T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hồng Ân: KHÚC SÔNG CHIA

Bình minh trên bãi – Tranh: Mai Tâm

           Ông tin sông có thịt không? Người đàn bà chỉ tay ra dòng sông, hỏi tôi điều đó. Tôi lắc đầu, ngó bà chằm chặp. Đôi mắt đỏ chạch. Tóc xơ xác xõa dài. Và khuôn mặt lơ láo, chứng tỏ bà là người không bình thường. Vậy mà có cái gì đó bắt buộc tôi dừng lại, bắt buộc chiếc ghe tôi ghé bến, cột dây, rồi lóc cóc lên bờ.

Mảnh vườn của người đàn bà dài thòng thọc. Cây đâm đất tủa trái. Cành tức nhánh trổ bông. Rễ này luồn rễ kia, bám da vườn trỗi dậy. Nước từ sông đổ vô man mác, chảy ngập mương, lôi theo tôm cá róc rách. Mảnh vườn rộng, người đàn bà lại thu hẹp cuộc sống. Túp lều bình dị, nhỏ nhoi như bóng dáng bà. Tôi phải bắt ghế ra sân, vừa nghe bà nói, vừa uống từng ngụm nước mưa bà múc trong chiếc gàu bằng gáo dừa.

Người có thịt. Thú có thịt. Vật có thịt. Gỗ có thịt thì sông cũng có thịt. Thịt là thân thể. Thân thể người. Thân thể thú. Thân thể vật. Thân thể gỗ. Thân thể sông. Thân thể nào mang thương tích, chắc chắn sẽ đau đớn khôn cùng. Không tin, ông cứ ở lại đây. Rồi ông sẽ trải nghiệm được điều đó.

Tôi là kẻ trôi sông lạc chợ. Khi chợ đã chiều, sông trôi đã ngán, đành tìm bến đỗ nghỉ chân. Bến đỗ sẵn có người lo, dại chi bỏ lỡ cơ hội. Cuối mảnh vườn phì nhiêu, còn dư một thẻo đất phún đầy cỏ tranh. Nơi đây là đất lành, chim tha hồ đậu. Tôi bỏ vài ngày làm cỏ tranh. Dao vừa chém cỏ, vừa bới đất tìm rễ. Rễ tranh mập ú, trắng ngần. Gom lại, phơi dốt dốt chừng ba nắng, cho vô nồi nấu nước uống, bảo đảm không mát gan cũng lợi thận. Chỉ cần một tuần cật lực, tôi đã có túp lều xinh xắn. Cửa lều ngó ra sông. Mùa trăng, sông lung linh huyền ảo, như cảnh trong thiên đường.

Lều tôi cách lều người đàn bà bằng bề ngang mảnh vườn. Muốn tới lều bà, tôi phải chui qua hàng cam trĩu trái. Khéo léo lắm, tôi mới tránh khỏi những trái cam bự bằng nắm tay, sẵn sàng đập kìn kịt  vô đầu. Chui qua chui lại, chui tới chui lui, riết rồi tôi và người đàn bà trở thành đôi bạn chí thân lúc nào không hay. Chí thân, nhưng không có chuyện lộn xộn về tình cảm. Dường như chúng tôi đều có riêng một trái tim lạnh lùng, không dễ gì rung động bởi một trắc ẩn nào.

Ngày tháng trôi dần, tôi vẫn chưa cảm nghiệm được điều bà nói về dòng sông, mặc dù tôi và sông đã gắn bó với nhau từ lúc còn là trẻ thơ. Lớn lên, xuôi ngược trăm chiều, sông cũng là người bạn đồng hành dễ thương nhất. Với tôi, sông không có thịt, không có thân thể. Vì nếu có xác thì phải nói đến dục vọng, đến cái chết, đến sự phân hủy thường tình. Sông chỉ có hồn thiêng, nên sông sống mãi, vang vọng đến muôn đời. Nhưng trải nghiệm của tôi bị người đàn bà cho là non nớt. Bà phản bác tới cùng.

– Sông cũng như con người. Nó khóc lóc, thét gào khi đau khổ. Bướng bỉnh, ương ngạnh khi giận dữ. Hiền hòa, trữ tình khi yêu thương. Con người có thân xác, có tâm hồn. Sông cũng vậy. Nó cũng sống và chết theo số phần. Không vang vọng muôn đời như ông nghĩ đâu?

Tôi buồn quá. Lần đầu tiên, có người đàn bà bắt tôi phải cùng chung ý nghĩ với họ. Ngày xưa, tôi bỏ đất xuống sông, cũng vì đàn bà. Bây giờ, tôi bỏ sông lên đất, cũng vì đàn bà sao? Thất vọng, tôi cúi xuống cây guitar. Tôi dạo Nam Ai. Tôi nhấn, tôi rung đến tận cùng âm tiết. Sáu câu vọng cổ chạy sau. Hò, xự, xang, xê, cống, líu, ú đẩy nhau bay bổng lên cao, đâm thấu mây trời. Rồi bỗng chốc, chúng va mạnh vào nhau, loảng xoảng vỡ tan. Mảnh vụn âm thanh lả tả rơi rào rào xuống dòng sông, dưới ánh sáng thê lương của con trăng mười bảy.

Tiếng vỗ tay vang vang đằng sau bờ cam, khiến phím đàn tôi khựng lại, ngơ ngác giây lát. Dưới ánh trăng huyền ảo, xuất hiện một cô gái tóc dài. Cô bước nhẹ đến người đàn bà, khoanh tay lễ phép.

– Con chào cô. Con ra đây để nghe đàn. Tiếng đàn xé ruột xẻ gan, làm con cầm lòng không đặng.

Người đàn bà thở dài, rồi đứng lên, tiến thẳng vô lều. Tôi dẹp đàn, hất ly nước cặn xuống bờ cỏ, định chui qua bờ cam về lều mình.

– Khoan. Hãy để em khen anh một tiếng, rồi …muốn đi đâu thì đi.

Tôi xoay mặt qua cô gái. Ánh trăng vờn quanh dáng cô, soi sáng nụ cười. Ôi, nụ cười thương yêu, nụ cười mà mấy mươi năm trôi sông lạc chợ, tôi chưa hề bắt gặp. Nụ cười dường thôi miên tôi, hút tôi lảo đảo, xoay tròn.

– Cô từ đâu đến vậy?

– Nhà em ở sau mảnh vườn này, nên mỗi khi anh đàn, em nghe rõ lắm. Anh có biết em thích cổ nhạc lắm không? Em đã từng trốn nhà, đi theo gánh hát.

– Và tiếng đàn tôi đã làm cô nhớ lại ánh đèn sân khấu?

– Không hẳn vậy. Anh đàn mùi quá! Người nghe muốn rụng cả trái tim.

– Cô khen quá lời. Nhưng thôi, bây giờ khuya rồi. Cô về ngủ đi. Hẹn gặp lại sau.

Từ lúc quen cô gái, tiếng đàn tôi không còn não nuột nữa. Nó trở nên vui tươi và xôn xao như nụ cười dễ thương của nàng. Người đàn bà, có lẽ, biết được điều này, nên thường trách tôi gần sông mà chưa hiểu được sông, vội tơ tưởng đến trăng sao vòi vọi. Trách thì trách, làm sao bây giờ? Ai cũng có những khoảnh khắc riêng trong đời sống, và ở khoảnh khắc riêng đó, người ta có quyền tự do tơ tưởng chứ?

Quen cô gái, nhưng ơn nghĩa của người đàn bà tôi mãi mang nặng. Không có bà, chắc chắn, cho đến hôm nay, tôi vẫn còn lang thang trên sóng nước muôn trùng. Túp lều, bà và cô gái. Và những mùa trăng ngồi nhìn sông với bà. Không có mảnh vườn này, tôi như con chim bay hoài không đất đậu? Tuy nhiên, trải nghiệm về sông, hiểu theo ý bà, tôi vẫn chưa thấu được. Có thật sự bà bất bình thường hay vượt khỏi cái tầm thường của thiên hạ? Rồi cho tới một hôm, tôi đem nỗi băn khoăn này san sẻ cùng cô gái.

– Anh không thấy sao? Mảnh vườn rộng lớn như vậy mà chỉ có một mình cô sống vò võ âm thầm? Bà em kể lại, hồi chiến tranh, ba mẹ cô bị máy bay Mỹ bắn chết trên khúc sông này. Rồi vài năm sau, chồng cô đi lính hải quân, ổng lại bị việt cộng phục kích bắn chết cũng trên khúc sông này. Nỗi đau cùng tận như vậy, thì sông là ấn tượng sâu đậm với cô, là lẽ đương nhiên.

– Mỹ giết cha mẹ bà. Việt cộng giết chồng bà. Vậy bà đứng về phe nào? kẻ thù là ai?

– Em nghĩ, kẻ thù đích thực là chiến tranh, là con người. Con người nhân danh chủ nghĩa này chủ thuyết nọ để sát hại lẫn nhau.

Tôi gật gù. Cô gái nghĩ về chiến tranh rất chính xác. Vậy mà ngày gặp đầu tiên, tôi cứ ngỡ cô là phường xướng ca vô loại, dám trốn nhà để theo gánh cải lương? Bây giờ, biết cô không phải là hạng tầm thường, tôi đem những trải nghiệm về sông của người đàn bà ra phơi bày.

– Mấy chục năm lăn lộn với sông, tôi tưởng sông chỉ là dòng chảy, là nguồn nước tự nhiên của thiên nhiên. Nhưng đối với bà, sông có đời sống riêng của nó, có thân thể và có cả số phần. Cô nghĩ sao về ý niệm này?

Cô gái kéo tôi ra cửa lều, đưa ngón tay chỉ dòng sông, thầm thì.

– Anh có thấy chiếc xáng cạp ngoài kia không? Họ đang múc cát dưới đáy sông để bán cho thiên hạ lấp mương, xây nhà, lấn đất, trồng trọt…Anh có biết hiện nay có bao nhiêu xáng cạp làm công việc này không? Có bao nhiêu người lấy cát đáy sông mưu cầu lợi ích cá nhân không? Số phần của con sông tùy thuộc vào đám người nông nổi đó. Rồi đây, đôi bờ sẽ lở, đất sẽ tuột. Chẳng ai lường trước hậu quả sẽ ra sao?

Tôi gật gù. Ngó cô gái một cách trìu mến. Giữa chốn chợ đông, dễ chi kiếm được một người vợ thông minh như thế này. Tôi có tiếng đàn. Tiếng đàn phù phiếm chỉ chinh phục con người trong phút giây. Nó không có chiều sâu. Nó không thể biến thành sợi dây tình ái để ràng buộc với nhau trong suốt cuộc đời. Tôi chợt nhớ cuốn sách mà tôi đã đọc đâu đây. Cuốn sách nói về các đập thủy điện ngăn sông. Các đập sẽ làm tôm cá mất tăm, nguồn thủy sản vơi dần và sông sẽ giẫy chết vì cạn dòng. Tôi định nói với cô gái về nỗi nhớ này, nhưng cô gái đã tiến sát về phía tôi, nhoẻn miệng cười duyên dáng.

– Anh cứ mãi nói chuyện của người ta. Còn chuyện của mình? Sao anh cứ làm lơ với em hoài vậy?

Chưa kể đến thân thể hấp dẫn, khuôn mặt xinh xắn của cô gái. Chỉ cần nụ cười thôi, tôi đã bị thôi miên, chết điếng mất rồi. Dang rộng đôi tay nuột nà, cô gái thản nhiên ôm chặt thân xác cục mịch của tôi, mơ màng.

– Hôn em đi anh! Em đang cần một tình yêu.

Không kềm được dục vọng, tôi bối rối lần xuống vòm miệng khao khát của cô gái. Chưa kịp đặt lên đó một nụ hôn nồng cháy thì nghe tiếng hét từ đầu cửa bỗng vang lên dữ dội.

– Dừng lại. Các người dừng lại ngay. Đây đâu phải là nơi để các người về đây diễn trò trăng hoa, bưởi bồng.

Cô gái hoảng hốt, buông rơi đôi tay, rồi cuống cuồng bỏ chạy ra mảnh vườn. Còn lại, vừa xấu hổ vừa tan nát tâm cang, tôi giống một thân cây bị đốn gốc, từ từ khụy xuống trước mặt người đàn bà.

Đêm trăng, ánh sáng huyền ảo mơ màng rơi xuống mảnh vườn. Tôi ngồi chờ nước lớn, vác hành lý xuống ghe, giã từ nơi đây. Hai ngày nay, đêm nào tôi cũng trằn trọc suốt đêm, rối bời gan ruột. Cô gái đã bỏ đi, mất biệt. Người đàn bà thì rút trong lều, không cho tôi có cơ hội giãi bày. Định mệnh trớ trêu bắt đời tôi lập đi lập lại mãi điệp khúc “lên bờ xuống sông” vì đàn bà. Nước bắt đầu lớn. Gió hú từ xa. Sông xô sóng bập bềnh. Tôi định ôm đàn dạo bản chia ly, để ai đó có thể hiểu nỗi lòng tôi trong phút cuối. Nhưng, đàn tự dưng khựng lại, vì dưới ánh trăng lung linh, tôi bỗng thấy người đàn bà lững thững đi ra bến sông. Bà dừng lại ở cuối cầu. Bộ bà ba phất phới theo gió, trắng xóa, nổi bật lên màn đêm. Nước đang dâng tràn. Nước trào vô mương lõm tõm. Nước ngập bến sông, khỏa mất cây cầu. Hai chân bà dìm trong nước. Dáng bà phất phơ, gờn gợn giống trong cảnh liêu trai. Rồi bỗng dưng tôi thấy bà múa may, quay cuồng. Trời ơi! Có phải bà đang cùng sông khiêu vũ, cùng hòa nhập theo thân xác sông, chìm đắm trong nỗi đau, trong thương tích của sông? Hay bà đang nhảy múa với âm binh, với những oan hồn uổng tử bỏ mạng nơi này? Chưa kịp phân định rõ ràng, tôi đã thấy bà nhào ùm xuống nước, tan biến vào lòng sông thăm thẳm. Tôi điếng hồn, quăng vội cây đàn, cắm đầu chạy thục mạng ra bến sông. Tôi lội bì bõm ra cầu, phóng thẳng xuống dòng nước bạc màu. Tôi lặn một mạch xuống đáy, lục lạo khắp nơi, nhưng vẫn không tìm thấy  bà. Tức quá, tôi tiếp tục trồi lên lấy hơi, rồi lại hụp sâu mò mẫm. Tất cả đều êm vắng, lạnh lùng. Tất cả đều bình thường, dường như dòng sông thản nhiên không biết gì đến một người vừa lao đầu xuống đây. Đau đớn quá, tôi ngồi bẹp xuống bến sông, sòng sọc ngó thẳng vào bóng đêm, hét lớn. Tôi hét đến khô họng, đến nghẹn tim, hét đến con trăng phải sợ hãi, ôm mặt lặn mất từ lúc nào?

Mảnh vườn nhỏ dần. Hai túp lều chỉ còn là hai cái chấm mờ nhạt. Thế mà tôi vẫn quẫy chèo ngó mãi về sau, luyến lưu, thương tiếc. Kỳ này, tôi nhất định sang bờ bên kia lập nghiệp. Tôi muốn đi thật xa, rời bỏ quá khứ đau buồn, xóa tan mối tình chưa nở vội tàn. Chiếc ghe đã ra hơn nửa sông, đang xuôi theo nước về bến mới, tiếp tục cuộc đời nước sông gạo chợ. Chợt, trời âm u mù mịt. Mây đen kéo xám sông. Gió nổi lên dồn dập, đẩy sóng vỗ tung tóe. Mưa trút xuống như thác đổ. Tôi cố kềm lái, nhưng chiếc ghe cứ quay tròn. Tôi cố nhìn về đằng trước định hướng, nhưng chỉ thấy một màn mưa nhòa nhạt và làn sóng bạc đầu đang rầm rập tiến tới. Rồi, làn sóng hất tung chiếc ghe tôi bay cao, lộn ngược về phía sau. Cuối cùng, nó vỡ toang ra từng mảng. Tôi như chiếc lá lìa cành, rớt nhẹ nhàng xuống biển nước muôn trùng.

Vẫy vùng với sóng gió một chập, tôi đuối sức, tuyệt vọng. May vớ được mảnh ván chiếc ghe, tôi tựa thân vào đó, bơi tới. Rồi, đến một lúc, sức cũng phải cùng, lực cũng phải tận, tôi buông mảnh ván ra khỏi tay, lặng lẽ chìm xuống dòng nước. Trong những giây phút cuối của cuộc sống, tôi bỗng nghe oang oang tiếng nói ồ ề phát ra từ đáy sông.

   -” Bây giờ mày mới thấy rõ sức mạnh của tau, phải không? Bây giờ mày mới sáng mắt chấp nhận tau có thân thể. Một thân thể sông. Vì nếu không có thân thể thì làm gì có sức mạnh? Bấy lâu nay, tụi bây thay phiên nhau gây thương tích trên thân thể tau, khiến tau đau đớn vô cùng. Tau cũng muốn có đời sống riêng, muốn hạnh phúc như chúng mày. Nhưng suốt đời, tau mãi đứng đây dang đôi tay ra để hứng chịu những lằn roi khốn nạn do chúng mày trút xuống. Chúng mày có thấy như vậy không…không…không???”

Từ đáy sâu, tiếng nói xoáy theo nước, tạo thành vũng écho, cuốn hút tôi vào giữa. Rồi, nó hất bổng tôi lên mặt sông. Cứ thế, tôi chìm xuống nổi lên theo vòng xoáy âm thanh rợn người này. Sau đó, trên mặt sông mờ ảo, người đàn bà hiện ra cùng với một đoàn âm binh nhòa nhạt. Họ vây chặt lấy tôi, gào thét, cùng nhau xô tôi ngã lăn về phía trước. Tôi thấy tôi hụt hẩng và rơi tõm xuống một vực sâu.

Mùi bùn non, mùi rác rến, mùi sình thối của xác thú vật…thi nhau xộc vào mũi tôi, khiến tôi cựa mình tỉnh dậy. Ánh nắng chói lòa, bừng sáng nơi chỗ tôi nằm, nhưng vẫn không xua tan cái lạnh đang rét mướt trong thân xác. Quần áo tôi tả tơi, ướt sũng. Đầu tôi đang lót trên đống phân người, chèm nhẹp và bẩn thỉu không thể tưởng. Xung quanh tôi là đống phế thải, những cục bầy nhầy dơ dáy tôi chưa từng gặp bao giờ. Có thể đó là những chất cặn bã hóa học, người ta cố tình tuôn ra từ nhà máy nào đó. Có thể đó là bào thai tội lỗi, người ta tàn ác móc ra từ tử cung người đàn bà nhẹ dạ. Tôi chợt nhớ đến tai nạn đêm qua, đến cơn mê. Ở đó có tiếng nói của sông, có hình ảnh người đàn bà và đoàn âm binh múa may quay cuồng. Chính những ấn tượng kỳ lạ này, làm thay đổi ý tưởng về sông trong tôi.

Phải, người đàn bà nói đúng. Sông cũng có thân thể, có số phần. Và hiện tại, sông đang bị đầu độc, bị thảm sát vì những toan tính ngu dốt của loài người.

 

PHẠM HỒNG ÂN

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search