T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tựu trường mùa Covid

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Kim Anh

Đại dịch Corona làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết loài người. Những điều xưa nay chúng ta vẫn máy móc làm như thông lệ hàng năm, nay bỗng chững lại tất cả và đòi chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc.

Ngày khai trường tháng 9 năm nay cũng thế. Đứng trước cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, mọi quốc gia, mọi chính quyền, mọi nhà giáo dục, cho đến từng phụ huynh, học sinh, sinh viên… ai nấy đều tự hỏi: Tựu trường lại thế nào đây?

Giải pháp đầu tiên là học online. Nhưng ngay cả ở Mỹ, quốc gia có hạ tầng mạng thuộc hàng tốt nhất, nhưng thực hiện cũng không đơn giản. Nhà trường, giáo viên phải thay đổi cung cách làm việc, điều đó cần có thời gian để “tự đào tạo lại”. Phụ huynh và cả bản thân học sinh cũng thế: Rất nhiều phiền toái, rất nhiều lúng túng.

Mở lại trường lớp cùng với những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như giãn cách, khẩu trang, dung dịch rửa tay… là điều mà các nước giàu đang cố thực hiện. Dạy học ngoài trời thì sao? Lớp học ngoài sân, ngoài vườn, dưới bóng cây…? Cũng là một giải pháp, có điều, với một số vùng miền thì hầu như không thể, vì còn vấn đề thời tiết.

Đối với các nước giàu, việc mở lại trường sao cho an toàn còn khó khăn đến thế, những nước còn nghèo và mật độ dân số cao như Việt Nam thì vấn đề còn nan giải biết bao. Rủi thay, những nước nghèo thì lại chiếm đa số trên thế giới!

Thế rồi còn một vấn đề nữa: Ngoài tất cả những bất tiện, tốn kém và đòi hỏi nhiều thay đổi để thích nghi, các giải pháp được đưa ra trên đây vẫn không có gì chắc chắn là giúp tránh được tai họa một khi dịch tái bùng phát. Thậm chí, có khi chính việc liều lĩnh mở cửa trường học sẽ là nguyên nhân dẫn đến những làn sóng dịch tiếp theo! Không ai dự đoán được đại dịch này sẽ biến chuyển ra sao, bao giờ thì chấm dứt?

Chúng ta cũng không đoán được sau dịch virus corona chủng mới này, sẽ còn loài virus nào nữa gây thêm đại dịch khác? Trước đây y học nhận định rằng, cứ mỗi thế kỷ thì nhân loại lại phải đối mặt với một đại dịch mới. Nhưng nay, với đà dân số thế giới tăng rất nhanh, cùng với việc xâm lấn thiên nhiên, tàn phá môi trường sống của các loài động vật hoang dã, thì ta có thể nói chắc rằng, nhịp độ các cơn đại dịch xảy ra sẽ ngày càng tăng chứ không giảm.

“Một xã hội mà không có trường học thì không còn là một xã hội nữa!”. Một lập luận như thế đã được đưa ra ở châu Âu trong các cuộc bàn cãi sôi nổi. “Nhất thiết phải mở lại cửa trường!”. Có lẽ ở nhiều nước khác, câu nói đó cũng đã, hay sẽ được đưa ra. Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đồng ý như vậy: “Không thể không có trường học!”. Nhưng chúng ta sẽ tính sao đây khi virus lại cứ khăng khăng nói: “Không”?

Có lẽ đã đến lúc loài người chúng ta cần phải đặt lại câu hỏi một cách căn bản hơn, kỳ cùng hơn: Học là để làm gì? Và như vậy, nên học cái gì? Liệu ta có còn nghĩ học chủ yếu là để có cái “cần câu cơm” (và thế là khi có cần câu rồi thì không cần học nữa)? Liệu ta có còn nghĩ, học là để công thành danh toại, nghĩa là chủ yếu để thành đạt, để có sự nghiệp, để vinh thân phì gia, để làm giàu cho bản thân, gia đình, đất nước? Và về phía người dạy, tức là các nhà giáo dục, các phụ huynh, các chính quyền: dạy học có phải là “luyện gà chọi” không?

Hay đã đến lúc chúng ta phải nghĩ rằng, học là để loài người “biết cách sống”, để được cùng nhau sống sót và sống còn, trong một vũ trụ bí ẩn mà sự hiểu biết của chúng ta về nó còn rất nhỏ nhoi, rất ít ỏi?

Loài người chúng ta đang bước vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, như một khúc quanh quyết liệt của lịch sử. Chúng ta chỉ có thể ra khỏi đó rồi trở nên tốt hơn, hoặc tệ hơn, chứ không còn có thể trở lại nếp sống cũ được nữa.

Cách đây hai năm, trường học các nơi vẫn mở cửa bình thường, nhưng chính bọn trẻ lại mở ra phong trào “bãi trường”, “bãi học”. Chúng bỏ học, xuống đường mỗi ngày thứ Sáu, để biểu tình đòi hỏi “người lớn” phải có trách nhiệm bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất. Chúng ý thức về mối họa Biến đổi Khí hậu. Chúng nói rằng, nhất thiết loài người phải thay đổi lối sống. Phải nhanh lên! Phải gấp lên! Bởi “quý vị sẽ chết vì tuổi già, còn chúng con sẽ chết vì Trái Đất nóng dần lên!”.

Ảnh: Tuần biểu tình thứ 107 của các em học sinh Thụy Điển phong trào Fridays For Future. Nguồn: Facebook Greta Thunberg

Lớp trẻ có khả năng “tiên tri”, khả năng hướng tới, cảm nhận và phác họa Tương Lai. Khả năng đó, chúng ta đã đánh mất vì để mình bị giam cầm trong những thói quen, những quán tính, những định kiến, những tham vọng và những hận thù tủn mủn tầm thường của Quá Khứ và Hiện Tại.

Ngày tựu trường năm nay, thiết nghĩ là ngày mà tất cả “người lớn” chúng ta phải suy ngẫm lại về thế giới mà sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ phải rời xa vĩnh viễn, và để lại nó cho thế hệ con em chúng ta! Trái Đất này không phải của chúng ta. Chúng ta chỉ vay mượn nó để sống, và rồi chúng ta phải trả lại nó tốt lành nguyên vẹn cho các thế hệ đến sau.

Bài Mới Nhất
Search