T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

THÉRÈSE DESQUEYROUX – CHƯƠNG TÁM

CHƯƠNG TÁM

Sau khi ông bà de la Trave cùng với cô bé Anne – bây giờ đã hoàn toàn bị chế ngự – quay trở về Saint-Clair, Thérèse không rời khỏi Argelouse cho đến lúc nằm cữ. Nàng đã trở nên quá quen thuộc với sự tĩnh lặng của những đêm tháng Mười Một dài vô tận. Một lá thư gửi đi cho Jean Azevedo không có hồi âm. Có lẽ cậu ta cho rằng người phụ nữ tỉnh lẻ này không đáng để phải làm công việc buồn chán là viết thư. Vả lại, một phụ nữ đang có thai không thể mang lại được một hồi ức đẹp đẽ. Cũng có thể, giờ đây đã cách trở xa xôi nhường ấy, cậu ta nghĩ đến Thérèse như một con người buồn tẻ, khù khờ, luôn bị vây quanh bởi những rắc rối giả tạo, những ưu tư làm dáng. Nhưng liệu Jean hiểu được đến mức nào về nàng, qua sự đơn giản đánh lừa bên ngoài, qua ánh nhìn như chiếu rọi vào tâm can người đối diện và qua cung cách đầy vẻ tự tin? Thực ra, Jean nghĩ về Thérèse giống như cậu ta nghĩ về Anne, một người nghĩ sao nói vậy, và sẵn sàng bỏ lại tất cả sau lưng để đi theo mình. Jean Azevedo chúa ghét mẫu người phụ nữ đầu hàng quá sớm, ngay trước khi cả kẻ tấn công mình nghĩ đến việc phải rút lui. Cậu ta không sợ gì bằng sợ sự chiến thắng, kể cả thành quả của sự chiến thắng. Còn Thérèse, nàng cố gắng sống trong thế giới của Jean; nhưng những quyển sách mà Jean mê đắm – nàng đã gởi mua tận Bordeaux – vượt khỏi tầm nhận thức của nàng. Thêm nữa, ở đây không bao giờ có việc gì  đề nàng phải bận rộn. Không ai mong đợi nàng làm bất cứ việc gì, thậm chí cả việc chuẩn bị tã áo cho đứa bé sắp ra đời. Madame de la Trave hay nói: “đó không phải là công việc của cô ấy” Trong vùng có khá nhiều người mẹ chết trong lúc sinh con. Đã nhiều lần nàng khiến cho bà cô Clara phải phát khóc vì cứ quả quyết cho rằng rồi thì số phận cô cũng giống như mẹ mình, rằng chắc chắn mình sẽ không thể nào hồi sức sau sinh nở. Thérèse còn không để lỡ dịp bồi thêm một câu: “Sống hay chết thì cũng chẳng khác gì nhau.” Nàng đã nói dối. Thérèse chưa bao cảm thấy mình tha thiết muốn sống như lúc ấy – và Bernard cũng chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến nàng nhiều như thế. “Chàng nào có quan tâm gì đến mình. Chẳng qua chỉ là vì cái bào thai ta đang mang trong người. Chàng càu nhàu bằng cái giọng hết sức đáng ghét, ăn thêm cái món trái cây nghiền này, đừng ăn cá nữa . . .hôm nay em đi bộ như thế là đã đủ . . .Ta được chăm sóc không khác gì người ta chăm sóc một vú em, tất cả chỉ cốt làm sao cho có sữa tốt để em bé bú. Gia đình de la Trave tôn sùng ta như một chiếc bình quý giá thiêng liêng, trong đó có mầm mống một hậu duệ của gia đình. Và không có gì phải bàn cãi, nếu một ngày nào đó họ phải hy sinh ta để cứu lấy cái bào thai sắp chào đời. Ta đã mất hết mọi cảm giác về sự hiện hữu của chính mình. Ta chỉ còn là một cây nho; dưới con mắt gia đình, chỉ có trái nho trên cây là quan trọng, chỉ có cái bào thai ta đang mang là thứ cần phải quan tâm.”

“Ta phải sống giữa những cái bóng dầy dặc ấy cho đến tận cuối tháng 12 năm ấy. Như thể vô số những rặng thông chưa đủ để bao vây ta, trời còn mưa không ngớt, đổ xuống chung quanh căn nhà ảm đạm những giọt mưa nặng nề như những chấn song cửa sổ nhà tù. Khi con đường duy nhất dẫn đến Saint-Clair sắp sửa không thể đi lại được nữa, họ mang ta đến đó, ở trong căn nhà không kém phần tối tăm ảm đạm hơn căn nhà ở Argelouse. Với những trận mưa không ngớt, mấy cây tiêu huyền già phía bên ngoài vẫn còn cầm cự giữ lại những chiếc lá cuối cùng. Bà cô Clara, vốn không thể sống ở đâu được ngoại trừ trong căn nhà ở Argelouse, vì thế bà không muốn đi theo ta đến Saint-Clair. Thay vào đó, bà thường xuyên đến với ta bằng chiếc xe một ngựa thô sơ, bất kể thời tiết bên ngoài như thế nào. Bà mang cho ta những món ăn mà hồi nhỏ ta ưa thích, và cả những món mà bà cho rằng bây giờ ta vẫn còn thích, thí dụ như cái loại bánh mì ngọt đặc nhà quê làm bằng bột lúa mạch đen trộn mật (mique), bánh fougasse hoặc roudmajade . . . Ta không bao giờ gặp Anne ngoại trừ trong những bữa ăn. Cô bé không còn nói chuyện với ta nữa. Với vẻ cam chịu, hay đúng hơn là bất lực, cô nàng hầu như đã đánh mất hết nét thanh xuân sau chỉ duy nhất một lần thất bại trong tình trường. Mái tóc của cô, vì bị cột ngược về phía sau quá chặt, đã để lộ ra hai cái tai xanh xao, trông rất thô. Không ai nhắc đến cái tên Jean Deguilhem, nhưng Madame de la Trave vẫn nuôi hy vọng: Anne chưa nói Bằng Lòng, nhưng cô cũng chưa nói Không. Phải công nhận Jean Azevedo đã nhận xét rất đúng về Anne: không phải đợi quá lâu trước khi đặt yên lên lưng cô nàng và sai khiến cô nàng như ý mình muốn. Bernard có vẻ không được khỏe như trước từ lúc chàng ta quay trở lại uống cái thứ rượu khai vị. Còn mấy người ở chung quanh ta họ bận tâm về những điều gì? Ta nhớ lại, họ bàn tán khá nhiều về ông cha xứ (nhà ở của ông chỉ cách ta có một con đường). Lúc nào cũng nghe thấy họ bàn tán về ông, chẳng hạn như, sao hôm nay ổng đi ngang qua khu chợ tới 4 lần, mỗi lần lại đi về bằng một ngả khác . . .

Dựa trên một số điều nghe được từ Jean Azevedo, Thérèse bắt đầu chú ý đến vị cha xứ trẻ tuổi vốn không thích tiếp xúc nhiều với các giáo dân của mình. Họ cho rằng ông cha xứ kiêu ngạo. “Ông này không phải người mà mình muốn có mặt ở đây.” Có vài lần hiếm hoi, ông ghé thăm nhà của gia đình de la Traves. Thérèse đã có dịp quan sát ông và chú ý đến vầng trán cao, hai thái dương thẳng tắp. Không bạn bè quyến thuộc. Ông làm gì cho hết những buổi tối? Tại sao ông chọn cuộc sống như thế này? Madame de la Trave bảo: “Cha rất siêng năng. Tối nào cũng cầu nguyện. Nhưng cha thiếu hẳn tính cách của một người ngoan đạo. Theo ý tôi, cha không phải là một người ngoan đạo thuần thành đúng như ý nghĩa của nó. Cha bỏ bê hẳn mọi việc làm từ thiện.” Bà than thở ông cha đã giải tán ban nhạc của câu lạc bộ thanh niên; còn các phụ huynh học sinh thì phàn nàn không thấy cha xứ tham dự các buổi thi đấu túc cầu của học sinh trong giáo xứ. “Vùi đầu suốt ngày trong các quyển sách kinh là điều tốt nhưng làm thế, chẳng bao lâu giáo xứ sẽ tan nát hết.” Thérèse bắt đầu đi lễ thường hơn để nghe ông giảng. “Con bắt đầu đến nhà thờ, một việc làm rất nhỏ, đúng vào lúc mà tình trạng sức khỏe của con có thể là lý do chính đáng để con không phải đến đây.” Bài giảng của ông về những tín điều, về đạo đức có vẻ như chung chung. Nhưng Thérèse cảm thấy thích thú với giọng nói khi lên bổng, khi xuống trầm, cả cử chỉ điệu bộ khi nói của ông; lời nói cũng có lúc vụng về mà . . .Ừ nhỉ, phải chi ông cha có thể giúp gỡ rối mớ bòng bong trong thế giới nội tâm của nàng. Ông có vẻ khác với những người cùng giới. Và tất nhiên, chính ông cũng đã thủ một vai trong vở bi kịch đời. Chiếc áo thầy tu ông mặc tạo nên một thế giới hoang vắng như sa mạc chung quanh mình, và ông không thể không lún sâu vào thế giới cô độc mà ông đang sống. Trong những nghi thức hàng ngày, ông có thể tìm thấy được những an ủi nào? Thérèse ao ước được phụ giúp cha xứ trên bàn thờ vào các buổi lễ ngày thường; trong những buổi lễ ấy, chỉ có sự hiện diện của ca đoàn gồm các cậu bé trai; cha xứ sẽ cúi người trên bàn thờ, tay cầm mẩu bánh thánh, miệng mấp máy thì thầm. Nhưng nàng sợ, làm như vậy, gia đình và dân chúng chung quanh sẽ thì thào bàn tán và có thể, người ta sẽ rao ầm lên rằng Thérèse đã quay trở lại đạo.

Tuy trong thời kỳ đó, nàng đã phải chịu đau khổ biết là chừng nào, nhưng phải đợi đến ngày sau khi sinh con, Thérèse mới thực sự cảm thấy mình không thể nào chịu đựng được cuộc sống như thế này nữa. Nhìn bên ngoài, không có gì khác thường xẩy ra. Giữa nàng và Bernard, vẫn như mọi ngày khác. Đối với gia đình chồng, nàng tỏ ra cung kính còn hơn cả Bernard. Và đó mới chính là bi kịch, bởi không có một lý do để phá vỡ sự đơn điệu. Thật khó mà tiên đoán điều gì sẽ xẩy ra. Tuyệt nhiên, không một cơ hội cho bất cứ sự thay đổi nhỏ nào, để ít nhất ta có thể ngăn ngừa không cho sự việc diễn ra theo một sự xếp đặt tiền định. Nếu nói rằng đã có những bất đồng, hay hiểu lầm nào đó, tức là hàm nghĩa đã có những tiếp xúc qua lại giữa những nhân vật chính, nhưng trong thực tế, Thérèse và Bernard hầu như không bao giờ đối diện với nhau trong tình cảnh như vậy; lại càng ít hơn nữa với gia đình nhà chồng. Không một dịp nào để nàng tin rằng mình đã trực diện với họ. Vậy họ có cùng chia sẻ với nhau những từ vựng mang cùng ý nghĩa? Với những từ thông thường hàng ngày, họ hiểu ý nghĩa của chúng theo những cách khác nhau. Nếu Thérèse có để thoát ra bên ngoài một tiếng kêu đau đớn xé lòng, gia đình sẽ bảo nhau rằng cô con dâu của họ thích rên rỉ một chút cho vui. Madame de la Trave bảo: “Mỗi khi cô ta khởi sự diễn trò, tôi giả vờ như không nghe, không biết gì hết. Giả như cô ấy cứ lì lợm tiếp tục, tôi cũng sẽ không gắn cho cái trò ấy chút ý nghĩa quan trọng nào; cô ấy biết những thứ ấy không mảy may làm cho chúng tôi bị đánh lừa.”

Tuy nhiên, Madame de la Trave rất đặc biệt ghét một trong những cái mà bà gọi là thói màu mè của Thérèse, khi nàng nói nàng không thể nào chịu đựng được mọi người bảo con bé Marie giống mẹ như đúc. Những câu nói đại loại (“thấy không, làm sao có thể chối cãi được rằng…”) như vậy khiến bà mẹ trẻ mang cảm giác mình không thể che giấu được điều gì hết. Nàng kiên quyết phản bác: “con bé này chẳng giống tôi chút nào hết. Hãy nhìn nước da sậm của nó, rồi đôi mắt đen láy kìa. Đem so sánh với mấy bức hình cũ của tôi xem, tôi đâu có giống như thế đâu.”

Nàng không muốn bé Marie giống nàng. Nàng không muốn có chút gì chung với máu thịt sinh linh này giờ đây đã ra khỏi nàng. Người ta bảo Thérèse thiếu tình cảm mẫu tử. Nhưng Madame de la Trave trấn an mọi người rằng cô ấy thương con theo cách riêng của cô ấy. “Đúng là không thể đòi hỏi cô ấy tắm rửa hay thay tã cho đứa bé; cô ấy không quen với những việc như vậy. Nhưng tôi đã từng thấy cô ấy ngồi bên cạnh nôi suốt những buổi chiều, nhịn thuốc lá, chỉ để ngắm nhìn con bé ngủ say trong nôi. Dù sao, chúng tôi có được một chị vú rất siêng năng, và cả con bé Anne nữa. Cô này rồi thì sẽ hứa hẹn là một bà mẹ trẻ ra trò.” Khi trong nhà có thêm được một cô bé nhỏ, Anne đã nhanh chóng tìm lại được sự sống. Chiếc nôi luôn là hình ảnh thân thương nhất trong con mắt một phụ nữ, nhưng với Anne, người có bản năng làm mẹ mạnh mẽ hơn nhiều người khác, đã săn sóc cháu mình với niềm vui sâu sắc khó tả. Để được đến với đứa bé bất cứ lúc nào cô muốn, Anne đã làm lành với Thérèse, mặc dù không còn gì của tình bạn xưa cũ đọng lại trong tâm trí Anne, ngoại trừ vài câu nói và cử chỉ quen thuộc. Điều Anne lo sợ nhất là có thể Thérèse một ngày nào đó tỏ sự ghen tuông của một người mẹ: “Con bé con mê hơi tôi hơn mê hơi mẹ nó. Vừa nhìn thấy tôi là nó nở ngay nụ cười. Một hôm, khi tôi đang bế nó, Thérèse tìm cách ôm nó lại. Thế là con bé khóc vang lên. Nó thích tôi hơn mẹ nó – có lúc nó làm tôi cảm thấy ngượng ngùng . . .”

Anne đã lầm khi không cảm thấy thoải mái vì thấy bé Marie quyến luyến mình hơn mẹ nó. Trong giai đoạn ấy của đời mình, Thérèse không muốn có cảm giác gần gủi với bất cứ ai, kể cả đứa bé con mình đẻ ra. Nàng nhìn mọi người, mọi vật, thân xác mình, hồn trí mình, như một thứ ảo ảnh, một thứ sương khói bị đè nén bên ngoài nàng. Trong cõi hư không trống rỗng ấy, chỉ có Bernard hiện hữu như một thực tại kinh tởm. Thân xác phốp pháp, giọng nói đầy âm mũi mà đượm vẻ uy quyền, hống hách, bộc lộ một con người tự mãn. Nàng muốn ra khỏi thế giới này? Nhưng phải làm sao đây? Và rồi sẽ đi đâu? Những ngày đầu tiên ấm áp càng làm cho Thérèse thêm trầm cảm. Không có gì cảnh báo cho điều nàng sẽ làm. Năm ấy, cái gì đã xẩy ra? Nàng không nhớ đến bất cứ sự việc gì, hay cuộc cãi vả nào. Vào cái ngày lễ Corpus Christi năm ấy, nàng nhớ mình có cảm tưởng mình ghét Bernard hơn thường lệ. Qua các khe của tấm màn cửa sổ chỉ mở một nửa, nàng ngắm cuộc diễu hành đi ngang qua. Phía sau tấm trướng che nắng cho kiệu lễ, chỉ có một mình Bernard bước theo. Trong mấy phút đồng hồ, ngôi làng bỗng trở nên vắng tanh vắng ngắt, như thể người ta vừa thả rông một con sư tử ra đường, chứ không phải một con cừu. Một số người lẩn tránh, để khỏi phải dở mũ hoặc quỳ gối xuống lúc kiệu thánh đi ngang. Khi đám rước qua rồi thì lần lượt các cánh cửa nhà lại được mở. Thérèse chăm chăm nhìn ông cha xứ, chân bước đi mà mắt nhắm nghiền, hai tay cầm một vật gì là lạ. Đôi môi cha xứ cứ mấp máy: ngài đang nói chuyện với ai, với cái không khí buồn thảm đang vây quanh ngài? Kế sau cha xứ, là Bernard đi tới, chàng đang “thi hành nhiệm vụ của mình.”

Nhiều tuần lễ khô hạn trôi qua mà không có một giọt mưa. Bernard sống trong nỗi lo sợ một trận hỏa hoạn có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Một lần nữa, anh ta bắt đầu cảm thấy “tim mình có vấn đề”. Năm trăm héc-ta rừng đã bị cháy rụi ngay bên ngoài Louchats. “Nếu hướng gió chuyển về phía bắc, khu rừng thông Balisac của mình sẽ ra tro.” Thérèse mong đợi bầu trời ngoan cố kia đổi ý. Sẽ không bao giờ mưa nữa. Một ngày nào đó, cả khu rừng sẽ vặn mình nổ tanh tách trong biển lửa. Và thị trấn này sẽ khó mà thoát nạn. Sao mấy thị trấn khác trong vùng chưa bị thiêu hủy hết cho rồi? Nàng cho là thiếu công bằng khi chỉ có những cái cây bị đốt cháy chứ không phải con người. Trong nhà thường có những buổi tranh luận vô tận về nguyên nhân của các cuộc hỏa hoạn: một mẩu thuốc lá bị vất xuống cẩu thả? Cố tình đốt rừng? Thérèse đã có lần tưởng tượng, nửa đêm nàng thức dậy ra khỏi nhà, đi đến khoảng rừng rậm rạp nhất, ném tàn thuốc lá trên tay xuống đất rồi thản nhiên ngắm nhìn một màn khói phủ kín bầu trời vừa hửng sáng . . . nhưng nàng xua đuổi ngay ý nghĩ đó đi. Tình yêu dành cho những cây thông đã ngấm vào trong máu của nàng; lòng thù hận của nàng không phải là để hướng về những cái cây vô tội.

Và giờ đây là lúc phải nhìn thẳng vào điều nàng đã làm. Nàng sẽ phải giải thích như thế nào với Bernard? Không còn cách nào khác ngoài việc gợi cho chàng nhớ lại tuần tự sự việc đã xẩy ra như thế nào. Hôm đó là ngày có một đám cháy lớn ở khu vực gần Mano. Trong lúc cả nhà đang ngồi ăn vội vã ở bàn thì có mấy người đàn ông ghé lại. Có người khẳng định đám cháy ấy còn ở rất xa Saint-Clair; kẻ khác thì khuyên nên hú còi báo động cho mọi người ở đây biết ngay tức thì. Mùi thơm của nhựa thông bị đốt cháy vương vất trong không khí suốt cả ngày hôm đó. Ánh mặt trời trông dơ bẩn vì khói che phủ. Lúc này, một lần nữa Thérèse có thể hình dung ra Bernard, đầu ngoảnh về phía Balion nghe anh ta báo cáo, trong lúc bàn tay lông lá bè bè ở trên miệng ly, vô tình để rơi mấy giọt thạch tín xuống đáy ly nước. Thérèse đã nghĩ đến việc nhắc cho chồng biết rằng Bernard đã pha gấp đôi lượng thuốc thường ngày trong lúc anh ta đưa ly thuốc lên miệng uống ực một lần. Lúc ấy, mọi người đã rời khỏi bàn – ngoại trừ Thérèse, nàng còn ngồi lại tách mấy hột hạnh nhân tươi, không quan tâm gì đến những gì đang xẩy ra chung quanh, giống như nàng đã không còn mảy may quan tâm đến những bi kịch của riêng mình. Không có còi báo động. Cuối cùng, Bernard quay về: “Lần này, em đã đúng. Chúng ta không có gì phải lo lắng – lửa phát ra từ phía bên kia của Mano,” Rồi anh ta hỏi:”Anh uống thuốc chưa nhỉ?” – và không đợi câu trả lời của Thérèse, Bernard nhỏ thêm một liều thuốc nữa trong ly. Nàng ngồi im lặng, không buồn lên tiếng; phần vì lười biếng, phần vì đã quá mệt mỏi. Vào khoảnh khắc ấy, Thérèse hy vọng điều gì? “Không thể nào cho rằng ta đã cố ý im lặng, không cho chàng biết về việc thuốc quá liều.”

Tuy nhiên, đêm hôm ấy, trong lúc Bernard nôn thốc nôn tháo, rên rỉ trên giường thì bác sĩ Pedemay hỏi nàng về những gì xẩy ra trong ngày. Thérèse đã tuyệt nhiên không hé môi một lời về việc nàng đã nhìn thấy Bernard uống quá liều so với thường ngày. Hẳn sẽ vô cùng dễ dàng cho nàng cứ việc kể lại về những gì liên quan đến vụ cháy rừng hôm đó mà không phải ra mặt chối bỏ điều nàng thực sự nhìn thấy. Nàng có thể tìm được những câu trả lời, đại loại như “Tôi không thể nào nhớ chính xác được việc gì. Chúng tôi ai cũng hốt hoảng vì vụ cháy rừng, nhưng giờ thì tôi nhớ ra có lẽ anh ấy đã uống tới hai lần thuốc . . .” Nhưng nàng vẫn im như thóc; nàng có định nói ra hay không? Trong suốt bữa ăn, hành vi ấy đã xuất hiện trong nàng mà nàng không hề hay biết, và bây giờ thì nó bắt đầu trồi lên từ dưới đáy sâu của sự hiện hữu – tuy vẫn chưa hẳn định hình, nhưng đã tiến gần vào thế giới ý thức trong nàng.

Sau khi viên bác sĩ ra về, Thérèse nhìn chồng đang thiếp ngủ đi, nghĩ rằng: “Không điều gì có thể chứng tỏ chàng bị thế này là do bởi việc đó; có thể là do chứng viêm ruột dư, dù không thấy có triệu chứng gì khác . . .hoặc, cũng có thể do chứng cúm bao tử.” Nhưng hai ngày sau, Bernard đã trở lại bình thường. “Chàng may mắn nếu như chỉ bởi việc đó.” Thérèse không dám tự chắc chắn như thế với mình. Nàng cần phải biết rõ và chắc. “Đúng vậy – Ta không hề cảm thấy mình bị lôi cuốn vào một ý đồ kinh khủng nào cả. Nó chỉ là vấn đề của tính hiếu kỳ muốn biết cho ra lẽ, dù rằng cũng khá nguy hiểm khi ta muốn thỏa mãn cái điều ta muốn biết ấy. Ngày đầu tiên, trước khi Bernard vào phòng, ta có nhỏ vài giọt thạch tín vào ly nước. Ta còn nhớ mình đã nhắc đi nhắc lại với chính mình: Chỉ một lần này thôi nhé! Ta chỉ muốn biết điều này cho chắc chắn.  . . Ta sẽ biết được chính xác có phải mấy giọt thạch tín quá liều ấy làm cho chàng bị bệnh hay không. Chỉ lần này, và sau đó là xong hết mọi chuyện.

Chiếc xe lửa chậm lại, hú lên một hồi còi dài, rồi bắt đầu lăn bánh tiếp. Vài ngọn đèn chập chờn trong bóng đêm: Nhà ga Saint-Clair. Nhưng Thérèse nào đâu để ý gì đến bên ngoài. Nàng đang đắm mình trong vực thẳm của hành vi tội ác mà nàng đã phạm phải: nó đã chế ngự nàng cả hồn lẫn xác. Và sau đó, những gì xẩy ra kế tiếp, cả nàng lẫn Bernard đều đã biết: căn bệnh đã quay lại. Thérèse ngày đêm chăm sóc cho Bernard, đến lúc nàng kiệt sức và không thể ăn uống được gì. Lúc ấy, Bernard đã đề nghị nàng nên thử phương pháp chữa trị Fowler. Và nàng nhận được toa thuốc từ bác sĩ Pedemay. Tội nghiệp ông bác sĩ. Ông ta sửng sốt trước cái chất lỏng xanh lè mà Bernard mửa ra cũng như không thể nào tin được có một sự trái ngược quá lớn giữa mạch tim và thân nhiệt của bệnh nhân; trong nghề nghiệp của mình, ông đã từng thấy những trường hợp sốt nặng, tuy thân nhiệt bệnh nhân rất cao nhưng nhịp tim khá bình ổn – nhưng trong trường hợp này làm sao giải thích được nhịp tim đập loạn xạ mà thân nhiệt cứ giảm xuống tới dưới mức độ bình thường? Bệnh cúm, không có gì phải nghi ngờ nữa. Cúm – một chữ đủ để nói hết mọi điều.

Madame de la Trave đã nghĩ đến việc tham khảo ý kiến của một vị bác sĩ nổi tiếng, nhưng bà lại không muốn làm thương tổn lòng kiêu hãnh nghề nghiệp của ông bạn bác sĩ già; còn Thérèse lại sợ làm như vậy sẽ khiến Bernard thêm hoảng sợ. Cho đến giữa tháng Tám, tình trạng của Bernard không thuyên giảm mà ngày càng thêm trầm trọng, bác sĩ Pedemay đành đi cầu cứu ý kiến của một trong những đồng nghiệp của mình; may mắn thay, ngay hôm sau, Bernard đột nhiên khỏe ra trông thấy. Rồi chỉ vài tuần lễ sau, người ta bắt đầu đặt hy vọng thật nhiều vào một thời kỳ dài bình phục cho Bernard. Bác sĩ Pedemay vui vẻ: “Tôi đã kịp thời trị dứt được căn bệnh này. Nếu anh bạn trứ danh của tôi kia có thì giờ đến đây, chắc hẳn giờ này anh ta đã nhận vơ hết cái công chữa trị này rồi.”

Bernard dọn về Argelouse, tin chắc rằng mình đã hoàn toàn bình phục để có thể quay lại thú vui săn bắn của mình. Trong suốt thời kỳ này, Thérèse thường xuyên bị kiệt sức: Bà cô Clara bị chứng phong thấp hành hạ, nên mọi việc phải đến tay Thérèse – hai người ốm và một đứa bé mới sinh, ấy là chưa kể các công việc lặt vặt khác mà bình thường bà cô Clara phải làm. Nàng sẵn lòng thay bà cô làm công việc chăm sóc cho các gia đình nghèo ở Argelouse. Nàng đi thăm nhà các tá điền, cũng như bà cô Clara nàng cho đem các toa thuốc của họ đến nhà thuốc rồi tự bỏ tiền túi ra trả tiền thuốc. Nàng cũng chẳng có cảm giác buồn rầu khi đi ngang qua nông trang ở Vilmeja; nàng không có tâm trí để nghĩ đến Jean Azevedo hay bất cứ ai khác. Một mình nàng, dù hoa mắt nhưng vẫn cố vượt qua phần tối nhất của một đường hầm tối tăm. Và như một con thú hoang, nàng phải bằng mọi cách ra khỏi cái bóng đêm mịt mù này, phải tìm tới được khoảng trời xanh lộng gió – càng sớm càng tốt.

Đầu tháng Mười Hai, bệnh của Bernard tái phát; một buổi sáng, anh ta thức giấc, người run lập cập, hai chân tê cứng, không cử động được. Và rồi thì những gì xẩy ra sau đó: Monsieur de la Trave đã rước về một bác sĩ chẩn bệnh từ Bordeaux. Sau khi chẩn xét kỹ lưỡng con bệnh, ông ta im lặng một hồi lâu. (Lúc ấy, Thérèse tay đang cầm cây đèn; sau đó, Balion nhớ lại là hắn thấy mặt nàng trắng còn hơn tấm khăn trải giường của Bernard). Dưới ánh sáng mờ mờ, biết Thérèse đang lắng nghe, bác sĩ Pedemay hạ thấp giọng giải thích với người đồng nghiệp rằng Darquey, viên dược sĩ đã cho mình xem hai toa thuốc có chữ ký giả mạo. Trên toa giả thứ nhất, ghi “thuốc nước Fowler”; toa kia kê mấy liều thuốc mạnh hơn, gồm Chloroform (chất gây mê), Digitalis (lá mao địa hoàng) và Aconite (hạt phụ tử). Balion đã gom chúng chung với mấy toa thuốc khác đem đến nhà thuốc. Sáng hôm sau, vì cảm thấy có gì không ổn trong việc bào chế một lượng độc tố cao như vậy nên viên dược sĩ đã đến gặp bác sĩ Pedemay… Đúng, cũng như Thérèse, Bernard biết rất rõ chuyện này. Một chiếc xe cứu thương đã khẩn cấp chuyển Bernard đến bệnh viện Bordeaux. Ngay ngày hôm đó, anh ta đã hồi phục. Thérèse vẫn một mình ở Argelouse. Sự cô độc của nàng kinh khiếp đến độ nàng cảm thấy chung quanh mình những âm thanh rì rầm cứ dần dần xiết chặt lại – như thể nàng là một con thú dữ bị cùng đường, vòng vây bên ngoài đang nhỏ dần nên bây giờ đành nằm phủ phục chờ cho giây phút đời mình được kết liễu – một cảm giác bất lực ghê gớm bao trùm lấy tâm trí Thérèse, thứ cảm giác của một người, tưởng chừng mình sắp đạt được điều mình mong muốn, vừa đưa tay ra định nắm lấy bỗng hai chân quỵ xuống và ngã ngửa dưới đất.

Một buổi chiều cuối mùa đông, cha nàng ghé lại thăm con, khuyên nàng nên cố tự cứu lấy mình. Mọi chuyện đều có thể giải quyết được mà. Bác sĩ Pedemay đã bằng lòng rút lại lời khiếu kiện với lý do ông ta không thể quả quyết mình có kê mấy toa thuốc ấy hay không. Còn với những độc tố như Chloroform (chất gây mê), Digitalis (lá mao địa hoàng) và Aconite (hạt phụ tử), hẳn nhiên ông không thể nào cho những liều mạnh như vậy được; nhưng trong máu của bệnh nhân, người ta không thấy có dấu vết của những loại độc tố này nên . . .

Thérèse nhớ lại hôm ấy mình ngồi với cha, bên cạnh giường bệnh của bà cô Clara. Căn phòng được chiếu sáng bằng ngọn lửa từ lò sưởi; không ai muốn bật đèn cả. Bằng giọng nói đơn điệu của một học trò đang trả bài (bài học nàng đã nhẩm đi nhẩm lại trong đầu trong suốt nhiều đêm không ngủ): “Trên đường đi tôi gặp một người. Ông ta không phải là người ở Argelouse. Ông ta bảo do bởi tôi đang sai người đi lấy thuốc ở nhà thuốc của dược sĩ Darquey nên ông ta mong tôi sẵn lòng cho ông ta gởi kèm toa thuốc của ông luôn. Ông ta còn nợ tiền Darquey, chưa thể trả bây giờ, nên ông ngại không dám chính mình gặp Darquey. Ông cho biết sẽ đến nhà tôi để nhận thuốc, nhưng lại không để lại tên hay địa chỉ . . .”

“Phải nghĩ ra cách giải thích nào khác thôi, con ạ. Nhân danh gia đình, cha năn nỉ con. Phải nghĩ ra cách giải thích khác thôi, Thérèse!”

Người cha cứ ngoan cố không dứt lời năn nỉ con; còn bà già nghễnh ngãng nằm lọt thỏm trên nửa chiếc gối, linh cảm thấy có một điều gì rất nguy hiểm đang lởn vởn quanh Thérèse, bà thì thào hỏi cháu: “Ông ấy nói gì với cháu thế? Ông ta muốn gì vậy? Sao người ta cứ tìm cách hãm hại cháu thế?”

Nàng đã tìm được một sức mạnh để nở nụ cười với bà cô và nắm lấy tay bà. Cùng lúc đó, như một cô bé học trò trong lớp Giáo Lý Vấn Đáp, nàng đều đều giọng trả bài: “Đó là một người đàn ông trên đường. Trời tối quá nên tôi không nhìn rõ được ông ta. Ông ấy không nói ông ấy ở nông trại nào.” Một buổi tối, ông ta có đến để nhận thuốc của mình. Chẳng may, trong nhà không có ai nhìn thấy ông ấy đến.

(Còn Tiếp)

Bài Mới Nhất
Search