T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hùng Bi : Những nẻo đường đất nước – TÂY DU KÝ…SỰ

clip_image001

(Bút ký)

Tui xin phép kể lại một chuyến Tây Du Ký…sự, gởi đến những ai còn nặng lòng với quê hương. Nếu đã từng đi qua thì nhớ lại, nếu chưa có dịp đi thì đọc chơi cho biết quê hương mình dưới con mắt nhìn của một người còn đang sống ở đây.

Thiệt tình tui cũng chẳng có việc chi cần lắm phải xuống tận Cà Mau, nhưng cũng đi một lần cho biết để tạn mặt cái nguyên nhân đã tác động đến tui.

Chiều hôm trước ra Bến xe Miền Tây mua vé sẵn, nhưng họ không bán vì sợ nạn vé chợ đen nên chỉ cho đặt chỗ trước thôi. Phải mua vé xe giường nằm vì hầm xe mới đủ rộng để đẩy tọt con chiến mã của tui vô được. Dặn phòng vé ghi vào sơ đồ có gởi theo xe gắn máy cho yên tâm. Họ hẹn là phải có mặt ở bến trước 15 phút khi khởi hành.

Sự tréo ngoe giữa Phòng Điều vận và Phòng vé làm khi lên xe tui đã bỏ chiếc túi xách lại dưới sân. Nhảy ngay lên xe mà quên mất chiếc túi xách của mình chưa lấy phiếu hành lý, chỉ có phiếu của chiếc xe gắn máy. Xe chạy được khoảng 20 cây số thì Phòng Điều vận gọi qua điện thoại di động hỏi:

– Chú đã lên xe chưa?

– Lên rồi! Lên rồi!

– Sao cái túi của Chú còn nằm ở đây?

Úi trời! Nghe mà tá hỏa tam tinh.

– Vậy giờ sao đây?

– Thôi để tụi cháu sẽ gởi theo chuyến khác sẽ xuất bến sau một tiếng đồng hồ nữa, xuống tới bến Cà Mau chú chịu khó đợi mà lấy.

Chuyến khởi hành mất vui vì xen lẫn nỗi bực bội và lo âu.

Nhắn với các bạn, khi nào về Việt Nam muốn đi đâu xa nên chọn xe đò giường nằm có máy lạnh. Lên xe nằm thẳng cẳng, nâng đầu cao lên một chút mà thưởng thức phong cảnh hai bên đường lướt qua khung cửa sổ trong không gian kín bưng dịu mát với tiếng nhạc nhè nhẹ trên xe thì thiệt là thích thú. Thế hệ xe giường nằm toàn là xe đời mới chất lượng cao nên những dằn xóc trên Quốc Lộ chỉ cảm thấy thoang thoáng dưới lưng và trên xe tuyệt đối cấm hút thuốc. Thiệt thích hợp với quý vị phụ nữ.

Những đoạn đường về miền tây tui đã đi qua hàng trăm bận, nhưng chưa lần nào dễ chịu như lần nầy. Đoạn đường từ Sài Gòn đến chân cầu Cần Thơ thì không có gì phải nói bởi đã quá quen thuộc. Chỉ bắt đầu từ đường dẫn lên cầu Cần Thơ trong lòng có một chút ngậm ngùi khi nhớ tới tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra làm thiệt mạng rất nhiều công nhân do sự sơ xuất của nhà thầu Nhựt Bổn về việc thẩm định sức chịu lực nền địa tầng phần móng cầu dẫn. Gần qua hết thành phố Cần Thơ tới Ngã bảy Phụng Hiệp. Một cây cầu đúc thoáng hiện ra bảng tên làm tim tui lỗi một nhịp: Cầu Cái Răng. Chỉ thoáng qua vậy thôi mà chẳng rõ nguyên nhân.

Hai bên đường đi là một màu xanh ngút mắt nhưng chỉ toàn cỏ dại, thi thoảng trước sân nhà ai vài khóm vạn thọ đang độ tàn phai. Chẳng ai chăm sóc vạt cỏ trước sân nhà cứ để mọc thoải mái. Lấy đâu ra mà làm một sản phẩm du lịch suốt mấy trăm cây số? Những quan chức ngành du lịch cứ ngồi trong phòng máy lạnh rồi vẽ vời đủ kiểu những slogan mời gọi khách du lịch nước ngoài, trong khi bản thân nước mình chẳng có chút chi cả để xúc tiến một ngành công nghiệp không khói siêu lợi nhuận?

Người ta nghĩ sao thì tui không biết, riêng nhận xét chủ quan thì tui cho là khiếu thẩm mỹ của đại đa số người Việt Nam thấp lắm!

Đoạn đường từ Cần Thơ xuống Sóc Trăng, một bên là con sông nhỏ chạy cặp bên phải mé lộ, một bên là dãy nhà dân mỏng khoảng chừng hai lớp nhà, sau lưng đã là ruộng lúa ngút mắt. Rất ít cây cầu nhỏ bắt qua sông, không như miệt đi Long Xuyên qua Châu Đốc. Chuyện sông rạch đời xưa thì tui không biết, nhưng theo sự quan sát rồi phỏng đoán nhiều con đường miền tây thường có con sông nhỏ cặp một bên. Tui nghĩ vùng châu thổ sông Cửu Long là do phù sa mấy trăm triệu năm trầm lắng đã tạo nên một vùng đồng bằng bao la bát ngát tuyệt đối, muốn đắp một con đường chỉ còn cách đào kinh móc đất đắp lên thôi. Như vậy vừa thuận tiện giao thông đường bộ lẫn đường thủy, hàng hóa cho các vùng dân cư phía trong xa chỉ việc bơi xuồng cặp mé lộ chuyển về.

Dân cư thưa thớt vậy mà cứ khoảng vài trăm mét đã thấy có một cây xăng. Bao nhiêu người bán cho bao nhiêu người mua? Miếng bánh đã nhỏ vậy còn phân chia ra rất nhiều phần thì mỗi người sẽ nhận được bao nhiêu? Chỉ rất nhỏ nhưng cũng còn hơn phải cúi lưng gầm mặt xuống ruộng mong tìm những hột lúa dải dầu mưa nắng.

Tới Vũng Thơm Sóc Trăng. Thiệt đúng như câu tục ngữ (là nói theo ngôn ngữ tục tĩu) “Một nhà làm đ…, cả họ làm theo”. Phía bên trái mặt đường, các tiệm bánh ngọt phần lớn do người Tiều Châu làm chủ nối tiếp nhau hết một đoạn đường khá dài với đủ loại thương hiệu. Họ làm bánh pía, bánh in, mè láo, lạp xưởng…nổi tiếng khắp miền nam Việt Nam. Nếu có dịp ngồi đàm luận với vài người bạn dưới bóng trăng rằm, miệng nhâm nhi miếng bánh ngọt, thỉnh thoảng hớp một miếng nước trà tàu thơm lừng sẽ thấy rất thi vị.

Bắt đầu địa giới tỉnh Sóc Trăng đã thấy thấp thoáng các Chùa Miên với lối kiến trúc đặc trưng của người Khmer. Màu vàng nghệ chủ đạo được sơn phết bên ngoài các chùa, thậm chí có chùa còn dùng màu vàng nhũ lóng lánh nữa chớ. Nhưng so với Trà Vinh thì Sóc Trăng thua xa, có lẽ do mật độ dân cư người dân tộc Khmer không đông đúc bằng. Hết Sóc Trăng rồi đến Bạc Liêu. Rồi từ Bạc Liêu xuống Cà mau lại là con đường với con sông chạy dài theo bên trái lộ. Đến đây đã thấy khung cảnh có mùi nước mặn chen lẫn vào rồi. Đợt trở về đi bằng xe gắn máy mới có dịp quan sát kỹ hơn.

Đoạn đường đi xuống Cà Mau ngồi trên xe đò cũng chẳng có gì đáng nói, vì phong cảnh hai bên đường cứ vù vù lướt nhanh qua khung cửa sổ nên đối với riêng tui cũng không cảm nhận gì nhiều.

Khi cho xe gắn máy xuống hầm phải rút hết xăng đề phòng hỏa hoạn. Đã nhắc chừng ở bến làm ơn để lại cho chút đỉnh còn chạy đi kiếm cây xăng mà đổ, nhưng mấy tay bốc xếp đã hút sạch sành sanh chỉ còn bình xăng không. Của chùa mà!

Đẩy bộ 2 cây số mới tìm được cây xăng. Đổ đầy xăng thì đề máy lại không nổ. Trời bắt đầu tối nơi xứ lạ quê người mà hành lý mình chưa biết đang đi về đâu trong đó có cái laptop. Việt Nam đi lòng vòng định kiếm khách sạn hồi trước Việt Kiều tạm trú coi sang trọng tới mức nào mà họ chọn nhưng chẳng biết đâu? Loanh quanh trên con đường chính Trần Hưng Đạo thấy có khách sạn Đông Anh khá sang trọng chắc là cũng tự gắn cho mình vài sao. Ghé vô hỏi thăm có Wifi không vì tui cũng cần lên mạng. Họ gật đầu và tui lấy một phòng chắc là VIP vì giá tới 850.000$/đêm. Nhưng vô phòng rồi vào mạng thì chẳng được. Phone hỏi reception thì được báo là đã hư hôm qua, sửa rồi mà chưa xong. Tẻn tò vì bị lừa. Sao mà họ tự gắn cho khách sạn của mình tới mấy cái sao, nhưng nói cho cùng chắc cũng giống như sao của tui thôi, chưa chắc đó đã là sao thiệt! Buồn tình tui leo lên quán cà phê trên sân thượng ngồi ngắm nhìn thành phố Cà Mau sáng đèn từ phía trên cao. Việc nầy cũng nhắc lại cho tui một chút kỷ niệm riêng tư. Gió thổi vù vù làm khói thuốc vừa thoát ra khỏi lỗ mũi đã tan biến tức thì không còn chút dấu vết của làn khói mong manh uốn lượn từ từ vút lên cao. Tay mân mê xoay vòng chiếc nhẫn Nhật Nguyệt để ao ước một sự đan chặt chẳng bao giờ có. Đôi khi vì sự rẻ tiền tui cũng muốn tháo ra cho đỡ mắc cỡ nhưng trong tâm thấy cũng có chút áy náy nên đành thôi. Cái gì đã là của mình thì nên trân trọng, chớ nên rẻ rúng làm chi!

Bữa nay xin nói chuyện phiếm về sự phân vùng các tỉnh miền Nam theo suy nghĩ của riêng tui. Search trên mạng thì sẽ thấy rõ ràng, nhưng tui làm biếng lắm nên cứ nói theo cung cách riêng của mình vậy.

Theo như cách gọi của thời Pháp thuộc là Nam Kỳ Lục tỉnh tui thấy hợp lý hơn.

Bây giờ người ta phân ra là miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam bộ. Miền Đông Nam Bộ bắt đầu từ Ngã ba Ông Đồn của tỉnh Đồng Nai, nơi giáp ranh với tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết cũ) ăn dài xuống hết ranh huyện Bình Chánh thuộc tỉnh Gia Định cũ. Miền Tây Nam Bộ bắt đầu từ mốc địa giới đó. Nhưng như vậy cũng chưa xác đáng lắm, vì tỉnh Tây Ninh so với Sài Gòn đã là phía tây hẳn rồi nhưng vẫn được xếp vào các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Còn mặt trận 719 biên giới Tây Nam khi chiến tranh với Pônpốt Campuchia thì so sánh với địa điểm nào? Nếu so với toàn miền Nam thì Campuchia nằm hẳn ở hướng tây sao lại gọi là mặt trận biên giới Tây Nam? Nêu một ví dụ cụ thể như vậy để thấy rằng những hướng riêng biệt đặt cho các miền là căn cứ vào địa điểm của Sài Gòn làm trung tâm.

Theo những cuộc hành trình tui đã đi qua, tạm thời tui chia miền tây ra làm 3 khu vực có 3 hướng đi.

Một là xuôi theo Quốc Lộ 1A đi thẳng từ Sài Gòn qua Long An tới Ngã ba Trung Lương rẽ phải qua Cai Lậy – Cái Bè – Mỹ Thuận – Vĩnh Long – Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu xuống Cà Mau.

Hai là qua Cầu Mỹ Thuận rẽ phải qua Sa Đéc rồi qua phà Vàm Cống đi thẳng thì xuống Long Xuyên- Châu Đốc, rẽ trái ở ngã ba Lộ Tẻ thì đi Rạch Giá – Hà Tiên theo bờ nam sông Tiền, còn nếu đi theo bờ bắc gần tới Cầu Mỹ Thuận ở ngã ba An Hữu rẽ phải sẽ đến Cao Lãnh qua rồi rẽ phải đi Hồng Ngự – Tân Hồng rồi…qua Miên luôn. (Riêng ở Hồng Ngự tui cũng có vài kỷ niệm, khi nào rãnh sẽ kể lại nghe chơi. Ở đó có món cá chạch lấu ngon…bá phát!). Nếu xuống phà Cao Lãnh sẽ đi xuôi xuống bắc An Hòa mà qua Long Xuyên. Còn ở Hồng Ngự chịu khó qua một cái phà gỗ nhỏ sẽ đi Tân Châu dài dài xuống chụm lại ở Bắc An Hòa. Tui nhớ cách đây khoảng 10 năm, khi vừa tới Bắc An Hòa dòm qua Long Xuyên thì thiệt sự kinh ngạc bởi một rừng ăng-ten Tivi cao ngất ngưởng như một đám rừng khô trụi lá.

Hướng thứ ba thì đi ngang Mỹ Tho qua cầu Rạch Miễu tới Bến Tre. Nói tới Mỹ Tho tui nhớ lại một kỷ niệm thời trai tráng. Một tối nọ đi với anh Hạ Sĩ nhứt tài xế rề xuống vườn hoa Lạc Hồng hóng gió. Thấy có một cô con gái ngồi một mình anh Hạ Sĩ nhứt bèn “chớp thời cơ” sà tới tán tỉnh. Nói miết nhưng cô gái cứ một mực làm thinh. Nản quá hai người tui mới kiếm mấy cái ghế xếp trong vườn hoa gần bờ sông uống cà phê. Cô chủ quán chắc ngoài hai mươi cứ dòm hai thằng tui cười tủm tỉm. Tui ngạc nhiên hỏi:

– Chớ cô cười tụi tui cái gì vậy?

Cổ cười lớn lên rồi mới trả lời:

– Con nhỏ đó câm bộ hổng biết sao mà tui thấy hai anh cứ theo nói hoài vậy?

– Chèn đét ơi! Ai mà biết!

Thiệt mắc cỡ muốn độn thổ. Tui muốn đạp thằng tài xế một đạp rớt xuống sông cho nó theo Hà Bá luôn cho rồi.

Muốn qua Trà Vinh trước đây phải qua phà Hàm Luông nhưng giờ đã có cây cầu mới rồi phà Cổ Chiên. Xuống Trà Vinh muốn đi theo ngã Vĩnh Long cũng được nhưng sẽ xa hơn.

Đứng trên phà mới cảm nhận được cái mênh mông của sông nước Cửu Long. Đi qua hai cây cầu dây văng hiện đại Mỹ Thuận rồi Cần Thơ, ở trên cao nhìn xuống mọi vật đều trở nên nhỏ lại, không đúng với kích thước thật của sự vật. Từ đó tui suy ra một điều, phàm những người tự cho là mình ở một vị trí cao hơn người khác đều mắc phải sự ngộ nhận đó.

Nếu tính thêm thì còn một hướng về phía bên trái Quốc Lộ 1A ra mé biển đi Cần Đước–Tầm Vu–Gò Công, nhưng hướng đó ít người đi ngoại trừ dân địa phương. Tui thì chỉ tới Cần Đước với Tầm Vu có một lần. Đất đai Cần Đước cằn cỗi và nghèo nàn bởi gần miệt biển nên nước ngọt là một vấn nạn to lớn trong mùa khô. Ở Tầm Vu người ta cũng trồng thanh long nhiều lắm, nhưng cho trái nhỏ và không ngọt bằng ngoài Phan Thiết.

Mà sao tui không mấy thích những con sông đục ngầu phù sa của miền tây. Biết là nó chuyên chở bao nhiêu chất bổ bù đắp cho những mảnh ruộng miếng vườn ngày thêm tươi tốt, nhưng sao thấy nó cứ dơ dơ thế nào ấy! Làm sao sánh với những con sông nhỏ miền đông xanh trong vốn phát nguồn từ những dòng suối nhỏ, đi qua biết bao nhiêu cánh rừng với những hương thơm bát ngát!

Ngồi uống cạn ly cà phê, hút vài điếu thuốc cho thấm hết nỗi buồn tui xuống lầu lấy xe ra đi vòng vòng thăm thú Thành phố Cà Mau lúc lên đèn. Chẳng hề biết rõ đường đi nước bước, nhưng cứ chạy vòng vòng thôi. Thành phố nào mà chẳng vậy? Cứ lựa những con phố chính sáng choang ánh đèn thì đích thị đó là trung tâm, cấm có sợ lạc. Trên những con phố chính, những cửa hàng rất sang trọng bày bán tất cả những hàng hóa đắt tiền dành cho giới thượng lưu (?). Còn những cửa hàng nho nhỏ thì dành cho giới bình dân. Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đều có những hạng người khác nhau sống chung đụng cả và sự cách biệt giữa các tầng lớp thì đâu đâu cũng có. Mâu thuẫn cũng phát sinh từ đó.

Vòng quanh một đỗi thì chán, bèn ghé vào một quán ăn đối diện công viên thành phố ăn cơm tối. Những ánh đèn màu rực rỡ cùng tiếng nhạc rền vang từ khu vui chơi thiếu nhi vọng sang làm lấp đi tiếng hỏi của chủ quán ăn:

– Hia ăn gì?

Một câu hỏi nghe lạ hoắc đối với người Sài Gòn nên tui hơi ngớ người chưa kịp trả lời.

Câu hỏi được lập lại lần hai. Vậy là tui đoán ra được người chủ quán hỏi gì. Trả lời xong tui ngồi ngẫm nghĩ mà cười một mình. Cứ đinh ninh trong lòng là Nam Kỳ lục tỉnh đều nói tiếng giống nhau không như các tỉnh miền Bắc và miền Trung mỗi tỉnh có một âm điệu khác hẳn nhau, nhưng không dè xuống tới Cà Mau lại được nghe một tiếng gọi lạ hoắc. Có lẽ các tỉnh nằm ở rẻo đất cuối cùng của phương nam có rất nhiều người Tiều sinh sống dàn trải từ Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nên ngôn ngữ của họ đã được Việt hóa. Tui biết trong tiếng Tiều, HIA nghĩa là Anh và CHẾ nghĩa là Chị nhưng không ngờ nó đã trở thành một phương ngữ Việt Nam.

Chút gió mặn từ biển đông thổi về hiu hiu làm mát mặt và cặp mắt đã muốn sụp xuống sau một ngày dài dong ruổi đường xa. Quay về chốn nệm ấm chăn êm trong hơi gió mát của máy điều hòa không khí đánh một giấc cho sảng khoái con người.

Sáng sớm thức dậy trả phòng rồi xuống reception check mail coi ngày hôm qua có ai quở tới mình không rồi lên đường lai đáo miệt trên.

Bận về tui sẽ đi bằng xe gắn máy chạy ngược Quốc Lộ 1A về thấu Sài Gòn. Đi ngược con đường cũ qua Hộ Phòng, Tắc Vân với những chợ miệt quê trù phú và đông đúc. Dãy nhà cặp mé sông với những trại con giống cua biển và cá kèo liền nhau san sát. Những vựa thu mua tôm hoạt động nhộn nhịp với những thùng mốp giữ lạnh chất đầy từng đống trước cửa. Trước đây vào thời bao cấp, Cà Mau là địa phương có tiềm lực mạnh nhứt trong việc nuôi tôm sú xuất khẩu. Và tất cả nguồn nguyên liệu hầu như được các Công Ty xuất khẩu Thủy hải sản địa phương thâu tóm đem lại số lợi nhuận ngoại tệ kếch sù. Nhưng các Công Ty nhỏ hơn ở địa phương khác và tư thương đâu có chịu bó tay ngồi yên? Vậy là tui cũng “nhập băng” để đi buôn lậu tôm sú từ Cà Mau đem về Sài Gòn. Tất nhiên là không dám chường mặt ra giữa ban ngày, chỉ lén lút tới ban đêm ở khoảng rìa thị xã đánh hàng rồi rút lẹ nên tui chưa hề biết Thị xã Cà Mau của tỉnh Minh Hải lúc đó tròn méo ra sao? Tôm sẽ đóng vào những bao nylon rồi rắc phân urê lên tạo độ lạnh giấu dưới những thùng đựng cá lóc mới may ra thoát khỏi những trạm kiểm soát. Rồi cũng trơn tru hết. Thấy ngon ăn tui về Cần Giờ đầu tư đào ao nuôi tôm. Cũng học hỏi từ một đống sách vở tài liệu và kinh nghiệm dân gian. Nhưng “trời phụ người ngay”, mấy trăm ngàn con tôm giống đang sức lớn đã bị vỡ bờ trôi gần hết sạch. Cũng là có nguyên nhân. Khu vực đào ao tới mấy mẫu đất nằm sâu trong rừng thuộc phạm vi chịu trách nhiệm của một người dân giữ khoán rừng đước phòng hộ. Ở đó, chỉ cần mặt trời vừa khuất dưới những ngọn cây đước chập chùng là bóng những oan hồn uổng tử đặc công Rừng Sác xuất hiện. Mấy đứa công nhân giữ ao không đủ can đảm chạy đi tắt cái máy dầu D30 đang bơm nước lợ châm vào ao nên cứ để mặc cho chạy hết dầu thì tự động tắt máy. Sáng bảnh hôm sau chạy xuống kiểm tra thì chỉ còn những cái ao mênh mông nước trắng xóa ngang bờ. Tôm cá đã nương theo làn nước vượt thoát ra sông mất hết. Thua đậm!

Lại nói chuyện xứ Cà Mau nuôi tôm. Tui không biết họ mua những tấm ván cốp-pha xẻ bằng ván thông đem về làm những vuông tôm theo cách nào? Trại xẻ gỗ của mấy thằng cháu tui hoạt động liên tục ngày đêm cũng không đủ cung cấp cho các thương lái Cà Mau. Thời bao cấp muốn di chuyển những súc gỗ thông Dalat ra khỏi tỉnh Lâm Đồng là cả một vấn đề. Thôi thì tiền bạc rải ra ở khắp mọi cửa, tuồn ra khỏi rừng bằng mọi ngõ ngách những súc gỗ thông dài hơn 18 mét tới Sài Gòn cũng thành công. Rồi phải chung chi cho Kiểm Lâm mỗi tuần tới kiểm tra trại cưa. Vân vân và vân vân. Đó là một thời kỳ làm ăn hết sức thịnh vượng, tiền bạc đổ vào như nước. Nhưng các bạn có biết câu tục ngữ nầy không? “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Tiền bạc vô dễ thì ra cũng dễ, cuối cùng thì cũng trắng tay!

Trở lại “cái ký sự” của tui. Con đường trở về tương đối trống trải với một bên là con sông cặp theo mé lộ nên tui nhấn hết ga chiếc Nouvo 135 phân khối. Kim đồng hồ chỉ tốc độ cứ mặc tình lắc lư giữa khoảng hai con số 80 rồi 85 km/giờ. Buổi sáng đường còn trống trải nên cứ mặc tình chạy “xả dàn”, chỉ lo mà dòm chừng coi có mấy con bò vàng ở phía xa xa thôi, bị bắn tốc độ là…”lúa” liền! Cách Cà Mau khoảng ngoài 30 cây số, tui ghé vô Giáo xứ Tắc Sậy với đền thờ Cha Trương Bửu Diệp đầy huyền thoại về sự linh ứng cứu giúp cho những người không may. Dù là người ngoại đạo, nhưng tui cũng bước chân vô thắp nhang nịnh bợ, dựa hơi cho Cha rờ đầu mình một cái…lấy hên! Khắp vòng tường chung quanh nhà thờ đều chạm nổi biểu tượng Alpha và Oméga của đạo Thiên Chúa. Tui hết sức ngạc nhiên là trên một mảnh đất cạnh bờ sông mà người ta cũng xây dựng được một ngôi giáo đường bề thế và cao vút nổi bật lên với mái tôle màu xanh thấy được từ rất xa.

clip_image002

Có rất nhiều huyền thoại về Cha Trương Bửu Diệp. Tiếng lành đồn xa nên hầu như khắp các tỉnh xứ Việt Nam đều nghe tiếng, thậm chí vang xa đến tận nước ngoài chủ yếu trong cộng đồng người Công giáo. Tuy vậy, dân làm ăn ở Sè-gòong, Chợ Lớn tìm xuống cũng rất đông đến nỗi có lúc chính quyền địa phương phải ra tay ngăn cản bớt lại. Những huyền thoại về sự linh ứng của Cha Diệp (kêu tên trỏng bậc đức cao vọng trọng là một điều bất kính, nhưng dân Nam Bộ tui…quen rồi! Có điều họ không viết tắt tên người khác vì cho đó là…bất lịch sự) theo tui là do Cha một lòng kính Chúa dìu dắt giáo dân rồi bị chết oan vì tay ai thì mọi người đều biết nên Cha đã hình như muốn quay trở lại để có thể cứu giúp tiếp cho mọi người trong khả năng của mình mà không đành lòng rời xa. Chuyện về Cha Trương Bửu Diệp nếu ai muốn biết rõ thêm cứ gõ tên Cha trên Google mà search thì có muôn vàn thông tin rất rõ ràng.

Chung quanh ngôi giáo đường của giáo xứ Tắc Sậy trừ một khoảng sân rộng để giáo dân tụ họp đi lễ thì hầu như kín hết bằng một tổ hợp kiến trúc bề thế và rất mỹ thuật được xây dựng trong nhiều thời kỳ và nhiều hình dáng để thờ kính và ghi nhận công đức lớn lao của Cha Diệp. Đi vòng vòng để “tham quan” (đó là tiếng bây giờ thay thế tiếng thăm viếng hồi xưa tui cũng bắt chước nói theo cho hợp thời để mọi người ai cũng có thể hiểu giống như từ “hoành tráng” hay “tranh thủ”, nhưng tuyệt đối cái xe gắn máy thì hầu hết người dân Nam Bộ vẫn cứ giữ nguyên chớ không kêu là cái “xe máy” kiểu…bợ đít mấy tay miền Bắc!)

Có một câu chuyện được kể lại là có người tới cầu nguyện Cha cứu cho chữa lành bịnh, khi đến gần tượng Cha Diệp đang ngồi giở cuốn sách thì ông ấy đọc thấy dòng chữ trên trang giấy tui nhớ nôm na như vầy: “Con hãy về đi và bịnh con sẽ hết vì tấm lòng thành con đã tìm đến đây!”. Mới đầu tui cũng hết sức ngạc nhiên nếu quả có sự linh ứng nầy nên cũng phân vân chút đỉnh. Sau khi cầu nguyện tui cũng tò mò tới gần coi Cha có phán cho mình câu nào đó không nên ghé mắt dòm thử. Hóa ra câu nầy đã được người ta viết bằng sơn đen trên trang giấy trắng dùng chung cho tất cả mọi người. Vậy cho nên, trăm nghe không bằng một thấy. Những lời đồn đại thường nên kiểm chứng lại mới biết được giá trị thật của chúng. Ngay lúc đó thì trong đầu tui phát sinh ý nghĩ ấy, nhưng khi đi vòng ra bức tường thấp phía sau ngăn giữa giáo đường và bờ sông bên ngoài thì ý nghĩ ấy bị đánh tan ngay. Muôn trùng những lời tri ân và cầu nguyện của những người đến đây và được cứu giúp khắc trên những phiến đá dán đầy trên mặt tường như một cách chứng minh sự huyền nhiệm của Cha Trương Bửu Diệp ở Giáo xứ Tắc Sậy Cà Mau.

Nắng đã lên cao mà đường về còn xa nên tui quay ra đi tiếp. Tuy nhiên, muốn hiểu rõ một vùng đất không thể cứ ngồi trên xe lướt ngang qua mà nói là biết nên tui cũng lân la dọc đường chút ít hỏi chuyện. Khi thì ghé lại rửa cái xe, khi thì nạp cái card điện thoại hay mua gói thuốc mà hỏi chuyện những người dân địa phương để tìm hiểu thêm. Lần hồi thì cũng tới Bạc Liêu, xứ của Hắc Công Tử danh lừng bốn cõi với sự giàu có và sự ăn chơi khét tiếng một thời.

Nhà Hắc Công Tử bây giờ được giao cho Văn Phòng Tỉnh Ủy Bạc Liêu khai thác và đã biến thành cụm Khách Sạn và Nhà hàng ăn uống. Định vào đăng ký ở Khách Sạn Công Tử Bạc Liêu ngủ một đêm cho biết nhưng họ nói phải đăng ký trước 1 tháng mới có phòng. Thôi…chả thèm! Ra sân sau ngồi uống cà phê nghe Dạ Cổ Hoài Lang chơi. Thấy bảng quảng cáo có Wifi mới lôi laptop ra vào mạng. Mãi vẫn không được bèn ngoắc cô bé tiếp viên hỏi thăm thì được trả lời:

– Hư rồi Chú ơi!

Kế bên có Khách sạn Bạc Liêu mới xây to đùng và sang trọng lắm. Vào Wifi cũng thấy tên xuất hiện, nhưng khi truy cập máy trả lời phải có password mới truy cập được. Xời! Thời buổi bây giờ phí truy cập Internet rẻ như bèo, quán cà phê vỉa hè còn cho truy cập miễn phí, một khách sạn sang trọng như vậy cũng…bày đặt, sợ thiên hạ xài chùa!

Bên ngoài thì quảng cáo nghe “kêu” lắm, nhưng cách phục vụ và ly tách thiệt còn thua xa mấy cái quán cà phê lề đường. Nghe quảng cáo cà phê ở đó ngon lắm, nhưng ai dè…dở ẹt! Uống qua quít cho hết ly cà phê đá kẻo uổng tiền, xong tui đi xuống thắp nhang ở tượng Phật Bà Nam Hải Quan Âm ở Nhà Mát cách thị xã Bạc Liêu 8 cây số sát mép biển. Gọi là Khu du lịch, nhưng quang cảnh thiệt đơn sơ không đầu tư đúng mức để phát triển. Chạy lên một cây cầu cao ngó ra cửa biển thiệt chán phèo. Do phù sa từ sông đổ ra nên biển trở nên đục ngầu và dơ dáy. Do vậy nên mấy trăm cây số bờ biển thuộc miền tây đâu có cái bãi tắm du lịch nào để thu hút du khách.

clip_image003

Một bức tượng Phật Bà Nam Hải Quan Âm đúc bằng xi măng tô vẻ xanh đỏ đặt giữa trời cao chắc cũng đến mười mấy thước thu hút khách thập phương tới cúng bái nườm nượp. Hai bên có xây hai ngôi chùa thật to và lộng lẫy. Khói nhang nghi ngút, khoảng sân rộng trước bức tượng trải dài mấy hàng chiếu dưới nền gạch đen nghịt những thiện nam tín nữ sì sụp vái lạy cầu xin. Đã tới thì cũng phải làm như mọi người thôi, nhưng trong lòng tui vẫn tối kỵ mấy người hay tô xanh vẻ đỏ cho tượng Phật Bà Quan Âm. Cứ nguyên thủy như từ xưa tới giờ bức tượng toàn một màu trắng toát là hay hơn cả. Tui nhớ trên đoạn đường từ Sóc Trăng xuống Cà Mau hôm đi xe đò, bên trái đường có một ngôi chùa đặt một bức tượng Phật Bà áng chừng lớn hơn người thường năm sáu lần, nét mặt rất siêu thoát và những nếp áo giống y như những bức tượng La Mã, nó tự nhiên và rất sống động chớ không vụng về như những bức tượng khác. Thiệt nói không ngoa là khiếu thẩm mỹ chung của người Việt Nam thấp lắm, cả một nếp áo bay trong gió cũng không đắp nổi cho ra hồn

Trên đường từ Bạc Liêu về Sóc Trăng đến Huyện Thạnh Trị khoảng đường Ông Kho tui rẽ trái ghé vô nhà thằng cháu quen thăm Ba Má nó chơi rồi có chút chuyện. Từ ngã ba vô tới Trường nội trú dân tộc khoảng 8 cây số. Bóng tối đã bắt đầu chụp xuống vùng châu thổ, hơn nữa cơn mưa chiều càng làm cho khung cảnh lạ hoắc chung quanh càng mờ mịt. Lần đầu tiên đến một nơi lạ nên chẳng rõ đường đi nước bước ra sao? A-lô cho thằng cháu thì được hướng dẫn chịu khó đi vào con đường nhỏ lót bằng những tấm dale bê-tông bên hông trường nội trú có tấm bảng kho lúa giống đi sâu vào vài trăm thước rồi nó sẽ chạy ghe máy ra đón. Dòm quanh quất thì có vài con đường như vậy, nhưng tấm bảng kho lúa giống thì chẳng thấy đâu. Chạy tới chạy lui vài bận thì phát hiện tấm bảng đã bị xe tải đụng phải nằm chèm bẹp trên mặt cỏ. Chắt lưỡi vài tiếng rồi than lên một tiếng: “Vầy thì Ông Nội tui kiếm cũng không ra chớ nói gì tui!”.

Trời đổ mưa dầm làm con đường trơn trợt, nhưng cũng phải bậm gan mà đi tới thôi. Chập chững mãi rồi cũng tới bờ kinh chắn ngang. Dựng xe đứng lơ ngơ một chút thì nghe tiếng ghe máy tới gần. Lòng khấp khởi mừng thầm chớ nếu không có nó ở nhà thì chắc chết một cửa tứ! Cột ghe vô một nhánh bần de ra bờ kinh, nó biểu tui để xe ở đó đi rồi lần xuống bờ kinh xuống ghe. Trời đất! Chiếc xe đáng giá có vài chục triệu, chỉ là một tài sản nhỏ đối với nhiều người nhưng đó là cái chưn đi của tui, mất nó thì chẳng khác nào mình bị chặt chưn. Thằng nầy bộ giỡn chơi hay sao vậy? Dòm cái bản mặt của tui ngần ngừ chắc nó cũng đoán trong đầu tui đang nghĩ gì bèn lên tiếng:

– Chú cứ yên chí đi! Ở đây không có những phường đạo tặc như ở phố xá đâu. Chú có dựng ở đó không khóa cổ xe một tháng cũng còn nguyên xi hà.

Nghe nói nói vậy cũng phải bấm bụng mà nghe theo chớ biết sao giờ?

Lần theo mấy nhánh bần nhỏ tui rụt rè lần xuống. Trợt chưn một phát quất cái ống quyển vô be xuồng đau thấy mấy Ông Trời nhưng cũng ráng gượng lại, chỉ sợ cái laptop đi thăm Hà Bá thì chết toi! Nó nhăn hàm răng trắng nhởn ra cười hì hì:

– Đau không chú? Tại chú không quen đường sá ở đây nên ráng chịu chút đi.

– Hổng sao! Hổng sao! (tui thấy nổ đom đóm một triệu ông sao chớ ở đó mà hổng sao!)

Chiếc ghe máy quay đầu vào một con rạch nhỏ xíu trong bóng đêm bắt đầu sẫm màu chung quanh. Mưa cũng bắt đầu thấm lạnh nhiều, nhưng tui cứ lo cho cái laptop phải ôm khư khư vô ngực mặc cho những giọt mưa soi mói cái lưng mình. Thằng cháu quăng cho một miếng nylon rồi biểu:

– Trùm đỡ đi chú chớ không thì một hồi thấm lạnh bịnh đó!

Lòn lách tránh né mấy cái vó cá, mấy cái nhà lều đậu ghe, mấy nhánh cây tràn ra che mặt rạch thiệt tài tình, cuối cùng cũng ghé vô bến nhà nó. Mặt đất trơn như mỡ nên bước được lên bờ quả thiệt gian nan. Sau khi rửa đỡ đôi chưn cho sạch bớt bùn sình bước vô nhà thì trời đất! Thế kỷ 21 rồi mà ở đây còn đốt đèn dầu Ông ơi! Tui hỡi ơi luôn, thiệt không ngờ! Má nó nghe có khách lật đật chạy lên chào hỏi rồi đi bắt cơm liền. Sau khi hỏi thăm tin tức tình hình thằng con đang đi làm ở Sài Gòn trong khi chờ đợi ông già nó lùa mấy bầy vịt thả đồng vô chuồng xong, cả nhà quay quần lại ăn cơm dưới bóng sáng tù mù của ngọn đèn dầu. Con vợ người Miên của nó đen thui xấu hoắc cho không tui cũng hổng thèm coi vậy mà miệng mồm mau mắn như “dân chợ”. Thôi nó “đía” tía lia tui trả lời hổng kịp. Cứ sau một câu trả lời của tui là nó đệm liền câu hỏi: “Vậy sao?” làm tui cứ phải trả lời lại lần nữa. Lần hồi tui “rút kinh nghiệm”. Cứ vậy sao đi tui cũng im re, muốn hiểu sao thì hiểu. Sau nầy tui nhận thấy hầu như đó là thói quen của đa số người ở đây nên chẳng còn lấy làm lạ chi hết.

Cơm nước xong nói chuyện thêm một chút rồi phải sửa soạn đi ngủ thôi vì tui mệt quá! Lẽ ra phải bị đám muỗi cỏ làm thịt tui vì lạ hơi, nhưng chắc nhờ những ngọn gió thổi rát quá nên dạt bớt chúng rồi nên khỏi ngủ mùng. Tui cứ tưởng tượng phải chun vô cái mùng lạ hơi mà ngủ chắc “ná thở” quá!

Rồi giấc ngủ nhọc nhằn cũng qua. Buổi sáng sớm tui bị đánh thức dậy bởi tiếng ồn ào của bầy vịt đòi xổ chuồng đi kiếm ăn. Buổi sáng miền quê thiệt êm ả sau khi bầy vịt được lùa qua cánh đồng bên kia bờ rạch kiếm ăn. Cữ cà phê sáng hàng ngày của tui đương nhiên là bị cắt. Cứ thơ thẩn trước hiên nhà mắt ngó mông ra ngoài đám mưa mù mịt mà buồn thúi ruột. Dù gì cũng phải ráng đợi thằng cháu lo liệu cho công việc mưu sinh của nó xong mới nhờ cậy được chớ! Thêm một ngày dài thơ thẩn đi ra đi vào mà chờ đợi thôi. Buổi chiều đợi nó tranh thủ cho xong việc sớm thì trời đã tối mịt. Má nó mời ăn cơm chiều rồi muốn đi đâu thì đi, nhưng tui từ chối bởi nóng lòng quá rồi. Nó nói:

– Giờ có 2 hướng đi: Nếu muốn tới ngay bến nhà kia sẽ đi bằng ghe vòng vo hơi xa một chút, còn nếu muốn đi bằng xe gắn máy thì hơi cực một chút nghe Chú!

Thiệt tình tui cũng lo cho sự “an nguy” của chiếc xe nên biểu nó trở ra bến lấy xe đi. Lại lò mò trơn trợt ra bến cũ lấy xe rồi lò dò thêm 2 cây số nữa vô một con đường hẻm bê tông khác. Lại dựng xe bên bờ kinh, “bò” qua một cái cầu khỉ trơn như mỡ mà qua bờ bên kia có chút việc. Nó quen rồi nên đi qua dễ ợt, dòm lại thấy tui đương bò qua nó cười khì!

Lần nầy con vợ nó cũng đòi đi theo, chắc nó sợ thằng chồng nó nhân dịp mà đi “o mèo” (?) Mấy mụ đàn bà gặp nhau thì có đủ một ngàn lẻ một chuyện mà nói với nhau. Những tiếng hỏi “Vậy sao?” cứ được phóng ra đều đều sau mỗi câu nói làm tui vỡ lẽ. Bụng mình thì “nóng như lửa đốt, rối như tơ vò” mà mấy mụ đàn bà cứ thản nhiên trò chuyện như bắp rang trong khi bóng đêm đã tràn về rất sâu. Cuối cùng thì công việc riêng của tui cũng bắt đầu. Hú hồn!

Sau hơn một tiếng đồng hồ mới đứng dậy từ giã ra về. Tui rủ thằng chồng xuống Chợ Ông Kho mua mấy cái bánh bao đem về biếu cả nhà với lời nhắn cám ơn Ba Má nó. Tui xin kiếu rồi đi kiếm phòng trọ ngủ đỡ. Ở chợ Ông Kho cũng có phòng trọ giá rẻ rề, nhưng toa-lét phải xuống gác dùng chung với chủ nhà thấy bất tiện quá nên đành chạy xe trong màn mưa tối thui ngược đường ra chợ Thạnh Trị kiếm phòng trọ. Mình dân Sè-goòng nên hơi “chảnh” một chút, lựa một phòng có máy lạnh mà ngủ cho đã đời.

Buổi sáng thiệt thanh bình! Tui chạy xe ra chợ kiếm cữ cà phê sáng. Vòng vo một hồi thấy một quán cà phê dưới dốc cầu tương đối được bèn tấp vô. Ngó lên tấm bảng hiệu quảng cáo thì: À há! Ở chốn quê mùa mà cũng có “Free Wifi”. Không có ngôi sao biểu trưng nào trên bảng hiệu mà vẫn hơn 3 sao. Ở đời có thiếu gì chuyện bất ngờ! Tui thối ngược về phòng trọ lôi cái laptop theo.

Đám đờn ông đang uống cà phê trong quán chỉ toàn bàn chuyện cờ bạc, cá độ bóng đá, chuyện đề đóm số đuôi, chuyện trồng trọt, chuyện mần ăn…Khi lôi cái laptop ra vào mạng, họ dòm tui như người từ hành tinh khác lạc xuống cõi trần gian. Một chút ngại ngùng nhưng cũng sớm biến mất bởi tui có nhu cầu, tui mặc kệ những ánh mắt dò xét. Cô chủ quán sau khi bưng cà phê cho tui bèn hỏi thăm:

– Chú ở Thành phố xuống hả?

– Ờ!

– Chú đi công tác dưới nầy hả?

– Tui đương đi làm “phóng sự điều tra”. Giờ phải báo cáo về trên. (Một câu hù vậy thôi với cái mặt làm ra vẻ “ngầu ngầu” làm tui thích thú khi thấy tia nhìn có vẻ kiêng dè của Cô chủ. Xạo mà không làm chết ai thì tội gì mà không xạo cho dzui!)

Một ly cà phê đá có 5.000$ uống…cũng được. Giá chỉ bằng một phần ba vùng ngoại ô Sè-goòng. Nhưng cơm cháo lại mắc mỏ hơn. Chẳng biết tại sao mình về đến vùng lúa gạo cá thịt mà lại mắc hơn? Mười quán cơm ven đường nơi cái huyện thị heo hút đó tuy rằng cặp Quốc Lộ chỉ bán một món duy nhất: Sườn ram. Thêm một vài món nếu chủ quán làm siêng một chút. Theo lời giới thiệu của Cô chủ quán, tui thử ăn món thịt chuột đồng muối sả ớt chiên. Nếu còn nóng chắc cũng ngon, nhưng bán chậm họ để nguội ngắt nên ăn có cảm tưởng tanh tanh, rờn rợn.

Chán cơm tui ăn thử món bún nước lèo Sóc Trăng danh tiếng vang lừng thấu tận Sè-goòng. Chắc tại tui không bước vô một nhà hàng nào đó, chớ ở cái quán ven đường nầy tui ăn thấy…dở òm!

Gói thuốc Con Mèo tui mua tại SG là 17.000$, xuống Cà Mau thì 18.000$ cũng được đi do tiền vận chuyển. Trở ngược về Bạc Liêu mấy chục cây số lại tăng lên 19.000$. Rồi đi ngược về Thạnh Trị Sóc Trăng lại tăng lên 20.000$. Càng gần SG thì giá lại càng cao! Thiệt tui không hiểu nổi cái giá cả thị trường của nước Việt Nam nầy, càng gần nơi sản xuất hàng hóa mà giá lại càng cao.

Mấy ngày ở đó tui hay đi quanh quẩn quan sát cuộc sống của người dân sở tại để tìm hiểu. Quán cà phê ở xứ Việt Nam nầy bây giờ ở đâu cũng nở rộ với con số đáng kinh ngạc. Lạ một điều là buổi sớm mơi quán nào cũng đông nghẹt khách. Họ ngồi đó cà kê dê ngỗng có khi hơn 9:00 sáng mới nhổ mông. “Hưởn dzữ!”. Đi vô Chợ Thạnh Trị dòm ngó chút cho biết. Chợ được xây sát bờ sông. Thiệt là “trên bến dưới thuyền” cũng nhộn nhịp dữ! Cũng là những quầy hàng ngang dọc sắp xếp rất có lớp lang, bán đủ thứ mặt hàng không thiếu món chi. Nhiều nhứt vẫn là những quầy hàng bán quần áo may sẵn. Nhưng người đi chợ cứ thản nhiên đi lướt ngang trong ánh mắt nhìn chờ đợi đến ngơ ngẩn của những người bán hàng. Cầu thì ít mà cung lại quá nhiều, ế hàng là điều khó tránh khỏi. Tui tự hỏi không biết những tiểu thương đó sẽ trụ lại được bao lâu? Chắc rồi họ cũng chịu chung số phận lay lắt như những cây xăng kề liền nhau tui thấy ở dọc đường thôi.

clip_image004

Ở Thạnh Trị có giống bông bụp quá đẹp! Cánh hoa mãn khai nở lớn hơn bình thường với màu đỏ thắm rực rỡ nổi bật trên nền lá xanh đẹp đến ngẩn ngơ bắt mắt người ta từ xa. Tui lấy máy hình chớp được một số rất đẹp đem về coi chơi. Có cả một bụi bông trang đang độ xuân thì bung nở hết mức để khoe sắc hoa thắm đỏ dưới những trận mưa chiều rất rực rỡ.

Một buổi chiều lất phất mưa bay, trên đường chạy từ Ông Kho ra Thạnh Trị tui bắt gặp một hình ảnh xúc động. Một người phụ nữ còn trẻ đội chiếc nón lá đã tả tơi dầm mưa hái những cái bông so đũa nhỏ màu vàng. Chẳng biết là nó sẽ có mặt trong buổi chợ sáng ngày mai hay trong bữa cơm chiều hôm đó. Tự nhiên trước mắt tui như hiển hiện quang cảnh bữa cơm chiều nghèo khó chốn quê nhà trong cơn mưa giông. Những đứa trẻ vui vẻ húp sì sụp chén cơm chan canh chua bông so đũa của Mẹ vừa hái với mấy con cá nhỏ cha chúng mới bắt ngoài đồng và nồi cá kho. Ngon miệng quá nên chúng quất no cành hông luôn rồi leo lên giường nằm ngủ sau khi học sơ sịa bài vở ngày mai. Tui đồ rằng chúng đang sống rất hạnh phúc, chỉ biết tiếp nhận bữa cơm ngon lành mà không hề nghĩ tới công lao của Cha Mẹ dầm mưa để có cho cả nhà một bữa cơm ngon. Con nít vốn vô tư mà! Vậy đó, chớ đến khi trưởng thành rồi, may mắn có được sự thành đạt trong cuộc sống với những tiện nghi vật chất đầy đủ, đã có ý thức rõ ràng nhưng chưa chắc chúng đã nhớ lại những bữa cơm chiều chốn quê nghèo, chưa chắc chúng đã cảm nhận hết cái công lao chắt chiu của Cha Mẹ nuôi dưỡng chúng đến ngày khôn lớn. Có khi chúng còn bĩu môi nói rằng tô canh chua bông so đũa chốn quê làm sao đủ chất bổ dưỡng cho cơ thể, trí tuệ chúng bằng những dĩa thịt bò, những miếng thịt gà…Ôi! Những đứa con bội bạc! Tui thấy chúng nhan nhãn chung quanh nhiều lắm!

Sau mấy ngày lang thang ở Thạnh Trị-Sóc Trăng tui lại lên đường hồi hương. Những ngôi chùa Miên vàng chóe lướt nhanh ngang tui loang loáng với tốc độ chóng mặt bởi tui đang nhấn ga hết cỡ mong sớm nuốt đoạn đường xa. Gần tới cửa ngõ vào Thành phố Cần Thơ, mắt tui chạm phải tấm bảng chỉ đường với mũi tên chỉ về bên phải. Ai có đi từ hướng đó chắc phải thấy: Cái địa danh ghi trên bảng làm tui giựt mình phải ngó kỹ lại lần nữa. À! Không phải. Chỉ tại tui đọc không thông chữ quốc ngữ thôi!

“Đã đến đây thì hãy ghé lại đây!” Tui quẹo vô Thành phố Cần Thơ rong chơi một chút. Thiệt không hổ danh là “Tây Đô”. Thành phố Cần Thơ rất rộng lớn và sầm uất. Ngó thấy chữ Tây Đô, một chút kỷ niệm thời trai trẻ bỗng quay về trong hồi tưởng. Nguyên hồi thời chinh chiến, khi ở hậu cứ tui hay ra quán cơm của Dì Ba ở chợ Nguyễn Tri Phương-Quận 10 ăn cơm. “Tiến lính tính liền” nên tui sợ cái túi nhà binh của mình bị “hổng” bất tử, mỗi lần lãnh lương tui cứ trích ra một phần đặt cọc tiền cơm ở quán. Cuối tháng thì cộng trừ đóng bù thêm. Chắc hồi còn trẻ tui cũng khá “đẹp chai” nên có một cô cháu của Dì Ba ở Cần Thơ nghỉ hè lên Sè-goòng chơi rồi phụ bán cơm có để ý đến tui. Quả tình tui chưa hề nói chuyện với cô ấy một câu nào, nhưng sau ba tháng hè về lại Cần Thơ, chẳng hiểu cô lấy thông tin ở đâu (chắc là từ mấy thằng bạn “mắc dịch” của tui) mà cô biết KBC đơn vị tui. Bỗng nhiên có một ngày đẹp trời, tui nhận được một bức thư đề tên người nhận đúng tên tui nhưng tên người gởi là “mắt buồn Tây Đô”. Ui trời! Sao mà “cải lương” quá vậy? Cỡ cái thằng trời ơi đất hỡi như tui làm sao mà phù hợp với một người con gái như vậy? Hơn nữa quan niệm của tui lúc đó cuộc đời súng đạn của mình không nên dây dưa với những người con gái nhà lành, chỉ làm họ khổ mà thôi nên tui không mở phong bì ra coi cô viết gì trong đó mà bỏ vào ngăn tủ cá nhân của mình coi như giữ một chút kỷ niệm tuổi trẻ ngọt ngào mà thôi. Đợi mãi vẫn không thấy thư trả lời cô bèn gởi tiếp tục chắc gần 10 lá. Thất vọng rồi bặt luôn thư từ. Có phải tui đã gây nên tội lỗi rồi không? Trái tim thanh xuân của cô thiếu nữ đó có đau đớn lắm không? Cứ nghĩ mình đâu có làm chi nên tội bởi có tán tỉnh người ta câu nào đâu? Nhưng ai biết có khi tội lỗi ngập đầu mà mình đâu có hay!

Tui quẹo vô Cần Thơ mà trong lòng bỗng dưng nghĩ không biết có cái duyên may nào đó tui gặp lại “mắt mờ Tây Đô” của một bà lão sáu mươi còm cõi lụm khụm cũng nên!

Trước năm 1975, toàn miền Nam chỉ có 3 thành phố có đèn tín hiệu giao thông: Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Lại xin nói lan man chút xíu. “Tháng Giêng xuôi quân ra Huế…” bằng cửa ngõ Đà Nẵng. Trong lúc chờ đợi máy bay, tui mượn chiếc xe Honda dame đời quân đội chạy vòng vòng Đà Nẵng chơi. Nghe nói bên bãi biển Mỹ Khê có lắm con gà mắt xanh môi đỏ nên cũng muốn đảo qua “tìm hiểu” chơi. Mình quen ở Sài Gòn mấy trụ đèn giao thông xanh đỏ trồng ngay góc ngã tư dễ thấy quen rồi, ai dè ra Đà nẵng tới ngã tư cứ phom phom đi thẳng vì không thấy đèn đỏ xém đụng một bà già bị chửi cho một tràng:

– Mi đui à! Răng mi không thấy đèn đỏ mà cứ chạy như rứa?

Theo hướng ngón tay chỉ thì thấy có trụ đèn tín hiệu giao thông có chút xíu thấp lè tè mà lại trồng tuốt sâu phía trong lề đường, thảo nào tui không để ý.

Đà Nẵng thuở đó có một rạp chiếu bóng nằm đối diện xế một bên với bảo tàng Chăm. Điểm đặc biệt là sàn nhà lót toàn ván theo một đường lượn cong để những hàng ghế sau nhìn rõ màn ảnh. Thấy bảng quảng cáo rạp đang chiếu phim “The Ryan’s daughter” rất hay tui đã coi trong Sài Gòn nhưng chưa đã thèm bèn chun vào coi lại lần hai. Lần hai đủ thời gian chiêm nghiệm hơn nên lại thấy hay hơn.

Trở lại chuyện ký sự. Đi lòng vòng Cần Thơ để chiêm ngưỡng Tây Đô rồi ra thấu chợ nổi Cái Răng bập bềnh sông nước. Thốt nhiên tui ao ước mình có đủ thời gian để được tan loãng vào số dân cư ở những nơi đặt bước chân qua để lắng nghe nhịp thở của từng vùng, để cảm nhận toàn bộ không gian sống của họ để…làm vốn. Chỉ nghĩ vậy thôi nhưng tui biết rõ nghịch lý nầy: Một chiều Chủ Nhựt ngồi một mình lặng lẽ nơi quán cà phê ven đường, thấy nam thanh nữ tú ngồi trên xe lướt ngang bỗng ao ước mình cũng là một trong số họ. Nhưng cứ leo lên xe rồi chạy theo coi, đâu có gì đặc biệt! Cũng…bình thường thôi!

Trước đây, nếu thi rớt Đại Học thì tương lai sẽ bị đổ sụp xuống bởi con đường học vấn khó mà đi tiếp vì không còn chỗ. Bây giờ thì dễ dàng hơn rất nhiều vì có rất nhiều trường Đại Học tư được phép mở thoải mái. Mở thoải mái nên dạy thoải mái và học cũng thoải mái luôn. Nghĩ về cái chữ Đào Tạo ở loại hình giáo dục đó, tui có một ý tưởng thoáng qua trong đầu: ĐÀO túi tiền của phụ huynh sinh viên cho cố chớ không TẠO ra được công ăn việc làm cho các cử nhân hoặc kỹ sư tốt nghiệp. Bởi bây giờ người ta có câu: “Cử nhân ngoài đường dẫy đầy như lợn con, tốt nghiệp Đại học để lấy mảnh bằng xin đi…giao hàng nếu không phải thuộc loại Xê Ô Xê Xê”. Thành phố Cần Thơ có dăm ba trường Đại Học tư như vậy. Chỉ nhìn vào cơ sở vật chất vá víu cũng có thể đánh giá chất lượng đào tạo của trường.

Thấy thèm ly cà phê đá, tui vòng lại Bến Ninh Kiều coi có khác xưa không, sẵn dịp tìm một cái quán ngồi nghỉ chân. Trong văn thơ thấy người ta ca tụng dữ lắm, nhưng thiệt ra chỉ giống như một công viên nhỏ cặp bờ sông Hậu còn nhỏ thua cái công viên ở Bến Bạch Đằng Sài Gòn. Cũng có ghế đá bãi cỏ, nhưng vừa ló mặt tới đã nghe những tiếng í ới, những cái ngoắc tay của mấy con mụ sồn sồn dân “phe phẩy” đầy nhóc ở đó. Tui cũng chẳng biết họ mời gọi cái gì, nhưng hoạt cảnh xấu xí đó làm tui chán nản mà quay lui tức thì.

Lẽ ra tui định ngủ lại Cần Thơ một đêm để thưởng thức hương vị của xứ gạo trắng nước trong (?), nhưng nhìn màu nước đục ngầu phù sa của con sông Hậu vào mùa mưa tui không hiểu cái ông văn thơ sởi nào đó nói về cái nước trong chỗ nào? Cuộc chạm trán tại bến Ninh Kiều làm tui hơi thất vọng nên quyết định thẳng tiến về Sài Gòn luôn. Leo lên cầu Cần Thơ nhìn quay lui thành phố phía xa xa lấp ló trong màu cây xanh lá, lòng thấy hơi tiếc vì đã bỏ đi vội vàng, muốn quay lui trở lại nhưng không được phép trở đầu xe trên cầu tui đành thả trượt ước mơ của mình theo độ dài con dốc mà bỏ đi luôn.

Đến lúc nầy thì niềm vui đã vơi đi ít nhiều nên phong cảnh hai bên đường không còn làm tui chú ý, cứ cắm đầu cắm cổ mà phi nước đại cho mau tới nhà.

Tới ngã ba một hướng rẽ vô Thị Xã Vĩnh Long, một hướng ra cầu Mỹ Thuận ghé vô đổ xăng rồi nhân tiện bước vô quán cà phê uống một ly cho đỡ tê mông. Chiếc cầu Mỹ Thuận vắt ngang sông Tiền như một dải lụa dịu dàng trông rất thanh thoát. Trong ánh nắng vàng óng mượt của miền Tây Nam Bộ phản chiếu lấp loáng từ mặt sông Tiền, tui có cảm tưởng như đó là chiếc lưng ong của cô vũ nữ ballet đang cong xuống trong một động tác vũ đạo. Đẹp và gợi cảm đến mê cả người!

Khoảng đường trở về, những Ngã ba An Hữu, Cái Bè, Cai Lậy, Ngã Ba Trung Lương, Tân An, Bến Lức, Gò Đen, Bình Chánh, Bình Điền… cứ lần lượt trôi qua vun vút trong cái kém vui của tui. Lòng chỉ mong sao tới nhà cho mau mà nghỉ ngơi, mất hẳn cái hứng thú quan sát dọc đường.

Tính ra tui đã ngồi trên xe gắn máy trong chuyến trở về liên tục suốt 11 tiếng đồng hồ cộng thêm 20 phút ngồi ăn tô bánh canh ở Ngã ba Trung Lương bị họ “quất” tui tới 35.000$. Gấp rưỡi giá Sài Gòn!

Đặt chân xuống mặt đất, hai đầu gối của tui muốn sụm bởi tính từ thắt lưng trở xuống thì không chỗ nào mà…không tê!

Con “chiến mã” của tui trông như vẫn còn hừng hực khí thế muốn tiếp tục bứt lên. Nhưng xin thua! Hẹn mầy ở một dịp khác theo một hướng khác.

HÙNG BI

(Ảnh trong bài của tác giả)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search