T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Triều Hoa Đại: Chuyện kể lê thê bên tách cà phê của Triều Hoa Đại & Nguyễn Hàn Chung

Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau – Tranh: Thanh Châu

Triều Hoa Đại (THĐ): Ông ngồi xuống đây. Vâng, ở chiếc ghế này hai ta cùng ngắm buổi chiều đang đi qua trên mái tóc của cô hàng café rồi ông nói cho tôi nghe sau những năm dài ở lại quê nhà qua chế độ mới, những kinh nghiệm dễ gì mà ai cũng có được.

Nguyễn Hàn Chung (NHC): Tan đàn rã nghé, bạn bè anh em tôi người vượt biển lưu vong, người tù lao cải, người sống vật vờ “Tháng tư đạp chiếc xe đầm cũ – Ngơ ngác hồi lâu trước cổng trường- Một lớp đỏ người trương áo mũ – Một lớp âm trầm trước đại dương” (Ra tư chợt nhớ – NHC). Tôi thuộc loại thứ ba sau một thời gian ngắn “cải tạo tư tưởng” tôi may mắn hơn bạn bè bị tù đày trên rừng thiêng nước độc, không có ngày về, được “lưu dung” làm thầy giáo trường làng. Ba mươi lăm năm với thân phận bọt bèo của một công dân loại hai tôi lấy vợ có con và vùi đầu vào cơm áo tôi không viết được bài thơ nào ra hồn.

Mươi năm sau 1975 tôi buông bút dù trước đó tôi có viết từng đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ Năm, Chọn Lọc, Khởi Hành, Đối Diện. Có hai tờ báo tôi gửi vài lần mà họ không đăng là Văn và Bách Khoa nên tôi không gửi nữa. Tôi quen khí vị thơ hào sảng của Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Đặng Tấn Tới … Bây giờ muốn in báo phải viết theo yêu cầu của ban biên tập tôi không thể làm được, nhất định không. Năm 1985 thấy hơi nơi nới một chút tôi viết bài thơ

Đánh cờ một mình

“Chơi cờ ít nhất phải chơi tay đôi
anh chơi một mình
cũng lạ

Mỗi lần anh vượt sông
anh đều chia quân cản phá
quay về thủ thành
anh mất cả xe lẫn mã
cuộc cờ tan nát cả

Cái giá phải trả
cho lối chơi cờ một mình

Địch thủ cũng là anh”

Với bài thơ này tôi bị hành ra bả suýt bị “ngục văn tự” may mà tôi khéo viện dẫn lý do chính đáng bởi tôi ngày ấy là cao thủ về cờ tướng từng dự thi có giải nên họ tha nhưng tất nhiên là theo dõi dài dài lúc nào tôi cũng nơm nớp lo âu. Sau này tôi đi vào lối viết hũ nút để không còn ai chụp mũ tôi hoài vọng tiền triều nữa … Ba mươi lăm năm tôi vẫn là hàng thần lơ láo cho đến ngày “Anh đã” không “lầm theo em sang đây”

THĐ: Và bây giờ sau “15 năm lưu lạc” xứ người, cái khoảng thời gian cũng bằng thời gian lạc bước của Thuý Kiều. Mười lăm năm ấy bây giờ ra sao?

NHC: Một hôm lâu rồi có cô bồ cũ than với tôi chồng cô ăn chơi cờ bạc cô phải một nách mấy đứa con thơ dại, cô khổ quá nuôi con rồi phải nuôi chồng nghiện cái hư danh nhà văn không chịu làm ăn như tôi chẳng hạn, (cô tưởng tôi Việt kiều Mỹ là lo làm ăn lắm lắm, cô lại lẩy sửa kiều “Biết thân đến bước lạc loài – Nhụy đào thà bẻ cho người “hàn” chung”). Cô đâu biết mười lăm năm lưu lạc ấy người yêu cũ của cô “cu ly hai lượt waiter hai lần” …Bây giờ với đồng lương hưu ít ỏi sống lây lất qua ngày mà vẫn cứ “tản thần thơ.”

THĐ: Vâng, ý tôi muốn nói là: qua rồi những xa lạ, hết rồi âu lo trong những ngày, tháng chân ướt, chân ráo nơi xứ người giờ đây ông đã sẵn sàng nhập cuộc chưa để cùng ngồi với anh em “vực dậy” con bệnh chữ nghĩa đang ngất ngư ở xứ người?

NHC: Thưa anh Triều Hoa Đại. Tất nhiên cùng ngồi với anh em văn nghệ hải ngoại là một mong muốn của tôi. Tôi ở Houston có ít bè bạn văn chương nhưng bạn văn trên mạng thì rất nhiều kể ra không hết đâu. Nói “vực dậy” con chữ thì hơi to tát quá nhưng tôi muốn qua văn chương lưu giữ trước tiên là các phương ngữ, lời ăn tiếng nói của quê kiểng mình. Tôi cũng đã “nhiên đoạn sổ hàng tu’’ (vặt đứt mấy chòm râu) để chạy theo các trường cách tân để có “Nghịch lưu của tuổi (2011), Dự cảm rời (2016) mày mò vào Tân hình thức, Hậu hiện đại nhưng cuối cùng tôi thấy mình thất bại nên về lại với truyền thống nhưng không phải lối truyền thống cũ càng “Khăn đóng áo dài trang nghiêm cổ kính lối xưa xe ngựa” hoặc mới hơn một chút “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. Tôi quyết tâm truyền thống một cách phá phách một thứ thơ “tản thần” trong tập thơ LỤC BÁT TẢN THẦN (2018). Lúc mới ra đời những bài thơ không giống ai này bị rất nhiều quý bạn hữu dị ứng cho rằng NHC đã tha hóa. Họ công kích tôi thậm tệ không thèm đọc thơ tôi trên facebook hoặc trên truyền thông mạng (nhưng tôi chắc đọc lén thì có) Sau này quen dần nhiều bạn cũ lại vào đọc và có những bình luận thú vị trong đó các đại hành gia về thơ: Trần Vấn Lệ, Hoàng Xuân Sơn, Du Tử Lê, Luân Hoán, Nguyễn Đức Tùng, Hoàng Hưng, Hồ Đình Nghiêm, Trần Yên Hòa. Các nhà PBVH Trần Trung Tá, Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Vy Khanh, Trương Vấn, Bắc Phong, các bạn nhà văn trong nước: Ngô Thị Mỹ Lệ, Phan Trang Hy, Nguyễn Thoại Vy, Vân Hạ, Dương Diên Hồng, Nguyễn Sơn, Bình Địa Mộc. Năm 2019 tôi vẫn tiếp tục con đường cũ và hy vọng trong những năm tới tôi sẽ xuất bản bằng con đường Ebook một vài tập thơ trước mắt là tập THƠ BỐN CÂU tôi đã đăng liên tục trên VUÔNG CHIẾU của nhà thơ Luân Hoán lấy tên “MÓT CHỮ TRONG KINH” và “CƠN SAY TÀN MỚI THẤM KHUYA” (nhiều thể loại trừ lục bát) và có thể một tập thơ tuyền LỤC BÁT TẢN THẦN 2.

THĐ: Tiện đây cũng xin hỏi ông liệu rồi cái nền Văn Học ở hải ngoại này còn thoi thóp được bao lâu?

NHC: Điều anh bộc tỏ cũng là điều tôi hãi sợ …Bây giờ tạp chí văn học giấy hầu hết đã đình bản vì lý do gì hẳn ai cũng biết nhường cho báo mạng lấn lướt mà suy cho cùng báo mạng cũng có là bao, người viết hải ngoại có bài viết chất lượng cạn dần. Các bậc tiền bối từ thời VNCH đã quá lớn tuổi hoặc đã đi rồi … Lớp trẻ thì đọc viết tiếng Việt còn chưa thạo nói chi sáng tác văn chương. Vì vậy tôi rất mừng thấy các bậc đàn anh, đàn chị còn chưa buông bút cộng với một số tác giả mới sang cư trú lâu dài hải ngoại bổ sung những người đã có tiếng tăm từ trong nước. Còn rất nhiều người viết hải ngoại song tôi không làm sao nhớ hết.

Lớp người trẻ kế tục lớp anh chị đã bắt đầu lớn tuổi có rất ít song rất nhiều triển vọng mang chuông đi đấm xứ người : Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương, Kim Thúy, Lan Cao… Chính vì vậy tôi tin Văn học Việt Nam hải ngọai có ít đi về số lượng nhưng ngược lại cao hơn về chất lượng. Mong thay!

THĐ: Bàn về chuyện viết văn, làm thơ thì có người chẳng hạn như nhà văn quá cố Nguyễn Xuân Hoàng thì bảo “Làm thơ thật là khó,” Trần Mộng Tú thì lại nói khác: “Thơ dễ hơn viết văn vì thơ tự nhiên đến như gió vậy chẳng cần báo trước gì cả”. Là một người làm thơ, tôi muốn được nghe ông cho biết ý kiến về chuyện này.

NHC: Bàn đến cái chỗ đắc thất này không dễ gì đâu anh. Người xưa, người nay, người Tây, người Ta lập ngôn đã nhiều. Mình không dám đại ngôn, hơn nữa không đủ lực đụng vô chỗ này nhường chỗ cho những nhà PBVH danh tiếng hải ngoại: Đặng Tiến, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn ĐứcTùng, Bùi Vĩnh Phúc… Tôi chỉ có một ý nhỏ thế này: Thơ hay văn gì cũng đều khó cả và cái khó nhất là KHÓ HAY khó đánh động lòng người một thời và nhiều đời.

THĐ: Ông ạ, chiều vẫn còn rơi, vẫn đùa cợt trên mái tóc của cô hàng café, chả biết ông nghĩ gì lúc này chứ riêng tôi thì cũng có một ao ước nhỏ nhoi được như bóng chiều kia cũng rơi, cũng…, trên mái tóc của nàng, nhưng thôi không nói nữa sợ rồi có người lại khép cho mình cái tội “ME TOO” thì khổ. Thế còn chuyện sinh hoạt văn hoá thì sao, ông có viết lách được gì nhiều trong thời gian ấy không, giao tình giữa ông và các văn nghệ sĩ “phe ta” và “phe địch” ý tôi muốn nói đến những văn nghệ sĩ đến từ ngoài Bắc thì như thế nào?

NHC: Như tôi đã bộc bạch trong lần cà phê với anh hôm trước. Mười năm tôi không viết được chữ gì chỉ đọc lén thơ văn của miền Nam và đọc công khai cái gọi là “thơ văn cách mạng”. Tôi đọc những bài thơ được các tay chủ xị văn nghệ cho rằng tuyệt hay nhưng thật ra đều là thơ tuyên truyền hô hào cả, có thơ tình yêu nhưng là loại “văn học phải đạo” (chữ dùng của Hoàng Ngọc Hiến) vần vè cũ kỹ và sáo mòn cũng xen vào tình đồng chí như thơ Vũ Cao (Núi Đôi), Giang Nam (Nghe em vào đại học) hoặc lạc quan một cách tàn nhẫn: Phạm Tiến Duật “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, Chế Lan Viên …. Thi thoảng cũng có đọc một số bài thơ hay của Xuân Quỳnh (Thuyền và Biển) hay “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Duy, “Con đường” của Phan Thị Thanh Nhàn … còn hầu hết đều là tụng ca sáo rỗng. Đọc họ nhưng tôi không thể viết được như họ mà viết khác thì họ soi mói không dùng đã đành mà còn để ý. Đó là trường hợp Bài thơ “Đánh cờ một mình “ tôi đã nói với anh lần trước và sau này là bài “Trói tay múa võ” như vầy:

“Hồi nhỏ gã mê học võ
chập chờn đôi ba thế đã lấy làm oai
Lớn lên muốn khoe tài
gã trói tay đấu võ

Thế không ra thế
quyền chẳng nên quyền
nhưng cũng lắm người khen

Riết rồi thành quen
khi thực sự lao vào trận đánh
hai cánh tay vô dụng
Vũ đài mở rộng
gã thừa hai tay”

Bài này cũng không được in lại gọi lên gọi xuống gặp tuyên giáo nhiều lần nhưng nhờ tôi giải thích hữu lý nên qua được

THĐ: “Thơ là thực, thực trong cõi mộng, thơ là mộng, mộng trong cõi thực. Thơ không nói dối chỉ giả vờ nói dối. Mộng, thực, dối và giả vờ đan xen vào nhau vừa thực tại vừa hư huyễn. Phải có con mắt thấu thị xuyên tầng mới cảm được thơ.” đó là một câu mà tôi đã trích từ ông, thật sự tôi chưa nắm bắt được ý nghĩa của câu này xin ông vui lòng gỉải thích thêm cho rõ nghĩa được chăng?

NHC: Thưa anh! Tôi chuyên trị thơ tình phóng túng, nhiều quý bà quý cô cứ tưởng tôi là kẻ lắm trăng hoa, đa tình kiếm sĩ ghê lắm đâu biết tôi là một người chồng người cha mẫu mực vào top xưa nay hiếm. Mình thanh minh thanh nga làm gì quý nương không thèm tin đâu nên phát ngôn mơ hồ hàm hỗn một tí mượn văn chương để bộc tỏ để khỏa lấp ấy mà không có cao thâm viễn lự gì đâu anh.

THĐ: Cũng vẫn câu ông viết được trích dẫn nêu trên cô Trần Hạ Vi thì lại cho rằng: “em thì nghĩ là cứ phải mù mới cảm nhận được thơ. Không phải con mắt thấu thị xuyên tầng, lý do là nhìn hết rồi thì còn gì lãng mạn nữa!” Ông có đồng ý vậy không?

NHC: Cô Trần Hạ Vi thuộc thế hệ trẻ hiểu bằng trực cảm nên đùa vui vậy thôi. Tạ Trăn đời Minh cho rằng: “Thi hữu khả giải, bất khả giải, bất tất giải” làm sao mà nhìn hết được cái ẩn tàng trong đáy chữ nếu không có “mắt nhìn sáu cõi, tấm lòng thấu cả nghìn đời” của Mộng Liên Đường chủ nhân hả anh? Giả Đảo “Nhị cú tam niên đắc” nếu không có con mắt thấu thị xuyên tầng sao có thể “Nhất ngâm song lệ thùy” cùng tác giả được kia chứ … Phải không Triều Hoa huynh trưởng?

THĐ: Chúng ta nói về Lục Bát Tản Thần một chút được chăng. Xưa nay ai cũng hiểu LỤC là SÁU và BÁT không phải BÁC) là TÁM nhưng còn TẢN THẦN thì ít người hiểu nghĩa của từ này thế thì nếu muốn hiểu thì có cần phải có: “con mắt thấu thị xuyên tầng mới cảm được” hay không, giúp tôi “giải mã” chuyện này đi ông.

NHC: “tản thần” là từ dân gian Nam kỳ lục tỉnh anh ạ. Trong tự điển của Lê Ngọc Trụ thời Việt Nam Cộng Hòa giải nghĩa là mất hồn vía thôi chứ không có gì kỳ lạ cả. Thơ lục bát đã làm tác giả mất cả hồn vía đấy mà, còn độc giả có mất hồn vía không là chuyện của quý vị ấy …

THĐ: Cũng trong thi tập Lục Bát Tản Thần tôi đọc được một bài có nhan đề: Bệnh mù màu đã thuyên. Xin mạn phép được trích:

Ông ghiền lí luận văn chương
Từ lâu bám sát con đường đỏ đen

Về hưu con mắt nhập nhèm
Nhìn đâu cũng tấy tòm tem lộn lèo

Tưởng ông lãnh tụ nào teo
Hỏi ra mới biết cờ treo lộn hồn

Bạn ông tranh vẽ bụi môn
thoát nhìn quen thói đăng đường hỏi tra

-Sao ông theo lũ cộng hoà
vẽ toàn màu của quỷ ma cơ cầu

Bạn cười. Ông rất thẹn đau
Nhưng mừng vì bệnh mù màu đã thuyên

Nếu như tôi không hiểu sai thì hình như trong bài thơ này ông viết có vẻ nhuốm màu sắc “chính trị”. Nếu vậy thì THƠ ngoài vấn đề NGHỆ THUẬT còn mang ý nghĩa của CHÍNH TRỊ hay sao? Và thế thì cần gì phải có con mắt “thấu thị xuyên tầng” mới cảm nhận được. Ông hoài nghi về cuộc đời, ông hoài nghi ngay cả với thi ca bởi vì nếu như áp đặt CHÍNH TRỊ song hành với THƠ thì cái thơ ấy không còn là Thơ nữa mà nếu còn chăng thì chỉ là còn trong giai đoạn, cái giai đoạn ấy qua đi thì thơ ấy cũng không còn, ông nghĩ sao?

NHC: Đụng tới cái này càng rắc rối hơn nữa: Nghệ thuật và nhân sinh hai mệnh đề này đã được quý tiền bối tranh luận rất nhiều mà đã ngã ngũ đâu anh, vì vậy thơ mang ý nghĩa chính trị là một lẽ hằng thường nhưng thơ nếu để phục vụ cho bất cứ một chế độ chính trị nào đều không còn là thơ nữa mà là một cái gì đó như tuyên ngôn, hiệu triệu… có chất thơ mà thôi. Đơn giản tôi nghĩ vậy anh à!

THĐ: Nói chung theo ý chủ quan thì Nguyễn Hàn Chung mà tôi được đọc bấy lâu nay thơ của ông đều viết ngắn nhưng hiểu theo quan điểm của Edgar Allan Poe thì “độ dài của bài thơ không nên quá ngắn vì một bài thơ cực ngắn có thể lúc này hay lúc khác sẽ gây được tiếng vang nhưng sẽ không bao giờ tạo ra được ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài”. Ý kiến của ông thì thế nào? Trước đây nhà thơ quá cố Tô Thuỳ Yên thường thì ông làm những bài thơ dài nhưng khá nổi tiếng chẳng hạn như bài Trường Sa Hành, Ta về, thế nhưng lúc sau này thì Tô Thuỳ Yên lại bảo rằng: “Hơn sáu mươi tuổi, tôi thấy nên tập làm thơ lại. Bắt đầu bằng những bài thơ ngắn, cố gắng ngắn.” Phải chăng nhà thơ Nguyễn Hàn Chung đã NGỘ ra từ đã lâu không cần phải bắt đầu từ những bài thơ dài thì mới chuyên chở được những gì mà nhà thơ muốn chăng?

NHC: Tôi nhớ có một nhà thơ nào đó nói một câu đại ý thế này: Tôi viết những bài thơ dài vì tôi không có thời gian để viết ngắn. Câu nói có vẻ nghịch lý như thế hàm nghĩa về sự ngưng tụ và đọng lại, tan ra và thấm sâu vào của những bài thơ cực ngắn. Theo tôi ngắn hay dài thể hay loại không quan trọng miễn là nó vượt qua cát bụi thời gian tồn lưu trong lòng người từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, Truyện Kiều của Nguyễn Du và những bài haiku, tứ tuyệt vĩnh tồn đâu có lệ thuộc vào sự dài ngắn loại thể đâu… Đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung tôi nhớ đến lý thuyết cao của võ học là “dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu” có thể hiểu nôm na trong văn chương cũng vậy.

THĐ: Sau biến cố của năm 1975 biết bao quân cán chính của miền Nam đã phải vào tù. Nhưng dù bị đầy ải trong vòng lao lý thế họ vẫn cam lòng chịu đựng, bất khuất trước bạo lực, không vì những lời dỗ dành ngon ngọt, mà “nói yêu thành ghét” Bởi vì: “Thi sĩ không ai có thể làm nhục được hắn ngoài chính nó”, thi sĩ William Ernest Henley đã từng nói: “I Am the master of my fate, I am the captain of my soul. Là một người làm thơ CHÂN CHÍNH như ông, ông nghĩ sao và có cùng chung với quan điểm này không?

NHC: Thưa anh THĐ! Cái này thì rõ rành rồi. Tôi không dám cho mình là một người làm thơ chân chính nhưng tôi luôn chân chính trong nỗ lực hướng tới cái đẹp cái trong lành của thi ca. Mỗi lần viết tôi thả tung sự phấn hứng như đã nói với anh trong lần cà phê trước. Tôi không lấy thơ phục vụ cho một chế độ chính trị nào nếu muốn điều đó tôi viết văn xuôi. Tôi tán thành quan niệm về văn chương của William Ernest Henley mà anh đã trích dẫn… Ngòi bút chúng ta cong một chút là chúng ta đã làm nhục thơ, làm nhục cho hai từ THI SĨ.

THĐ: Thơ TỰ DO, thơ TÂN HÌNH THỨC những lúc sau này những anh chị em theo trường phái này đã có sự cố gắng vô cùng để thổi vào văn học nước ta một luồng gió mới, nhưng như ông biết hình như dù đã tận tình cố gắng nhưng xem ra những người yêu thơ vẫn chưa “hiểu” và “hoà đồng” được với loại thơ này, bằng chứng là giữa hai nhà thơ trong nhóm Sáng Tạo là Thanh Tâm Tuyền và Tô Thuỳ Yên cũng làm thơ mới đấy nhưng có vẻ như với Tô Thuỳ Yên thì vẫn: “Ta về một bóng trên đường lớn”còn thì Thanh Tâm Tuyền như mờ nhạt. Trong nhất thời người yêu thơ có thể quay cuồng với một câu thơ nào đó nhưng về lâu về dài những câu thơ dễ hiểu vẫn thuộc về thơ vần, bởi lẽ đọc lên nó người ta dễ thấy tâm hồn bình yên, không bão going. Xin được lắng nghe lời chỉ giáo của nhà thơ?

NHC: Anh dùng những từ chi to lớn thế anh THĐ. Tôi, một tên làm thơ cà chớn nửa du thủ, nửa nhà quê thơ ca chưa có gì thành tựu thuộc loại làng nhàng mà “chỉ giáo” được ai, anh thổi phồng như tôi là đại thi sĩ cỡ Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng không bằng. Quảng Nam tôi có từ “mắc tịt” diễn tả tâm trạng tôi khi nghe anh hỏi câu này “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau” đó ông anh lớn ạ! Tôi chỉ nêu cái thiển nghĩ của mình thôi. Thời đại đã khác mọi sự không còn vàng son như cái thuở trước 1975 tất nhiên thơ cũng khác cả nội dung lẫn hình thức biểu hiện. Những bài thơ của các tác giả tiếng tăm lừng lẫy, những bài thơ làm say mê hàng triệu triệu người bây giờ đọc lại cái cảm nhận vẫn còn nhưng khí vị đã khác. Tất nhiên chúng ta từ một cậu thanh niên tràn đấy hào khí vá biển lấp trời tới một ông già trên bảy mươi nhãn quan về “Văn chương chi sự” cũng đã khác hẳn nếu ta chỉ lặp lại những vẻ vang của quá khứ bằng những cung bậc bổng trầm xưa há chẳng làm người đọc ngán ngẩm sao? Vì vậy theo tôi đổi mới về hình thức và nội dung là điều tất yếu. Tôi rất yêu mến và kính phục nhà thơ Khế Iêm với hành trạng thơ Tân hình thức. Anh đã miệt mài sáng tạo và quy tụ một lớp nhà thơ trẻ với những bài thơ Tân hình thức cực mới nhưng rất tiếc các nhà thơ nổi tiếng với thơ tự do, thơ truyền thống ít mặn mà ngoài những nhà thơ thuộc lớp cao tuổi vẫn say mê như Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Đăng Thường… trẻ hơn một chút có Vương Ngọc Minh, Lưu Diệu Vân, Thường Quán, Lê Đình Nhất Lang, Ngu Yên, Hà Nguyên Du …Bản thân tôi đôi lúc cũng xớ rớ tới Tân hình thức, Hậu hiện đại nhưng thấy lực bất tùng tâm nên chọn con đường nói vui vui một chứ không cao đạo gì : Con đường thơ TẢN THẦN nghĩa là vẫn bám vào vần vè truyền thống cũ nhưng tuyệt đối tránh được chừng nào hay chừng ấy những mòn sáo thành nếp ăn vào xương tủy của đại bộ phận người làm thơ. Tôi có tham vọng dùng trong thơ nhiều rất nhiều từ thông tục phương ngữ có, toàn dân có, những từ đã lâu không được ai dùng mục đích để lưu giữ chứ sợ vài mươi năm nữa lớp chúng ta đi rồi lớp trẻ không biết đến nó nữa …

THĐ: Tò mò một chút xin được hỏi những dự tính của ông trong những ngày kế tiếp, một tập thơ mới sẽ trình làng nữa chăng?

NHC: Thưa anh tôi còn gần ngàn bài thơ mới chưa in được lưu giữ. Tất nhiên tôi sẽ cho nó trình làng. Trước tiên nếu kịp trong quý một 2020 tôi sẽ xuất xưởng tập tuyển thơ độ bốn trăm bài bốn câu lấy tên MÓT CHỮ TRONG KINH. Hầu hết những bài thơ này chỉ đăng trên trang VUÔNG CHIẾU của nhà thơ Luân Hoán.Tôi đã hoàn tất bản thảo có sự giúp công biên tập của một vài tài nữ là các cô giáo đang giảng dạy trung, đại học ở quê nhà và nước ngoài. Hy vọng ra mắt chào mừng năm mới 2020.

THĐ: Thưa ông, từ nãy giờ thật tình tôi đã quấy rầy ông rất nhiều, thôi thì chỉ xin được sám hối: “Lỗi tại tôi, tại tôi mọi đàng”, mong ông bỏ qua cho… Chiều đã lên dần, ly café thì đã cạn, thành phố đã lên đèn, trước khi chia tay ông có còn muốn “giải bày” thêm gì nữa không, ông có muốn nhắn như đến độc giả gì không. Xin mời ông cứ tiên nhiên.

NHC: Lời cuối tôi xin gởi đến anh nhà thơ TRIỀU HOA ĐẠI lời cám ơn chân thành từ đáy lòng tôi. Anh với tôi chưa hề gặp nhau ở ngoài đời chưa hề có một trao đổi văn chương nào, nghĩa là chưa tới cái mức tối thiểu của sơ giao thế mà anh đã hạ cố tìm tôi mời uống cà phê trò chuyện thân tình về chuyện văn chuyện đời. Tôi cảm động vì tình bạn văn chương “đồng thị thiên nhai luân lạc nhân” nó sâu đậm đến vậy và cũng buồn có người bạn văn thân thiết chỉ vì nghi án oan tôi chê thơ anh ấy “không có gì mới” mà anh đang tâm cắt đứt tình bạn từ khi tôi ra hải ngoại đến bây giờ tiên cảm trong một bài thơ tôi viết về Hội An: “Xa xăm nhớ quá ngõ Cầu – Bước về phố hẹp va nhau giữa đường.” Nhà thơ sao lòng hẹp quá vậy. Chúc sức khỏe anh chị và gia đình. Mong “TRĂM CÂY NGHÌN CẢNH” khái quát được lực phát sáng văn chương của nhưng người lưu lãng để lại chút gì đó cho dòng văn học lưu vong viễn xứ. Thân ái!…

THĐ: Cám ơn nhà thơ Nguyễn Hàn Chung!

Triều Hoa Đại
(Cuộc trò chuyện giữa nhà thơ Triều Hoa Đại & Nguyễn Hàn Chung được thực hiện qua điện thư. Hai tác giả chưa hề gặp mặt nhau ngoài đời. Hai ly cà phê cách nhau mấy giờ bay từ Florida tới Houston).

 

Bài Mới Nhất
Search