Trông người lại nghĩ đến ta. Nhìn hình ảnh những người gốc Hispanic, mà phần lớn là những di dân đến từ Mexico, đối phó với đạo luật di dân mới của tiểu bang Arinzona mà ta không khỏi chạnh lòng. Với đạo luật mới này (có tên gọi SB 1070 ), hiệu lực kể từ hôm nay, 29 tháng 7 năm 2010, những người di dân bất hợp pháp (nói chung là tất cả những người sống trong tiểu bang Arizona mà không có giấy tờ cư trú hợp pháp) sẽ không thể ăn ngon ngủ yên được nữa. Đạo luật cho phép các nhân viên cảnh sát của tiểu bang, trong khi thi hành nhiệm vụ thường nhật, có quyền buộc đối tượng của mình phải chứng minh tình trạng ngụ cư của đương sự. nếu cảnh sát cho rằng, đối tượng tình nghi là di dân bất hợp pháp, người ấy sẽ bị bắt giữ và sẽ bị trục xuất. Một khi đạo luật được chính thức thi hành, giới chức cảnh sát của Arizona tiên đóan sẽ có rất nhiều người bị bắt giữ. Và họ đã chuẩn bị cho điều đó xẩy ra. Những người Hispanic sinh sống ở Arizona đã và đang rục rịch rời khỏi tiểu bang, dù chưa biết họ sẽ đi đâu và sẽ kiếm công ăn việc làm như thế nào.
Rất may, ngày 28 tháng 7 năm 2010, một ngày trước khi SB 1070 có hiệu lực, một thẩm phán thuộc tòa án Liên bang Hoa Kỳ đã phán quyết một phần của đạo luật (phần quan trọng nhất là cho phép cảnh sát được xác định tình trạng ngụ cư bằng cách yêu cầu đối tượng của mình phải xuất trình giấy tờ cần thiết) là vi phạm luật Liên bang và vi hiến.
Quyết định bất ngờ này của vị thẩm phán Liên bang làm một số người hài lòng và một số người bất mãn. Cũng chẳng có gì khó hiểu. Đấy là nước Mỹ. Năm 2006, nhân vụ xuống đường lớn nhất thế kỷ của cộng đồng di dân Hispanic ở Los Angeles, California, tôi đã bàn về vấn đề này qua bài viết: Di dân và bản sắc nước Mỹ.
Trong lúc tìm hiểu về thái độ của người bản xứ (đúng hơn là dân nhập cư người Mỹ từ hàng thế kỷ trước đây) đối với mọi từng lớp di dân mới, tôi tin rằng, trong mạch ngầm của sự việc, nhiều người không mấy cảm tình với sự có mặt của những người “mới” nhập cư, hợp pháp hay không hợp pháp, đến từ châu Á, châu Mỹ La tinh, châu Phi hay châu Âu. Nhưng sự không cảm tình ấy ít khi đuợc lộ ra, chẳng phải vì họ sợ đám di dân mới, mà chỉ vì luật pháp Mỹ tuyệt đối ngăn cấm mọi thái độ kỳ thị. Dân Mỹ có truyền thống sống và làm việc theo luật pháp. Do đó, có tình trạng bằng mặt mà không bằng lòng như trên.
Mỗi khi nhìn thấy những cuộc tụ họp đông đảo người Việt trên những đường phố nơi có nhiều người Việt ngụ cư như California, Texas, Virginia . . . với rừng cờ vàng che khuất mọi thứ, người Mỹ bản xứ – di dân cũ – cảm thấy như thế nào?
Dù sao, vấn đề di dân ở nước Mỹ phức tạp hơn nhiều . Nó liên quan đến nhiều phương diện xã hội, văn hóa, kinh tế chứ không đơn thuần chỉ là luật lệ.
Để giải quyết rốt ráo, không chỉ một đạo luật ban hành bởi một tiểu bang như Arizona mà đạt được. Cũng như một quyết định của vị thẩm phán Liên bang là có thể xoa dịu được vấn đề.
T.Vấn
29-07-2010