T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Anh Đi Thật Rồi Sao!

clip_image002

Khôi oai hùng trong bộ quân phục SVSQVB Đà lạt.

 

(Chuyện tình có thật của chàng sinh viên VB và cô nữ sinh BTX)

Năm 1962, khi vừa học lên lớp Đệ Ngũ thì bố Tuyết-Lê thuyên chuyển từ Tam Kỳ, Quảng Tín vào Đà Lạt nên gia đình cùng di chuyển đến ở một thành phố đẹp, mộng mơ mà cô bé Lê mới chỉ được biết qua tranh ảnh và âm nhạc, nay được hít thở không khí của thành phố sương mờ và được theo học trường Bùi Thị Xuân, một trường nữ trung học nổi tiếng vùng Cao Nguyên thì thật là hạnh phúc. Lê lại may mắn có được mấy nhỏ bạn hàng xóm học cùng lớp nên Lê rất mau chóng hòa nhập vào đời sống mới và ngôi trường mới.

Nhà của Lê và mấy nhỏ bạn nằm trên đỉnh đồi nên hằng ngày Lê và các bạn phải xuôi dốc để đến trường và ngược lên trở về nhà theo con đường vòng quanh đồi thông có những căn nhà xinh xinh với những vườn hoa hồng rực rỡ. Mới đầu leo dốc thì mệt thở ra khói nhưng lâu dần rồi cũng quen và thấy vui, vui nhất là khi canh chừng cho nhau để một đứa len lén thò tay qua hàng rào của một nhà nào đó để ngắt trộm một nụ hồng nhung trong vườn còn đọng sương sớm, mang hoa vào lớp cắm trên bàn học, cô giáo trông thấy chỉ mỉm cười. Được cô chiều nên trò làm tới, buổi học nào cũng có bông hồng trước mặt, vì vậy một ngày kia gặp nạn.

Sáng hôm đó tới phiên Lê ngắt bông, vừa vươn tay qua hàng rào thì có tiếng chó sủa, mấy nhỏ bạn ù té chạy, Lê vốn dĩ rất sợ chó nên hốt hoảng, lính quýnh chạy theo, bị trượt chân té nhào, sách vở văng tứ tung, đang lui cui lượm thì nghe có tiếng hỏi:

Em có sao không?

Từ thuở nhỏ Lê đã có tính tinh nghịch như con trai, đối đáp liến thoắng nên gia đình và bạn bè đặt cho cái tên “cô ba lém”, vậy mà nay khi nghe người lạ hỏi thì cô ú ớ không biết trả lời sao, không dám ngước nhìn người đó là ai, mà chỉ biết cắm cúi lượm sách vở bị tung ra. Một lúc sau, Lê lại nghe tiếng nói tiếp theo:

_Chết chửa, tay em chảy máu rồi kìa, để tôi giúp cho.

Nghe chảy máu, Lê điếng hồn vội nhìn bàn tay thì mới biết bị té, bị sỏi làm trầy da và đang rướm máu nhưng vì sợ quá nên cô không cảm thấy đau. Thật nhanh, người đó chạy vào trong nhà rồi trở ra, anh ta không cần hỏi ý kiến gì mà cầm đại tay Lê, bôi nước gì vào chỗ trầy da làm cô nữ sinh xót quá rụt tay lại.

_Ráng chịu xót một chút, thuốc sát trùng mà, anh băng cho kẻo bị làm độc.

Bao nhiêu bản tính ngỗ nghịch chạy đi đâu hết. Lê chỉ biết im lặng cúi đầu và để yên tay trong tay cho người xa lạ chữa vết thương. Chừng vài phút sau, Lê cảm thấy bàn tay bớt rát hơn và được buông ra, một giọng nói êm dịu:

_Xong rồi, chúc em mau lành. Chắc em thích hoa hồng lắm phải không? Anh đền em bông hồng nhung đẹp khác, vì tiếng sủa của con Kiki làm em sợ.

Lê lí nhí nói tiếng “cám ơn ông” rồi miễn cưỡng cầm lấy bông hồng và vội vàng bước đi, cô bé chỉ biết đó là một thanh niên nhưng không dám nhìn mặt “chàng”, càng không thể đem bông hồng này vào lớp nên tới chỗ khuất Lê quay lại nhìn và vội giấu nó vào bụi cây bên đường. Mấy nhỏ bạn đứng chờ xa xa nhưng Lê làm mặt giận, đi thẳng tới trường và vào lớp, không ai hay chuyện gì vừa xẩy ra, trừ mấy nhỏ hàng xóm, nhưng chúng thấy Lê giận nên cũng sợ mà im re.

Từ sau ngày bị nạn, mấy cô nữ sinh thích hoa đành bỏ tật “ta ngắt đi một” bông hồng và khi đi ngang căn nhà có “người ấy” thì vội cúi đầu bước mau. Nhưng niềm vui của các cô thì không giảm mà còn tăng thêm, họ yêu văn thơ lại thêm đa sầu đa cảm kể từ khi bước sang năm đệ ngũ. Cô Thúy và cô Âu Lăng, giáo sư Việt Văn cho đọc và bình giải truyện của Tự Lực Văn Đoàn như Nửa Chừng Xuân, Tắt Lửa, Đôi Bạn v.v…. Lê rất mê đọc truyện Tự Lực Văn Đoàn, mỗi lần đọc đến đoạn nào cảm động là các cô sụt sịt khóc.

Đà Lạt thật đẹp và thơ mộng với những mái nhà như lơ lửng từng mây mỗi buổi sáng sương mờ bao phủ khắp nơi, dưới thung lũng ấp Ánh Sáng, Thái Phiên, thác Cam Ly, trên mặt hồ Xuân Hương, hồ Than Thở khiến những thiếu nữ tuổi trăng tròn đôi lúc cũng thở than, yêu thiên nhiên và mơ một tình yêu, vì thế thỉnh thoảng Lê kín đáo nhìn bàn tay mình bị té hôm nào, tuy đã lành vết sẹo nhưng hình như dấu tay người lạ vẫn còn.

Thành phố sương mù thật hiền hòa nhưng cuối tuần du khách đổ về khiến sinh hoạt náo nhiệt hẳn lên, vui nhất là ngày Chủ Nhật, phố phường tràn ngập những bộ quân phục đẹp mắt trong những thân thể tráng kiện của các sinh viên sĩ quan thuộc trường Chiến Tranh Chính Trị và Võ Bị Quốc Gia mà người dân thường gọi vắn tắt là sinh viên Võ Bị Đà Lạt.

Chốn dân gian có câu “trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”, sinh viên sĩ quan không được phép chọn vợ khi đang thụ huấn, nhưng thật hạnh phúc nếu Chủ Nhật được dăm ba giờ phép dạo phố ngắm “hoa” hầu quên đi những hình phạt nhẩy xổm hít đất, tạm xa các huấn luyện viên và sinh viên cán bộ đàn anh mà lúc nào họ cũng muốn phạt đàn em. Với các thiếu nữ Đà Lạt thì dù chưa tới tuổi “tìm chồng” nhưng các nữ sinh vừa độ trăng tròn cũng không khỏi vương vấn mơ mộng một hình bóng nào đó trong các chàng sinh viên sĩ quan ấy nên cũng cùng nhau xuống phố. Nam thanh nữ tú tạo nên một hình ảnh thật đẹp và thanh bình của thành phố Đà Lạt.

Sáng Chúa Nhật nào Lê cũng xin phép bố mẹ để đi chùa cùng các cô bạn hàng xóm, nhưng “vào chùa thấy Bụt muốn tu”, mà đang yêu đời thì tu sao được nên các cô sớm giã từ chốn tôn nghiêm để nhập cuộc vui trên phố Hòa Bình, trên sân Cù, dạo quanh bờ hồ Xuân Hương, dừng chân bên vườn Bích Câu, nhà Thủy Tạ v.v…. Nhiều lần họ làm ngơ, tảng lờ như không nghe thấy những tiếng xít xoa “đẹp quá” khi đi ngang các chàng sinh viên sĩ quan. Nhưng cũng có lúc bản tính nghịch ngợm của các cô cũng khiến nhiều chàng lúng túng khi đi một mình, họ cùng nhau hát “lính mới tò te xách que đi đầu” để trêu ghẹo các chàng lính mới mặc quân phục có hai sọc đỏ hai bên ống quần. Lê nhớ mãi cái buổi chiều Chủ Nhật hôm ấy khi cùng các bạn dạo quanh bờ hồ, gần cầu “ông Đạo”, thấy một chàng “nai vàng ngơ ngác” đi ngược chiều, mấy nhỏ bạn bèn thách đố Lê:

_“Ê cô ba lém, mi có dám làm quen chàng sinh viên kia không, tụi tau bao mi một chầu mì quảng Phan Đình Phùng”

_“Sợ chi mà hông dám, tau không cần tụi mi bao mì quảng”.

Lỡ mang tên “cô ba lém” lại còn bị bạn khích tướng nên Lê buột miệng nhận lời nhưng khi nhìn người SVSQ đang lại gần thì bụng đánh lô-tô, tiến tới thì mắc cở, lui thì mất mặt nữ nhi, mấy đứa bạn đã lánh đi chỗ khác rồi, còn trơ lại một mình chưa biết tính sao thì vừa lúc người sinh viên đi tới và khẽ gật đầu và mỉm cười. Thấy chàng ga-lăng, Lê bạo dạn lên tiếng ngay:

_“Chào ông, ông có thể giúp em một việc được không?”

_“Chuyện gì thế cô bé? Nếu việc không khó lắm thì tôi sẵn sàng”.

“Xí”, người ta lớn thế này mà gọi là “cô bé”! Nghĩ bụng vậy thôi chứ lòng mừng thầm là chàng đã hứa giúp, hơn nữa trông cũng lịch sự dễ thương lại đẹp trai nên Lê không ngại ngùng nói rõ cho chàng biết sự thách thức của đám bạn nghịch ngợm nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò con gái..

_“Thưa ông, mấy nhỏ bạn kia thách em hỏi ông khóa mấy và tên gì?”

Hỏi xong cô ngước nhìn người SVSQ rồi bẽn lẽn cúi đầu, trở về bản tính nhút nhát cố hữu của bất cứ một thiếu nữ nào mới lớn, nhưng người SVSQ thì nhìn sững cô nữ sinh, ngần ngừ chưa trả lời câu hỏi mà ra chiều suy nghĩ, hình như anh ta đã gặp cô bé này ở đâu rồi. Trong tích tắc, trí nhớ và óc thông minh của chàng SVSQ nhận ra cô bé “ngỗ nghịch” này là ai rồi. Kể từ ngày cầm tay cô băng bó vết thương, anh mong gặp lại “cố nhân” mà chưa có dịp. Đây là lúc may mắn và thuận lợi nhất, nhưng chàng tảng lờ như chưa hề biết nên trả lời:

_“Tôi tên Khôi, Nguyễn Đăng Khôi, khóa 19 Võ Bị”.

_“Cám ơn ông, em sẽ nói cho các bạn em biết là đã hỏi được tên ông”.

Nói xong Lê dợm bước quay đi thì Khôi chận lại:

_“Khoan đã, cô hỏi tên tôi mà lại không cho tôi biết quý danh của cô thì không công bằng. Hơn nữa nếu cô kể lại tên tôi cho mấy bạn kia nghe thì chắc gì họ tin là cô nói thật? Đã hứa giúp thì tôi phải giúp đến nơi đến chốn. Bây giờ tôi mời cô và mấy cô bạn kia sang bên nhà Thủy Tạ ăn kem, uống café để chứng minh cô đã giữ lời hứa với các bạn”.

_“Í! Bây giờ thì không được đâu, em phải hỏi ý kiến mấy bạn em trước đã, để khi khác, cám ơn ông”.

Nói rồi Lê vội vã đi theo mấy cô bạn nhưng nghe rõ tiếng Khôi sau lưng:

_“Xin tôn trọng quyết định của người đẹp, nhưng tôi mời các cô vào sáng Chúa Nhật tuần sau tại nhà Thủy Tạ, tôi sẽ ngồi chờ từ 9 giờ sáng cho đến tối”.

Cô bé tên Tuyết Lê không hề biết người SVSQ vừa nói chuyện với mình là ai, nhưng Khôi thì nhớ mãi cái buổi sáng hôm ấy, khi nghe chó sủa, nhìn qua cửa sổ thấy mấy cô bé bỏ chạy còn một cô đang lui cui lượm sách vở, Khôi vội chạy ra giúp và băng bó vết trầy ở bàn tay cho cô. Lúc đó hình như gia đình cô ta mới dọn về và Khôi cũng đang chờ giấy gọi gia nhập khóa 19 trường Võ Bị. Thời gian trôi qua dễ chừng đã cả năm, Khôi vẫn mong có dịp gặp lại cô bé xinh xắn và tinh nghịch ấy nhưng chưa có dịp, nay niềm vui đến thật bất ngờ. Khôi cười thầm, vừa đi vừa huýt sáo mong sao cho mau tới Chúa Nhật tuần sau.

Y hẹn, Chúa Nhật sau Khôi ra nhà Thủy Tạ bên bờ hồ Xuân Hương ngồi nhâm nhi “giọt đắng” café để tưởng tượng vị ngọt của tình yêu vừa chớm nở, dù cô bé ấy không trả lời nhưng linh cảm cho Khôi biết anh sẽ không bị thất vọng. Nhìn những giọt café đen sánh nhỏ xuống ly nhưng mắt Khôi luôn liếc về phía cầu Ông Đạo, cây cầu nối liền trung tâm thành phố với nhà Thủy Tạ, để mong thấy bóng dáng những tà áo dài với áo len khóac ngoài, nhưng sao hôm nay đồng hồ chạy chậm quá. Mong và đợi làm thời gian như đứng lại, nhưng rồi các cô cũng đến khi Khôi hút đến điếu thuốc thứ 9.

Chuyện gì xẩy ra sau đó thì những ai đã một lần yêu đều biết, “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”, có duyên với nhau thì dù xa vạn dặm cũng tìm gặp nhau, huống chi Lê và Khôi không chỉ sống cùng một thành phố mà còn chung lối về nên cả hai “thân” với nhau mau chóng, nhưng có điều Lê chưa biết Khôi là người đã cầm tay mình và tặng cô đóa hồng nhung, còn Khôi thì tế nhị nên cứ giữ kín chi tiết này để Lê khỏi ngượng và chờ khi nào tình yêu chín mùi sẽ kể lại để tặng người yêu.

Yêu nhau dù một ngày không gặp đã thấy nhớ, thấy lâu, nhưng kỷ luật quân trường nào dễ đâu! Hẹn em tuần sau nhưng rồi anh bị cấm trại nên đành lỗi hẹn, Chúa Nhật nào dù được phép đi phố nhưng vẫn bị các “thầy” Huỳnh Bửu Sơn, Phan Thanh Trân giữ lại cả buổi sáng để tập cơ bản thao diễn, múa súng. Khôi giận các thầy vô cùng, giận thầy nhớ em khiến chàng bước sai nhịp, tung súng đầu gắn lưỡi lê mà tưởng như lưỡi lê đâm vào ngực. Đại Úy Huỳnh Bửu Sơn và Thiếu Úy Phan Thanh Trân chỉ cho K19 xuất trại sau khi đã tập xong vài màn múa sung. Những giờ phép quý báu bị cắt đầu trừ đuôi, đến khi gặp nhau vừa nói vài câu thì như sắp hết giờ, đã tới lúc phải vào trường. Ôi thời gian không có chân mà sao chạy nhanh thế! Đồng hồ không thiên vị, nhưng vì yêu mà Khôi thấy chờ thì lâu nhưng khi tay trong tay thì đồng hồ chạy như bay. Nhiều lần Khôi muốn ở lại thật khuya, hay ngồi ôm vai em tới sáng, dù cho có bị các ông niên trưởng K17, K18 phạt cũng đáng giá. Nhưng chỉ một lời của Lê, một hơi thở nhẹ bên tai “thôi anh về đi, tuần sau gặp lại” thế là Khôi mềm lòng đứng dậy tạm chia tay.

Thời điểm 1964, sau khi các đàn anh K16, K17 và K18 ra trường hết, K19 được thoải mái và tương đối tự do, vì họ đã là niên trưởng, dù trường có cấm trại hay không thì họ vẫn tìm cách xuất trại “hợp pháp”. Vài tháng trước ngày mãn khóa thì những bộ “vét” thay cho quân phục SVSQ, ai có tình yêu thì tự do dung giăng cầm tay mà không sợ bị các con mắt “cú vọ” của đàn anh soi mói, vì nội quy cấm SVSQ cầm tay hay ôm eo người tình dạo phố. Đây là thời điểm huy hoàng nhất đối với Khôi, tình yêu đôi lứa không còn gì đẹp hơn, lãng mạng hơn.

Nhưng với cô bé Lê thì mới chỉ thấy một cảm giác lâng lâng vui vui kèm theo niềm hãnh diện mỗi lần được sánh bước cùng chàng sinh viên sĩ quan Võ Bị

clip_image004

Thác Prenn hẹn hò: chàng âu yếm ôm vai cô bé tuổi “ô mai”

Nguyễn Đăng Khôi. Gia đình Lê tuy không khắt khe nhưng cũng không thả lỏng đề con rong chơi, Lê là gái duy nhất và là con út nên được cha chiều, còn mẹ thì “săn sóc” hơi kỹ, mẹ giao nhiệm vụ cho mấy anh canh chừng mỗi khi cô đi chơi, vì thế dù quen nhau đã lâu nhưng chưa có cơ hội để Lê cảm nhận được thế nào là tình yêu thực sự của Khôi, và rồi từ một dịp “xui xẻo” đã làm thay đổi tình yêu ấy.

Một buổi trưa Chủ Nhật, Khôi và Lê thả bộ quanh bờ hồ và ngồi lại trên ghế đá công viên Bích Câu thì chợt đâu cô nghe tiếng gọi:

_ “Lê, em làm gì ở đó, em nói đi chùa sao lại ngồi ở đây?”

Nghe gọi, Lê giật mình quay lại thì thấy anh Hoàng đang dừng xe ngoài đường, anh chính là người được mẹ giao nhiệm vụ canh chừng cô em. Thường mỗi sáng Chúa Nhật, nhỏ Hiền, bạn cùng xóm, cùng lớp đến rủ Lê đi chùa nên mẹ cô rất hài lòng và cả hai cùng đến chùa thật, nhưng khi có Khôi thì khác, đây là lần đầu anh Hoàng bắt gặp Lê “trốn chùa đi chơi với bồ”. Lúng túng chưa biết trả lời với anh trai ra sao thì Khôi vỗ nhẹ vai Lê và nói:

_ “Em an tâm, để anh giải thích với anh Hoàng”.

Nói rồi Khôi đi thẳng tới chỗ Hoàng, thấy họ bắt tay nhau, nói nhỏ với nhau những gì Lê không biết, chỉ một lát sau, Hoàng đưa tay dứ dứ về phía cô em:

_ “Anh về méc mẹ à nha”.

Thấy anh trai nói “méc mẹ” rồi phóng xe đi khiến cô em mất vui, nhưng khi Khôi quay trở lại mỉm cười thì Lê “quên hết lời anh dặn dò” bèn hỏi nhỏ Khôi:

_ “Hai người nói gì với nhau vậy? Hai người có quen nhau không?”

_ “Anh nói với Hoàng là anh yêu em, yêu suốt đời, yêu tới chết”.

_ “Xạo hoài, chắc tại anh Hoàng yêu bộ jasper và cặp alfa này”.

Đã có lần Lê nghe anh Hoàng nói sau này sẽ đi Võ Bị, thế nên mọi việc êm xuôi vì tối về không hề thấy mẹ hỏi han gì cả, còn Hoàng thì mỉm cười đòi hối lộ khiến Lê an tâm và cô còn vui hơn khi Hoàng khen Khôi đẹp trai và trông rất oai trong bộ quân phục SVSQ, và hai người có biết nhau sơ sơ.

Kể từ sau ngày bị anh trai bắt gặp Lê theo Khôi, tưởng là xui mà hóa hên, lại thêm vào thời điểm khóa 19 của Khôi làm niên trưởng thì đôi “uyên ương” tự do sánh vai khắp nẻo đường thành phố sương mù mỗi cuối tuần, đôi khi Khôi còn liều mạng nhẩy dù thêm tối thứ Bẩy. Họ rủ nhau đi ăn hủ tíu Nam Vang ở góc đường Tăng Bạt Hổ và dốc Minh Mạng, ngồi café Phi Nhạn, phở Bằng, cháo Như Tĩnh v.v…. Tình tứ hơn thì “ta yêu ta tìm nơi vắng vẻ”, họ đi xa hơn, đến Tùng Nghĩa, thác Prenn, Datangla và chính nơi đây, bên dòng thác hoang sơ kín đáo, Lê mới cảm nhận được vị ngọt của nụ hôn tình yêu là thế nào.

Hôm đó Khôi cầm tay Lê vuốt ve những ngón tay búp măng rồi hỏi:

_ “Những vết sẹo trong lòng bàn tay em lúc trước biến đâu mất rồi?

Lê không nhớ gì cả bèn hỏi lại:

_ “Những vết sẹo nào hả anh?”

_ “Vết sẹo mà hôm đó mấy con chó sủa làm em bị té đó…”

Khôi chưa nói hết câu thì Lê sửng sốt, ngồi ngay lại nhìn thẳng vào Khôi:

_ “Sao anh biết?”

_ “Em có nhận ra người băng vết thương rồi tặng em đóa hồng nhung…”.

Lê ngạc nhiên đến độ tròn xoe đôi mắt nhìn thẳng vào mắt Khôi:

_ “Thế ra là anh, cám ơn anh, nhưng anh nhắc làm em xấu hổ quá….”

Vừa nói Lê vừa quàng hai tay qua cổ Khôi định trách móc tiếp nhưng không còn kịp nữa, hai tay Khôi cứng như hai gọng kìm xiết eo Lê nói thật nhanh “yêu anh không” và môi Khôi cũng khóa chặt môi Lê khiến cô bé ú ớ rồi im lặng, “nói năng chi cũng thừa”, họ hôn nhau như chưa bao giờ như thế, vì đó mới thực sự là nụ hôn tình yêu đầu tiên của cô.

Nhưng không phải tình yêu lúc nào cũng ngọt ngào mà không gặp cay đắng. Đó là lần Khôi rủ Lê đi Suối Vàng, cách Đà Lạt khoảng 20km, thuộc huyện Lạc Dương. Hai chữ “suối vàng” khiến Lê rùng mình không dám nói ra điều ghê sợ ấy, mà kín đáo rủ Khôi đi hồ Than Thở. Trên cỏ xanh phủ đều những lá thông, ngồi êm như trên thảm, Khôi chỉ xuống mặt hồ kể cho Lê nghe những kỷ niệm lạnh tê tái khi huấn luyện viên khóa 17 bắt khóa 19 cầm súng đưa lên đầu rồi đi thật chậm, từ chỗ hai người đang ngồi xuống lòng hồ cho tới khi nước vào miệng, vào mũi. “Từng bước từng bước thầm”, nước hồ mùa Đông thấm dần qua quần áo, vào da thịt. Nếu có kêu trời lạnh quá! lạnh quá! thì khóa đàn anh nói tập làm quen với lạnh lẽo gió sương của người lính ngoài chiến trường.

Nghe Khôi kể mà thấy thương. Chàng làm cô cũng rùng mình thấy lạnh bèn nép thêm sát vào bên anh rồi bất chợt nũng nịu hỏi Khôi:

_ “Từ trước tới nay anh đã yêu cô nào chưa?”

Đây là một câu hỏi mà bất cứ thiếu nữ nào vừa bước chân tới ngưỡng cửa tình yêu đều hỏi và luôn luôn mong ước câu trả lời phải khẳng định là “chưa”, dù rằng anh có yêu bao nhiêu rồi thì cũng cứ nói dối, trong tình yêu có những bí mật không nên bật mí, nói dối để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Nhưng Khôi vì yêu thật nên thật thà “khai báo”:

_ “Anh chưa bao giờ yêu ai cả, trừ em, nhưng có lần anh bị yêu. Khi anh còn đi học ngoài Trung, ở trọ một gia đình có cô con gái tên Hương. Một đêm đang ngủ, anh giật mình vì có ai chạm vô người, bừng mắt dậy thì bị cô Hương đè lên anh, anh không chống cự nổi và rồi… rồi sau đó anh không dám trọ nữa.”

Nghe xong Lê ôm mặt khóc sướt mướt, với tâm hồn còn trong trắng cô không hiểu hết ý nghĩa câu nói của Khôi “anh không chống cự nổi và rồi…” mà chỉ tưởng tượng có một cô gái đã nằm bên Khôi là đủ làm tim Lê đau nhói rồi! Lê tự trách mình tại sao lại tò mò đi hỏi những câu chuyện của người lớn? Trách mình rồi thầm trách Khôi “Sao anh ngốc quá vậy, ai bảo anh nói thật làm chi cho em đau khổ! Anh là người thật thà đáng ghét.”

Quá đau khổ, Lê lau mắt và đứng dậy im lặng rời chỗ ngồi, dù Khôi có năn nỉ níu kéo giải thích gì đi nữa thì tai người anh yêu vẫn còn ù. Vừa lúc một taxi từ hướng trường Võ Bị chạy trở ra phố, Lê ra đứng chặn đường rồi tự động mở cửa xe trốn vào mà không cần biết trong xe có hành khách hay không. Khôi đứng như trời trồng, nhìn theo taxi cho tới khi nó khuất sau đồi thông rồi chàng vuốt mắt, lắc đầu cho tỉnh cơn mê, lội bộ trở về trường thật sớm. Người Khôi hâm hấp nóng, mệt mỏi như bị cảm, Khôi nói với Trương Khương, bạn cùng phòng:

_ “Nếu cán bộ có điểm danh, mày nói tao sốt, nằm tại phòng.”

Khương quá ngạc nhiên, lẽ ra giờ này “hai đứa” đang tay trong tay, có khi Khôi liều mạng ở lại tới rạng sáng mới trở về trường. Khương hỏi Khôi:

_ “Chuyện gì vậy, mày và Lê giận nhau hả?”

Khôi thuật lại câu chuyện vừa xẩy ra bên bờ hồ Than Thở, Khương vỗ trán:

_ “Trời ơi! Sao mày thật thà đến thế! Chuyện xảy ra trước khi mày quen Lê thì tại sao nói với người yêu chuyện đó? Mày chẳng hiểu tâm lý phụ nữ cái gì cả, một khi họ hỏi mình về tình yêu trong quá khứ thì cứ nói rằng em là người đầu tiên và duy nhất, họ muốn mình nói thế mà. Mày không nghe “sư phụ” Huỳnh Văn Phú dạy tụi mình à? Nếu có bị vợ hay người yêu hỏi về người phụ nữ nào khác thì phải nói là không biết, không nghe, không thấy. Nếu có bị bắt tại trận cũng chối, bị nắm tận tay cũng giật ra mà chối. Mày liệu mà đi tìm Lê để năn nỉ, đừng có nằm đó mà bịnh luôn đấy, bịnh tương tư khó chữa lắm”.

Đêm ấy Khương không thấy Khôi nhúc nhích hay trở mình, sáng ra kèn báo thức tập họp chạy bộ cũng không thấy nó dậy, Khương vội vén màn, tung mền thì mới biết…. Khương mỉm cười “Thằng quỷ sứ”. Chạy bộ xong về phòng thì đã thấy Khôi chỉnh tề trong quân phục tác chiến, cầm sổ chuẩn bị đi khai bệnh.

Càng thương thì càng giận, mà càng giận thì lại càng thương hơn, Khôi và Lê đã cùng tìm lại được niềm tin nhau sau đêm Khôi trốn đi phố ấy. Nhiều lần tâm sự cùng nhau, cùng mong sao cho lâu tới ngày mãn khóa, được làm SVSQ ở lại trường, thế mới biết tình yêu là trên hết. Nhớ lại ngày mới nhập học, sau 8 tuần lễ hành xác, đoạn đường trước mắt còn tới 4 năm. Eo ơi! Tưởng như dài 40 năm, nhưng rồi cả khóa 19 reo hò vui mừng khôn xiết khi chương trình huấn luyện rút xuống còn 2 năm, bây giờ có tình yêu bên cạnh thì Khôi lại mong chương trình dài thêm 4 năm, 8 năm. Nhưng thời gian không chờ đợi ai, họ nắm tay nhau hồi hộp đếm từng ngày, K19 sắp tới ngày xuống núi, tung cánh chim khắp bốn phương.

Ngày 28 tháng 11 năm 1964, gần 400 SVSQ khóa 19 quỳ xuống vũ đình trường Lê Lợi để nhận cấp bậc tốt nghiệp và khi đứng dậy đã là các tân sĩ quan, trong đó có Nguyễn Đăng Khôi. Các thiếu úy tốt nghiệp trường VBQGVN sau hai năm trui rèn trong lò luyện thép trên đồi 1515 sẵn sàng lên đường. Tất cả khóa 19 đều ra chiến trường, không có đơn vị chuyên môn như khóa đàn anh. Sau khi một số bốc thăm đi các binh chủng, số còn lại thì tự chọn các sư đoàn Bộ Binh.

Hết 15 ngày phép, bạn bè và Lê tiễn chân Khôi ra phi trường Liên Khương để về trình diện SĐ2/BB. Trên đường đi đến phi trường, Khôi ôm Lê, cầm tay em vuốt ve tràn đầy yêu thương, an ủi em đừng buồn, anh hứa sẽ viết thơ về cho em ngay sau khi đến đơn vị. Lê chỉ biết nép sát vào Khôi như rút hơi ấm từ anh, miệng dạ dạ mà không biết nói gì với Khôi, dù rằng có cả ngàn lời thương yêu muốn nói với anh. Cô nhủ lòng nhất định không khóc đề khỏi làm nhụt trí người trai nhưng không hiểu sao nước mắt cứ ứa ra. Mong con đường dài thêm để được nép bên anh phút nào hay phút đó, nhưng rồi xe vẫn đến phi trường, mọi người xuống kéo theo hành lý cho Khôi, vì tay Khôi còn bận nắm tay em.

Thủ tục đã xong, mọi người đứng vây quanh Khôi, chỉ chờ loa phóng thanh gọi tên anh nữa là xong. Khôi ôm vai người yêu vỗ nhè nhẹ, hình như anh cũng đã cạn lời nên vẫn chỉ lập lại mãi một câu “Đừng buồn, anh yêu em, anh sẽ viết thư cho em ngay khi đến đơn vị”. Giây phút chia tay đã đến, họ gọi tên Khôi trên loa phóng thanh, Khôi vội ôm Lê hôn giã từ, nụ hôn kéo dài, loa phóng thanh lại réo tên anh lần nữa, bạn bè giục anh, Khôi chần chừ buông Lê ra và chạy vội lên cầu thang, dừng lại tại cửa máy bay vẫy tay giã biệt.

Chân tay Lê cứng đơ, em chỉ biết cố mở thật to đôi mắt để thu hình Khôi, muốn ghi hình ảnh anh vào tận cùng tâm trí, nhưng sao hình Khôi cứ mờ dần, mờ dần, cô mở to mắt nhưng không thấy gì nữa, đưa tay vuốt mặt mới biết mình khóc và bất chợt kêu thầm đau khổ:

_ “Khôi ơi! Anh đi thật rồi sao!”

Phi cơ bay đi lâu rồi mà Lê vẫn còn đứng đó, đứng như một tượng gỗ. Lộc, một bạn thân của Khôi đến vỗ vai cô và an ủi:

_ “Thôi ta về đi em, đừng buồn nữa, nó sẽ viết thư ngay cho em mà.”

Suốt trên đường về, đầu óc Lê hoàn toàn tê liệt, cô cắn môi im lặng để khỏi bật ra tiếng khóc. Đến khu Hòa Bình, cả nhóm vào café Tùng, nhưng cô thì như kẻ mất hồn, không biết mình nghĩ gì và làm gì nữa, chỉ có một cảm xúc thật rõ ràng là mất mát, mất một cái gì thật to lớn và quý giá: “Anh đi thật rồi sao?”

Mọi người gọi café, Lê chưa bao giờ biết uống café nhưng cô cũng gọi đại một ly café đen như dân ghiền sành điệu uống không đường, dường như cô muốn nếm thử vị đắng của café so với điều cay đắng xót xa vừa đến như thế nào. Thực sự thì Lê không biết mình nghĩ gì làm gì giữa đám đông bạn bè này, mọi khi vẫn có Khôi, giờ thì cô đau đớn với cô đơn rồi bật khóc nức nở. Mới chỉ là một cô bé mới lớn, chưa là một “cô gái” nên mọi cảm xúc thật ngây thơ trong trắng, chỉ biết yêu và mong được nhìn thấy người mình yêu, được ôm trong vòng tay, có anh bên cạnh là đủ, nhưng “giờ này anh ở đâu?”

Những ngày tháng sau đó Lê càng buồn thêm. “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn kia bỗng dại khờ”, vào lớp không tập trung tư tưởng, lơ là việc học hành, mỗi khi có thể được là cô lại lang thang đến nhà Lộc, nơi còn đầy ắp những kỷ niệm, hình bóng và mồ hôi quân trường của Khôi, nơi mà mỗi khi Khôi và anh Khương trốn đi phố thường đến đây và ở lại, cô đến để tìm chút hương yêu ngày cũ còn vương đâu đó, đến để nghe Lộc nói về Khôi, đến để than thở và được khóc, nhưng quan trọng nhất là để chờ đợi được cầm lá thư của anh từ chiến trường gửi về. Mong sớm nhận được thư tình ngọt ngào, được nhõng nhẽo, dỗi hờn.

Thế nhưng! Chờ và chờ, ngày qua ngày, chờ đợi trong vô vọng, không một tin tức nào từ Khôi. Gần hai tháng rồi, gần như ngày nào Lê cũng đến nhà Lộc, địa chỉ nhận thư, để chờ mong và khóc. Lê có đến nơi Khôi ở trước khi gia nhập Võ Bị, thì được biết Khôi chỉ tạm trú ở đó một thời gian, sau này ít liên lạc nên họ cũng không biết tin tức gì cả. Thấy Lê như mất hồn, Lộc cũng hoảng, bèn đề nghị đi xuống Nha Trang tìm Trương Khương để dò hỏi tin tức, may ra….

Lộc và Lê đến nhà Khương vào mồng 4 Tết Nguyên Đán, sau khi chúc tết gia đình Khương xong, Lộc hỏi Khương:

_ “Mày có tin tức gì về Khôi không? Lê nó mất tinh thần rồi kia kìa.”

_ “Không, tao tưởng tụi nó…”

Hiểu được tâm trạng của Lê nên Lộc và Khương không dám nói đến những sự nguy hiểm bất ngờ ngoài chiến trường mà xoay quanh chuyện bạn bè, sẽ dò hỏi xem có ai nhận được thư của Khôi không. Bất ngờ Khương hỏi thăm Lộc về người yêu của hắn hiện đang học ở Saigon:

_ “Thế còn Đinh Lệ Mỹ thì sao?”

_ “Vẫn viết thư cho Mỹ”. Lộc nói.

Đang theo dõi hai người “nhỏ to” về tin tức của Khôi thì Lê thoáng nghe “Vẫn viết thư cho Mỹ” xen vào, trong lúc bất an hoảng loạn, cô tưởng lầm rằng Khôi vẫn viết thư cho Mỹ. Thế là cô gập người đau đớn vô tận, cả một bầu trời sụp đổ. Cô bật khóc nức nở khiến ai cũng ngạc nhiên, rồi mọi người an ủi vỗ về. Biết khóc như thế trong nhà Khương ngày đầu năm là điều tối kỵ nên Lê cắn môi cho tiếng khóc không bật ra mà chỉ còn nấc nghẹn trong họng và Lê cũng không dám thổ lộ lý do khiến cô khóc, cô xin lỗi gia đình anh Khương rồi cùng Lộc ra xe.

Trở về Đà Lạt với mặc cảm bị bỏ rơi, như tờ giấy trắng bị đổ mực, vấy chàm, không làm sao Lê có thể gột bỏ được cái tên “Đinh Lệ Mỹ” ra khỏi đầu khiến cô ngày càng thêm tự ái, uất ức nhưng không biết làm gì hơn là khóc và khóc trong vòng tay Lài, cô bạn thân thiết cùng lớp, để Lài chia xẻ những đớn đau và an ủi. Chính trong lúc bất an và tự ái, Lê đã tuyên bố với Lài và bạn bè:

_“Tình yêu của tao đã chết rồi! Tao sẽ lấy bất cứ người đàn ông nào đến hỏi tao lần đầu tiên”.

Thế rồi năm tháng trôi qua, Lê tiếp tục kiếp sống “tật nguyền”, chán nản buông trôi mặc cho dòng đời đưa đẩy, không nhắc đến chữ “Khôi” nữa. Thực ra Lê cố nén vào tận cùng đáy lòng để khỏi bật khóc mỗi khi có ai nhắc tới tên Khôi.

Vẫn bặt tin Khôi và thấy Lê bất cần đời nên Lộc tìm cách giới thiệu anh của Lộc cho cô, một trung úy công binh còn độc thân, để hy vọng Lê tìm được một cuộc sống bình thường. Lợi, anh của Lộc, rất có cảm tình với Lê và cũng biết rõ mối tình Lê-Khôi và tâm trạng của cô hiện tại. Lợi lớn hơn Lê 10 tuổi, Lợi hết sức chiều chuộng và nhiều lần ngỏ ý cầu hôn nhưng Lê lại dửng dưng chuyện tình cảm mà chỉ xem như bạn bè. Biết tính của Lê nói là làm nên “cùng tắc biến” Lợi nhắc:

19 tuổi “thiếu phụ ngây thơ”

“Em đã hứa với các bạn là sẽ kết hôn với người nào đến hỏi…”

Lại bị chạm tự ái, Lê ngắt lời Lợi rồi nói:

_ “Anh Lợi khỏi cần nhắc thêm, nếu muốn thì đến mà hỏi ba má Lê.”

Tưởng nói cho qua chuyện, nhưng vì yêu nên Lợi làm thật, Lợi đã đến thưa với ba má Lê để xin cầu hôn nàng, dĩ nhiên các cụ sẽ vui vẻ trả lời là mọi quyết định là do “em nó”! Nghĩ lại chuyện cầu hôn của Lợi mà Lê phát tức cười dù trong lòng héo như dưa muối. Nhưng Lợi kiên trì theo đuổi, cuối cùng thì cô phó thác mặc đời, gật đầu cho xong. Đó là vào cuối năm 1967, tức là 3 năm sau kể từ ngày Khôi tốt nghiệp, ngày Khôi ra chiến trường và là ngày anh từ giã em!

Sau 3 tháng kết hôn với Lợi thì một hôm Lộc trao cho Lê một lá thư, tên người gửi là Đông, một cái tên hoàn toàn xa lạ, địa chỉ là KBC…. nhưng tên người nhận là Tuyết Lê, thư gửi về địa chỉ nhà Lộc. Quá bất ngờ và hồi hộp muốn ngộp thở, tay run không bóc nổi lá thư, không chần chừ Lê trao ngay cho Lộc đọc dùm xem thư của ai, nói cái gì? Nhưng thư chỉ vỏn vẹn có mấy chữ:

clip_image006Kính gửi cô, (bà) Lê.

Nếu cô (bà) còn ở địa chỉ cũ và nhận được thư này thì liên lạc với tôi, địa chỉ ngoài bì thư, tôi có tin về bạn Nguyễn Đăng Khôi”.

_ “Trời ơi! Anh Khôi ơi!”

Lê chỉ thốt lên được bấy nhiêu đó rồi đổ gục xuống, Lộc phát hoảng khi thấy Lê không khóc mà đôi vai thì rung lên từng chặp. Một lúc sau cô bật đứng dậy, mắt ráo hoảnh nhưng đỏ au, có lẽ đau khổ tột cùng không còn nước mắt, mặt đanh lại, cô nói với Lộc:

_ “Đây là tin chẳng lành! Bây giờ phải làm sao hả anh Lộc?”

Lộc cũng có linh tính như thế, nhưng trấn an Lê và cho chính mình:

_ “Không sao đâu, có tin là được rồi, từ từ rồi tính. Địa chỉ nơi gửi là KBC, tức khu bưu chính quân đội, làm sao biết họ ở đâu mà tìm, làm gì có số điện thoại mà gọi, gửi thư thì phải vài ngày mới tới tay ông Đông, cách hay nhất là ngay bây giờ ra bưu điện đánh điện tín hỏa tốc, chậm lắm là ngày mai Đông sẽ nhận được.”

Điện tín đánh đi rồi, hai người trở về nhà Lê ngồi chờ, dù biết rằng đó là vô ích, vả lại Lộc không thể để Lê ngồi một mình trong lúc này, cô ấy đang như ngồi trên đống lửa, khóc rồi hỏi chừng nào có tin, rồi lại khóc. Chiều Lợi đi làm về, Lộc vội nói nhỏ với anh về cái tin chẳng lành này, Lợi cũng bị bất ngờ và đau khổ ở một khía cạnh tình cảm khác, nhưng Lợi vẫn vội vã đến vỗ về an ủi vợ rồi tế nhị tôn trọng niềm riêng tư của Lê, Lợi đi lo việc cơm nước.

Lê muốn ngồi một mình, nhưng khi Lợi và Lộc lánh đi chỗ khác rồi thì cô lại cảm thấy sợ hãi, lạnh lẽo, vào giường nằm, bao nhiêu kỷ niệm với Khôi hiện ra từng nét, từ buổi ban đầu hỏi tên đến khi tiễn chân anh ra phi trường, cô lâm râm khấn vái:

_“Khôi ơi! Nếu anh có mệnh hệ nào thì về báo cho em biết”.

Khấn xong nhắm mắt lại Lê thấy Khôi đến tìm cô trong bộ Jaspé, cầu vai alfa thiếu úy. Lạ nhỉ! Mà sao hôm nay anh buồn thế? Bị cán bộ phạt tội trốn đi phố à? Sao không chạy lại ôm em và hôn như mọi khi? Lê hờn dỗi rồi vùng vằng quay đi và bật khóc nức nở. Giật mình tỉnh giấc trong tiếng nấc, nước mắt còn chạy quanh, ngơ ngác nhìn nhưng không thấy Khôi, thấy thấp thoáng hai anh em Lợi Lộc đang thì thầm bên ly café trong bếp, đồng hồ chỉ đúng 9 giờ tối.

Tâm trạng Lê lúc này thật khó hiểu, mâu thuẫn liên tục, khấn vái xin gặp Khôi, trong giấc mơ thấy rồi lại đau khổ, không tin là thế và chờ thư hồi âm. Lợi vẫn đi làm như thường lệ, còn Lê không ra khỏi nhà, ngồi chờ tin và lại mong “no news is good news”. Nhưng rồi vẫn phải đối diện với sự thật, không phải chờ đợi lâu, Lộc mang đến cho Lê một bao thư dầy, gửi bảo đảm và khẩn. Lê ngồi chết dí xuống ghế, tay vịn chặt hai bên thành ghế, cắn môi để nghe Lộc đọc thư của Đông, một đồng đội của Khôi.

Lá thư khá dài, kể rõ mọi chi tiết kể từ khi Khôi mới về trình diện đơn vị, quen với Đông trong trường hợp nào, tâm sự với Đông về người yêu là nữ sinh trường Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt v.v… kèm theo thư là một tấm hình cô gái còn quá trẻ và rất xinh đẹp, phía sau tấm hình có ghi: “Tặng anh”, ký tên “Tuyết Lê” và ghi thêm địa chỉ nhà Lộc.

Đông cho biết anh là người nhận Khôi khi đến đơn vị, thấy Khôi vừa ra trường, đẹp trai, có tư cách nên kết thân với nhau. Ngay ngày hôm sau là đi hành quân, trong dịp này Khôi tâm sự với Đông nhiều về tình yêu. Sau một tuần trở lại hậu cứ, vì độc thân ngủ chung một phòng nên Đông thấy Khôi bối rối lục tung tất cả ba-lô quần áo để tìm một vật gì đó, mãi sau Khôi mới hỏi Đông có thấy cuốn sổ tay của Khôi không, một cuốn sổ tay ghi địa chỉ đồng thời cũng ghi lý lịch binh sĩ trung đội và lúc nào cũng phải để trên túi áo ngực (thầy Huyến dậy như thế). Vậy là cuốn sổ đã rơi mất lúc đi hành quân rồi, chắc là hôm đụng trận đầu tiên! Không có địa chỉ viết thư cho Lê nên Khôi và Đông phải chạy ra thị xã Tam Kỳ, tìm bạn của Lê là Cẩm Thạch ở tiệm thuốc tây Huỳnh Châu, nhưng rất tiếc là Cẩm Thạch và Lê đã mất liên lạc từ khi Lê di chuyển đi chỗ khác….

Lộc vừa đọc đến đó thì Lê la lên:

_ “Đúng rồi đó Lộc, em vẫn kể cho Khôi nghe về kỷ niệm cũ ở Tam Kỳ, có bạn thân là Cẩm Thạch, con nhà thuốc tây Huỳnh Châu. Như vậy đúng là Khôi mất địa chỉ của em nên mới nhớ đến Cẩm Thạch và chạy đến xin địa chỉ. Nhưng tụi em đã không liên lạc với nhau từ lâu! Em trách oan anh rồi Khôi ơi!”

Chờ cho Lê bớt khóc, bớt nức nở, Lộc đọc tiếp thư Đông:

_Khôi cuống cuồng lo lắng vì mất cuốn sổ, trong đó có ghi thêm lý lịch binh sĩ của trung đội, Khôi dặn tôi giữ kín chuyện này, nếu cấp trên mà biết làm mất lý lịch binh sĩ là không xong. Nhưng quan trọng, rất quan trọng là làm sao có địa chỉ đế viết thư cho Lê như đã hứa trước khi đi. Tôi đề nghị Khôi nên viết nhiều thư để gửi về bất cứ địa chỉ nào ở Đà Lạt để nhờ nhắn tin. Khôi đã làm theo và sốt ruột chờ thư hồi âm. Nhưng rồi lại đi hành quân hết nơi này đến nơi khác, có khi cả tháng mới trở về hậu cứ tái trang bị rồi lại ra đi..!

Lộc im lặng, ngưng đọc, quay đi, ngước mặt nhìn lên trần nhà, đưa tay dụi mắt như có bụi bay vào, rồi khịt-khịt mũi, Lê bực mình gắt:

_ “Sao Lộc không đọc tiếp đi?”

Lộc im lặng, đứng dậy quay lưng, đưa lá thư về phía sau cho Lê, cô đứng dậy giật lấy thư trong tay Lộc, ngó vào và chỉ thấy mấy hàng chữ viết đậm và rồi cả người lẫn lá thư cùng rơi xuống đất sau khi Lê nấc lên: “Anh đi thật rồi!”

Mấy dòng chữ đó viết như sau:

“Và lần hành quân đó Khôi tử trận váo lúc 5 giờ chiều ngày 17/2/65 tại quận Quế Sơn”!!!

Như vậy là sau khi ra trường và trình diện đơn vị, Khôi là một trong bốn thiếu úy K19/VB hy sinh sớm nhất tại chiến trường. Ba người “đi trước” là BĐQ Nguyễn Thái Quan, thủ khoa Võ Thành Kháng và Nguyễn Văn Hùng thuộc TQLC, họ tử trận tại Bình Giả ngày 31/12/1964 (mãn khóa ngày 28/11/1964)!

Nguyễn Đăng Khôi đã về với “hòm gỗ cài hoa” trong khi người yêu ở hậu phương vẫn đợi và chờ lá thư của anh gửi về em ngay sau khi đến đơn vị! Rồi trong lúc hờn dỗi, hiểu lầm, Lê đã trách Khôi trong khi anh đã nằm sâu trong lòng đất. Khôi viết, viết nhiều lắm, nhưng âm dương cách trở làm sao tới tay em được!

Ai trong chúng ta đã coi cuốn phim “We Were The Soldiers” hẳn là hồi hộp, sợ hãi rồi xót xa đau đớn cho những người yêu, người vợ lính ở hậu phương mỗi khi trông thấy xe taxi đưa thư đi vào cư xá, cầu trời khấn Phật đừng đến gõ cửa nhà mình, cái xe taxi chết tiệt kia mang thư báo tử. Trường hợp của Lê, người nữ sinh BTX cũng mong cũng đợi thư người cựu SVSQ thì gần 3 năm sau mới nhận được và không phải thư tình mà là thư “báo tử”. Nhìn những người phụ nữ trong phim đau khổ thế nào thì mới hiểu Lê đau khổ nhiều lần hơn thế nữa! Đâu cần phải xem phim, thực tế ngay trong anh chị em chúng ta cũng có quá nhiều anh cùng chung số phận như Khôi, “trả xong nợ nước”! Nhiều chị cùng hoàn cảnh như Lê!

Thư Đông có giải thích lý do anh nhắn tin trễ cho Lê. Tử sinh ngoài chiến trường là chuyện bình thường, người tử trận “lui” về sau để cho gia đình lo hậu sự, người chưa tử thì tiếp tục đi tới, đi vào cửa “tử” để tìm cửa “sinh” cho hậu phương. Vì thế Đông không để ý đến chuyện hậu sự của Khôi cho đến một ngày kia, khi Đông thu dọn hành trang để thuyên chuyển đi đơn vị khác, Đông viết:

Cách nay khoảng 3 tháng, tức cuối năm 1967, trong khi thu dọn hành trang để thuyên chuyển đi đơn vị khác, trên cái bàn mà tôi và Khôi khi xưa dùng chung, trong đám sách vở giấy tờ lộn xộn cũ kỹ bụi bậm tôi thấy một cuốn tập bìa cứng còn mới, định nhét vào ba-lô để dùng, nhưng khi mở ra thì giật mình! Đó là cuốn nhật ký của Khôi, ngay trang đầu tiên là tấm hình ghi chú tên Lê. Tôi biết đây là người Khôi yêu tha thiết, còn nội dung thì chưa kịp viết gì, chỉ mới viết có vài dòng ngày tháng năm. Tôi biết tấm hình này là một kỷ vật quý báu đối với người còn sống nên tôi xếp lại, cất kỹ vào ba-lô với ý định sẽ trả về cho khổ chủ. Nhưng vì đi hành quân liên miên nên nay tôi mới thực hiện được.

Một sự trùng hợp hay linh thiêng nào đây mà đồng đội của Khôi, anh Đông, lại tìm được cuốn nhật ký của Khôi trong đống sách vở báo chí bụi bậm vào cùng thời điểm Lê miễn cưởng lập gia đình với Lợi? Duyên số chăng? Lê đã trách lầm Khôi và gây đau khổ đổ vỡ cho chính mình, lập gia đình khi không có tình yêu, lãnh cảm, gây buồn phiền cho người sống chung, hơn thế nữa không hợp nhau về nhiều phương diện vì thế Lê đề nghị ly hôn với Lợi. Trước sự thật đau đớn, không thể níu kéo thêm, Lợi nói:

_ “Với hy vọng là sau khi lấy nhau, anh sẽ tạo được tình yêu nơi em, nhưng anh đã thất bại. Xin chia sẻ với em những mất mát to lớn.”

Sau khi ly hôn với Lợi, Lê trở về sống với gia đình nhưng để tạm tránh “cảnh buồn người có vui đâu bao giờ” nên Lê thường xuyên xuống Nha Trang ở với Lài, cô bạn gái thân thiết nhất kể từ khi còn ngồi cạnh ở trường BTX. Lài là chỗ cho Lê nương tựa, giúp Lê giấu kín được tình yêu của Khôi vào tận đáy tim mà mỗi khi ngồi một mình là như mới xẩy ra hôm qua, tim Lê không còn chỗ cho tình yêu nào nữa dù xung quanh có nhiều người theo đuổi.

Vận nước nổi trôi đưa đẩy Lê trôi đạt đến một miền đất xa lạ, không một người thân quen bạn bè kể cả đồng hương, Lê nhận Hòa Lan làm quê hương thứ hai chờ tới ngày “đoàn tụ” với Khôi. Nhưng, sau 45 năm (64-2009) kể từ ngày Khôi ra trường và tiễn chân anh ra chiến trường thì Lê bất ngờ gặp lại hình ảnh và kỷ niệm với Khôi trên đất Mỹ .

clip_image008

Họp mặt tất niên với các anh chị khoá 19 nam CA 24/1/2010 ba nữ sinh BTX Dalat ( Nguyệt,T.Lê, Báu )

Cuối năm 2009, từ Hòa Lan qua Hoa Kỳ thăm bạn bè Đà Lạt và Bùi Thị Xuân ngày xưa. Tại Houston, Lê được BTX Lệ-Liễu dẫn đến tham dự tiệc tất niên của các bạn đồng khóa với Khôi. Thật xúc động, nói sao cho hết mừng vui lẫn tủi buồn. Các anh chị Khóa 19 Houston, Texas, yêu thương chiều chuộng người con dâu “hụt” K19VB hết lòng. Cám ơn các anh chị Cường, Em, Doan v.v… rồi như có người hướng dẫn, đưa Lê đến San José, Bắc California, vẫn được các bạn của Khôi đón nhận quá thân tình, đặc biệt là cố nhân Trương Khương, một bạn thân thiết như ruột thịt của Khôi, gặp anh chị Khương như được trở về mái nhà xưa.

Anh chị Khương chiều chuộng an ủi cô em, đi thăm viếng khắp nơi và xuống Little Saigon, Nam CA, được tham dự tiệc tất niên với các anh chị K19, vui quá! Cảm động quá! Nhưng cũng tủi thân quá: “bạn bè anh đây mà anh ở đâu!”

Trước ngày Lê qua Hoa Kỳ thì trên diễn đàn Nguyễn Trãi của khóa 19 đã phổ biến một tin về người em của Khôi ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn nên các anh K19 đang tìm cách giúp đỡ và trong bữa tiệc tất niên ấy, dù nhiều hay ít các anh chị mỗi người một tay và dĩ nhiên cũng có bàn tay của Lê. Đây lại là một sự tình cờ trùng hợp khác nữa hay có bàn tay nào hướng dẫn Lê.

Quý giá hơn là được các anh chị K19 kể cho Lê nghe những kỷ niệm của Khôi, tặng cho những tấm hình khi Khôi còn là tân khóa sinh, là sinh viên sĩ quan, cả tấm hình Khôi và Lê chụp chung ở thác Prenn Đalạt và quan trọng hơn nữa đã biết nơi yên nghỉ của Khôi ở nghiã trang Đà Nẵng, Lê đã và đang nhờ các bạn K19 của Khôi dò tìm xem “họ” di chuyển Khôi đi đâu sau khi nghĩa trang ở Đà Nẵng bị giải tỏa, hầu có thể mang hài cốt anh vào chùa, cho vong hồn anh bớt lạnh lẽo. Khi nghe Lê tâm sự về chuyện tình của Khôi và cô, chị Cường cho đó là ý tưởng đầy tình nghiã sâu đậm, chị Cường đã gọi đùa Lê là “thiếu phụ ngây thơ”. Ngây thơ nên đã trách lầm người yêu khi anh đã nẳm sâu trong lòng đất, Lê đau khổ hối hận:

“Khôi ơi! Em quỳ đây với mớ kỷ niệm tình yêu chúng mình, thắp nén nhang này cầu xin vong hồn anh hãy hiểu và tha thứ cho em, những vụng dại ngày xưa, em đã trách lầm anh, đã nghĩ oan cho anh, xin lỗi anh! Ngàn lần xin lỗi anh!”

“Nhưng Khôi ơi! Thân xác đã trở về với cát bụi, dù tìm được “tro bụi” hay không thì em vẫn lập bàn thờ anh, bàn thờ anh đã và mãi mãi trong lòng em, người yêu của anh. Tuyết Lê”

Xin cám ơn tấm lòng yêu thương của tất cả các anh chị đồng môn, đồng đội của Nguyễn Đăng Khôi, khóa 19/TVBQGVN.

Ghi chú: hiện nay, tại Hoà lan, Tuyết Lê đã đem hình Nguyễn Đăng Khôi vào chùa Vạn Hạnh, cách nơi ở gần 2 giờ lái xe để có thể thường xuyên đến thăm Khôi, với Lê đó là tất cả và không mơ ước gì hơn.

clip_image010

Lễ cầu siêu cho Nguyễn Đăng Khôi tại chùa Vạn Hạnh Hòa Lan ngày 3/4/2010

Phila Tô

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search