T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Máu, nước mắt và sự bạc bẽo

Đào Tuấn

Những dòng tin nhắn này xuất hiện trên facebook của một bác sĩ hồi sức cấp cứu đang ở tuyến đầu.

Nó là những tin nhắn trao đổi về chế độ, bồi dưỡng với nhân viên y tế mà có thể sẽ chẳng bao giờ công khai nếu không có cái công văn doạ thu hồi chứng chỉ hành nghề do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký.

Ảnh chụp màn hình

Ông Sơn, một thầy thuốc-người biết rất rõ “mỗi bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc và quản lý từ 140 – 150 người bệnh”; biết rất rõ mỗi ca trực kéo dài “8 – 10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục”… và trong điều kiện những suất cơm “khó ăn, không hợp khẩu vị”.

Vậy mà. Cái công văn doạ thu hồi chứng chỉ hành nghề nếu Nhân viên y tế nghỉ việc vẫn ký. Như một gáo nước lạnh, như một cái tát gây bức xúc suốt mấy ngày qua.

Người bác sĩ cấp cứu- chứng kiến những ca hấp hối ra đi còn nhiều hơn “các vị” ăn cơm uống nước hàng ngày, vừa hôm qua trắng đêm với “5 bệnh nhân tử vong, 5 bệnh nhân nguy kịch doạ tử vong”- đã đặt câu hỏi “lúc đó các vị ở đâu”?

Nhân viên y tế cũng là người, cũng chỉ có 2 bàn tay, có vui, có buồn và cũng mệt mỏi chứ đâu phải robot… để buộc người ta phải cống hiến, phải hy sinh, phải không được xin nghỉ dù vượt quá sức chịu đựng.

Cái stt của người bác sĩ có tựa là: Nghề của máu và nước mắt.

Nhẽ phải thêm vào đó hai chữ bạc bẽo nữa.

Mà bạc thật, cái sự bạc không đến từ đâu, lại đến ngay từ đồng nghiệp. Những đồng nghiệp cũng mang danh thầy thuốc giờ đã thay con dao mổ bằng ngón trỏ.

***

Lê Nguyễn Hương Trà: “Tôi chưa bỏ cuộc, nhưng sẽ không dám lên án đồng nghiệp nào rũ áo…”

Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều tỉnh thành đặc biệt là điểm nóng TP.HCM đang xảy ra hiện tượng Y bác sĩ bỏ việc. Ngày 4/9, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký công văn gửi xuống, trong đó có đề nghị biện pháp nặng nhất là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề. Việc này đang gây nhiều bức xúc cho đội ngũ Nhân viên y tế ở các Bệnh viện công.

Nếu như các đợt dịch lần 1, 2 và 3 đội ngũ hỗ trợ chống dịch chủ yếu là tình nguyện, thì trong đợt bùng phát thứ 4 này hầu hết Nhân viên y tế tuyến đầu là từ các Bệnh viện phân công; Tức lên danh sách bắt buộc đi hết kể cả trưởng, phó khoa – ngoại trừ các trường hợp có con nhỏ dưới 2 tuổi, vợ/chồng được xác nhận đang đi Bệnh viện dã chiến, hoặc có bệnh nền đang điều trị như ung thư.

Nhóm này về thì nhóm khác đi, văn bản phân công là 05 tuần; về thì cách ly 07 ngày xong đi làm và chờ tua tiếp. Mới đây tân giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đề xuất tăng lên 06 tuần nhưng bị phản đối quá nên hiện vẫn là 05 tuần/đợt phục vụ. Tuy nhiên, thực tế công việc tại các Bệnh viện ít, vì cả thành phố giờ chữa mỗi covid, nên có những người đi Bệnh viện dã chiến 03 tháng chưa về.

Về phân công nhân sự mới nhất (4/9) cho TP.HCM cũng của ông Sơn thứ trưởng Bộ Y tế. Thì, mỗi bác sĩ và điều dưỡng hàng ngày phải quản lý và chăm sóc từ 140 – 150 bệnh nhân, với mỗi tua làm việc từ 8 – 10 tiếng/ngày, trực cấp cứu 12 tiếng/ngày và đều trong điều kiện đồ bảo hộ kín mít dễ gây mất nước, kiệt sức; và gần như ngủ cũng mang cả khẩu trang. Nhiều thứ bất hợp lý đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của Nhân viên y tế đang phục vụ tại tuyến đầu!

Văn bảo do ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế ký. Ảnh trên mạng

Về đời sống, Nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn hiện đang chế độ 120.000 đồng/ngày. Một Bác sĩ đang ở Bệnh viện dã chiến cho hay.

“Nhân viên y tế chúng tôi ăn thế này [hình] trong khu cấp cứu F0 đây: Một phần cơm, một ít thịt/cá kho, một bọc nylon nho nhỏ đựng canh rau cho trưa và chiều; sáng được cái bánh ngọt. Muốn ăn gì thêm thì nhà tiếp tế lên, nên cũng không biết mình được 120.000đồng tiền ăn/ngày.

Suất ăn của nhân viên y tế tham gia chống dịch covid. Ảnh trên mạng

Nhóm Y – Bác sĩ đội tôi có ngày không có gì ăn, ra hỏi thì bảo buổi sáng không đăng ký cơm thì không có. Bác sĩ đội trưởng làm dữ lên thì được bảo phải ký tên nhận 04 phần cơm, mấy bạn y tá vừa ăn vừa khóc. Tức cái là những ngày trước vẫn phát cơm, chứ ăn ngày nào báo ngày đó thì không nói làm gì. Nhân viên y tế làm việc chống dịch cho địa phương mà phát cơm như phát chẩn, lại còn bắt ký tên. Lúc nào anh em cũng tự động viên nhau ráng lên, chúng ta đang đi chống dịch!”.

Lý do Nhân viên y tế bỏ việc ngoài ra còn nhiều vô vàn, có người thì nhà con nhỏ hoặc cha mẹ già không đi chống dịch được, cũng có người sợ… vv.

Một bác sĩ viết trên trang cá nhân: “Trước khi trừng phạt những Nhân viên y tế có ý định từ bỏ cuộc chiến không cân sức này, xin hỏi Bộ Y tế đã có một khoản chu cấp nào đáng kể từ đầu dịch đến giờ cho họ yên tâm làm việc không? Và nếu có, nó cũng không phải là điều kiện ràng buộc họ phải ném mình vào nơi cực kỳ nguy hiểm như vậy? Tôi chưa bỏ cuộc, nhưng sẽ không dám lên án đồng nghiệp nào rũ áo. Còn chúc họ và gia đình bình an, vì biết đâu sẽ có ngày tôi đầu hàng?”.

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search