T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

LN Đồng : Rượu – Tản mạn về nghệ thuật uống rượu (1)

clip_image002

 

Giới thiệu : Người xưa có câu : thơ túi, rượu bầu. Chữ nghĩa và rượu ( ngày nay có thể kể thêm cà phê hoặc/và trà) vốn được xem là bạn đồng hành của nhau. Rượu vào, lời ra là vậy. Anh bạn nhà báo lão Ngoan Đồng ( tức LN Đồng ) bên Úc, bình sinh là một người ham mê “ tửu “ , lại là một người sính “ chữ “ ( thuộc tính của nhà báo ) có biên sọan một lọat bài về Rượu, vừa để cho vui ( như cái tên lão ngoan đồng ) vừa để bạn bè mở mang kiến thức về môn nghệ thuật ( uống rượu ) mà nam giới ( và một phần nữ giới ) ai cũng ít nhiều đã từng nếm trải hoặc biết tới. Lọat bài này vốn đã được đăng tải nhiều kỳ trên một tờ tuần báo ở Úc, nay được hiệu đính lại cho phù hợp với việc phổ biến trên mạng lưới tòan cầu. T.Vấn & Bạn Hữu trân trọng giới thiệu lọat bài về Rượu gồm 13 kỳ này của nhà báo LN Đồng . Tuy bài gồm nhiều phần, nhưng mỗi bài có thể đọc riêng rẽ và không nhất thiết phải theo một thứ tự trước sau, độc gỉa vẫn có thể thu nhận được những kiến thức mà mình quan tâm.

T.Vấn & Bạn Hữu

 

 

 

(Dành riêng cho các “tửu sĩ” trên 18 tuổi)

 

Các cụ ngày xưa phán rằng Cờ bạc-Rượu chè-Trai gái-Nghiện hút là “tứ đổ tường”, tức là có hại. Trong khi đó, một số cụ khác lại gián tiếp ca tụng thú uống rượu và thú chơi “hoa” (Một trà, một rượu, một đàn bà…). Nơi xứ người, ở cái tuổi “hơn nửa đời hư”, LNĐ đã mất đi thú uống trà, không còn đủ phong độ để “hồi xuân” mà chỉ còn thú uống rượu. Vì thế chỉ xin viết về rượu.

Nam vô tửu như kỳ vô phong

 

(LNĐ không kỳ thị giới tính, mà chỉ vì lúc bắt đầu có trí khôn tới nay chưa hề nghe nói “Nữ vô tửu…”, nên tạm thời chỉ viết về rượu và đàn ông con trai).

Nhiều người, nhất là mấy bà vợ hay lo lắng cho sức khỏe của chồng, cho rằng “Nam vô tửu như kỳ vô phong” chỉ là một câu nói có mục đích khích động tự ái đám “nam vô tửu”.

LNĐ không đồng ý. LNĐ không có ý (và không có quyền) chê đàn ông con trai “vô tửu” (vì “vô tửu” đối với nhiều người được coi là một ưu điểm) mà chỉ muốn đưa ra nhận xét cá nhân (và được nhiều người đồng ý) như sau: trong những dịp họp mặt, tiệc tùng, đình đám, đực rựa nào có một hai ly vào thì dù bình thường nhút nhát, gà mái tới đâu cũng trở nên dạn dĩ, ngon lành ngay. (Dĩ nhiên, đây đang nói về việc tự nguyện uống, chứ không phải bị ép uổng).

Theo luật tự nhiên, đàn ông con trai thuộc dương, nên dù có nhỏ con (hoặc nhỏ tuổi) hơn đào, hay bà xã thì cũng vẫn phát tiết, tỏ lộ ra những gì tượng trưng cho sự mạnh dạn, tính anh hùng, sức chịu đựng.

Rượu (trừ rượu ngọt) bao giờ cũng nồng và đắng. Hơi nồng bốc lên hai lỗ mũi tạo ra phấn chấn, vị đắng chảy qua cuống họng để lại cái hậu tuyệt vời từ đầu lưỡi tới kẽ răng.

Không cần phải đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ để nghe Kim Dung tả cảnh Lệnh Hồ Xung uống rượu mà chỉ cần quan sát một người đàn ông bình thường trong bàn tiệc. Hầu như người nào cũng vậy, tay cầm ly rượu đưa lên, bao giờ đôi mắt cũng nhìn vào trước khi uống. Người uống nước ngọt cũng có thể nhìn vào ly trước khi uống, nhưng một là nhìn mà không suy nghĩ gì cả, hai là do thói quen, nhìn để “make sure” không có con gián, con ruồi nào chết đuối trong ly nước của mình!

Dân uống rượu trái lại, nhìn là để cặp mắt chiêm ngưỡng “dung nhan” của rượu – có thể là mầu đỏ tím bắt mắt của rượu chát, màu đỏ nâu đậm đà của cỏ-nhắc, màu vàng rực rỡ của rượu bia…, kể cả màu rượu thuốc huyền bí cũng có nét quyến rũ đặt biệt của nó.

Sau khi nhìn mới đưa ly rượu lên môi. Trước khi uống vào miệng, dù chỉ trong nửa giây đồng hồ ngắn ngủi, mũi đã ngửi được mùi thơm, môi đã làm một màn tiếp xúc giao hữu.  Sau đó, mắt nhắm lại – nhắm lim dim thôi chứ không phải nhắm chặt (chỉ có kẻ bị ép uống rượu mới nhắm chặt) – để không còn bị chi phối bởi khung cảnh trước mặt, như thế vị giác mới có thể thi hành chức năng một cách trung thực để rồi tường trình lên não bộ.

Uống xong, mở mắt ra, khà một cái thú vị, đầu óc lâng lâng, tâm hồn sảng khoái, cảm thấy tự tin gấp bội phần. Ôi, còn gì đẹp cho bằng ngọn cờ tung bay trước gió!

Tới đây cũng phải viết thêm để tửu giới đừng vội hiểu lầm người nào uống rượu cũng đáng phục, đáng khen, đáng mến. Nói cách khác, cùng là người uống rượu nhưng có được gọi là “tửu sĩ” hay không còn tùy vào tính tình mỗi người, cung cách uống rượu, lượng rượu uống vào, và khi say có “quậy” hay không?!

Một cách chung chung, muốn uống rượu còn là một cái thú, và muốn người khác không có lý do để bài bác thú uống rượu, dân uống rượu phải biết giới hạn của mình. Cũng giống như ngọn cờ, có gió mới tung bay, nhưng nếu gió mạnh tới 200,300 cây số/giờ thì lại hỏng bét – cờ rách tả tơi, đứt giây, đổ cột – thà đừng có gió còn hơn!

Vào ba ra bảy

LNĐ có dịp tham dự một vài đám tang của người Tây phương và phải công nhận họ vừa giản tiện tới mức tối đa, vừa thực tế, vừa tôn trọng nguyên tắc. Người thân, người quen – mặc quần áo màu đậm – tới nhà quàn, hoặc nhà thờ phúng vòng hoa, tham dự  tang lễ, tiễn ra nghĩa trang, bắt tay hoặc ôm hôn tang chủ để chia buồn rồi… chia tay.

Người Á đông – ít nhất cũng là Việt Nam và Trung Hoa – thì khác. Khi mọi việc ngoài nghĩa trang xong xuôi, bao giờ tang chủ cũng mời mọi người về nhà mình để cùng nhau dùng “bữa cơm thanh đạm”, cho trọn tình trọn nghĩa. Dĩ nhiên, ăn thì phải đi với uống. Uống ở đây là phải uống rượu.

LNĐ còn nhớ trước năm 1975, nhiều vị Linh mục đã lên tiếng chỉ trích con chiên về việc tổ chức ăn uống say sưa, phung phí trong các dịp ma chay. Ngày ấy, kẻ hèn này cho rằng các vị ấy “dũa” như thế là đúng, từ đó bụng dạ (hẹp hòi) mới suy ra rằng thể nào cũng có một số người tới chia buồn, hoặc đi đưa đám chỉ cốt để được… ăn nhậu!

(Chú thích: ở VN, người ta không chỉ đãi tiệc sau khi chôn cất xong xuôi, mà còn có thông lệ đãi ăn uống những người tới chia buồn).

Nhưng sau khi sang Úc, nơi mà đồ ăn thức uống dư thừa, rẻ mạt, nơi mà thì giờ quý báu đến mức nhiều người phải tìm đủ mọi cách để từ chối, né tránh tiệc tùng, việc mời ăn uống sau tang lễ vẫn còn được duy trì, vẫn có người ở lại tham dự thì bắt buộc chúng ta phải thừa nhận đó là một tập quán của người mình trong việc thể hiện tình nghĩa, chứ không phải là một thủ tục phát xuất từ lòng ham mê ăn uống của con người.

Cho nên đối với một số người khó tính, hoặc không thích uống rượu, cho rằng chè chén trong dịp tang ma là hành động bất hiếu (của con cái) và vô ý thức (của người tới chia buồn), LNĐ e rằng họ đã quá khắt khe, và rất có thể đạo đức giả.

Vậy thì – trở lại với rượu – trong lúc “tang gia bối rối” mà mình còn chén chú chén anh được thì nói gì tới những dịp mừng vui, những lúc thoải mái.

Với người Tây phương, vì tính cách phong phú, đa dạng của các loại rượu, uống rượu là cả một nghệ thuật thưởng thức. Người mình không có nhiều loại rượu, không sành rượu, nhưng được cái hay là coi tinh thần (cách tiếp đãi nhau) quan trọng hơn vật chất (loại rượu gì). Vì thế, trong khi người Tây phương có thể “enjoy” uống rượu một mình,  người Việt người Hoa uống rượu dứt khoát phải có bạn.

Rượu ngon không thể thiếu bạn hiền là thế!

 

Bạn hiền” trong câu này có nghĩa là bạn tốt, hiểu biết và hợp tính tình. Ai hiểu được hai chữ “bạn hiền” sẽ đạt tới chân-thiện-mỹ của “tửu đạo”.

Bạn nhậu” chưa hẳn đã là “bạn hiền để uống rượu”.

Chẳng hạn, uống rượu với nhau mà cứ nhất định thực thi nguyên tắc “vào ba ra bảy” thì cùng lắm mới chỉ là bạn nhậu. Theo LNĐ, có lẽ người mình có tính hay phóng đại (người Bắc gọi là nói khoác) lại thích thơ văn nên thường chế ra những câu ca dao, tục ngữ thành ngữ, cực kỳ vô lý, khó tin. Một người dù dễ tin tới mức cho rằng “lấy chồng từ thưở 13, đến năm 18 thiếp đà 5 con…” là việc có thể xảy ra được, cũng không thể nào tin trên đời này có cặp vợ chồng nào, dù mới cưới, đủ sức “đêm bảy ngày ba, vào ra không kể”!!!

Suy ra “vào ba ra bảy” cũng thế. Vào, mà chưa “đụng trận” ở nơi nào khác thì uống 3 ly rượu mạnh, 3 lon bia có thể là việc không lấy gì làm ghê gớm cho lắm, nhưng ngồi vào bàn rồi, đã uống ít nhiều rồi mà muốn “bái bai” phải ực tới 7 ly, hay 7 lon thì xin lỗi, trên cõi đời này ngoài Đoàn Dự ra không một ai, kể cả Lệnh Hồ Xung, mà không bỏ xác tại trận!

(Đoàn công tử – trong Thiên Long Bát Bộ – là người uống rượu rất dở, nhưng nhờ học được Nhất Dương Chỉ, uống tới đâu vận công cho rượu thoát hết ra ngoài qua đầu ngón tay, nên không bao giờ bị “xỉn” cả!).

“Nữ hữu tửu…”

 

Trước khi tiếp tục lạm bàn về Uống Rượu, LNĐ xin ghi ra ý kiến của một “lão tửu sĩ”, tự xưng là Hà Công Công. Công Công có lẽ là người khá từng trải và lịch thiệp, cho rằng câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong” ít nhiều hàm chứa ý nghĩa chê người không uống rượu. Vì thế, dù là của các cụ để lại, mình cũng không nên xài. Từ đó Công Công đề nghị:

– Tại sao mình không nói “Nam hữu tửu như kỳ hữu phong”? Cũng mang ý nghĩa ca tụng đàn ông con trai uống rượu trong khi lại chẳng đụng chạm gì tới những người không uống rượu cả!…

– Quả là cao kiến! LNĐ xin đồng ý cả hai tay với Hà Công Công và đề nghị mọi người từ nay không nên sử dụng câu “Nam vô tửu…” nữa, và thay vào đó bằng câu “Nam hữu tửu…”

Nhưng Hà Công Công không chỉ góp ý kiến mà còn nêu thắc mắc. Thắc mắc đó là: chúng ta đang sống trong một xã hội nam nữ bình quyền, suy ra phụ nữ cũng được quyền uống rượu như nam giới. “Vậy nếu đàn bà con gái uống rượu (nữ hữu tửu) thì theo LNĐ, gọi là gì?”

Sau một đêm suy nghĩ nát óc, LNĐ đành chịu thua, không thể tìm ra câu nào nghe vừa thuận tai vừa hữu lý. Tuy nhiên, có còn hơn không, kẻ hèn này xin ghi đại ra một câu khá… vô duyên, không ngoài mục đích khiến các bậc cao nhân phải ngứa ngáy, để rồi lên tiếng sửa dùm. Đó là:

“Nữ hữu tửu như… sư hữu tình”

Xin viết ngay để tránh hiểu lầm, “sư” ở đây không phải là sư trong sư phụ, sư huynh, sư tỷ, sư ông, sư cụ, sư cô, sư bà… mà là sư… có nghĩa con sư tử, chẳng hạn như chữ sư trong công phu Sư Tử Hống của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn (trong truyện Cô Gái Đồ Long) , hoặc nôm na hơn, trong Sư tử Hà Đông.

Khi có chất men vào máu, người ta thường trở nên mạnh dạn, tự tin, đầu óc lâng lâng, con tim dạt dào, vì thế so sánh đàn bà con gái “hữu tửu” với “sư tử” kể ra cũng không sai mấy. Việc so sánh này không mang tính cách xúc phạm hay nói xấu các bà các cô, bởi vì đi liền sau chữ “Sư” lại là hai chữ “hữu tình”.

Hữu tình, tạm dịch sang tiếng Anh là fascinating, có nghĩa nhấn mạnh hơn là “đáng yêu” (lovely). Hãy thử tưởng tượng ra lúc Hoàng Dung uống rượu cùng Quách Tĩnh, Miêu Phượng Hoàng cạn chén với Lệnh Hồ Xung, Nữ hoàng Cleopatra cụng ly với Đại tướng Mark Antony, Thúy Kiều “cheer” với Kim Lang, Trương Quỳnh Như đối ẩm cùng Phạm Thái… là ta có thể thấy được tính cách “hữu tình” ấy: hai má ửng hồng, cặp mắt long lanh, đôi môi chúm chím, tiếng cười xé lụa…

Nếu không “hữu tửu” thì làm sao “hữu tình” được như thế?!

Hơn nữa, chữ  PHONG ở trên, chữ TÌNH ở dưới, kể ra cũng khá chỉnh, trong trường hợp chỉ có một đôi nam nữ cùng nhau uống rượu (phong tình: erotic):

Nam hữu tửu như kỳ hữu phong

Nữ hữu tửu như sư hữu tình

Cụng ly chỉ có đôi mình

Giao bôi nửa lít*, phong tình năm canh

*Nửa lít: rượu vang đỏ

***

Trở lại đề tài Uống Rượu. Ở trên, LNĐ đã vạch ra những cái vô lý của luật “vào ba ra bảy”, bây giờ xin tiếp tục:

… Vì vậy, để cho hợp tình hợp lý, và để chứng tỏ “được uống rượu” là một quyền lợi chứ không phải là hình phạt, LNĐ mạo muội đề nghị sửa câu “vào ba ra bảy” thành “vào hai bai một”. Tức là nhập cuộc trễ (có lý do chính đáng) thì được đền bù 2 ly (hay 2 lon); có việc phải bái-bai sớm thì được quyền “double”, gọi là uống thêm một ly để từ giã.

Nói tóm lại, muốn trở thành “bạn hiền để uống rượu” thì trước hết phải biết thưởng thức cái ngon của rượu; kế đến phải uống hết tình (không nhất thiết phải uống hết mình) – hết tình nhưng vẫn thể hiện được phong cách; phải tùy theo mức độ thân quen mà giữ lịch sự tối thiểu, phải tỏ ra hiểu biết, không nên nài ép, nhất là khi có sự hiện diện của vợ con người ta; và cuối cùng, khi thấy bạn mình có nguy cơ say xỉn thì phải tìm cách này cách khác ngăn cản, hoặc lỡ “đụng trận” thì phải “anh ngã em nâng” chứ đừng “sống chết mặc bay” – không tốt, khó bền.

TỬU SĨ và THẰNG SAY RƯỢU

Với những người coi rượu là một cái thú – tức là các tửu sĩ – thì một khi đã uống rượu, phải uống cho say mới cảm thấy thú.

Ca dao đã có câu:

 

Còn trời còn nước còn non

Còn cô bán rượu anh còn say sưa

Nhưng cũng lại có câu khác, bình dân hơn (mà LNĐ phải sửa lại 3 chữ, bỏ bớt 2 chữ cho đỡ tục):

(Nàng) rằng (nàng) chẳng sợ ai

Sợ thằng say rượu – – đau (nàng)

 

Ba chữ “thằng say rượu” cho thấy một thực tế: người “say” nói chung thường bị dân gian chê bai nhiều hơn là khen ngợi. Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Chúng ta phải thừa nhận rằng chính một số “bợm nhậu” không nên nết đã khiến cả tửu giới phải mang tiếng xấu lây.

Thực ra, cùng là uống rượu nhưng cái say cũng có tới năm bảy đường say, tùy theo tính tình, cung cách uống rượu và lượng rượu mỗi người uống vào. Tính tình, cung cách là những gì khó lòng thay đổi, cho nên LNĐ chỉ bàn về “lượng rượu”.

Trước hết nói về “say”. Say là trạng thái bất bình thường của não bộ, do tác động của tỷ lệ rượu trong máu. Mỗi khi uống rượu, tùy theo lượng rượu uống vào, và tùy theo tửu lượng (khả năng uống rượu) cao thấp của từng người, ta sẽ lần lượt trải qua một, hai, ba, hoặc cả bốn tình trạng sau đây:

Say lâng lâng – say vừa phải – say quá chén – say bí tỉ.

* Say lâng lâng:

Lượng rượu uống vào chỉ đủ làm “nóng máy” (warm up). Có thể làm người ta vui vẻ, hăng hái hơn lúc bình thường (hoặc ai oán, sầu đời, nếu đang bị thất tình) nhưng vẫn hoàn toàn kiểm soát được hành động, lời ăn tiếng nói của mình. Với một người có tửu lượng trung bình như LNĐ thì lượng rượu đủ để làm say lâng lâng vào khoảng 3-4 ly tiêu chuẩn (standard drink) – tức 2-3 lon bia.

Với những anh chàng bình thường nhút nhát, say lâng lâng có thể đem lại can đảm, dạn dĩ, hoạt bát trong việc tán đào!

* Say vừa phải:

Có thể gọi là “hơi quá chén”, là tình trạng vẫn còn nhận biết phải trái, đúng sai, nhưng đôi khi không còn kiểm soát được mức độ bộc lộ cảm xúc, hoặc lời ăn tiếng nói của mình.

Theo tửu giới, đây là mức say “đẹp” nhất, “hay” nhất (riêng đàn bà con gái cũng chỉ nên uống tới mức này là tối đa). Bởi vì người say sẽ mở toang cánh cửa tâm hồn bình thường vẫn khép kín, sẽ để lộ con người thật tốt xấu, sẽ dốc cạn bầu tâm sự, bộc bạch mọi nỗi niềm, ước mơ, buồn vui, thương hận…, thậm chí có người còn phát tiết cả những tài hoa mà lúc bình thường không hề thấy có.

Chẳng hạn Anh Hai “lốp-bi”, cứ tới lúc say vừa phải thì lại ngâm bài Hồ Trường. Trước 1975, LNĐ đã nhiều lần nghe người bạn hiền Lê Đình Điểu ngâm Hồ Trường, mà theo giới mộ điệu, trong “làng ngâm tài tử” khó ai qua mặt được chàng. Nhưng nay, mỗi lần Anh Hai “lốp-bi” uống rượu rồi thì ngâm Hồ Trường, LNĐ vẫn thấy một nét gì đó độc đáo mà một Lê Đình Điều “tỉnh” không có. Đó chính là “cái hồn”- không phải hồn của thơ mà là hồn của người ngâm có men rượu.

Thêm một ví dụ khác: trong những năm tháng đồn trú ở Pleiku, LNĐ thường được mấy người bạn bên Quân Đoàn dắt đi uống rượu ở khu gia binh. Nhưng không uống ở quán mà uống ở nhà một ông Thượng sĩ thuộc Tiểu Đoàn 20 CTCT, và bao giờ cũng có mặt anh chàng tài xế “xâm mình” nọ.

“Xâm mình” hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen là 6 chữ Thương song thân – Nhớ vợ hiền xâm trên cánh tay trái (mốt của các chàng lính xa nhà thời đó). Nghĩa bóng: anh chàng nổi lỳ lợm và ba gai, uýnh lộn với đủ mọi màu áo quân binh chủng, và mỗi lần đi phép thường niên thì đi mút mùa lệ thủy!…

Có mấy lần, ông Thượng sĩ đã nói đùa:

Mấy ông thầy coi, thằng A (tên chàng tài xế) này mà thương nhớ ai. Cỡ nó chắc chỉ có Đâm song thân – Chém vợ hiền” thôi!

 

Không hiểu lời trù ẻo của ông Thượng sĩ sau này có biến thành sự thật hay không, chỉ biết cứ 10 lần uống rượu thì hết 9 lần – sau khi làm khoảng 1 xị đế – chàng tài xế lại… khóc vì nhớ “bà già”.

Một hai lần đầu, LNĐ cứ tưởng anh chàng “xỉn”, không còn biết mình đang làm gì cả. Sau nhiều lần chuyện trò hỏi han (trong bàn rượu), LNĐ mới hiểu được tâm sự anh chàng: nhớ mẹ già và hối hận vì đã bỏ nhà đi giang hồ từ nhỏ. Điều đáng nói là lúc tỉnh, chàng tài xế không bao giờ đề cập tới mẹ mình, và đồng đội nào dại dột đem việc anh chàng khóc khi say ra để chọc quê, diễu cợt là coi chừng bị ăn đòn ngay!

Như vậy, có thể nói xị đế kia đã đem lại cho chàng tài xế những giây phút ấm lòng khi nhớ tới mẹ già, làm sống lại tuổi thơ êm đềm đã đánh mất…

Nhưng cũng phải lưu ý các bạn trẻ, nếu đã say tới mức này (hơi quá chén) thì chớ dại dột tán tỉnh những cô gái mới quen biết. Bởi vì rất có thể sẽ bị đánh giá là “ba hoa”, thậm chí “nham nhở”!

Theo tửu giới, say vừa phải (ngà ngà) là mức say đẹp nhất. Riêng với các thi nhân, vào lúc mà tâm hồn đã say men nhưng tâm trí còn tỉnh táo ấy, nguồn cảm hứng thường tuôn trào. Đã có biết bao huyền thoại về những bài thơ được sáng tác trong cơn say của Lý Thái Bạch, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, Vũ Hoàng Chương… Tuy nhiên, vì không thể kiểm chứng chuyện xưa, LNĐ chỉ xin nêu ra một trường hợp mà mình biết rõ, liên quan tới hai người thân quen: nhà văn Dương Hùng Cường (DHC) và nhà báo TNT.

DHC và TNT là hai trong số những văn nghệ sĩ gốc quân nhân bị kẹt lại sau năm 1975. Sau khi từ trại “cải tạo” trở về Sài Gòn và trước khi bị bắt lần thứ hai (cùng nhóm với Hoàng Hải Thủy, Doãn Quốc Sĩ…), hai người thường ngồi uống rượu với nhau. Năm 1988, DHC chết vì kiệt sức, TNT mất một bạn hiền. Ngày giỗ đầu của DHC, TNT ngà ngà say, xuất khẩu thành thơ:

Chén âm dương vỡ giữa đời

Thoảng quanh men rượu ngỡ người bên mâm

Cuồng say thôi cũng âm thầm

Nhắp môi uống hết mê lầm phù sinh

Rượu ngày giỗ bạn (nhớ anh Dương Hùng Cường) – TNT 1989

* Say quá chén:

Nếu say vừa phải (ngà ngà) là mức say “đẹp” nhất thì say quá chén –mà nhiều người cho là đúng nghĩa chữ SAY– phải được coi là mức say “đã” nhất.

“Đã” bởi vì đầu óc như bay bổng mà thân xác vẫn đứng ngồi. Người say như cùng một lúc sống trong hai thế giới hư, thực.

Nhưng bên cạnh đó, quá chén cũng có những tai hại của nó. Bởi  vì khi say tới mức ấy, nhiều người sẽ không còn khả năng kiểm soát được một phần, hoặc tất cả mọi hành động, lời ăn tiếng nói của mình. Nếu trong bàn rượu chỉ có bạn bè thân thiết, ngang hàng thì  không sao, nhưng nếu có các bậc cha chú, có người lạ, nhất là trong trường hợp người lạ đó lại là kẻ thối mồm, bụng dạ tiểu nhân, hoặc tệ hại hơn, là kẻ thù của mình thì vô cùng tai hại.

Còn nhớ ngày xưa DHC – người mà khi viết phóng sự lấy bút hiệu Dê Húc Càn – mỗi khi say thường đem xếp lớn xếp nhỏ (thiếu tư cách), cùng những đồng nghiệp (chuyên nghề nâng bi) của mình ra mà chửi. Cũng may ông tướng Tư lệnh Không Quân là người sính thơ văn, lại biết rõ DHC là anh chàng gàn bướng, “chỉ có cái miệng”, nên hết lòng bênh đỡ, chàng mới không bị “đì” tận mạng.

Tửu nhập ngôn xuất.  Bọn Việt Cộng ma giáo biết rõ điều đó hơn ai hết, cho nên ngày xưa chúng thường tuyển những nữ cán bộ giao liên xinh đẹp hấp dẫn cho giả dạng nhà lành tới mở quán rượu gần nơi đồn trú của các đơn vị quân đội VNCH. Chính tại những quán cóc nghèo nàn ấy (hoặc nếu cần, ở trên giường), đám giao liên VC đã ra sức khai thác tin tức về tổ chức, hoạt động của quân ta từ những chàng sĩ quan thích nhìn mỹ nhân qua ly rượu.

(Cũng có một vài trường hợp an ninh quân đội của ta đã biết tỏng các cô gái là giao liên VC, bèn tương kế tựu kế, dĩ độc trị độc, cho một chàng hào hoa phong nhã trổ tài tán tỉnh. Rốt cuộc, gậy ông lại đập lưng ông: cô cán bộ VC ấy lại trở thành hợp tác với phe ta!… Nhưng nói chung, những trường hợp như vậy cũng rất hiếm).

Về việc say rượu để rồi “thần khẩu hại xác phàm” thì chẳng cần nói đâu xa, ngay ở Victoria cũng có hai tay “ngũ đoản” nổi tiếng, chuyên giả dạng đệ tử Lưu Linh để mon men tới các đám nhậu, không phải với mục đích ăn uống chùa mà là để rình rập, thu thập, ghi nhận những chuyện không hay, những bí mật mà người khác kể ra trong lúc tửu nhập. Kết quả, chuyện gì họ cũng biết, bí mật nào họ cũng tỏ, rất có lợi cho việc âm mưu, thủ đoạn.

Suy ra, chỉ nên quá chén với bạn bè thân thiết, tín cẩn, không nên quá chén ở những chỗ có người lạ, hoặc nếu đã lên chức bố vợ, ông nội, ông ngoại cũng không nên quá chén trước mặt con cháu…

* Say mèm:

 

Còn gọi là say bí tỉ, say khướt, say tít cung thang, (tiếng Anh gọi là dead drunk), là tình trạng say không còn biết trời trăng mây nước gì nữa. Mà đã không còn khả năng nhận biết thì làm sao có thể gọi là thú vị?!  Cho nên, trừ những người bị thất tình, bị vợ bỏ, bị thua bạc, bị giựt hụi, bị mất giá cổ phần… muốn uống để quên đời, chúng ta không bao giờ nên uống say tới mức này. Vừa uổng rượu, vừa hại sức khỏe, vừa có thể trở thành “không giống con giáp nào cả”!

* Xỉn – Sắc ngả màu trôi:

Tới đây, thiết tưởng cũng cần đề cập tới chữ “xỉn”. Khi nói tới ảnh hưởng của việc uống rượu, người ta thường dùng chữ “say xỉn”. Giải thích” Người thì cho rằng “say” và “xỉn” có nghĩa xêm-xêm , người khác lại cho “xỉn” là “say không còn biết gì hết” (tức say mèm), cũng có người nói “xỉn” là “gục tại chỗ”…

Thực ra, “xỉn”, theo nghĩa đen, là chỉ tình trạng nước xi (nước mạ) của một vật gì bị mờ đi do hậu quả của sự ốc-xít hóa, tiếng Anh là tarnished. Theo sự đoán mò của LNĐ, người miền Nam đã dùng chữ “xỉn” theo nghĩa bóng, đại khái cũng giống như 4 chữ “sắc ngả màu trôi” để chỉ tình trạng “dật dờ” của một người uống rượu.

Qua nhận xét lối dùng chữ “xỉn” của dân nhậu miền Nam thuộc đủ mọi giới, LNĐ có thể đi tới kết luận: trong khi “say” có nghĩa chung chung, dùng trong trường hợp nào cũng được, thì “xỉn” để chỉ tình trạng một người uống rượu đã quá say nhưng chưa gục, vẫn còn chút khả năng nhận thức (mình đang ở đâu, đang uống với ai) nhưng đã bắt đầu loạng quạng. Và khi đó, vì không còn khả năng kiểm soát hành động, lời ăn tiếng nói của mình, việc quậy hay không quậy, dễ thương hay khó thương hoàn toàn tùy thuộc bản tính mỗi người.

Như vậy, có thể nói “xỉn” là tình trạng quá say nhưng chưa tới mức “say mèm”, và muốn biết một người có thể trở thành bạn hiền để cùng nhau uống rượu hay không, ta chỉ cần đợi tới lúc người ấy “xỉn”.

Nhưng dù sao chăng nữa, LNĐ cũng có thể bảo đảm với quý tửu sĩ một điều: người uống rượu tới mức “xỉn” có thể không phải “bạn hiền” (khoác lác, khó chịu, hay kiếm chuyện, chửi bới, đập phá…) nhưng chắc chắn không phải kẻ tiểu nhân, lũ mưu mô, phường lừa lọc. Bởi vì một điều rất dễ hiểu, đám “xú nhân” này không có “tâm hồn tửu sĩ” nên chỉ sợ phí thời giờ, hao tiền bạc, hại sức khỏe, đồng thời vì sẵn có âm mưu, mặc cảm, nên không bao giờ dám uống rượu say (trước mặt người khác), sợ bị lộ chân tướng!

LN Đồng

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search