T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Khánh Long: QUÊ HƯƠNG CHA MẸ

ben cu con do

Bến Cũ Con Đò – Tranh: Mai Tâm

Mùa Đông năm ấy, miền Bắc lạnh lắm. Mọi người nói lâu lắm rồi ‘giời’ mới rét kinh thế này. Lại mưa phùn nữa mới đáng sợ. Đám miền Nam chúng tôi ra Hà Nội tham dự một hội chợ vào cuối Thu, trời lành lạnh dễ chịu. Buổi sáng, sau màn cà phê sáng theo thói quen của dân Sàigòn trong một quán nhỏ nằm trong hẻm đối diện khách sạn Giảng Võ. Thực sự đó cũng chẳng phải là một quán mà chỉ là căn nhà bình thường, chủ nhà thấy dân Sàigòn trong Nam ra cứ đi tìm cà phê uống nên đã xoay xở bán để kiếm thêm. Vài cái bàn gỗ tự chế, mươi cái ghế thấp là xong, giống mấy quán cóc trong Sàigòn. Cũng có đồng ra đồng vào. Thời gian này, Hà Nội vẫn chưa có thói quen uống cà phê. Buổi sáng, mọi người chỉ uống trà. Mấy thằng làm ở hợp tác xã gốm Thủ Đức thọc tay vào túi áo khoác, thú vị khen trời thu Hà Nội đẹp quá. Mây trời lãng đãng trôi, gió nhẹ. Đến hôm Giáng Sinh, cả đám nhảy tàu điện ra bờ hồ Hoàn Kiếm, đến Nhà thờ ở phố Hàng Trống thấy dường như Chúa chưa về với giáo dân nơi đây. Nhà thờ vẫn yên ắng, không như trong Nam dù khó khăn vẫn rộn ràng trong những ngày lễ này. Cả bọn nhớ đoạn đường Hai Bà Trưng, từ nhà thờ Tân Định xuống tận đường Phan Đình Phùng đầy các gian hàng bán thông và vật dụng trang trí Giáng Sinh. Gần Tết ta, trời mỗi ngày mỗi lạnh thêm. Trước đó cả bọn ra cửa hàng bách hóa ở phố Tràng Tiền mua đồ ấm. 8 giờ sáng, cà phê ấm bụng lại thêm điểm tâm bánh mì ốp la, vận ba quần năm áo đi ngang hồ Ngọc Khánh trên đường từ khách sạn ra Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, gió mặt hồ thổi sang có thằng khuỵu chân xuống thét lên: “Lạnh quá! Má ơi!” rồi cả đám co chân chạy nhanh qua khỏi khu vực hồ cho đỡ gió. Buổi trưa, sang quán bên đường đối diện Trung tâm uống cà phê, trên tường có treo cái nhiệt kế chỉ 10 độ C. “Thế này về đêm dễ đến xuống 0 độ, còn trên Sapa nghe đài nói là âm 4 độ.” Có ai đấy nói.

8 năm sau năm 1975, tôi là người đầu tiên trong gia đình có dịp về Bắc. Bố Mẹ tôi căn dặn nhớ về thăm quê. Quê hương ngoài Bắc từ lúc cha mẹ tôi lìa xa vào năm 1954, khi tôi còn chưa chào đời là dòng ký ức được truyền tải từ những câu chuyện kể của cha và câu ca dao mẹ ngâm khi ru con ngủ.

Mình về ta chẳng cho về,

Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ.

Câu thơ ba chữ rành rành,

Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba.

Chữ Trung thì để phần cha,

Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình.

Hay là:

Con cò bay lả bay la,

Bay ra cửa bể (ơ ớ) bay về Đồng Đăng.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị (i í) có chùa Tam Thanh.

Ai về xứ Lạng cùng anh

Mẹ tôi hay đọc ca dao, tục ngữ mỗi khi có dịp. Khi ăn cơm với cà pháo, dưa muối và cá rô chiên dòn chấm tương Bắc, dân miền Nam hay gọi loại nước chấm làm từ đậu nành do người miền Bắc làm như thế để phân biệt với loại tương Tàu hoặc nước tương Maggi của Pháp. Bà đọc:

Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì,

Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn.

Khi thì mẹ tôi nói câu:

Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần,

Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.

Buổi chiều mưa ở Sàigòn, gắp cọng rau muống hay miếng đậu hũ chiên vàng chấm tương Bắc, Mẹ tôi lại nhắc đến tương Cự Đà, món ăn giản dị nhưng rất ngon miệng.

Cách sông cách nước thì thương,

Cách quê cách quán nhớ tương Cự Đà.

Dù ai chồng rẫy vợ chê,

Bánh dầy Quán Gánh thì về với nhau.

Mẹ tôi ít học nhưng bà thuộc rất nhiều và dạy con cách xử sự toàn bằng ca dao tục ngữ: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; “Đi thưa, về trình”; “Gọi dạ, bảo vâng”; bà mắng đứa nào nhiều chuyện bằng câu: “Đít chưa ngồi môi đã són”.

Thấp thoáng, ẩn hiện trong tâm trí tôi, quê hương cha mẹ là cây đa đầu cổng làng, to và cành lá xum xuê với những chiếc rễ buông dài xuống lòng thòng và gắn liền với những câu chuyện ma và những đốm lửa lập lòe lân tinh khiến trẻ con sợ hãi; là con đường đất buổi sáng ra đồng làm ruộng hay con đường lát gạch đỏ nối liền thôn xóm, hay những lời kể chuyện mô tả về xóm làng như cái ao ở Ngõ Thượng, cái giếng nước trong mát ngọt ở Xóm Hạ hay lễ hội ở đền Trên, ở chùa Trong . . . . Những địa danh thân quen, nôm na, giản dị mà chỉ những người cùng quê khi mở lời nói chuyện đề cập đến thì liền trong óc hiện ra hình ảnh nơi chốn ấy. Tôi ra Hà Nội đi dưới trời thu, nhìn những chiếc lá vàng rụng nằm trên phố bị những cơn gió thổi cuốn đi, những chiếc lá bàng to khi lăn còn tạo nên những âm thanh trên nền hè gạch, tôi nhớ đến những truyện của các nhà văn nhóm Tự Lực Văn Đoàn: Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thanh Tịnh . . . và những bài thơ mới học thời trung học. Tôi yêu quê hương miền Bắc của ông bà, cha mẹ như một tình cảm tự nhiên hướng về nơi chôn nhau cắt rún với giấc mơ về thăm. “Cóc chết ba năm quay đầu về núi” huống chi là con người. Ai lại không có cội nguồn, gốc tích, dù rằng những ngày đen tối đôi lần xóa sạch sự khát khao ngồi chuyến xe lửa Xuyên Việt hát bài đồng dao về thăm quê cũ. Tôi nhớ cả những địa danh lịch sử, địa danh văn hóa và sản vật của vùng trong ca dao, tục ngữ.

Cây đa giếng nước quê nhà,

Mái đình còn đó người xa chưa về.

Người ơi, người có nhớ quê,

Giò Chèm, nem Vẽ, quạt lá đề như xưa.

Có dịp là tôi lang thang trên các phố ở Hà Nội. Ra khỏi khách sạn, ngồi lên tấm ván trên chiếc xích lô thấp lè tè. Tôi hỏi sao không có tấm đệm để khách ngồi cho êm. Anh chàng đạp xích lô nói ngay: “Ối dào! Nệm với chả niếc. Xe ngoài này không như trong Sàigòn đâu. Xe này chở cả gà vịt, nệm làm gì. Có cần thì mai em trải thêm cho tấm nhựa”. Thế đấy! Cái nhu cầu cơ bản nhất có được là đã tốt lắm rồi. Không thể đòi hỏi điều tốt hơn nữa được. Trong sự thiếu thốn trầm trọng, người cung cấp dịch vụ có thêm quyền phân phát và người mua dịch vụ dù trả tiền cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn. Ra đến phố Hàng Bông là tôi xuống xe và bắt đầu những bước chân để biết Hà Nội 36 phố phường như đã đọc trong sách. Tôi ghé thăm một người cô họ ở Ngõ Kim Mã trên phố này. Một lần khác tôi đi với thằng bạn thân cũng quê miền Bắc chính gốc Hà Nội thăm gia đình người bác của nó. Gia đình nề nếp cư xử rất đúng mực. Hai đứa bước trên hè xi măng rộng và sạch sẽ. Lần khác, vào buổi trưa đương lúc đói bụng, mấy thằng rủ nhau đi vào Lăng Ông Hồ. Vào xem thì mỗi người sẽ được phát một ổ bánh mì, đến lúc bọn tôi sắp bước vào cổng thì người cán bộ thấy tóc tôi dài phủ ót không cho vào, bảo về cắt tóc. Mấy đứa vào trước cầm bánh mì rồi thấy thế trả lại rồi kéo nhau bước ra. Thế là tôi không biết trong lăng nó ra làm sao và xác ông Hồ như thế nào.

Tôi đến thăm một người chị họ và cùng chị đi tàu về Thái Bình thăm quê mẹ tôi. Sông Hồng rộng lớn và nước mang đầy phù sa đỏ nên thành tên gọi. Trên tàu chỉ có một khoang giữa to và đầy người lẫn với xe máy, quang gánh của các bà, các cô buôn bán. Tôi đi ra một phía thành tàu nhìn dòng sông rộng bao la dù lúc ấy chưa là mùa nước lớn. Tàu cặp bờ và chúng tôi bước lên bờ đê cao ngất, mặt đê rộng vào buổi chiều tối lộng gió. Chúng tôi đi vào làng, những căn nhà cũ kỹ bé nhỏ. Tuy có điện nhưng người dân không dám sử dụng nhiều. Nhà bác tôi chỉ có một bóng neon loại 6 tấc ở gian phòng khách, ánh sáng cứ mờ mờ buồn thảm. Chuyện trò và những câu hỏi thăm của họ hàng về cha mẹ tôi. Đêm ấy, trong cái tối tăm xa lạ tôi cứ thao thức mong trời sáng để trở về Hà Nội. Đấy phải chăng là nơi người mẹ yêu quý của tôi đã ra đời và trải qua thời thơ ấu cùng các trò chơi với các dì, các cậu, những lần thi ăn mía như trong chuyện mẹ hay kể, trước khi mẹ ra Hà Nội và gặp Bố tôi để bắt đầu một cuộc đời làm vợ và làm mẹ của cả một đàn con đông đúc, bước chân đi ngày càng xa quê hương, xa tít ngàn dặm. Nếu mẹ tôi còn sống và cũng định cư với chồng con tại nước Mỹ này, thì đôi chân yếu ớt của mẹ tôi đã bước một bước xa vợi khỏi nơi chào đời. Từ một làng quê nhỏ bé bên bờ sông Hồng, ra đến Hà Nội về Hà Tây làm dâu, mang con xuống Hải Phòng di cư, vào khắp các tỉnh miền Trung, rồi vào Sàigòn, xuống miền Tây. Chưa kể bao nhiêu lần, khi tiếng súng mặt trận vừa yên là mẹ tôi đã có mặt để thăm cha tôi và trên những con đường rừng đất đỏ miền Đông dẫn đến các trại tù giam giữ cha tôi nhiều năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đôi chân mẹ tôi đã rất yếu, bà không thể đi xa hơn thành phố Sàigòn yêu dấu được nữa. Bà dừng lại, nằm lại để chúng tôi yên tâm đi xa hơn và cho chào đời những đứa cháu của bà với tương lai hứa hẹn tươi sáng hơn.

Tôi đã đọc truyện “Thằng Thái Bình” của nhà văn Hà Huyền Chi, có tả bờ sông bên Thái Bình bị lở và bờ sông bên Hưng Yên được bồi nên dân Thái Bình rất nghèo khó. Câu ca dao châm biếm, chế nhạo cái nghèo và cả giọng nói địa phương:

Thái Bình là Thái Bình “te”,

Ăn cơm thì ít ăn “xia” thì nhiều.

Ăn rồi lại ị vào niêu,

Đun đun nấu nấu đến chiều lại ăn.

Đã mang lại cảm giác cho tôi, người thiếu niên mới lớn ở miền Nam trù phú, một tình thương quê mẹ vô bờ như tình cảm của “thằng Thái Bình” và những trận đánh nhau vì tự ái thời niên thiếu để bênh vực quê hương. Câu tục ngữ tôi đã từng nghe: “Con không chê cha mẹ khó” đúng vô cùng. Sau năm 1975, bài hát “. . . Chị Hai 5 tấn quê ở Thái Bình. . . .” phát thanh ra rả không làm tôi thay đổi trí nhớ về vùng quê nghèo khó của mẹ. Nó chỉ khiến tôi càng tội nghiệp những người dân quê mẹ tôi như “Chị Hai” phải vắt mồ hôi hai sương một nắng trên cánh đồng và không chừng bón cả “xia” để có cái tuyên truyền.

Mùng một Tết AL năm 1984, tôi mượn người chị chiếc xe đạp để về quê nội. Quê nội tôi ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cách Hà Nội độ 15 km. Tôi đi lối Mai Động, trời rét căm căm, ngang qua những cánh đồng cá chết trắng mặt nước vì quá lạnh. Tôi đạp xe qua những địa danh từng đọc trong sách: Văn Điển, Thanh Trì, Thanh Oai, Quán Gánh . . . Làng quê nội của tôi mang tên một địa danh lịch sử là nơi ghi chiến tích của đoàn quân Tây Sơn trên con đường tiến ra Bắc tiêu diệt quân Thanh vào mùa xuân năm 1789, làng Hà Hồi. Trận đánh tan tác quân Thanh tại Hà Hồi, Ngọc Hồi, Thăng Long, Đống Đa . . . chúng tôi học thời trung học là bài học lịch sử kiêu hãnh không thể quên. Tôi không khỏi bồi hồi khi bánh xe lăn qua chiếc cổng làng xây bằng xi măng có tô ba chữ “Làng Hà Hồi”. Đường làng khá rộng, lát xi măng, sạch và đẹp. Tôi hỏi thăm và tìm nhà những người bác dễ dàng. Cuộc trùng phùng nào cũng cảm động. Tôi trao những món quà Tết mua từ Hà Nội, trà, bánh, mứt cho các bác để cúng tổ tiên. Tôi đứng lặng trước bàn thờ trong ngôi nhà thờ Tổ, cũ kỹ, thấp bé. Đây là nơi cha tôi chào đời, mọi thứ dường như không thay đổi từ nửa thế kỷ qua. Tôi đi thăm họ hàng và tìm hình ảnh quê hương trong sự hình dung những gì đã nghe, những cây đa, đền làng, ao làng, giếng nước . . . tất cả đều trước mắt tôi, thân thiết và xa lạ. Thân thiết vì những câu chuyện nhắc lại hình ảnh cha mẹ tôi vào những ngày xa xưa còn ở làng. Ai cũng quý cha mẹ tôi. Xa lạ vì thời cuộc đã lấy mất linh hồn của ngôi làng và cuộc sống của người thành thị miền Nam khiến tôi dè dặt với cách ăn lối sống của vùng quê.

Khí hậu mùa Đông khiến bữa ăn gia đình mất ngon vì thức ăn lạnh. Những món ăn cổ truyền cúng giỗ trong ngày tết như bánh chưng, thịt gà luộc, miến nấu với lòng gà, khoai tây xào. Khoai tây trồng ở quê tôi rất nhiều và rất ngon. Tôi phải cố gắng ăn thật nhiều để làm vừa lòng tất cả người thân. Ai cũng gắp cho tôi thức ăn, nếu tôi không ăn thì họ sẽ buồn. Quả là một cực hình. Tôi phải ăn bốn miếng bánh chưng, mỗi miếng là 1/8 của chiếc bánh vị chi là nửa chiếc bánh. Bánh được gói nhiều gạo nhưng ít nhân đậu xanh và thịt. Tôi nhớ những chiếc bánh chưng cha tôi gói trong Nam với sự chuẩn bị của mẹ tôi. Chúng rất ngon và mỗi lần bóc bánh tôi có thể ăn một lần cả một góc tư mà vẫn còn thèm. Nhà thờ Tổ của họ tôi chỉ có một người bác gái sinh sống. Bà đã ngoài 70 và sống một mình không con không cháu. Bác Cả tôi dù lập gia đình hai lần vẫn không có mụn con nào. Ông bà nội tôi có linh thiêng chăng khi dồn hết cháu cho cha mẹ tôi sinh ra. Cuộc nội chiến khiến biết bao nhiêu thanh niên “Sinh Bắc Tử Nam”. Là cháu nội nên khi về làng tôi phải ngủ ở nhà thờ Tổ. Bác gái tôi ngủ ở phòng bên còn tôi ngủ trên chiếc phản kê ngay trước bàn thờ. Tôi lại trải qua một đêm thao thức với hình ảnh tổ tiên trên bàn thờ cùng với tiếng gió ngoài sân. Tôi có thể nhìn thấy ánh sáng lờ mờ bên ngoài qua khe hở của tấm liếp che lối ra vào. Căn nhà của các cụ họ nhà tôi không có cửa. Đó chỉ là một tấm liếp đan bằng tre nứa, ban ngày thì lấy cây chống lên, ban đêm thì hạ xuống. Ôi chiến tranh! Sự tận thu tất cả tài sản cho cuộc xâm lăng miền Nam khiến miền Bắc kiệt quệ và người dân sống rất cơ cực. Mọi hàng hóa cho cuộc sống bình thường đều thiếu thốn, 8 năm sau khi dứt chiến tranh vẫn còn những căn nhà ở một vùng rất gần Hà Nội không có cửa.

Tôi quay về với công việc của một nhân viên đại diện thương mại đang chờ tại Hà Nội. Tôi đã may mắn được đặt chân về và sống với không khí của làng quê cha mẹ. Đó là điều mong ước đã lâu của cha mẹ tôi. Tôi sẽ gọi điện thoại báo tin cho cha mẹ tôi hay. Chắc ông bà sẽ mừng lắm. Tôi mong quê hương tôi sẽ sung túc hơn để người dân được sống sung sướng. Điều mong ước ấy liệu có thể trở thành hiện thực không? Vài ngày nữa tôi sẽ đi thăm thắng cảnh Chùa Hương để sống với bài thơ tình yêu của Nguyễn Nhược Pháp.

Lê Khánh Long

Vancouver

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search