T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Yên Hòa: Cuối Cùng – Võ Phiến

võ phiến

(Nguồn: Banvannghe.com)

Như trong một bài viết trước đây về Võ Phiến, tôi chưa một lần hân hạnh được gặp ông, chỉ nhìn ông trong đám đông, dù trong lòng tôi rất muốn gặp và cũng nghĩ rằng, qua sách ông viết, tâm tính ông thật thà chất phát, chắc là ảnh hưởng của người dân miền trung, Bình Định, nên nếu một độc giả ái mộ như tôi, xin được gặp ông và nói chuyện cùng ông đôi ba lời cảm tưởng (khen ngợi) về thơ, văn ông, thì có lẽ ông cũng vui mà tiếp chuyện. Nhưng chuyện đó chưa xảy ra, và tôi vẫn giữ mãi trong tâm tư mình điều ước muốn đó.

Đến khi tôi được Thiệp Mời của nhật báo Việt Herald, mở ra đọc thấy in trên Thiệp: Cuối Cùng của Võ Phiến, tôi nghe tá hỏa, ngơ ngác, ông “Cuối Cùng” rồi sao, nghĩa là ông đã ra đi? Nhưng qua cơn xúc động mấy giây, tôi đọc kỹ lại, thì ra, Cuối Cùng là tên một tác phẩm của Võ Phiến sắp giới thiệu. Sách sẽ được ra mắt bạn đọc trong buổi chiều ngày thứ bảy lúc 3 giờ, ở phòng sinh hoạt nhật báo Việt Herald, Little Sài Gòn, Nam California. (2009)

Và đến hôm đó, tôi mới mua và (sau đó) mới được đọc tác phẩm này. Cuối Cùng in trên giấy láng, màu vàng mỡ gà tốt, bìa cứng. In đẹp, trình bày trang nhã, giá chỉ 15$ tại bàn tiếp tân. Giá như vậy là rất rẻ.

Image result for Cuối cùng của Võ Phiến

Tác phẩm trình bày bìa bọc ngoài màu xanh da trời, có chữ lớn Võ Phiến, Cuối Cùng. Phía dưới: Thế Kỷ 21 – 2009. Tôi không hiểu Thế Kỷ 21 là tên nhà xuất bản? Hay là tên của Tạp Chí Thế Kỷ 21 trước đây? Tạp chí Thế Kỷ 21 là một thành phần của báo Người Việt (nay đã đình bản). Tạp chí này trước đây do nhà văn Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài) làm chủ bút, tôi có cộng tác nhiều truyện ngắn và thơ.

Nhưng sau đó, có sự “tranh giành quyền lực” trong nội bộ công ty Người Việt, nhà văn Phạm Phú Minh đành ôm hận phải rời xa chiếc ghế chủ bút, nhường lại cho nhà báo Đỗ Việt Anh. Sau mấy tháng điều hành của chủ bút Đỗ Việt Anh, Thế Kỷ 21 không vươn lên nỗi nên phải đình bản.

Sự đình bản của nguyệt san Thế Kỷ 21 làm nhiều độc giả tiếc ngẩn ngơ, trong đó có tôi, tiếc nhất là thời nhà văn Phạm Phú Minh làm chủ bút, thời gian đó coi như là thời kỳ vàng son của Thế Kỷ 21, có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, cộng tác.

Sau này Thế Kỷ 21 qua tay nhà báo Đỗ Việt Anh, tờ báo “xuống sắc” thấy rõ, nên đã đình bản. Cho nên trong giới chữ nghĩa, cái chữ “nhân nghĩa” thấy cũng cần, nhưng hiếm hoi. Tuy vậy người đọc cũng nhận chân được lẽ “chính tà” của những người trong cuộc. Bây giờ lại thấy tên Thế Kỷ 21 xuất hiện ở đây, thế là thế nào? Tờ báo sẽ tục bản chăng? Hay chỉ lấy cái dư âm ngày cũ để quảng cáo?

*

Vào bìa trong có đăng một đoạn của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc viết về Võ Phiến, mà tôi thấy đã đủ để “nhìn” Võ Phiến:

“Nếu cần tìm cho Võ Phiến một nhãn hiệu, chúng ta có thể gọi ông là nhà văn của Thế Kỷ, thế kỷ XX.

Tôi bỗng phát hiện một điều: Nhà văn lớn không những lớn mà còn giàu vô tận, mà không những giàu, họ còn có thể san sẻ sự giàu có của mình cho nhà phê bình: viết về họ thật thích, ngỡ như không bao giờ hết chuyện.”

Chỉ chừng đó chữ thôi, Nguyễn Hưng Quốc đã nói đủ trọn về sự nghiệp văn học của Võ Phiến.

*

Tôi cứ nghĩ tác phẩm Cuối Cùng Võ Phiến phải có một truyện nào đó có tên là Cuối Cùng. Nhưng tôi tìm hoài không thấy nhan đề ấy ở trong một truyện nào cả. Cuốn sách dày khoảng 187 trang kể cả các trang bìa, trang để trắng và trang giới thiệu hay phụ bản, còn lại khoảng 170 trang bao gồm bốn (04) bài thơ và mười lăm (15) bài tạp văn hay tuỳ bút.

Theo Nguyễn Hưng Quốc thì:

Chủ đề của cuốn sách tập trung chủ yếu vào hai khía cạnh chính: Sự sống và viết lách, không có gì dính líu đến ý niệm cuối cùng. Tôi đoán, đặt tên sách như vậy, Võ Phiến chỉ muốn xem đó là tác phẩm kết thúc sự nghiệp văn học kéo dài hơn nửa thế kỷ của ông mà thôi.

Một ý nghĩ bi quan như vậy, từ một người cầm bút đã ngoài 80 như Võ Phiến, kể cũng là điều dễ hiểu. Huống gì Võ Phiến lại vốn nổi tiếng là bi quan. Lớn tuổi, sau hai lần bị mổ tim, ông lại càng bi quan hơn nữa. Ở dưới bài thơ “Cũng Hợp”, được sáng tác vào năm 1996, trong đó có hai câu:

“Vừa lúc ấy chuyến xe đời đang nhẹ lướt

Bỗng leng keng chuông báo cuối đường”

…Võ Phiến ghi “Chép tặng những người ở lại”. Tức là, ngay từ lúc ấy, cách đây (2009) 14 năm, Võ Phiến đã nghĩ đến chuyện ra đi vĩnh viễn. Về sau, dường như ông càng nghĩ đến nó nhiều hơn. Trong bài “Cái sống hững hờ”, ông thú nhận:

“Bản thân tôi trước đây có lần phải vào bệnh viện chịu mổ xẻ, tôi ngậm ngùi viết những lá thư gửi lại bạn bè, nhờ một văn hữu thân tình trao giúp cho, sau khi mình… ra đi. Hoá ra rồi sau cuộc giải phẫu tôi tiếp tục sống nhăn. Sống và ngượng ngập vu vơ.

Năm tháng trôi qua. Quá bát tuần, tôi lén lút hướng một chút tưởng tượng về cái kết thúc của đời mình. Chắc là gần thôi. Liếc mắt phớt qua tí ti, sợ gì? Liếc qua xong rồi liếc lại, tôi ngạc nhiên không nhận thấy một xúc động bất thường nào xảy ra cả. Cuộc sống đang tiếp diễn vẫn tiếp diễn đều đều.” (CC – tr. 182)

*

Những bài của Võ Phiến in trong tập Cuối Cùng này, được viết rải rác từ năm 1996 đến những năm 2007 (dưới mỗi bài viết ông đều có ghi tháng, năm sáng tác) như những bài thơ sau: Cũng Hợp ghi 1996, Nhà Cũ, 1999, Tiếng Rú Vỗ Thầm, 2000

Văn: Hình Bóng Cũ, 2000, Một Người, Một Người…2002, Người Ơi Người Ở Dài Dài, 2003, Kẻ Viết Người Đọc, 2004, Mai Sau, 2004, Người Nghĩa, 2005,  Chà Láng, 2005, Thẩn Thờ, 2006, Hạ Hồi , 2006, Nghĩ Mông về Bạn, 2006,  Trưa Nào Cũng Bay, 2006. Viết Lách,  2007, Cách Mấy Hơi Thở, 2007, Cái Sống Hững Hờ, 2007

Và bài thơ cuối Mộc Mạc, 2009.

*

Tôi thật hớn hở sung sướng khi không thấy bài (truyện, thơ, tùy bút hay tạp văn) nhan đề Cuối Cùng của ông, như trong tâm tưởng tôi (buồn thiu) là sẽ đọc được bài ấy, khi đọc tập sách. Tôi vẫn tưởng bài (truyện, thơ, tùy bút hay tạp văn) Cuối Cùng của ông sẽ như một lời nói cuối cùng ông để lại cho đời, về sự sắp (rất gần) ra đi của ông, vì tôi biết ông đã trên tám mươi và một người bạn văn nghệ thân thiết (của ông) đã đến thăm ông cho biết, ông cũng yếu nhiều và đã lẫn.

Cho nên tôi hớn hở, sung sướng khi thấy ông vẫn còn khoẻ, mạnh (của người già) và ông còn ngồi vững được, để nói chuyện với một số người. Chỉ vậy thôi, thì tôi cũng đủ sung sướng lắm rồi.

Nói vậy, nhưng sau đọc hết Cuối Cùng của Võ Phiến, tôi lại nghĩ, đây là cuốn sách Cuối Cùng thật của ông, vì phảng phất trong mỗi bài, tôi đều thấy ông đề cập đến cái chết. Trước đây (hồi chưa già lắm) thì nghĩ đến cái chết, ông run sợ, nhưng Nay, thì ông hết run sợ rồi, ông bình tĩnh nhìn nó, bình thản đợi chờ nó, mà nó vẫn không đến, chưa đến, nên ông thấy hơi “ngượng vu vơ”.

Cuối Cùng là ông nghĩ đến cái chết, từ sợ đến hết sợ, khiến ông sống tỉnh táo trở lại. Nhưng chắc là sau cuốn sách này, ông sẽ không còn tác phẩm nào viết được thêm nữa. Trong bài cuối của cuốn sách là một bài thơ: bài Mộc Mạc, viết Tết Năm Kỷ Sửu 2009, tức là cách đây cũng hơn một năm rồi, suốt từ đó đến nay ông không viết thêm được bài nào nữa.


Mộc Mạc


Xưa từng có xóm có làng

Bà con cô bác họ hàng gần xa

Con trâu, con chó, con gà

Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri

 

Múa may mãi chẳng ra gì

Mỗi lâu thêm một cách ly rã rời

Thân tàn đất lạ chơi vơi

Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen

Một bài thơ ngôn ngữ rất bình dân nhưng đọc lên nghe cay xé lòng, bài thơ đã nói lên nỗi bi quan về tuổi già của Võ Phiến. Đúng là những ý nghĩ cuối cùng của một con người, một đời người.

Bài Mới Nhất
Search