T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trọng Minh: TÙ KHÚC

Share on facebook
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Hát trong tù – Tranh: Thanh Châu

TÙ KHÚC, như tên gọi, là những khúc ca, bài hát được sáng tác trong tù, bởi những người tù. Không rõ ai là người khai sinh hai chữ TÙ KHÚC. Nhưng có điều chắc chắn là trước 1975 người ta không nghe nói đến hai từ này. Tù Khúc chỉ có sau ngày 30 tháng 4, 1975, ngày mà cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, bắt đi tù hầu hết Quân, Cán, Chính phục vụ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Một trong những Tù Khúc ra đời sớm nhất được biết đến có lẽ là bài Anh ở đây của nhạc sĩ Thục Vũ [1]. Nội dung bài hát nói lên niềm u ẩn, nỗi thương nhớ người thân yêu cùng thực trạng đời tù đày của người TÙ-MÀ-KHÔNG-TỘI. Bên cạnh nỗi nhớ thương, người tù bao giờ cũng nghĩ tới trách nhiệm của mình đối với “núi cũ, sông xưa”.

Sau khi bài Anh ở đây của Thục Vũ được khai sinh, một số những tù khúc khác ở các trại tù rải rác khắp Nam-Trung-Bắc tiếp tục thi nhau ra đời.

Trong đó, một số bài tiêu biểu đươc ghi nhận như sau:

Nhớ MẹLưu đày của Lê Minh Đảo [2], trại Nam Hà

Quân trường xưa Ngày xa Đà Nẵng (tựa khác: Đêm di tản) của Vũ Cao Hiến [3], trại Vĩnh Quang B

Đôi giày dũng sĩ của Nguyễn văn Hồng, trại Nam Hà.

Em đến thăm anh trong trại ngục tù củaNguyễn văn Tấn, trại Nam Hà

Bé thơ và Mẹ của Việt Long, trại Vĩnh Quang B

Nụ cười trong mưa [4]của Trọng Minh, trại 5 Thanh Hóa, phân trại B

Hai hàng cây So Đũa  Ý thơ: Nguyên Huy, Nhạc: Trọng Minh, trại Z.30 A

Quê hương ba vòng ngục tù Ý thơ: Lê Trần, Nhạc: Trọng Minh, trại Z.30 B

Là bình thường của Trần Ngọc Phong, trại Vĩnh Phú

Và còn nhiều… nhiều nữa. Có thể tìm hiểu thêm nội dung và tác giả tù khúc tại trang mạng:

T.Vấn & Bạn Hữu

Chuyên Mục: Tù Khúc

Chủ đề chung nhất các tác giả tù khúc chọn cho tác phẩm của mình là tình cảm dành cho những người thân yêu, những suy tư về thực trạng cuộc sống tù đày, sự nuối tiếc dĩ vãng tươi đẹp. Nhưng chủ đề nổi bật trong đa số các tù khúc là khí phách hiên ngang của người tuy đã ngã ngựa nhưng không khuất phục loài sâu bọ học làm người.

Trong nhà tù, trước lưỡi lê và họng súng, người tù không thể công khai nói lên những điều họ muốn nói. Nhưng không vì vậy mà họ cam tâm yên lặng như lời khuyên của nhà tư tưởng phương Tây, rằng: “Những điều không thể nói ra được thì hãy để nó ra đi trong yên lặng”.

Những thành phần ưu tú của Miền Nam, những đứa con thân yêu của chế độ Việt Nam Cộng Hòa không thể nói công khai, thì họ nói trong âm thầm, kín đáo. Nhất quyết họ không cam tâm “để nó ra đi trong yên lặng”. Vũ khí của họ là thanh âm và ngôn từ. Hãy nghe Lê Trần và Trọng Minh tố cáo chế độ:

………………………….

Nhưng trong từng nhịp tim trong từng hơi thở

Ta muốn quên, ta muốn quên mà sao ta vẫn nhớ

Đồng bào ta ở tù ngoài, ta ở tù trong, bạn bè ra xiềng gông trong cùm.

Ôi! Quê hương ba vòng ngục tù

…….Ta không thể nào quên

(Trích Quê hương ba vòng ngục tù, Thơ Lê Trần, Nhạc Trọng Minh)

Cộng sản chủ trương giết tù nhân bằng đói, lạnh, sợ hãi và bệnh tật. Người tù Nguyễn văn Hồng đã không quên được sự tàn độc đó. Anh nguyện làm Đôi giày dũng sĩtrở về giẫm nát tim kẻ thù”:

Này em ta không quên đâu những ngày tù tội

Này em ta không quên đâu những ngày tăm tối

Này em ta không quên đâu những ngày nhục nhằn

Này em ta không quên đâu mối thù muôn đời

Và dù không là gì cả cũng xin làm đôi giày dũng sĩ

Trở về giẫm nát tim kẻ thù

Anh đã sắt son dặn lòng thà hôm nay chịu khổ, dù phải hi sinh thân xác, cũng vui lòng chấp nhận, để cho thế hệ mai sau được ngẩng mặt sống cuộc đời rực rỡ, tràn đầy yêu thương, hạnh phúc và thái hòa.

……………………………………….

Cho tôi xin một lần gục ngã

Cho em tôi muôn đài ngẩng mặt

Cho tôi xin một lần được chết

Cho em tôi một trời thênh thang

Cho tôi xin một lần mịt mù

Cho em tôi ngàn đời rực rỡ

Cho tôi xin một lần hận thù

Cho em tôi một trời yêu thương

Cho tôi xin một lần nhục nhằn

Cho em tôi ngàn đời hạnh phúc

Cho tôi xin một đời đấu tranh

Cho em tôi muôn đời thái hòa.

Lực lượng tham gia sáng tác

Căn cứ vào những tài liệu hiện có, danh tính các tác giả tù khúc được biết như sau:

Tiến Dũng, Lê Minh Đảo, Xuân Điềm, Hồ Hoàng Hạ, Vũ Cao Hiến, Nguyễn văn Hồng, Hạ Quốc Huy, Đoàn Khôi, Trọng Minh, Vũ Đức Nghiêm, Trần Ngọc Phong, Phạm Hồng Phước, Lưu Điện Quý, Hà thúc Sinh, Nguyễn Hữu Tân, Nguyễn văn Tấn, Võ Phú Thọ, Đinh Quốc Trực, Phạm Thiên Tứ, Thục Vũ, Trần Lê Việt, Khuyết Danh. Có thể còn một số nữa mà tôi chưa được biết.

Song song với các tác giả của dòng tù khúc, còn có những người viết văn, làm thơ trong tù. Một số bài thơ đã là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ, nhờ đó kho tàng tù khúc được phong phú thêm [6].

Vài người trong số văn, thi sĩ này đã thành danh, có chỗ đứng trong văn đàn Miền Nam trước năm 1975 [7]. Số đông còn lại là văn, thi sĩ tài tử, không chuyên nghiệp. Nghịch cảnh đã buộc họ phải dùng giấy bút làm vũ khí để tỏ rõ thái độ.

Số văn, thi sĩ đã thành danh trước năm 1975 gồm có: Tô Thùy Yên, Lê Mai Lĩnh, Sương Biên Thùy. Lê Trần, Nguyễn Cao Quyền, Phạm Ngọc Phi, Trần Thúc Vũ, Hồ Hoàng Hạ, Tạ Quang Hoàng, Phạm đức Nhì, Vương Mộng Long, Hoài Nam, Thảo ca, Võ Ý.

Phương tiện, phương cách sáng tác. Cách lưu giữ và bảo vệ tù khúc.

Chắc hẳn không ít người thắc mắc là nhờ đâu, dù trong điều kiện thiếu thốn đủ mọi thứ, mà người tù có thể viết được ngần ấy bài nhạc? Đó là chưa kể đến vốn liếng nhạc lý của họ rất hạn chế?

Ai cũng biết đa nghi, tàn độc và lừa lọc là bản chất của cộng sản. Mấy năm đầu sau 1975, chúng giấu tù rất kỹ. Thay vì dùng địa danh, chúng dùng bí số để chỉ nơi giam giữ tù nhân. Về quà cáp thì ba tháng một lần, chúng cho thân nhân gởi thức ăn khô gồm đường, sữa, mì gói…cho người trong tù. Nói chi đến đàn và nhạc cụ.

Do vậy, người tù muốn viết nhạc, làm thơ thì phải vận dụng các phương tiện sẵn có chung quanh như mẩu than, mảnh giấy vụn, bao thuốc lá v.v…để ghi vội vài ý tưởng thoáng qua trong đầu, rồi cất giấu đâu đó. Cứ thế, ngày qua ngày. Khi những ý tưởng đó đủ để dàn trải thành bài thơ, bài nhạc, lúc đó người tù mới soạn ra, sắp xếp, liên kết các ý tưởng lại với nhau và định hình tác phẩm để ghi nhớ trong đầu.

Đối với thơ, văn thì còn tương đối dễ ghi, dễ nhớ. Nhưng với nhạc thì thật là gay go. Làm sao có thể định được cao độ nốt nhạc mà không âm ư trong cổ họng cho thành tiếng? Nhất là lúc đêm khuya, mọi người ngủ cả mà mình cứ ư a, không khéo người nằm kế bên tưởng mình rên vì bệnh! Nhưng rồi mọi việc cũng được giải quyết trót lọt bằng cách này hoặc cách khác.

Một khi bài nhạc đã hoàn tất, trở thành một tù khúc, tác giả phải tìm cách ghi nhớ, lưu giữ, bảo vệ nó trước những cặp mắt rình rập của bọn ăng -ten. Nếu lỡ bị phát hiện, bị báo cáo thì cùm chân, biệt giam là điều không tránh khỏi.

Với thời gian, các tác phẩm tù khúc ngày càng nhiều. Vấn đề ghi nhớ, lưu giữ, bảo vệ chúng ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp. Nhất là làm sao cho chúng thoát được vòng rào kẽm gai để đến tay thân nhân, bè bạn ngoài đời hoặc sang đến bến bờ Tự Do để mọi người được nghe tiếng nói trung thực người trong tù cộng sản [8].

Cho đến năm 1988, sau nhiều lần đàm phán với Hoa Kỳ và căn bản đã đạt được một số thỏa thuận, cộng sản lần lượt thả những người của chế độ cũ bị chúng bắt đi TÙ-MÀ-KHÔNG-TỘI. Bằng cách này hoặc cách khác [9], các tác giả tù khúc trong đó có tôi, phải cố bảo vệ những đứa con thân yêu của mình an toàn thoát ra cổng trại giam. Và chúng tôi đã thành công.

Tuy vậy, khi ra ngoài đời, phải mất rất nhiều thì giờ và công sức để phục hồi các tù khúc đó. Vấn đề trí nhớ là một trở ngại lớn. Bản thân tôi chỉ tái tạo hoàn chỉnh được khoảng một phần ba những tác phẩm sáng tác trong tù.

Phẩm chất, tính nghệ thuật của Tù khúc.

Dù đa số những tù khúc được sáng tác bởi các nhạc sĩ tài tử, không chuyên nghiệp, không được đào tạo qua trường lớp, nhưng một số những tù khúc này có thể sánh vai với những ca khúc trên thị trường không chút thua kém.

Xin hãy bấm chuột vào tên bài để thưởng thức và đánh giá:

Nhớ Mẹ, Lê Minh Đảo

Người về, Trần Lê Việt

Dạ khúc, Trần Ngọc Phong  

Hai hàng cây So Đũa, Nguyên Huy, Trọng Minh

Trên đây là bài viết về TÙ KHÚC và các chi tiết liên quan đến nó mà tôi biết hoặc nhớ được, bao gồm:

*Các chủ đề của tù khúc,

*Lưc lượng tham gia sáng tác tù khúc

*Phương tiện, phương cách sáng tác. Cách thức lưu giữ, bảo vệ tù khúc.

*Phẩm chất, tính nghệ thuật của tù khúc.

Nội dung bài viết chắc hẳn còn nhiều thiếu sót. Rất mong đươc sự thông cảm của các tác giả và quý độc giả. Sự góp ý và chỉ giáo của quý vị thật sự đáng trân trọng và cần thiết.

Trọng Minh

20-04-2022

Bài viết có chú thích kèm theo nhiều đường dẫn (link). Cách mở: Đưa chuột vào đường dẫn. Mũi tên biến thành bàn tay phải có ngón trỏ chỉ vào đường dẫn. Ấn chuột trái, bạn sẽ thấy nội dung chú thích.

[1] Thục Vũ tên thật là Vũ văn Sâm (1932-1976), sinh tại làng Nam Lạng, Trực Ninh, Bắc Việt. Trước 1975 là Trung Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30-4-1975, đi tù cộng sản. Qua đời tại trại Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hòa năm 1976. Nghe nhạc tại đây [https://www.youtube.com/watch?v=IQRyR–iSVg]

Giai điệu bài hát buồn man mác, gợi nhớ xa xăm. Có lẽ vì vậy mà nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm (1930-2017) đã thêm lời hai cho bài hát. Theo tìm hiểu của tôi, bài hát có lời hai sau khi nhạc sĩ Thục Vũ qua đời.

[2] Lê Minh Đảo (1933-2020). Chức vụ trước 30-4-1975: Thiếu Tướng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Ngoài tài thao lược của một tướng Tư lệnh chiến trường, ông còn sở hữu tâm hồn nhạy bén, cảm thông của một nghệ sĩ. Hai tù khúc ông viết trong lúc bị giam giữ tại trại Nam Hà là bài Nhớ Mẹ [https://www.youtube.com/watch?v=p5yfECW-1JI]

Lưu đày [https://www.youtube.com/watch?v=o9tGRjKXcBc ]

[3] Vũ Cao Hiến, trước 1975: Đại Úy Biệt Động Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30-4-1975 đi tù cộng sản. Thời gian bị giam giữ tại trại Vĩnh Quang B, anh viết rất nhiều tù khúc, trong đó có hai bài được ưa chuộng nhất là Quân trường xưa [https://t-van.net/?p=5860] Ngày xa Đà Nẵng [https://t-van.net/vu-cao-hiến-ngay-xa-da-nẵng/].

[4] Nụ cười trong mưa [https://t-van.net/trong-minh-nu-cuoi-trong-mua-tu-khuc/], Trọng Minh sáng tác năm 1979 trong thời gian bị kiên giam tại phân trại B, trại 5 Thanh Hóa.

[5] Đoàn Khôi là một trong những người tích cực đóng góp công sức cho việc gìn giữ và phổ biến Tù Khúc. Anh và nhóm thân hữu Việt Tiến, Minh Hòa, Trần Gia Toản, Nguyên Huy đã từng có những buổi phát thanh Tù Ca trên làn sóng ở Nam Cali.

Việc đáng biểu dương và trân trọng là ngày 10 tháng 9, 2010, anh đã cho ra đời quyển sưu tập tù khúc khổ A4, trong đó bao gồm 89 tù khúc của các tác giả trong các trại tù cộng sản khắp Nam-Trung-Bắc. Quyển sưu tập này không bán, dành biếu cho thân hữu.

[6] Người về, Thơ Phạm Ngọc Phi, Nhạc Trần Lê Việt [https://t-van.net/?p=7190]

Quà cho tôi, Thơ Thanh Hùng, Nhạc Trọng Minh

Nhớ cố hương, Thơ Lê Trần, Nhạc Phạm Thiên Tứ [https://t-van.net/?p=6533]

Quê Hương ba vòng ngục tù, Thơ Lê Trần, Nhạc Trọng Minh [https://www.youtube.com/watch?v=Ne2imCoxIgw&t=218s]

[7] Tô Thùy Yên, Lê Mai Lĩnh, Sương Biên Thùy, Phạm Ngọc Phi, Trần Thúc Vũ.

[8] Tôi nhớ rất rõ, có lần tôi gởi bài Hai hàng cây So Đũa cho một người bạn được may mắn trả tự do năm 1984. Ít lâu sau, anh vượt biên thành công, tạm trú tại bang Texas. Anh làm quen được với một nhạc sĩ đấu tranh có chút tiếng tăm. Nhưng bẩn thỉu thay, anh nhạc sĩ đã cho trình diễn bài tù khúc Hai hàng cây So Đũa với tên anh ta là tác giả!

[9] Tôi xin không tiết lộ “mánh lới” đó ở đây.

©T.Vấn 2022