T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Cười Với Milan Kundera Qua ‘Cái Cười & Sự Lãng Quên’ Do Trịnh Y Thư Dịch

Nhà văn Milan Kundera. (nguồn: www.en.wikipedia.org)
(Nguồn: Việt Báo VHNT)

“Tôi bảo cô em tôi, hoặc có thể nó bảo tôi, lại đây mình chơi trò cười nhé? Chúng tôi nằm sát nhau trên giường và bắt đầu trò chơi. Giả vờ, dĩ nhiên. Bắt phải cười. Cái cười buồn cười. Cái cười buồn cười đến nỗi nó khiến chúng tôi phải cười. Thế rồi tiếng cười thật sự ùa đến, cười điên dại, cười như nắc nẻ, hai chúng tôi như bị cuốn vào cơn triều cường khủng khiếp của cái cười. Cười phá lên từng tràng, cười hối hả, cười sằng sặc, cười không kềm hãm được, cười thỏa chí, cười tung hê, cười điên dại… Chúng tôi cười đến tận cùng của cái cười… Ôi, cười! Cười thích lắm, chẳng có gì thích bằng cười; cười là sống một cách sâu sắc.” (“Tập Sách Cái Cười & Sự Lãng Quên” trang 103)

Quả thế. Một cách tương đối, ở trên thế gian này cười là mặt phản diện của đau khổ. Vì thế, “chẳng có gì thích bằng cười,” như nhà văn Milan Kundera đã viết và Trịnh Y Thư đã dịch sang tiếng Việt trong cuốn tiểu thuyết “Tập Sách Cái Cười & Sự Lãng Quên” vừa mới được Nhà Xuất Bản Văn Học Press ấn hành vào tháng 7 năm 2021 tại California, Hoa Kỳ.

Doc-Cai-Cuoi-va-Su-Lang-Quen-02

Hình bìa Tập Sách Cái Cười & Sự Lãng Quên
Nhưng đừng tưởng nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera đang đùa giỡn với cái cười. Không. Ông không đùa giỡn chút nào cả, ngay dù khi miệng ông, mắt ông, và cả người ông đang lắc lư và điên dại vì cười. Ông rất trịnh trọng nó và xem nó như một cách sống sâu sắc.

“Cười? Người ta đã có ai quan tâm đến cười không nhỉ? Tôi muốn nói cười thật sự, vượt trên đùa bỡn, giễu cợt, chế nhạo. Cười là một cảm giác vô cùng vui thích, một thú vị tột cùng…” (tr. 103)

Đọc đoạn văn trên của Kundera làm tôi giật mình! Dường như xưa nay người ta chỉ cười mà không ai, kể cả tôi, có ý nghĩ “quan tâm” đến cái cười. Nhưng ông nhà văn này thì khác, mà có lẽ đây cũng chính là một trong những điểm đặc biệt của ông khiến cho nhà thơ Trịnh Y Thư phải tạm ngưng làm thơ để dịch cuốn tiểu thuyết này của ông. Tôi nghĩ thế. Nhận định về cái cười trong tiểu thuyết của Kundera, Trịnh Y Thư viết như sau:

“Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tính hài (và ở chừng mức nào đó, châm biếm) thấm đẫm trong văn ông. Kỳ thực, đối với ông, hài là một thuộc tính bất khả tách ly của văn chương. Tập sách cái cười và sự lãng quên không thiếu những mạch đoạn khiến cho người đọc cười chảy nước mắt, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta hiểu chủ ý của ông là chọc cười độc giả.” (tr. 18)

Có thể có người sẽ hỏi rằng “quan tâm” đến cái cười là quan tâm làm sao? Chính tôi cũng đã tự hỏi như thế khi đọc đến đó. Và rồi, khi đọc đến đoạn sau đây nơi trang kế tiếp thì tôi đã bắt gặp câu trả lời mang đầy ý nghĩa của cách sống, mà Trịnh Y Thư trong Lời Người Dịch đã cho người đọc một gợi ý về cách sống này của Kundera khi anh viết:

“Để hiểu tính hài của Kundera, ta phải tìm hiểu tính hài trong văn Kafka. Vâng, chính Kafka đã cho ông nguồn cảm hứng bất tận đem tính hài vào văn chương. Kafka lấy mặt nạ của cái khả lý đeo lên cái bất khả lý, trong lúc tuyệt đối duy trì tính chính xác tâm lý, nó khiến tiểu thuyết của ông mang vẻ mê hoặc huyền ảo lạ lùng.” (tr. 18)

Câu trả lời của Kundera mà tôi nói ở trên nằm trong đoạn văn như thế này trong “Cái Cười & Sự Lãng Quên”:

“Tuốt trên cao, tại nóc vòm ngôi đền khoái cảm, là thanh âm tiếng cười, cười là “hạnh phúc ngất ngây, là đỉnh cao chót vót của mọi hoan lạc. Cười vì hoan lạc, hoan lạc vì cười.” Chẳng cần thắc mắc, cười như thế là “vượt trên đùa bỡn, chế nhạo, bỉ báng.” Hai chị em nằm dài trên giường cười không vì lý do nào đặc biệt, chẳng có gì đáng cười, nó chỉ thuần túy là hoan lạc được hiện hữu. Như kẻ đau đớn nối kết tiếng rên la của hắn với thời khắc hiện tại (hoàn toàn tách biệt với quá khứ hay vị lai), kẻ cười là kẻ không có ký ức hoặc ham muốn, bởi tiếng cười từ miệng hắn rơi vào khoảnh khắc hiện tại của thế gian và hắn chỉ cần biết có thế.” (tr. 104,105)

Đọc đoạn văn trên tôi rất đỗi ngạc nhiên và tự hỏi không biết Kundera đã có dịp làm quen với thiền chánh niệm (mindfulness meditation) hay chưa mà sao những điều ông viết trên lại giống với thiền chánh niệm đến thế!

Chánh niệm là tập trung tâm trí vào những gì mình đang làm, là để tâm vào những gì đang xảy ra ngay trước mặt mình, mà không suy nghĩ mông lung đến những gì khác, đến những thứ thuộc quá khứ hay tương lai. Đó là điều mà Kundera gọi “kẻ cười là kẻ không có ký ức hoặc ham muốn.” “Ký ức” là thuộc quá khứ. “Ham muốn” là thuộc trạng thái tâm thức chạy theo những gì mình ưu thích, ham mê. Nó đẩy tâm thức con người chạy khỏi khoảnh khắc hiện tiền. Nó làm cho kẻ cười không tập trung, không để ý đến cái đang cười và vì vậy kẻ cười không thể nào sống trọn vẹn trong cái cười đang diễn ra. Khi kẻ cười có tâm trạng “đùa bỡn, chế nhạo, bỉ báng” thì tâm trạng của hắn không còn tập trung hoàn toàn vào cái cười mà đã chạy đi nơi khác để chú tâm vào sự đùa bỡn, chế nhạo và bỉ báng. Bởi thế, trong lối sống của cái cười, Kundera nói “cười như thế là “vượt trên đùa bỡn, chế nhạo, bỉ báng.”

 

Trong cuốn tiểu thuyết “Cái Cười & Sự Lãng Quên,” — dày 330 trang gồm bảy phần, mà dịch giả Trịnh Y Thư cho là “Gọi mỗi phần là một truyện ngắn cũng đúng, nhưng theo chính Kundera, ta nên xem nó là một tố khúc, như tố khúc âm nhạc gồm bảy hành âm mà mỗi hành âm là một cuộc truy tìm hiện hữu khác nhau,” (tr. 15-16) —  có rất nhiều câu chuyện cười mà Kundera kể làm cho tôi không thể nhịn cười.

Chẳng hạn, trong Phần II Mama, Kundera kể chuyện Mama đến thăm nhà của vợ chồng người con trai là Karel và vợ, Marketa. Vào một đêm nọ, lúc có Eva là bạn của hai vợ chồng đến thăm, tới giờ ngủ, Marketa cứ tưởng là Mama đã đi ngủ nên cô và người bạn gái này mới bày trò. Đó là cái trò làm tình 3 người, gồm chồng Marketa, Eva và Karel. Nhưng trong khi hai người phụ nữ vào phòng tắm để tắm và chuẩn bị các thứ thì Mama, vì còn ấm ức chuyện hồi chiều bà đã bị đứa con trai chỉ ra chỗ mâu thuẫn trong câu chuyện bà kể về lễ ra trường trung học của bà, đi ra khỏi phòng ngủ tính gặp vợ chồng con trai và bạn gái của nó để khéo léo biện minh cho trí nhớ đã hao mòn của bà. Lúc bà đi ra thì gặp thằng con trai Karel đang ngồi một mình ở phòng bên ngoài. Điều buồn cười là anh con trai này đã biết âm mưu của Marketa và Eva muốn bề hội đồng anh tối nay, nhưng anh lại không thấy hứng thú. Anh sợ chăng? Chưa chắc. Nên khi thấy Mama ra thì anh rất vui như thể bà là ân nhân cứu mạng anh trong đêm nay.

“Thấy Mama ra, Karel mừng rỡ như bắt được của. Bà càng sai giờ, sự có mặt của bà ở nhà ngoài càng đúng lúc. Bà chẳng cần xin lỗi bởi Karel đã dồn dập hỏi bà đủ thứ chuyện linh tinh, nào là suốt buổi chiều bà làm gì, bà có gì buồn lòng không, tại sao bà không ra sớm hơn?” (tr. 86)

Câu chuyện tiếp tục với các tình tiết dở khóc dở cười khác, giống như Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều, “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.”

“Lúc này hai người đàn bà đã tắm xong, cười giỡn như con nít, bà nghe tiếng chân chạy ngoài cửa phòng. Eva vào trước, trên người mặc một cái áo thun màu lam dài vừa vặn chạm vùng tam giác cấm đen mượt. Thấy Mama trong phòng, cô khựng lại nhưng không lẽ thoái lui, cô nhìn bà nở nụ cười rồi chạy lại ngồi vào chiếc ghế bành như cố thu vén che đậy thân thể gần như lõa lồ.” (tr. 86)

Đến đây Kundera diễn tả tâm trạng gần như bấn loạn của Karel khi biết Marketa sắp vô phòng với đồ ngủ rất ư khiêu gợi mà anh không biết phải làm gì để ngăn chận cô vợ lại.

“Karel biết Marketa sắp vào, chắc chắn cô cũng mặc đồ ngủ. Và trong ngôn ngữ phòng the của vợ chồng thì đồ ngủ là một sợi chuỗi hạt đeo cổ và cái đai lưng nhung đỏ quấn hờ ngang hông. Anh biết anh phải can thiệp ngay, không cho cô bước vào để tránh Mama bị sợ hãi bất ngờ. Nhưng anh làm gì được? Anh có thể kêu to, “Em, đừng vào!” hay là, “Em, mặc quần áo vào, Mama đang ở trong này!” được ư? Có thể có cách khác, khôn khéo hơn, để giữ Marketa đừng vào, nhưng trong một hai tích tắc đó anh chẳng nghĩ ra cách nào. Ngược lại là đằng khác bởi thần trí anh như chìm đắm trong mê muội hoan lạc và anh mất tất cả mọi khả năng suy nghĩ. Anh không làm gì cả, và Marketa bước vào phòng, trần truồng, ngoại trừ sợi chuỗi hạt trên cổ và cái đai thắt ngang hông.” (tr. 86, 87)

Cũng may nhờ Eva nói chuyện với Mama to giọng để cố ra dấu cho biết có Mama trong phòng nên Marketa đã không vào ngay mà trở ra lấy áo choàng tắm mặc vào rồi mới vào phòng.

Điều buồn cười hơn nữa là khi Mama nói đã khuya nên khuyên mọi người đi ngủ, thì anh con trai Karel lại một hai tìm cách giữ bà lại để nói chuyện tiếp như thể anh không biết hai người phụ nữ đang chờ Mama đi ra để họ hành sự. Dĩ nhiên, Karel biết chuyện đó chứ. Vì thế anh mới tìm đủ mọi cách để giữ bà mẹ lại như một cách thoát thân khỏi bị bề hội đồng tối nay.

“Đó là điều Karel vui thích. Anh khoan khoái nhìn Eva và Marketa. Thân thể nóng bỏng của hai người đàn bà bên dưới lớp áo thun và áo choàng tắm run rẩy vì mất kiên nhẫn.” (tr. 88)

Nhưng rồi sau đó chính anh lại là người làm cho“Hai người đàn bà chịu trận dưới trận bão vùi liễu dập hoa tơi bời của anh…” (tr. 91)

Một câu chuyện khác của Kundera kể trong Phần V Litost của “Cái Cười & Và Sự Lãng Quên” mà tôi cũng rất thích vì nó mang tính bi hài cực độ. Đó là chuyện một anh chàng sinh viên say mê người đàn bà tên Kristyna “trạc ba mươi tuổi, có một đứa con với anh chồng làm chủ một cửa hàng bán thịt” (tr. 187).  Trong lần anh theo mẹ xuống tỉnh lẻ nghỉ hè, khi nhìn thấy Kristyna tại quầy bán thịt thì anh sinh viên đã mê cô này và bắt đầu tìm cách gần gũi và trò chuyện với cô. Sau đó hai người làm quen nhau và Kristyna đã bị anh chành sinh viên này quyến rũ vì cô thấy nơi chàng sinh viên cái nét “rụt rè” trái ngược với “cái thô lỗ, cục cằn của anh chồng và anh thợ sửa xe.” Lúc đầu Kristyna còn e dè và thủ thân không muốn trao thân cho anh chàng sinh viên này, dù anh đã có cử chỉ muốn “chuyện yêu đương xác thịt” với cô. Nhưng trước khi kỳ nghỉ hết hạn và hai người sắp chia tay vì chàng sinh viên phải theo mẹ về nhà ở thủ đô Praha, cô đã đồng ý sẽ lên đó thăm anh. Câu chuyện cười bắt đầu từ đây.

Trước ngày chàng sinh viên hẹn gặp cô Kristyna tại căn gác của anh ở Praha với ước mơ của hai người là sẽ có một đêm ở bên nhau một cách tình tứ và trọn vẹn thì vị “giảng viên khoa nghệ thuật và văn học tại trường đại học” là Voltaire, mà chàng sinh viên rất ngưỡng mộ ông, hẹn anh vào tối mai, đúng buổi tối mà anh đã hẹn gặp Kristyna, đi gặp “các thi sĩ danh tiếng nhất nước sẽ tụ họp tại Câu lạc bộ Nhà văn, và ông, Voltaire, sẽ giới thiệu anh với các thi sĩ.”

Chàng sinh viên lâm vào thế tiến thối lưỡng nan. Một mặt anh rất muốn gặp Kristyna tại nhà riêng để hai người có dịp ân ái cho thoải thích yêu đương. Một mặt anh cũng không thể bỏ qua dịp gặp các vị “thi sĩ nổi tiếng nhất nước” mà ông Voltaire sẽ giới thiệu. Nhưng sức mạnh thôi thúc của tình yêu và tình dục trong người anh đã chiến thắng nên anh đã đành lòng từ chối đi với ông Voltaire, khiến cho ông không khỏi thắc mắc, “Ông Voltaire không hiểu nổi cái gì có thể quan trọng, cấp thiết hơn đi gặp những vĩ nhân của đất nước. Một người đàn bà chăng?” (tr. 194)

Tối đó Kristyna đã đến đúng hẹn và hai người đã rủ nhau đi đến một nhà hàng lịch sự để tâm tình trước khi về căn gác để yêu đương. Điều trớ trêu là họ đi đến nhà hàng nào cũng bị đông nghẹt thực khách. Sau đó hai người đã đến cái quán “cách xa trung tâm thị tứ.” Trong tiệm ăn, chàng sinh viên đã kể cho Kristyna nghe chuyện anh vì muốn gặp nàng mà đã phải từ chối đi với ông Voltaire để gặp các “thi sĩ nổi tiếng nhất nước.” Không ngờ, khi nghe chàng sinh viên nhắc đến tên ngài thi sĩ nổi tiếng Voltaire thì cô “giật mình” vì cô cũng từng ái mộ và thuộc lòng nhiều bài thơ của ông ấy lúc còn đi học. Cô liền hối thúc anh sinh viên nên cấp tốc đi gặp họ để không bỏ lỡ cơ hội hiếm quý này. Chàng sinh viên rất đổi ngạc nhiên và vui mừng vì Kristyna đã tán đồng cho anh đi. Anh hứa với nàng là chỉ đi đến đó gặp các “thi sĩ nổi tiếng nhất nước” một tiếng đồng hồ rồi trở lại gác để cùng ở với Kristyna suốt đêm.

Chàng sinh viên đến “đứng đợi ông Voltaire trước cửa Câu lạc bộ Nhà văn rồi cùng ông bước lên lầu hai.” Nhà văn Kundera kể tiếp như sau:

“Voltaire nhắc hai chiếc ghế dựng sát tường đem lại bàn, ra hiệu cho anh sinh viên ngồi xuống cùng với ông, đoạn giới thiệu anh với mọi người. Các thi sĩ gật đầu chào xã giao, mọi người, trừ Petrarch bởi ông đang say sưa tranh luận điều gì đó với Boccaccio và không để ý anh sinh viên. Ông kết thúc bằng câu nói: “Đàn bà luôn luôn có cái gì đó khiến họ nắm thế thượng phong. Tôi có thể nói về điều đó từ tuần này sang tuần khác chưa hết.”” (tr. 201)

 Các ngài thi sĩ nổi tiếng vừa nghe ông Petrarch kể chuyện về đàn bà vừa cãi nhau về “kẻ thờ-phụng-đàn-bà hết thuốc chữa.” Họ chia ra làm hai phe: thờ phụng đàn bà và ghét đàn bà, rồi tiếp tục tranh luận. Có lúc ngài thi sĩ Velaine không còn chịu đựng được nữa đã thét vào mặt ông Boccaccio: “Boccaccio là thằng bố láo!” Vì Boccaccio là tay ghét đàn bà. Rồi tới lược Lermontov quát thẳng vào mặt ông Petrarch: “Láo! Láo Khoét! Tôi chẳng tin chuyện của ông tí nào.” (tr. 208)

Các “thi sĩ nổi tiếng” cãi nhau đến quên cả giờ giấc đóng cửa của Câu lạc bộ để đến đỗi anh phục vụ phải đến “yêu cầu các thi sĩ chuẩn bị ra về. Đã đến giờ đóng cửa. Người quản lý dọa nếu các thi sĩ không chịu đứng lên ra về, ông ta sẽ khóa cửa nhốt tất cả ở lại đây qua đêm.” (tr. 216-217)

Cái cảnh buồn cười nhất là nhà thi sĩ lão thành Goeth nhất định không ra về… vì sợ về nhà thì vợ biết ông đã uống say đêm nay trong khi ông đang uống thuốc và bị cấm uống rượu. Theo lệnh của Voltaire, tất cả các thi sĩ có mặt ở đó đều cùng nhau khiêng “nhà thơ vĩ đại xuống lầu.” Kundera kể lại tình huống này như sau:

“Kẻ nắm cánh tay, người ôm cái chân ngài tộc trưởng, họ hì hụi khiêng nhà thơ vĩ đại của họ xuống cầu thang. Đó là cái cầu thang vuông vức, có nhiều chỗ ngoặt thẳng góc, mà mỗi lần đến là một thử thách gay go cho sức mạnh cùng tài khéo léo của người khiêng.” (tr. 219)

“Cuối cùng họ xuống tới lề đường. Họ dựng Goethe đứng dựa cột đèn, Petrarch và Boccaccio, mỗi người đứng một bên giữ chặt hai cánh tay để ông không tụt xuống đất, trong lúc Voltaire chạy ra ngoài đường vẫy xe.” (tr. 220)

Cái tuyệt vời trong câu chuyện này là Kundera đã nêu ra hai mặt đối nghịch nhau của cuộc sống của những “thi sĩ nổi tiếng”:

“Nó biểu hiện cái đối nghịch lại tất cả những gì có tính cách hoa mỹ hay minh triết. Nó biểu hiện cái đối nghịch với tính cách mơ mòng thơ mộng của Petrarch và bông lơn tinh nghịch của Boccaccio. Nó biểu hiện lòng cảm thông với công nhân lao động và đức tin vào vị nữ thần Cuộc Sống Khó Khăn viết hoa.” (tr. 220-221)

Với tôi, câu chuyện này ngoài tính bi hài luôn luôn đi theo đời sống thực của từng con người – sợ vợ, còn nói lên tính nhân bản – các ngài thi sĩ đã không bỏ lại Goethe một mình mà cùng nhau khiêng ông xuống lầu và đưa ông về nhà – tiềm ẩn bên trong sâu kín của những nhà thi sĩ, và tinh thần giáo dục thực tiễn mà nhà thơ Voltaire muốn chàng sinh viên – kẻ muốn bước vào thế giới văn học – tự thân chứng kiến và học hỏi.

Còn nhiều lắm những chuyện cười không thể nhịn cười trong “Cái Cười & Sự Lãng Quên” của nhà văn Milan Kundera do Trịnh Y Thư dịch mà ở đây chỉ là một bài điểm sách ngắn không thể kể ra hết.

Nhưng “Cái Cười & Sự Lãng Quên” không phải chỉ có tiếng cười ý nhị, cười ra nước mắt hay đôi khi có chút châm biếm, cuốn sách còn chuyên chở nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống của con người như tình yêu, tất nhiên, không thiếu tình dục, và cuộc sống dưới chế độ công an trị tại xứ Tiệp bị Nga xâm chiếm. Đúng như Trịnh Y Thư đã giới thiệu trong Lời Người Dịch:

“Những mã số hiện sinh ông sử dụng ở đây vẫn là những phạm trù quen thuộc lồng trong tình huống một chuyện tình buồn cười. (Các chuyện tình của Kundera đều buồn cười, nhưng là nụ cười cay đắng.) Tình dục thì luôn luôn buồn bã, như hoang mang giữa mê lộ. Và quái! Không phải quái đản, quái lạ, quái gở hay quái dị, mà quái “chiêu.” (Ở đây, tôi chỉ có thể tìm được một tiếng lóng, một từ đường phố, “quái chiêu,” để diễn tả chất “quái”trong văn Kundera khi viết về tình dục.) Tất cả quay cuồng trong bối cảnh lịch sử: cuộc sống nghẹt thở dưới chế độ công an trị của nhà nước Cộng sản sau khi Nga xua cả nghìn chiến xa và nửa triệu quân sang xâm chiếm Bohemia.” (tr. 16)

Tuy nhiên, có một điều mà tôi không thể không nói đến khi đọc “Cái Cười & Và Sự Lãng Quên,” đó là tài dịch thuật của Trịnh Y Thư. Có thể nói nhờ cách dịch điêu luyện của Trịnh Y Thư mà người đọc bản dịch tiếng Việt của cuốn tiểu thuyết này vừa cảm thấy hứng thú, vừa có cảm nhận như mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết tiếng Việt chứ không phải một cuốn tiểu thuyết dịch Việt từ tiếng Anh.

Cũng không thể bỏ qua cách dùng chữ Việt tài tình của Trịnh Y Thư trong bản dịch cuốn “Cái Cười & Sự Lãng Quên.” Chẳng hạn, trong câu “Cười phá lên từng tràng, cười hối hả, cười sằng sặc, cười không kềm hãm được, cười thỏa chí, cười tung hê, cười điên dại…” (tr. 103). Trịnh Y Thư đã khiến cho người đọc thấm ý qua cách dùng chữ phong phú và tài tình của anh để kích thích cho cái cười thêm “điên dại” hơn.

Tóm lại, đây là cuốn tiểu thuyết dịch từ tiếng Anh nhưng thực sự nó đã mang linh hồn chữ nghĩa của một cuốn tiểu thuyết tiếng Việt do nhà văn Mỹ gốc Việt Trịnh Y Thư viết. Chính điều này đã làm cho cuốn sách “Cái Cười & Sự Lãng Quên” của nhà văn Milan Kundera trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với độc giả người Việt.

Xin cảm ơn Trịnh Y Thư.
Độc giả tìm mua trên BARNES & NOBLE:
Keyword: tap sach cai cuoi va su lang quen
Bài Mới Nhất
Search