T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Khánh Long: XIN MỘT CHỐN BÌNH AN

NGUOI VO NHO-2

Người Vợ Nhỏ – Tranh: Thanh Châu

Người đi qua đời tôi

không nhớ gì sao người

 (Thơ Trần Dạ Từ)

Khi bước lên xe hoa về nhà anh, chị đã mang cốt nhục của anh được gần ba tháng. Đó là kết quả của sự dâng hiến trong niềm đắm say bởi lời yêu của anh quá ngọt ngào. Chị hiểu được về làm dâu gia đình này sẽ nhận lấy những đắng cay khi không còn giữ được sự trong trắng. Một bà mẹ chồng nghiêm khắc đến tàn nhẫn và những chị em chồng với tính tình không khác mẹ bao nhiêu sẽ nhìn và ban tặng chị những lời nói, ánh mắt khinh miệt. Dù có điều gì đi nữa, với tình yêu của anh, chị vẫn chấp nhận mọi khổ nhục ấy, nhưng đó chưa phải là tất cả những phũ phàng, đau thương mà cuộc đời chị sẽ nhận lấy.

*****

Bác Cả của tôi thuộc lớp người vào làm việc trong miền Nam từ thập niên 40. Sau một cơn bạo bệnh Bác qua đời để lại người vợ và 6 đứa con, 4 gái 2 trai, đứa con gái nhỏ nhất chưa đến tuổi đi học. Hàng ngày, Bác gái nấu xôi, làm cơm rượu và gánh đi bán. Thương chồng và nghe lời trăn trối cố gắng dạy con nên người, Bác chịu cực trăm bề và chọn cách giáo dục nghiêm khắc để các con học thành tài. Bác dùng roi mây để dạy bảo khi các anh chị không vâng lời dù đã lớn. Đồng thời biểu lộ sự nghiêm khắc qua việc dùng lời lẽ cay nghiệt hoặc im lặng một cách lạnh lùng khi buồn giận. Các anh chị rất sợ và cũng thương mẹ nên nỗ lực học hành và làm mọi việc trong nhà như nấu cám, cho lợn ăn, tắm rửa lợn, nấu cơm . . . . Tôi đã chứng kiến các anh chị vào buổi sáng sớm lúc ngoài trời còn tối om, người thì phụ mẹ trông chừng nồi xôi trong khi tay vẫn cầm sách vở học dưới ánh lửa bếp, người xắt chuối, người đang ngồi trên bàn học. Kết quả là các chị đều đỗ tú tài và đi làm rồi lấy chồng, anh lớn trở thành luật sư, còn Anh sau khi đỗ tú tài đã vào trường Võ bị và trở thành sĩ quan quân đội.

Bác rất ít khi cười mặc dù vào những lúc ấy trông Bác rất đẹp. Khi gặp lại gia đình tôi, Bác đã gần 60 tuổi, tóc bạc nhiều nhưng đôi mắt vẫn còn rất duyên tuy có nhiều nếp nhăn. Thường thì Bác nghiêm nghị cả về nét mặt lẫn giọng nói. Các anh chị khi nói chuyện với mẹ thường đứng khoanh tay hay xếp hai tay và đặt trước bụng trông rất lễ phép.

Trong bốn chi của dòng họ, Bác trai là anh cả của chi lớn, bố tôi lại là con út của chi nhỏ nhất, nên tuổi anh em cách nhau rất xa. Ngày hai Bác mang con vào Nam, bố tôi mới mười lăm tuổi. Con gái lớn của hai Bác chỉ kém bố tôi độ dăm hay bẩy tuổi. Anh em bặt tin nhau suốt hơn hai mươi năm. Sau năm 1968, tình cờ bố tôi được tin gia đình Bác, khi ấy Bác trai đã mất. Bác gái và các anh chị vẫn sống trong căn nhà lợp tôn ở trên con đường nhỏ cạnh ga xe lửa Hòa Hưng. Tôi nhớ mãi khoảng sân mát rượi vào buổi trưa của nhà Bác và cây ổi xá lị sai quả dòn ngọt mà lần nào theo bố mẹ đến thăm Bác, tôi cũng trèo lên hái. “Me dai, ổi dẻo, bần dòn”, thân cây không lớn, chúng chỉ oằn cong xuống khi tôi lần ra phía ngoài để chọn những quả to. Bố mẹ mắng tôi vì nghịch ngợm còn Bác khi ấy đang têm trầu ăn, cười dịu dàng nói: “Cứ để cho cháu leo trèo cho khỏe, các anh chị chúng nó bây giờ lớn rồi không hái nữa. … Cẩn thận kẻo ngã đấy cháu”. Tôi không biết khi Bác giận thì sẽ ra làm sao, nhưng các anh chị khi kể chuyện luôn rụt đầu le lưỡi. Tính tình dữ dằn như chị áp út mà còn nói: “Bác mà chửi thì đang nhai miếng cơm nuốt cũng không trôi.”. Chị thì không kể, chỉ luôn đặt tay lên ngực khi các anh chị khác thuật chuyện, biểu lộ sự sợ hãi mẹ chồng cùng cực. Chị luôn nói: “Chị sợ Bác lắm!”

Khoảng thời gian ấy, mỗi buổi sáng chủ nhật ở nhà tôi rất đông vui. Anh lớn dẫn bạn gái, chị áp út mang chồng và con trai đến, Anh thì chở mẹ con chị trên chiếc Honda 72 có bình xăng dèm dẹp. Chỉ có chị út là chưa có bạn trai. Có tuần, mẹ tôi ướp một thau to đầy thịt heo để làm món bún thịt nướng. Các anh chị cùng với chị em chúng tôi làm việc và chuyện trò. Tiếng nói, tiếng cười không ngớt. Anh lớn thì nghiêm nghị còn Anh thì hay pha trò, kể chuyện vui. Trong khi các chị nhặt rau muống rồi cùng nhau chẻ nhỏ, rửa rau thơm thì Anh dành lấy việc làm nước mắm. Các chị cùng đồng ý bảo để việc ấy cho Anh vì Anh làm nước mắm ngon nhất nhà. Tôi nhớ có lần ăn cơm ở nhà Bác, bữa cơm chỉ có rau muống xào và đậu hũ chiên vàng nhưng nước mắm chấm rất ngon. Có lúc chị ghé vào chỗ làm rau định phụ giúp thì chị áp út quát lên: “Để đấy. Vào trông con đi.” Chị cười ngoan ngoãn rồi vào trông bé Yến khi ấy chưa tròn năm. Có lúc chị bồng con ra ngồi cạnh Anh khi ấy đang giã tỏi ớt. Anh ghé tai nói nhỏ gì đấy với chị rồi chị cười và đánh yêu vào vai Anh. Mỗi khi Anh kể chuyện và trêu xấu chị, Anh hay nói: “Cái tên này . . .”. Chị cười đỏ mặt sung sướng mà không cãi lại được, cứ ấp úng. Chị áp út lại to tiếng: “Cái bà này chẳng nói câu nào nên hồn.” Tuần khác mẹ tôi lại bảo nấu bún vịt với măng khô Ban Mê Thuột, Anh cũng dành phần làm nước mắm gừng. Mẹ tôi rất thương chị. Lần đầu khi Anh đưa chị đến chào, sau đó mẹ tôi bảo: “Nó bé như cái nấm ấy.”

Mãi về sau, trong những ngày tháng vất vả vì chồng con, chị đã tâm sự cùng chúng tôi, đó là những phút giây hạnh phúc nhất đối với chị. Chúng tôi cũng thương quý chị, một cái nấm bé xíu đầy nghị lực.

*****

Khi Anh về thú tội và xin phép mẹ cho cưới chị, Bác Cả đã im lặng không nói đến Anh suốt 3 ngày. Bác đi bán về, Anh thiểu não đi theo mẹ van xin nhưng Bác cứ tảng lờ. Bác đang làm việc gì, Anh đến mó tay vào, Bác lẳng lặng bỏ đi làm việc khác, nếu không, Bác giận dữ ‘hừ’ một tiếng, làm Anh thụt người lại, bẽn lẽn ra ngồi một góc. Khi Bác ngồi trên giường têm trầu ăn, Anh đến quỳ một bên, Bác cũng không nói gì. Đến ngày thứ 3, Bác mới mở lời:

“Bố anh mất sớm để tôi một mình khổ cực nuôi các anh chị. Nay anh trai gái như thế đấy hả? Anh báo hiếu cho tôi như thế đấy hả?” Anh cúi đầu:

“Con xin lỗi mẹ.” – Bác lại im lặng rất lâu, rồi hỏi:

“Có đúng là con của con không?” – Anh nghe mẹ đổi cách xưng hô mừng quá, rối rít nói:

“Đúng mẹ ạ! Hậu hiền lắm mẹ ơi! Lỗi tại con.” – Bác liếc nhìn Anh đang quỳ bên cạnh chân giường.

“Có thật nó hiền hậu không?” – Bác ngưng lời một lúc rồi ra lệnh:

“Đứng dậy! Gọi chị Trâm, chủ nhật về gặp mẹ.” Anh cuống quýt đứng lên rồi khụy xuống xoa hai đầu gối đã tê dại. Chị Trâm là chị lớn nhất, có chồng sống ở ngoài quận Nhất, mẹ Anh gọi chị tức là để bàn bạc chuyện chọn ngày xin cưới.

“Con đi ngay mẹ nhé” – Anh phải đến cho chị biết tin ngay vì chắc chắn ba ngày qua chị cũng đã không ăn không ngủ.

*****

Sống chung với gia đình mấy năm, anh chị xin phép Bác ra riêng ở quận 11 gần cư xá Lữ Gia. Rồi bé Thơ và bé Tâm lần lượt chào đời. Anh đóng quân ở Bình Dương chỉ về thăm nhà mỗi tuần, rồi sau đó lên tận Phước Long nơi chiến sự ngày càng khốc liệt. Nhiều tháng anh không về nhà. Có lần chiếc xe jeep bám đầy đất đỏ đưa Anh về hôn vợ, ôm con rồi lại phóng đi.

Sàigòn thất thủ. Sau đó cũng như hàng trăm ngàn quân nhân khác, Anh đi trình diện chính quyền mới rồi vào trại tù. Chị lao đao như cành hoa trong bão tố vì cuộc sống khắc nghiệt mà người dân miền Nam phải chịu bởi chính sách tận diệt sức sống của chính quyền cộng sản. Họ trả thù không thương tiếc dân miền Nam với những chính sách tàn nhẫn. Trước đó chị chưa có một ngày phải làm việc vất vả, nay phải nuôi ba đứa con còn rất bé lại phải thăm nuôi tiếp tế lương thực cho chồng. Chị ra chợ Tân Bình khởi đầu sự buôn bán với sự ngờ nghệch đáng thương. Buổi sáng, trên chiếc xe đạp, chị chở ba đứa con. Đưa đứa lớn đến trường, đưa hai đứa bé về nhà mẹ ở tận Phú Nhuận rồi mới ra chợ. Đến chiều tối, mẹ con lại đưa nhau về. Mẹ tôi xót xa quá, luôn bảo chị đưa các cháu đến để bà trông nom hộ.

Anh ra tù được ít lâu thì chị Trâm lo cho Anh vượt biên, nhưng không có cháu nào đi cùng. Chị ở lại và tiếp tục chạy chợ nuôi con. Tin tức đưa về Anh đã vượt biển bình yên và sau đó đã được định cư tại Hoa Kỳ, nhưng nhiều năm sau việc bảo lãnh cho vợ con cũng vắng lặng, duy có tin Anh đã lập gia đình với người phụ nữ khác. Chị xuống hỏi chị Trâm cũng không biết thêm được tin tức gì dần dà lại gặp sự tiếp đãi lạnh lùng, còn các anh chị khác cũng đã đưa Bác đi từ nhưng ngày cuối cùng của cuộc chiến. Chị hoàn toàn bơ vơ, cô độc. Giữa thập niên 80, đặt hy vọng vào tương lai các con, chị đánh liều lo cho hai đứa con nhỏ vượt biên. Tại trại tị nạn trên đảo, chúng khai báo có cha đang ở Mỹ để được bảo lãnh.

Một ngày, Chị nhận được thư của hai con: “. . . . Cha từ chối bảo lãnh chị em con nên phái đoàn đang tìm nơi tiếp nhận để chúng con được vào một quốc gia khác . . .” Chị buông rơi lá thư và gục đầu trên chiếc bàn gỗ ọp ẹp trong căn nhà rỗng tuếch. Bé Yến, nay đã là một thiếu nữ trưởng thành, hình ảnh của chị ngày xưa, ôm chặt mẹ như để xẻ chia nỗi tuyệt vọng lớn nhất trong đời mà mẹ đang gánh chịu.

Bé Thơ và bé Tâm được một hội thánh ở Canada nhận và nuôi dưỡng. Vì chúng chưa đến tuổi trưởng thành nên cũng được gíup đỡ làm thủ tục đoàn tụ mẹ và chị. Chỉ một năm sau, bốn mẹ con đã được xum họp trên đất khách quê người nhưng người đàn ông trụ cột năm xưa trong gia đình đã không có mặt cùng với mẹ con chị. Buổi chiều Chị hay đi dạo cùng các con. Những đứa trẻ ngày một lớn nhưng niềm u uất trong lòng chị mãi không vơi. Những đám mây bay về phương nam thường gây niềm nhớ. Bé Tâm đã cao hơn mẹ, khi đi dạo cứ ôm vai ngả đầu vào tóc mẹ làm Chị nhớ khi xưa Anh cũng hay làm như thế. Bàn tay nào đã từng ôm chặt Chị vào lòng khiến Chị như ngộp thở trong hương tình nay đã dành cho người khác. Mưa gió nào đã phủ đầy lên đôi vai gầy guộc khiến Chị cảm thấy lạnh lẽo, cô đơn. Vào mùa Thu, lá phong rụng đầy lối đi, bờ cỏ làm Chị nhớ những chiều gặp anh trong sân vườn đại học Văn khoa. “Người đi qua đời tôi không nhớ gì sao người?” Tim Chị luôn vọng lên lời than vãn. “Anh đã từng đưa em đến phòng trà Đêm Mầu Hồng để lắng chìm vào sự thổn thức trong tiếng hát của Thái Thanh với bài hát làm vỡ nát lòng người nghe này. Từng lời ca điệu nhạc luôn vọng về đầy ắp trong tim em từng đêm anh ơi!” Văng vẳng “Mưa nào lên mấy vai gió nào lên mấy trời. Người đi qua đời tôi đường xưa đầy lá úa” khiến Chị phải áp chặt đôi tay gầy vào lồng ngực và ngồi khụy xuống. “Không có người yêu nhau nào muốn bị bỏ lại bên đường và nhìn người yêu đi ngang qua và mãi mãi xa đâu anh.”

Chị đi lễ đều đặn và sám hối cho thời gian rời bỏ đức tin cũng như xin Chúa lòng lành ban cho tâm hồn Chị vào được chốn bình an và quên lãng những ngày xưa yêu dấu lẫn những đau thương khổ lụy vì những đêm không ngủ luôn rất dài.

Lê Khánh Long

Vancouver

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search