứ khẩn nài, nên ta đành bước vào trong, và ngạc nhiên khi không thấy ai khác ở trong lều. Hay có lẽ một cô gái chăn cừu nào đó đã lẻn đi bằng một lối ra bí mật? Nhưng ta không nghe thấy một âm thành khác lạ nào. Cậu ta cũng đã nhận ra ta và cái tên Anne nhanh chóng xuất hiện trên môi cậu. Ta ngồi xuống, còn cậu ta thì đứng, cùng một vị trí như trong bức hình ta xem được ở Paris. Ta chăm chú nhìn, qua lớp áo sơ mi lụa, vị trí mà ta đã ghim cây kim giấy; ta nhìn với một nỗi hiếu kỳ không mang chút thiên kiến nào. Cậu ta có dễ coi không? Vầng trán cao mạnh mẽ, đôi mắt dịu dàng đặc trưng cho chủng tộc của mình, hai gò má hơi quá đầy – và cái mà ta ghét nhất ở những cậu trai mới lớn: mụn trứng cá trên mặt, dấu hiệu của máu huyết lưu thông, mọi thứ khác trong người lưu thông và ghét nhất là hai bàn tay luôn ẩm ướt, cậu ta phải dùng khăn tay lau khô trước khi chìa ra bắt tay ta. Nhưng cậu ta có một cái nhìn rất cháy bỏng. Ta thích cái miệng rộng của cậu ta, luôn hé mở một chút, lộ ra chiếc răng khểnh, trông giống như miệng một con chó con. Còn ta, ta đã đối xử với cậu ấy như thế nào? Ta nhớ lại, lúc nào ta cũng nhân danh gia đình. Ta đi ngay vào đề tài chính của cuộc gặp gỡ, buộc tội cậu ta đã ‘mang đến những rắc rối và gây chia rẽ cho một gia đình danh giá’. Ta vẫn còn nhớ nét ngạc nhiên rất thành thực khi nghe ta trách móc, cậu ta bật một tràng cười rất trẻ con: ‘Cái gì đây nhỉ? Bộ bà tưởng tôi muốn kết hôn với cô ta? Bà nghĩ là tôi tha thiết nài xin được cái vinh dự đó?’ Ngay lập tức, ta nhìn thấy ngay sự khác biệt quá lớn lao giữa lòng mê say đến điên khùng của Anne và sự thờ ơ lãnh đạm của cậu trai đang đứng trước mặt. Cậu ta hăng hái biện hộ cho mình: Tất nhiên, ai là người có thể cưỡng lại sự cuốn hút của một cô gái xinh đẹp ngọt ngào? Jean thú nhận rằng mình đã đùa cợt với Anne, nhưng tuyệt nhiên không  một lần đề cập đến hôn nhân giữa họ; trò chơi xem ra vô hại. Cậu ta cũng thú nhận đã giả vờ yêu đương say đắm như cô bé Anne tưởng lầm. Và khi ta, làm ra vẻ kẻ ở thế thượng phong, ngắt lời thì cậu ta trả lời dứt khoát là có cô bé Anne làm chứng, cậu ta chưa bao giờ đi quá xa. Với phần còn lại của câu chuyện, ta không một chút nghi ngờ tin rằng, tiểu thư Mademoiselle de la Trave đã nợ cậu trai này những giờ phút sung sướng thực sự của một nỗi đam mê duy nhất mà cô được biết đến trong cuộc hiện hữu thê lương ảm đạm của đời mình. ‘Thưa bà, bà bảo với tôi rằng cô ấy đang vô cùng đau khổ, nhưng bà có thẳng thắn để nhìn nhận với tôi rằng, liệu cô ấy còn có thứ gì tốt hơn để hướng tới thay vì nỗi đau khổ mà cô ấy đang mang trong lòng? Tôi nghe người ta nói rất nhiều về bà; tôi cũng biết, người như bà thì hẳn sẽ có nhiều điều để nói đến và bà cũng không giống bất cứ người phụ nữ nào quanh đây. Trước khi cô ấy lên đường cho chuyến du hành không lấy gì làm vui vẻ ấy từ căn nhà Ở Saint-Clair, tôi đã cung cấp cho cô ấy một số vốn liếng, thứ quỹ cảm xúc hay có thể nói đó là một kho tàng những ước mơ – chúng có thể cứu cô ấy trong những lúc tuyệt vọng, hoặc chí ít, giữ cho cô ấy được thánh thiện như chính bản thân mình.’ Ta không thể nhớ được, lúc ấy ta có điên tiết lên vì những lời huênh hoang quá lố, cách nói năng kiểu cách không thật ấy, hoặc ta có nhận biết được tính cách lố lăng của con người ấy không. Nhưng ta phải thú nhận rằng, vì cậu ta nói nhiều và liến thoắng quá, nên mới đầu ta chưa thể hiểu hết những gì cậu ta phát biểu. Nhưng dần dần ta đã làm quen được với cách nói chuyện của cậu ta. ‘Bà nghĩ rằng, tôi có thể thèm khát một cuộc hôn nhân như thế, thèm khát cắm sào trên mảnh đất đầy cát lún ấy – hay là chạy trốn đến Paris với một cô gái trẻ? Tôi vẫn nghĩ đến Anne như là một cô gái đáng yêu, tất nhiên thế rồi. Thực ra, ngay lúc bà làm tôi ngạc nhiên vì sự xuất hiện của bà, đó cũng là lúc tôi đang nghĩ đến Anne. . . Nhưng thưa bà, làm sao mà một con người như tôi có thể bằng lòng ổn định cuộc đời của mình? Mỗi giây phút trong cuộc sống đều đem đến cho chúng ta những niềm kỳ thú khác hẳn nhau, cái sau khác cái trước, nhiều cảm giác hơn cái trước.’

“Cái hăm hở mang nét thú vật của anh chàng trẻ tuổi, và sự thông minh rực rỡ ấy, kết hợp lại trong một con người đã khiến ta tự ngạc nhiên sao mình lại ngồi nghe say mê chăm chú đến dường vậy? Phải, ta đã thực sự kinh ngạc: Ôi thượng đế ơi, đây là một cái gì hoàn toàn mới mẻ. Ta còn nhớ lại được khi nghe tiếng dậm chân và tiếng la chói lói của mấy cậu bé chăn cừu cho biết họ sắp đi ngang qua căn lều. Ta đã bảo cậu trai rằng cũng hơi tức cười nếu có ai thấy mình ngồi trong căn lều này với nhau. Và ta muốn cậu ấy phải đồng ý tuyệt đối giữ im lặng khi đàn cừu đi ngang. Ta cảm thấy mình sẽ run lên vị sự im lặng này, sự gần gũi giữa ta và cậu trai, và sự đồng lõa (và ta cảm thấy mình đang thèm khát, về mỗi giây phút trôi qua mang lại cho ta một lý do để sống). Nhưng Jean Azevedo, không một chút phản kháng, đứng dậy mở cửa lều và đĩnh đạc bước hẳn ra ngoài. Cậu ta chỉ đi theo ta trở về lại Argelouse, sau khi ta quả quyết sẽ không có vấn đề gì nếu cậu ta làm như vậy. Chuyến trở về cho ta cảm tưởng thời gian đi nhanh quá, nhưng người bạn đồng hành của ta cũng kịp nêu ra hàng ngàn đề tài khác nhau. Mỗi đề tài được nhắc đến, ta tưởng mình cũng đã từng được biết đến khá thấu đáo, nhưng khi cậu trai nêu lên, ta lại nhận ra được những ý tưởng mới. Thí dụ, vấn đề về tôn giáo, khi ta lập lại những điều ta từng đem ra tranh luận trong các cuộc họp mặt gia đình, cậu ta ngắt lời: ‘Bà nói đúng . . .nhưng vấn đề phức tạp hơn nhiều.’ Thực ra, cậu ấy cũng muốn chứng tỏ mình ngưỡng mộ những lý lẽ của ta, nhưng có thực là những lý lẽ của ta đáng ngưỡng mộ? Giờ phút này, khi nghĩ lại, ta sẽ phải mửa ra nếu ta nuốt vào bụng những thứ lý lẽ ấy: còn cậu ta thì quả quyết, đã từ lâu, cậu không thấy có gì quan trọng cho bằng việc khởi sự lên đường đi tìm Thượng đế,: ‘Hãy ra khơi, lao vào biển cả, chạy trốn như những kẻ đã chết tưởng rằng mình đã tìm thấy Thượng đế, những kẻ đã ổn định được đời mình, đã dựng được chỗ trú ẩn bé nhỏ để đặt lưng nằm xuống trong đó; những kẻ ta đã khinh bỉ chúng từ bao lâu rồi

Cậu ấy hỏi ta đã có đọc quyển sách “Cuộc đời của cha Foucault” của René Bazin chưa (10), và khi ta giả vờ cười lớn, cậu ta đoan quyết với ta rằng quyển sách đã làm cho cậu ta kinh ngạc: ‘Để sống một cuộc sống hiểm nguy của phong ba bão táp, ở cái nghĩa sâu sắc nhất, có thể không quá nặng ở việc đi tìm Thượng đế, mà là phải tìm được Ngài và chấp nhận ở lại trong quỹ đạo của Ngài.’ Cậu ta mô tả ‘cuộc phiêu lưu mạo hiểm vào thế giới thần bí’, rồi tự tiếc rẻ, cho rằng tính khí của mình đã ngăn cản không cho cậu ta bước chân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm ấy, ‘Nhưng trong chừng mực mà trí nhớ của tôi còn ghi lại được trong đầu thì tôi nghĩ mình chưa bao giờ là một kẻ đức hạnh.’ Thật là hết sức trơ trẽn nhưng nhờ  phong cách thoải mái của cậu ta trong lúc nói về mình mà ta đã tự thay đổi chính mình, không còn cái thói giữ kẽ rất tỉnh lẻ, và sự khép kín của mỗi người trong căn nhà của mình để rồi mỗi người tự sống trong một thế giới của riêng mình. Thậm chí những câu chuyện ngồi lê đôi mách ở Saint-Clair cũng chỉ chạm đến cái phơn phớt bên ngoài, chứ chưa bao giờ đi thẳng vào niềm vui nỗi buồn của những trái tim. Rốt cuộc, ta biết gì về Bernard? Sâu thẳm bên trong, chàng phải khác hơn rất nhiều hình ảnh biếm họa mà ta đã bằng lòng về chàng, khi mà ta phải nghĩ đến chàng. Jean cứ luôn miệng huyên thuyên, còn ta vẫn câm như hến. Chẳng có câu nói nào khác thoát ra khỏi cửa miệng ta ngoại trừ những sáo ngữ quen thuộc ta từng lập đi lập lại trong những buổi chuyện trò trong gia đình. Giống như, ở đây người ta hay nói, xe nào chả có cùng một cỡ, có nghĩa là chiếc xe đã được chế tạo làm sao mà hai cái bánh xe, khi lăn trên đường, vừa khít với dấu xe của những chiếc xe đi trước. Vì vậy, trước ngày ta gặp Jean Azevedo, mọi suy nghĩ của ta cũng vừa khít với suy nghĩ của cha ta, của những người bên gia đình chồng. Jean Azevedo đi bên cạnh, đầu không đội mũ. Cho đến giờ, ta vẫn còn nhìn thấy chiếc áo sơ mi mở rộng cổ trước mặt, để lộ ra bộ ngực còn trẻ con của cậu ta và cái cổ hơi dầy quá khổ. Hay ta đã bị mê hoặc bởi cái vẻ ngoài quyến rũ của cậu trai? Ồ không, không thể như thế được! Nhưng cậu ta là người đàn ông  đầu tiên ta gặp, cho ta biết đánh giá cái phần bên trong của một con người và coi trọng cái phần ấy hơn bất cứ thứ gì khác. Những ý tưởng của các vị thầy, cùng với những người bạn Paris mà Jean liên tục ném vào ta, những cái tên sách sẽ khiến ta phải thay đổi quan niệm về điều này điều khác: cậu ta cho rằng mình thuộc về một khối đông đảo những con người kiệt xuất, “những kẻ biết sống”. Rồi cậu liệt kê những cái tên, không hề nghĩ rằng có thể ta chưa bao giờ nghe nói đến; và tất nhiên, ta đã giả vờ như đây không phải là lần đầu tiên ta nghe đến những cái tên như vậy.

“Khi đến khúc rẽ và cánh đồng lúa mạch Argelouse hiện ra, ta đã kêu lên ‘Tới rồi ư!’. Một mùi cỏ bị cháy lởn vởn trên mặt cánh đồng đã bị vắt kiệt màu mỡ sau vụ lúa vừa thu hoạch. Trên khe một ngọn đồi, bầy cừu đi xuống trông như một dòng sữa đục đang chảy. Jean phải băng qua cánh đồng mới về tới được Vilmeja. Ta bảo cậu ấy, ‘Tôi sẽ đi với cậu; những câu hỏi này làm tôi vô cùng phấn khích’. Nhưng chúng tôi không còn gì để bàn luận nữa. Mấy gốc lúa mì vừa cắt đâm xuyên qua đôi dép ta đang đi. Ta có cảm tưởng cậu ta muốn được một mình để theo đuổi những dòng suy tưởng vừa hiện ra trong đầu. Ta nhắc lại với cậu ấy rằng hình như chúng ta đã không nói gì về Anne; Nhưng cậu ta phản bác, cho rằng chúng ta đâu có được tự do chọn đề tài cho cuộc nói chuyện hoặc trầm tư suy tưởng. Cậu ta đĩnh đạc thêm vào: ‘Chúng ta phải triệt để tuân theo những quy tắc đề ra bởi sự huyền nhiệm . . . Những sinh linh như chúng ta luôn phải đi theo dòng nước, bất kể nó dẫn ta tới đâu, tuân theo mọi ngõ ngách nó xuyên qua…’ Thế là cậu ta luôn dẫn câu chuyện trở về với những gì cậu ta đang đọc. Chúng tôi đã đồng ý sẽ gặp để bàn bạc về một kế hoạch liên quan đến Anne. Cậu ta nói liên tục, không ngừng, rồi bỗng dưng như không nghe thấy một câu hỏi ta vừa hỏi, cậu cúi xuống: với điệu bộ của một đứa trẻ, cậu ta cầm lên một búp thông non, đầu tiên đưa lên mũi ngửi, rồi đưa lên môi, sau đó chìa búp thông cho ta.”

(Còn Tiếp)

CHÚ THÍCH:

9.Pierre-Jean de Béranger (1780-1857) là một nhà thơ có tư tưởng chống đối giáo hội, chống đối chế độ quân chủ; tác phẩm của ông rất được ưa chuộng trong thế kỷ 19. Sự thô tục trong những bài nhạc ông viết đã đem đến cho ông số người nghe rất lớn.

10.Charles de Foucauld (1858-1916) là một tu sĩ thuộc dòng tu khắc khổ Luyện Tâm (Trappist); ông sống ở Algeria như một ẩn sĩ, và sau đó tuẫn đạo.Một quyển sách tiểu sử về Foucauld được René Bazin xuất bản năm 1921.

Bài Mới Nhất
Search