T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nhân mùa tốt nghiệp . . .

clip_image002

Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.

Cơm cha áo mẹ công thầy,
Lo sao cho đáng những ngày ước mong.

(Ca Dao Việt Nam)

Diệp Thanh Mai (Úc) 23 tuổi, tốt nghiệp với 2 bằng đại học hạng danh dự

1.

Dịp lễ Father’s Day năm nay, nhiều người bạn của tôi đã nhận được món quà quý giá nhất mà một người cha có thể mong ước được nhận từ con cái của mình. Có ít nhất là hai người, đã hãnh diện báo tin cho tôi biết rằng, con của họ đã tốt nghiệp đại học với danh hiệu cao quý nhất, danh dự nhất dành cho sinh viên xuất sắc nhất trường: Summa Cum Laude. Kèm theo đó, còn có những bằng tưởng lục, khen thưởng mà không phải sinh viên tốt nghiệp nào cũng nhận được. Hai sinh viên Việt Nam xuất sắc này, một thanh niên 22 tuổi tên Kenn Khải Vũ, tốt nghiệp từ trường đại học UCLA nổi tiếng của tiểu bang California, nơi quy tụ rất nhiều những sinh viên ưu tú ở khắp nơi trên thế giới và một cô gái cũng 22 tuổi , theo học trường đại học công giáo Loyola ở thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, thành phố mà vụ lụt tháng 8 năm 2005 còn để lại nhiều dấu vết tàn phá, trong đó có căn nhà của cô sinh viên Việt Nam được xếp hạng Tối Ưu trong danh sách tốt nghiệp năm nay của trường. Một người bạn khác, ở Úc, có cô con gái 23 tuổi tên Diệp Thanh Mai , tốt nghiệp với hai bằng đại học, mà cả hai bằng đều thuộc hạng danh dự, cộng thêm một số tưởng thưởng về những phát kiến và sáng tạo hữu ích cho khoa học, và làm rạng danh phái nữ, nhất là phái nữ người châu Á ở nước Úc. Một số khác, có con chỉ vừa mới tốt nghiệp trung học thôi, nhưng lại là những sinh viên đứng ở vị trí số 1, số 2 trong danh sách dài dằng dặc những sinh viên vừa rời ngưỡng cửa trung học, hứa hẹn một tương lai sáng chói ở những trường đại học lừng danh nhất nước Mỹ.

Qủa đúng là không có món quà nào quý hơn dành cho cha mẹ bằng sự thành đạt của con cái. Một anh bạn khác của tôi, khi trao tấm thiệp mời dự tiệc mừng cô con gái 26 tuổi tốt nghiệp bác sĩ y khoa từ một trường đại học ở Chicago, tiểu bang Illinois đã nói như vậy.

clip_image004

Lê Thị Thùy Dương (Wichita-KS) 26 tuổi, Bác sĩ Y khoa

2.

Câu chuyện về sự thành đạt trong lãnh vực học vấn của thế hệ người Việt thứ hai ở hải ngọai không còn làm người bản xứ ngạc nhiên nữa. Từ nhiều năm nay, họ đã chứng kiến nhiều sinh viên Mỹ có gốc gác Việt Nam vươn lên từ bao nhiêu những bất lợi trong hòan cảnh riêng của mình (so sánh với những bạn đồng lứa người bản xứ), thí dụ như: ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, để tự chứng tỏ mình là những nhân tài lỗi lạc, hứa hẹn những đóng góp to lớn trong tương lai cho xứ sở đã giang tay dung chứa những gia đình di dân đến từ một vùng đất vốn bị kiệt quệ vì chiến tranh, lọan lạc (*). Mới năm ngóai, cả nước Mỹ trầm trồ khen ngợi một sinh viên Việt Nam ở thành phố Fairfax, tiểu bang Virginia đã hòan tất chương trình đại học 4 năm ở hai ngành học khác nhau với thời gian kỷ lục là 1 năm. Một vị giáo sư phó trưởng khoa Tóan của đại học Virginia đã phải thán phục “hồi xưa tôi phải mất 3 năm mới lấy xong được một mảnh bằng đại học, vậy mà anh chàng Việt Nam nhỏ thó tên David Banh này chỉ cần có 1 năm. Đây là trường hợp duy nhất mà tôi được biết kể từ khi dạy học 39 năm nay”. Sau đó, “anh chàng Việt nam nhỏ thó” đã nhận được lời mời phụ giảng môn Tóan cho trường với mức lương năm khởi đầu là 70 ngàn . Trong khi đó, thân phụ của anh, làm việc cho ngành Bưu Điện Hoa Kỳ gần 15 năm cũng chỉ đạt được mức lương xấp xỉ 50 ngàn/ 1 năm. Năm 2007, trường đại học Virginia lại một lần nữa đón tiếp một cô gái Việt Nam tên Nguyễn Tống Mỹ Linh bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp với danh hiệu Tối Danh Dự (Summa Cum Laude). Thành tích của cô gái này cũng đã làm nhiều nhà khoa bảng Mỹ kinh ngạc. Ngay khi vừa học năm thứ hai đại học, cô bé đã được mời phụ giảng cho lớp học năm thứ nhất và các “học trò” của cô lại rất thích học với cô, vì theo họ, cô giảng dễ hiểu và thu hút. Cô gái Việt Nam này đã từng đọat được nhiều giải thưởng quốc gia cả về lãnh vực khoa học lẫn văn chương. Hiện nay, cô đã nhận được “lời mời” theo học tại 12 trường đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ với những học bổng rất hấp dẫn, trong đó có 5 trường đề nghị một học bổng tòan phần để cô hòan tất chương trình 4 năm hậu đại học trong ngành Y khoa.

Song song với những sự thành đạt nổi bật ấy, mỗi năm cứ vào mùa tốt nghiệp (cuối tháng 5, đầu tháng 6), lại có biết bao nhiêu những con em người Việt di dân ở khắp nơi trên thế giới tham gia vào đội ngũ trí thức ưu tú nơi đất nước họ sinh sống. Người dân bản xứ đã bị bắt buộc phải học cách phát âm cho đúng các tên họ khó đọc của người Việt như: Trần, Nguyễn, Phạm, Vũ, Diệp, Đặng, Bành, Đòan, Lê v.v.. để tỏ lòng kính trọng những người trẻ tuổi Việt nam sớm muộn gì cũng sẽ giữ những vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước của họ trong tương lai. Tôi đã từng chứng kiến vẻ ngượng ngùng của vị giáo sư người Mỹ khi bà xướng danh tên một sinh viên Việt Nam lên bục nhận bằng danh dự. Ngượng ngùng là vì bà cho rằng mình đã phát âm không đúng tên họ của người học trò giỏi nhất trường ấy.

(Theo một bản tin của báo Người Việt, chỉ tính riêng năm nay ( 2007), 7 trường trung học trong học khu Garden Grove, tiểu bang California, đều có học sinh tốt nghiệp hạng nhất (Valeditorian) là người gốc Việt.

Bảy học sinh này là Phong Xuân Hà (Bolsa Grande), Minh Đăng Lý (Garden Grove), Linda Vien (La Quinta), Tamara Lý (Los Amigos), Alexandra Nguyễn (Pacifica), Tina Xuân Phạm (Rancho Alamitos) và Betty Hùynh (Santiago).

Ngoài ra, sáu học sinh gốc Việt khác cũng đạt được danh hiệu “Salutatorian”, tức là học sinh xuất sắc thứ nhì, sau danh hiệu “Valedictorian.”

Sáu học sinh này là Ngọc chánh H Nguyen (Bolsa Grande), Yvonne Phạm (Garden Grove), Johnny Thanh Nguyễn (La Quinta), Emily Nguyễn (Los Amigos), Jack Kevin Lý (Rancho Alamitos) và Christine Nguyễn (Santiago).)

clip_image006

Vũ Khai Kenn (LA- CA) 22 tuổi, trong bộ áo tốt nghiệp dành cho sinh viên Ưu Hạng (Summa Cum Laude)

3.

Đằng sau mọi thành công, luôn luôn có sự hiện diện của những nỗ lực và hy sinh. Với sự thành công của thế hệ người Việt trẻ tuổi trong lãnh vực học vấn, ngòai nỗ lực của chính bản thân, còn có phần đóng góp thậm chí lớn hơn, của gia đình. Sự đóng góp ấy, đi từ cái cụ thể là vật chất, đến cái trừu tượng là tình thương, truyền thống và cao hơn hết, là sự hy sinh của gia đình về mọi phương diện cho tương lai của con cái. Cô gái Nguyễn Tống Mỹ Linh đã thú nhận rằng, chính sự hy sinh của bố mẹ cô, của gia đình đã giúp cô đạt được những danh dự cao nhất như cô mong ước. Anh chàng Việt nam nhỏ thó David Bành cũng cho rằng học giỏi là một cách đền đáp lại những công ơn hy sinh của cha mẹ anh. Cô gái Mimi Nguyễn, tốt nghiệp thủ khoa một trường trung học ở thành phố Hucher, tiểu bang Mississippi đã khẳng định rằng chính đức tính khiêm nhường, lòng kiên nhẫn và quyết tâm mà mẹ cô đã dạy dỗ cô từ khi còn bé thơ đã góp phần chính yếu trong sự thành công của mình ngày hôm nay. Nguyễn Mai Phương, người tốt nghiệp thủ khoa một trường trung học lớn nhất thành phố Oklahoma, tiểu bang Oklahoma thì trân trọng nhắc đến những sự chăm sóc nhỏ nhất của người mẹ không hề biết lái xe, không có khả năng điền một tờ đơn xin việc bằng tiếng Anh, trong bài diễn văn của sinh viên thủ khoa (Valedictorian) đọc trước hàng ngàn người Mỹ đến tham dự lễ tốt nghiệp của con em họ. Vì, theo cô gái Mai Phương, không có những chăm sóc nhỏ nhặt nhất của người mẹ Việt nam, thì chắc hẳn cô không có vinh dự đứng ở vị trí danh dự nhất trong ngày lễ ra trường trung học. Tất cả cử tọa đã đồng lọat đứng dậy vỗ tay, có người đã khóc, vì những lời chân tình từ cửa miệng cô gái Việt Nam xinh đẹp và gỉoi giang.

Như thế, gia đình Việt Nam là chỗ dựa không thể thiếu, là cái bệ phóng để những người trẻ bay lên, chứng tỏ chính mình, đóng góp cho xã hội và làm rạng danh nòi giống (Việt).

Người Mỹ, bằng cặp mắt thực tiễn, đã nhìn ra ngay điều đó. Vì thế, đã có rất nhiều nỗ lực của họ trong các giới văn hóa (và cả chính trị) đặt lại vấn đề những giá trị gia đình (family values) trong cấu trúc xã hội. Tấm gương thành công của người châu Á (nói chung) và người Việt Nam (nói riêng), nơi mà gia đình là một thành tố căn bản nhất, quan trọng nhất đã khiến họ phải xem xét lại bảng giá trị và ranh giới giữa cá nhân với gia đình cùng với vai trò truyền thống của nó trong xã hội (tây phương) hiện nay, đã ít nhiều bộc lộ những khuyết điểm cần được điều chỉnh.

clip_image008

Nguyễn thị Mai Phương (OK) 22 tuổi, trong ngày lễ tốt nghiệp 2 bằng đại học với gia đình 4 năm sau khi nhận danh hiệu Valedictorian.

4.

Những gia đình người Việt đặt chân đến những xứ sở bằng lòng dung chứa mình thường là với hai bàn tay trắng. Tuy hai bàn tay trắng, nhưng với quyết tâm xây dựng lại cuộc sống sau quá nhiều phong ba bão táp, đã giúp họ vượt qua bao nhiêu trở ngại, đầu tiên là rào cản ngôn ngữ, rồi đến khí hậu, thổ ngơi và lối sống. Và phần lớn, họ đã thành công. Ở thế hệ thứ nhất, là về phương diện kinh tế. Ở thế hệ thứ hai, là phương diện học vấn, hay đúng hơn, phương diện khẳng định sự hiện hữu của mình bằng cách đặt những bước chân vững chắc lên bậc thang xã hội (và chính trị) bản xứ. Nếu sự có mặt của thế hệ thứ nhất trên những mảnh đất ngòai quê hương là một tình cờ của lịch sử, thì sự tồn tại rạng rỡ của thế hệ thứ hai lại là thành quả của bao khó nhọc, hy sinh và cố gắng. Ở đây, vai trò của truyền thống (tức những gì người Việt khi ra đi đã mang theo bên mình) đã góp phần không nhỏ. Và nhất là, không như những cộng đồng di dân khác, cộng đồng di dân người Việt đã không hề nhận được sự hỗ trợ nào từ quê hương của mình.

32 năm lịch sử người Việt hải ngoại, kể từ ngày miền Nam thua trận và chủ nghĩa cộng sản thống trị trên tòan thể đất nước. 32 năm là một thời gian quá ngắn để một cộng đồng di dân xác định chỗ đứng của mình trên mảnh đất mới. Nhưng cộng đồng di dân Việt nam đã đi được những bước khá dài. Khác với người bản xứ, xem sự thành công về kinh tế là mục tiêu cuối cùng (?), thì người Việt, xem sự thành công về kinh tế chỉ là cái nền, trên đó, người ta vươn tới những thành công khác, đáng trân trọng hơn. Điều đó giải thích những sự khuyến khích, hỗ trợ mà gia đình Việt Nam dành cho con em họ trong việc học hành và tiến thân trong xã hội (bản xứ).

Dù sao, thì tinh thần: Nhất sĩ, nhì nông của xã hội Việt Nam vẫn còn ngự trị trong mọi gia đình người Việt, sống trong nước hay ở hải ngoại.

Nhưng, quan trọng hơn hết, vẫn là ý chí vươn lên của những người trẻ tuổi thế hệ Việt Nam thứ hai. Chính họ, đã khẳng định vị trí đáng trân trọng của người Việt sinh sống ngòai quê hương, tạo uy tín với chính quyền và dân chúng bản xứ cho một nước Việt Nam vốn chỉ được biết đến trên thế giới qua cuộc chiến tranh dài đẫm máu và trong tương lai, sẽ là cây cầu nối giữa thế giới với quê hương bản quán, nơi nhiều năm trước đây cha mẹ của họ đã cất bước ra đi để cho họ có được cơ hội tiến thân như ngày hôm nay.

Mỗi một mùa tốt nghiệp, được đọc, nghe về những cái họ Trần, Nguyễn, Lê, Phạm, Vũ, Đặng, Đòan v . .v . . trong danh sách đội ngũ trí thức ưu tú của thế giới, tôi lại thêm lý do để tin rằng, chúng ta đã có sự lựa chọn đúng với quyết định rời bỏ đất nước ra đi ngày nào.

T.Vấn

(Mùa Tốt Nghiệp 2007)

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search