T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Nhớ Sơn Nam, ông già Hương Rừng Cà Mâu

clip_image001

Sơn Nam lúc sinh thời

(Nhân 88 năm ngày sanh của Sơn Nam (11.12.1926))

Trong một bài viết về Phạm Xuân Ẩn, người điệp viên nhị trùng trong cuộc chiến Việt nam được nhà cầm quyền Cộng sản tô hồng đánh bóng, tôi có viết đôi dòng về một bạn học của ông – nhà báo kiêm nhà văn Sơn Nam,

Nay tản mạn qua một khuôn mặt khác mà trùng hợp thế nào phần lý lịch có nét quen quen. Ông là nhà báo và nhà văn có tên Sơn Nam, cũng là một nhà khảo cứu về Nam bộ uyên bác. Ông cùng tuổi cùng học với Phạm Xuân Ẩn tại Collège de Cần Thơ (chương trình còn bằng tiếng Pháp), hai người cùng bỏ học theo kháng chiến hồi 1945, sau cũng là cộng sản dưới vỏ bọc nhà báo tại Sài gòn. Sơn Nam bị lộ tung tích trong đợt tảo thanh các thành phần hoạt động nằm vùng hồi 1958 thời ông Diệm. Ông bị giam ở Phú Lợi (Bình Dương) trong ba năm. Ra tù ông vẫn được hành nghề nhưng quay sang nghiên cứu. Những tác phẩm của ông già ‘Hương Rừng Cà Mâu’ cùng hàng chục cuốn sách về con người và văn hóa miền Tây làm say mê cả trăm ngàn độc giả (trong đó có tôi). Sau 75 vẫn là nhà văn bên lề của chế độ mới, sống trong cảnh thiếu thốn, chết trong cảnh tối tăm, một số tác phẩm được duyệt và tái bản thì ông đã về yên nghỉ tại Bình Dương. Có điều đáng nể là người VC già dù biết rõ nhưng không hề để lộ tông tích người bạn học và cũng là đồng nghiệp của mình trong suốt cuộc chiến.

Khi ông mất cách đây ít năm, các báo ở hải ngoại không mặn mà loan tin với thiện ý tỏ lòng thương cảm hay đánh giá tốt về đóng góp văn học của Sơn Nam vì họ dị ứng với một đồng nghiệp mà một thời đã là thành phần ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Nhiều trang văn học đã có cách nhìn khá khắt khe và phần nào coi nhẹ giá trị những công trình khảo cứu của ông về một mảng văn hóa đáng trân trọng và đào sâu là con người và nét văn hóa miền đồng bằng sông Cửu Long từ ngày cha ông chúng ta đi mở đất.

Điều này cũng dễ hiểu vì ngày nào còn chế độ cộng sản thì khó lòng nói đến hòa giải hòa hợp dân tộc và thay đổi được cách nhìn của người Việt hải ngoại nhất là giới truyền thông quận Cam xưa nay nghiêng về truyền thống bảo thủ. Khi tôi viết những dòng này để nhắc và nhớ ông già Sơn Nam nhân 88 năm ngày sanh của ông, biết đâu cũng có thể có người chửi thầm lo làm điều bá láp.

Có một giai thoại để thấy Sơn Nam đáng thương nhiều hơn đáng trách. Tôi nhớ có lần trong một ấn bản của tạp chí văn học T.V., bà chủ nhiệm kiêm chủ bút có viết về ông dù chỉ dưới dạng Nhật ký nhân tin ông qua đời nhưng là cây viết chính luận sắc bén nên nội dung có hơi nặng nề. Vốn là chỗ thân quen vì tôi hay viết cho các báo của bà, đọc xong tôi có phần góp ý, ‘chị viết vậy là tìêu tùng ông già SN của tôi rồi’. Tiếp theo là một trao đổi ngắn những gì tôi biết về SN, bà chủ biên có ngòi bút sắc nhưng trái tim mềm hồi đáp,’nếu anh trao đổi với tôi trước tôi đã không viết về ông như vậy, thôi lỡ rồi.’ Chuyện coi như .com và cho qua.

Vài ba năm gần đậy, dân quận Cam được xem bộ phim của một đạo diễn Việt kiều Pháp có tên Mùa Len Trâu, dựa theo một kịch bản chuyển thể tiểu thuyết của Sơn Nam. Bộ phim được đầu tư khá tốn kém, đạo diễn trẻ có lối dựng phim khá lạ, với kỹ thuật điện ảnh tiên tiến, ngoại cảnh quay trên những cánh đồng miền Tây mùa nước nổi, nam nữ diễn viên sáng nét, tròn vai, bộ phim đạt nhiều giải thưởng khích lệ, kể cả ở Tây âu.

Đám trẻ sanh ở Mỹ phục người đạo diễn xa quê nhiều năm mà vẫn nắm bắt được cái tinh túy của văn hóa Việt qua tính cách và con người của miền đồng bằng sông Cửu, cánh già thuộc thế hệ chúng tôi chẳng hề xa lạ với cảnh vật và sinh hoạt miền Tây, nhưng vui vì thấy lại tên tuổi Sơn Nam vốn dĩ đã có thời say mê khi đọc truyện của ông.

Chẳng hề dấu diếm, tôi vẫn thích ông nhà báo này, từ thời là cậu sinh viên nghèo tôi đã gặp ‘chú’ Sơn Nam khi hai người quen ăn ở quán cơm bình dân vùng An Đông. Người nghèo chẳng kể xuất xứ nghề nghiệp quê quán họ hay tìm đến nhau và đây là quán cơm khá nhiều nghệ sĩ và học sinh sinh viên tụ họp, biết đâu cũng có cả mấy ông nằm vùng (mà sau này SN là một). Bà chủ quán có thời là một nghệ sĩ cải lương của gánh hát quê, tuy sồn sồn nhưng vẫn còn đọng lại chút xuân sắc, bà mến chúng tôi, chủ yếu mở quán lấy công làm lời.

Có lần đùa biết Sơn Nam tình duyên trắc trở do chuyện ở tù, tôi nói chú ‘dzô’ bà chủ quán để khỏi trả tiền cơm, mà cháu cũng có chút cháo. Chú dí dỏm trả lời, bả ấy có chủ rồi, tao mới là người chưa có người tình nào vắt vai, chú mày làm mối cho qua (tao) đi. Mầy có thấy ông già kia không (một nhà khảo cổ họ Vương khá nổi tiếng), ông ấy vậy mà tốt số. Dù thân với chú tôi công nhận ngoại hình của chú khó hấp dẫn phụ nữ nhưng tấm lòng và kiến thức thì ai đã gần cũng muốn làm thân.

Thật sự do hay viết lách suy tư nhiều, ông hút nhiều hơn ăn, nên tiền thuốc lá có khi tốn hơn tiền ăn, ông hay sẻ suất cơm trắng cho tôi và tôi cũng chẳng từ chối vì sức trai tôi cần no hơn ngon. Càng gần gũi mới thấy ông là mẫu người Nam Bộ đáng kính, ông uyên bác về tiếng Pháp, thỉnh thoảng tôi nhờ ông sửa dùm các bài luận văn, nghe nói ông là nhà báo, hình như viết cả văn.. Ít năm sau học xong tôi đi lính, không gặp nhau nữa.

Gần đây tôi có đọc một bài phóng sự tựa đề Gái Miền Tây của một ký giả trẻ đăng trên tờ Vietnam.net, có ít giai thoại về Sơn Nam mà dân quê miệt vườn hay gọi ông là bộ bách khoa toàn thư về ĐBSCL.Thương cảm cho mấy cháu ở dưới quê lên sống cảnh hộ khẩu chui gần nơi căn gác ông ở (miệt Gò vấp), đã vất vả vì buôn gánh bán bưng lại phải ‘chiều’ bằng thân xác cho tên công an khu vực, ông già đã ‘xúi’ các cháu đi …hát karaoke, (thực sự là bia ôm) vừa nhàn hạ mà tiện bề đóng thuế chui cho mấy tên mắc dịch. Chuyện nghe cười ra nước mắt, có cháu gặp khách xộp quên cách ngừa thai, lỡ đẻ phải nuôi, chẳng có tiền trông con, phải nhờ ông già Hương Rừng Cà Mâu…trông giúp. Ông cũng chia sẻ với chàng phóng viên là từ thời của ông các gái miền Tây bọn lính Pháp rất mê và hay làm phiền chỉ vì cái tội nước da các em quá… trắng. Thời nay mặt hoa da phấn trách chi tụi Hàn, tụi Đài loan chẳng mê mẩn nhờ đám cò mồi đi mai đi mối làm kiếp đi lấy chồng xa để nuôi mẹ nuôi em. Qua tâm sự ông có buồn và cảm thương cho thế thái nhân tình, dù chiến tranh hồi chế độ cũ không đến nỗi tệ như vậy.

Nhìn lại bản thân ông già Sơn Nam cũng chẳng khá giả gì, rút ruột nhả tơ cho đời cả mấy chục tác phẩm (tôi đếm trên Google, 22 đầu sách trước 75, 23 sau 75) được in ra qua các nhà xuất bản sáng giá từ Phù Sa, Lá Bối, An Tiêm, Khai Trí thời chế độ cũ đến các nhà in Trẻ, Văn nghệ, Cà Mâu, Kiên giang sau 75, chưa kể viết feuilleton cho cả chục ngàn trang báo vừa văn chương vừa lá cải cho các báo miền Nam, Sài gòn cũng như phụ cận, rút cục vẫn cơm hàng cháo chợ, nhuận bút cứ phải xin chủ báo ứng trước giống cảnh nông dân bán lúa non mùa giáp hạt thu hoạch rồi chẳng được bao nhiêu. Viết đến đây tôi nhớ có lần vinh danh Phan Khôi ‘người thợ cầy trên cánh đồng chữ’ vì những công trình sưu tầm khảo cứu của ông cho ngôn ngữ Việt, nay cám cảnh Sơn Nam tôi gọi ông già này ‘người bán lúa non trên cánh đồng in’ khi số phận cứ đeo đuổi và ngược đãi ông.

Nói vậy chứ cũng có lúc một phút huy hoàng rồi chợt tắt khi người ta vinh danh ông một nhà khảo cứu văn hóa Nam Bộ uyên bác, một nhà Sài-gòn- học với nhiều tác phẩm thân thương, Người Sài gòn, Ấn tượng 300 năm Sài gòn, Bến Nghé xưa, Gia Định xưa… trong lễ kỷ niệm ba trăm năm thành phố Sài gòn, truyền hình báo chí đăng tải quảng bá tên ông, làm cho các cháu các em miệt Gò vấp phục ông quá cỡ, không ngờ ông già chuyên ngồi cà phê quán cóc mỗi ngày lại là danh nhân văn hóa thành phố! Chuyện le lói cũng chỉ đến đó, ông giữ lại cái bao thơ có món tiền thưởng, cái bằng khen chẳng biết cất đâu, ông gửi chủ quán cà phê treo ngay trong quán. Ông đãi chòm xóm các em các cháu một bữa ăn tươi, mừng vui cho cái ngày 300 năm Sài gòn/Bến Nghé nay đã thành đô thị mất tên.

Nghe nói trong chỗ riêng tư ông có phàn nàn về chuyện mất tên, qua góc nhìn của nhà khảo cứu văn hóa, ông cho đây là hành động phi văn hoá thiếu tôn trọng những tiền nhân đi mở đất của những người một thời là đồng chí của ông.

Cũng là điều đáng nói là lúc cuối đời, nhờ có người con rể đôn hậu, ông đã có một hộ khẩu khang trang, tất nhiên chẳng phải cái mộ phần trên đất Lái Thiêu mà là căn nhà ngói đỏ bên dòng sông Bảo Định thuộc đất Mỹ Tho, Tiền giang. Khu đất trên 1500 m2 được chính con rể tự tay xây cất thành ngôi nhà lưu niệm được văn nhân bạn đọc bốn phương lui tới thăm viếng. Người ta lại thu thập hình ảnh, sách in, báo in, thủ bút, vật dụng sinh thời của nhà văn trong đó có cả cái bằng khen một lần ông gởi treo nơi quán cóc và cái máy đánh chữ như vật thủ thân của một nhà văn chẳng phải tự hào sống để viết mà viết để sống. Gia đình tự chăm sóc bảo quản căn nhà lưu niệm và từ chối sự can thiệp hỗ trợ của nhà cầm quyền địa phương.

clip_image002

Ngôi nhà lưu niệm ở Tiền giang

Con người dù được vinh danh như một nhà văn hóa uyên bác, một nhà văn nhà báo có tài nhả ra chữ rồi hốt lại trên máy đánh chữ, nhưng số phận lại có môt “lý lịch trích ngang” rất ba đào khổ ải, sanh ra ở Rạch Giá, dù quê cha ở Sóc Trăng, lớn lên ở Kiên Giang, học hành ở Cần Thơ, ở tù ở Bình Dương, làm báo ở Sài gòn, ngụ cư ở Gia Định, coi Cà mâu như đất nhà, Hậu giang như cố thổ, ta bà khắp miền lục tỉnh, viết toàn chuyện văn minh miệt vườn, phiêu bạt giang hồ nửa đời dong duổi khắp vùng sông nước mênh mông, cánh đồng bất tận, bầu bạn với hậu duệ của những hảo hán miền Tây một thời đi mở đất, nay khi thân xác yên nghỉ thì hồn cốt lại quay về Mỹ Tho dù nơi này chỉ vài ba lần in dấu chân ông.

Thôi cũng được miễn là mảnh đất của đồng bằng sông Cửu, ông già Nam bộ có chỗ nghỉ chân dưới tàn cây ăn trái, có phù điêu chân dung, có tiếng chim quyên, có dòng sông nhỏ, bỏ lại quãng đời đi hoang cơm hàng cháo chợ, bỏ lại thế thái nhân tình của một thời xã hội nhiễu nhương. Xin chúc chú Sơn Nam ngàn năm yên nghỉ.

***

Lời viết thêm: Một nhà văn suốt đời gắn bó với mảng văn học đồng bằng sông Cửu Long may mắn thay ít nhất cũng có một hậu duệ văn bút, nhà văn trẻ đất Mũi Nguyễn Ngọc Tư. Tác giả Cánh Đồng Bất Tận đã theo dấu chân ông, luôn coi ông như thần tượng và viết nhiều về miền Tây bây giờ ngày ấy đam mê đến độ nếu nhấc cô ra khỏi môi trường sông nước Cô Tư không còn là Nguyễn Ngọc Tư, ví như người tiền bối của cô nếu đem ông tập kết ra Bắc, tài năng văn bút sẽ thui chột theo tháng năm. Rồi đây khi đánh giá những đóng góp, cả hai sẽ được nhắc nhớ, một già một trẻ, như những cây bút đại diện cho mảng văn học Đồng Bằng Sông Cửu Long trong văn học sử Việt nam trải dài từ nửa thế kỷ trước sang đầu thế kỷ sau.

Đỗ Xuân Tê

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search