T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: BÀI THƠ ÂN NGHĨA

clip_image002

Một hôm, An đang ngồi trong tòa soạn một Nhật báo, nhận được một lá thư, anh mở ra xem thì đó là một bài thơ, viết tay. Nội dung nói đến một người con gái buồn về chuyện tình duyên của mình, nên đã “vào tu viện” ở Bảo Lộc. Ký tên dưới bài thơ là Cung-nam-Thương, tên một cung bậc trong ngũ cung (Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ). An chưa đọc bài thơ nào ký bút hiệu này. Tuy nhiên, bài thơ lại nhắc đến một trong mấy bút hiệu mà An thường ký dưới những bài thơ đã in trên trang Văn Nghệ của tờ Nhật Báo anh đang cộng tác. Nếu không có mấy chữ này thì An không bận tâm từ đó đến nay.

“Từ đó” là một thời gian đã rất lâu, An không nhớ rõ năm nào (hình như đó là năm 1963) nhưng chắc chắn là trên dưới năm mươi năm, lúc đó An vừa đi làm vừa học để chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài, nếu đậu, An sẽ học Đại học Văn Khoa, đó là mộng ước của An. Học xong, An sẽ đi dạy, rồi cùng với dăm ba người bạn thân, An sẽ ra một tờ tạp chí Văn Học Thời Đàm. Điều này đã đến với An.

Nhưng rồi chiến tranh xảy ra, lính Mỹ và đồng minh dồn dập đổ vào miền Nam, thanh niên miền Nam được gọi quân dịch, An ở tuổi phải đầu quân. An quên bài thơ, quên người viết bài thơ mà có lúc anh tưởng là Thanh Xuân, tên cô học trò của anh, qua nét bút.

Tuy nhiên, An không biết chắc bài thơ gửi cho anh là của Xuân. Qua bản viết tay, An chỉ thấy nó giống như nét bút của cô thôi. Ở đời có trường hợp nào hai chữ viết của hai người giống nhau không? Trong thực tế, điều này đã xảy ra. Khổ một nỗi, bài thơ lại có hàng chữ: “Để trả lời Từ Đan Thanh”. Từ Đan Thanh là một trong mấy bút hiệu cũ của An. Chẳng lẽ có một người nào đó yêu An mà giấu mặt, qua những bài thơ tôn giáo của anh thời anh mới viết? Hoặc giả, người này, biết đâu chẳng phải là một gã đàn ông thông minh, đa cảm đa sầu, một kẻ thích đùa, giả danh một cô nữ sinh, buồn tình “đi tu” để trêu trọc An?

Bài thơ có những câu rất buồn, đúng là tâm sự của một cô gái thất vọng về mối tình thuở học trò. Hơn nữa, nó ăn khớp với lời kể của chị Thanh, vợ một người bạn An. Chồng chị đã có lúc làm chung trong một tờ nhật báo với An. Về sau, Thanh đầu quân vào trường Trung học LBT, trên đường Trương Minh Giảng. Lúc đó, gia đình cô học trò nhỏ của An trước kia, cũng chuyển nhà ở Nguyễn Thông qua đây, rồi cô học tại trường này, lớp của Thanh. Theo lời chị Thanh, cô học trò của chồng chị tên là Thanh Xuân, đang học thì bỏ đi tu, không biết thất tình hay buồn chuyện gì, vào một dòng nữ ở Bảo Lộc, nơi chị ruột của anh Thanh làm bề trên. Bây giờ lại về nhà không tu nữa, cũng chẳng biết vì sao. Nghe chị Thanh nói thế, An tự hỏi, tại sao chị lại nói chuyện này với An. Hay là, chị biết cô học trò của chồng chị cũng là học trò của An mấy năm về trước ? Rồi chị nghi cô Xuân này bỏ học vào tu viện vì An?

Bản chất của An là không thích suy diễn, vì dễ lầm lạc, nhất là trong chuyện tình cảm này. Về sau, Thanh Xuân đã về nhà và đã sang Hoa Kỳ với người chồng ngoại quốc sau năm 1975. Trước đó, An đã gặp nàng nhưng lúc đó anh không nhớ mình đã nhận được bài thơ Ân Nghĩa từ những năm về trước, nên An không hỏi Xuân có phải đã viết bài thơ ấy và gửi cho mình không. Anh quên bài thơ thực sự. Nghĩ lại, cũng là một điều khó hiểu. Bài thơ đã nằm sâu trong mớ sách vở và tài liệu của An. Một số lớn An đã vội vã liệng đi dịp nhà cầm quyền mới vào thành phố thu hết sách báo cũ đem đốt. Vậy mà không biết cái hồn thi ca từ đâu trở về, hay tính giao cảm của người đã viết nên nó thật sự đã có lúc đau khổ vì An, nên đã bảo vệ nó trong lúc An vội vã liệng bỏ những cái gì trước mắt để tạo một trạng thái bình yên, nên bài thơ có tên An trong đó thoát nạn để rồi anh tình cờ thấy nó nằm trong mớ tài liệu có số may là thoát khỏi sự liệng bỏ trước đó của anh. An tìm thấy bài thơ này khoảng trước năm 2000.

ÂN NGHĨA

(Để trả lời Từ Đan Thanh)

Ôi! những chiều Blao

Hoàng hôn ngả bóng

Ôi! những chiều Blao

Sương phủ mịt mùng.

 

Tôi đọc thơ anh;

Nỗi buồn cô đơn,

Niềm đau trẻ dại

Ngủ im trong quá khứ

Bừng dậy buổi hôm nay.

 

Nỗi buồn này

Ủ trong cuộc đời

Người đã vào tu viện

Anh ơi! Anh, anh ơi!

 

Trót làm thân con gái

Tôi mang khổ đau này

Tuổi tròn trăng

Trọn đời nhìn nắng úa.

 

Ân nghĩa ngày xưa

Tôi xin làm vốn

Cho mai sau, mai sau.

 

Bước lên đồi cao

Nghe niềm đơn lẻ

Bước lên thềm đá

Thềm mòn phủ rêu

Nỗi khổ đau này

Do anh, do anh.

 

Đời sống nổi loạn

Anh trôi theo giòng (?)

Đời sống lường đao

Anh ngược giòng không (?)

 

Cánh cửa mở rộng

Giáo đường vinh sang

Còn lời kinh cầu

Tôi còn niềm tin.

 

Cánh cửa khép lại

Giáo đường thâm nghiêm

Với lời tạ từ

Anh ơi, mai sau.

 

Dòng chữ nhỏ nét

Viết lên ân tình

Dòng chữ ân nghĩa

Theo mây trời bay.

Blao tháng 7

Cung-nam-Thương

Riêng có bốn câu, đoạn thứ 7, đã làm cho An cảm động mỗi khi anh đọc lại và nhớ về cái thời anh nhập vai đấu tranh. An không ngờ, một cô học trò nhỏ (nếu đúng thế) chỉ hơn mười tuổi đầu, mà có một tâm cảm, một nhận thức tinh tế, đã đặt An vào một xã hội đang xảy ra những bất ổn, trong đó những kẻ nội thù, những nhà đấu tranh cực đoan tôn giáo, đang dùng những thủ đoạn tàn độc, những thế trận như “hàm mô công” của Tây độc Âu Dương Phong, mô tả trong truyện kiếm hiệp, phá nát sự yên lành trong dân gian, vốn vẫn là những con người khổ đau vì chiến tranh, nghèo đói, nô lệ, lao nhọc.

Khi viết 4 câu thơ này, tác giả của nó chắc đã thao thức, trăn trở nhiều về hình ảnh một gã thanh niên lẻ loi, cô đơn đang lao mình vào vận mệnh của một đất nước chông chênh, mà có lẽ theo cô, gã đâu phải là con người của một đấu trường, dầy đặc những toan tính, những thủ đoạn khôn lường. Không, An chỉ là hình ảnh của một kẻ “Ôm mặt khóc”, “khóc cuộc đời và khóc đời mình bằng thi ca”. Gã người cô yêu sẽ trôi dạt về đâu trong trận chiến đang diễn ra trong tay những kẻ xuẩn động.

Đời sống nổi loạn

Anh trôi theo giòng(?)

Đời sống lường đao

Anh ngược giòng không(?)

An nhận được bài thơ này năm 1963 là năm anh 27 tuổi, thì đến năm 70 tuổi, An viết bài thơ Tâm Tư, như một cách trả lời cho người ký bút danh Cung-nam-Thương:

Bảy mươi năm một kiếp người,

Bôn chôn cho lắm, đứng ngồi không yên.

Đã toan trút bỏ lụy phiền,

Tìm trong thinh lặng, cửa thiền viện tu.

Nhưng thân làm nhện giăng tơ,

Sợi yêu thì ít, tâm tư thì nhiều.

Hoàng hôn ngả bóng đường chiều,

Nhìn cây lá rụng với nhiều xót thương.

Thôi đành lê bước đoạn trường,

Làm trai thời loạn vấn vương ít nhiều.

Người trong tu viện tôi yêu,

Đem lời ân nghĩa nói điều băn khoăn:

 

Đời sống nổi loạn

Anh trôi theo giòng?

Đời sống lường đao,

Anh ngược giòng không?

 

Lường đao tôi đã ngược dòng,

Bên đời nổi loạn theo dòng phù sinh.

An đã theo dòng nổi loạn, trong ngôn ngữ báo chí và trong hành động, vì thấy đời bất nghĩa và lắm kẻ cơ hội. Nhưng An cũng biết giữ mình trong sạch, không theo phường bất nhân và phản bội.

Đấy là hình ảnh người Nữ tu thứ hai đến trong cuộc đời của An. Mặc dầu An không biết chắc người Nữ tu này có phải là cô học trò nhỏ của mình đã xa đến nửa thế kỷ. Hay đấy chỉ là sản phẩm của một gã đàn ông nào đó thích đùa trêu trọc An. Hoặc có thể đấy cũng là của một người nào đó yêu thầm nhớ trộm An, nhưng có những lý do không thể bầy tỏ cho An biết, nên đi tu.

Bây giờ An đã quá già, nên quyết định phổ biến công khai. Vì nó là một bài thơ, một tài liệu của văn học, liên quan đến An.

clip_image003

clip_image005

clip_image007

Trên đây là 3 trong 10 đoạn của bài thơ Ân Nghĩa. Tác giả bài thơ này không ghi năm viết. Đến nay, 2018 là 55 năm rồi, nên giấy đã vàng úa như các đoạn chụp lại trên đây.Con số 1963 là An ghi vào.

clip_image009

Bậc thềm và cây hoa đại. Ngày 03-11-2017

 

Khải Triều

(Trích: Chuyện Nội Tâm Của An –Tự Truyện)

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search