T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Chuyện của những người giàu “mới”, Việt Nam hôm nay

Tuấn Khanh

Hồi tháng 11/2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air, bỗng nổi như cồn, về chuyện móc túi tặng cho một phân viện của Đại học Oxford 155 triệu bảng Anh. Chuyện của bà đã tạo ra nhiều hiệu ứng rất thú vị trong xã hội Việt Nam.

Dễ thấy nhất là nhiều cây viết phục vụ cho các chính sách nhà nước, hay mơn trớn giới nhà giàu xã hội chủ nghĩa, lập tức lên giọng bảo vệ cho sự kiện này. Một trong các ngôn luận nổi cộm là kiểu phê phán thói xấu người Việt, rằng không hiểu sao đám đông vẫn hay “ghét” người giàu vô cớ, ganh tị hoặc không công bằng với người làm ra của cải hôm nay. Dĩ nhiên, đọc là hiểu những ngôn từ đó nhằm bênh vực, che chắn cho một lớp đại gia hôm nay – trong đó có không ít người bỗng vụt lên giàu có như huyền thoại, không có lời giải. Loại huyền thoại dễ bắt gặp của một tầng lớp “thắng cuộc” sau 1975. Nói nôm na là không khác mấy chuyện Alibaba một ngày chợt nhìn thấy cửa hang châu báu rồi nghiễm nhiên trở thành ông chủ, bà chủ.

Thật ra, không ai tự dưng dòm ngó gì bà Thảo hay giới nhà giàu cả. Chuyện bà bỏ một số tiền khổng lồ để nâng đỡ cho việc xây dựng chất xám của nước Anh, và cả cho giá trị cá nhân mình – là quyền và chọn lựa riêng. Bất chấp những lời đồn thổi về nguồn gốc của số tiền ấy, trong khi giới kinh doanh bàn tán rằng vào tháng trước, VietJet của bà khai lỗ và kêu khó với nhà nước là hãng bay này đang “thiếu hụt khoảng 10,000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Không thể phủ nhận rằng hôm nay Việt Nam có rất nhiều người giàu có. Đã qua các thời Việt kiều từ mọi phương trời về quê, xòe ra nắm ngoại tệ khiến ai cũng xanh mắt. Giờ thì thế hệ mới từ trong nước bay ra ngoại quốc mua cả một siêu thị, mua năm ba căn hộ một lúc bằng tiền mặt là chuyện bình thường. Dân làm lụng đầu tắt mặt tối, đóng thuế sôi mồ hôi cho chính phủ tư bản ngẩn người hỏi nhau “vì sao họ nhiều tiền vậy? Họ làm cách làm mà giàu vậy?”.

Việt Nam là một quốc gia chứa nhiều bí ẩn mang màu sắc dị thường. Từ chuyện những bà mẹ, vợ của những người bị đẩy vào trại học tập cải tạo làm sao để nuôi lớn những đứa con nheo nhóc của mình, làm sao có thể giữ gia đình tồn tại được ở miền Nam sau năm 1975, trong thời kỳ dò xét và khắc nghiệt ngăn sông cấm chợ qua từng ngày; cho đến một ngày lại đột nhiên thấy lớp nhà giàu “mới” nổi lên ở khắp nơi, cất giọng huyênh hoang dạy dỗ trên cả truyền hình, báo chí. Những người giàu nhất được xuýt xoa mô tả và đôi khi khoác thêm chiếc áo yêu nước – nhưng không chắc có mấy ai trong số đó có một hồi ký chân thật về đời và cách làm giàu của mình.

Và khi những người giàu “mới” xuất hiện nhiều hơn, họ không kiềm chế nổi sự xa hoa hay sự thèm muốn chứng minh đẳng cấp nhất định của mình, thì cũng sản sinh ra một lớp người ve vuốt và bảo vệ cho giai cấp ấy. Hơn 30 năm trước, ở miền Bắc cũng như miền Nam, khi được hô là “nhà giàu” thì không ít người tái mặt. Giờ thì khác, hợp thức hóa đời sống giàu có là một nhu cầu bức thiết trong đời sống chính trị của giai cấp cách mạng vô sản cầm quyền.

Ở nhiều khu định cư của người Việt Nam trên thế giới, người ta vẫn hay giật mình chứng kiến sự xuất hiện của lớp người mới ấy, còn có thêm con cái, tài sản dịch chuyển… “Toàn là người bên Việt Nam mới qua”, lưu dân người Việt vẫn nói khẽ với nhau. Nhưng điều lạ, đó không là người Việt mà chúng ta thấy mỗi ngày trên các trang báo, truyền hình từ trong nước: Những người cơ cực không thể ngẩng đầu, những người bị bỏ tù vì lên tiếng trước những điều trái khoáy, hay gần nhất, là những đoàn người tháo chạy về quê giữa đại dịch trong niềm tuyệt vọng.

Thỉnh thoảng, ở giữa cuộc trà nước vỉa hè cũng có những cuộc tranh luận về nguồn gốc của người Việt giàu có thượng lưu của đất nước hôm nay. Dĩ nhiên, có những người cả đời gầy dựng và tạo nên của cải đáng tự hào, làm nên những giá trị có thật. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp khác, mà sự bùng phát phồn thịnh của họ – hay gia đình họ – có thể làm chung quanh ngỡ ngàng. Trên báo chí, thỉnh thoảng có người tự tiết lộ, giải thích rằng họ đã qua một thời gian dài buôn chổi đót hay làm men giá đỗ, trồng cây cảnh… nhưng nói gì thì nói, tầng lớp đó tạo ra sự hào nhoáng nhất định về một Việt Nam, và cũng tạo ra những hố thẳm về sự cách biệt giai tầng của cả Việt Nam.

Không chỉ người Việt nhìn nhau và thắc mắc. Nhìn vào Trung Quốc, nhiều người nước ngoài cũng tò mò khôn xiết. Trên tờ Financial Review, với bài viết có tên “Người giàu Trung Quốc: Họ lấy tiền ở đâu ra vậy?” (China’s rich: where do they get their money?), nhà báo nữ Sul-Lin Tan đặt một câu hỏi thảng thốt về quê hương của mình, nơi có một mô hình phát triển và cộng đồng “khá giả” bất ngờ mà cô nhìn thấy. Một trong những biểu hiện của cộng đồng khá giả đó là họ luôn mang căn bệnh cố phô ra hình ảnh giai cấp của họ. Nếu để ý, bạn cũng thấy người Việt Nam lâu nay cũng có một tầng lớp thích giới thiệu mình như vậy với đủ các chiều đạo đức giả lẫn biểu lộ trơ trẽn. Sâu thẳm trong việc trình bày sự giàu có của mình, có không ít những vị đại gia muốn được chính danh trong đời sống, chứ không cần e dè che đậy như nhiều năm trước. Dường như thời đã tới rồi.

Tháng Sáu năm nay, trên tờ SCMP, trong bài Indonesia targets its crazy rich Asians with 35 per cent income tax in bid to heal coronavirus-hit economy”, tác giả cho biết rằng, chính phủ Indonesia đang dò tìm để xem những “kẻ giàu điên cuồng” – giàu không giải thích được là như thế nào để đánh thuế thu nhập lên 35%. Nghe tin không khỏi mỉm cười: Indonesia, đất nước căm ghét Cộng sản đến tận xương tủy, nhưng hành động không khác gì lý thuyết tinh thần cộng sản cao quý đã mất ở Châu Á. Indonesia gọi những kẻ đó là giàu điên cuồng (crazy rich). Loại giàu mà ở nước Mỹ vào thập niên 1950-1960 chỉ có bọn băng đảng, buôn lậu và tham nhũng cấu kết với chính quyền mới có thể tạo được cơ ngơi.

“Tiền của họ từ đâu mà có?”, nhà báo Sul-Lin Tan nhận được lời đáp từ một nhà đầu tư Trung Quốc giấu tên, rằng “Tiền? Mọi thứ đến từ những người làm quần quật ngày đêm ở Trung Quốc”. Bộ phim Crazy Rich Asians phát hành năm 2018 là một lời giải thích nhỏ. Mặc dù bộ phim mượn bối cảnh ở Singapore chứ không phải Trung Quốc, nhưng câu chuyện thì đầy gợi ý. Rõ ràng có nhiều loại của cải ở châu Á, nhất là ở các nước độc tài cộng sản mà nhiều người ở phương Tây không thể nào hiểu được. “Tôi từng chứng kiến ​​nhiều người phương Tây há hốc mồm, trong một buổi bán biệt thự đắt tiền hoặc một bữa tiệc châu Á ngập tràn Prada và trứng cá muối. Nhưng nên nhớ, phía sau những điều đó vẫn là vô số người nghèo của đất nước họ” – bà Sul-Lin Tan nói.

Trong một nhận định của Aidan Foster Carter, chuyên gia về xã hội học và nghiên cứu Bắc Hàn hiện đại vào năm 2013, ông mô tả rằng chế độ cộng sản này dựng nên một mô hình kiểu mẫu mà Trung Quốc lẫn các nước cộng sản khác đều âm thầm học theo. Đó là hình thái đảng toàn trị và chỉ có giai cấp khá giả ăn theo đảng, còn lại tất cả – là nhân dân cần lao. Đó là một bộ máy nô lệ kiểu mẫu nuôi sống và duy trì chế độ. Giả như một đại nạn tới, chính quyền Bắc Hàn kêu cứu, điều đó không có nghĩa họ yêu nhân dân mà thật ra chỉ là sợ mất hay hao hụt tần suất duy trì chế độ từ nhân dân – lực lượng nô lệ.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy sự ích kỷ và tự mãn của một giai cấp khá giả lộ diện ở các nước độc tài – cộng sản, thỉnh thoảng bộc lộ qua lời ủng hộ nhiệt thành các chính sách của nhà nước, hay tuyên bố vung vít về hiện trạng xã hội như một triết gia. Nhưng nhiều người trong số họ luôn thầm kín ôm ấp những khát vọng xây dựng những thành trì khác của cuộc đời bên ngoài quê hương mình như một loại bảo hiểm hưởng thụ bí mật.

Bạn hãy ngồi xuống, tự ngẫm nghĩ xem mình đã bắt gặp những điều này ở đâu trong đời mình?

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search