T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 6 và những ghi chép ở Dallas

clip_image002Dẫu rằng sông cạn đá mòn

Con tằm đến thác cũng còn vương tơ

(Đọan Trường Tân Thanh – Nguyễn Du)

1.

Tháng 6, Dallas nắng đổ lửa. Caí nóng phương Nam lúc nào cũng làm chảy mỡ. Vậy mà gia đình tôi năm nào cũng chỉ đợi dịp này để xuôi Nam. Riêng năm nay thì nhân một dịp người bạn cũ của tôi làm đám cưới cho con. Đó cũng là cái cớ hết sức chính đáng cho những cuộc viễn du mùa hè đã thành thông lệ với gia đình tôi. Trong lúc những người bạn cùng lứa tuổi đã làm sui, đã lên chức nội ngoại, hoặc ít nhất thì đứa con nhỏ nhất cũng đã ngấp nghé ngưỡng cửa đại học, còn tôi thì đứa lớn nhất mãi đến sang năm mới ở năm cuối . . . Middle School ( lớp 8). Nói cách khác, những người bạn của tôi – như anh bạn mới gả con ở Dallas – đã bước vào giai đoạn chuẩn bị nghỉ ngơi, gặt hái thành quả của nhiều năm gieo trồng, còn tôi thì trước mặt là cả một đoạn đường dài nữa phải bươn chải khi mà tuổi gìa cứ xồng xộc đến như người khách không mời. Đã đành, ai cũng phải trải qua giai đoạn vất vả lo lắng cho con cái từ lúc chúng được sinh ra cho đến khi trưởng thành có thể bay nhảy một mình. Nhưng ở trường hợp của tôi, cha già con mọn, chẳng phải vì ham vui muốn kéo dài thời độc thân, mà chỉ vì số phận phải nổi trôi theo . . . vận nước. Vì nổi trôi, nên mọi sự đều trễ nải. Nhưng cũng nhờ vậy, từng tuổi này – cuối thời kỳ tri thiên mệnh – tôi vẫn cảm thấy mình còn trẻ, còn sẵn sàng những cuộc viễn du mỗi khi hè về theo với sự háo hức của lũ trẻ vừa tạm rời ghế nhà trường. Và nhờ vậy, tôi có cảm tưởng mình cũng đang “nghỉ hè” như những cô cậu học sinh đang túa ra khỏi cổng trường sau buổi học cuối cùng, mắt còn long lanh ngấn lệ vì lời chia tay thầy cô bạn bè vẫn vương vất đâu đó theo với niềm vui 3 tháng sắp tới sẽ không phải bận tâm về những bài tập và điểm A cuối mỗi học kỳ. Ít nhất đó cũng là tâm trạng của các con tôi khi được bố đến trường đón vào buổi học cuối cùng. Và tôi, cảm gíac nhẹ nhõm còn là vì – trong 3 tháng hè – tôi không phải thức khuya hằng đêm sau khi đi làm về để xem lại những bài tập ở nhà của chúng, không phải dậy sớm sáng hôm sau đưa chúng đến trường, rồi trở về nhà cố dỗ lại giấc ngủ ít ỏi bị ngắt quãng. Kể ra, đó cũng là một cảm gíac hết sức thảnh thơi cho một người lúc nào cũng tin rằng mình không có đủ thì giờ cho bất cứ công việc gì như tôi, dù, thực ra, với 3 tháng hè “thảnh thơi”, rồi thì tôi cũng vẫn biết mình chẳng thể hoàn tất được việc gì cho nên hồn. Ngoại trừ, tủ sách cứ tràn lan thêm những quyển sách, những tờ tạp chí mới thu thập được đây đó, sức chứa của chiếc laptop cứ nhỏ dần lại vì thì giờ hằng đêm trước đây bận kiểm tra bài vở của con cái nay được dùng để lang thang thế giới ảo, gặp bất cứ thứ gì vừa ý cũng tha về cất trong máy, từ một bài viết tâm đắc, một bài thơ thú vị đến bản nhạc kỷ niệm hay một bức hình có nhiều ý nghĩa. Để sáng hôm sau vẫn cứ giấc ngủ muộn, chập chờn nửa tỉnh nửa mê những ý tưởng chắp vá về một bài viết sẽ viết khi có dịp.

Vì thế, cũng như các cô cậu học sinh nhỏ tuổi, tôi cần những dịp nghỉ hè thực sự, bước chân ra khỏi nhà để có thể dứt khoát với những công việc – vừa tự nguyện vừa bắt buộc – ấy.

2.

Vài ngày ngắn ngủi ở Dallas, ngoài cuộc gặp gỡ những người bạn cũ và chén rượu thâu đêm, tôi còn được dịp đi theo anh bạn báo bổ ở thành phố này dự một buổi tiếp xúc với những người thực hiện và các nghệ sĩ của chương trình nhạc do trung tâm Asia tổ chức lần đầu tiên ở Dallas. Buổi gặp gỡ thật thú vị và bổ ích với tôi. Lần đầu tiên (ở hải ngoại) tôi được tận mắt nhìn cái cực nhọc của những người làm văn nghệ trình diễn, những công việc chuẩn bị vừa về kỹ thuật, vừa về nghệ thuật mà người xem không có dịp biết tới, nếu chỉ ngồi ở hàng ghế khán gỉa ngó lên sân khấu hay ngồi ở nhà, xem chương trình trình diễn qua đĩa DVD. Để có một màn trình diễn của một hay nhiều người diễn (gồm cả vũ công, ban nhạc), đã có công sức của rất nhiều người làm việc trong các lãnh vực nghệ thuật (âm nhạc như phối âm phối khí, hướng dẫn phong cách trình diễn như đạo diễ , trang phục hóa trang v. . .), kỹ thuật (âm thanh, hình ảnh, chạy cảnh, tính toán giờ giấc sao cho không có thời gian chết trên sân khấu v…v). Đó là chưa kể, trước đó, rất nhiều thì giờ và tim óc dành cho việc soạn thảo chương trình, chọn bài, chọn nghệ sĩ, phối hợp với người giới thiệu chương trình, cử người đi khắp nơi (trên thế giới) để thu thập tài liệu sống (về một tác gỉa nào đó được giới thiệu trong chương trình v..v..), rồi thu gom nghệ sĩ về một nơi cho việc tập dợt v..v..

Ngần ấy công việc đòi hỏi thì giờ, tài năng, công sức và nhất là tiền bạc. Theo lời cô Diệu Quyên, một phụ nữ duyên dáng, lịch thiệp và lưu loát, và cũng là một trong những người điều hành chính của trung tâm Asia, thì chi phí cho chương trình trình diễn như chương trình vừa rồi ở Dallas, tổng số cũng phải lên đến một triệu Mỹ Kim (con số này bao gồm cả chi phí thực hiện DVD sẽ phát hành trong tương lai gần). Con số đó không phải nhỏ đối với một trung tâm luôn đặt nặng nghệ thuật tính cho những chương trình phục vụ công chúng của mình như trung tâm Asia. Do đó, để duy trì sự tồn tại của những trung tâm nghệ thuật như Asia, cần sự yểm trợ thiết thực của người thưởng ngoạn, thí dụ như không dễ dãi tiêu thụ những sản phẩm sao chép bất hợp pháp công sức (vừa tài năng, tấm lòng lẫn tiền bạc) của những người thực sự làm nên sản phẩm nghệ thuật ấy. Xét cho cùng, lẽ công bằng ở đời buộc chúng ta phải đền bù xứng đáng và sòng phẳng những gì chúng ta thụ hưởng. Hơn thế nữa, sự tồn tại vững mạnh của các trung tâm văn hóa nghệ thuật còn là sự bảo đảm rằng nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật của công chúng sẽ luôn luôn được thoả mãn. Chắc chẳng khó khăn gì với cuộc sống ngày một nâng cao của người Việt hải ngoại khi trả số tiền đúng với công sức của người thực hiện một sản phẩm , nhất là một sản phẩm nghệ thuật.

Và, cũng sau hơn 30 năm, tôi được nhìn lại hình ảnh hậu trường của người nghệ sĩ, cái hình ảnh được diễn tả rất đúng trong câu “đời nghệ sĩ lăn lóc gió sương“. Chen chúc trong dãy hành lang hẹp của một rạp hát khá cũ kỹ của thành phố Dallas, các nghệ sĩ từng được cả cộng đồng người Việt Hải Ngoại lẫn trong nước ái mộ, kẻ đứng người ngồi (xổm), hối hả ăn vội bữa cơm chiều đựng trong những hộp To Go, để còn kịp chuẩn bị cho vai diễn của mình trong buổi tổng dợt. Người điều hành Asia cho chúng tôi biết là các anh chị em đã phải vất vả như thế cả tuần lễ, ngày nào cũng từ sáng sớm cho đến tối khuya để bảo đảm cho buổi diễn chính thức thành công trọn vẹn.

3.

Tháng 6, Dallas. Trời nắng như thiêu như đốt bên ngoài, bên trong rạp hát cũ kỹ nhưng lại rất bề thế (và đẹp, nếu được chăm sóc kỹ lưỡng ), những nghệ sĩ vẫn như những con thiêu thân lăn xả vào ánh đèn (sân khấu), dù chỉ là một buổi tổng dượt (không có khán gỉa). Những giọng hát vẫn ngọt ngào, những động tác biểu diễn vẫn trọn vẹn, và những người làm việc âm thầm đằng sau tấm màn nhung của sân khấu vẫn miệt mài chăm chú với công việc của mình. Tôi hiểu, đã là kiếp tằm thì phải nhả tơ. Cho đến lúc không còn nhả tơ được nữa. Tôi nhìn quanh và nhận ra những khuôn mặt quen thuộc từ mấy chục năm nay, từ những ngày chúng tôi (tôi và những khuôn mặt nghệ sĩ qúa quen thuộc ấy) tóc còn xanh, đuôi con mắt còn xa lạ với những vết rạn chân chim, nay, dấu vết thời gian đã in hằn nét mệt mỏi, nhưng họ vẫn rất trịnh trọng có mặt, chờ đến phiên của mình bước lên sân khấu. Tôi đến trước mặt từng người, bắt tay, và chào hỏi bằng chính cái tên quen thuộc của họ, như một cử chỉ trân trọng rằng, việc biết đến tên tuổi của họ ở một người hòan toàn xa lạ (như tôi), là lời cám ơn chân thành đến những kiếp tằm đã gần hết một đời nhả tơ, rằng, công sức đem niềm vui đến cho đời của họ sẽ không đi vào lãng quên, dù ngày hôm nay, khuôn mặt kia không còn trẻ trung nữa, giọng hát kia không còn ngọt ngào như thuở nào nữa. Nhưng, một cách hết sức thành thực, tôi vẫn nghĩ rằng, nếu có ai có thể mặc cả với thời gian để làm chậm lại quá trình lão hóa (của thể xác), thì người đó hẳn phải là những nghệ sĩ tên tuổi đang ngồi giữa ánh đèn ma quái của sân khấu kia. Trông họ không khác nhiều lắm với hình ảnh của chính họ hơn 30 năm xưa, dù bây giờ, có người đã làm bà nội, bà ngoại, dù sau năm 75, nhiều người trong số họ đã trải qua nhiều quãng đời cay đắng, cơ cực.

Phải chăng đó là phần thưởng của ánh đèn sân khấu cho những con tằm vẫn một đời tận tuỵ ?

4.

Anh đèn sân khấu có ma lực của riêng nó. Một khi đã đứng trên sân khấu cuí đầu chào khán gỉa giữa tiếng vỗ tay rộn rã, khó ai có thể rứt ra được mà không bị thương tích, đau đớn, dằn vặt. Hệt như thứ hào quang lấp lánh của chữ nghĩa, thứ hào quang khiến cho người nghiện chữ có cảm gíac như lên đồng mỗi khi ngồi vào bàn viết. Như một ngẫu nhiên kỳ lạ, đầu óc tôi chưa dứt ra được cái chập chờn nửa hư nửa thực của ánh đèn sân khấu và những con thiêu thân tội nghiệp (hay rất đáng trân trọng?) thì lại có dịp gặp một người trẻ định cư ở Dallas, cũng thường xuyên bị cơn mê chữ nó hành hạ. Dưới con mắt tôi, trăn trở với chữ nghĩa là một cử chỉ đẹp , nhất là với những người trẻ ở Hải Ngoại. Ở một nghĩa nào đó, là tấm lòng của họ vẫn còn hướng về quê cha đất tổ. Như những người nghệ sĩ trình diễn (mà tôi đã có cơ hội gặp trong đêm gặp gỡ của trung tâm Asia), bao nhiêu năm xa xứ cũng vẫn không làm họ nguôi cơn thèm được cất tiếng hát cho người đồng bào của mình nghe. Lại càng thêm ấm lòng hơn, khi tôi thấy trong số những nghệ sĩ ấy, có người còn rất trẻ, hẳn là được sinh ra, hoặc, ít nhất, trưởng thành ở haỉ ngoại. Vậy mà giọng hát Việt vẫn mượt mà, tưởng chừng như họ vẫn ngày ngày uống nước từ những dòng sông quê hương, vẫn ăn miếng cơm nấu từ những hạt gạo trên đồng lúa Việt Nam, vẫn thở cái không khí thiên nhiên thơm mùi rạ mới cắt. Anh bạn trẻ mà tôi vừa được quen biết cũng mang cái dáng dấp đáng yêu ấy trên phương diện chữ nghĩa. Anh thừa hiểu rằng, chữ nghĩa ngày nay (nơi hải ngoại) không mang lại aó cơm, không mang lại cả chút hư danh phù phiếm. Vì thế, còn trăn trở được, còn đánh vật được với chữ nghĩa hằng đêm, chẳng qua, cũng là một chút lòng. Với người, với mình, với đất nước. Anh ưu tư về một tương lai không sáng sủa lắm cho những người trẻ tuổi hơn anh ở haỉ ngoại. Chỉ 10 hay 20 năm nữa thôi, khi những người thuộc thế hệ chúng tôi nằm xuống, còn bao nhiêu người biết rung động khi nghe tiếng ca, lời nhạc Việt Nam vang lên giữa mảnh đất quê người tuyết phủ trắng xóa, và chắc chắn, sẽ còn ít hơn nữa những người cầm tờ báo tiếng Việt trên tay, say sưa đọc từng trang viết như say sưa những trang thư tình.

5.

Quá đủ cho một chuyến đi . . . nhân dịp hè. Từ Dallas, tôi và gia đình quay về lại Wichita với những bề bộn nhiều hơn cả lúc đi. Đó là chưa kể đến dự định thăm viếng vài người bạn học, bạn tù, bạn lính cư ngụ chung quanh khu vực Dallas đã mấy mươi năm nay chưa gặp lại.Tất nhiên, những dự định ấy đã không thành. Cũng may, tôi chưa nói với ai (trong số những người bạn ấy) về chuyến đi này.

Tôi hiểu rằng, ở tuổi tôi, người ta không còn nữa những giờ ra chơi, nói gì đến những ngày hè thanh thản. Vì thế, niềm vui đích thực, cho mỗi chuyến đi xa, hẳn phải đến từ những gặp gỡ với cả người quen lẫn không quen, và những ghi chép (trong hồn) về những giây phút ngắn ngủi ấy.

Bởi, rất đơn giản, đó chính là đời sống.

T. Vấn

( Tháng 6-2006)

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search