T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phật giáo Việt Nam sẽ hồi sinh?

Jackhammer Nguyễn

Hai tuần trước, Tiếng Dân có đăng loạt bài nhiều kỳ: “Pháp nạn – Ma chướng trong chế độ Cộng sản”, của ông Chu Sơn, một cựu “cán binh cộng sản”. Loạt bài này, ông cung cấp những tư liệu, với nhiều chi tiết về những gì xung quanh “phong trào” Phật giáo Việt Nam từ năm 1954 đến nay, một dòng chảy từ cuồng nộ cho đến thời lụi tàn của nó hôm nay, điều mà ông gọi là Pháp nạn.

Có hai điều rút ra sau khi tôi đọc xong loạt bài này. Thứ nhất, hiểu rõ được thân phận của thiền sư Thích Trí Quang, và thế đứng giữa hai dòng nước của Phật giáo Việt Nam.

Giải oan cho một thiền sư

Hòa thượng Thích Trí Quang là một nhân vật đặc biệt của lịch sử Việt Nam hiện đại. Ông là thủ lãnh của phong trào phản chiến Phật giáo, chống bức hại Phật giáo từ thời chính phủ Ngô Đình Diệm, cho đến khi bị chính quyền cộng sản quản thúc vài năm sau 1975.

Hòa thượng Trí Quang từng làm hao tốn bao mút mực của giới báo chí Âu – Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Sau năm 1975, người ta không nghe đến ông nữa. Từ đó, dấy lên những đồn đoán rằng, ông là “cộng sản nằm vùng”, nhẹ hơn là “bị cộng sản giật dây”… làm sụp đổ miền Nam Việt Nam.

Tư liệu của ông Chu Sơn, dẫn lời Trần Bạch Đằng, một tay cách mạng cộng sản lão thành, cho thấy rằng những lời đồn đoán đó đều sai. Trần Bạch Đằng cho rằng, hòa thượng Trí Quang là người được gián điệp Mỹ gầy dựng nên (sic) và có thái độ rất hằn học với hòa thượng.

Ứng xử của những nhà lãnh đạo cộng sản sau năm 1975, theo tài liệu của ông Chu Sơn, cho thấy, họ sợ vai trò của hòa thượng đối với chế độ toàn trị của họ như thế nào. Tư liệu của ông Chu Sơn khẳng định quan điểm của một viên tướng Việt Nam Cộng hòa là ông Đỗ Mậu. Trong hồi ký của mình, ông Đỗ Mậu khẳng định những đồn đoán rằng, Thích Trí Quang làm tay sai cho cộng sản là sai.

Khoảng năm 2000, hòa thượng Trí Quang có viết một quyển hồi ký. Đọc quyển hồi ký ấy, người đọc tinh ý sẽ thấy rằng, hòa thượng Trí Quang không hề mơ hồ về những người cộng sản, mà ông đã biết rõ về họ từ những ngày đầu tiên tham gia kháng chiến chống Pháp.

Xâu chuỗi lại những sự kiện, những thông tin mà chúng ta có ngày càng nhiều, với một khoảng thời gian lùi lại hơn nửa thế kỷ, có thể thấy rằng, Thích Trí Quang mong muốn xây dựng một miền Nam không cộng sản và lành mạnh, không độc tài. Chỉ có như vậy mới mong chống lại được cộng sản ở Việt Nam.

Cố gắng của ông bất thành, nó chỉ đạt được mong muốn nhỏ bé của nhà sư xuyên suốt quyển hồi ký của ông, giải thích những hành động của mình là để nói với hậu thế rằng, nước Việt “từng” có Phật giáo, “để còn có một chút này”, theo nguyên văn lời ông.

Giữa hai dòng nước

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt sống ở Mỹ có viết rằng, người cầm bút nào bị cả hai phe đối nghịch chỉ trích, mắng chửi, thì đó là dấu hiệu người ấy đã đi đúng đường. Người cầm bút đúng đắn nên đứng giữa hai giòng nước.

Phật giáo Việt Nam từ sau năm 1954 đến lúc những hòa thượng tên tuổi cuối cùng của giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất viên tịch, cũng đứng giữa hai dòng nước. Có những nhà sư bị tù đày từ chế độ Việt Nam Cộng hòa, sang chế độ Việt Nam Cộng sản.

Nhưng con đường giữa hai dòng nước của Nguyễn Thanh Việt có vẻ ngày càng khởi sắc hơn trong thể chế dân chủ.

Phật giáo Việt Nam xem như tàn lụi. Pháp nạn bắt đầu bằng dụ số 10 thời Ngô Đình Diệm, và đến những năm đầu của thế kỷ 21 thì Phật giáo tại Việt Nam xem như kết thúc, bằng những thủ đoạn của nhà nước cộng sản.

Cái gọi là Phật giáo ở Việt Nam hiện nay gói gọn trong bốn chữ “Phật to Chùa lớn”. Phật giáo Việt Nam chỉ còn có hình hài, và bên trong của nó là một loại mê tín dị đoan, nhũng lạm của tầng lớp sư sãi. Phật giáo quốc doanh xem như thống lĩnh toàn bộ chùa chiền trên cả nước, trong đó, không ít điện thờ Phật có cả tượng Hồ Chí Minh.

Những người được gọi là “truyền thừa” của giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng không khá gì hơn. Sau khi các vị Trí Quang, Huyền Quang và Quảng Độ viên tịch, gương mặt được xem là đại diện cho phong trào Phật giáo phản kháng cộng sản như thượng tọa Thích Không Tánh, lại là một người tin vào thuyết âm mưu QAnon bên Mỹ, liên tục phát biểu chỉ trích cuộc bầu cử năm 2020 ở Mỹ là gian lận. Thích Không Tánh không phải là một biệt lệ trong tầng lớp sư sãi ở Việt Nam hiện nay.

Có cả những Thích Không Tánh tại hải ngoại và tình trạng Phật to chùa lớn cũng không tránh khỏi cộng đồng người Việt hải ngoại, nơi đáng lẽ phải là thành trì cuối cùng của dòng suối Phật giáo dân tộc hơn ngàn năm qua.

Sinh, trụ, dị, diệt, bốn giai đoạn của sự sống theo quan niệm của Phật giáo, có lẽ cũng ứng vào chính Phật giáo Việt Nam hay chăng?

Vô thần hay hữu thần và sự hồi sinh

Có người bảo rằng, sự tàn lụi của Phật giáo Việt Nam hiện nay là chiến thắng của học thuyết cộng sản vô thần. Tôi không nghĩ như thế.

Cộng sản thật ra chỉ là một đứa con lạc loài của truyền thống Do Thái Ki Tô từ phương Tây. Nó đã thất bại ở phương Tây và cái gọi là cộng sản ở Đông Á, trong đó có Việt Nam, thật sự chỉ là sự lai tạp giữa hai hệ thống áp bức: Một là di sản của phong kiến hủ nho Đông Á và hai là hệ thống công an trị phản động nổi lên ở phương Tây đầu thế kỷ 10, phát xít ở Đức và toàn trị theo mô hình Lenin ở Nga.

Hệ thống lai tạp ở Đông Á hiện nay không có một định chế tinh thần nào, nên khó mà gọi nó là vô thần hay hữu thần. Đó là về hệ thống, còn về con người thì đa số những người cầm quyền mang tên cộng sản ở Việt Nam hiện nay, là những kẻ đầy mê tín dị đoan.

Phật giáo, nhìn từ một góc cạnh triết học không phải là một tôn giáo hữu thần, quan niệm không có thượng đế.

Ở Việt Nam, Phật giáo không chỉ bị đàn áp mới đây, mà từ ngàn năm trước, các nhà sư thời Lê Long Đỉnh từng bị róc mía trên đầu. Phật giáo thịnh lên ở thời Lý – Trần, với nhiều vị quốc sư và có lẽ cái mầm suy vi cũng bắt đầu từ đó, khi tôn giáo triết học này bắt đầu dính líu nhiều vào chính trị, cũng tương tự Phật giáo Tây Tạng, nơi thần quyền và thế quyền xoắn xít với nhau, gây ra những vụ bê bối, tạo nhiều di hại về sau (vụ giấu nhẹm cái chết của một vị Lạt Ma nhiều quyền lực, chẳng hạn).

Đầu bài viết này, tôi viết chữ “phong trào” Phật giáo trong ngoặc kép, vì đã là phong trào thì phải có lúc lụi tàn.

Tôi không cho rằng Phật giáo ở Việt Nam là một phong trào. Nó có thể sinh, trụ, dị, diệt, nhưng trong cái dòng vô thủy vô chung của vũ trụ, nó lại sẽ hồi sinh. Phật giáo đã từng hồi sinh ở Tây Tạng vào thế kỷ 11, ở Việt Nam với những cố gắng chấn hưng Phật giáo tại miền Trung thời Pháp thuộc.

Cái yếu điểm của Phật giáo là nó không có một cơ cấu giáo hội chặt chẽ như các tôn giáo khác, nhưng đó cũng sẽ là một thế mạnh của nó, với những mầm Phật giáo ở khắp nơi, không chịu một sự áp chế tinh thần Chùa to Phật lớn nào, sẽ hồi sinh.

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search