T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: ĐỌC “THƠ CỦA GÁI QUẢNG TRỊ” CỦA QUANG TUYẾT

             

Chợ Nhỏ Bên Sông – Tranh: Mai Tâm

Trưa thứ sáu tháng 4- 2019, tôi thức dậy sau giấc ngủ ngon trong không khí mát dịu của bầu trời cuối xuân. Cầm chiếc điện thoại lên và mở trang facebook, tôi đọc ngay được một bài thơ hay lắm. Hay lắm vì nó nói về một quê hương đã từng gắn bó với tôi một thời trai trẻ. Hay lắm vì nó nói về những người con gái của quê hương đó, những người mà tôi đã từng yêu đến cháy bỏng con tim từ xưa và mãi mãi!

Bài thơ viết từ hai năm trước (tháng 4 -2017), đến bây giờ tôi mới đọc được: “Thơ Của Gái Quảng Trị” tác giả Quang Tuyết.

Tôi chỗi dậy viết ngay về nó, bởi tôi nghĩ, nếu tôi không viết tức khắc cho bài thơ nầy thì chắc chắn, còn lâu tôi mới cầm bút để bình thơ lại được.

Ta hãy bước vào bốn câu mở đầu thôi, để thấy cái dễ thương trong những lời “thủ thỉ” của cô gái Quảng Trị đáng yêu là sao!

Có lần nào em thủ thỉ với anh
Về một vùng quê xa xôi nghèo khó
Nơi chỉ có mưa buồn, hạn khổ
Nắng cháy nung người, lạnh buốt tận cùng xương

Có lẽ ai đã từng sống cả ba miền trên đất Việt, cũng có thời gian chịu đựng thời tiết trên quê hương Quảng Trị thì mới thâm trầm cảm nhận được bốn câu thơ trên. Thời tiết trên đất Quảng Trị khắc nghiệt hơn những nơi khác, mùa hạn thì có gió Lào khô đến rát bỏng thịt da, mùa đông thì rét căm căm làm run cầm cập, hơi thở thấy toàn khói trắng đục bay ra. Nhà thơ vào đề với chữ “thủ thỉ” hay vô cùng. Thủ thỉ là gì? Thủ thỉ là nói nhỏ nhẹ, thong thả, vừa đủ cho nhau nghe, thường là để tâm tình, thổ lộ tình cảm. Quang Tuyết dùng chữ thủ thỉ một phần để giới thiệu với chúng ta người anh ấy của mình, nhưng phần chính là để giới thiệu cái quê hương nghèo khó rất thân yêu trong tâm hồn tác giả. Tác giả đã mượn anh ấy để trang trải tâm tư của mình về quê hương Quảng Trị, thủ thỉ với người trong thơ và thủ thỉ với người nào đang đọc bài thơ.

Rồi thì nhà thơ tiếp tục thủ thỉ về những người thân yêu của mình:

Trưa gió Lào chân mẹ bỏng nhựa đường
Ba ngược gió nghiêng tơi chiều đông giá.
Người nơi ấy luôn đương đầu vất vả
Từ lúc sinh ra cho đến lúc tuổi già
Chân bám ruộng đồng mưa nắng sương sa
Chén cơm nóng dưa cà xong bữa

Sự khổ cực nầy thì trên quê hương ta nơi đâu mà không có. Thế nhưng chỉ nhờ hai tiếng “thủ thỉ” ở câu thơ mở đầu mà khi đọc thơ, tâm hồn ta không thấy nỗi xót xa của những tiếng kêu than, ngược lại, ta thấy như có tiếng thì thầm êm ái nói về một nơi vô cùng yêu dấu trong thơ. Điều đó cho ta thấy chỉ với một tứ thơ, tác giả đã định hướng cho người đọc đi theo một cảm nhận khác tích cực, êm ái hơn và thú vị hơn, hiện ra trong tâm trí ta hình ảnh một người con gái đẹp thỏ thẻ cùng anh về một quê hương nghèo khó, làm cho chính nhân cách của cô ta cũng trở nên đẹp trong tâm hồn người đọc.

Thế rồi đặc biệt hơn hết, Quang Tuyết viết về một dòng sông, một dòng sông mang biết bao đau thương. Ở Quảng Trị có hai dòng sông đi vào lịch sử. Sông Bến Hải chia hai đất nước mang nhiều hệ lụy về sự chia ly. Sông Thạch Hãn mang nhiều nỗi đau về xương rơi máu đổ, anh em tương tàn:

Em chưa nói về dòng sông trăn trở
B
i máu xương nhuộm đỏ một thời
Nước chảy ngậm ngùi thương số kiếp anh ơi
Nam Trung Bắc tuổi thanh niên đều mất.

Tác giả nói về dòng sông Thạch Hãn chảy qua thị xã, nằm dưới chân Cổ Thành, nơi chứa bao nhiêu kỷ niệm đậm đà của những người trên quê hương ấy, và nơi chôn xác của hàng ngàn thanh niên ba miền trung, nam, bắc trong một mùa đỏ lửa năm xưa.

Tiếp tục bài thơ, Quang Tuyết viết về chiến tranh trên quê hương Quảng Trị, viết về xứ mình nghèo khó hơn những xứ có tên chữ đầu cũng bằng chữ Quảng như Quảng Nam, Quảng Ngãi giàu có hơn nhiều, viết về nỗi đau âm ỉ trên số phận quê hương nhuộm một màu đen và dài năm tháng.

Phần cuối bài thơ, tác giả xoay đề tài, viết về khí chất và khí tiết của em, người con gái Quảng Trị:

Phận con gái sinh ra từ nơi đó
Số phận dường như đều phải nhuộm màu đen
Nhưng thương đau không có nghĩa yếu hèn
Nên khí chất có khi là khí tiết.
Người trưởng thành từ tử sinh từng phút
Biết quý đời
Trân trọng sự thủy chung
Biết thương yêu hàn gắn mọi lỡ lầm ….
Ươm mầm mới từ những điều đổ nát
Quê hương đó …
và con người em đó
Mềm yếu khi yêu – mạnh mẽ khi cùng
Có thương nhau hãy giữ một tấm lòng…

Mười ba câu thơ cuối của bài thơ, Quang Tuyết không chỉ nói về mình, mà tôn vinh niềm kiêu hãnh của người con gái Quảng Trị. Thật vậy, kiêu hãnh nghĩa là gì? Nghĩa là tự hào về những giá trị, về những cái mình có. Những cái người con gái Quảng Trị có không chỉ được giáo dục bởi một nền văn hòa đầy bản sắc tốt đẹp của cha ông để lại, mà còn được tôi luyện qua sự gian khó của một vùng đất khô cằn, đầy biến động và đau thương. Những câu thơ cuối đã xoay chiều ý thơ, đưa người đọc đến sự tôn trọng, yêu thương và khâm phục nhân cách của con người. Niềm đau của một quê hương đầy sóng gió không còn nữa, hiển hiện trong thơ những người nữ “mềm yếu khi yêu” và mạnh mẽ khi khốn cùng, khiến cho ai cũng luôn muốn giữ một tấm lòng thương mến với người em gái Quảng Trị đẹp cả một tâm hồn.

Đọc “Thơ Của Gái Quảng Trị” ta thấy nó như nguồn một con sông có dòng nước trong veo chảy ra, rồi nó qua ghềnh qua thác nhưng vẫn trôi giữa đôi bờ xanh thắm, cuối cùng nó hòa chung với biển mênh mông. Bài thơ có một nhập đề rất dễ thương. Bài thơ không ẩn ý, không cầu kỳ văn tự, chỉ là lời thủ thỉ thân thương mà nó gây nhiều cảm xúc với quê hương, mà tạo niềm thương yêu, tôn trọng đến những người phái nữ đi trong bão lửa, bước ra trong ánh sáng cuộc đời ./.

  Châu Thạch

 

Thơ của Gái Quảng Trị

Quang Tuyết

Có lần nào em thủ thỉ với anh
Về một vùng quê xa xôi nghèo khó
Nơi chỉ có mưa buồn, hạn khổ
Nắng cháy nung người, lạnh buốt tận cùng xương
Trưa gió Lào chân mẹ bỏng nhựa đường
Ba ngược gió nghiêng tơi chiều đông giá.
Người nơi ấy luôn đương đầu vất vả
Từ lúc sinh ra cho đến lúc tuổi già
Chân bám ruộng đồng mưa nắng sương sa
Chén cơm nóng dưa cà xong bữa
Em chưa nói về dòng sông trăn trở
B
i máu xương nhuộm đỏ một thời
Nước chảy ngậm ngùi thương số kiếp anh ơi
Nam Trung Bắc tuổi thanh niên đều mất.
Từ thuở bé bốn tao nôi mẹ hát
Câu ầu ơ! Hòa tiếng súng hằng đêm
Hỏa châu rơi như sao rụng bên thềm
Chưa hiểu hết đã dạn dày loạn lạc.
Quê em đó
Anh ơi miền đất Quảng…
Chẳng phải Quảng ngọt ngào đường mía mạch nha
Không phải Quảng cảng sâu tàu lớn nhỏ vào ra
Hay thành phố điện đèn lấp lánh.
Miền đất Quảng quê em
Là địa đầu giới tuyến.
Sông một thời cắt máu thịt chia xa
Hứng chịu tang thương, còn mất mọi nhà
Nỗi đau âm ỉ dù đã là quá khứ
Phận con gái sinh ra từ nơi đó
Số phận dường như đều phải nhuộm màu đen
Nhưng thương đau không có nghĩa yếu hèn
Nên khí chất có khi là khí tiết.
Người trưởng thành từ tử sinh từng phút
Biết quý đời
Trân trọng sự thủy chung
Biết thương yêu hàn gắn mọi lỡ lầm ….
Ươm mầm mới từ những điều đổ nát
Quê hương đó …
và con người em đó
Mềm yếu khi yêu – mạnh mẽ khi cùng
Có thương nhau hãy giữ một tấm lòng…

Thương mến những em gái Quảng Trị

Quang Tuyết

 

Bài Mới Nhất
Search