T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: VIỆT KIỀU DỎM (Tùy bút)

clip_image002

“Việt kiều dỏm” là mấy chữ đầu tiên hai bạn già chúng tôi nghe ông lái xe ôm gán cho mình, khi chúng tôi vừa từ trên một xe bus của hãng hàng không Jetstar Pacific, dừng bánh tại một địa điểm trên đường Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để hành khách xuống xe. Chúng tôi từ chối lời mời của mấy ông lái xe ôm, ngay chỗ chiếc bus đậu, cho nên một ông thấy bộ dạng hai bạn già chúng tôi có vẻ “bụi”, nói theo dân Sài-Gòn là “Tây ba-lô”, nên đã “xổ” ra mấy tiếng “Việt kiều dỏm” cho bõ ghét.

Mà quả thật, chúng tôi sắm vai “Tây ba-lô” trong chuyến về Hà Nội vài ngày, dịp Tết Quý Tỵ (2013) vừa qua, không phải là du lịch, vì đây là một ngẫu hứng, một bất ngờ, nghĩa là cả hai chúng tôi đều không có dự định trước. Nhưng thật ra chỉ có người bạn tôi là Việt kiều thôi, còn tôi thì vẫn là một người tự vác thập giá của thân thể mình đi lầm lũi trên quê hương đau nhức. Cao Thế Dung đã viết về tôi như thế từ năm 1969 trong tác phẩm Thi ca và thi nhân của ông. Bây giờ, sau 44 năm, tôi vẫn thế. Lời của Cao Thế Dung như một lời nguyền về tôi. Tôi cám ơn ông. Cao Thế Dung có thể sai ở đâu đó, nhưng với tôi, lời ấy không sai. Những lần về quê, tôi đều đã đặt chân xuống Hà Nội nhiều lần rồi, khi thì về bằng xe lửa, xuống ga Hàng Cỏ, khi thì xe bus của Jetstar Pacific dừng bánh ở 14 Đào Tấn. Lần này họ đổ khách xuống Trần Quang Khải. Chúng tôi đã đặt chỗ trước ở một khách sạn gần Hồ Gươm, phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, nên chỉ cần đi bộ một đoạn đường Trần Nguyên Hãn, khoảng 5 hay 10 phút là tới rồi.

Được người lái xe ôm khoác cho cái áo “Việt kiều dỏm”, có lẽ người bạn đồng hành với tôi đã có những tiếng cười thỏa thuê, thư giãn với bạn bè hay người thân khi trở về Hoa Kỳ, coi lời ấy như một câu chuyện dọc đường, kể cho nhau nghe. Hai chúng tôi có chung một điểm giống nhau, đó là việc chúng tôi nên một với nhau qua biến cố ngày 30/4, nên một với nhau trong tâm thức Việt Nam đau thương. Bạn tôi chắc chắn không bao giờ tự coi mình là một Việt kiều, điều này chỉ làm anh buồn, anh bị xúc phạm, bị người đồng chủng khước từ, coi anh như người ngoại chủng. Tôi cũng nên đồng hành với anh trong thân phận những con người “lạc lõng” trên chính mảnh đất ngàn năm văn hiến của mình. Anh trở về nơi này, sau gần 50 năm biệt ly. Anh trở về, vì anh còn mang tâm thức Việt Nam, nhớ những gì thân yêu nhất trong cuộc đời của một người Việt Nam, có nguồn có cội, 5.000 năm lịch sử, có một chiến công lẫy lừng trên Bạch Đằng giang. Một người Việt Nam ý thức rõ rệt mình có một lịch sử “hiếm” như thế, “vàng son” như thế, không ai đánh gục họ được.

Sau những ngày trở lại Sài-Gòn, ngồi hồi tưởng về chuyến đi này, tôi vẫn còn bâng khuâng. Vì chuyến đi, đối với cả anh bạn và tôi, đều không trọn vẹn, còn vương vấn khi đứng trước khu nhà cũ của gia đình anh ở phố Hàm Long. Bịn rịn, bồn chồn, lưu luyến! Rồi anh kéo tay tôi về phía nhà thờ lớn, định tâm vào viếng Thánh Thể mà cũng là để tìm lại hình bóng ngày thơ bé của mình. Cũng trên mảnh đất này, từ xa xưa lắm, tổ tiên dòng họ Đỗ đã sống tại đây. Ngày xa xưa ấy là làng Chân Cầm, nay là Ngõ Huyện. Thế hệ sau cùng cư trú ở đây gồm có gia đình Đỗ Đình Đạo, anh em thúc bá với Đỗ Đình Duyệt. Ông Đạo bị bà Thụy An đầu độc chết, theo dư luận từ nội bộ VNQDĐ, do ông và một số chiến hữu đã chống lại quyết định chia cắt đất nước vào năm 1954.Nhưng sáng hôm ấy, nhà thờ còn đóng cửa, chúng tôi bèn ghé vào trường Dũng Lạc xưa, cạnh đó. Người bảo vệ có tuổi tiếp chúng tôi niềm nở, kể cho chúng tôi những thay đổi, dẫy nhà phía trong thì làm mới, còn phía ngoài, giáp với con ngõ vào nhà xứ, vẫn để nguyên. Ông nói, nhiều người đi xa trở về cũng đều tới đây thăm hỏi chuyện cũ chuyện nay. Tôi thầm hỏi, không rõ người bạn tôi lúc đó, có nhớ đến một hình bóng quá thân thiết, quá anh hùng và xuất chúng, mà cuộc đời của vị này đã gắn liền với mảnh đất thiêng chúng tôi đang đứng đây hay không. Bởi vì, ngay lúc gọi điện cho tôi, nói là anh đang có mặt ở Việt Nam, anh đã nhắc đến hình bóng này. Cho nên, tôi chắc anh không quên, vì tính danh của vị này đã nổi lên một cách mạnh mẽ, kiên cường, giữa cái thời đổi thay quyền lực tại Hà Nội cũng như trên toàn cõi Việt Nam, cái thời mà những tiếng nói ở đài phát thanh, báo chí có lúc đã dồn dập, liên tiếp chuyền đi một lời da diết : “Ai ơi! Đừng phân chia Nam Bắc Trung”! Nhưng tôi nhớ ngay đến chính bạn tôi đây, lần đầu tiên trong gần 50 năm trường, trước Tết Quý Tỵ, anh gọi điện cho tôi. Nghe tên anh: “Duyệt đây, Đỗ Đình Duyệt đây…”.Tôi bất ngờ quá, vượt qua giây phút mệt mỏi của tuổi già, tiếng tôi như vỡ òa trong máy : “Đỗ Đình Duyệt! Anh đang ở đâu ? Còn nhớ Zarathustra đã nói như thế không?” Tôi hỏi anh ngay chuyện này, vì là cái mốc thời gian, đánh dấu sự cách biệt giữa hai chúng tôi, từ đó đến nay.–“Duyệt đang ở Việt Nam. Vẫn nhớ Zarathustra đã nói như thế, ngày anh cưới mà, một đám cưới hiếm có ở Sài-Gòn ngày đó. Ông Khải Triều ơi, ông có biết “Thằng khùng, thanh gỗ ngang trên cây thập tự giá không?” – “Biết mà! Linh mục Nguyễn Văn Vinh.”- “Đúng rồi! Không ngờ thế đấy. Gặp nhau sẽ nói nhiều” – “Vậy thì hay rồi, có thể đến nhà tôi tâm sự trọn một đêm nhé.” – “Ý tưởng hay đấy”.

Mấy ngày sau, Đỗ Đình Duyệt ghé tôi. Trong lúc hàn huyên, tôi nói anh nghe, ngày 14 Tết Quý Tỵ này, tôi đi Hà Nội mấy ngày, ở một khách sạn gần Hồ Gươm, phố Lý Thái Tổ. Nghe nói thế, Duyệt hơi tư lự, chỉ nói là “hay đấy”, rồi tôi chở anh về nhà người thân dưới Xóm Mới.

Tôi về Hà Nội dịp Tết Quý Tỵ, không phải là dự tính của tôi, mà theo sắp xếp của con gái. Một chiều nọ đi làm về, nó vừa cười vừa nói cho tôi biết, “Ba có một tin vui.”. Tôi hỏi ngay là tin vui gì, ba làm gì còn tin vui nào nữa, ngoài cái vui của ba là hoàn tất bản gia phả của họ hàng. Nó nói là “con đã đăng ký cho ba về Hà Nội mấy ngày, 14 Tết khởi hành, một tuần sau, khi con và hai cháu ở ngoài quê trở về. Ba chuẩn bị đi nhé”. Tôi mắng con gái mấy câu, chuyện gì liên quan tới ba thì phải bàn với ba trước. Ba mới về dịp tháng 8 vừa rồi, nay lại về là sao. Nhưng tôi chợt nhớ đến việc lập bản gia phả của họ Nguyễn chúng tôi, còn một vài chi tiết cần kiểm tra lại, nên tôi nói, thôi cũng được. Ba còn gia phả, chưa xong.

Còn về Đỗ Đình Duyệt, một hôm anh gọi điện cho tôi, nói là muốn đi Hà Nội, làm sao để cùng đi chung một chuyến máy bay với tôi thì tuyệt quá. Lúc đó con gái tôi cũng có nhà, nghe chúng tôi nói về việc đi Hà Nội, nó nói với bác Duyệt cho nó biết vài chi tiết trên cái visa, năm sinh của bác. Rồi nó bắt liên lạc ngay với hãng máy bay mà nó đã đăng ký vé cho tôi, nhất là để bác Duyệt đi cùng chuyến ra Hà Nội với tôi. Mấy phút im lặng, vì đại diện hãng máy bay kiểm tra chuyến bay của tôi, xem còn chỗ không. Được cho biết là còn chỗ, con gái tôi mừng quá, vì bỗng dưng tôi có bạn đồng hành, nó an tâm rồi. Bác Duyệt được báo ngay, có chỗ cho bác trong cùng chuyến ra Hà Nội với tôi. Còn chỗ ngồi trên máy bay thì có thể đổi cho người khác để chúng tôi ngồi cạnh nhau. Bác Duyệt cũng thấy vui, tiếng cười vang lên trong điện thoại.

Việc hai bạn già chúng tôi đi Hà Nội như vậy, là chuyện bất ngờ. Một bất ngờ khác là chuyến đi của chúng tôi nửa chừng thay đổi.

Chúng tôi ra Hà Nội sáng thứ bảy, 23/2 dl, tức 14 Tết Quý Tỵ. Vừa bước vào tiền sảnh của khách sạn, một nữ nhân viên hỏi ngay: “Có phải bác Tuy?”- “Vâng, tôi là…, có phòng cho chúng tôi chưa?” Chúng tôi trao cho họ giấy tờ tùy thân, sau đó họ đưa chìa khóa phòng cho chúng tôi. Nhận phòng xong, tôi ngả lưng ngay xuống giường nằm nghỉ. Còn Duyệt, có lẽ anh đã quen với những chuyến đi xa, nghỉ ở khách sạn, đơn giản và gọn gàng, không rườm rà như tôi, bận tay bận chân nhiều như tôi. Anh khoác sau lưng cái ba lô cũ kỹ, đựng mấy món vật dụng, một bộ quần áo thay đổi đã bạc màu, giống như da thịt trên thân thể chúng tôi. Duyệt đeo ba lô trên lưng, còn tôi thì tay cầm cái túi xách và vài món vật dụng. Thấy tôi hơi lỉnh kỉnh trong một chuyến đi xa như thế này, như mang theo bình xà bông để cạo râu với dao cạo Gillette 2 lưỡi, nghe nói dùng một lần rồi bỏ, nhưng tôi thì dùng đến 4,5 lần, anh bảo, cái lằn xanh trên lưỡi dao thay cho xà bông, có chất nhờn, dễ cạo. Quần áo thì, một bộ mặc trên người, áo bỏ thõng ra ngoài, và một bộ dự phòng. Như thế, với tôi cũng là đơn giản hết mức. Vì ngay từ đầu, chúng tôi không có hành lý gì để gửi. Chuyến đi càng nhẹ nhàng càng thư thái. Có lẽ vì thế mà chúng tôi được kể vào hàng ngũ “Việt kiều dỏm”.

Tuy nhiên, hai con người với hai vóc dáng bình dị hết mức cộng với hành trang trên vai, chúng tôi chẳng có tí gì để được xếp vào thành phần Việt kiều, cho dù là “Việt kiều dỏm”. Chúng tôi còn kém xa những đồng bào trong nước, khi họ đi làm hay khi đi du lịch, sống tại các thành phố đầy vẻ văn minh trần trụi.Vì vậy, nghĩ đến mà vui, cái vui của tuổi già.Vì mình được làm bạn đồng hành với bạn hữu, những người viễn xứ “u uất nỗi bơ vơ” (thơ Vũ Hoàng Chương)

Sau giấc ngủ êm ả, hai chúng tôi ra phố tìm một chỗ ăn trưa. Cửa tiệm ăn chúng tôi bước vào là một địa điểm ăn có tiếng tại khu vực đó, như lời một trong hai thiếu nữ ngồi cùng bàn với chúng tôi nói thế. Hai chúng tôi rời xa Hà Nội lâu lắm rồi, nay vì nhớ mà trở về…Vừa lạ lẫm mà lại như gần gũi. Vừa ghét mà lại như thân thương. Phải chăng Thăng Long hay Hà Nội này, cũng là giòng máu di duệ của Bách Việt! Còn được bao nhiêu!

Rời tiệm ăn, chúng tôi trở ra phía hồ Hoàn Kiếm, nhẹ bước hết một vòng, thỉnh thoảng dừng chân ghi một vài tấm hình, Duyệt gọi là “Hình ảnh người Thăng Long”. Sau đó, Duyệt kéo tôi đi qua một vài phố cổ, từ Lò Sũ xuống Bà Triệu, qua Lý Thường Kiệt rồi tới phố Hàm Long. Anh dừng lại ở một góc phố này, nói vài lời về hình bóng cũ của nó. Anh nói nhỏ, khu nhà tôi trước kia đây… Anh lặng lẽ rời gót…Mái nhà xưa của anh nay không còn. Chỉ thấy những hình ảnh xa lạ, những kẻ xa lạ. Anh cũng là kẻ xa lạ đối với mảnh đất này. Xa lạ trước ngôi nhà của mình! Anh đâu còn thấy một dấu chân xưa nào của anh nơi đây nữa!

Ngày hôm sau Chủ nhật, Duyệt đi Vĩnh Phúc Yên, tôi đi lễ ở nhà thờ lớn. Chiếc taxi chở chúng tôi dừng lại trước cửa nhà thờ, tôi xuống xe, còn Duyệt tiếp tục cuộc hành trình dài. Sau lễ, một đứa cháu đưa tôi về quê, dự tính ngày thứ năm, tôi sẽ lên Hà Nội cùng Duyệt đi thuyền trên một đoạn sông, có di tích bãi cọc của trận Bạch Đằng. Thế nhưng, mấy ngày sau, vào một buổi chiều, lúc tôi đang ngồi trên bờ một con mương câu cá, (trước khi đi, một cô cháu nói là để cháu lấy cái giỏ cho cậu. Tôi bảo, “cậu đi câu không cầu được cá”. Nó cười: “Chẳng có ai như cậu.”), thì chuông điện thoại reo. Có tiếng của Duyệt…Tôi nghe hình như anh có chuyện gì đó, phải trở về Mỹ ngay, nhưng không rõ nên tôi nói: “Tôi đang câu cá ở ngoài ruộng, gió lớn quá không nghe rõ. Tối anh gọi lại.”

Tôi bỏ ngang việc câu cá, trở về đợi điện thoại của Duyệt. Sau bữa cơm tối, giữa lúc các con cháu của anh chị tôi có mặt, Duyệt gọi điện cho tôi. Đúng là anh phải về Mỹ gấp. Hai ngày vừa qua, anh đã phải xoay sở để có vé về Mỹ. Mọi chuyện đã xong. Anh hỏi tôi có giữ phòng ở khách sạn không, nếu cần thì anh sẽ giữ lại.Việc thứ hai là anh còn một tí việc nhờ tôi giúp, trao cho người thân của anh ở Xóm Mới, tôi đã tới nhà hôm trước. Việc này, anh gửi văn phòng khách sạn, nhờ họ trao lại cho tôi. Duyệt cũng liên lạc với con gái tôi trong Sài-Gòn, nó bèn gọi điện cho một đứa cháu tôi ở Hà Nội, nhờ đến khách sạn đó ngay, gặp ông Duyệt. Ông đưa cái gì thì nhận, rồi mang về quê cho ông. Đứa cháu tôi trở về, mừng quá, vì “đã gặp ông bạn của ông”.

Tôi kể chuyện này ra, vì nó mang một kỷ niệm trong tuổi già của hai chúng tôi, cũng rất khó quên trong ký ức của mỗi người. Vì lúc còn trẻ, hai chúng tôi cũng đã có những việc, không lừng lẫy gì, nhưng cũng gọi được là một nỗ lực của tuổi trẻ. Trong chiến tranh và trong các thế lực, chúng tôi không đứng bên lề.

Trở về quá khứ.

 

Tạm lấy cái mốc thời gian tôi và Đỗ Đình Duyệt gặp nhau qua Đỗ Tất Phú, là vào năm 1963. Nay tròn 50 năm, trước đó vài năm nữa là con số lẻ. Số lẻ này dành riêng cho Phú.

Vào một buổi sáng, tôi thấy có hai thanh niên đến thuê nhà, chung một căn gác với tôi, trên đường Nguyễn Thông, trước cổng vào ga xe lửa Hòa Hưng. Dáng hai người này cũng bình thường, cả hai dong dỏng cao. Một người lâu lâu nhìn tôi cười lặng lẽ, còn người kia thì có da mặt tái xanh, sống mũi quặp xuống, ít khi ở nhà. Họ không ở lâu.Một hôm, người thanh niên hay nhìn tôi cười, đến bên tôi, lấy ra trong túi áo một tấm hình, đưa cho tôi xem, rồi hỏi: “Cậu có biết ông này là ai không?” Tôi nói ngay: “Nguyễn Thái Học”. Anh ta bảo: “Cậu có con mắt tinh đời”. Rồi anh cho biết tên là Đỗ Tất Phú, người kia là Cao Thế Dung.

Một sáng nọ tôi đi học về, không thấy hai người đó. Chủ nhà nói hai cậu ấy đã dọn đi nơi khác.Tôi quên họ ngay. Ít lâu sau tôi cũng không ở đó nữa. Tôi lên Ban Mê Thuột, sống vài năm, trở lại Sai-Gòn năm 1960, thuê căn gác của một y tá “ chích theo toa bác sỹ”, đường Nguyễn Thông nối dài, gần cống Bà Xếp, khu vực nổi danh về bất ổn xã hội.

Như thường lệ, lúc chiều tối, tôi thường “xuống núi” ra ngoài ăn cơm, quán cơm bình dân, bên cạnh đường rầy xe lửa. Đi được một quãng thì chợt thấy Đỗ Tất Phú đang đạp xe về phía tôi. Tôi bật tiếng gọi anh. Nghe có người gọi, Phú dừng xe, nhận ra tôi.

Tôi hỏi:

– Đi đâu thế, anh Phú?

– Tớ đi tìm chỗ trọ, không có tiền trả tiền mướn nhà, chủ nhà họ đuổi, không cho ở nữa.

– Anh về ở với tôi.

Tôi dẫn Phú trở lại gác trọ, đẩy chiếc xe vào trong nhà, rồi trở ra quán cơm ăn tối. Từ đó Phú sống với tôi.

Một thời gian sau, tại gác trọ này hay tại một vài nơi khác, tôi gặp lại Cao Thế Dung. Theo lời Phú, lúc trước, Cao Thế Dung nghi tôi là việt cộng nằm vùng vì tôi là người Bắc mà sao lại ở nhà người miền Nam, và có lẽ thế mà hai người này đã không ở căn gác đó lâu. Ngoài Cao Thế Dung ra, tôi còn được là bạn với Đỗ Đức Thịnh, “cây thuốc lào” tại Đại học Văn khoa Sài-Gòn, Nguyễn Cái Thế, con của cụ Nguyễn Văn Lực, trong nhóm Caravelle; Nguyễn Tường Uyển, con gái của cụ Toan Ánh, một học giả về phong tục học Việt Nam. Sau này, Nguyễn Cái Thế và Nguyễn Tường Uyển nên duyên vợ chồng; rồi Lưu Thái Hưng, Đỗ Đình Duyệt.

Tôi với Phú khác biệt về quan điểm chính trị, và có lẽ các bạn anh cũng vậy. Tôi làm cho tờ nhật báo Dân Việt, khuynh hướng Ngô Đình Diệm, còn Phú thì tôi không thấy anh có những hành động cụ thể nào để nói là chống ông Diệm. Ngay đến “nhóm” của anh, mãi sau ngày có cuộc đảo chính năm 1963, khi các anh nhờ tôi viết bài cho tờ Sống Động, tiếng nói của Tổng bộ Thanh niên Sinh viên VNQDĐ, thường gọi là Tổng bộ Yên Bái, tôi thật sự mới biết quan điểm và lập trường chính trị của các anh. Còn trước đó một đôi lần trong chỗ riêng với tôi, Phú chỉ phê phán một cách chung chung chính sách của ông Diệm, không khác biệt lắm với những khuynh hướng chống Ngô Đình Diệm. Vì vậy giữa chúng tôi có một tình thân thiện. Chúng tôi tôn trọng nhau.

Tổng bộ Yên Bái là một tổ chức trí thức trẻ của VNQDĐ, do Đỗ Tất Phú và Đỗ Đình Duyệt vận động thành lập. Phú giữ vai Chủ tịch, Duyệt phó chủ tịch, Phạm Nam Sách ủy viên Tuyên huấn và một số ủy viên khác, như Nguyễn Cái Thế, Nguyễn Tường Uyển, Lưu Thái Hưng, Đỗ Đức Thịnh, Quách Trọng Phụ v.v…Tổ chức này có khuynh hướng độc lập, không thuộc hệ phái nào, nhưng có liên hệ mật thiết với gánh Chủ Lực do Lê Hưng lãnh đạo, trong đó có Chu Tử Kỳ.

Từ dạo đó đến nay, 50 năm rồi. Những chuyện liên quan đến Đỗ Tất Phú và tôi, đều đã được ghi lại trong truyện Ngọn nến ăn năn. Trong cuốn này, tôi viết về đời sống của hai chúng tôi trong gác trọ một cách đầy đủ, tôi cũng nói đến tập truyện ngắn Ba mẹ con của Phú, qua bút hiệu Đỗ Ngọc Trâm. Tập truyện mô tả một phần nào đời sống của một bộ phận thanh niên ngày ấy có một lý tưởng, một hoài bão, nhưng bế tắc. Nó phản ảnh con người tác giả của nó nói riêng và những thành phần thanh niên giữa thời loạn. Nhưng, chuyện đấu tranh và với nhóm bạn hữu của Phú trên đây, là một chuyện hệ trọng của các anh, tôi không thể nói theo cảm tính, hay văn chương hư cấu. Vì vậy, trong cuốn truyện của tôi, vấn đề này không được đề cập tới. May mà Đỗ Đình Duyệt về Việt Nam dịp Tết Quý Tỵ vừa rồi, tôi lại là người được anh ghé chơi, lại dành cho tôi gần trọn một đêm tâm sự tại căn gác nghèo của tôi. Nhờ đó tôi hỏi lại chuyện của Phú và các anh, được anh nhắc lại một vài chi tiết. Vì thế, tôi an tâm công bố ra đây. Chỉ tiếc rằng, Đỗ Tất Phú đã không còn nữa. Anh đã nằm xuống tại mảnh đất miền Tây, quê hương của vợ anh.

Nhớ Đỗ Tất Phú, viết về anh ít hàng nơi đây, nhắc lại một thời tranh đấu của anh, là một nén hương tinh thần, tôi xin dâng lên anh linh người bạn hiền của tôi.

Trong cái đêm ngủ tại nhà tôi, Đỗ Đình Duyệt đã nhớ lại đám cưới của tôi vào đầu tháng 12 năm 1971, tiệc cưới tổ chức tại Trường Đại học Thành Nhân, tiền thân của nó là Viện Khoa học Giáo dục Sài-Gòn, góc đường Hùng Vương-Nguyễn Tri Phương, do Tiến sĩ Mai Tâm, Sư huynh dòng Lasan Taberd làm Viện trưởng. Duyệt kể, trước khi anh và Lưu Thái Hưng bước vào phòng tiệc, hai anh đã phải đi tới đi lui khu vực đó mấy lần, nghe ngóng xem bên trong có động tĩnh gì không, rồi mới vào. Bởi vì, thời gian ấy, mật vụ của chế độ đang ráo riết theo dõi dư luận xôn xao về việc ông Nguyễn Bảo Kiếm, án tử hình khiếm diện trong vụ đảo chính ngày 19/2/1965 truất phế Tướng Nguyễn Khánh, có thể hiện diện trong một cuộc hội ngộ thân hữu nào đó mà họ không nắm được địa điểm và thời gian. Khi ấy, hình ảnh ông Kiếm treo khắp Sài-Gòn Chợ Lớn, với số tiền thưởng lên tới hàng chục triệu đồng cho ai bắt được hay chỉ nơi ẩn nấp của ông. Một người trong thân thuộc của Đỗ Đình Duyệt, phong thanh nghe nói anh sẽ có mặt trong buổi hội ngộ thân hữu ấy, đã gợi ý anh nộp “cái đầu” Nguyễn Bảo Kiếm để nhận lãnh món tiền thưởng khổng lồ này. Cái “buổi hội ngộ thân hữu” mà nhà đương cuộc ngày ấy muốn biết, không ngờ lại là bữa tiệc cưới đơn giản của vợ chồng chúng tôi.

Tôi nghe chuyện này mà thót giật mình. Ngày đó tôi hoàn toàn không biết đến dư luận ấy. Lúc tôi đi gặp ông Nguyễn Bảo Kiếm mời dự tiệc cưới của tôi, ông chỉ nói với tôi là đừng nói cho ai biết ông có mặt. Và tôi đã hoàn toàn giữ im lặng, cho mãi khi ông bước vào phòng tiệc cùng với Bác sỹ Trần Kim Tuyến, Luật sư Phạm Kim Vinh v.v…

Đỗ Đình Duyệt không nói ra điều này, chắc chắn nó cũng chìm xuống hố thẳm của đời tôi thôi. Như thế đủ biết, lời Kinh thánh nói không thể qua đi, cho dù một dấu phẩy.

“Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.” (Lc 12,2)

Khải Triều

(Ngày 13/5/2013)

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search