T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Chứng nhân lịch sử

 

Ảnh: Báo Dân Trí

Nguyễn Thùy Dương

Hôm nay, ngày đầu tiên Sài Gòn im lìm một cách mị hoặc. Ngoài kia, có lẽ chỉ có những cậu lính trẻ cùng với các viên sĩ quan, công an và các lực lượng phòng chống dịch đang làm nhiệm vụ.

Chúng ta là một lớp Nhân Dân trong muôn vạn lớp Nhân Dân đã nằm xuống. Rồi một ngày, chúng ta cũng nằm xuống như vạn lớp Nhân Dân đã qua, để xếp tiếp vào lịch sử thăm thẳm một vết hằn năm tháng. Và hôm nay, chúng ta thật sự đang sống trong thời khắc lịch sử. Mỗi người sẽ có cảm nhận riêng, trải nghiệm riêng về những ngày tháng đã, đang và sẽ qua.

Cô gái trẻ tha hương sẽ kể với đứa con dâu của mình trong tương lai. Mấy mươi năm trước, má với ba con cùng nhau cơm trắng, nước tương mì gói qua ngày trong căn phòng trọ cũ.

Hay một chị nội trợ hôm nay, mấy mươi năm sau, kể cho cháu nghe về cái ngày quá khứ. Trước khi Sài Gòn im lìm, bà nội đã “xông pha” siêu thị khiêng bao nhiêu đồ ăn về cho cả nhà. Ta nói không khí nó tấp nập, hối hả, siêu thị lên đồ lia lịa.

Mấy bạn bán hàng online cũng có kỷ niệm để kể với sấp nhỏ sau này. Bạn bán hết hàng trước 6h chiều thì đếm tiền, dọn dẹp nghỉ khỏe. Bạn nào lên hàng muộn thì coi như bỏ.

Cậu lính trẻ vác hành trang lần đầu được bước chân tới Hòn Ngọc Viễn Đông, cũng là ngày chẳng gặp được Kiều Nguyệt Nga nào ngoài mấy cô làm nhiệm vụ. Mặt mũi giấu sau lớp khẩu trang. Mấy mươi năm sau, cậu lính thành ông già, ngồi kể lại: Năm đó, tao đi Sài Gòn cùng chung tay chống dịch.

Trưa ngày 22/8, tôi dẫn con gái về nhà. Tôi chở con sau xe đi một vòng mua vài món đồ cần thiết. Sẵn tiện đứng lại một góc đường, tôi chỉ cho con thấy từng lọn kẽm gai chắn ngang các con hẻm, những chốt kiểm soát của Phường Đội, Công An, Đoàn Thanh Niên. Tôi hi vọng rằng, con gái sẽ có cho riêng nó một trải nghiệm đúng nghĩa về những thời khắc lịch sử đang diễn ra. Con đường tới trường bị chắn ngang bằng một phanh kẽm gai lớn.

Con tôi hỏi: Mẹ ơi! Hai tuần nữa hết dịch không Mẹ?

Tôi nói: Mẹ không biết. Mẹ hi vọng là hết, Mẹ hi vọng là con, các bạn của con sẽ không bị nhiễm bệnh vì không có vaccine cho trẻ em. Nhưng Mẹ không biết, người ta sẽ tách F0 ra khỏi cộng đồng? Hay tách cộng đồng ra khỏi F0 nếu người bị nhiễm bằng hoặc hơn số lượng người không bị nhiễm?

Con gái có vẻ không hiểu những gì tôi đang nói. Dĩ nhiên, trải nghiệm, lẫn trí nhớ của tôi và con gái cũng sẽ rất khác nhau về sự kiện này.

Đêm qua, mưa đá kèm giông lớn kéo tới. Tôi chợt nghĩ tới cái lư hương của ông Trần Hưng Đạo. Hưng Đạo Vương chỉ huy ba quân, sinh tử cùng ba quân giữ gìn bờ cõi. Ông đâu phải chỉ là tướng nhà Trần, ông là Tướng, Tướng của lớp lớp quân binh. Nếu ai trả lại cho tôn tượng ông bên bờ sông Sài Gòn cái lư hương thì hay quá!

Dĩ nhiên, trong những sợi dây hi vọng bị bào mòn qua nhiều lần chỉ thị dồn dập, tôi vẫn hi vọng dịch sẽ qua đi để chúng ta quay lại đời sống thường nhật bình an.

Tôi chúc bà con may mắn vượt qua Đại dịch, may mắn không đau thương, đói khổ khổ sở. Chúc lực lượng chống dịch sẽ thành công giúp Nhân Dân vượt qua khó khăn lần này.

Đặc biệt, chị chúc mấy chú quân nhân trẻ sẽ được cống hiến hết sức cho Dân khi Dân cần, có những trải nghiệm tròn đầy làm hành trang đẹp đẽ về sau. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.

Có thể các em sẽ chứng kiến cảnh thê lương, hoặc ngập ngừng trước cơn cáu giận của dân. Chị mong mấy đứa sẽ thương dân như thương cha mẹ, người nhà. Trước khi mấy đứa tới, họ đã trải qua rất nhiều khó khăn mất mát rồi. Chị cũng thương mấy đứa, như thương 4 đứa em trai của chị vậy.

Tận sâu trong thâm tâm, tôi mong rằng, chúng ta không phải tiếp tục trả giá cho dịch giã bằng những túi xác đau thương.

(Nguồn: báo Tiếng Dân)

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search